đánh giá Sonny boy Kỳ 1: Liệu phim có khó hiểu như lời đồn?

wibuxanh

Senior Member
Sonny boy Kỳ 1: Liệu phim có khó hiểu như lời đồn?

Xin chào. Tôi là admin mới của IRUS - Lesor. Và bài đầu tiên của tôi là mở đầu của một chuỗi bài phân tích Sonny Boy. Vì là phân tích nên tôi sẽ gắn spoiler alert ở đây. Không dài dòng nữa. Ta bắt đầu thôi.

Spoiler alert! (2)

Wall of text alert!

Trước hết thì trái với kha khá số lượng người đã và đang xem Sonny boy, bản thân tôi không nghĩ rằng Sonny Boy quá khó hiểu. Ý tôi là nếu chỉ nói về ý nghĩa của bộ phim, nó là thứ hoàn toàn có thể dễ dàng nhận ra khi xem được chừng nửa bộ, nhưng thứ khiến nó khó hiểu lại đến từ hành động của nhân vật cùng với cái chất “dị” của phim. Khi xem ta đặt ra hàng vạn câu hỏi, tại sao họ lại làm như này? Tại sao họ lại làm như thế kia? Những hình ảnh này, cách sắp xếp này thực sự có chủ đích? Chính những suy nghĩ này đã vô tình tạo ra một lớp sương mờ che phủ lấy phần ý nghĩa kia khiến ta cảm thấy khó hiểu và hóc búa. Nhưng nhờ đó chính bộ phim thu hút tôi và để lại ấn tượng mạnh mẽ qua từng tập, đồng thời có lẽ cũng vì vậy mà tạo ra một phần người xem đánh giá rằng Sonny Boy chả có cái gì cả, nó là câu truyện trống rỗng chẳng có nghĩa lý mẹ gì, hay nó quá phức tạp tới mức không cần thiết. Cuối cùng thì không dài dòng nữa, tôi sẽ bắt đầu đi vào ý chính của bài viết này.

Sonny boy là bộ phim bao hàm rất nhiều thứ được gói gọn lại với nhau, lúc thì chuyện học đường, lúc thì lại là cách giải thích về thế giới mà tưởng chừng chẳng có tý liên quan gì. Thế chẳng lẽ đây à kiểu thể loại phim cố gắng nhồi nhét càng nhiều chủ để nhất có thể? Câu trả lời là không, vì bạn chả cần phải hiểu hết toàn bộ mọi thứ để có thể nhận ra giá trị cốt lõi của phim.

Vậy thực chất Sonny Boy là gì?

“Ban đầu, tôi cũng khó có thể miêu tả được bộ phim chỉ bằng vài từ…. Tôi đã nhờ Mineta của nhóm Ginko Boiz hát bài hát chủ đề, và khi nhìn thấy tiêu đề của bài: thiếu niên thiếu nữ, tôi đã nghĩ, ồ anh ấy đã miêu tả nó một cách vô cùng chính xác ấy chứ! ”

Shingo Natsume director của Sonny Boy chia sẻ.

www(.)reddit(.)com/r/anime/comments/pzmnk9/shingo_natsume_director_of_sonny_boy_gave_some/?utm_source=share&utm_medium=ios_app&utm_name=iossmf

Quả thực đúng là Sonny boy là câu chuyện về cô cậu học sinh, lấy chủ đề là con người và xã hội, một chủ đề không hiếm gặp trong anime. Nhưng điều gì đã khiến Sonny Boy khác biệt? Đó là do cách mà những nhà làm phim, thiết kế, lồng ghép thông điệp muốn truyền tải. Trước khi nói về ý nghĩa của bộ phim thì tôi sẽ phân tích về yếu tố con người và xã hội với phần con người làm chủ đạo

Để miêu tả một cách chính xác thì Sonny Boy giống như một tấm gương, sử dụng thế giới khác kết hợp với siêu năng lực để phản ánh chính cuộc sống thực cũng như bản thân mỗi con người bị lạc vào thế giới ấy. Khi nói đến tấm gương ta sẽ nghĩ đến điều gì? Bạn áp tay vào gương, bạn sẽ thấy chính mình nhưng được phản chiếu ngược lại. Sonny Boy phản chiếu về một thế giới khác không hoàn toàn khác nhưng chắc chắn không phải là thế giới mà họ, những nhân vật trong bộ phim ấy biết.

