Serie những mẩu truyện ngắn trên báo tuổi trẻ chủ nhật xưa

Chuyện người và chuyện chó - Nguyễn Ngọc Thuần


Anh cán phải thằng bé lúc 7 giờ sáng. Điên thật, nó đã làm gì vào cái giờ sớm sủa như thế. Chiếc xe tải như nghiêng hẳn một bên. Cái gì đó vỡ ra thành tiếng bên dưới bánh xe. Anh không kìm tay lái được nữa. Những cảm giác hỗn độn vụt qua rất nhanh...

Anh đã chạy quá tốc độ qui định. Quá bản tính của mình. Bình thường chuyến quay về nào cũng chạy rất chậm, gần như trở thành thói quen. Và luôn xuất phát lúc 9 giờ. Đêm qua anh đi ngủ sớm. 5 giờ sáng dậy. Không biết làm gì, anh lên xe. 7 giờ cán thằng bé.

Nguyên nhân sâu xa việc cán thằng bé có lẽ là do đĩa nhạc rock thằng Toản bỏ sẵn trong máy từ hôm trước. Thứ nhạc kích động đã làm anh xung đột quá sức mình, không làm chủ được cảm xúc, và như một rocker anh lao đi.

Nhưng bấy nhiêu cũng không đủ dẫn đến việc cán thằng bé lúc 7 giờ. Tai hại là ở chỗ cái còi xe. Lúc thấy nó đứng bên kia đường anh đã bóp còi. Còi xe của anh to nhất thành phố. Anh vẫn hãnh diện với đám tài xế như vậy. Nó có khả năng làm dựng tóc gáy những thằng liều lĩnh nhất. Những thằng phóng xe bạt mạng. Những thằng nhóc con chạy lấn tuyến. Bây giờ tình thế tệ hơn nhiều. Tiếng còi đã làm con chó đang nằm yên ổn trong vòng tay thằng bé nhảy dựng lên, phóng vụt qua đường. Thằng bé đuổi theo. Anh không nhìn thấy gì sau tiếng bốp dưới lòng đường. Bánh xe trước khét lẹt, trượt đi, mất trọng tâm khoảng năm giây. Tai anh ù ù.

Tuy vậy anh vẫn lao đi.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi một chiếc xe chở hàng dài khoảng 10m cùng với hàng hóa trên nó cán qua một đứa trẻ? Một đứa trẻ da thịt mềm mại, những khớp xương mỏng tanh, bàn tay nhỏ, bả vai nhỏ, những ngón tay hồng hồng đầy mạch máu. Ít nhất nó kéo thằng bé đi một quãng đường bằng chiều dài gầm xe. Rồi tùy theo tốc độ của xe mà thằng bé trồi thêm một ít hoặc dừng lại ở góc đường.

Xa lộ vắng hoe. Chỉ có anh và gió và nắng buổi sáng trong lành. Hai hàng cây yên ả. Lưỡng lự giây lát, anh nhấn ga đi tiếp. Không ai có thể phát hiện ra vụ tai nạn. Một ngày trên xa lộ có hàng trăm chiếc xe qua lại. Cả trăm chiếc đều có thể cán thằng bé. Cả trăm chiếc đều có thể là kẻ gây án mạng. Cả trăm chiếc đó đều có thể thế mạng cho anh. Vả lại anh chẳng hề chủ ý cán nó. Nó tự tông vào xe anh. Nó tự chuốc lấy cái chết cho mình. Tự nó hết. Nếu nó không chạy theo con chó. Nếu nó ngồi yên bên kia đường. Những thằng tài xế khác gặp trường hợp này cũng chỉ có thể phản xạ như thế mà thôi.

Con đường dài thăm thẳm. Anh không dám nhìn vào gương chiếu hậu. Điều gì xảy ra khi một chiếc xe chở hàng cán qua một đứa trẻ. Có thể nó bị mắc vào cái gì đó dưới gầm xe chẳng hạn, kéo nó theo cho đến lúc bị mài mòn trên đường và tan biến như món thịt hầm.

Anh biết dưới gầm xe có cái móc sắt dùng để kéo những lúc xe hỏng. Thông thường thì người ta cất đi khi không dùng tới. Riêng anh vì lười vẫn để đấy, kéo lê. Khi thằng bé bị cán bởi bánh xe trước, trên đường trôi đi chạm tới bánh xe sau, có thể nó đã bị cái móc bám chặt vào người. Với vận tốc kinh khiếp lúc đó, chiếc móc sắt có thể bập vào thằng bé với một lực cực lớn, xuyên qua xương sườn rồi yên vị ở đấy, kéo nó theo.

Chiếc đồng hồ trên xe chỉ 7 giờ 20. Từ lúc cán thằng bé anh đã chạy được khoảng 20 phút, thời gian càng lùi càng cho anh cảm giác an tâm hơn. Anh dừng xe lại. Dù sao cũng phải kiểm tra xem có thằng bé bên dưới gầm xe không. Dù cho nó có tròn hay méo, nguyên vẹn hay tan nát. Anh không thể chạy nốt quãng đường 300km còn lại với ý nghĩ mình đang mang theo một cái xác người bên dưới, một cái xác trẻ con, rất mềm. Quá ư tệ hại, sự việc đó tra tấn vỏ não anh.

Nếu sự thật có thằng bé bên dưới gầm xe anh sẽ làm gì? Anh gỡ nó ra, từng mảnh? Anh bỏ đại nó bên đường? Quấn nó trong một cái khăn? Người ta có nhận ra cái khăn của anh không? Người ta có xem đó là dấu vết để điều tra? Người ta có nhìn nhận thành vụ mưu sát? Quãng đời tài xế của anh chỉ vỏn vẹn ba tháng chín ngày. Hôm nay được tính là ngày dài nhất. Có lẽ sau ngày hôm nay, anh sẽ không bao giờ lái xe nữa. Anh sẽ không bao giờ chạy qua quãng đường này. Khi về đến nhà, việc đầu tiên là đập nát chiếc còi xe đi.

Bên dưới gầm xe, cái móc vẫn nằm đó. Không có thằng bé. Một vết máu rõ to vắt qua bánh xe trước tởm lợm. Lúc cán qua thằng bé, anh hơi chệch tay lái khoảng năm giây, có lẽ vì điều đó thằng bé đã tránh được cái móc sắt lẫn bánh xe sau.

Như con thú không mang vết thương sau lần va chạm, anh nhảy phắt lên xe, quãng đường trước mặt như vơi đi một nửa, như bốc hơi. Nhưng nó lại nặng nề thêm ở một khía cạnh khác. Hình ảnh vụ tông xe cứ năm phút lại tự động tái hiện trong đầu anh, thằng bé xuất hiện liên tục, con chó như chẻ đôi, anh không cách gì tống khứ chúng nó ra khỏi vỏ não.

Giờ này, sau lưng anh, chắc người ta đã phát hiện ra cái xác. Người ta đang hô hoán. Công an đang có mặt lập biên bản, đo hiện trường. Người ta đang đoán non đoán già. Nhưng cũng có thể người ta đang khép chặt các cung đường. Mười phút sau, như cái vòng kim cô chụp xuống như chụp cái rọ lên đầu những con cá, anh đã bị bủa vây. Phương tiện thông tin bây giờ cực kỳ tốt đẹp. Ngồi một chỗ, người ta vẫn có thể thông tin cho nhau, đồng lõa nhau. Người ta sẽ chặn xe anh lại ở trạm tới. Hỏi anh lên đường lúc mấy giờ. Sau đó anh giải thích thế nào về vệt máu vắt qua bánh xe trước. Thậm chí anh chưa chạy tới trạm kế đã có xe đuổi theo sau lưng rồi. Người ta ốp xe anh lại. Khi đi ngang qua chỗ tai nạn, anh có nhìn thấy thằng bé không. Tại sao lại không nhỉ. Hay lúc anh đi qua, thằng bé vẫn còn bình yên với con chó. Xạo nào. Tôi không tin anh.

Có một con đường tắt vòng về mà không phải qua chỗ thằng bé chết. Anh đã đi vài lần lúc chở hàng lậu trốn trạm. Một ý nghĩ đột ngột lóe sáng. Giờ này thằng Toản vẫn đang ngủ. Nó sẽ ngủ đến 10 giờ mới dậy như mọi ngày. Hôm qua anh đã nói với nó buổi chiều mới về đó thôi. Anh vẫn còn dư thời gian để quay lại chỗ nhà xe, rửa sạch vết máu và lẳng lặng trèo lên giường ngủ như chưa hề xuất phát. Khi thằng Toản ngủ dậy, nó thấy anh nằm kề bên như đêm qua, nó sẽ là nhân chứng ngoại phạm cho anh. Người ta không thể đồng một lúc ngủ ở đây, cán chết thằng bé ở kia. Xem như anh thoát. Anh chỉ còn mỗi một việc là đổ xăng đầy bình và chạy vòng về nhà.

Anh lưỡng lự khá lâu ở trạm xăng. Anh sợ thằng đổ xăng nhận diện ra anh. Nó sẽ là nơi cung cấp những thông tin quí báu cho công an. Nhưng với cái bình xăng rỗng không, anh không thể lết về chỗ thằng Toản mà không tránh khỏi việc nằm lại dọc đường. Anh cởi phăng chiếc áo đang mặc quấn lên đầu như cái khẩu trang. Rồi từ từ cho xe vào trạm.

- Đầy bình - anh nói. Giọng khô khốc.

- Sợ đen à! - thằng đổ xăng nói. Thật là một thằng đổ xăng tinh tường khốn nạn nhất thế giới. Nó vừa nhìn anh vừa mỉm cười đểu - Lần đầu tiên tôi mới nhìn thấy một ông bác tài chở hàng biết bảo vệ da.

- Kệ mẹ tao - anh nói.

- Ồ không. Tôi chỉ đùa thôi. Da là rất quí.

Lại cười đểu.

Trên đường về nhà, anh không thể nào quên khuôn mặt thằng chó đó. Nó có nhìn thấy vết máu trên bánh xe không. Anh đã chuẩn bị câu trả lời nếu như nó hỏi. Nhưng nó lại không hỏi. Nó có thấy việc gì khả nghi. Để xóa một dấu vết, anh lại mắc thêm một sai lầm. Anh đã để lại cho thằng khốn đó ấn tượng khó phai về anh. Mà một ấn tượng khó phai còn hơn là một dấu vết.

Đúng như dự đoán, khi anh cho xe vào gara, thằng Toản vẫn còn ngủ. Anh đi nhẹ vào phòng, ngồi lên giường định thần, nhìn tấm thân trùng trục của nó. Những cơ bắp cuộn lên, tay khum lại vì một giấc mơ nào đó. Nó để lộ ra một sức mạnh vô song làm anh phân vân. Sức mạnh của con người được che đậy bởi quần áo hay bởi trí khôn của họ?

Anh nằm xuống cạnh thằng Toản. Tệ thật, chỗ nằm của anh đã lạnh ngắt từ lâu rồi. Một kẻ thật sự có trí khôn, họ sẽ nhận ra điều đó ngay. Nhưng thằng Toản không phải vậy.

Anh chuồn ra gara. Dưới ánh sáng, vết máu trên bánh xe trước sẫm xuống bốc mùi tanh tưởi. Chưa bao giờ anh đối diện với một màu máu rộng lớn như thế. Những lần chạy xe qua chỗ có tai nạn, anh đều không dám nhìn vào. Anh dị ứng với màu đỏ. Màu gì cũng được, miễn là đừng màu đỏ. Có lẽ anh cũng không khác gì lũ bò khốn nạn, sắc đỏ chỉ thêm phần khó chịu. Hôm nay anh đã húc đầu vào cái màu chết tiệt đó, giũ mãi không ra. Tuy vậy anh đang cố giũ đây.

