[Tản mạn] Đằng sau những bài Đồng dao

Hôm trước mình có đọc bài phân tích về nguồn gốc của “ Bắc Kim Thang”, thấy khá hay và cuốn, có chút kinh dị vì vốn dĩ nó thân thuộc nhưng đằng sau nó ai dè ghê vậy. Mình tò mò nên lên mạng tìm hiểu thử mới biết được không chỉ “ Bắc Kim Thang” mà còn 1 số bài đồng dao khác nội dung phía sau cũng tương tự. Mình lập thớt này để chia sẻ và luận bàn với vozer tí, nếu các thím có thêm thông tin hoặc sự tích gì khác về các bài đồng dao khác thì bổ sung nhé.
Bài 1: Rồng rắn lên mây.
Những câu ca dao tục ngữ, những bài đồng dao ra đời đều có nguồn cội từ dân gian. Chúng ra đời thấm nhuần hoàn cảnh lịch sử, văn hóa của thời kì đó, được cha ông sáng tạo nên và truyền miệng lại cho thế hệ sau. Chính vì tính truyền miệng, vô danh mà các tác phẩm dân gian thường có rất nhiều dị bản. Các bài đồng dao cũng vậy, qua nhiều năm, đồng dao trở thành những bài hát, trò chơi vui vẻ của trẻ nhỏ mà ý nghĩa gốc cũng như hoàn cảnh lịch sử ở trong đó cũng mờ dần đi. Trong những bài đồng dao lại thường mang những sự kiện quan trọng, đôi khi lại vô cùng đau thương của dân tộc hay trong tín ngưỡng của các gia đình dân gian, điển hình là bài đồng dao "Rồng rắn lên mây".

Trò chơi "Rồng rắn lên mây" luôn là một trò chơi hấp dẫn của trẻ em. Sẽ có một bên đóng vai "tà" – người thầy thuốc đứng ở một bên. Bên kia là một đám trẻ xếp hàng dọc bám gấu áo nhau "rồng rắn". Người đóng vai thầy thuốc sẽ đối đáp với đám trẻ đến xin thuốc chữa bệnh và đến cuối cùng sẽ bắt đầu đuổi bắt một người trong đám trẻ xếp hàng. Nguyên văn lời đối thoại của bài đồng dao ấy như sau:
"Rồng rắn lên mây
Có cây núc nác
Có nhà điểm binh
Thầy thuốc có nhà hay không?"
Thầy thuốc báo không có nhà thì lại đi vòng từ đầu.
  • Thầy thuốc: Có, mẹ con rồng rắn đi đâu?
  • Rồng rắn: rồng rắn đi lấy thuốc cho con
  • Thầy thuốc: con lên mấy?
  • Rồng rắn: con lên một
  • Thầy thuốc: thuốc chẳng ngon
  • Rồng rắn: con lên hai
  • Thầy thuốc: thuốc chẳng ngon
(Cứ thế đến mười)
  • Rồng rắn: con lên mười
  • Thầy thuốc: thuốc ngon vậy, xin khúc đầu
  • Rồng rắn: khúc đầu toàn xương toàn xẩu.
  • Thầy thuốc: xin khúc giữa.
  • Rồng rắn: khúc giữa toàn máu toàn me.
  • Thầy thuốc: xin khúc đuôi
  • Rồng rắn: Khúc đuôi tha hồ mà đuổi.
Trò chơi mang lại cảm giác hồi hộp cho người chơi khi tất cả những đứa trẻ phải bảo vệ người bị bắt khỏi nhân vật "thầy thuốc". Trò chơi vui vẻ là vậy nhưng lại ẩn chứa phía sau câu chuyện đau thương, nỗi ám ảnh của nhân dân từ ấy tới thời nay vẫn chưa dứt.
Đó là câu chuyện xuất phát từ một dòng họ Việt Nam xưa. Vào thời kì phong kiến, người Việt hay sống theo quần thể làng xã, những người có mối quan hệ họ hàng thường sống quây quần với nhau. Cho tới tận bây giờ, ở rất nhiều tỉnh thành trên khắp đất nước, nếp sống gần gũi này vẫn được duy trì. Vì thế nếu chỉ cần có một gia đình ở trong dòng họ có chuyện, cả một vùng xung quanh cũng nhốn nháo theo.
Bi kịch bắt đầu khi anh Trỗi, ở độ tuổi ngoài bốn mươi vẫn còn đang khỏe mạnh, trúng gió mà mất đột ngột trong đêm. Anh Trỗi là con thứ hai của bà cụ Mai - dòng họ Trần làng Thanh Phiến (địa danh được đổi tên). Cả dòng họ đau xót đưa tiễn, làm ma chay đầy đủ, đem chôn cất ở nghĩa địa của làng. Dòng họ Trần trước nay thân thiết khăng khít, chỉ là không phải hộ phú trong làng, đa số là nông dân làm đồng làm ruộng, thuê mướn quanh năm. Chính vì thế nên các gia đình đều ở trong cảnh bần hàn. Nén đau thương, vợ con anh Trỗi vẫn tiếp tục quay trở lại cuộc sống mưu sinh hàng ngày.
Ai ngờ bất hạnh vẫn chưa dứt. Chưa đầy 9 tháng sau cái chết của anh Trỗi, bà Mai lâm bệnh nặng mà chết. Bà Mai năm đó đã ngoài 70, ở tuổi "thất thập cổ lai hy" nên mọi người cũng nghĩ rằng bà đã hết vận cùng số. Dù cũng có đau xót nhưng con cháu vẫn hùn tiền bạc để lo ma chay cho bà cụ. Trong một năm đã có hai đám tang, kinh tế của dòng họ ngày một kiệt quệ. Tuy nhiên nghĩa tử là nghĩa tận, họ không muốn làm qua loa sơ sài.
Vào hôm đưa bà cụ ra ngoài đồng hạ huyệt, người dân làng cũng đi tiễn đưa. Đám đưa kéo dài trên con đường đất. Mây đen từ từ kéo về, gió bắt đầu thổi. Lúc ấy mới là đầu giờ chiều mà đàn chim đã xao xác trên bầu trời. Đoàn người đang lúi húi ngoài nghĩa địa đào mả cho kịp giờ lành mà không để ý tới đàn chim đã bâu đầy những cây dâu xung quanh. Đột nhiên, những con quạ kêu rống lên thê thiết khiến người nghe cũng cảm thấy rờn rợn.
Đêm hôm ấy, tiếng quạ kêu ám ảnh cả giấc ngủ của những con người đi đưa ma. Nửa đêm, chị Hậu, vợ anh Tư, con trai thứ tư của bà Mai giật mình tỉnh giấc. Chị nghe thấy tiếng kêu từ đâu đó vẳng lại. Thấy không khí trong nhà lạnh buốt, chị mở cửa sổ bên hiên nhà, gần giường nằm mong đón ít khí trời. Nay vẫn đang là mùa hè, vậy mà ban đêm trong nhà lại lạnh lẽo bất thường. Khi vừa mở cửa ra, chị Hậu giật mình nhìn thấy một con chim trông giống cú, đậu ngay trên cây nhãn ngoài bờ rào. Nó nhìn chằm chằm vào cửa sổ nhà chị, kêu lên một tiếng lớn "Écccc" rồi bay đi. Chị cảm thấy sợ hãi nhưng không biết rõ sẽ có chuyện gì xảy ra.
Cuối tuần sau, trong họ có đám giỗ cụ, các gia đình mới có dịp tụ hội. Chị Hậu ngồi cùng mâm với các chị em gái, em dâu trong nhà. Mọi người xì xầm nói chuyện với nhau các mẩu chuyện cỏn con vụn vặt hàng ngày. Chị Hậu thấy mặt cô em họ bên chồng có phần xám xịt thì mới cất tiếng hỏi thăm. Cô em họ này là con em trai bà Mai, đã lấy chồng ở ngay làng bên. Cô ở hơi xa nên cũng không sâu sát chuyện của gia đình. Hỏi ra, hóa ra nhà cô có sự lạ.


" Thằng con em... Thằng Thìn ấy chị, thằng cả. Hôm qua đi làm đồng về nó như người khác ấy..."
"Khác như nào? Nó ốm à?"
"Không chị ạ, em làm cơm tối, gọi chúng nó vào ăn. Thằng Thìn nó lừ lừ đi vào, hỏi chẳng nói chẳng rằng. Lao vào mâm cơm dùng tay bốc ăn thùm thụp. Em quát nó cũng không dừng lại. Bố nó mới nắm lấy tay nó giữ lại thì tự nhiên nó vứt văng cái bát ra, khóc lóc gà gật trông tội lắm, rồi bắt đầu nói linh tinh. Nghe ghê cả người ấy chị!"
"Thằng bé nói gì?" Cả mâm cơm bắt đầu tò mò nghe câu chuyện của cô em chồng.
"Nó mếu máo tự nhận mình là anh Trỗi. Cứ "anh Trỗi đây, mày không nhận ra anh à, anh khổ quá!" Mà anh Trỗi thì mất gần năm nay rồi. Em thấy cũng ngờ ngợ nhưng thường tính thằng Thìn trầm trầm, chưa bao giờ như này nên em cũng thử dỗ dành ngồi nghe... Thằng bố định lao vào đánh con nhưng em cản lại. Em nghĩ là có khi anh Trỗi về thật. Anh ấy khóc ghê lắm, nói không ra câu, cứ mấp máy mãi. Em nghe câu được câu mất. Anh ấy kêu bị đánh đau, bị ép nói ra gì đó...Rồi bảo là không dám về nhà...Bảo nhà mình cẩn thận, tìm người giúp đi thôi..."
"Thế thôi á? Ghê thật đấy!" Chị Hậu xuýt xoa. Những người phụ nữ ngồi xung quanh cũng xôn xao. Chị Hậu nhân dịp cũng kể vụ con chim cú tối hôm trước.
"Tôi nghe ấy, chim cú lợn kêu thường là không có điềm tốt đâu. Nhà cô Hậu cẩn thận đấy!"
"Vụ thằng Thìn liệu có thật không? Hay là báo với ông trưởng họ đi?" Một người đề nghị.
"Em cũng không biết tại sao anh lại về trên người thằng bé, cũng không rõ anh muốn gì. Em nghĩ không nên làm to chuyện lên, vì các anh các chú còn phải lo việc lớn, tiền nong cũng đủ mệt rồi. Mình phụ nữ cứ làm cho anh Trỗi cái lễ là được. Em theo chồng rồi nên cũng nhờ các chị vậy..."
"Dù sao thời gian tới cũng phải để ý mọi sự trong nhà..." Người phụ nữ lớn tuổi nhất nói.
Vậy là câu chuyện bên mâm cơm dần trôi đi như thế. Sau hôm ấy, một vài người phụ nữ cũng đứng ra làm lễ cho anh Trỗi bên nhà của anh, thế rồi thôi. Chị Hậu sống trong lo lắng một thời gian, luôn cẩn thận. Nhưng mấy tháng sau cũng chẳng có chuyện gì xảy ra cả, vậy nên chị cũng quên đi sự cảnh giác. Bẵng đi tầm một năm, vào một hôm, trời mưa lớn.
Anh Tư đội cái nón lá, ôm theo đống vải bạt, định vượt mưa chạy ra ngoài đồng.