Các chi tiết về những hình ảnh phản chiếu đã được thể hiện rải rác với tần xuất cao xuyên suốt bộ phim như utopia, hell hay hình ảnh Hoshi nhìn vào gương thể hiện hai hình thái buồn vui khác nhau khi trong gương là mặt cười còn về bên ngoài lại có phần buồn man mác khó tả,…

Utopia là gì? Hiểu đơn giản là thế giới lý tưởng nơi mọi người đạt đến thứ được cho là “hạnh phúc tột độ” không bệnh tật, không chiến tranh, không sở hữu bất cứ thứ gì khiến con người ta đau khổ. Còn Hell, địa ngục là nơi sẽ trừng phạt người ta bởi những tội lỗi khi họ còn sống, sẽ khiến bạn dày vò và đau đớn. Dù rằng cả hai điều này nghe tưởng chừng trái ngược nhưng nếu nói chúng là một nơi tốt đẹp hoàn toàn thì ấy là nhận định sai, cả hai đều không phải như vậy. Có rất nhiều những tác phẩm điện ảnh đã chỉ rõ mặt thiếu hoàn hảo của Utopia mà có khi là còn đen tối, còn có kẻ coi đó là địa ngục. Nên dù rằng nhìn theo kiểu gì thì chúng cũng có điểm chung nhưng lại không phải là một, dễ hình dung thì nó giống cách nói mang một phần của cái này và cái kia, tương tự với chính bản thân thế giới ấy cũng vậy nếu bỏ qua luật lệ phi đời thường sang một bên thì nơi đó chẳng khác thế giới thực là bao. Mà thực ra, chúng ta luôn sống trong một thế giới với luật lệ riêng biệt chỉ là nơi đó cốc rơi sẽ không vỡ mà liền lại, kéo một tấm rèm đôi khi ta lại lạc sang một thế giới khác, do đó việc lạ lẫm là điều dễ hiểu.

Tiếp theo, tôi sẽ giải thích về thần linh. Theo tôi nghĩ đơn giản nhất thì thông thường thần linh đóng vai trò là dẫn dắt loài người, chỉ lối cho họ, một công việc khá giống với giáo viên. Do đó thì việc sử dụng giáo viên đóng vai trò là thần linh ở thế giới chỉ có toàn là học sinh cũng chẳng phải điều gì khó hiểu. Dẫu vậy, Sonny Boy vốn là câu chuyện nhân sinh có tính cá nhân, có god hay không hoàn toàn chẳng quan trọng. Họ chỉ đóng vai trò như một thế lực có tồn tại ở thế giới ấy, tùy thuộc với từng nhân vật thì họ có hay không có ảnh hưởng lại là vấn đề khác. Tóm lại thì tôi cũng chả quan tâm về cái này cho lắm, giống như ngoài đời thực tồn tại những người tin rằng chúa là có thật và tin vào những điều siêu nhiên thì cũng sẽ có những người theo thuyết vô thần và không tin vào những điều siêu nhiên.

Cái tin hay không ấy là sự lựa chọn, họ có quyền lựa chọn, tự do chọn lựa. Tôi sẽ lấy nhân vật Hoshi như ví dụ, ban đầu cậu ta có thể nghe được tiếng gọi của thần linh. Cái tôi muốn nói rằng Hoshi biết rằng chuyện dịch chuyển tới thế giới đó chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng cậu vẫn lựa chọn tới trường ngày hôm ấy. Điều đó do god quyết định ư? Chắc chắn là không rồi, đó chính là cách cậu ta lựa chọn cho chính số phận của mình, kể cả việc mong muốn trở thành một đấng cứu thế và cứu tất cả mọi người theo ý mà bản thân cho là đúng.