Chiếc rôbinê không một giọt nước. Thành phố đã có lịch cúp nước cả tuần qua. Khốn nạn thân anh. Chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài bình nước suối tinh khiết trong phòng. Anh sẽ trả lời với thằng Toản sao đây về cái bình nước mới mua đêm qua. Anh đã uống sạch 20 lít trong một đêm ư. Mặc nó, anh phải làm cái đã.

Khi khệ nệ chuẩn bị xối nước vào bánh xe đầy máu thì thằng Toản trở dậy đứng sau lưng anh.

- Anh làm cái quái gì vậy? - nó hỏi.

- Sao mày dậy sớm thế?

- Tui cũng không biết. Đang ngủ tự nhiên khát không chịu nổi. Máu ở đâu ra nhiều thế?

- Tao không biết. Tao ghét thằng nào gí mũi vào chuyện của tao.

Anh trút bình nước lên vỏ xe. Máu loang ra khiến chiếc xe giống như một con vật giãy đành đạch trước lúc chết.

- Khoan đã, chờ chút - Toản nói.

- Chờ cái gì?

- Chừa tui uống một miếng.

Anh đưa bình nước cho nó. Nó nốc một hơi dài.

- Tui biết anh đã làm cái gì rồi - nó nói.

- Mày biết cái gì?

Anh òa khóc.

- Tao vừa cán chết một thằng bé, Toản ơi. Tao cán nó sáng nay.

Đó là điều tồi tệ nhất mà anh đã làm - thú tội. Hay đó là điều tốt đẹp nhất mà con người có thể làm. Con người ta thú tội khi nào? Khi thành tâm nhất, hay là khi không thể chạy trốn tội lỗi của mình?

Có lẽ cả hai.

- Tao sẽ làm gì hả Toản!

- Thôi được rồi. Bình tĩnh. Bình tĩnh.

Anh trút hết bình nước vào vũng máu. Màu đỏ bầm tan đi nhạt nhòa. Dễ dàng rũ một sắc màu, nhưng quên nó thì không. Buổi tối anh phải dùng rượu mạnh để đẩy thằng bé ra khỏi đầu mình.

Anh và Toản uống say.

- Có thật là anh nghe tiếng bốp? - Toản hỏi.

- Đúng vậy. Tao còn nghe tiếng loảng xoảng như kim loại va xuống đường.

- Nó là cái gì thế?

- Ai mà biết được.

- Sao lại là loảng xoảng.

- Ừ, tao cũng không biết nữa. Có thể nào đó là tiếng sọ não?

Rồi bỗng dưng anh chợt nhận ra, nó không phải là cái sọ não. Cái sọ não chỉ kêu cái bốp. Vậy kèm theo đó là cái gì?

Điều gì sẽ xảy ra khi chiếc xe chở hàng cán qua một đứa trẻ và để rơi ngay hiện trường cái bảng số xe. Tệ quá. Từ sáng giờ anh không nhận ra chi tiết này. Trí óc anh cứ luẩn quẩn quanh những con chữ, bánh xe, đứa bé, cái móc, thịt bằm... trong khi cái chi tiết cực kỳ quan trọng anh lại không nhớ.

Ngay từ tuần trước, cái bảng số xe chỉ còn dính lại một con ốc. Thằng Toản đã nhiều lần nhắc nhở anh, nó sẽ rơi nhưng anh cứ mặc. Anh nghĩ rằng nó không thể rơi trước ngày tu bổ xe theo định kỳ hằng tháng. Và lúc đó đã có người làm công việc đó thay anh. Cú va chạm xuyên qua thằng bé đã làm nó rơi thật. Có thể hiện tại nó vẫn còn nằm đâu đó trên đường, nếu may mắn hơn thì văng vào bụi cỏ, không ai thấy. Anh trở nên vô can. Nhưng cũng biết đâu giờ này công an đang giữ nó. Anh chết chắc.

Nhưng dù thế nào đi nữa, anh cũng phải quay lại đó một lần. Anh đi tìm vận may của mình. Anh phải trả lời cho bằng được câu hỏi bâng khuâng trong lòng anh.

Bây giờ thì anh hiểu rồi, vì sao trong những câu chuyện, trong những vụ án, thủ phạm luôn mang một tâm trạng chung nhất: phải quay lại hiện trường. Họ không bao giờ tìm thấy sự yên ổn cho tâm hồn mình một khi chưa quay lại hiện trường. Người ta bị câu thúc bởi mối lo sợ của chính họ. Họ bâng khuâng về những hành động của riêng mình. Họ không tin có sự hoàn hảo của trí nhớ. Họ phải quên một điều gì đó mà họ không nhớ ra. Đó là cái gì? Cái đáng sợ nhất không phải là việc họ thủ ác như thế nào, việc đó có kinh khủng thì cũng đã xong rồi, mà là không thể chịu đựng được ý nghĩ một cái gì đó không hoàn hảo đang hình thành chống lại họ. Đó là lý do tại sao họ phải quay trở lại. Xóa dấu vết lần hai phải được hiểu như một bước chân gần hơn đến sự hoàn hảo.

Sáng sớm hôm sau, lúc thằng Toản vẫn còn ngủ say vì trận rượu hôm trước, anh lên đường. Đầu váng vất. Càng đi, anh như càng chìm sâu vào trong ý nghĩ. Lại giống như con thú lớn, anh đi về phía cái bẫy chính mình giăng.

Bên vũng máu đen đúa chỗ gây án mạng, một thằng bé đang cầm con dao Thái Lan vạch từng vạch một xuống mặt đường. Vừa vạch vừa có vẻ tức tưởi. Cái trán ngăn ngắn lì lợm, bất trị. Nó thật giống thằng bé anh cán hôm qua. Cũng cỡ chừng đó. Cũng tóc ngăn ngắn. Cái mặt xương xương, bành bạnh.

Anh rùng mình.

- Cháu làm gì thế?

Thằng bé không nhìn lên:

- Hôm qua người ta cán chết con chó của cháu.

Anh buột miệng:

- Thế không phải hôm qua có một thằng bé bị xe cán à?

Thằng bé im lặng.

- Vậy mà chú cứ tưởng...

- Chú tưởng cái gì?

- Chú cứ tưởng... có một thằng bé đã chết. Cháu có phải là thằng bé hôm qua? Thằng bé ôm con chó?

Thằng bé vẫn tiếp tục im lặng.

Anh thở dài nhẹ nhõm.

- Thế bây giờ cháu làm gì vậy?

- Cháu nhớ nó. Người ta đã cán cả thảy năm con chó của cháu rồi.

- Thôi được, chú sẽ đền tiền cho cháu có được không?

- Vì sao vậy? - thằng bé thoáng ngạc nhiên.

- Thú thật với cháu - anh thú tội - hôm qua chính chú đã cán nó. Chú sẽ đền 10 con chó cho cháu. Vậy nhé!

Sắc mặt thằng bé biến đổi đột ngột.

- Mày đã giết con chó của tao - nó rít lên.

- Mày đã giết con chó của tao - nó hét lớn.

Anh nhìn thấy một vết đỏ loang trên má nó, len dần lên cánh mũi, lên mắt. Mắt nó đỏ rực. Như một con rắn hổ mang, nước mắt nước mũi phun ra tuôn trào.

Tiếng la hét của nó đã báo động cho những đàn ông đàn bà trẻ con từ những căn nhà quanh đó túa ra. Họ đứng vây quanh anh với cái nhìn hằn học, độc địa và căm thù.

Một ai đó nói với thằng bé:

- Đâm thằng chó đó đi!

Cả thân hình thằng bé run lên bần bật. Con dao Thái Lan đang cầm trong tay nó buông tõm xuống mặt đường. Thằng bé ngồi thụp xuống, khóc nức nở.

Gã đàn ông kia vẫn tiếp tục:

- Nhặt dao lên, đâm nó đi!

Anh xoay người lại, cố nhìn rõ gã đàn ông đứng sau lưng mình. Nhưng không kịp rồi, khi anh vừa xoay lại thì một cú đấm như trời giáng nện vào giữa mặt. Bóng đen vạm vỡ chắn ngang, chờn vờn.

- Mày là đồ chó! Cả cái lũ chạy xe mất dạy của tụi mày.

- Tôi xin lỗi! - anh nói.

- Sao bao nhiêu năm nay chúng mày không đến đây xin lỗi con tao một tiếng. Thằng nhỏ khóc biết bao nhiêu.

- Tôi sẽ đền nó - anh thều thào.

- Đền hả, này!

Cú đấm thứ hai giáng xuống, còn tệ hại hơn cái trước đã làm anh đổ xụp. Anh xấp mặt xuống vũng máu chó trên mặt đường, trùng khít như thể đó là máu anh. Anh cố nhấc mình lên lại đổ xuống. Không xa đó, anh thấy thằng bé thu mình ngồi khóc tỉ tê như một chấm trắng. Con dao Thái Lan vứt gần đó. Những người đàn ông đàn bà trẻ con vây quanh anh thành một vòng tròn. Tuy vậy vẫn chừa ra một lối đi. Anh bò về hướng đó. Không thể đi được nữa, sức lực cạn kiệt, anh lết ra đường cái. Anh bò ra ngã tư, rời xa lũ người ấy. Không ai đuổi theo anh. Anh ngoắc một chiếc xe dọc đường và trở về nhà. Ở nơi xa xăm kia anh có một đứa con gái năm tuổi. Nó không hề mê động vật. Nó rất ghét động vật. Ghét thú nuôi. Ghét những con vật có lông vũ. Ghét những gì mềm mại, nhũng nhịu. Ai để con vật nào đó vào tay là nó bóp chết ngay. Nên vì thế không ai có cơ hội giết chết những con thú của nó. Nó cũng không hề đằng đẵng chờ đợi một ai đến nói lời tạ lỗi.

Cho đến một ngày kia, nó lớn lên...

TTCT ngày 15-4-2007
 
Nay rảnh đc chút, mình post lên cho các thím đọc,này còn dài lắm tổng 200 truyện lận, truyện ngắn TTCN 2007-2007, bình thường có hình minh hoạ đầu truyện,nhưng giờ không còn rảnh chăm chút như trước nữa
 
Nay rảnh đc chút, mình post lên cho các thím đọc,này còn dài lắm tổng 200 truyện lận, truyện ngắn TTCN 2007-2007, bình thường có hình minh hoạ đầu truyện,nhưng giờ không còn rảnh chăm chút như trước nữa
Thím khỏi lo , em post giùm , lúc nào thím rảnh thì cứ post tiếp .
 

Mưa ở Strasbourg - Trần Thùy Mai

Tôi sang Pháp với Miên và ông Tú. Tham dự một chương trình giao lưu văn hóa trong vòng mười ngày, đối với tôi chẳng có gì quan trọng, ông Tú cũng vậy. Tới ngày đi, quơ vội mấy bộ quần áo bỏ vào vali là xong.

Cả hai chúng tôi đều đi nước ngoài đã nhiều lần. Nhưng với Miên là lần đầu, mới được một giải thưởng diễn viên xuất sắc nên được chọn đi. Cô hào hứng, hồi hộp, cứ vài hôm lại điện cho tôi, hỏi xem nên đem cái gì, khí hậu bên đó ra sao. Gọi nhiều đến nỗi tôi phát bực. Được cái may, cô có giọng nói thật dễ thương, không thì tôi đến chết vì stress.

