thảo luận [Review] Mưa giữa chiều thẳng đứng

Kaori Miyazono

Senior Member
Tuỳ vào mục đích của người làm phim mà mỗi cơn mưa đi qua đều mang tới những ý nghĩa khác nhau.

Trong Hoa Dạng Niên Hoa, cơn mưa là nơi trú ngụ tạm thời duy nhất để hai con người vụn vỡ vì tình có thể đứng kế nhau.

Trong Casablanca, cơn mưa lại là lời từ biệt của hai nhân vật chính, trước khi máy bay cất cánh và có thể không còn gặp nhau nữa.

Trong Breakfast at Tiffany’s, cơn mưa là lúc cảm xúc của nhân vật bị đẩy lên đỉnh điểm nhất, và họ giải quyết những rối bời đời nhau ấy trong một con ngõ đen hẹp, hôi thối, giữa mưa dông tràn khắp New York.

Trong Singin’ In The Rain, mưa lại là lúc chàng trai sung sướng cất cao tiếng gọi ái tình.

Những cơn mưa khác nhau rơi trong những cuốn phim khác nhau vì nhữn xúc cảm khác nhau. Cũng chính cơn mưa ấy, nhưng qua góc nhìn của Lee Yoon-ki lại trở thành thứ níu kéo hai con người từng gắn bó lại với nhau, như dính băng keo lên mảnh kính vỡ, cố gắng nhưng vụng về.

………..

281473940_1033333697285730_4524439069293707366_n.jpg


Come Rain Come Shine gần như là một phim one-location film – hiểu nôm na là những bộ phim hầu như chỉ đặt trong một địa điểm. Kiểu phim này thường cho người xem ngắm nhìn nhân vật bí bách kẹt trong không gian xung quanh mình. Ví dụ như trong 12 Angry Men, người xem mắc kẹt trong một phòng xử án ; Trong Reservoir Dogs lại là trong một nhà kho cũ kĩ; Đến Rear Window thì lại mở rộng hơn: một cửa sổ trông ra toà chung cư đối diện,… Những không gian mắc kẹt này dường như trở nên chìm xuống, buộc khán giả phải tập trung hoàn toàn vào nhân vật. Trong Come Rain Come Shine, đa phần thời lượng phim diễn ra trong chính căn nhà của hai nhân vật chính, còn lại là 10 phút đầu phim nhưng chẳng khác là bao, khi địa điểm lúc này là trong một chiếc ô tô – một không gian còn hẹp hơn nữa. Hai nhân vật cũng vì thế mà rơi vào thế kẹt: kẹt với nhau một cách ngượng ngịu và lối cư xử dần trở nên khách sáo.

Chỉ mất mười phút đầu để Lee Yoon-ki set-up tình huống: một người vợ quyết định rời bỏ chồng mình để bỏ đi cùng người tình, và 90 phút còn lại là buổi chiều cuối cùng của cả hai trước khi cô kịp thực hiện điều đó. Im Soo Jung dùng lối diễn lạnh băng cho nhân vật nữ thật phù hợp trong không khí. Nàng thốt ra một chuyện tưởng chừng hệ trọng như vậy một cách thật bình thản, và nhân vật người chồng của Hyun Bin cũng không ra sức tức giận, chán ghét mà chỉ chấp nhận một cách từ tốn. Không khí bình tĩnh đến ngạc nhiên đó chạy dài xuyên suốt phim, đến mức khi người mẹ gọi điện tới còn phải thốt lên, đại ý rằng “Mẹ cũng chẳng hiểu nổi hai đứa đang nghĩ gì nữa.”

……….

Hyun Bin lẫn Im Soo Jung nhận lời mời đóng phim mà chẳng có đồng cát-xê nào, nhưng điều đó không khiến lối diễn của cả hai thiếu đi sự tinh tế cần có. Cơn mưa khiến cả hai người không thể rời khỏi căn nhà được, nên họ nhìn nhau có chút sượng, tránh ánh mắt. Ở nửa đầu thời lượng phim, hai nhân vật cũng ít ở cạnh nhau mà liên tục tách ra, vào những căn phòng khác, làm những hành động khác, trú ngụ trong những miền ký ức riêng biệt, quanh quẩn qua lại trong không gian. Điểm chung nhất trong những phân đoạn này là thiếu sự liên kết: họ mải luẩn quẩn trong những ý nghĩ riêng. Có lẽ căn bếp ở cuối phim mới là nơi cả hai thực sự tìm được thứ liên kết đã mất. Cái khoảnh khắc hai vợ chồng cùng nhau làm mì Ý ấy, xem mà quặn cả lòng lại vì xót.

Người làm phim chắc chẳng có ý định thuyết giảng gì cho cam. Họ sẽ không bảo người vợ đáng trách vì ngoại tình, hay người chồng đáng giận vì dễ dãi… Đó hoàn toàn là do góc nhìn của độc giả. Trong phim, ta – tức khán giả - đóng vai kẻ tọc mạch vào đời tư của một đôi vợ chồng trong một cơn mưa khó dứt. Việc bị động trong điểm nhìn này vô hình chung cũng tước mất của ta quyền đánh giá: ta chẳng thể đánh giá hay giáo giảng xem ai đúng, ai sai vì điều đó hoàn toàn chẳng cần thiết. Một trải nghiệm hoàn toàn thuần khiết: người xem chỉ xem. Một điều nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng biết làm cho thật đúng. Nhưng Lee Yoon-ki thì có, và điều đó gợi cho tôi về Hong Sang Soo theo một lẽ kỳ lạ.

come-rain-come-shine3_w600_h600.jpg


“Come Rain” là rõ, khi cơn mưa là thứ chính nhất níu kéo cả hai nhân vật trong buổi chiều cuối cùng. Vậy còn “Come Shine”? Tôi chẳng rõ. Chỉ có 2 phân cảnh cực ngắn cho thấy nắng lên, rọi nhẹ qua cửa kính, tràn khắp ghế và sàn nhà. Đến tận khi cuối mưa còn chưa dứt, phải chăng đó là cảnh trí thoáng qua của ngày hôm sau?

……….

Tôi không ngại để người đọc tự mường tượng ra được đoạn kết của phim, bởi theo tôi đó không phải điều khó đoán. Nhưng tôi lại muốn người đọc mường tượng được cảm giác khi theo dõi một cuốn phim chậm thế nào, cảm thế nào, “phiêu” thế nào. Bạn có đọc cảm nhận chán chê cũng không thể đem lại xúc cảm nào ngang bằng cảm giác lần đầu được xem một cuốn phim cả.

Vậy phim để ngỏ lại cho ta những gì?

Một cơn mưa nặng hạt.

Một vòi nước chảy.

Một đĩa mì Ý.

Một con mèo.

“Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”, nàng nói, mắt vẫn đăm đăm nhìn về phía con mèo nhỏ.

“Người yêu tôi nằm cạnh một con mèo
Cạnh một ánh trăng
Cả ba ho húng hắng.”

(Mở lời - Nguyễn Bình Phương)

Nguồn: Anime Reviewer-Văn Hoá 2D và hơn thế nữa
https://www.facebook.com/reviewerch...w56uS4rMgMopcTxUn3S7y7KS5kuz7hKcfrYVRaNwrW5ol
 
Back
Top