đánh giá “Sinuhe – Người Ai Cập” – “Dấu chân trên cát” và tính chân thực trong văn học

Mai Dạ Phúc Ca

Senior Member
Năm 2017, trong hàng ngàn hoạt động kỷ niệm 100 năm độc lập của Phần Lan (1917-2017) người dân nước này đã có một cuộc bình chọn những tác phẩm văn học được yêu thích nhất của mình[1]. Kết quả là tiểu thuyết Sinuhe-Người Ai Cập(Sinuhe-Egyptiläinen) của nhà văn Mika Waltari đã đứng đầu danh sách và là tác phẩm văn học được yêu thích nhất của người Phần Lan trong vòng 100 năm qua. Điều đó không bất ngờ lắm, bởi trước đó vào năm 2008 Sinuhe cũng đã được chọn là cuốn sách được yêu thích nhất của người Phần Lan trong một cuộc khảo sát.

“Sinuhe – Người Ai Cập” và Mika Waltari

Sinuhe – Người Ai Cập là tiểu thuyết viết bằng tiếng Phần Lan[2], được xuất bản vào tháng 11 năm 1945. Trong vòng 1 năm sau nó đã được tái bản lần thứ 4 với tổng số 70 000 cuốn. Kể từ đó đến nay Sinuhe đã được tái bản rất nhiều lần ở Phần Lan (42 lần tính đến năm 2002), với số lượng hàng triệu bản.

Sinuhe đã nhanh chóng vượt biên giới Phần Lan. Chỉ một năm sau khi ra đời, năm 1946nó được dịch sang tiếng Thụy Điển, rồi tiếng Pháp (1947), tiếng Đức, tiếng Na Uy và tiếng Đan Mạch (1948). Năm 1949 Sinuhe được dịch sang tiếng Anh và dẫn đầu danh sách best-sellers ở Mỹ trong một năm liền sau đó. Năm 1954, Sinuhe đã được hãng 20th Century Fox dựng thành phim “The Egyptian” và cho đến nay vẫn là tác phẩm văn học duy nhất của Phần Lan được Hollywood dựng phim. Tính đến năm 2014,Sinuhe đã được dịch ra 37 thứ tiếng với 51 bản dịch khác nhau, trong đó có một số thứ tiếng dịch đến lần thứ 3 (như Slovak, Ba tư), còn 2 lần thì nhiều hơn. Riêng với tiếng Pháp, theo WSOY – Tập đoàn xuất bản ở Phần Lan đến năm 2017 đã có 7 cơ quan và cá nhân của Pháp mua bản quyền dịch và phát hành Sinuhe. Mặc dù không phải là tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất, song cho đến nay Sinuhe là tác phẩm có số lượng sách phát hành nhiều nhất trên thế giới của văn học Phần Lan.

Sinuhe-Người Ai Cập là tiểu thuyết lịch sử viết về xã hội Ai Cập thế kỷ thứ XIV trước CN qua lời kể của Sinuhe, lấy theo tên của một nhân vật trong truyền thuyết dân gian Ai Cập.

Sinuhe là cậu bé mồ côi bị bỏ rơi trên sông Nile được vợ chồng một thầy thuốc nghèo ở Thebes đem về nuôi. Lớn lên, Sinuhe nguyện trở thành một thầy thuốc chỉ chữa bệnh cho người nghèo theo nghiệp người cha nuôi. Nhưng số phận đã xô đẩy Sinuhe đến những vùng đất xa xôi, khiến Sinuhe phải trải qua những năm tháng đầy vinh quang lẫn chua xót, cuối cùng phải đau khổ trở về quê hương Thebes.

Nhờ tài chữa bệnh của mình và sự giúp đỡ của bạn là Horemheb, Sinuhe trở thành bác sĩ riêng tin cẩn của Pharaoh Ekhnaton đồng thời là người chia sẻ những ý tưởng cải cách tôn giáo và xã hội rất táo bạo của vị hoàng đế cấp tiến này. Sau những xung đột trong nội bộ Ai Cập cũng như với các quốc gia lân bang, Ekhnaton bị giết. Horemheb trở thành Pharaoh và chấm dứt chiến tranh. Sinuhe bị Horemheb buộc phải rời khỏi Ai Cập. Thất vọng trước sự phù phiếm của cuộc đời, Sinuhe kể lại những điều mà mình đã chứng kiến và trải nghiệm trong đó rất nhiều những phong tục, tập quán, văn hóa cổ đại của Ai Cập hiện lên rất sinh động và hấp dẫn qua với giọng văn tài hoa lẫn hài hước của Mika Waltari.