Ông Tú hoàn toàn không nói được tiếng Pháp, còn tiếng Anh thì chỉ biết “very good” và “number one”. Miên có chịu khó học nói năm ba câu bập bẹ nhưng nghe thì chưa rèn luyện gì cả nên xem như điếc đặc. Tôi phải gánh trách nhiệm làm tai nghe miệng nói cho cả đoàn. Ông Tú là trưởng đoàn, tôi tất nhiên phải lo phục vụ ông rồi; còn Miên biết thân phận mình nên lo o bế tôi rất sớm. “Qua đó có gì khó khăn là Miên nhờ anh đó nghe!”.

Biết tôi ghiền thuốc lá nên Miên ưu ái tặng tôi luôn hai tút “con mèo”. Ai đã đi nước ngoài đều biết mấy thứ này đắt hơn hẳn trong nước và chưa chắc kiếm được thứ mình thường dùng, hay hơn hết là đem theo cho chắc. Tôi cảm động, món quà rất đúng ý, người tặng quà lại nhỏ nhẹ dễ thương. Tôi cố giữ vẻ mặt lầm lì (từ ngày vào nghề đạo diễn, tôi đã tập cho được cái vẻ hắc ám nặng nề này để các cô nàng diễn viên phải sợ mà nghe lời răm rắp). Cầm hai tút thuốc, lòng âm thầm rung động nhưng tôi vẫn lạnh lùng, buông hai tiếng cụt lủn: “Bày đặt!”.

Sân bay Charles de Gaulle đông nghịt người, cứ như một mê cung, hết đường rẽ này lại lối ngoặt kia. Ông Tú đủng đỉnh mặc tôi xoay mọi việc, còn Miên thì cứ bíu lấy tôi, tay và vai đầy những hành lý. Cái vali của nàng to thế, lại thêm hai cái túi du lịch khổng lồ. Tôi mặc kệ, tảng lờ. Mấy cô gái trẻ này lúc nào cũng tính chuyện nhờ vả người này người kia nên cứ đóng hành lý vô tư, chẳng cần đếm xỉa đến qui định của sân bay mà cũng chẳng màng nghĩ xem mình có đủ sức mang vác không. Tôi nhủ thầm thế nào mình chẳng phải đỡ Miên một tay, nhưng trước hết hãy cứ để mặc nàng xoay xở cho biết thân một lúc cái đã.

Miên cũng biết thân thật nên không dám kêu ca, cứ một tay kéo cái vali và cái túi, tay kia mang một túi kếch sù khác, trông vẻ mặt cam chịu đến cả đá nhìn thấy cũng mủi lòng. Ông Tú hết nhìn Miên ái ngại lại nhìn tôi, ý muốn tôi giúp nàng nhưng ngần ngừ không dám mở miệng. Tôi đang định qua khỏi khúc quanh này sẽ ra tay nghĩa hiệp thì bỗng một người đàn ông tóc nâu xuất hiện.

“Tôi là Claude Vallons, chào các bạn”. Vừa dứt câu chào anh ta liền ôm hôn thắm thiết hết ông Tú đến tôi, rồi đến Miên, Miên vội vã thụt lùi tránh cái ôm hôn của ông Tây. Claude nhớ ra, vội bảo: “Xin lỗi”, rồi nhanh nhẹn cúi xuống hai tay đỡ lấy cả hai cái túi Miên đang vác nặng. Miên mừng quá, ấp úng nói: “Merci”.

Tôi hơi ngượng, vội đưa tay kia ra cầm luôn cái vali Miên đang kéo. Miên tung tẩy hai tay đi tung tăng, vừa đi vừa nói như có ý cho tôi nghe: “Ông Tây này tử tế quá!”. Hơi chột dạ, nhưng để tạo không khí cởi mở bước đầu, tôi nhanh nhẩu dịch ngay câu nói của Miên cho Claude Vallons nghe. Claude hai vai khoác hai cái túi nhẹ nhàng như không, nghe tôi nói liền quay lại cười. Miên lúng túng đỏ mặt, lần đầu tiên tôi thấy nàng thật dễ thương.

Sau một giờ trên chuyến bay nội địa, Vallons đưa chúng tôi đến Strasbourg. Một thành phố đẹp tuyệt với những con đường xinh xắn và những trụ đèn viền đầy hoa leo. Bữa ăn đầu tiên, Claude hỏi tôi muốn đến quán Việt Nam hay quán ăn Pháp. Miên láu táu:

- Sang đây thì ăn thử đồ Tây cho biết chứ thức ăn Việt Nam thì muốn ăn lúc nào chẳng được.

Tôi vừa dịch vừa biên tập câu của Miên: “Cô Miên đây ngỏ ý muốn thưởng thức những món ăn độc đáo và tìm hiểu văn hóa ẩm thực của người Pháp”. Khuôn mặt tươi vui của người đang tiếp khách phương xa càng tươi thêm, lập tức Claude đưa chúng tôi đến nhà hàng Cheval Blanc - tuy tên là nhà hàng Ngựa Trắng nhưng bốn phía vách lại trang trí đầy những hình vịt bay, dấu hiệu đặc trưng của thiên nhiên vùng Alsace. Chiều hôm đó, sau cuộc đi thăm Bảo tàng Strasbourg, Miên nhăn nhó bảo tôi:

- Lúc trưa em sai lầm quá. Không ngờ đồ ăn Tây khó ăn đến thế. Em ăn chẳng được mấy miếng, bây giờ đói lả người.

Ông Tú nghe vậy gật gù góp thêm:

- Mình cũng vậy, nhất là lúc anh chàng Claude giới thiệu các món phó mát đặc biệt quí hiếm làm bằng sữa dê núi, mình không tài nào nuốt được.

Tôi cười khinh khỉnh:

- Bởi vậy đừng có láu táu, muốn ăn gì, mua gì thì hỏi tôi đây này. Đã dặn rồi mà lại...

Miên cười như biết lỗi:

- Em quên! Mà thôi tối nay đừng ra ăn quán nữa, để em lo...

Miên đem theo trong vali cả một túi gạo mười cân, cả nồi cơm điện, cả ruốc, nước mắm, chà bông, tôm rim ngọt. Phút chốc phòng Miên trở thành phòng ăn cho cả đoàn. Ông Tú được bữa cơm hợp khẩu vị, hớn hở ra mặt. Miên bô bô: “Đấy, dân mít nhà ta, không có nước mắm và bột ngọt thì dù cao lương mỹ vị cũng không nuốt nổi, phải không anh?”.

Tôi làm mặt nghiêm nhưng rồi cũng phải gật gù tán thưởng vì Miên nấu ăn ngon thật. Ông Tú bảo nhỏ tôi: “Này, cậu vẫn còn độc thân phải không? Cô bé này hay đấy, cứ tưởng chỉ biết văn nghệ văn gừng, không ngờ đảm đang nhanh nhẹn thế!”.

Người ta bảo đường vào trái tim người đàn ông phải thông qua dạ dày, quả đúng thật. Bữa cơm ngon làm tôi quên gần hết những ấn tượng bực bội khi phải vừa dịch vừa biên tập những câu nói quê mùa của nàng.

+ + +

Claude đến đón Miên rất sớm, từ trước tám giờ là giờ mà ở đây người ta mới lò mò xuống phòng ăn để điểm tâm. Miên mặt tái lét chạy qua gõ cửa phòng tôi:

- Anh đi với em, chứ em biết gì mà nói năng.

- Có cần nói năng gì đâu, hôm nay vì em phải diễn cho nên Claude đưa em tới nhà hát trước để chuẩn bị mà. Anh đi thì bỏ ông Tú cho ai.

- Anh thì chỉ lo cho sếp thôi, không quan tâm tới phụ nữ... - Miên ấm ức - Đi một mình với ông Tây em sợ lắm.

- Ông ấy không ăn thịt em thì thôi, sợ cái gì?

Miên năn nỉ quá, rồi tôi cũng mềm lòng đi với nàng, thật là mệt vì thế có nghĩa là đưa Miên đến nơi xong lại phải hộc tốc quay về để tháp tùng ông Tú. Thấy tôi chịu đi Miên mừng quá, hấp tấp nhảy lên ôtô, xui xẻo đầu va mạnh vào cửa xe, cô ngã ngồi xuống nệm choáng váng. Claude vội lấy tay xoa đầu Miên, miệng không ngớt hít hà. Đau quá nên Miên quên cả rụt rè, cứ để mặc cho Claude xoa chỗ đầu u.

Thấy Claude galăng với Miên như vậy bỗng nhiên tôi hơi khó chịu. Hình như máu ích kỷ của người đàn ông núp dưới chiêu bài dân tộc nổi lên trong tôi. Claude bảo Miên:

- Cái cửa xe thật đáng trách, làm đau một phụ nữ xinh đẹp thế này.

Mặt Miên ngớ ra, quay sang nhìn tôi. Tôi bỗng bực mình vô cớ, bảo:

- Ông ấy bảo cô này chắc không mấy khi đi ôtô, thật tội nghiệp.

Đã đau lại còn xấu hổ, Miên tự ái quay đi nơi khác, mắt bắt đầu đỏ lên. Thấy vậy, Claude chẳng hiểu chuyện gì, càng lộ vẻ lo lắng. Vẻ quan tâm này thì không cần dịch, Miên có thể cảm thấy được. Tự nhiên tôi tức anh ách, không hiểu vì sao.

Sau một tuần Miên đã biết tự mình đi xe điện về quảng trường L"homme de Fer để vào siêu thị Printemps mua sắm với cái vốn tiếng Pháp bập bẹ của nàng. Đi đâu tôi cũng đi theo giúp đỡ Miên chỉ trừ vào Printemps. Nguyên tắc của tôi là không bao giờ cùng đi với các người đẹp vào những nơi mua sắm. Hơn nữa, hệ thống siêu thị này, với cái tên có nghĩa là mùa xuân, đã nổi tiếng vì lời nhận xét của chính dân Pháp: mùa xuân của quí bà nhưng là mùa đông của quí ông!

Một chiều, đang tập trung trí óc để sửa chữa phần kịch bản chuẩn bị phối kết với kịch bản của Claude Vallons, tôi tình cờ nhìn qua cửa sổ thấy Miên dạo phố vừa về, không phải từ hướng có đường xe điện mà từ trên ôtô của Claude bước xuống. Tôi bỏ bút, chú ý nhìn, quan sát vẻ mặt tươi roi rói của hai người; trời đang mưa phùn, Claude hai tay xách hai túi còn Miên thì cố nhón cao lên để cầm dù che hộ Claude, coi bộ yêu đời lắm.

Một lát sau Miên đập cửa phòng tôi, khoe mấy cái áo da vừa mua ở siêu thị. Tôi lầm lì nhìn lướt qua rồi bảo:

- Người phương Tây rất thoải mái trong quan hệ nam nữ, nhưng phong tục Việt Nam mình nó khác em ạ! Nhất là trong khi mình đang đi trong một đoàn công tác, ít nhiều cũng là đại diện của nước mình...

Miên ngớ ra nhìn tôi, rồi chợt hiểu, cô hỉnh mũi:

- Anh coi em là hạng người nào mà nói thế? Em đi từ Printemps ra gặp Claude đậu xe trước mặt đường. Ông ấy chở hộ em một đoạn, có gì đâu, anh đừng hiểu lầm em.

- Lẽ ra em phải từ chối mới phải. Một mình lên xe của người đàn ông mới quen đâu phải là cách xử sự của người phụ nữ Việt Nam.

Miên đang cầm cái áo da trên tay, ném phịch xuống ghế:

- Thì bữa trước anh bảo em ông ấy có ăn thịt em đâu mà sợ.