"Anh đi đâu thế! Mưa to lắm!" Chị Hậu nói với theo.
"Anh ra cứu lúa, tự nhiên mưa to thế này, nó ủng hết mất!" Thế rồi anh chạy đi mất. Cả nhà cửa có mỗi hai sào ruộng, nếu năm nay không thu hoạch được thì đúng là cả nhà chị lại rơi vào cảnh bữa đói bữa no.
Chị Hậu lo lắng nhìn mây vần vũ trên bầu trời, từng tiếng sấm nổ đùng đoàng.
Buổi chiều hôm ấy, người dân đưa anh Tư về, cả người cháy đen. Người ta bảo, anh bị sét đánh dưới gốc cây. Chị Hậu sốc nặng, ngã khuỵu xuống. Tai ương xảy đến bất ngờ, dù đã được ứng báo nhưng lại chẳng ai có thể tránh được. Cả làng xôn xao. Dòng họ Trần mới hơn 2 năm mà đã có 3 người chết. Cả dòng họ phải họp lại.
"Tôi vừa đi gặp các ông bà trong làng về. Đợt chú Trỗi mất, ngày tháng an táng xem thế nào? Ai xem?" Ông trưởng họ nói với cả gia đình.
"Đợt đó cũng bất ngờ nên mọi người mới chỉ nhờ ông Miên trong làng xem ngày tốt, chứ cũng...chưa đi xem tử tế ạ..." Một người trả lời.
"Giời ơi! Sao lại tắc trách thế! Cái chuyện lễ nghi là quan trọng. Ông Miên chỉ là thầy Nam bốc thuốc, đâu có rành được. Tôi nghe hiện tượng này chưa nhiều, nhưng cũng có nơi bị, vừa được các ông bà trong làng nói cho. Nghe nói là trùng...trùng tang gì đó. Sẽ chết cả loạt!"
Cả dòng họ tím tái mặt mày, cuống cuồng lên. Lời ông trưởng họ không phải không có lí. Trong 2 năm rồi đã có tận ba người chết, hai người bất đắc kì tử.
"Vậy giờ phải làm sao ạ... Thế này thì sao mà chịu nổi..." Đám đàn bà mếu máo khóc lóc. "Không biết rồi sẽ đến lượt ai nữa..."
"Tôi đã hỏi được địa chỉ của một thầy rất nổi tiếng cách đây mấy thôn. Thôi thì đành phải đi cầu cứu vậy. Mọi người luân phiên nhau mà lo. Đây là chuyện có ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả dòng họ đấy!"
Thế rồi sau đó, những người có tiếng nói trong dòng họ Trần đành lặn lội đường xa tới tìm gặp ông thầy pháp giỏi kia. Nghe nói người này ngoài việc là thầy lang bốc thuốc cứu người thì còn trị việc âm rất tốt. Tuy nhiên, các quan lại, các trưởng làng nhiều nơi cũng tới nhờ cậy việc riêng, cửa nhà ông thầy lúc nào cũng đông nghịt người. Những người họ Trần đi đi về về mấy phen mà vẫn chưa gặp được thầy.
Trong lòng nóng như lửa đốt, họ chỉ sợ tai ương lại tiếp tục ập xuống. Cầu cạnh tới gần chục lần, cuối cùng họ cũng gặp được ông thầy vào lúc chiều muộn. Thầy ngồi giữa phản, tay cầm chiếc quạt, nghe họ trình bày rồi ngẫm nghĩ tính toán.
"Hỏng! Hỏng rồi! Sao lên chỗ thầy muộn thế? Tận 2 năm. Tắc trách quá!"

"Sao ạ... Thầy cứ nói chúng con nghe!"
"Nhà này bị thần trùng nhắm cửa rồi. Người mất đầu tiên mất giờ xấu, phải giờ Sát đạo, trùng tang Tam xa. Chưa bắt đủ 7 người, chửa xong đâu!!"
Những người họ Trần nghe thế hốt hoảng, cầu cứu: "Vậy tức là phải bảy người chết cơ ạ. Thầy ơi thầy thương xót, cứu giúp chúng con. Chúng con không học hành gì, dốt nát, không biết gì cả. Sẽ cố gắng hết sức theo ý thầy..."
"Tôi biết các anh chị cũng chẳng giàu có gì. Tiền bạc danh lộc tôi không thiếu, nên tôi cũng chẳng cần tiền bạc của anh chị. Tôi sẽ tận lực giúp đỡ, nhưng xong việc, tôi cần các anh chị tặng cho một thứ."
Dù chưa biết đó là thứ gì nhưng nghe thầy nói về việc trùng tang, hồn phách họ bay cả lên mây, vội vàng đồng ý.
Mấy ngày sau, ông thầy tới tận nhà thờ Tổ của dòng họ Trần làm lễ. Ông mang theo các hình nhân lớn. Cả họ tấp nập chuẩn bị lễ cúng: Gà, xôi, oản,... vẫn cố gắng có đủ. Thầy khấn vái làm lễ, cho lần lượt từng người trong họ đội mâm trên đầu truyền cho nhau. Lễ bái cả ngày, đến cuối buổi, các hình nhân cũng được hóa. Xong xuôi, ông thầy còn đưa ra một bài thuốc yêu cầu mọi người chế uống, được gọi là thuốc giải trùng tang. Vị thuốc bao gồm vị dẫn đầu là núc nác (hùng hoàng), chu sa, gỗ vông,... Đến tận thời điểm bây giờ, vị thuốc này vẫn còn được lưu truyền trong các ngôi chùa nhốt trùng nổi tiếng.
Sau đó, một năm trôi qua mà cả dòng họ vẫn chưa có thêm người mất, tất cả mọi người thở phào thoát nạn. Bởi trùng tang liên táng cần có người mất liên tiếp trong 3 năm, mỗi người không cách quá 1 năm. Đúng lúc mọi thứ dần êm đẹp thì người thầy phái người tới truyền lời, yêu cầu dòng họ Trần giao cho thầy điều mà họ hứa. Thầy muốn có đứa trẻ nhỏ nhất trong họ, là con trai, nhận làm con nuôi để theo nghiệp thầy. Nghe thấy vậy, mẹ của đứa trẻ thảng thốt, không muốn giao con đi. Cô cho rằng đó là việc của dòng họ, tại sao mình cô phải chịu thiệt? Vì thế người mẹ đưa con trốn đi, nhất quyết không chịu giao cho thầy. Người trong họ cũng xót cháu nên đành kệ. Sự bội hứa này khiến người thầy pháp hết sức bực bội. Thầy không có gia đình, cảnh neo người nên muốn có người nối dõi.
Một tuần sau, sự lạ xảy ra. Trên thân hình của những người dòng họ Trần bắt đầu xuất hiện những vết bầm tím như bị ai đánh, người nhức mỏi không chịu nổi. Ông thầy lang mới nhắn nhủ rằng nếu như không giao đứa trẻ ra, đoàn âm binh ông nuôi sẽ luôn quấy nhiễu các gia đình. Ngay cả người mẹ của đứa trẻ cũng không thoát. Không chịu nổi sự hành hạ, dòng họ bắt người mẹ phải giao con đi. Vụ việc trùng tang đã chấm dứt nhưng đổi lại là sự chia ly trong nước mắt của hai mẹ con.
Câu chuyện đó mới lan truyền thành bài đồng dao sau này, thực chất là nói về vụ cắt trùng tang của dòng họ Trần. "Rồng rắn lên mây" tức ám chỉ cả một đoàn người phải "lên mây" chầu trời, bỏ mạng sống. Vì thế họ phải tìm đến nhà ông thầy thuốc có cây núc nác – vị thuốc giải trùng tang để xin sự cứu trợ, tuy nhiên ông thầy này lại có "nhà điểm binh" tức là có nuôi đoàn âm binh hung hãn. Việc đoàn người rồng rắn tìm đến nhà thầy mấy lần mới gặp được cũng được dân gian miêu tả lại khi hỏi tới 10 lần thì thầy mới "có nhà và cho thuốc".
Tuy nhiên sau hành động cho thuốc, người thầy lại muốn xin một khúc của đoàn người rồng rắn. "Khúc" ở đây có thể hiểu là xin một người. Khúc đầu ám chỉ những người lớn ở đầu dòng họ, không thể bắt đi nên mới nói "toàn xương xẩu", họ đã già. Khúc giữa là những người thành niên hay trung tuổi, cũng không thể bắt đi nên mới nói "toàn máu toàn me" – họ là huyết mạch của dòng họ, nơi khai chi tán diệp. Vậy nên chỉ còn "khúc cuối" là những đứa trẻ thơ trong họ. Việc đoàn người rồng rắn đồng ý cho thầy "tha hồ đuổi" khúc cuối cũng ám chỉ khi những người dòng họ Trần vô tình đồng ý để thầy thuốc bắt người. Việc đoàn người rồng rắn cố gắng bảo vệ người đứng cuối của hàng khỏi người đóng vai thầy thuốc cũng là giễu nhại lại khoảng thời gian cả dòng họ đứng ra bao che cho hai mẹ con kia chạy trốn.
Trẻ em luôn học theo người lớn rất nhanh nên những nghi lễ cúng bái, diễu hành thời xưa đều bị chúng sao chép lại rồi biến thành trò chơi của mình. Ngay cả câu chuyện này cũng được sao chép và giễu nhại thành trò vui giữa đám trẻ, dần mất đi ý nghĩa thực sự phía sau.
Tuy nhiên, cũng có một cách hiểu khác về bài đồng dao này liên quan tới lịch sử chống giặc của cha ông ta. Đó là vào thời điểm thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân một cổ hai tròng – thực dân nửa phong kiến.
"Rồng" có thể hiểu là vua, "rồng rắn lên mây" tức là vua chúa đều đã chạy trốn đi nơi nào, không còn ở lại giúp nhân dân. Thực dân Pháp tràn vào xâm lược, mang theo các cống phẩm để trồng trọt, trong đó có một loại cây lạ được người dân gọi là cây núc nắc (lúc lắc). Nhà điểm binh cũng nhằm ám chỉ các căn cứ đóng quân của thực dân Pháp trên đất Việt.
"Thầy thuốc" trong quan niệm của phong kiến xưa là những người có học thức, có tài y thuật và được kính trọng, hay đi giúp đỡ nhân dân. Tuy nhiên ở thời điểm này chẳng có ai cứu giúp nhân dân nên bài đồng dao mới chế nhạo việc thầy thuốc không có nhà. Số tuổi của những đứa con cũng ám chỉ những năm thực dân Pháp đô hộ, dân đen lầm than không ai thương xót. Những người có thẩm quyền đều đã bị mua chuộc. Tới năm thứ 10 thì thực dân Pháp đã thành lực lượng "thầy "chính, ban thuốc để chữa bệnh và đồng hóa nhân dân. Đạt được mục đích, chúng bắt đầu "xin một khúc".
Ở trong giả thiết này, "khúc" lại được hiểu là Bắc – Trung – Nam, ba miền của Tổ quốc. Pháp muốn xâm chiếm lấy một vùng của Việt Nam làm thuộc địa. Lúc này khúc đầu là miền Bắc, gần với Trung Quốc và các nước Liên Xô, cộng thêm phong trào đấu tranh chống Pháp diễn ra quyết liệt. Đối với chúng, miền Bắc toàn "xương xẩu" khó ăn. Tiếp đến là khúc giữa, - miền Trung. Nơi này cũng đang có triều đình phong kiến đóng đô, thêm phong trào khởi nghĩa của tướng Nguyễn Tri Phương và Tôn Thất Thuyết nên khúc này nếu muốn lấy phải đổ máu hi sinh. Vì vậy "toàn máu toàn me", vẫn đáng bỏ qua. Chỉ có miền Nam – khúc cuối, Pháp cố gắng đánh chiếm được, dùng thế uy hiếp triều đình phải giao các tỉnh miền Nam cho chúng, sau cùng cũng giành được thuộc địa. Vì vậy nên bài đồng dao "Rồng rắn lên mây" còn ám chỉ cả lịch sử một thời kì đau thương của dân tộc, mất miền Nam vào tay thực dân Pháp.
Dù có thể được hiểu theo cách nào chăng nữa, các bài đồng dao đều chứa đựng những câu chuyện từ ngày xưa, lưu giữ những sự kiện lịch sử quan trọng, là hồn cốt của cha ông, đáng được lưu truyền và trân quý.
*Câu chuyện tham khảo bài nghiên cứu của Nguyễn Hùng Vĩ, quan điểm về lịch sử của nhà phê bình văn học Trương Tửu, bài viết về văn hóa giễu nhại và diễn xướng của nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn.
 