Mặt khác, người cũng được sự giúp đỡ của chúa lại có kết quả trái ngược với Hoshi chính là Asakaze, người mà theo cô Aki nói là vô cùng tài năng, cậu ta có thể chống đỡ cả một hòn đảo và điều khiển thời tiết theo ý muốn cơ mà, đó là lý do đảo Hateno chẳng bao giờ có lấy một giọt mưa. Nhưng cuối cùng thì mặc dù là con người được ban phát tài năng mà lại chẳng đạt được bất kỳ thứ gì. Trong quá trình tìm hiểu về bộ phim, tôi đã đọc được một bình luận nói War chính là tương lai của Asakaze. Rằng war cũng là một con người tài năng khác nhưng cuối cùng lại ở đó và chờ đợi một người tài năng khác đến để kết liễu cuộc đời mình. Điều đáng tiếc nhất chính là việc tác giả xây dựng mối quan hệ xung quanh Asakaze. Từ không lành mạnh (unhealthy) có lẽ là phù hợp nhất để miêu tả, so với Nozomi và Nagara, mối quan hệ của họ mang nhiều tính nâng đỡ giúp người này nhận ra giá trị của bản thân thì mối quan hệ của Asakaze và Aki sensei là mối quan hệ phụ thuộc, bên này phụ thuộc vào bên kia nhưng không phải theo cách tích cực, bên này bị bên kia nắm giữ hoàn toàn sự tự do, thao túng. Từ đó Aki sensei lợi dụng cậu. Từ góc nhìn này có thể nghĩa Aki là người xấu. Tôi có nói Aki lợi dụng Asakaze nhưng nếu nhìn theo một mặt khác thì họ vẫn giữ đúng vai trò thần linh dẫn lối cho con người. Aki sensei đã cho Asakaze nhìn thấy bản thân cậu trong tương lai, nhưng việc cậu có trở thành người dó hay không vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân của Asakaze.

Yamabiko senpai lại là cách miêu tả hoàn toàn khác, nếu liên hệ theo cách trên thì tôi khá thích khi liên tưởng Yamabiko với một War khác là người được miêu tả đem tới dịch bệnh. Về mặt bề ngoài, giống như anh có một cuộc sống hạnh phúc bên cạnh người mình ngưỡng mộ sau hàng năm rong ruổi qua các thế giới, nhưng thực chất mối quan hệ của Yamabiko và vị senpai mà anh ngưỡng mộ kìm hãm lẫn nhau. Vị senpai ấy mưu cầu sự tự do, muốn được chạy ra thế giới bên ngoài, muốn một lời nói chân thật từ Yamabiko. Anh biết điều đó nhưng cố không quan tâm, lưỡng lự, giống như con chim được sử dụng trong tập phim ấy. Nó vẫn cứ bị thương và quay lại chỗ đó, cả hai đã tìm được bến đỗ cho mình, từ đó mối quan hệ của hai người họ có thể được liên tưởng như một loại bệnh tật, bám chặt, ăn mòn phần mong ước của họ, níu kéo để rồi một biến cố sau những người ấy đã trở thành những hòn đá chẳng thể cứu vãn được nữa.

Yamabiko hoàn toàn có thể được coi là một loại dịch bệnh, nếu anh tiếp tục tìm kiếm một mái ấm mới chỉ để thỏa mãn sự nuối tiếc của bản thân, kìm kẹp họ và tước đi sự tự do. Nhưng tất nhiên anh đã không lựa chọn việc này, Yamabiko lựa chọn việc giúp đỡ nhóm Nagara trở về thế giới của mình. Đó cũng là một cách mà anh tự lựa chọn cho quyết định của mình, không lặp lại sai lầm cũ. Anh trưởng thành theo cách riêng. Thông qua mối quan hệ giữa Aki và Asakaze, hay Yamabiko, ta có thể thấy được cách mà ông Shingo Natsume muốn truyền tải về góc nhìn, triết lý mà ông muốn cho là tốt hay không tốt.

Sonny Boy là bộ phim mà bên trong nó gửi gắm thông điệp về sự trưởng thành của con người, đó có thể là tự mình quyết định, có thể là phụ thuộc vào người khác, có thể sống để không lặp lại sai lầm và cứu những người còn có thể cứu, có thể là nắm lấy tay một người khác, cần một ai đó giúp bạn có thêm động lực để bước tiếp,... Có vô vàn cách chọn, mỗi cách chọn cũng sẽ đem tới vô hạn những kết quả, họ có thể trở thành một phần với thiên nhiên, hay có những người chỉ mất đi tất cả mọi thứ mới nhận ra được điều mình mong muốn.