Tôi bí nhưng cũng không chịu thua:

- Trước khác, bây giờ khác! Trước là đi làm việc, có lộ trình đàng hoàng. Bây giờ là đi tự do...

Miên phụng phịu:

- Vậy thôi, từ nay chỉ khi nào có anh em mới gặp ông ấy để anh khỏi hiểu lầm.

Nghe vậy tôi vừa ý lắm, dù hơi ép Miên một chút, may mà nàng cũng ngoan.

Chiều hôm sau tôi và Claude cùng nhau phối kết kịch bản. Một kịch bản được hình thành từ hai câu chuyện cổ một Việt, một Pháp xen kẽ nhau. Cuối buổi làm việc, Claude lộ vẻ buồn ra mặt, hỏi tôi:

- Hôm nay sao không thấy cô Miên đến.

Tôi giải thích với Claude là các buổi diễn của Miên đã xong rồi nên nàng không phải tham dự nữa. Đưa tôi về, chàng ta dừng xe nhìn lên lancan tầng ba, một cái nhìn xao xuyến lặng lẽ. Khi bắt tay tạm biệt, chợt Claude bảo tôi:

- Cô Miên diễn thật tuyệt. Hình ảnh Mỵ Châu qua vai diễn của cô ấy làm tôi xúc động vô cùng. Tôi gần như bị ám ảnh về sự chân thành và trong trắng của người phụ nữ Việt Nam...

Tôi siết chặt tay Claude cảm ơn, tảng lờ như không biết đến những gì khắc khoải đằng sau lời tán thưởng rất thành tâm đó.

Nhưng Claude nói tiếp:

- Tôi có ý định mời cô Miên ở lại ít lâu để trao đổi kinh nghiệm với các diễn viên nhà hát trẻ ở đây. Tôi có thể giúp cô ấy xin gia hạn visa...

Lại còn thế nữa! Rắc rối thật rồi. Tôi cố tìm cách lịch sự để giải thích cho Claude hiểu là tôi có nhiệm vụ đưa cả đoàn đi đến nơi, về đến chốn theo ngày qui định. Tôi cũng nói thêm nhận xét của riêng tôi là Miên vẫn còn non nớt chưa có nhiều kinh nghiệm lắm, ở đoàn kịch của tôi còn nhiều diễn viên khác có thể đóng góp hữu hiệu hơn cho các chương trình giao lưu...

+ + +

Tôi chẳng nói gì với ông Tú nên ông chẳng biết gì về đề xuất của Claude. Mà có biết chắc chắn ông cũng nói như tôi hoặc là chỉ ừ hử rồi đẩy sang cho tôi giải quyết. Sau mấy buổi gặp mặt và tiếp tân lúc mới sang, giờ đây ông khá nhàn, đang trông cho mau đến cuối tuần để đến ngày kết thúc chuyến thăm Pháp, ông sẽ bay sang Đức thăm con đang học bên ấy.

Ngày cuối cùng, đang đóng gói hành lý tôi nghe tiếng chuông điện thoại reo. Claude gọi tôi, giọng tha thiết:

- Ông Vinh, nhờ ông dịch ra tiếng Việt cho Miên hiểu. Tôi muốn nói như thế này: “Cô Miên, nếu tôi không được gặp lại cô thì tôi chết mất!”.

Tôi quay qua Miên. “Claude gọi em đấy”. “Ông ấy nói gì, hở anh?” - Miên hỏi, vẻ thờ ơ, nàng đang bận nhét các thứ quà cáp mua được vào đáy chiếc vali chật hẹp. Tôi cố vắt óc để bịa: “Ông ấy nói những buổi diễn của em như vậy xem như tạm được, mong lần sau em sẽ khá hơn và không sai sót nữa”. Miên hỉnh mũi: “Cái ông Claude này hay nhỉ, nói năng cứ như là ông nội người ta không bằng. Nhờ anh dịch giùm: “Bái bai, chẳng có lần sau đâu nhé!”.

Lẽ nào dịch thế được, chắc chắn tôi chẳng muốn chọc giận đối tác của mình. “Claude, Miên bảo cô ấy sẽ nhớ mãi Strasbourg, nước Pháp và những ngày làm việc với ông. Cô ấy sẽ không bao giờ quên ông...”.

Tôi thực tình hào phóng những lời lẽ tình cảm với Claude. Sợ gì đâu, ngày mai tôi đã đưa Miên về nước rồi.

+ + +

Ông Tú bay sang Đức lúc 8 giờ sáng, tôi phải đưa ông lên sân bay và lo các thủ tục cho ông, vì vậy tôi bảo Miên chuẩn bị hành lý lên Charles de Gaulle cùng một lúc, mặc dù phải đến 12 giờ máy bay về Việt Nam mới cất cánh.

Như mọi lần, nàng ngoan ngoãn nghe lệnh tôi, không dám kêu ca gì. “Mình chưa chào ông Claude, thế có phải không?” - Miên hỏi. Tôi nghiêm nghị: “Hôm qua anh đã đại diện cả đoàn tạm biệt ông ấy rồi. Vậy là đủ”.

Ông Tú vào phòng cách ly rồi, tôi và Miên ngồi chờ làm thủ tục về Việt Nam. Tôi đọc báo còn Miên uể oải thỉnh thoảng lại che miệng ngáp vặt. Thời gian trống trải làm tôi bỗng nhiên thèm thuốc chi lạ. Vẫn còn mấy điếu con mèo, tôi nhìn quanh, tìm phòng dành cho người hút thuốc. Miên bảo:

- Anh hút thuốc dữ quá, hại phổi lắm.

Tôi cười, chống chế:

- Không sao, anh sắp bỏ rồi.

Từ phòng hút thuốc bước ra, tôi nhìn về phía lối vào, chợt ồ lên một tiếng! Claude xuất hiện, tay cầm vali:

- Tôi có kế hoạch đi nghỉ ở Thái Lan nhưng nay tôi đổi ý, muốn đi Việt Nam. Tôi cần có thêm chi tiết, không khí và cảm hứng cho vở kịch sắp tới...

Mặt tôi tươi cười nhưng trong bụng thầm rủa: “Quỉ tha ma bắt!”. Claude bước vào quầy làm thủ tục, nói gì đó với cô nhân viên sân bay, cô liền rà lại trên sơ đồ ghế ngồi. Tôi hiểu là Claude đã yêu cầu sắp chỗ cho ba chúng tôi ngồi bên nhau.

Mười tám giờ đồng hồ ngồi trên máy bay đối với tôi thật dài. Claude ngồi giữa tôi và Miên. Tôi thấp thỏm không sao ngủ được. Trước khi đi Đức, ông Tú đã giao cho tôi trách nhiệm thay ông làm trưởng đoàn. Tôi phải chịu trách nhiệm với đoàn viên đến cùng. Suốt đêm tôi ngồi không ngủ, mặc dù tiếp viên đem đến nào gối nào mền... Claude cũng mở mắt yên lặng, chỉ có Miên ngủ say vặt vẹo trên ghế cho đến mãi khi máy bay hạ cánh xuống Bangkok.

Sân bay Bangkok mới xây lại, lộn xộn, khác hẳn quang cảnh lúc chúng tôi

transit lần đi. Tôi lấy hành lý từ băng chuyền, chất lên xe đẩy. Phía sau tôi, Miên chới với theo mấy túi hàng, Claude nhanh tay lấy hết giúp nàng, chất lên xe đẩy của mình. Miên hai tay thong thả, vừa bước theo Claude vừa cười bảo tôi:

- Có ông Tây này đỡ quá.

Tôi nhủ thầm: ”Mình sơ ý thật!”. Bám sát theo Claude, tôi quyết tâm thực hành chức năng giám sát của trưởng đoàn. Claude và Miên bắt đầu nói chuyện với nhau, theo kiểu ông nói gà bà nói vịt. Tôi chú tâm nghe hai người nói chuyện, bụng mừng thầm: chẳng cần phải giữ, rào cản ngôn ngữ đã bảo vệ Miên cho tôi rồi. Chợt cơn thèm thuốc lại nổi lên, tôi phải vào phòng hút thuốc.

Chỉ trong thời gian hút chừng nửa điếu thuốc mà không ngờ Claude và Miên đã bỏ tôi một đoạn khá xa. Quỉ thật, sao Miên dám không đứng lại chờ tôi. Đẩy xe đến chỗ tập kết chờ check in đi Việt Nam, tôi thấy hai người đã ngồi đấy rồi. Miên bảo như phân trần:

- Túi xách của em ở trên xe đẩy của Claude. Em ra hiệu bảo chờ anh nhưng Claude bảo anh biết chỗ này rồi.

Tôi khịt mũi. “Claude nói gì làm sao Miên hiểu được?”. Thấy tôi lạnh tanh, Miên lo lắng, nói lí nhí:

- Em cũng thử nói chuyện với Claude một chút. Câu nào không hiểu thì đoán mò....

- Việc gì phải thế. Cứ chờ anh cùng đi, cần nói gì anh sẽ giúp cho.

Miên “Dạ”. Lại yên lặng. Cân hành lý xong, ba người ngồi yên, không ai nói với ai câu nào. Sao lạ thế?

Tôi nhìn đồng hồ. Lại thèm thuốc. Cơn thèm thuốc mạnh hơn nỗi phập phồng về trách nhiệm trưởng đoàn. Vào phòng kín, tôi gắng hút nhanh nửa điếu còn lại rồi vội ra. Claude và Miên đâu mất, ngẩng cổ nhìn lên, tôi thấy hai người đã ở trên băng chuyền lên phòng cách ly. Miên đứng bậc thang phía trên quay xuống, Claude đứng phía dưới, hai khuôn mặt nhìn vào nhau, bốn bàn tay múa liên tục. Tưởng đang phác họa một tiết mục gì, hóa ra họ đang nói chuyện. Trong bụng tôi cười thầm...

Vào máy bay. Tôi làm thủ tục sau nên ngồi một mình. Trước đó ba hàng ghế, Miên ngồi gần Claude. Bốn bàn tay vẫn liên tục ra hiệu, không im lìm như lúc có tôi lúc nãy.

Hai giờ đồng hồ sau, máy bay đáp xuống Nội Bài.

Tôi đi rất vội mới bắt kịp hai người ở băng chuyền nhận hành lý. Claude có vẻ hớn hở như người vừa trúng cá cược, còn Miên thì hai mắt đỏ hoe.

- Sao vậy em? Em có sao không?

Tôi lo lắng hỏi Miên, lần đầu tiên trút bỏ được cái vẻ lầm lì quan trọng để thốt lên với nàng một lời thật âu yếm.

Miên nắm lấy tay tôi:

- Em không ngờ anh ạ, lúc ở Pháp nhiều khi em thấy Claude thật chán vậy mà thực ra anh ấy lại là người rất có tâm hồn... Cảm ơn anh thật nhiều, anh không đề xuất em đi chuyến này thì em không gặp được con người dễ thương như vậy.

Mặt tôi từ tái chuyển sang đỏ, rồi tím lịm đi.

Claude thì đang mải lo nhặt những gói hành lý của Miên đặt lên xe đẩy của mình. Tôi hậm hực nghĩ: làm sao Miên hiểu hắn ta nói gì mà dám quả quyết là có tâm hồn hay không!

Bên ngoài đang mưa, những hạt bụi li ti bay khắp trời. Bỗng chợt nhớ câu thơ của Trần Dần:

Mưa rơi

Không cần phiên dịch!

TTCT ngày 13-5-2007
 

Lời thề đá - Võ Diệu Thanh



Miệng nhìn chăm chăm vào bản đồ, chạm tay nhẹ vào vùng đất cuối chữ S. Cô không tin nó ở xa vậy.

