Một lãnh đạo cấp cao công ty Trung Quốc lại dấy lên cuộc tranh luận về văn hóa làm thêm giờ ở nước này trong bối cảnh nhiều người trẻ tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống.
Văn hóa làm thêm giờ vẫn phổ biến ở nhiều công ty công nghệ Trung Quốc.
|
Văn hóa làm thêm giờ vẫn phổ biến ở nhiều công ty công nghệ Trung Quốc. |
Gao Xinhua, phó chủ tịch điều hành công ty sản xuất ôtô Chery Automobile, viết trong email gửi nội bộ công ty rằng "thứ 7 nên là ngày làm việc bình thường" và bộ phận pháp lý của công ty nên "nghĩ về việc làm thế nào để tránh rủi ro pháp lý" liên quan đến nó. Ảnh chụp lại nội dung email này lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc hôm 7/3.
Ngày hôm sau, một đoạn ghi âm được cho là của Gao cũng được chia sẻ trên mạng. Trong đó, Gao biện minh cho các bình luận của mình, theo
Sixth Tone.
Gao thừa nhận với truyền thông đã gửi email gây tranh cãi, đồng thời nói thêm rằng làm việc vào thứ 7 "không phải là bóc lột".
Văn hóa làm việc quá sức, đặc biệt trong ngành công nghệ ở quốc gia tỷ dân, đã trở thành vấn đề gây chú ý những năm gần đây sau nhiều trường hợp tử vong. Tuy nhiên, kiểu làm việc này vẫn phổ biến, dù Tòa án Tối cao và Bộ Tài nguyên Nhân sự Trung Quốc năm 2021 đã tuyên bố văn hóa làm việc "9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần" (996) là bất hợp pháp, xâm phạm quyền lợi của người lao động.
Theo một cuộc khảo sát năm 2022 do nền tảng tuyển dụng 51Job công bố, hơn 90% người được hỏi cho biết phải làm thêm giờ, trung bình khoảng 60% phải làm thêm hơn 1 tiếng mỗi ngày.
Điều này vượt quá thời gian được quy định trong luật lao động của Trung Quốc. Theo đó, thời gian làm thêm giờ không được vượt quá 1 tiếng mỗi ngày hoặc 3 tiếng/ngày trong trường hợp đặc biệt.
Chấp nhận lương thấp để cân bằng cuộc sống
Trong các cuộc họp diễn ra trong năm nay tại Trung Quốc, Jiang Shengnan, nhà văn nổi tiếng và là thành viên Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC), cũng đã đề xuất một hệ thống làm việc toàn diện và khả thi. Bà kêu gọi ban hành một quy định nhằm đảm bảo một ngày làm việc 8 tiếng, điều vốn đã có trong luật lao động nhưng bị một số công ty thực thi lỏng lẻo.
"Con người không phải máy móc. Làm việc chăm chỉ và ngủ ngon hơn sẽ mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn", bà phát biểu.
|
Quan điểm của lãnh đạo công ty Chery Automobile gây tranh luận. Ảnh: VCG. |
Điều kiện làm việc khắc nghiệt cũng đang khiến nhiều người trẻ Trung Quốc quay lưng lại với các công việc và công ty khuyến khích văn hóa làm thêm giờ.
Một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 6/2022 cho thấy nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp sẽ chấp nhận một mức lương thấp hơn nhưng có thể mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn. Nhiều nhà tuyển dụng cũng xác nhận nhiều nhân viên gần đây có xu hướng ưu tiên khối lượng công việc nhỏ hơn khi tìm việc.
Nhiều nhân viên đã từ bỏ công việc lương cao cũng đang chia sẻ cảm xúc bản thân trên mạng xã hội. Một số cho biết đã rời bỏ công việc trong ngành công nghệ để thành người chăm sóc thú cưng, nhân viên bốc dỡ, bán đồ ăn nhanh hay nhân viên thu ngân.
Chen (25 tuổi) là một trong số đó. Sau 2 năm làm việc cho một công ty truyền thông, anh nghỉ việc ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam vào tháng 6/2022 và bắt đầu cuộc sống "nằm thẳng" (làm việc càng ít càng tốt) tại quê hương Trùng Khánh.