Mặc dù là tiểu thuyết lịch sử về xã hội Ai Cập cổ đại, song nhiều vấn đề được nêu ra trong tác phẩm vẫn có ý nghĩa thời sự trong thế giới ngày nay. Đó là lý do khiến cho tác phẩm không chỉ giữ được sự cuốn hút đối với bạn đọc Phần Lan mà cả ở rất nhiều nơi khác trên thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua. Ở Phần Lan có giai thoại rằng nếu như ai đó chỉ đọc một cuốn sách trong đời thì nên đọc Sinuhe-Người Ai Cập của Mika Waltari.

Mika Waltari (1908–1979) là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất ở Phần Lan. Ông cho xuất bản tác phẩm đầu tay Jumalaa paossa (Chạy trốn thần linh) năm 1925, khi ông mới 17 tuổi. Waltari từng viết báo, làm biên tập viên, tham gia quân đội. Tiểu thuyết lớn đầu tiên Suuri illusioni (Ảo vọng lớn) của ông cũng được ra đời năm 1928, khi ông mới 20 tuổi.

Mika Waltari viết tất cả 22 tiểu thuyết, 15 truyện vừa, 26 vở kịch, 6 tập thơ, 4 tuyển tập truyện ngắn, 7 truyện trinh thám, 2 truyện kể cho thiếu nhi và khoảng 100 bài báo phê bình-điểm sách. Ngoài ra ông còn viết một số vở kịch truyền thanh, sách thông tin, kịch bản điện ảnh và dịch một số sách sang tiếng Phần Lan. Sinuhe-Người Ai Cập là một trong 8 tiểu thuyết lịch sử của Mika Waltari và là tác phẩm thành công nhất đưa ông trở thành một trong số nhà văn Phần Lan được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Điều đặc biệt là cuốn tiểu thuyết đồ sộ gồm 15 chương với 780 trang về xã hội Ai Cập cổ đại được ông viết chỉ trong vòng 3 tháng mùa hè năm 1945 ở Phần Lan dù ông chưa hề đặt chân đến đất nước này. Mika Waltari trở thành viện sĩ Viện Hàn Lâm Phần Lan năm 1958 và năm 1970 được phong là Tiến sĩ danh dự của Đại học Turku (Phần Lan).

Mika Waltari và “Dấu chân trên cát” trong tiếng Việt

Mika Waltari và Chương I (trong số 15 chương) của Sinuhe-Người Ai Cập đã được giới thiệu với bạn đọc Việt Nam năm 1997 trong tạp chí Văn học nước ngoài (số 6) của Hội nhà văn do dịch giả Nguyễn Văn Dân chuyển ngữ qua bản tiếng Pháp. Rất tiếc cho đến nay bạn đọc Việt Nam vẫn chưa được đọc trọn vẹn Sinuhe-Người Ai Cập bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, tên Mika Waltari đã xuất hiện (ở trang 3) của một cuốn sách có tên “Dấu chân trên cát” (DCTC) do Nguyên Phong phóng tác, được Làng Văn (LV) xuất bản năm 2000 ở Canada, với 310 trang nội dung và 22 trang phụ lục (trên bìa chỉ ghi: Dấu chân trên cát/Nguyên Phong.) Năm 2009 “Dấu chân trên cát” được Nhà xuất bản Phương Đông (PĐ) xuất bản với 494 trang, trên bìa sách có ghi: “Nguyên Phong phóng tác theo “The Egyptian” của Mika Waltari.” Gần đây nhất, năm 2016, “Dấu chân trên cát” lại được Nhà xuất bản Hồng Đức (HĐ) xuất bản với 419 trang, trên bìa sách ghi: “Mika Waltari/Dấu chân trên cát/Truyện về người Ai Cập khai sáng văn minh Hy Lạp/Nguyên Phong dịch.” Như vậy qua 3 lần xuất bản với thời gian và nhà xuất bản khác nhau, bìa cuốn sách được ghi khác nhau. Ngoài việc xuất bản dưới dạng sách giấy, “Dấu chân trên cát” còn được xuất hiện dưới một số hình thức khác như: sách nói, e-book, trên một số website và youtube. Điều đó cho thấy tác phẩm này có một phạm vi phổ biến rất rộng. Bài viết này dựa trên “Dấu chân trên cát” do Làng Văn xuất bản.