Cô thấy nó? Ngay trước mắt, thấy rõ bàn tay cắm vào bờ đá ven hòn, giơ thẳng năm ngón lên trời như bàn tay người đang tuyên một lời thề son sắt, rất dõng dạc, rất dũng mãnh; nghe được cả lời thề lẫn trong tiếng sóng vọng xung quanh. Lần đầu tiên dẫn Miệng ra hòn, Thao nói: “Yêu nhau đứng bên bàn tay đá này thề sẽ rất linh hiển”. “Vậy sao? Anh thề trước đi!”. Thao giơ tay cao, kiểu giống bàn tay đá: “Trước biển, trước hòn, ai thay lòng đổi dạ sẽ bị bàn tay đá...”. Miệng bịt miệng Thao lại, cái miệng ăn mắm ăn muối đừng nói điềm càn gở.

Miệng không tin lời thề nhưng mỗi lần ra hòn nhìn thấy bàn tay đá cô lại mỉm cười, lòng vững hơn đá. Vậy mà quá lâu rồi Miệng chưa được ra hòn, nhớ hòn muốn héo ruột mòn gan. Kỳ lạ, cũng một ngày mười hai tiếng mà sao ngày ở bên hòn, bên Thao mau tối vô cùng, làm cái gì cũng không kịp, loay hoay là hết ngày, loay hoay tới kỳ đóng tiền tháng cho chủ nợ. Còn ngày ở đây trôi thật chậm. Miệng nhìn lên tờ lịch - mới hai tháng. Thế mà cô cảm thấy dường như đủ thời gian cho cô đi đến cuối đời, quê hương dường như đã lùi về nơi nào đó xa... thật xa như không thể nào đi tới được.

- Miệng ơi! Nhanh lên! - đó là tiếng gọi của bà chủ. Bà rất già, mí mắt chảy xuống che một phần đôi mắt đục mờ. Bà đi lại khó khăn, được cái tiếng nói sang sảng có thể vọng tới từng ngõ ngách của biệt thự này.

Miệng “dạ” một tiếng rồi gạt bỏ tất cả ý nghĩ, chạy ra phòng bà, rất nhanh, sợ bà rầy. Miệng bị rầy hoài. Bà ăn xong một bữa cơm phải mất nửa giờ, nhưng khi gọi “Miệng ơi, dọn!” thì chỉ mấy giây từ nhà bếp Miệng xấp xải đi qua phòng ăn, qua ba dãy phòng trống rồi đến phòng bà đã khiến bà sốt ruột:

- Mày chậm!

Miệng cười, nghĩ: người bệnh tật hay cáu gắt, người già bệnh tật càng khó ở, vốn dĩ ý nghĩ đi trước tay chân, chiều họ một chút có sao. Hai ngày thay ra giường một lần, bốn ngày thay màn cửa sổ, nhà trước nhà sau mỗi ngày lau hai lượt, riêng phòng bà thì không được để một hạt bụi bám vào, còn tủ thức ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh tuyệt nhiên phải sạch hơn cả phòng bà. Trên tay Miệng lúc nào cũng cái giẻ lau trắng tinh hoặc cây chổi hoặc cái giỏ, không có thời gian để ngồi yên thờ thẫn.

Không thể ngồi yên nhưng Miệng không cản được dòng ý nghĩ. Khi nấu cơm Miệng tưởng tượng giờ này Thao chắc đang tắm cho con, cũng có thể đang vo gạo. Chắc Thao cực lắm, được cái có nồi cơm điện rồi cũng bớt sợ lửa củi. Hôm Miệng lĩnh tháng lương đầu tiên gửi tiền về, Thao nói: “Anh trả nợ hết rồi”; tháng thứ hai: “Mua được nồi cơm điện rồi, mừng quá mà cũng bực mình quá trời!”.

“Sao vậy? Nó không hoạt động sao?”, “Không phải! Anh mua loại tốt nhưng định đợi em về mới xài. Hôm qua anh đi cân rau cho Út Thơ ngoài ngã tư, thằng Hiền than đói bụng, con mẹ Ty thài lai khui thùng ra nấu...”. Miệng cười xòa, hạnh phúc lẫn nhớ nhung đã làm cô ứa nước mắt. Cô có cảm giác mỗi ngày Thao nhóng ra bến chờ một chiếc xuồng ghé lại, có cái dáng quen thuộc của vợ bước lên bờ, dù Thao biết thời gian hai năm chỉ mới trôi được một phần sáu.

Thương Thao mà tội nghiệp cho Ty, làm ơn mắc oán. Hồi lúc Miệng còn ở nhà Ty cũng hay bị Thao làm “quê”. Miệng sinh cu Hiền nằm viện khá lâu, dừa rụng lá đầy sân, Ty róc rồi bó giùm, Thao phủi tay lia lịa: “Thôi khỏi, để đó mai mốt mẹ con Loan về nó làm”. Ty hay than với Miệng: “Có ổng ở nhà tui ngán qua nhà bà. Cái ông Thao này từ hồi có vợ khó kỳ cục”.

Miệng về nhà Thao gần tám năm thì chơi thân với Ty cũng chừng ấy năm. Ty có gương mặt đẹp nhưng thấp người, dáng nhanh nhẹn, miệng cũng mau lẹ. Thấy Miệng một tay bế con một tay vo gạo là Ty ào qua bế giùm rồi tíu tít nựng nịu tụi nhỏ. Cùng tuổi Miệng nhưng Ty vẫn sống một mình. Hồi lúc Miệng mới về, có nhiều đám đến dạm hỏi Ty, cô đều lắc đầu.

Rồi nghe đâu cũng có nhận lời một đám khá giả ở xóm trên, sau đó không hiểu vì lý do gì cô lại từ hôn. “Có chồng cực thấy mồ. Như Miệng vậy quần vận áo vo, rồi con cái nheo nhóc, rồi nợ nần vây bủa, nhìn mà khiếp”. Ở vậy nên Ty rảnh rang, sang giúp Miệng giữ con, thường là những khi không có Thao ở nhà. Những lúc Miệng đi xa thế này chắc muốn qua chơi với mấy nhỏ cũng khó vì ngại Thao.

Miệng điện thoại về lần nào Ty cũng phàn nàn: “Bà coi, làm như ổng sợ mất lời thề nào đó, thấy tui bước qua nhà là ổng đuổi như đuổi tà”. Miệng cười trừ: “Bà thông cảm, Thao có thề thiệt mà”. “Vậy hả? Chắc ổng sợ bàn tay đá nghiền nát ổng. Bà coi, tui lấy nồi nấu cơm cho con ổng ăn mà mặt ổng như đưa đám”.

Miệng lại cười, Thao đang thèm bữa cơm do Miệng nấu. Những ngày Miệng còn ở nhà, bữa cơm chỉ có mấy con cá sặc kho quẹt, mấy đọt rau chay hái ở mé ao sau nhà, nêm chút muối chút bột ngọt, vợ chồng ngồi xì xụp húp mà ước có thêm miếng thịt có chút nạc cho hai đứa nhỏ. Hai vợ chồng cắm cúi nghĩ, cắm cúi ăn không ai dám nhìn ai, tới nhìn nhau được thì không biết nói gì với nhau trừ mấy lời trách cứ: “Đã nói để tui đi Sài Gòn mà cứ cãi...”.

Miệng thấy rất nhiều người đi Sài Gòn làm thuê cũng chỉ còn đủ tiền về xe. Mà Thao không phải như người ta. Hôm Miệng sinh cu Hiền phải mổ bắt con, Thao theo xe chuyển Miệng đi bệnh viện huyện, nhưng đi chưa được năm cây số đã ói lả người, mặt mày còn tái hơn Miệng đang ẹo người trong cơn sinh khó. Đi Sài Gòn chắc khỏi dám về. Miệng và Thao bàn cãi mãi, cuối cùng để Miệng lên xe đi một chuyến xa ngái dài những hai năm, ngoảnh nhìn lại bến còn thấy Thao ngồi trên xuồng dạo dầm, ánh mắt biết nói, biết bay dán vào kiếng xe miết miết.

Mỗi khi nhớ lại ánh mắt đó Miệng khóc thôi là khóc, mà khóc phải thật nhanh. Bà chủ cấm: “Đừng để tao thấy nước mắt, xúi quẩy lắm. Nhà tao đang làm ăn phát đạt, mày khóc hoài là tán gia bại sản”. Người Hoa vốn kiêng cữ nhiều thứ. Miệng tập thói quen vừa lau nước mắt xong là mọi thứ phải ráo hoảnh, cả nụ cười cũng phải tươi rói.

- Miệng, mày đâu rồi? Lại đi tìm chỗ khóc à? Tao nói rồi, đừng để tao thấy nước mắt, xui xẻo lắm!

- Dạ.

- Mày xem, tấm ra giường sao hôi hám quá.

- Dạ, con giặt liền.

Miệng trải tấm ra mới lên giường, bụng cười, cô quên không giải thích mới thay ra hồi sáng. Mà giải thích làm gì. Người ta bỏ tiền ra mướn mình nhiều tiền lắm; có thể giúp Miệng trả nợ, nuôi cả gia đình thì chỉ vì mấy công việc cỏn con này thấm thía gì (hồi ở nhà Miệng còn làm nhiều việc cực hơn, nặng hơn nhiều mà), người ta có sai Miệng nhiều hơn một tí cũng được, nhưng tốt hơn đừng mắng mỏ, bị mắng dễ nhớ nhà, khóc liền.

Miệng cũng đâu thích rỗi, ngưng tay là Miệng thấy thời gian trôi chậm, ngày về xa quá, những lá thư nhà lâu gởi sang. Cô trông chờ từng dòng thư, có thư nhà lòng cô thấy ấm hơn, y như quê mình hiện ra trong trang giấy nhỏ. Ôi xứ Đá Bạc.

Miệng hay để trên bàn nấu ăn của nhà bếp một quyển sổ nhỏ, trên đó có một cái bản đồ. Nhỏ xíu bên bờ vịnh Thái Lan là một cái chấm, được Miệng ghi chú bằng mấy chữ Cà Mau, hòn Đá Bạc. Cô biết hòn Đá Bạc chưa đủ lớn để có thể hiện lên bản đồ dù chỉ là một cái chấm, nhưng nỗi nhớ quê cho phép Miệng thiên vị một chút, để ngày ngày như nhìn thấy Đá Bạc đang ở trước mắt, sờ tay ra là đụng, ở đó có Thao, có hai con.

Vậy mà lâu rồi Thao không gửi thư cho Miệng. Chỉ có Miệng điện về thăm nhà. Thao nói các con khỏe, đứa nào cũng mập mạp. Miệng nói chuyện với bé Loan, con bé nói: “Con ăn mỗi bữa ba chén cơm, thằng Hiền ăn một chén đầy, cô Ty nấu đồ ăn ngon lắm!”. Sao? Miệng định hỏi thêm thì nghe tiếng của Thao: “Hôm anh đi bỏ rau ở ngã tư, Ty qua nhà nấu cơm giùm, lâu lâu cũng đem qua cho mấy nhỏ tô canh”. Miệng còn định hỏi bé Loan thêm nhiều điều nữa nhưng thôi, nói chuyện với Thao cũng tốt. Thao an ủi Miệng rất nhiều: “Em ráng giữ gìn sức khỏe, chừng nào về điện cho anh hay”. Miệng cười nhớ lại cái dáng Thao hôm ngồi xe đò đi bệnh viện, vậy mà đòi ra sân bay đón.

Miệng đẩy tấm ra vào máy giặt, đóng cửa máy, nhấn nút...

