thảo luận PSG - sự phi lý thời Covid-19

Cryolite.2

Member
https://vnexpress.net/psg-su-phi-ly-thoi-covid-19-4348024.html
PHÁP-Giữa xu thế tiết kiệm từng xu mùa dịch, PSG vẫn mua sắm rầm rộ để tạo nên một trong những kỳ chuyển nhượng ấn tượng bậc nhất lịch sử.

Đội hình vốn đã lắm sao của PSG thêm chật chội khi có thêm Messi cùng loạt tân binh hàng hiệu đổ bộ xuống Camp des Loges hè này. Ảnh: Twitter / PSG

Đội hình vốn đã lắm sao của PSG thêm chật chội khi có thêm Messi cùng loạt tân binh hàng hiệu đổ bộ xuống Camp des Loges hè này. Ảnh: Twitter / PSG

Chỉ trong một tháng, PSG đã chiêu mộ thành công đội trưởng của Real Madrid Sergio Ramos, đội trưởng tuyển Hà Lan tại Euro 2021 Georginio Wijnaldum, đội phó AC Milan, Cầu thủ hay nhất Euro 2021 Gianluigi Donnarumma và cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử Barca Lionel Messi mà không tốn một xu chuyển nhượng.

Đội chủ sân Parc des Princes chỉ mất 70 triệu USD để sở hữu Achraf Hakimi - hậu vệ phải 22 tuổi đầy tiềm năng và là nhân tố chủ chốt giúp Inter vô địch Serie A mùa trước với bảy bàn và tám kiến tạo sau 37 trận. Sau khi bị Lille phế ngôi tại Ligue 1, PSG vung tiền không tiếc tay để tạo nên một trong những kỳ chuyển nhượng ấn tượng nhất trên lịch sử.

Đây là thói quen của Qatar Sports Investments (QSI) - công ty làm chủ PSG, từ khi nắm toàn quyền điều hành vào năm 2011. Mùa 2011-2012, Montpellier - với chủ công Olivier Giroud đoạt ngôi Vua phá lưới với 21 bàn cùng chín kiến tạo - đã bất ngờ vượt mặt PSG để lên ngôi vô địch Ligue 1.

Ngay từ giữa mùa giải này, đội bóng thành Paris đã thay tướng, khi bổ nhiệm Carlo Ancelotti thay Antoine Kombouaré. Đến kỳ chuyển nhượng hè 2012, PSG tiếp tục gây tiếng vang khi chiêu mộ Zlatan Ibrahimovic, Thiago Silva và Ezequiel Lavezzi.

Tới mùa 2016-2017, Monaco, với dàn tài năng như Kylian Mbappé, Radamel Falcao, Thomas Lemar hay Bernardo Silva, dưới trướng HLV Leonardo Jardim đã lật đổ PSG tại Ligue 1. Ngay sau đó, PSG đã nổ liền hai bom tấn đắt nhất lịch sử, Neymar với giá 263 triệu USD từ Barca, và Mbappe - theo dạng cho mượn kèm điều khoản bắt buộc mua với giá 220 triệu USD ở hè tiếp theo.

Điều này một lần nữa tái diễn ở kỳ chuyển nhượng này, sau khi PSG bị Lille phế ngôi tại Ligue 1. Cả năm cái tên được PSG đưa về hè 2021, trong đó có bốn thương vụ không mất phí chuyển nhượng, đều là ngôi sao hàng đầu ở vị trí của họ, và thừa sức chen chân vào đội hình chính của PSG, nếu đạt thể trạng tốt nhất. Việc PSG luôn lao đầu vào thị trường chuyển nhượng mỗi khi thất bại tại Ligue 1 đã đập tan ý kiến cho rằng các ông chủ sở hữu Qatar không quan tâm tới danh hiệu quốc nội.

PSG trình làng dàn tân binh hàng hiệu trong trận sân nhà đầu tiên của mùa giải hôm 14/8. Ảnh: AFP

PSG trình làng dàn tân binh hàng hiệu trong trận sân nhà đầu tiên của mùa giải hôm 14/8. Ảnh: AFP

Vì khó khăn tài chính thời Covid-19, nhiều ông lớn phải chắt chiu từng xu, và thậm chí đề nghị các cầu thủ giảm lương, hoặc hoãn nhận lương. Barca hùng mạnh trở thành chúa chổm, với 1,59 tỷ USD tiền nợ vì gánh nặng quỹ lương và loạt vụ làm ăn không hiệu quả từ đời chủ tịch trước. Họ cũng không thể giữ chân Messi vì lí do này. Real Madrid liên tục cắt giảm nhân sự, tiền lương, và chỉ tuyển mộ David Alaba - bom tấn duy nhất trong bốn kỳ chuyển nhượng gần nhất - theo dạng chuyển nhượng tự do. Bayern thì vẫn tiếp tục thắt lưng buộc bụng và bắt đầu xuất hiện những mâu thuẫn nội bộ vì mức lương.