Những điều đáng nói về bìa sách “Dấu chân trên cát”

– Việc ghi “Nguyên Phong dịch” như trên bìa sách của HĐ là không chấp nhận được. Bởi lẽ rõ ràng DCTC không phải là bản dịch mà là một bản phóng tác dựa trên một tác phẩm khác vì nội dung của nó không giống như tác phẩm của Mika Waltari. Phụ đề “Truyện về người Ai Cập khai sáng văn minh Hy Lạp” ghi trên bìa cũng không thích hợp với nội dung tiểu thuyết Sinuhe-Người Ai Cập cũng như bản dịch tiếng Anh The Egyptian, mặc dù bản dịch tiếng Anh cũng đã lược bỏ khá nhiều so với bản gốc.

– Việc ghi “Nguyên Phong phóng tác theo “The Egyptian” của Mika Waltari” trên bìa sách của PĐ và ở trang 3 sách của LV có thể chấp nhận được, song cũng chưa thật sự chính xác. Bởi lẽ “The Egyptian” là tên bản dịch tiếng Anh củaSinuhe-Egyptiläinen do Naomi Walford dịch xuất bản năm 1949. Được biết “The Egyptian” chỉ với 503 trang cũng là bản lược dịch từ bản dịch tiếng Thụy Điển chứ không phải là bản dịch trọn vẹn từ bản gốc tiếng Phần Lan gồm 780 trang. Vậy nên, để tôn trọng công sức của nhà văn và dịch giả, lời ghi trên đúng ra phải là: Nguyên Phong phóng tác theo bản dịch tiếng Anh “The Egyptian” do/của Naomi Walford dịch từ Sinuhe-Egyptiläinen của Mika Waltari. Tuy nhiên, từ nội dung và cốt truyện của DCTC, một vấn đề khác được đặt ra là DCTC được phóng tác dựa theo “The Egyptian” của Naomi Walford hay dựa trên kịch bản phim “The Egyptian” (1954) của Philip Dunne và Casey Robinson[3]? Về điều này, chúng tôi sẽ bàn đến trong một bài viết khác.

– Về nội dung, như trên đã đề cập đến Sinuhe-Egyptiläinen của Mika Waltari là một tiểu thuyết hư cấu, trong đó tác giả chỉ lấy tên nhân vật Sinuhe từ một truyền thuyết Ai Cập. Nhưng ở lời nói đầu của DCTC, tác giả Nguyên Phong đã viết về Sinuhe: “Đây là một nhân vật lạ lùng, đã có công mang văn minh Ai Cập truyền vào Hy Lạp khi quốc gia này còn ở một tình trạng kém mở mang so với Ai Cập lúc đó.” (tr. 6). Đáng chú ý là sau nội dung của DCTC, tác giả còn chú thích một cách rất khó tin rằng: “Sử gia Heterodotus ghi nhận: Một người Ai Cập tên Sinuhe đến Hy Lạp mở trường dạy học. Ông có rất đông học trò. Sau khi ông qua đời, học trò của ông đã góp phần xây dựng Hy Lạp trở nên một quốc gia văn minh, hùng cường mà các thế hệ sau này gọi là “thời buổi hoàng kim của các triết gia”. Học trò của ông là Plato, Aristotle, Socrates, Epitete, v.v.” (tr.311). Tôi không hiểu những thông tin này người viết dựa vào nguồn nào? Trong khi Heterodotus (484-425 tr.CN) sống cùng thời với Socrates (469-399 tr.CN), Plato (428-348 tr.CN) là học trò của Socrates, còn Aristotle (384-322 tr.CN) sinh sau Heterodotus tới 1 thế kỷ và sau Socrates 85 năm!

Tính chân thực của tiểu sử tác giả trong “Dấu chân trên cát”

Trong “Lời nói đầu” của DCTC, tác giả Nguyên Phong dành 16 dòng giới thiệu hết sức sơ lược nhưng đáng trách là rất sai lạc về tác giả Mika Waltari (trừ năm sinh và năm mất). Nguyên Phong viết rất sai rằng: “Mika Waltari (1908-1979) là một nhà soạn kịch nổi tiếng, đã viết hơn tám mươi kịch bản cho sân khấu kịch nghệ Broadway.” và “Cho đến nay, dù đã soạn hơn tám mươi vở kịch nổi tiếng nhưng The Egyptian vẫn là cuốn tiểu thuyết đầu tay và duy nhất của ông.” Trong khi đó Mika Waltari là một trong số những nhà văn nổi tiếng nhất trên thế giới của Phần Lan, đã sáng tác rất nhiều thể loại khác nhau từ tiểu thuyết (22 tác phẩm), truyện vừa (15), kịch (26 vở), thơ (6 tập), truyện ngắn (4 tuyển tập), đến truyện trinh thám (7 tập)!

