Tại sao truyền dịch cũng có thể tử vong?

Cryolite.

Senior Member
https://tuoitre.vn/tai-sao-truyen-dich-cung-co-the-tu-vong-20230302184012251.htm

Cụ bà mệt mỏi, được người nhà đưa vào phòng khám tư truyền nước nhưng cụ tử vong ngay sau đó ít phút. Đây không phải lần đầu xảy ra sự cố tử vong khi truyền dịch nhưng nhiều người vẫn chủ quan.

Tại sao truyền dịch cũng có thể tử vong? - Ảnh 1.

Truyền dịch cần phải được chỉ định của bác sĩ - Ảnh minh họa

Ngày 2-3 tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, cụ bà 71 tuổi tử vong sau khi truyền dịch tại một phòng khám tư nhân trên địa bàn.

"Anh cả tôi chở mẹ đến Phòng khám đa khoa Buôn Hồ (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) để khám. Tại đây, bác sĩ yêu cầu mẹ tôi nằm lại, truyền nước cho bà.

Khoảng 15 phút sau, mẹ tím tái rồi lịm đi, tắt thở. Phòng khám đưa mẹ lên Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Tại đây các bác sĩ xác định mẹ tôi đã tử vong trước khi vào bệnh viện", con trai bệnh nhân kể.

Đây không phải lần đầu ghi nhận trường hợp tử vong sau khi truyền dịch. Trước đó, tháng 7-2022, cô gái 28 tuổi cũng tử vong sau khi truyền dịch tại một phòng khám đa khoa ở quận Bình Tân (TP.HCM).

Theo người thân, bệnh nhân được phòng khám này truyền dịch rồi chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất, ngay sau đó đã tử vong.

Năm 2020, một thanh niên 17 tuổi, ở Hà Nội cũng vào Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốc, ngưng tim. Trước đó, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và truyền dịch tại nhà. Khi đến bệnh viện, người bệnh đã ngừng tim 30 phút do sốc khi truyền dịch tại nhà.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), tử vong do truyền dịch thường có 2 nguyên nhân là do sốc phản vệ và phù phổi cấp.

Đối với sốc phản vệ, biểu hiện rõ nhất là bệnh nhân sốt cao hoặc rét run đột ngột, mạch nhanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh, huyết áp tụt, khó thở, nhịp tim nhanh và nông, bệnh nhân có những biểu hiện lo lắng, bồn chồn, vật vã. Nếu không xử trí kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong.

Thứ hai do phù phổi cấp, nguyên nhân là đưa quá nhiều dịch với tốc độ nhanh vào hệ tuần hoàn, trên bệnh nhân vốn đã suy tim hoặc phù, khiến bệnh nhân lên cơn hen tim, phù phổi cấp và nhanh chóng tử vong.

Ngoài ra, có thể gặp các biến chứng như đột quỵ do tăng huyết áp đột ngột; nhiễm trùng máu; lây truyền các bệnh như HIV/AIDS, viêm gan B, C, tràn dịch màng bụng, màng phổi; rối loạn điện giải như tăng natri máu, tăng đường huyết; tắc mạch phổi do khí trong dây truyền lọt vào lòng mạch...

Bác sĩ Hoàng chỉ rõ mục đích của truyền dịch là để nuôi dưỡng bệnh nhân, bù đủ lượng dịch mà cơ thể bị mất để đảm bảo thể tích tuần hoàn, duy trì huyết áp và lượng nước trong các mô của cơ thể.

Không phải ai cũng cần truyền dịch và không phải ai cũng được phép thực hiện truyền dịch. Hiện đã có quy định rất rõ về việc quy định các cơ sở, bác sĩ được phép truyền dịch.

Cũng theo bác sĩ Hoàng, trước khi truyền dịch cần phải khám tim, phổi, đo mạch, huyết áp... Với những người có vấn đề về tim mạch, việc truyền dịch cần phải rất thận trọng, bởi xảy ra biến chứng suy tim, dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, trước khi truyền dịch nên xét nghiệm công thức máu, điện giải đồ. Khi truyền dịch cần phải khống chế được tổng lượng dịch truyền, phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.

Đối với những bệnh lý thông thường, người bệnh nên bổ sung các dưỡng chất bằng đường ăn uống. Như vậy, không chỉ giúp cơ thể nhanh chóng khỏi bệnh mà còn tránh được nguy cơ có thể gặp phải khi truyền dịch.

...
 
Truyền dịch thường có nhiều nguy cơ bị sốc do vậy người bệnh được khuyến cáo là chỉ nên truyền dịch ở các bệnh viện vì có đầy đủ thiết bị ứng cứu kịp thời khi bị sốc
 
Bà già tôi ở nhà cứ hễ mệt lên là đi truyền dịch, mà chết cái truyền xong lại thấy khoẻ, nên cứ nghĩ nó là phương thức chữa trị tốt :pudency: giờ mà nói kiểu khoa học thì chả muốn nghe . Mệt thật. Mà mấy bà y tá sống nhờ nghề này nên cái kiểu thấy có mối là nói để em truyền chị 1 2 bình là khoẻ ah.
 
Back
Top