- Miệng đâu rồi, đi chợ mua cho bà... Mau!

Miệng bước ra cổng nhà nhìn một lượt đường phố, thầm so sánh. Nơi này cái gì cũng đẹp, cái gì người ta cũng làm thật vững vàng, mọi thứ ngăn nắp, tăm tắp. Không biết bao giờ ở vùng quê của Miệng mới đẹp được như vầy: những con đường quang đãng, thênh thang, đẹp như mơ.

Thế mà trong giấc mơ của Miệng lại là con đường chưa thể thành đường, muốn đi muốn về bơi xuồng hụt hơi qua mấy dòng kênh. Những dòng kênh uốn lượn, nối tiếp nhau, ăn thông nhau, đều đổ ra biển. Con gái Miệng đi học phải thức từ năm giờ sáng, bơi xuồng vòng vèo qua mấy khúc cua uốn lượn của kênh Ông Lão, vòng qua ngã tư Đá Bạc.

Miệng lại nhớ cái vẻ hoang sơ ở ngã tư Đá Bạc. Mùa này nơi đó mưa nhiều lắm, mưa nặng hạt từ sáng đến tối rồi đến cả sáng hôm sau, tối mũi tối mặt, không thể bước được chân ra đường, mà bước ra đường thì sa vào bùn sình, lầy lội. Ngồi nhà, sáng cơm nóng mắm chưng, trưa buồn miệng có thể dở cơm nguội ăn với mắm sống, chiều rau ngổ luộc chấm mắm kho. Hồi đó ăn hoài phát ớn.

Vậy mà bây giờ nghĩ tới mùi mắm lại xộc vào mũi, thơm đến nhểu nước miếng. Dân Cà Mau ai cũng thích ăn mắm sống. Hôm Miệng đi chợ gặp một cô gái có chồng qua bên này lâu chưa được về nhà nói thèm ăn canh chua cơm mẻ. Miệng nghe nói là nghĩ tới mùi lá quế, mùi ngò gai, mùi tần dày lá... Nhớ phát khóc! Hơn một năm nữa Miệng mới được về...

+ + +

Bà thủ thỉ hết bao nhiêu chuyện, Miệng ngồi nghe lâu lâu “dạ” (cười), nói: “Hồi đó bà cũng cực khổ quá bà hé?”. Chợt bà hỏi như sực tỉnh:

- Mày qua đây gần một năm rồi hả Miệng? Mau quá. Mày về rồi tao biết tìm đâu một đứa như mày.

- Con cũng muốn ở với bà nhưng nhớ mấy con, nhớ quê quá bà ơi.

- Ừ, chưa có gì khổ bằng nhớ chồng nhớ con. Quê mày gọi là gì? Lâu quá tao quên.

- Dạ, Đá Bạc.

- Đá Bạc ở hướng nào?

Miệng mở bản đồ ra, cho tay vòng từ eo biển Đài Loan, qua biển Đông, rồi vào vịnh Thái Lan.

- Đá Bạc đó, xa lắm!

- Nơi đó có gì?

- Dạ, một làng quê ven biển. Những dòng kênh soi bóng rặng dừa. Một cửa biển nho nhỏ đủ cho tàu thuyền ngư dân trốn sóng - Miệng chợt nói nhiều, mắt rừng rực tự hào.

- Chỉ toàn đá thôi sao?

- Dạ, không! Có cả những vườn chuối hoang, những bóng xoài rừng mọc chen qua đá, bám trên đá, phủ xanh Đá Bạc.

Miệng lại nói về những cây xoài rừng do Miệng phát hiện; cô nói nó giống cây xoài, Thao nói mình cứ đặt nó tên xoài rừng, rễ nó phủ chằng chịt mấy phiến đá, có cảm giác nó không sống từ nước của đất mà sống bằng nhựa của đá, xòe tán tròn mướt rượt quanh năm.

Bà chủ dường như không thể hình dung được cái vùng quê làm Miệng thương nhớ ấy. Bà cũng thường hay nhớ về quê của mình hồi thời còn nghèo khổ. Ừ, những mảng rễ xoài rừng bám vào đá, hút nhựa đá mà xòe tán rộng. Bà có cảm giác Miệng cũng là một cây xoài rừng trên đá, trôi dạt về đây hút nhựa đá xứ người, làm đá vốn cứng lạnh vô tình cũng phải nóng mềm ra.

- Mày đúng là một cây xoài rừng bám trên đá Miệng à, giống như bà hồi đó cực lắm - bà gật gù với phát hiện mới của mình, nhìn ánh mắt đìu hiu của Miệng, cười. Lâu lắm mới thấy bà cười, nụ cười có hậu lắm.

- Đừng buồn, hồi đó bà cũng bỏ quê lên thành thị làm thuê nuôi mấy con ăn học, nhớ quê nhớ nhà, nhọc nhằn lắm nhưng các con đều thành tài - bà trầm ngâm một lúc rồi nhìn Miệng - Mày về thăm quê đi, tao cho một vé về.

+ + +

Miệng cầm bông tắm chà kỹ từng kẽ ngón tay bà. Những ngón tay trắng mềm bắt đầu nhão ra. Bà nói già rồi phải vậy, hồi còn trẻ nó rắn rỏi lắm, có thể làm tất cả mọi việc mới nuôi nổi các con, mới có cơ sở mà phát đạt vầy. Những ngón tay đá ở hòn cũng cứng cỏi vậy mà cũng gãy rồi, phải chăng nó đã già? Lần đầu tiên Miệng biết về nó cách đây hai mươi lăm năm nhưng lần đầu tiên tận tay sờ nó khi nó đã mất một ngón, đã gãy, chìm xuống biển...

- Mày sao vậy Miệng? Làm bà đau! Mày chịu ở lại bà mừng nhưng mà mày suy nghĩ kỹ chưa? Không còn nhớ chồng nhớ con nữa sao?

- Dạ còn nhớ... nhưng con muốn tranh thủ còn trẻ làm thật nhiều tiền để lo cho tụi nhỏ - Miệng nói tỉnh khô như chuyến đi vừa rồi cô đã gom hết nhớ nhung gói lại, ném bừa bãi đâu đó bên hòn, đi gấp quá không tìm được nên cũng chẳng thể mang theo.

Miệng đã ngồi miết mấy ngày bên bờ hòn Đá Bạc. Ở đó gió không nhiều, hơi nóng, hơi khô nhưng biển cứ hung hăng ném vào bờ đá những ngọn sóng bạc đầu, tràn bọt trắng trên đá. Biển quanh hòn sôi sục ồn ào nhưng chẳng ăn nhằm với những gì đang diễn ra trong lòng Miệng. Trong ấy là một trận bão với những ngọn gió cuộn bạo tàn, giật liên hồi, cuốn trôi, xô dạt tất cả mọi kỳ vọng lung linh theo Miệng trên suốt chặng đường về.

Miệng đau đến sắp thét lên được. Vậy mà Miệng không nói gì! Vì cái gì mà Miệng không gào thét? Miệng muốn giữ lại những kỷ niệm đẹp một thời, một hình ảnh người mẹ hiền trong mắt các con. Dẫu kỷ niệm giờ đây như một nét vẽ buồn, chìm mà Thao và Ty đã vẽ đè lên đó một bức tranh khác.

Bức tranh đó là chính ngôi nhà của Miệng nhưng hình ảnh người mẹ chải tóc cho con gái, buộc lại sợi dây diều cho con trai, ngoảnh lại nở một nụ cười tình tứ với chồng rồi âu yếm bá vai nhau đi vào buồng... không phải là Miệng. Miệng tay xách vali đứng bên hiên nhà còn chếnh choáng bởi hơi máy bay và hơi xe, nhìn bức tranh ấy như một khán giả bất đắc dĩ và bất lực. Ty đủ bản lĩnh làm điều đó.

Trong giọng nói của người phụ nữ khát hạnh phúc đang được mân mê hạnh phúc vừa vô tình giật được từ tay Miệng có chứa chút gì đó kiêu hãnh, dẫu giọng van nài: “Tôi có lỗi với Miệng. Tôi sẽ trả lại hạnh phúc cho Miệng. Nhưng tôi thương Thao và các con thiệt tình, lâu rồi”. Vậy ra Miệng thương giả?

Miệng không muốn hai con thấy tình cảnh của mình lặng lẽ ra hòn ngồi bên bàn tay son sắt, nghe tiếng sóng gầm gió hú. Biển giận ai mà gào thét ngày đêm không than mệt, biển giận ta chăng hay biển giận đời? Hay biển giận bàn tay đá? Bàn tay đá đã bị xô ngã một ngón tay. Ngón nào vậy? Miệng không biết. Cô chỉ biết nó đã gãy, chìm xuống biển một phần của lời thề dù cô không tin lời thề.

Miệng lần từng bước xuống các ghè đá dưới chân hòn, nhìn thấy có vẻ rất thận trọng nhưng hai tay cô dang ra từ chối mọi nơi có thể bám víu. Cô đến được bên bàn tay đá, lần đầu tiên chạm được tay vào nó thấy nó cứng lạnh, không nồng ấm như cô từng nghĩ. Cô chạm tay vào vết thương của nó, thoáng bàng hoàng như chạm tay vào vết thương mình, thảng thốt như nghe cả tiếng than rất não nuột vọng trong tiếng sóng.

Tiếng than của ai, của hòn hay của biển nhưng chắc không phải của Miệng. Miệng còn chưa phát ra một tiếng thở dài. Thao cũng không nói gì, có tuyệt vọng trong ánh mắt, có tiếc nuối trong nụ cười (khi hai con nói mẹ về sao ba không cười) nhưng tuyệt nhiên không than thở: “Khi đã không kềm được mình, anh biết không hi vọng gì em tha thứ cho anh”.

Miệng thét vào mặt biển: “Anh im đi! Anh khốn nạn lắm. Tôi không bao giờ tha thứ cho anh, không bao giờ!”. Miệng gào lên cùng sóng, đấm tay vào bàn tay đá như muốn xô nó đổ sụp hẳn đi. Cô còn hét lên nhiều câu gì nữa nhưng giọng đã lạc mất rồi, đã tan trong gió. Sóng vẫn cứ sôi sục, ồn ào. Miệng gục đầu xuống thều thào trong tiếng nấc nghẹn: “Không tha được, làm sao tha được! Anh biết mà!”. Nước mắt Miệng chảy ra, thấm vào đá, vào biển. Sóng lại trào lên cuốn nước mắt của cô đi.

- Má ơi!

Miệng nghe trong sóng có tiếng bé Loan gọi rất gần. Cô nhìn lên triền hòn tìm kiếm. Chỉ có gió lùa vung vẩy trên mấy tán xoài rừng. Cô mở to đôi mắt ướt nhòe nhìn như gặp người quen. Phải mà, quen lắm. Chúng tồn tại trên hòn từ hồi cô bằng bé Loan, bám rễ vào đá, không hút nước từ đất mà hút nhựa của đá để xòe tán rộng. Trong bóng râm của chúng, cô mơ hồ thấy hai con đang đứng chơ vơ gọi mẹ như những bóng xoài non.

Gió cứ lùa trên đầu và dưới chân toàn đá bạc. Những bóng xoài non rồi cũng phải trôi dạt xứ người, hút nhựa đá để sinh tồn. Miệng lắc đầu, lấy tay quẹt nước mắt, vuốt lại mấy sợi tóc mai đang lòa xòa trước trán rồi nhẹ bước trở về nhà. Phía sau lưng, biển cuốn những lọn sóng bạc đầu réo ầm ĩ quanh hòn. Mặc kệ chúng và mặc kệ lời thề đã rã rời chìm vào biển.