Về sự ra đời của “The Egyptian” Nguyên Phong viết như thật: “Trong chuyến du lịch Hy Lạp, ông nghe kể về Sinuhe, một giai thoại phổ thông vẫn được lưu truyền trong dân gian xứ này. Ông đã tìm hiểu, tiếp xúc với các bô lão để ghi chép, thâu tập chi tiết về nhân vật lạ lùng này rồi thêm vào đó một vài tình tiết với ý định sẽ dựng một vở kịch lớn nhưng nửa chừng, ông bỏ ý định và soạn thành cuốn tiểu thuyết “The Egyptian”. Trong khi trên thực tế Mika Waltari viết “Sinuhe-Egyptiläinen” khi chưa hề đến Hy Lạp hay Ai Cập. Ông chỉ dựa vào những tư liệu sưu tầm được trong tủ sách của gia đình và từ các thư viện ở Phần Lan.

Cũng như việc không nêu tên dịch giả của bản dịch “The Egyptian”, việc không giới thiệu Mika Waltari là người nước nào khi nhắc đến tên ông và sử dụng tác phẩm của ông là điều rất đáng trách. Rất tiếc, những thông tin đó đã khiến nhiều bạn đọc tin, trong đó có cả giáo viên dạy sử đã viết: “Hơn thế nữa vì nó còn là tác phẩm “để đời” của tác giả vì “Cho đến nay dù đã soạn hơn 80 vở kịch nổi tiếng nhưng The Egyptian vẫn là cuốn tiểu thuyết đầu tay và duy nhất của ông“. Tôi trân trọng tin tưởng lời giới thiệu ngắn gọn nhưng đủ sức thuyết phục ấy.”[4]

Cách làm việc như trên trong sách “Dấu chân trên cát” là không thể chấp nhận được đối với tác giả Mika Waltari và tác phẩm của ông đồng thời rất đáng được chú ý với những người làm sách và làm xuất bản sách. Những gì “Của Caesar, trả về Caesar”. Nhân năm kỉ niệm 110 năm sinh của Mika Waltari chúng tôi nghĩ những điều thiếu chính xác trên cần được đính chính. Trước khi viết bài này tôi đã liên lạc với tác giả Nguyên Phong để được biết ông đã dựa vào nguồn tư liệu nào để giới thiệu về Mika Waltari như vậy? Ông đã đọc câu hỏi của tôi song rất tiếc sau một thời gian dài tôi vẫn không nhận được lời đáp. Rất mong trọn bộ tiểu thuyết Sinuhe – Người Ai Cập sẽ sớm được dịch ra tiếng Việt để bạn đọc Việt Nam được thưởng thức tác phẩm này với đầy đủ tính chân thực của nó.

[1] Người Phần Lan được biết là người đọc nhiều sách nhất trên thế giới, theo một khảo sát năm 2016 của một tổ chức ở Anh https://www.theguardian.com/books/2016/mar/11/finland-ranked-worlds-most-literate-nation

[2] Văn học Phần Lan gồm hai bộ phận chính được viết bằng hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển. Ngoài ra còn có một bộ phận được viết bằng tiếng Sami – một ngôn ngữ bản địa ở Phần Lan.

[3] https://en.wikipedia.org/wiki/The_Egyptian_(film)

[4] http://nguyenuyenthu.vnweblogs.com/post/10044/245777


Nguồn: https://diemsach.info/phe-binh-va-thu-vien/phe-binh-va-ly-luan-phe-binh-va-thu-vien/sinuhe-nguoi-ai-cạp-dau-chan-tren-cat-va-tinh-chan-thuc-trong-van-hoc/
 
Ôi ông Nguyên Phong này trùm phóng tác luôn, moá hành trình phương đông chém gió ra, xong bảo là đọc trong 1 quyển sách nào đó trong thư viện mà giờ đéo nhớ luôn, xong cuốn Đường Mây Qua Xứ Tuyết cũng chém gió ra đéo bám sát nguyên tác của Govinda, nên đọc nhiều cái thấy chủ quan và tào lao vãi.
 
Phật xuất định và giảng Nhất thừa (Ekayana): chỉ có một Phật thừa duy nhất, tuy nhiên do căn cơ chúng sinh khác nhau nên chư Phật phải dùng phương tiện phân Phật thừa thành Tam thừa (Triyāna) nhằm đưa tất cả chúng sinh đến chỗ giải thoát
 
Back
Top