Vấn đề con người đã được sáng tỏ, vậy vấn đề xã hội là như thế nào. Sonny Boy đã thể hiện chúng rất rõ ràng và đi trực tiếp vào vấn đề, đảo Hateno chinh là bối cảnh chủ yếu trong toàn bộ bộ phim. Nơi mà Nagara trong tập 12 đã sử dụng để so sánh với đảo "Hawaii" một địa điểm thực tế ở thế giới thực. Ấy chính là cách để ngay lập tức khẳng định việc liên kết các yếu tố giữa hai thế giới, hay như muốn nói lên cái xã hội của thế giới giả tưởng và thực tại cũng không khác nhau, có thể dùng cái này thay cho cái kia.

"Tớ biết rằng sẽ chẳng có gì thay đổi. Trong tâm trí, tớ hiểu rõ điều đó."

Mặc dù vậy, chẳng cần đợi đến tập 12 thì tất cả những điều này đã được lặp đi lặp lại ở những tập trước đó rồi. Để tránh dông dài lan man tôi sẽ chỉ nói về tháp babel và người được chọn.

Đầu tiên là tháp Babel. Về mặt hình ảnh, ta biết rằng phim sử dụng con kiến như một cách ẩn dụ về lao động của con người. Không hỏi, không rằng chỉ có một mục đích duy nhất là làm việc, phục vụ cho nữ hoàng - người cầm đầu của chúng. Đối với người xem thì có thể xem đây là hình ảnh tiêu cực hoặc tích cực, nhưng tôi sẽ để điều đó cho bạn quyết định mà thay vào đó sẽ trích dẫn lời mà ông Shingo Natsume cũng chia sẻ.

“Tháp babel, nơi mà ta phải đem những tấm đá vô hạn, tôi muốn nói về lao động trong xã hội. Mặc dù họ ko già đi về ngoại hình, nhưng miễn là họ còn lý trí, họ sẽ thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh. Nó có thể trưởng thành hơn với nhiều tri thức, hay có thể bị thoái hóa và thỏa hiệp. Tôi muốn thể hiện sự thay đổi của Nagara, đồng thời phản ánh giữa một người vừa mới tới đó và một người đã ở đó từ rất rất lâu rồi. Từ góc nhìn thứ 3, cách sống của Futahoshi có phần không mấy vui vẻ, nhưng từ góc nhìn của anh ấy thì nó ko phải là như vậy. Mà còn ngược lại, khá là bình thường và hạnh phúc ấy chứ.”

Ngắn gọn thì ông muốn nói rằng khi ta đã quen làm một việc gì đó thì khó có thể thay đổi. Đồng thời ông bày tỏ quan điểm, bản thân sự việc bên ngoài và bên trong khác nhau. Rõ ràng hơn thì ta đều biết Nagara là nạn nhân của vụ dịch chuyển, nhưng có một nhóm người trong phim lại đổ hết tội lỗi lên đầu cậu.

Quay trở lại câu chuyện về tháp Babel.

“Chuyện xây tháp cũng vậy. Vốn dĩ không có người bị trôi dạt nào tin sẽ có một ngày được lên thiên đường.”

“Dù chỉ là giấc mơ phi lý thì việc tin vào nó sẽ làm ta hạnh phúc hơn.”

Tất cả những gì cô đặc nhất của tập phim ấy như được chứa đựng trong hai câu nói. Họ biết sẽ không thể chạm tới thiên đường, nhưng thực sự thì chẳng sao cả, họ vẫn sống vẫn vui vẻ, đôi khi tin vào một điều gì đó sẽ khiến cuộc sống của ta tốt đẹp hơn. Đó cũng là cái kết của tập phim, khi chỉ mình Nagara chạm tới đỉnh của tòa tháp, một con đường cụt, không có chút ánh sáng, cũng chẳng có bất kỳ ước mơ nào. Minh chứng cho việc đôi khi biết tất cả mọi thứ là tốt, con người dẫu sao vẫn cần một chút hy vọng trong cuộc sống. Tôi khá thích cái cách suy nghĩ này bởi phần lãng mạn của nó. Thông qua điều ấy, ta thấy những người đã quen với cuộc sống chui lủi trong tòa tháp được đặt so sánh với những người vừa mới tới là Nagara, được chứng kiến nơi ấy ảnh hưởng tới Nagara như thế nào, dần dần đồng hóa cậu, sẵn sàng quỳ xuống để ăn con sâu con bọ, thứ mà lúc trước, dám cá đến chạm cậu ta còn chả dám. Bằng nghệ thuật ẩn dụ sử dụng hình tượng sâu nhả tơ làm những ngôi sao băng và dùng chính những sợi tơ “hy vọng” ấy kéo con mồi của mình lên sau đó ăn thịt. Hy vọng nuốt chết những kẻ mông tưởng. Tôi thích cái cách “ngược” ấy, cả về tòa tháp lẫn lý tưởng.