Riêng PSG, nhờ sự hậu thuẫn của các ông chủ Qatar, vẫn tuyển mộ tưng bừng và sẵn sàng đáp ứng mức lương khổng lồ - điều hiếm thấy và khó giải thích trong thời Covid-19 - để thuyết phục các ngôi sao. "Kinh đô thời trang" Paris bỗng trở thành điểm đến trong mơ với mọi cầu thủ.

Messi giờ đây sẽ có dịp khám phá những điều điên rồ tại Ligue 1: được MC nổi tiếng của Canal+ Laurent Paganelli phỏng vấn bằng tiếng Pháp sau mỗi trận, bị chấm điểm ba bởi L'Équipe hay bị người hâm mộ chế giễu trên mạng xã hội. Với nhiều người, việc Messi thi đấu cùng Neymar, Mbappe, Di Maria, Verratti hay Sergio Ramos vẫn là viễn cảnh khó tin, và cần thời gian để làm quen.

Nhưng việc PSG tuyển mộ hàng loạt ngôi sao có thể là "hung tin" với Mauricio Pochettino. Thành tích của PSG có phần sa sút từ khi HLV Argentina thay thế Thomas Tuchel hồi đầu năm. CLB này thua Lille trong cuộc đua Ligue 1, bị Man City loại khỏi bán kết Champions League với tỷ số 1-4, và chỉ đoạt Cup Quốc gia Pháp mùa trước.

Pochettino giờ đây đối mặt với áp lực lớn, bởi chỉ có danh hiệu Champions League mới được xem là tương xứng với sức mạnh PSG. Ngoài ra, họ cũng phải chinh phục đủ bộ ba danh hiệu quốc nội, gồm Ligue 1, Cup Quốc gia Pháp và Cup Liên đoàn Pháp. Pochettino cũng cần thể hiện bản lĩnh để kiểm soát phòng thay đồ của PSG - nơi được "nhồi nhét" với đầy những ngôi sao với cái tôi lớn. Mbappe là cầu thủ đầu tiên tỏ sự không hài lòng. Tiền đạo người Pháp đang đòi sang Real Madrid ngay hè này và nếu không được toại nguyện, thuyết phục anh cống hiến tốt nhất cho PSG sẽ là bài toán với HLV người Argentina.

Mùa tới, PSG sẽ hướng đến độc chiếm kỷ lục về mạch bất bại, với 32 trận do Nantes lập nên khi CLB này vô địch Ligue 1 mùa 1994-1995. Nantes, mùa đó, chỉ thua Strasbourg, và cũng lập kỷ lục về số trận thua ít nhất trong một mùa giải. Thực tế, PSG bắt kịp kỷ lục 32 trận bất bại liên tiếp ở Ligue 1 ấy trong mùa 2015-2016. Nhưng giờ đây, với hàng loạt cầu thủ xuất chúng, PSG sẽ mơ và có bổn phận phải bất bại cả 38 trận để vượt qua Nantes.

Tìm ra một phương án đủ cân bằng, dung hoà các cá tính và chinh phục mọi danh hiệu là những thách thức cực đại cho Pochettino, dù ông đang sở hữu đội hình mà mọi đồng nghiệp đều ghen tị. Ảnh: PSG.fr

Tìm ra một phương án đủ cân bằng, dung hoà các cá tính và chinh phục mọi danh hiệu là những thách thức cực đại cho Pochettino, dù ông đang sở hữu đội hình mà mọi đồng nghiệp đều ghen tị. Ảnh: PSG.fr

Thoạt nhìn, đó hẳn là nhiệm vụ dễ dàng với đội hình toàn sao của PSG. Nhưng nhiều năm qua, họ từng sảy chân trước những đối thủ được đánh giá yếu hơn nhiều như Bastia, Nice, Reims, Guingamp, Lille hay Lorient. Trong trường hợp PSG không thể đòi lại ngôi vương từ Lille, nhiều anti-fan sẽ hả hê và nhắc đi nhắc lại câu cửa miệng "Tiền không mua được danh hiệu".

Cũng có những lo ngại về việc lối chơi của PSG sẽ mất cân bằng, khi họ chỉ tập trung tăng cường hỏa lực cho hàng công mà bỏ quên hàng thủ. Ramos có đẳng cấp và kinh nghiệm, nhưng anh đã 35 tuổi và phải hoãn ngày ra mắt PSG tới hai tháng vì chấn thương đùi. Mùa trước, Ramos nghỉ thi đấu trong tám giai đoạn, chủ yếu vì chấn thương và nhiễm nCoV. Anh vắng tổng cộng 35 trận của Real, và bị gạch tên khỏi danh sách dự Euro 2021 vì những lý do trên.

