Sẽ có thêm nhiều công nhân bị ảnh hưởng đến việc làm trong thời gian tới

Resius

Senior Member
Dự báo quý IV.2022 và quý I.2023, nhiều doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng đến đơn hàng và ngay sau đó việc làm của công nhân, người lao động sẽ bị “đe doạ”.

Sẽ có thêm nhiều công nhân bị ảnh hưởng đến việc làm trong thời gian tới
Nhiều công nhân sẽ bị mất việc do doanh nghiệp tuyên bố giải thể, không có đơn hàng để sản xuất. Ảnh Tường Minh

Dự báo nhiều ngành nghề tiếp tục bị ảnh hưởng
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tính đến ngày 1.12, có 1.235 doanh nghiệp thuộc 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động. Hơn 430.660 người lao động bị giảm giờ làm và có đến trên 41.550 lao động bị thôi việc, mất việc.

Theo đơn vị này, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II.2023 khiến nhiều lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống...

Theo thông tin tổng hợp từ Công đoàn cơ sở, dự kiến trong tháng 12.2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 công nhân, lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm 15.769 lao động.

Trao đổi với PV, ông Đào Quang Vinh – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, cả doanh nghiệp và người lao động đều chịu tác động sau đại dịch COVID-19. Người lao động có bao tiền của tiết kiệm đều bỏ ra chi tiêu, trang trải cuộc sống. Nay, lại thêm tác động doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, công ăn việc làm của họ lại tiếp tục bị ảnh hưởng.

Chuyên gia này dự báo quý IV.2022 và quý I.2023, nhiều doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng đến đơn hàng và ngay sau đó việc làm của người lao động sẽ bị “đe doạ”.

Ông Vinh cho biết, một số lĩnh vực như xuất khẩu trong ngành chế biến, chế tạo trong thời gian tới tiếp tục gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực lại thu hút công nhân, lao động như dịch vụ, xây dựng, nông nghiệp… Những lĩnh vực này tiếp tục tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Cần giải pháp tổng thể
Trước tình trạng trên, bà Trần Thị Thanh Hà cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo Công đoàn cơ sở theo dõi sát sao, nắm tình hình của doanh nghiệp, của đoàn viên, người lao động để tham gia, đề nghị người sử dụng lao động sớm xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023, công bố tới toàn thể người lao động trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày.

Quang cảnh buổi họp thống nhất kế hoạch hỗ trợ công nhân bị mất việc vào ngày 10.11 giữa đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh An Giang và Công ty TNHH An Giang Samho. Ảnh: CTV

Quang cảnh buổi họp thống nhất kế hoạch hỗ trợ công nhân bị mất việc vào ngày 10.11 giữa đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh An Giang và Công ty TNHH An Giang Samho. Ảnh: CTV

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng phối hợp với các tổ chức, địa phương triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động; tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, người lao động, tổ chức công đoàn để trao đổi, thảo luận tình hình khó khăn của doanh nghiệp...

Đối với đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm, các cấp Công đoàn hiện đang tập trung triển các hoạt động chăm lo nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Dự kiến 1 triệu đoàn viên, người lao động được chăm lo từ nguồn tài chính công đoàn, với mức 500.000 đồng/người. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn còn tổ chức Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023” tại 22 tỉnh, thành phố nhằm bán hàng thiết yếu với giá 0 đồng, giá ưu đãi… cho đoàn viên, người lao động.
https://laodong.vn/cong-doan/se-co-...-den-viec-lam-trong-thoi-gian-toi-1123466.ldo
 
Back
Top