Bài 2: Dung dăng dung dẻ
Có những kỉ niệm đẹp thời thơ ấu trong lòng thế hệ 9x trở về trước mà ở thời điểm hiện giờ, những đứa trẻ khó lòng nào có thể có được. Đó chính là những giờ phút chơi trò chơi cùng bạn bè của mình trên sân trường, sân bóng, sân khu tập thể,...Những trò chơi dân gian thuở ấy đã dần mai một theo thời gian, nhường chỗ cho những chương trình, trò chơi vui mắt trên ti vi, màn hình điện thoại. Còn nhớ hồi ấy, những trò chơi dân gian "Bịt mắt bắt dê", "Cá sấu lên bờ", "Đồ cứu",... đã tạo nên những tiếng cười sảng khoái, những giọt mồ hôi mê mải của lũ trẻ mỗi khi tan trường. Những trò chơi dân gian ấy đã ra đời từ rất lâu, thời cha ông truyền lại, ai ai cũng biết cách chơi. Nhưng điều mà không phải ai cũng biết, đó chính là nguồn gốc của những trò chơi, những câu nói truyền miệng ấy từ đâu ra mà có?


Có những trò chơi ra đời hết sức vô tình nhưng lại có những trò chơi mang trong mình cả một câu chuyện phía sau. Và tất nhiên, không phải câu chuyện nào cũng dễ chịu. Điển hình như bài đồng dao đi kèm trò chơi "Dung dăng dung dẻ" mà bà và mẹ hay hát cho chúng ta nghe hồi bé:
"Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến ngõ nhà Trời
Lạy Cậu lạy Mợ
Cho cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Ù à ù ập
Đóng sập cửa vào..."
Hay
" Xì xà xì xụp
Ngồi thụp xuống đây"
Trò chơi vốn dĩ rất đơn giản, chỉ là một bài hát cho lũ trẻ nắm tay nhau thành vòng tròn chơi, đến cuối bài hát thì ngồi thụp xuống. Thế nhưng thời xưa, đây lại là một bài đồng dao dùng để nhắc nhở những người lớn phải để tâm tới lũ trẻ trong nhà mình hơn. Nước Việt Nam hồi ấy vẫn còn vô cùng nghèo nàn, khốn khó. Mỗi gia đình lại có đông con vì vậy nên cái nghèo ngày ngày đeo bám họ không thôi. Chẳng mấy đứa trẻ nào được đi học mà phải ở nhà làm lụng phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, chăn nuôi. Nếu chẳng may phụ mẫu thân bệnh thì gánh nặng lại càng đè nặng lên vai những đứa trẻ lớn trong nhà. Chúng phải dậy từ sáng sớm mò cua bắt ốc hay đi rình ếch trong đêm.
Mọi sự bắt đầu trong một gia đình nghèo khổ như vậy ở thôn A. Đứa trẻ trong câu chuyện là một bé trai độ 12,13 tuổi, là anh cả trong gia đình có tận 8 anh chị em. Các em của cậu bé vẫn còn rất nhỏ, đứa nhỏ nhất vừa mới được 3 tháng tuổi, bố của em bệnh nặng, đau ốm liên miên. Mọi việc trong gia đình đổ dồn lên người mẹ gầy guộc và ba đứa trẻ lớn nhất. Cậu cả gọi tắt là B phải đi chăn trâu cắt cỏ, tối thì đi bắt ếch hay cùng các em mò ốc đem ra chợ bán. Những đứa bé hơn thì bị bán đi ở đợ hay đi chăn gia súc thuê cho gia đình các hộ phú trong làng. Cuộc sống vô cùng bần hàn, nheo nhóc. Người lớn quá khổ sở nên sẽ chẳng bao giờ để ý được hết những lời phàn nàn của con trẻ, những trận tranh chấp vụn vặt của chúng hàng ngày. Miếng ăn còn chẳng bao giờ đủ nữa là kiên nhẫn lắng nghe.
Người mẹ của B cũng như vậy, chị quẩn quanh bên mối lo cơm, áo, gạo, tiền mà gạt phắt đi lời nói của đứa con gái thứ tư: "Mẹ ơi, con hay nhìn thấy có một chú mặc áo đen, đứng ngoài cửa nhà mình rồi đi theo các anh chị lúc anh chị ra đồng."
"Chúng bay chỉ tưởng tượng vớ vẩn! Làm gì có ai. Gặp người lạ nhớ đừng nghe theo người ta là được. Còn con trâu thì trông cho kĩ không lại chạy mất..."
Mọi chuyện cứ thế trôi qua cho tới ngày chị nhận hung tin: Đứa con trai thứ hai của chị đuối nước chết.
Xác đứa trẻ được tìm thấy ở một lạch nước nông ngoài đồng, vốn dĩ do người dân đào để tưới tiêu cho những thửa ruộng gần đó. Rõ ràng đêm hôm trước nó vẫn còn cùng các anh chị em đi bắt ếch vậy mà giờ đã nằm lại một mình. Lúc những đứa trẻ tản về nhà đã không thấy cậu thứ hai đi theo. Chúng mệt mỏi nên cũng không đợi lâu mà bỏ về nhà trước. Chúng nghĩ địa hình đồng ruộng ở đây đã quá quen thuộc, chắc cậu hai mải mê gì đó chứ không thể có chuyện lạc đường. Cái chết vô cùng kì lạ, lạch nước nông nhưng đứa trẻ lại nằm úp, sặc mà chết.
Người mẹ quằn quại trong nỗi đau đớn. Chứng kiến điều đó, sự áy náy dâng lên trong lòng người con cả. Cậu bé tự trách mình đã không để mắt tới em cẩn thận. Chỉ có đứa con gái thứ ba và thứ tư nhìn nhau buồn rầu đầy lấm lét. Ai nấy đều bận rộn nên cái chết của đứa trẻ cũng không được điều tra thỏa đáng, chỉ an táng ở nghĩa địa của làng rồi thôi. Những đứa trẻ trong gia đình vẫn lại tiếp tục nhiệm vụ, càng thêm mệt mỏi khi mất đi một cánh tay. Em tư mới 8 tuổi phải thay anh đi mò cua bắt ốc ban đêm. Người mẹ để các con đi cũng có phần lo lắng nhưng chị phải chăm chồng ốm ở nhà, trông mấy đứa con nhỏ và thức đêm làm đồ hàng xén, chút quà sáng mang ra chợ bán nên cũng chẳng thể sát sao được. Vậy nhưng họa vô đơn chí, tai ương cứ thế ập xuống mà chẳng thể nào tránh khỏi.
Đám tang của cậu thứ hai chưa lâu, vào một đêm trăng tĩnh mịch, hai đứa trẻ lem luốc hớt hải chạy về nhà, khuôn mặt thất thần gào thét tên mẹ:
"Mẹ ơi! Mẹ ơi!"
Những đứa trẻ đang ngủ gật gù trên chõng cũng giật mình tỉnh giấc.
"Anh Cả...Anh cả...."
"Anh làm sao! Giời ơi khổ lắm nữa!" Người mẹ khổ sở nói.
"Anh cả ngất rồi, anh cả nằm ngoài ruộng....Mẹ! Cứu..."
Nghe tới đó người mẹ chạy như bay ra ngoài bãi ruộng của làng, thấy đứa con trai của mình đang nằm ở thửa ruộng xa xôi, mặt úp xuống dưới lớp bùn dày. Cô xốc đứa con lên thấy người nó lạnh ngắt. Cô ba cô tư đành phải gõ cửa nhà dân gần đó xin trợ giúp. Cơn ác mộng dường như lặp lại với người mẹ trẻ.
Cậu B được đưa về nhà nhưng hơi thở rất yếu. Cả gia đình lại chẳng có tài sản gì, khó mà mời được thầy thuốc giỏi về. Thầy lang trong làng cũng lắc đầu thở dài, chỉ chữa trị bằng thuốc Nam còn số mệnh cậu bé tới đâu thì đành phải nghe theo ý trời. Người bố người mẹ héo hon vì đau buồn. Nhà có 8 người con mà giờ đã mất gần như hai đứa.
"Chắc chắn là do người đàn ông đó...Mẹ ạ..." Cô bé tư nói.
"Người đàn ông nào?"
" Người đàn ông áo đen..."
"Tức là có kẻ ám hại anh con hả? Cái Ba có nhìn thấy không? Trời ơi là trời, sao trời đọa đày số con khổ quá. Nhà đã nghèo mạt rệp rồi... Quan sẽ không tin nhà mình, sẽ không giúp nhà mình đâu...Con tôi khổ quá..."
"Con...con không nhìn thấy...Nhưng con tin em Tư... Lần trước nó cũng bảo anh Hai đi theo người đàn ông đó... Rồi...rồi..."
Người mẹ thở dài hiu hắt. Chuyện gì đang diễn ra, cô không thể hiểu được.
Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, dù của cải không có là bao nhưng tình người vẫn luôn ấm áp, mấy ngày biết tin gia đình của cậu bé B xảy ra nhiều chuyện, hàng xóm qua lại rất đông. Họ an ủi tinh thần của bà mẹ, góp thêm ít đồ ăn, thuốc thang. Người mẹ vẫn sầu muộn, khóc lóc không thôi. Đúng lúc đó, bà cụ ở cuối thôn sang thăm hỏi, khuyên nhủ vài ba câu.
"Bà giờ đôi mắt đã mù lòa không còn như xưa nữa nhưng tâm lại có thể nhìn rõ nhiều chuyện khác. Cái chết của thằng bé hai rồi tai nạn của thằng cả đều có nguyên do cả đấy..."
"Cháu ngu muội dốt nát, từ bé đã chẳng học hành gì. Bà thương xót nói rõ hơn giúp cháu. Nếu mà cứu được thằng cả thì cháu muôn vàn đội ơn..."
"Thằng thứ năm nhà cháu sinh năm nào nhỉ? Có sinh năm Dần không?"
"Dạ vâng... thằng bé sinh năm Mậu Dần...Sao...sao ạ? Vậy thì có liên quan gì?"
"Chẹp chẹp... Vậy thì số thằng bé đoạt trưởng rồi cháu ạ. Anh em trong nhà lớn hơn, nhất là anh em trai không tai nạn thì cũng mất mạng sớm... Hơn nữa... Vong ma lẩn khuất ngoài ruộng đồng nhiều... Coi như cũng là lí do để bắt mạng..."
"Là sao??? Là sao ạ? Vong ma? Đoạt trưởng?"
"Đúng thế... Số mệnh mấy thằng bé đã khắc với em trai nó, lại gặp được vong hợp bắt đi... Mệnh khổ rồi...Tức là số thằng Năm đáng nhẽ phải là con trưởng, vì thế nên anh trai trên nó sẽ không sống được lâu. Phải qua được cái nạn này mới coi như thoát."
"Vậy giờ làm sao đây... Con bé tư nhà cháu cũng bảo nó nhìn thấy người đàn ông lạ mặt đi theo chúng nó...Cháu thì lại không thấy gì... Chẳng nhẽ...đó là ma sao? Bà ơi, bà thương thì thương cho trót, giờ cháu phải làm sao để cứu thằng cả bây giờ. Cháu cũng dồn hết của nả mời thầy thuốc rồi nhưng chỉ hỗ trợ phần nào... Chưa mời được thầy giỏi... Cháu cũng cạn sức rồi.... Huhu..."
"Có những điều trẻ con có thể thấy mà người lớn lại chẳng tin. Cũng may...cũng có cái may là...Gia tiên nhà cháu vẫn đang chống cự, đang gánh cho rất nhiều. Bên họ nhà chồng có gia đình cô dì chú bác nào từng mất nhiều người không?"
"Mất nhiều người ạ? Họ hàng bên chồng cháu cũng lưu lạc cũng khá lâu rồi. Trước nhà cháu sống ở thôn khác, đói rét quá mới tản cư lên đây. Nhà chồng thì cháu cũng chỉ nhớ là có gia đình cậu mợ của anh ấy, có mất trong một lần dính bom bà ạ..."