"Nhìn chung, những đội không để lọt lưới nhiều thường cách danh hiệu không quá xa, kể cả Champions League. Khi bạn có những cầu thủ xuất sắc, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn một chút. Tuy nhiên, PSG lúc này để lọt lưới quá nhiều. Nên nhớ sự cân bằng là quan trọng nhất", cựu tiền đạo Thierry Henry cảnh báo PSG. "Chúng ta luôn nói về những cầu thủ xuất sắc và khả năng tấn công, nhưng chúng ta cũng cần sự cân bằng. Mọi người thường nói về khả năng tấn công của đội bóng mà tôi từng thi đấu, Barca, nhưng đừng quên chúng tôi không để lọt lưới nhiều".

Nhưng đó là phong cách của PSG. Đội bóng của thủ đô Paris tráng lệ cần những ngôi sao, những viên kim cương lấp lánh và luôn tỏa sáng - như cách họ công bố hợp đồng với Messi hôm 10/8. Hiếm khi người hâm mộ được chứng kiến các cầu thủ tấn công hay nhất thế giới bóng đá thi đấu dưới cùng một màu áo. PSG là CLB phi lý, kể cả trong khâu chuyển nhượng, với mục đích quyến rũ người hâm mộ bằng những ngôi sao hàng đầu và quảng bá thương hiệu ra toàn thế giới.

Khi tiếp quản PSG năm 2011, QSI đã đặt mục tiêu điên rồ, là tìm kiếm những bản sao của Messi, hoặc các cầu thủ tiệm cận trình độ siêu sao này để đua tranh Champions League. Khi chính sách này vẫn chưa thể giúp họ hiện thực hoá giấc mơ hoá rồng, vô địch châu lục, họ chuyển hướng sang săn Messi "bản gốc" và toại nguyện ở kỳ chuyển nhượng hè 2021, nhờ túi tiền không đáy cùng cuộc khủng hoảng tại Barca.

Người đứng đầu QSI - ông Nasser Al-Khelaifi - cũng là Chủ tịch của PSG. Theo Reuters, QSI trực thuộc Bộ Tài chính Qatar và Uỷ ban Olympic Qatar. Điều đó đồng nghĩa với việc PSG nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước Qatar, đại diện cho tham vọng khuếch trương hình ảnh của quốc gia này, chứ không phải một quỹ đầu tư độc lập. Bên cạnh những hợp đồng béo bở, việc chiêu mộ Messi sẽ giúp nâng tầm, phát triển hình ảnh và khẳng định vị thế của Qatar trước World Cup 2022.

Sự xuất hiện của Messi tại Paris cũng khơi dậy một điều gì đó chưa từng có tại Parc des Princes, điều mà hai ngôi sao đắt giá nhất lịch sử Neymar và Mbappe cũng không thể tạo ra. Đó là niềm vui, sự cuồng nhiệt, điên rồ, mong đợi và có cả ghen tị, và mong muốn nhìn thấy tập thể toàn sao này sụp đổ.

...

Lịch sử PSG không thiếu những ngôi sao. Neymar từng ra mắt PSG tại tháp Eiffel năm 2017. Ibrahimovic cũng được CLB "trình làng" dưới chân ngọn tháp biểu tượng này năm năm trước đó. David Beckham, Quả Bóng Vàng năm 2005 Ronaldinho hay Quả Bóng Vàng năm 1995 George Weah cũng từng khoác áo PSG, nhưng không ai có thể sánh được với Messi về vị thế và tầm vóc. Ngôi sao 34 tuổi được chào đón như vị vua mới tại PSG, được ví như bức hoạ Mona Lisa.

Những CĐV trung thành của PSG từng phải "chịu đựng" những cầu thủ tầm trung như Souza, Everton, Semak, Martel, Ouédec, Edmilson hay Landrin, giờ đây sẽ tận hưởng việc theo dõi những ngôi sao như Messi, Ramos, Neymar hay Mbappe phối hợp, trình diễn, ghi bàn và ăn mừng mỗi tuần.

Như nam tài tử Franck Dubosc từng nói trong bộ phim hài Incognito: "Thật tuyệt khi trở nên giàu có".
 
Trong 1 năm nhiều biến số dễ xảy ra lắm :LOL: Thánh Vini lạiđangđánh mất mìnhở Real, có khi nào:LOL:
 
Back
Top