Tại sao lại “ngược”?

Trong cuộc sống thường người ta càng leo cao thì càng đạt được cuộc sống ấm no, tiền bạc, của cải, càng chạm tới những ước vọng và khát khau nhưng trong Sonny Boy cái “ngược” dùng để cho thấy những tuyệt vọng, âu lo và khó đoán của tương lai. Đáp án chưa chắc đã nằm ở trên đỉnh, nơi đó có lúc chất chứa toàn những sự bất định, mà đôi khi chính những gì ta cần đã nằm sẵn ở đáy.

Dẫu vậy, Sonny Boy chưa bao giờ là bộ phim mong muốn truyền tải thông điệp mang tính tiêu cực.

Trong tập tháp Babel vẫn còn tồn tại yếu tố ước mơ, vẫn khuyên rằng như Nagara, ta phải bước tiếp dù trên đỉnh có là con đường cụt đi chăng nữa. Con người giống như một tờ giấy trắng, không ai sinh ra đã có sẵn đáp án, do đó ta cần phải hành động để định hình lên bản thân, chính vì vậy mà Nagara thoát khỏi nơi ấy.

Yếu tố thứ hai, người được chọn.

“Chắc các em không nghĩ chỉ có sự tồn tại của các em mới đặc biệt chứ?”

Thầy hiệu trưởng hỏi Nagara. Có lẽ một trong những ngã rẽ lớn nhất của cả bộ phim là nằm ở tập 6. Đối mặt với hiện thực nơi một mình khác “được chọn” ở thế giới đó, có rất nhiều lựa chọn được đưa ra. Có thể thần linh đã tung xác sắc để chọn ra người được ở lại và người phải đi. Từ đó tất cả học sinh đã lựa chọn đường ai người nấy đi.

Ở đây theo tôi nghĩ trước tiên nên hiểu rằng người đặc biệt là như thế nào? Là Nagara không bị dịch chuyển tới thế gưới khác vẫn bị động, nhu nhược, thiếu chín chắn, hay một Nagara trưởng thành và có định hướng? Điều gì khiến ta nghĩ rằng người không dịch chuyển mới là người đặc biệt. Hay một Nozomi đã chết là đặc biệt, cái gì quy định bản sao không bằng bản thật, cái gì quy định bản sao không thể vượt qua bản thật ? Tôi nghĩ cái mà nhà làm phim muốn truyền tải chính là về việc lựa chọn số phận của mình, nếu mình nghĩ rằng mình là người đặc biệt thì mình sẽ là người đặc biệt. Tương tự với chủ đề chính là sự lựa chọn, ở phía trên cảnh tháp babel Nagara đã có lựa chọn của mình. Sự lựa chọn ấy được lặp đi lặp lại. Asakaze có lựa chọn của cậu, rời bỏ nhóm Nozomi để đi theo cô giáo Aki, Yamabiko cũng có. Hoshi lựa chọn nghe theo bản thân mình, trở thành một người đóng vai trò là đấng cứu thế với mong muốn cứu giúp những người đi theo mình, Radjidani cũng lựa chọn tìm hiểu về thế giới còn Nagara lựa chọn mong muốn trở về thế giới thực cùng với Mizuho và Nozomi. Ai cũng phải đưa ra lựa chọn trong cuộc đời mình, bản thân đưa ra sự lựa chọn, tự mình theo từng cách riêng đối mặt với những vấn đề của họ và trưởng thành. Thông qua đó, phần còn lại của Sonny Boy chỉ còn là kết quả của mỗi lựa chọn ấy. Sonny Boy chỉ là như thế thôi, không phải truyền tải một thứ gì đó quá cao siêu mà chỉ là điều rất đơn giản xuất hiện trong nhiều anime, nhưng chẳng ai lại làm theo cách này cả.