"Vậy thì đúng rồi... Họ đang giúp đấy. Cầu khẩn họ đi... Thằng bé đang nằm ở lằn ranh sinh tử. Tử thần đứng ngoài cửa rồi...Vong ma kia muốn bắt thêm trẻ em nữa..."
"Vâng... Cháu sẽ làm lễ khấn cậu mợ... Giờ cũng còn nước còn tát thôi ạ..." Người mẹ thở hắt ra buồn rầu.
"Thế hàng ngày, thằng cả phải làm những gì?"
"Cũng nhiều bà ạ. Từ sáng tới tối. Ban ngày nó ra làm đồng, dắt con trâu cày mấy vòng ruộng. Hôm nào bố nó khỏe mà đi làm đồng được thì nó qua phụ thằng Hai, con Ba đi chăn dê thuê cho ông Điền Lí tổng. Tối thì về bắt trứng, cho gà, lợn ăn, đêm đi bắt ếch... Ngày được nghỉ có hai canh giờ. Trời ơi...Tội thằng bé quá... Nó làm anh cả nên thiệt thòi đủ thứ. Có gì ngon hay có áo mới phải nhường cho các em mặc trước... vậy mà..."
"Những vật hàng ngày thằng bé chăm sóc, dành tâm tư tâm huyết vào đó chắc cũng sẽ giúp đỡ nó được phần nào... Bà có một bài thuốc cổ, tăng sức trợ lực cho người đau ốm. Cháu cứ cho thằng bé dùng thử. Hiệu nghiệm lắm: Bột sừng dê, máu mào gà và nhầy da cóc..."
Bà lão hướng dẫn người mẹ cách bào chế phương thuốc quý hiếm rồi lặng lẽ rời đi. Người mẹ ngẫm nghĩ, lo lắng lắm. Máu mào gà thì cô có thể miễn cưỡng dùng con gà già của nhà được. Nhưng còn cóc không hề dễ tìm, hơn nữa nếu lấy mẩu sừng của đàn dê quý nhà ông Lí tổng thì e cả đời gia đình cô không ngóc đầu lên được ở cái làng này... Trong đầu người mẹ chỉ văng vẳng lời nói của bà cụ: "Cầu lấy gia tiên, nếu số thằng bé còn cứu được thì mọi thứ tự khắc an bài..."
Cô đành dặn đứa con thứ ba đi chăn dê cho ông Lí, được lúc nào tranh thủ cưa một mẩu sừng dê rồi giấu đi, bày ra lí do nói dối nào đó.
Người mẹ ở nhà lo hương khói cầu khẩn gia tiên cứu giúp đứa con trai cả của mình. Hai hôm trời mưa to khiến cho người mẹ càng nóng ruột. Hơi thở của đứa trẻ ngày một yếu. Công việc cũng phải hoãn lại nhiều, đàn dê ở trong chuồng không cần chăn dắt. Những đứa trẻ cũng không đi bắt ếch đêm được nữa là tìm được một chú cóc nào.
Tối hôm ấy, đang vo gạo ở góc nhà, chợt người mẹ nghe tiếng reo lên của cô bé Tư.
"A! Mẹ ơi! Nhìn này..."
Cô bé chìa ra chiếc giỏ nhỏ mà lũ trẻ hay mang đi bắt ếch và ốc. Trong chiếc giỏ có một chú cóc bé xíu đang khẽ cử động giữa những con ếch xanh đậm.
"Là đám ếch còi hôm trước chị Ba bắt được, mưa nên chưa mang ra chợ bán được. Con nghe tiếng kêu mới chạy ra xem. Ai ngờ lại lẫn một chú cóc vào đây!"
"May quá!" Người mẹ mừng rỡ rồi bắt con cóc ra lột da chế thuốc. Điều đáng lo nhất giờ là mẩu sừng dê của nhà ông lí, không biết làm cách nào để lấy được.
Ngày hôm sau trời sáng tỏ, những đứa trẻ lại quay về công việc thường ngày. Đến cuối buổi chiều, người mẹ thấy cô bé Ba chạy như bay về nhà, nét mặt rạng rỡ.
"Mẹ! Mẹ ơi! Lấy được rồi...lấy được rồi..."
Đứa trẻ đưa vào tay mẹ một mẩu sừng bé xíu.
"Sao con lấy được? Ông lí có bắt tội gì không?"
"Không mẹ ạ... Hôm nay trong đàn dê, có hai con dê đực lao vào cọ sừng đấu đá rồi chẳng may mắc vào nhau. Con báo cáo ông Lí, ông cũng chẳng lại gần để gỡ chúng ra được, đành sai hai anh người làm kéo ra. Ai ngờ chúng ngọ nguậy mãi rồi một chiếc sừng bị gãy văng ra. Ông lí chỉ mải hậm hực chứ không để ý tới con nên con đã nhặt được về..."
"Đúng là trời muốn giúp chúng ta...Để đó mẹ làm thuốc cho anh cả..."
Người mẹ ra khu chuồng bắt con gà trống duy nhất của nhà, chích lấy chút máu trên mào gà rồi mài chiếc sừng trộn lẫn cộng thêm dãi cóc đã lọc qua, thêm một chút lá thuốc các loại. Đêm hôm đó, cậu cả đã được uống bát thuốc kì lạ ấy nhưng chưa tỉnh lại ngay.
Đêm khuya mệt mỏi nằm thiếp đi trên chiếc chõng cũ ọp ẹp, người mẹ nằm mộng, thấy trời mưa rất to, ngoài cửa lại có tiếng gõ:
"CỘC! CỘC! CỘC!"
Tiếng gõ hết sức gấp gáp vội vàng thúc giục cô phải mở cửa ngay ra.
Đứng trước cửa là hai bóng người cao lớn, một nam, một nữ, khuôn mặt ướt trong nước mưa, toàn thân có vài vết máu. Tay hai người nắm chặt lấy một đứa trẻ rồi đưa cho cô.
"Giữ chặt lấy...10 ngày nữa, vào ban đêm dù có chuyện gì cũng không được đưa nó ra khỏi nhà...không mở cửa nhà thì càng tốt."
Cô đưa tay ôm lấy đứa trẻ thì cũng đúng là lúc tiếng sấm phía sau hai người rền vang. Một đoàn binh lính mũ mão chỉnh tề lao ầm ầm tới.
Cô giật mình tỉnh giấc, không hiểu ý nghĩa giấc mơ lộn xộn vừa rồi.
Sáng tinh mơ hôm sau, cậu bé B khẽ khàng mở mắt, hồi tỉnh sau khoảng thời gian hôn mê. Người mẹ hết sức mừng rỡ, coi như đứa con của cô đã có cơ hội sống tiếp.
Tuy nhiên đứa trẻ từ lúc tỉnh dậy hết sức bần thần, miệng lại hay lẩm bẩm những câu chuyện linh tinh. Người mẹ cố gắng hỏi điều xảy ra đêm cậu bé gặp tai nạn ấy.
Cậu bé B ngập ngừng rồi cũng trả lời:
"Con...thấy một người đàn ông trông hiền lành lắm. Có nhờ con kéo giúp gầu nước tưới cuối mương. Con nghĩ mẹ dặn không nhận đồ người lạ chứ còn giúp đỡ thì cũng không sao... Dù con thấy hơi lạ là đêm rồi mà họ vẫn đứng tưới nước nhưng con vẫn đi theo người ta.. Xong rồi...tự dưng con ngã xuống, mê đi. Con thấy mình vẫn đi theo người đàn ông lạ mặt đó trên một quãng đường rất lạ, xung quanh nhìn như các tầng mây.... Đi lâu lắm, con muốn về mà không biết lối, có hỏi người đó cũng không trả lời, cũng chẳng quay đầu lại"
"Tức là có người hại con rồi..." Người mẹ thảng thốt nhưng không dám nói ra sự thật vì lo con sẽ sợ hãi.
"Tới một chiếc cổng lớn, người đó định đưa con vào trong thì gặp hai người chặn lại. Hai người đó tự xưng là cậu, mợ của bố, con gọi bằng ông bà... Nói rằng con không được bước tiếp, hỏi con có muốn về với bố mẹ, tiếp tục làm lụng chăm sóc các em không... Huhu..."
"Con níu lấy tay hai người đó xin về...Thế là họ kéo con đi trở lại. Chạy thật nhanh vì ngay sau có một đám bộ binh trông rất lạ đuổi theo. Họ nói rằng tới đây rồi thì không về nữa. Nhưng con cố chạy, con rất sợ, con sợ không được gặp bố mẹ và các em nữa. Cuối cùng con thoát ra khỏi giấc mơ, thấy mình đang nằm trên giường nhà. Con mừng quá...huhu"
Người mẹ ôm con khóc ròng. Cơn ác mộng gần như lí giải những thứ vừa diễn ra. Có vẻ như đúng người cậu mợ mất từ lâu đã cứu giúp đứa trẻ bị bắt hồn oan.
Những ngày sau, sức khỏe cậu bé phục hồi nhanh. Cậu muốn xin mẹ tiếp tục ra đồng làm việc nhưng người mẹ xót con, nhất quyết chưa cho. Đến đêm ngày thứ 8 sau khi cậu bé tỉnh dậy, nửa đêm, cửa nhà lại vang lên tiếng động lớn.
"CỘC, CỘC, CỘC!"
"Ai đó?" Người mẹ hỏi.
"Chị C ơi, mở cửa ra giúp tôi một chút. Nhà tôi đang có chuyện, gấp lắm!!!"
Người mẹ tính đứng dậy mở cửa rồi bỗng khựng lại.
"Cô Ban à?"
"Vâng! Ban cạnh nhà chị đây! Mở cửa em nhờ chút..."
Cô bé Ba mắt nhắm mắt mở, định đứng dậy mở cửa thay mẹ thì bị mẹ túm chặt lại.
"Sao thế mẹ?"
"Cô Ban...Chiều nay mẹ vừa gặp ngoài chợ rồi. Cô có nói là cô đang đi qua thôn Tây thăm họ hàng... Tối nay làm gì có nhà kịp được..."
"Vậy đó là ai hả mẹ?"
"Là ai thì để sáng mai tính..."
Người mẹ nhớ tới giấc mơ đêm hôm trước, nhớ lời dặn của hai người lạ mặt đó, không được mở cửa đêm hôm trong 10 ngày tới nên kiên quyết không mở cửa.
Ai ngờ sau đó, tiếng dộng cửa vang lên thình thình, cửa rung lắc dữ dội như có người công phá thật mạnh vào. Tiếng duyệt binh ầm ầm vang lên ngoài sân cả đêm khiến gia đình run sợ. Nghe như một đoàn Thiên binh thiên tướng tới đòi người bị cướp mất.
Sáng hôm sau, trời sáng rõ, người mẹ và những đứa con mới dám bước ra khỏi nhà, thấy sân nhà và vườn rau có nhiều vết dẫm nát. Tuy nhiên sau đêm đó, những hiện tượng lạ không còn xảy ra nữa. Câu chuyện đứa trẻ thoát chết thần kì đã dần lan rộng ra các làng các thôn xung quanh.
Người mẹ sau đó cũng không bắt các con phải ra đồng đêm nữa, e sợ lại gặp phải thế lực bắt hồn nào đó. Như các cụ đã từng có câu: "Đi đêm lắm có ngày gặp ma"
Câu chuyện ấy sau này trở thành bài đồng dao quen thuộc mà người lớn dặn trẻ con, người lớn dặn dò lẫn nhau. Lời lẽ của bài đồng dao ám chỉ việc có thế lực bắt hồn dẫn đứa trẻ lên chầu Trời rồi vô tình được gia tiên cứu về, không thể không kể công những con vật vô tội hàng ngày đứa trẻ chăn dắt: Dê, gà, cóc,... Đồng thời câu thơ cuối cũng nói đến việc "đóng sập cửa vào" hay "ngồi thụp xuống đây" nhằm trốn tránh các đoàn lính âm tới bắt lại linh hồn đứa trẻ.
Câu chuyện này sau đó cũng biến tướng trở thành hình tượng Ông Ba bị hay đi bắt trẻ con mà người lớn hay đem ra dọa trẻ em không nghe lời.
Con trẻ là búp non trên cành, cần phải được nâng niu, bao bọc khỏi mọi khó khăn vất vả, mọi nguy hiểm ngoài cuộc đời. Vì vậy nên cha mẹ cần để mắt tới con em của mình hơn để tránh những câu chuyện ngoài ý muốn xảy ra.
 