TTCT ngày 3-6-2007
 

Trái tim kiêu hãnh - Dương Bình Nguyên


Tôi cứ thầm ước mỗi chuyến bay sẽ mang đến cho mình cơ hội gặp thêm một người bạn trẻ trung ngực thở phập phồng sau áo mỏng. Nhưng lần nào đi cũng gặp trẻ nít hay những ông bệ vệ chưa lên máy bay đã mệt nhọc thở và ngủ phì phào mùi bia.

Lần này thì tôi ngồi giữa hai bà già. Bay trong cảm giác nhột nhạt sợ một cái vung tay, một cái ngoẹo đầu của mình làm người khác bong gân, đau khớp cả tuần thì thật khó mà... bay được. Những “chim trời” chứ không phải “gà nhà”, máy bay chứ không phải xe hơi, không thể tùy tiện ngồi chỗ nào cũng được. Một chiếc ghế trong cái khoang này tính bằng bạc triệu. Nên tôi ngồi im, nghe đi nghe lại cái bài Thiên đường gọi tên trong Ipod. Nghe muốn nổ óc. Đang bay đây, nhưng mà không phải thiên đường.

Từ khi ông nội ốm, nằm liệt giường, đêm đêm rên rẩm vì những vết mẻ của xương, tôi luôn nghĩ người già như một cây bỏng ngô, chỉ cần gió lay mạnh là có thể mẻ gãy. Bà già bên phải cứ ngó đầu sát cửa kính máy bay, hỏi vô tư, cho cái kính này lên nó thoáng chút được không chú? Bà già bên trái tay đeo chiếc nhẫn mặt ngọc, ngực đeo tràng hạt, rõ ràng nhà giàu chăm lễ Phật, nói thủng thẳng, cái bà này dở hơi quá, bay mấy trăm cây số một giờ mà để gió cho thoáng có mà tan xác. Bà già bên trái kinh hãi, phải không chú? Tôi biết mình đang đối diện với vấn đề khó nuốt rồi đây. Sẽ là một ngàn câu hỏi lần đầu tiên trong đời. Tôi không thích đối diện với những người già và vấn đề của họ. Tôi sợ khi phải nghĩ đến một ngày nào đó của mình như thế.

Chú đi làm hay đi chơi? Cái giọng nửa Bắc nửa Nam của bà già bên trái làm tôi buộc phải vứt headphone ra khỏi tai. Nhìn bà cứ vừa xa lạ vừa thân quen. Tôi luôn cảm giác đã gặp bà ở đâu đó. Cháu đi công tác về. Chú cũng đi máy bay lần đầu tiên hử? Bà già bên phải lại với qua, bà này lẩn thẩn, thanh niên người ta bây giờ đi mây về gió, đâu có lẩm cẩm như chị em mình. Bà già bên trái nhe răng cười, hàm răng rụng gần hết, cái hàm đầy lợi cứ ngọng nghịu như trẻ nhỏ. Chuyến này là chuyến đầu tiên thím đi máy bay chú ạ. Đêm qua, thằng em nó gọi điện ở mãi Hưng Yên vào Cần Thơ, nói bà mẹ thím sắp mất, nằm thoi thóp rồi, chờ thím về thôi. Nên vội vàng đi mua vé máy bay, chứ rảnh rang thì thím đi xe đò. Đi xe đò cũng hay lắm, gió mát, đi khắp cả đất nước. Rõ ràng bà không còn sợ cảm giác mình sắp mất mẹ. Có vẻ ở vào cái tuổi đi đứng lập cập, nói cười run run, cái chết lại được coi là một sự giải thoát thì phải. Tôi nhìn bà, da đồi mồi, những nốt đen tuổi già lốm đốm làm khuôn mặt xám vì nắng vì gió giống như một tấm bản đồ cũ nhàu. Thế chú làm công việc gì? Cháu làm nhà báo. Nhà báo hử? Ngày xưa thằng cu nhà thím...

Bà già nói lưng chừng, rồi mắt hướng tìm ra ngoài cánh bay. Ngoài ấy, giữa chiều tà, những vực mây khổng lồ như những bông hoa cúc lớn cuốn lấy chiếc máy bay bé nhỏ. Bà già bé xíu ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bay, hành trang chẳng có gì, có mỗi chiếc túi xách xinh xinh như mấy cô mấy bà đi chợ huyện. Hành trình ngàn cây hóa ra với bà cũng nhẹ. Thật không biết lúc này bà nghĩ gì, có mơ hồ nghĩ đến mẹ, hay bà nghĩ về thằng con trai. Cái thằng con trai đó, theo những phim truyền hình VN mà tôi hay xem vào chiều chủ nhật, cứ khi nhân vật chính ngưng nói, mắt hướng xa xăm, giọng ầng ậng nghèn nghẹn, máy quay zoom sát vào đôi mắt đục lờ, buồn bã... thì hoặc là cái thằng con đó cực tốt nhưng chẳng may tai nạn đập gãy ước mơ, hoặc là nó huy hoàng thiếu nhi nhưng thanh niên tàn tạ vì nghiện ngập. Đại loại là như vậy. Nên tôi rất muốn biết bà già kia nói gì về thằng con. Thằng cu nhà thím nó làm sao? Bà già nhẫn mặt ngọc quay qua hỏi. À thì chẳng làm sao. Nó chỉ mê làm nhà báo thế thôi. Bà già nói qua quít. Rồi lại quay đi. Rõ là một câu chuyện lãng xẹt. Rồi bà già lại gọi, này chú, nghe nói người ta bay đi nước ngoài toàn là bay qua biển, lỡ mà nó rơi xuống biển thì mình chẳng chết đuối ư? Bà già nhẫn mặt ngọc lại bĩu môi, rõ là chập cheng quá cái bà kia, đang đi trên máy bay mà toàn nói chuyện gở, ghê quá, máy bay nó mà rơi thì xuống đâu bà cũng biến thành một nắm cát, chả còn tí máu huyết xương cốt gì đâu mà lo. Bà già bé nhỏ quay qua nhìn bà nhẫn mặt ngọc, vẻ không ưng bụng nhưng thấy rõ sự yếu thế của mình. Không đáp trả bà già mặt ngọc, bà khẽ bấu vào tay tôi, thế hử chú? Tôi lại rơi vào trạng thái bối rối. Con trai thím tên Phát đúng không? Trời, sao chú biết? Chú quen với nó hử? Cái bà già này, tôi bật cười, nội cái miệt đồng Nam bộ thôi cũng có cả triệu người tên Phát. Phàm ai cũng lo chuyện làm ăn, gửi cả sự tham lam của mình vào cái tên con là Phát. Tôi nói với bà, cháu có biết một anh tên Phát, chẳng biết có phải con bác không. Ngày xưa anh ấy học cùng lớp báo chí với cháu, nổi tiếng cả trường vì có mình anh ấy nói tiếng miền Nam. Vậy á hả? Chắc không phải con thím rồi. Con thím nó đẹp trai lắm, cao thước bảy thước tám, mặt nó đẹp hơn Kim Tiểu Long, mà nó ca vọng cổ sáu câu cũng mùi lắm chú. Tôi nói đùa, cái anh Phát cháu quen cũng đẹp trai cỡ đó đó bác. Nhưng có biết hát vọng cổ không? Bà già nhìn chăm chăm, giọng như dấn lên. Tôi định nói rằng có. Người miệt dưới, ai sinh ra lại không biết ca mấy câu vọng cổ, người xứ lạ tới đó ở vài năm cũng xuống xề mùi mẫn như thường. Bà già nhìn tôi có vẻ tuyệt vọng. Tôi buông một câu không biết đúng hay sai, anh này chỉ giỏi chơi bóng đá chứ không biết ca vọng cổ thím ơi.

Nghe rõ tiếng thở phào của bà già qua hai cánh mũi phập phồng. Bà già nhẫn mặt ngọc đã thiêm thiếp, như chứng minh rằng cuộc chuyện của cái bà già nhà quê chân dính phèn kia là lảm nhảm và gây buồn ngủ. Bà già ngồi như lún sâu trong lòng ghế. Thằng Phát nhà thím ngày xưa nó học giỏi lắm. Nó tính đi học làm nhà báo. Ngày đó nó học giỏi, mấy chị nhà báo về viết bài ca ngợi, thím cũng được lên báo cùng nó đó. Mà rồi nhà nghèo...

Nói rồi thấy bà lục trong cái túi một tấm giấy nhỏ ép nhựa. Một bài báo. Hình bà và một thanh niên trẻ, cười rạng rỡ. Bây giờ báo chí thích viết chuyện cổ tích, những câu chuyện về nghị lực phi thường trong cuộc sống con người. Bài báo đó là một câu chuyện cổ tích và tôi đang ngồi bên cạnh một nhân vật của thế giới thần tiên. Chắc bà muốn mang bài báo đó về quê cho bà con họ hàng đọc. Bao năm biệt xứ, từ đầu này về lại đầu kia của dải chữ S, khi đi son rỗi, khi về làm mẹ thần đồng, kể như cũng là một thứ chiến công. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt chàng trai. Một cái gì đó quen thuộc. Nói chính xác là một khuôn mặt rất dễ lẫn, như thể đã gặp ở đâu đó nhưng lại như chưa từng quen. Mỗi ngày chúng ta nhìn thấy cả trăm khuôn mặt vậy mà lắm khi không thấy nổi một gương mặt nhang nhác thân quen. Nhưng rồi trí nhớ đã thức giấc. Anh Phát giờ làm gì hả thím? Ờ thì làm ba cái thứ lặt vặt thôi. Lặt vặt là sao? Thì là ba cái chuyện nhăng nhít vậy mà. Ủa mà chú hỏi chi vậy? Chú đâu quen nó đâu...

Thì tôi đâu quen Phát đâu. Nhưng tôi biết, thậm chí khi đọc tập kết luận điều tra bên cảnh sát cho mượn, tôi còn biết Phát đã làm những gì trong hành trình trốn chạy khỏi sự thật đời mình. Và tôi sợ khi tôi gọi tên bà già, bà sẽ ngất đi. Vì lúc đó tôi giống một con ma hiện hồn trên máy bay, tự dưng xa lạ mà biết cả tên mẹ lẫn tên con. Cuộc đời lạ lùng, đôi khi cứ neo quấn những thứ không liên quan lại, đôi khi làm mọi chuyện rối tung mà chẳng vì mục đích gì cả... Thím có hay đọc báo không? Thím hử, ngày trước hay đọc báo, thằng Phát viết bài được đăng báo đó chú, cuối tháng được ra bưu điện lãnh tiền, nó về mua quá trời quà cho thím. Nó mua cái áo này đó, tốt không, gần chục năm mà vẫn đẹp vẫn mới. Từ ngày nó đi làm xa, thím cũng chả mua báo. Đọc báo sao bằng nghe ca vọng cổ. Hồi mấy năm trước, nó có gửi thư về, nó nói nó đã qua Mỹ rồi, đi máy bay qua biển, đẹp lắm. Thím chả thích nó qua đó, nghe nói qua đó toàn làm móng chân móng tay cho đàn bà con gái, sơn phết như vẽ mặt tuồng, ớn ớn ớn... Tôi nhìn lại chiếc áo của bà già. Một chiếc áo tím hoa cà, chẳng độc đáo gì, nhưng tôi đồ rằng bà cũng giống mẹ tôi, chiếc áo mới trong đáy hòm gỗ mỗi năm có lễ trọng mới đem ra mặc, nếp áo chưa vuốt thẳng, sực nức mùi băng phiến. Trong thâm tâm người đàn bà này, hẳn nhiên Phát là một ngọn đuốc sống rực rỡ. Và tôi thở phào, thật may là chẳng bao giờ bà đọc báo...