“Đây là tương lai Nagara chọn mà. Cậu có nhớ rằng cậu từng nói “Dù gì cũng không thể thay đổi thế giới nên mọi chuyện sẽ ổn thôi.”

“Ừm chúng ta không thể thay đổi thế giới. Nhưng đây vẫn là thế giới mà tớ chọn.”
(Cuộc đối thoại của Nagara và Mizuho trong tập 12.)

Kết lại, cho lời còn dang dở, ý nghĩa của bộ phim là gì?
Theo tôi đó chính là cái certain và uncertain của tương lai. Về sự vô hạn những lựa chọn của cuộc đời. Để dễ hình dung thì nó đúng là thiếu niên thiếu nữ, những cô cậu học sinh đứng trước ngã rẽ lớn của cuộc đời như kỳ thi cấp 3, kỳ thi vào đại học. Tôi cũng đã từng trong hoàn cảnh đó, hay đúng hơn là chỉ một năm trước thôi. Do đó dư vị của chính cái sự mù mờ này phần nào vẫn còn tồn đọng trong tôi. Sonny Boy chính là lấy cái cảm giác ấy để chuyển thể thành một bộ phim với một câu chuyện cuốn hút. Thông qua cách phản ánh một phần hiện thực xã hội, bộ phim phản chiếu con người để ta có thể suy ngẫm và chứng kiến tác giả đã đặt mình vào câu chuyện để nói lên quan điểm của mình.

Trong quá trình suy ngẫm về Sonny Boy, tôi đã sợ rằng tôi đã hiểu sai hay đang cố gắng bẻ lái nó đi theo suy nghĩ của mình, đúng như thế thật tôi có thể sai, dù sao cũng là show don’t tell, tôi có thể đưa ra đủ mọi suy nghĩ của mình để giải thích bộ phim. Dẫu vậy, tôi vui mừng khi đọc cảm nghĩ của ông Shingo Natsume về Sonny Boy, tôi nhận ra ở mức độ nào đó tôi có những suy nghĩ giống ông ấy đấy chứ. Cuối cùng, để kết lại kỳ 1 của bài viết sẽ chẳng có gì tuyệt vời hơn khi tôi có thể trích dẫn chính những lời mà đạo diễn Shingo Natsume chia sẻ.

“Tôi đã cố gắng tưởng tượng cảnh Nagara cùng bạn học của cập tốt nghiệp khỏi cấp hai và vương ra biển lớn, rời khỏi vòng tay của người lớn và giáo viên. Khi giọng nói hỏi Nagara “Cậu nghĩ cậu là người duy nhất đặc biệt?” Đó là biểu tượng, nói rõ ràng hơn thì tôi muốn thể hiện sự lo lắng của học sinh cấp hai khi họ đối mặt với cuộc sống thực tế.

Mặt khác tôi sử dụng thước phim như một phép ẩn dụ cho sự lặp lại, nhưng tôi nghĩ rằng chính bản thân cuộc sống hiện tại cũng giống như được gói gọn trong một bộ phim rồi. Giống như thời gian và những điều phi thường (Like phenomena and times), chúng là yếu tố có trong phim, trong đó có rất nhiều thế giới giới để ta lựa chọn. Phim lấy bối cảnh không gian kín của một rạp chiếu phim, nhưng lượng thông tin vô hạn cũng chính là vô hạn sự lựa chọn cho việc họ chọn lựa lấy thế giới – chỉ có thứ bạn hiểu khi xem chúng, bên cạnh còn có hy vọng cũng như sợ hãi. Tôi nghĩ tôi đã thực sự mô tả được hy vọng và lo lắng rồi ấy chứ.”
Tôi là Lesor. Xin chào và hẹn gặp lại.

- Lesor -
cre: I review unrelated stuffs
264486960_591165688560225_451438635707018775_n.jpg
 
Bác cho em hỏi là có phải khi Nagara và Mizuho trở về ở tập 12 thì có phải là Nagara tự tạo ra thế giới mới không ạ ?
 
Back
Top