Bài 3: Lộn cầu vồng
"Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần"
. Tình thủ túc anh em được ca ngợi và trân quý bởi cha ông ta từ bao đời nay. Cha ông luôn dặn dò anh em trong nhà phải luôn yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, là một khối thống nhất không thể tách rời. Cha mẹ sinh ra anh em như cây liền cành, cùng máu cùng thịt, phải luôn sát cánh bên nhau trong cuộc sống. Vậy nhưng trong lịch sử thế giới, trong cuộc sống hàng ngày, vẫn không thể nào tránh khỏi bó đũa có lúc xô lệch, "thủ túc tương tàn", anh em xích mích, làm tổn thương lẫn nhau. Và đó cũng là một câu chuyện buồn sau bài đồng dao "Lộn cầu vồng".
Vẫn trở về thời kì ấy, khi đất Việt còn thô sơ nghèo khổ, từ cái nôi của văn học dân gian, những bài đồng dao ra đời. Đó là những thú vui của lũ trẻ hay thậm chí là cả của người lớn sau những giờ lao động mệt nhọc. Họ trêu chọc nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện, chế thành bài hát, trò chơi rồi dần dần lưu truyền lại cho các thế hệ sau. Bài đồng dao" Lộn cầu vồng" được hình thành ở một ngôi làng ven sông, một dòng sông hiền hòa chạy quanh đồng ruộng.
Ở một gia đình nọ, có cả thảy 4 anh chị em. Nhà chỉ có hai chị em gái, còn lại hai anh em trai, độ tuổi xen kẽ lẫn nhau. Do tổ tiên chăm chỉ, để lại nhiều đất ruộng nên cuộc sống trong gia đình cũng khấm khá hơn một số hộ khác. Dân làng hay thường gọi là gia đình ông Cảnh Đủ, bởi họ đầy đủ chẳng thiếu thứ gì. Cha mẹ của bốn anh chị em là người hiền lành chân chất, yêu thương các con nên cũng họ cũng luôn dặn dò các con phải đùm bọc lẫn nhau. Cả gia đình quanh năm làm đồng, bán thóc, mọi thứ cứ diễn ra êm đềm như vậy.
Những người con trai dần dần lớn lên, trưởng thành và thay bố mẹ gánh vác các công việc chính. Người chị cả tên Lan, mang trong mình tình yêu của bố mẹ, ông bà hi vọng cô sẽ có một cuộc đời khuê các, hạnh phúc, được nâng niu như loài hoa lan quý. Còn lại người con gái út, là em thứ tư trong gia đình, được đặt tên là Huệ, loài hoa thanh cao nhẹ nhàng. Thời điểm đó hiếm khi nào con cái được cha mẹ đặt tên đẹp cho bởi vì họ sợ rằng tên đẹp quá thì ngược lại với cuộc đời của con mình, sợ con mình sẽ khổ. Vậy nên nhưng cái tên không kêu như Tèo, Tí, Nở, Nụ,... phổ biến nhiều hơn trong xã hội. Chỉ có gia đình trung lưu, thượng lưu mới đặt tên con đẹp cho xứng với danh môn. Bố của bốn anh chị em ngày trước cũng được học chữ, đọc sách Nho nên có chút trí thức. Tên của các con cũng là ông đặt, dành nhiều kì vọng vào đó, mong con gái "huệ chất lan tâm", nết na thùy mị.
Ở trong một gia đình no đủ, lại có anh trai phía trên nên cô em út vô cùng được chiều chuộng. Huệ kém chị cả mình có 4 tuổi, trên là anh ba hơn cô bé 2 tuổi và anh hai hơn 3 tuổi. Khoảng cách độ tuổi không quá lớn nên anh em họ rất thân nhau. Thời điểm bố mẹ mới sinh Lan ra, nhà còn mất vụ mùa, cô không được chăm sóc như các em của mình. Càng về sau, gia cảnh khá hơn, tuổi thơ của họ mới tươi đẹp hơn chút. Tuy nhiên, một mầm mống đã gieo vào trong lòng Lan từ rất lâu, là vết nứt trong một bức phong tươi đẹp của gia đình mà không một ai để ý tới. Một bi kịch đã xảy ra.
Năm ấy, ruộng lúa nhà ông Cảnh được mùa, cả 6 sào ruộng đều lên vàng ươm, hạt lúa căng mẩy, tròn trịa thích mắt. Năm ấy cũng là năm Lan vừa tròn mười bảy tuổi, độ tuổi trăng Rằm đẹp nhất của thời con gái. Ông Cảnh cũng tính nhân lúc vụ mùa đang tốt, xây thêm kho thóc phía sau nhà, mở rộng căn nhà thêm mấy gian nữa. Đồng thời, trong đầu ông cũng đã có dự tính chuyện hôn nhân cho các con gái của mình.
Để cẩn thận hơn, bà Tình, vợ ông Cảnh cũng đi qua mấy làng để hỏi một thầy bói về các hỉ sự trong năm nay. Thầy có dặn bà là năm nay xây kho động thổ không đẹp, còn cưới xin thì được. "Xây nhà năm nay thì sau này nhiều lúa cũng chẳng để làm gì đâu...!" Thầy bói dặn dò vậy. Bà Tình nghe ù ù cạc cạc không hiểu rõ ý, đem nguyên về nói với chồng. Ông Cảnh không tin lắm, ông quyết rồi thì cứ làm, đến thời điểm cần làm việc lớn thì vẫn phải làm. Nhất là nghe vụ cưới xin của con gái cũng ổn nên ông càng mừng. Nhà kho ông xây cũng là để con gái gả đi có mặt mũi hơn. Xong vụ mùa, ông nhờ thợ động thổ xây luôn các gian nhà mới.
Ngày xưa các cụ thường có câu "Môn đăng hộ đối" để làm tiêu chí gán những đôi trẻ lại với nhau. Không gì hơn bằng gia cảnh nhà trai nhà gái tương đương nhau, cả về học thức lẫn tài sản. Chính vì vậy nên họ thường sắp xếp mai mối lũ trẻ với nhau từ trước, thậm chí từ lúc chưa sinh ra để sau này trở thành vợ chồng với nhau. Ông Cảnh cũng đã nhắm cho Lan một gia đình bề thế ở làng bên, gia sản cũng tầm như ông, là hộ phú có nhiều sào ruộng. Thế nhưng cuộc đời vẫn luôn ẩn chứa nhiều sự tình tréo ngoe, muốn theo ý mình không phải lúc nào cũng được. Thời xưa các cuộc hôn nhân thường đẫm trong nước mắt là vì thế. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, rất nhiều những cặp đôi yêu nhau tha thiết mà cuối cùng cũng chẳng thể bên nhau:
" Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc


Em lấy chồng anh tiếc lắm thay...."
Trong những năm tháng thơ ấu, Lan cũng như bao đứa trẻ khác, chơi túm năm tụm ba ngoài sân đình, chăn trâu sang tận đồng làng bên rồi chơi đùa ở đấy. Khi đó cô đã để ý tới anh Vấn, thiếu gia của một nhà trung lưu, bằng tuổi cô. Vấn từ chối khéo bởi vì anh sẽ phải lên kinh thi mất vài năm, sợ trở về sẽ quá lứa lỡ thì của Lan. Gia cảnh của Vấn cũng có phần kém hơn nhà Lan một chút. Thế nhưng Lan vẫn quyết tâm đợi anh. Chỉ là tâm ý của người lớn và tâm ý của đám trẻ lại khác nhau.
Ông Cảnh gọi riêng Lan ra sau bữa cơm, cô cẩn thận pha một ấm trà mời cha rồi mới ngồi xuống nghe. Ông nói cho cô về việc đã nhận lời mai mối cô cho gia đình cậu Phú nọ ở làng bên. Lan khóc lóc không chịu, xin cha cho phép mình qua lại với cậu Vấn. Ông Cảnh kiên quyết không đồng ý.
"Nhưng con không chịu thầy ơi. Thầy thương con, con muốn lấy anh Vấn!". Lan khóc lóc.
"Thầy chiều hư con rồi! Đời thuở nhà ai con gái lại mất nết như thế? Sao lại đòi đi cưới người ta cơ chứ. Muối cả mặt, nhục lắm con ạ!"
"Nhưng trước giờ con muốn gì, thầy u đều cố gắng cho con mà...Tại sao lần này lại ép con như vậy?" Lan khóc lóc, đòi tuyệt thực.
Ông Cảnh nói nặng nhẹ không được, ông đành thở dài thú nhận:
"Chẹp...Cái khó là thế này... Tuần trước, lúc con đang ra đồng thăm lúa ấy, nhà thằng Vấn có qua đây..."
"Nhà anh ấy qua ạ? Anh ấy muốn hỏi lấy con hả thầy?" Lan mừng rỡ.
"Không... Chuyện lại thế này..." Cha của Lan nhấm ngụm trà, có vẻ khó nói.
"Chuyện là...nhà họ định xin cái Huệ nhà mình cho con trai nhà họ."
"Cái gì cơ ạ? Huệ...Con Huệ á?" Lan sững sờ, không tin vào tai mình.

"Đúng rồi. Họ cũng muốn tìm cho con trai mình một mối lương duyên. Cái Huệ cũng chơi với thằng Vấn từ nhỏ, độ tuổi lại vừa xinh. Đợi thằng Vấn học hành thành tài về thì cái Huệ cũng vừa đến tuổi. Ban đầu thầy cũng chẳng định nói cho con đâu, định để con yên bề gia thất rồi mới nói chuyện của cái Huệ sau..."
"Thế...anh Vấn thì sao ạ? Ảnh không chịu đúng không thầy?"
"Thằng Vấn cũng có qua hôm đó. Thầy thấy nó cũng thành ý, không có ý kiến gì cả."
Lan nghe thế tai như ù đi, nước mắt tuôn ra ầng ậc, chạy vào buồng trong, khóc òa lên. Bao nhiêu nỗi ấm ức dồn nén nhiều năm dâng lên trong lòng Lan. Cô quên rằng, những lúc cô đi chơi với chúng bạn, luôn có Huệ đi cùng. Cha mẹ giao việc trông coi em út cho cô chị cả, để hai người em trai của cô gánh vác việc đồng áng trong gia đình. Huệ là một đứa trẻ ngoan, năm nay cũng đã mười ba tuổi. Cô bé rất ngưỡng mộ chị, nhưng nhìn Huệ có nét mong manh, xinh xắn hơn Lan. Lan luôn coi cô bé là một đứa trẻ ngây thơ, không biết gì nhiều, vậy mà... Câu chuyện tình yêu mà cô vẽ ra với Vấn đáng lẽ chỉ có hai người, thế nhưng Huệ đã xuất hiện ở đó từ lúc nào không biết.. Chỉ là giờ, Vấn cần Huệ hơn cô. Cô nhớ lại ánh mắt của anh khi cô mạnh dạn đề nghị sẽ chờ đợi anh trở về. Vấn có vẻ lúng túng khó nói lắm, cô cứ nghĩ rằng anh ngại và nghĩ cho cô. Cô lại không hiểu rằng anh có ý chờ Huệ.
Là chị cả, Lan luôn thiệt thòi hơn các em. Hồi nhỏ, nhà có gì ngon, áo mới, cô đều phải nhường cho các em hưởng trước. Rồi đến khi cha mẹ cô sinh ra Huệ, mọi sự yêu thương lại dồn vào cô bé. Huệ được các anh trai bảo vệ, cha mẹ nâng niu, không phải lo lắng hay làm việc nặng nhọc gì. Mỗi lần Lan trông em không khéo, làm sai, đều bị cha mẹ trách mắng, đòn roi trước mặt các em mà không được phép khóc. Lan phải gồng mình làm gương, nuốt nước mắt vào trong. Kể cả do các em có sai trước, Lan cũng là người chịu đòn. Huệ cũng khác Lan. Tính Lan thẳng thắn, cương nghị còn Huệ lại hiền lành, ngọt ngào, thảo lảo. Cô bé rất thương cha mẹ và yêu quý anh chị của mình. Nhưng chính vì sự thiên vị ấy mà Lan đem lòng ấm ức. Từ bé tới lớn cô luôn chịu nhịn. Vậy mà giờ có mỗi một chuyện duy nhất cô mong muốn mà cha mẹ cũng không thể cho. Nhiều khi Lan ước, Huệ không có ở trên đời này thì cô sẽ là đứa con gái duy nhất trong nhà và được cha mẹ yêu thương.
Sau ngày hôm ấy, Lan đâm ra chán nản. Cô không thiết ăn uống dù mẹ có dỗ dành. Thấy chị buồn, Huệ cũng không rõ đầu đuôi nhưng luôn ở bên cạnh hỏi han. Lan thấy đấy làm phiền, càng nhìn Huệ càng chán ghét. Cô xua đuổi Huệ ra xa làm bà Tình không hài lòng. Một buổi chiều, bà giao cho hai chị em nhiệm vụ đi hai mấy bó cúc dại ven bờ sông về bày cắm trong nhà. Lan phải đưa Huệ đi cùng để thay đổi không khí ngột ngạt trong nhà. Cô bất đắc dĩ làm theo.
Chiều hôm ấy, Lan về nhà một mình mà không dẫn Huệ theo. Trông cô có vẻ mỏi mệt. Cha mẹ hỏi thì Lan nói rằng Huệ đã bỏ đi chơi, cô không rõ tung tích. Đêm hôm ấy, Huệ cũng không về nhà.
Ngày hôm sau, khi bà Tình lau dọn bàn thờ tổ tiên thì có một con bướm trắng muốt lớn bay từ ngoài cửa sổ vào, đậu vào vai bà rồi đậu lên bàn thờ. Con bướm đó đột nhiên lăn cánh qua lại trên bàn thờ, trông như đang vật vã đau khổ lắm. Bà Tình nhìn thấy hình ảnh đó thì hoảng hốt đến thất thần, đánh rơi cả lọ hoa vỡ tan tành. Bà nhớ rằng bướm thường chở linh hồn của con người về thăm nhà. Con bướm bất thường đó làm bà cảm thấy lo lắng nhiều về đứa con gái đang mất tích của mình, thấy sự chẳng lành. Mấy ngày nay dân làng tìm kiếm vẫn chưa thấy Huệ đâu. Họ tìm ở cả con sông sau làng thế nhưng dòng sông chợt đục ngầu nên việc tìm kiếm cũng khó khăn.
Có chuyện gì đó đã xảy ra. Lan bần thần không yên, cảm giác tội lỗi dày vò mà cô không dám thú nhận với cha mẹ. Đêm đêm, Lan nằm mơ thấy tiếng khóc nỉ non của Huệ. Lan luôn giật mình tỉnh giấc giữa đêm, người toát mồ hôi lạnh. Cô viết một bức thư kể lại sự tình nhưng nghĩ thế nào lại vo nó lại, ném trên bàn.
Ngày hôm sau, bà Tình qua phòng Huệ dọn dẹp, chờ con về. Bà ngạc nhiên thấy trên giường Huệ có vết lõm người nằm trên tấm chăn. Bà mừng rỡ nghĩ con đã trở về, tìm khắp nhà nhưng lại không thấy, chỉ thấy mỗi vết chân ướt dẫn từ cổng vào trong sân. Lan chứng kiến cảnh đó thì sợ hãi run rẩy. Cô biết rằng em gái mình không thể trở về.
Chiều muộn, Lan ra bờ ao sau nhà rửa rau, đột nhiên hét ầm lên. Người em trai của cô chạy ra xem thì thấy chị mình đang ôm mặt khóc, rau rơi vung vãi khắp nơi, rổ rau rơi cả xuống ao.
"Tóc...tóc..." Lan lẩm bẩm trong miệng. Cô nhớ rằng Huệ có suối tóc dài rất mượt, đẹp hơn của cô...