Tự dưng tôi cứ liên miên nghĩ về Phát. Chàng trai đầy mộng đẹp, vậy mà phút chốc chạy vụt qua một cõi ảo vọng. Đời người ta lúc nào cũng như lên dốc vậy, những con dốc lớn nhỏ, ai cũng muốn leo được những đỉnh dốc cao mà quên mất rằng khi lên đến đỉnh sẽ là một mặt xuống thăm thẳm chẳng kém khi trèo lên. Tấm hình lưu trong hồ sơ cảnh sát cũng chính là tấm hình được cắt ra từ trên báo. Trên đó, Phát vẫn cười rạng rỡ. Tôi nhớ rất rõ rằng khi tôi đọc hết gần 100 trang hồ sơ về vụ án của Phát, tôi đã bị ám ảnh nặng nề bởi những lời khai đôi khi trần trụi và thành thật đến mức làm người khác hoảng sợ. Phát đó, một mối tình cùng dấu, những mưu toan tiền bạc, những mơ ước đến thành phố không bao giờ tắt ánh sáng ở bên kia đại dương. Phát đó, bóng tối đã phủ lên đôi mắt tinh anh ấy từ lúc nào nhỉ? Phát đó, phải chi tôi không đọc những chi tiết về anh, tôi đã chẳng bận tâm thêm đến bà già ngu ngơ không liên quan đầy những câu chuyện tầm phào như thế...

Cô tiếp viên kéo xe thức ăn qua chỗ chúng tôi, mời chào mua đồ ăn trên máy bay. Bà già bảo, mình phải cảm ơn cái máy bay này, nó không cho mình ăn, nó giảm cho mình tới hai trăm ngàn chú ạ. Thím bỏ bữa ăn máy bay, thím mang tiền về quê, làm được hẳn mâm cỗ mời họ hàng. Tôi bật cười. Nếu bà biết được sự thật rằng tôi đã săn được chuyến đi này với giá vé chỉ vài trăm ngàn ở trên mạng, nghĩa là rẻ như đi xe đò từ Hà Nội vào Sài Gòn, chắc bà sẽ lăn đùng ngã ngửa ra mà đòi tôi dạy cách truy cập mạng Intemet để mua vé online. Tôi bảo bà già, thím uống nước ngọt không, con mua cho. Bà già lắc đầu, nước ngọt uống vào bụng réo như cửa biển, gas nổ lọc xọc trong dạ dày thấy ớn. Tôi nhìn đồng hồ, sẽ còn chừng 40 phút bay. Tôi mua thêm cho bà một chai nước suối. Bà già cảm động lắm, mắt rưng rưng, rồi bà tu nước như vục mình vào chiếc gáo dừa trong vại nước trước sân thân thuộc. Vuốt miệng, bà quay qua, trời đất, sao cái nước suối này nó ngọt như nước mưa vậy chú? Mà sao chú tốt với thím quá vậy chú? Tôi muốn nói với bà, tôi thực tình không tốt mà chỉ vì một thói quen, khi ăn mà có kẻ nhìn mình bên cạnh là cảm thấy nhột nhạt, là thấy không yên ổn. Tôi mua cho bà chai nước là tôi mua cho tôi sự an lòng mà thôi. Chứ tới Hà Nội thì chú về phố nào? Cháu về đường Trường Chinh. Thím về Nguyễn An Ninh. Nguyễn An Ninh ở đâu hử chú? Bà già đeo tràng hạt đã thức dậy từ lúc nào, miệng ngáp ngáp, với sang như một thói quen, cháu đi cùng đường với bà ấy, cho bà ấy đi xe về cùng, lơ ngơ như nai toi thế kia, biết tìm sao ra đường, lại bị cái lũ xe ôm nó lừa cho hết sạch tiền rồi bơ vơ đấy. Taxi hết 200.000, chú trả 150.000, bà ấy 50.000, đằng nào chú chẳng phải thuê một cái xe, có phải không? Tôi quay qua bà già, bác cứ đi cùng cháu, cháu xuống trước, nhưng sẽ bảo taxi đưa bác về tận nhà. Nhưng đó là nhà bác hả? Bà già lắc đầu, không, là nhà đứa em, nó chết từ mồng thất rồi, chỉ còn đám cháu chắt thôi. Thím ở đó qua đêm rồi mai bắt xe đò về Hưng Yên sớm. Vậy chú cho thím đi về cùng xe có được không? Tôi đồng ý. Bà già đeo tràng hạt cũng có vẻ an lòng. Người già có vẻ dễ đồng cảm với nhau chỉ vì một điều be bé. Bà già đeo tràng hạt đã có sẵn một chiếc xe hơi của anh con rể tổng giám đốc đợi ở sân bay rồi. Tôi tự dưng ngồi giữa hai bà già với hai thế giới. Tôi không thích nghịch cảnh, ghét nhất những sự tréo ngoe ở đời. Tôi càng ghét sự so sánh. Thế mà tôi cứ phải liên quan đến những thứ mệt óc này hoài. Tuổi già như ban chiều, mà sao có chiều mây sáng đẹp mà có chiều vần vũ mưa dông...

Chuyến bay hạ cánh trễ tại Nội Bài 30 phút. Cô tiếp viên nói trước khi chào tạm biệt, nhiệt độ bên ngoài là 19 độ C. Ngày tôi đi Sài Gòn trời đã tan những cơn gió lạnh, bất giác ngày về lại bị gió đón đợi hun hút giữa phi trường. Tôi dặn bà già, thím cứ đứng đợi con ở cửa, đừng có lên cái taxi nào, con lấy hành lý xong rồi thím cùng con đi. Mỗi lần bay về đêm, đi trên chuyến xe về lại thành phố, tôi luôn cảm giác đó là một giấc mơ buồn thảm, vì đó là một con đường quá dài, vắng vẻ và dường như chẳng còn gì đón đợi ta ở cái thành phố mười giờ tối đã tàn lụi gần hết những ánh đèn. Đưa bà già về nhà, có khi tôi lại không mất ngủ vì thói cả nghĩ và hết lo sợ sự bất an. Tôi ôm bịch trái cây ra cửa, nghĩ bụng, có lẽ chia cho bà già một chút. Trái cây bạn bè gửi ra cho Bòn Bon, Bòn Bon còn nhỏ xíu, nào đã biết ăn gì, chia cho bà như một sự thơm thảo. Bà già đang đứng trước cửa, đôi mắt âu lo giống như người ta đứng giữa một biển người mà không tìm được điều gì thân thuộc. Bác Vĩnh, cháu sẽ chia cho bác một ít trái cây - tôi nói như đang trong một cơn mộng du. Bất giác bà già rùng mình, có thể trời quá lạnh mà bà ở xứ nóng lâu ngày. Rồi bà chạy rất nhanh lên chiếc xe buýt miễn phí của hãng hàng không đã rất đông người. Bác Vĩnh, sao bác lại...

Tôi vẫn không ngừng được nghĩ suy về Phát - người đàn ông xa lạ mà tôi chưa từng gặp mặt. Suy nghĩ của những kẻ tạm gọi là viết lách như tôi, nhiều khi bị lẩn thẩn và đi hoang ngang dọc những con đường không liên quan đến mình. Cho đến tận lúc này, không hiểu sao tôi cứ nghĩ rằng cả đời mình đi học chỉ mong biết được nhiều. Nhưng bà già này lại học được cách không biết gì để lòng mình bình yên, để lòng mình hi vọng, để trái tim người mẹ vẫn kiêu hãnh hát yêu con... Tôi đã gọi tên bà già ấy. Nhưng chắc bà chẳng nhận ra đâu, bà chỉ tiếc năm chục ngàn tiền taxi về Hà Nội cùng tôi thôi. Chắc là thế thôi. Bởi vì bà chỉ là người đàn bà không quen mà tự dưng tôi biết tên. Tôi đi xe về Hà Nội. Một mình tôi với con đường quá dài...

TTCT ngày 24-6-2007
 
nhiều chuyện hay quá :)

Mình đã bị tay biến nhẹ, mình nhất muốn nổ tung,với nước biện, không nhớ được nhiều,cả Voz 2 ngày mới nhớ được,đỡ chút được thì cùng nghỉ charm mẹ trong bệnh viện, lúc đó tưởng mẹ đi rồi, giờ mình phải thuốc và chăm mẹ,cả nói mình cũng khó nói bình thường, nên truyện sẽ không viết nữa,cảm ơn mọi người

Gửi từ Xiaomi 220333QPG bằng vozFApp
 
Mình đã bị tay biến nhẹ, mình nhất muốn nổ tung,với nước biện, không nhớ được nhiều,cả Voz 2 ngày mới nhớ được,đỡ chút được thì cùng nghỉ charm mẹ trong bệnh viện, lúc đó tưởng mẹ đi rồi, giờ mình phải thuốc và chăm mẹ,cả nói mình cũng khó nói bình thường, nên truyện sẽ không viết nữa,cảm ơn mọi người

Gửi từ Xiaomi 220333QPG bằng vozFApp
chúc thím mạnh mẽ và sức khỏe để giúp mẹ hồi phục và sớm trở lại 🤝
 
Chấm, để cuối tuần đọc
Ngqb3Kv.png


via theNEXTvoz for iPhone
 
Mình đã bị tay biến nhẹ, mình nhất muốn nổ tung,với nước biện, không nhớ được nhiều,cả Voz 2 ngày mới nhớ được,đỡ chút được thì cùng nghỉ charm mẹ trong bệnh viện, lúc đó tưởng mẹ đi rồi, giờ mình phải thuốc và chăm mẹ,cả nói mình cũng khó nói bình thường, nên truyện sẽ không viết nữa,cảm ơn mọi người

Gửi từ Xiaomi 220333QPG bằng vozFApp
Chúc thím sớm khoẻ
xKenGVb.png


via theNEXTvoz for iPhone
 
Mình đã bị tay biến nhẹ, mình nhất muốn nổ tung,với nước biện, không nhớ được nhiều,cả Voz 2 ngày mới nhớ được,đỡ chút được thì cùng nghỉ charm mẹ trong bệnh viện, lúc đó tưởng mẹ đi rồi, giờ mình phải thuốc và chăm mẹ,cả nói mình cũng khó nói bình thường, nên truyện sẽ không viết nữa,cảm ơn mọi người

Gửi từ Xiaomi 220333QPG bằng vozFApp
Mong cho Mẹ bác sớm khỏe mạnh, tai qua, nạn khỏi.
NMQTABTCKCN
 
Giờ mẹ khỏe,đi lại được rồi phải nói là kỳ diệu,2 tháng qua chăm mẹ,bón từng sữa, giờ tự đi được luôn, mình không hiểu luôn.Mà bác sỹ nói giai đoạn cuối rồi, thực sự có kỳ diệu

Gửi từ Xiaomi 220333QPG bằng vozFApp
 
Mình còn nhớ năm 2009 có đọc một cuốn Hoa Học Trò, trang cuối có mẫu tin nhỏ thông báo về việc Michael Jackson comeback cho tour diễn This Is It, đùng phát ông ấy mất. Haiz.
 
Giờ mẹ khỏe,đi lại được rồi phải nói là kỳ diệu,2 tháng qua chăm mẹ,bón từng sữa, giờ tự đi được luôn, mình không hiểu luôn.Mà bác sỹ nói giai đoạn cuối rồi, thực sự có kỳ diệu

Gửi từ Xiaomi 220333QPG bằng vozFApp
Chúc bác và gia đình sức khoẻ nhé!!!
 
Back
Top