Người em trai nhìn kĩ, thấy quanh lớp bèo có những sợi dài như lọn tóc đen nhánh đang lan trong nước. Anh cũng sợ hãi dìu chị gái – lúc này đã không còn tỉnh táo vào trong nhà nằm nghỉ. Mọi người không hiểu những sự lạ gì đang diễn ra.
Nửa đêm, Lan nghe tiếng "Rầm" lớn vang lên như có thứ gì đó va vào cửa sổ tre. Cô ngồi dậy chạy ra xem thì thấy một con quạ lớn đang đâm sầm vào cánh cửa liên tục. Cô vội mở cửa ra để đuổi nó đi. Thế nhưng khi vừa mở cánh cửa sổ ra, mắt Lan nhìn thẳng vào con chim lớn ấy. Cô kinh hoàng nhận ra con chim mang trên mình khuôn mặt của em gái mình, hai mắt máu chảy đỏ lòm. Nó kêu lên thê thiết đến sởn da gà. Con chim lao về phía cô. Lần này Lan sợ đến phát điên, chạy chân ra khỏi nhà, băng qua sân, ra tới con sông, gieo mình xuống.
Ngày hôm sau, gia đình ông Cảnh không thấy con gái đâu, cả làng kéo đi tìm cũng không thấy. Người em trai tìm trong phòng chị mình thấy tờ giấy đã được vo tròn, đem cho cha mẹ xem. Đọc được sự thật trong bức thư, bà Tình khóc ngất. Lan kể về ngày đi hái hoa với em gái mình. Hai chị em muốn sang bờ bên kia để hái được nhiều hoa tươi hơn. Để sang được bên đó phải đi sang cây cầu Vòng bắc ngang sông. Huệ giục giã và ầm ĩ khiến cô khó chịu, Lan bèn dồn sự ấm ức ra mà nhiếc mắng em. Huệ không hiểu sự tình gì, bèn khóc lóc. Hai chị em cự cãi nhau, xô đẩy nhau khi đang bước sang cây cầu. Huệ mất đà ngã xuống. Trước khi rơi hẳn xuống sông, Huệ vẫn còn níu được mép cầu. Thế nhưng trong vài chục giây ngắn ngủi đó, Lan đã không đưa tay ra cứu em gái. Sự ích kỉ trong cô trỗi dậy. Vậy là Huệ rơi xuống dòng sông mất hút. Lan hoảng hốt không biết phải làm thế nào, bèn cố giấu sự việc. Thế nhưng kể từ đó, ngày nào cô cũng bị lương tâm giằng xé. Lan mơ thấy em gái mình mắc kẹt trong rong rêu lạnh lẽo, không thoát ra được. Lan liên tục nhìn thấy những hình ảnh ma quái, những sự kì lạ xảy ra trong ngôi nhà. Cô muốn tự trả giá cho tội lỗi của mình và được giải thoát bởi sự giày vò.
Trong thư, Lan ghi rằng: "Con sẽ tự tìm em con về, nó mắc kẹt không về được. Nếu ngày chúng con trở về, thấy được cầu vồng trên bầu trời tức là em đã tha thứ cho con. Cầu xin thầy u tha thứ cho con..."
Dân làng tiếp tục lần mò trên dòng sông chảy quanh làng nhưng vẫn chưa tìm được gì. Gia đình ông Cảnh mời thầy cúng về chiêu hồn hai người con gái đáng thương của mình, mong sớm ngày tìm được xác. Đàn lễ cúng cả ngày cả đêm, khói hương nghi ngút. Thầy phép gieo quẻ âm dương ba lần mà vẫn chưa được thuận.
Ngày hôm sau, trời mưa rất to, mặt sông nổi đầy bọt sóng. Dòng sông dần dần trong trở lại. Bà Tình gào khóc bên bờ sông trong màn mưa, sợ rằng hai đứa đã trôi ra ngoài cửa sông, vĩnh viễn không trở về nhà được. Bà được người thân dìu về nhà. Bà nhớ tới lời nói của ông thầy bói nọ, bảo rằng nếu xây nhà năm nay thì năm sau nhà nhiều lúa cũng chẳng ích gì... Hóa ra là vậy, giờ mất con rồi thì tài sản cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Bà hối hận tột cùng. Đêm ấy, bà Tình nằm mê man, mơ thấy Huệ về bên giường, nắm lấy tay bà còn Lan thì đứng ở ngoài cửa phòng. Xong, Huệ bước đi, nắm tay Lan quay lưng khỏi đó. Bà muốn thét lên, giữ hai đứa lại, ôm con vào lòng nhưng lại giật mình tỉnh giấc.
Trời đã hửng nắng sau cơn mưa. Ở ngoài bờ sông, tiếng mọi người gọi nhau ầm ĩ. Xác của hai cô bé đã nổi lên giữa dòng sông, quấn chặt vào nhau trong đám rêu. Xác Huệ đã phân hủy mạnh sau hơn tuần ngâm trong nước. Hai cô bé được vớt lên, đưa về nhà an táng. Trên bầu trời lúc ấy có một dải cầu vồng nhạt màu vẽ một nét cong cong. Vậy là di nguyện của Lan đã thành hiện thực. Có lẽ Huệ cô đơn nên đã không muốn ra đi một mình. Xác cô bé không nổi lên được mà mắc kẹt dưới đáy sông. Khi người chị của mình tới nơi, cả hai chị em mới có thể nổi lên.
"Huệ đã tha thứ cho chị Lan rồi..." Cậu con trai của bà Tình lẩm bẩm trong nước mắt. Chỉ tội nghiệp nhất là những người ở lại. Vợ chồng ông Cảnh Đủ từ đó về sau mãi không nguôi nỗi đau mất con.
Vụ việc đau thương ấy cũng được kể đi kể lại qua nhiều năm, nhắc nhở con người về cái hạn sông nước, về sự công bằng trong mỗi gia đình. Trong ngôi làng ấy cũng hình thành một trò chơi mang tên "Lộn cầu Vòng", nguyên gốc sẽ có hai bé gái nắm lấy tay nhau, vừa hát vừa lộn qua lại, nhằm nhắc tới sự tích này. Hai chị em cùng "lộn cầu Vòng, nước trong nước chảy", tức là từ cây cầu ấy mà ngã xuống sông mất:
" Lộn cầu Vòng
Nước trong nước chảy
Có cô mười bảy
Có chị mười ba
Hai chị em ta
Cùng lộn cầu vồng..."
Trong đó, câu thơ cuối ám chỉ tới hình ảnh cầu vồng sau cơn mưa khi hai chị em được phát hiện và đưa về nhà. Qua nhiều năm, dân gian nhầm lẫn từ cầu Vòng và cầu vồng với nhau, thành ra tên bài hát trở thành "Lộn cầu vồng".
 
Bài 4: Bắc kim thang
Trước khi tìm hiểu thế nào là bắc kim thang, cà lang bí rợ, tôi xin kể lại một câu chuyện cổ tích mà mình nghe được trong chuyến đi công việc tại Long Xuyên khoảng 5 năm trước. Người kể câu chuyện này là một cụ bà khoảng gần 80 tuổi, tụ tập cháu chắt lại rồi vừa ngồi bỏm bẻm nhai trầu vừa kể chuyện. Chắc hẳn rằng nghe xong mọi người sẽ hiểu thêm về việc mà chúng ta đang bàn tới ở đây. Chuyện kể như sau:

Ngày xửa ngày xưa, ở một làng quê nọ, có hai người bạn làm nghề buôn bán cùng nhau. Một người đi soi đèn bắt ếch về đêm, còn anh kia thì chuyên đi bán dầu thắp đèn vào rạng sáng. Nhà họ dựng trên một cù lao nhỏ ven sông, tách biệt với làng xóm, muốn đi vào chợ làng phải đi ngang một cây cầu khỉ vắt vẻo.

Do hoàn cảnh đơn chiếc, nên hai anh cũng thân thiết với nhau. Có lần vì mẹ già của anh bán ếch bệnh mà không có tiền chạy chữa nên qua đời, anh bán dầu liền bỏ tiền ra giúp đỡ ma chay mà không hề tính toán, vì thế mà anh bắt ếch càng quý trọng tình bạn của anh bán dầu.


Thần thoại Dangun dựng nước của Hàn Quốc

Bắc Kim Thang - Cùng tìm hiểu về bài đồng dao nổi tiếng của Việt Nam

Một đêm nọ, trong lúc đi làm việc, anh bắt ếch nghe tiếng kêu thảm thiết phát ra từ một cái bẫy trên đồng. Tính tò mò, anh lại mở ra coi thì phát hiện ra hai con chim le le và bìm bịp nằm trong bẫy, do chúng giành ăn với nhau mới bất cẩn rơi vào bẩy của con người. Hai con chim ra sức năn nỉ anh bắt ếch mở bẩy tha cho mình, rồi hứa sẽ đền ơn báo đáp. Vốn là người có tính nhân từ, anh bắt ếch cũng xuôi lòng rồi giải thoát cho chúng.

Vài ngày sau, hai con chim cùng bay đến nhà anh bắt ếch để cảnh báo cho anh biết tai ương sắp đến. Chúng nghe được hai con ma da ở sông bàn với nhau rằng sẽ kéo chân anh bán dầu và anh bắt ếch, cho hai anh chết, thế mạng cho chúng để chúng được đầu thai.


Vì hai con ma này chết đã lâu, nếu trong 7 ngày không bắt được người thay thế sẽ bị hồn phách tứ tán, không được đầu thai nữa. Thêm vào đó, ma da cũng chỉ có thể bắt hai anh khi trời vừa rạng sáng, lúc anh bán dầu ra chợ và lúc anh bắt ếch về nhà, bởi vì khi mặt trời lên thì chúng không còn ma phép.

Ban đầu anh bắt ếch đem cớ sự nói anh cho bán dầu nghe, khuyên anh nên ở nhà, nghỉ bán một tuần lễ, nhưng anh bán dầu lại không tin, cho rằng đấy là mê tín vớ vẩn, trên đời không có ma, quỷ. Theo lời le le và bìm bịp, anh bắt ếch viện cớ đến ngày cúng mẹ, gọi anh bán dầu qua nhà tiệc tùng ăn nhậu, chuốc cho anh say mèm đến mức sáng hôm sau không ra chợ bán được. Ngày kia lại lấy cớ sang nhà cảm ơn anh bán dầu đã giúp đỡ, lại bày tiệc ăn uống no say, trì hoãn việc đi ngang cây cầu kia.

Hôm ấy là ngày cuối cùng của thời hạn 7 ngày ma da bắt hồn, do say sỉn nhiều ngày liền nên anh bắt ếch ngủ quên. Anh bán dầu sực tỉnh vào sáng sớm, nhận ra mình đã bỏ buôn bán mấy ngày liền bèn nhanh chóng quẩy hàng ra chợ.


Bắc Kim Thang - Cùng tìm hiểu về bài đồng dao nổi tiếng của Việt Nam

Do bước vội vàng qua cầu khỉ cheo leo, lại bị bọn ma da biến phép cho cầu trơn trượt nên sẩy chân rơi xuống nước mà chết. Anh bắt ếch vì tiếc thương bạn nhưng do còn sợ bọn ma da nên phải đợi hết một ngày sau mới dám vớt xác bạn lên mà làm ma chay. Thấy ân nhân của mình đau lòng, le le và bìm bịp cũng bay đến, cất tiếng kêu thảm thiết như tiếng kèn trống đám ma để tiễn biệt một người chết oan. (Hết chuyện)

Đọc hết truyện cổ tích này thì có lẽ mọi người đều sáng tỏ vì sao trong bài đồng dao Bắc kim thang có 4 câu cuối là:

Chú bán dầu, qua cầu mà té.
Chú bán ếch, ở lại làm chi.
Con le le đánh trống thổi kèn,
Con bìm bịp thổi tò tí te tò te.


Thực chất là để diễn tả lại câu chuyện cổ tích đề cao tình bạn và tính chất cứu vật vật trả ơn của người xưa. Thế nên vấn đề còn lại nằm ở hai câu:


Bắc kim thang, cà lang bí rợ
Cột qua kèo, là kèo qua cột.


Ở câu đầu tiên, cà, lang, bí rợ là để chỉ cho 3 loại củ quả có cùng một đặc tính là thuộc họ dây leo, trái cà, khoai lang và bí rợ. Đặc biệt với từ bí rợ, là một từ thuần chất của miền Nam, cũng đã nói lên xuất xứ của bài đồng dao này là từ miền Tây Nam bộ.

Nói đến bắc kim thang thì phải hiểu hơi hàn lâm một chút, là từ kim thang ở đây hiểu cho đúng phải là cái thang hình chữ KIM -金- tức là hình tam giác cân. Từ kim tự tháp cũng là bắt nguồn từ chữ kim“này mà có, do chỉ hình dạng cái tháp của người Ai Cập cổ là hình tam giác cân.

Còn cái kim thang của con nít ngày xưa là do người lớn dùng hai thanh tre dài, bắt chéo vào nhau tạo thành một hình tam giác cân rồi cắm trên mặt đất, cách vài mét lại đặt một cái như vậy, tạo thành một hàng dài. Bản thân của cái kim thang này trở thành một cái cột (do không có cây cột dựng đứng giữa nên hai thanh tre chéo vào trở thành cột luôn). Những cái kim thang được nối vào nhau bởi cái “vì kèo” là những thanh tre chạy dọc theo giàn, cứ như thế tạo thành một giàn cốt để cho cà, lang, bí rợ leo lên mà sinh sôi, phát triển.


Bắc Kim Thang - Cùng tìm hiểu về bài đồng dao nổi tiếng của Việt Nam

Vậy cột qua kèo, kèo qua cột là chỉ mối quan hệ gắn bó vào nhau của hai vật thể. Cả câu bắc kim thang, cà lang bí rợ, cột qua kèo, là kèo qua cột cốt để miêu tả mối quan hệ keo sơn, gắn bó vào nhau của anh bán dầu và anh bán ếch ở bốn câu sau.

Cả bài đồng dao này được viết lại dựa trên câu chuyện cổ tích kia, nên cách lý giải cũng vì thế mà nên hiểu cho đúng. Tuy nhiên trải qua thời gian dài, người lớn không còn kiên nhẫn để giải thích cho con trẻ hiểu về truyện cổ tích kia, thế nên bài đồng dao bắc kim thang cứ thế mà lưu truyền, gây ra sự hoang mang, khó hiểu cho người nghe.

Bên cạnh đó, cũng còn nhiều lời bàn, tranh cãi xung quanh việc lý giải ý nghĩa cho bài đồng dao này. Điển hình là ông Nguyễn Hữu Hiệp ở An Giang đã phát biểu trong hội thảo khoa học tại trường Đại học Cần Thơ năm 2003, rằng hiểu cho đúng thì bài đồng dao này phải được hát là:


Bắt kim than, cà lang bí rợ
Cột quai chèo, chèo qua chèo lại,
Bắt ngựa ô, chạy vô vườn mít,
Hái lá mít, chùi đít ngựa ô.


Tuy nhiên cách giải thích này lại khập khiễng và vô cùng tối nghĩa, khó hiểu.

Vậy nên tôi mới mạn phép truy tìm nguồn gốc, đọc và thẩm định rồi giải thích để mọi người hiểu hơn về bài đồng dao này. Nếu mọi người thấy cách lý giải này là hợp lý thì nhớ đặng mà con cháu có hỏi, thì ta biết trả lời rằng vì sao trẻ con hay hát:

Bắc kim thang, cà lang bí rợ,
Cột qua kèo, là kèo qua cột…
 
Bài 5: Đừng bỏ em một mình
Đây chỉ là bài hát thôi, nhưng đọc qua cũng khá ám ảnh nên mình post luôn.
Ca khúc đó có tựa đề là "Đừng bỏ em một mình" một sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ nhạc trên bài thơ cùng tên của thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh.


Được biết ca khúc này được sáng tác vào năm 1960 của thế kỉ trước. Ca khúc có lời ca và giai điệu gây ám ảnh khiến bất kì ai nghe được đều cảm thấy lạnh người và rợn trong lòng.
7D372151-447F-47C7-94FB-041BA2490F33

Qua tìm hiểu, được biết ca khúc đó có tựa đề là "Đừng bỏ em một mình" một sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ nhạc trên bài thơ cùng tên của thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh. Nội dung của bài thơ là tiếng khóc ai oán của một cô gái trẻ vọng lên từ dưới mồ sâu gửi đến người tình của mình.
Bản nhạc gây ám ảnh

Bản nhạc gây ám ảnh​

Xuyên suốt ca khúc, lời hát "Đừng bỏ em một mình.." như 1 lời ai oán, cầu cứu trong tuyệt vọng từ thế giới bên kia cùng với những miêu tả rùng rợn về một thân xác sẽ phải trải qua khi nằm dưới đáy huyệt sâu thẳm. Sự lạnh lẽo, những con ròi bọ lúc nhúc, khói hương nghi ngút ngày đêm,... Cô gái trẻ như muốn van nài một sự thương xót từ những con người trên dương thế.

Ảnh chụp màn hình

Ảnh chụp màn hình​

Tất cả những cảnh tượng miêu tả trong lời bài hát đều là sự tưởng tượng của thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh khi bà đi qua một đám tang. Nhưng khi được Phạm Duy phổ nhạc cùng giọng ca ma mị đầy nội lục của ca sĩ Lệ Thu ca khúc càng trở nên ám ảnh và gây rung động mạnh trong lòng người nghe.


Bài hát đã được sử dụng trong rất nhiều những bộ phim, kịch kinh dị. Tiêu biểu nhất là trong "Con ma nhà họ Hứa", gây rất nhiều xúc cảm cho người xem.
Đừng Bỏ Em Một Mình - Lệ Thu
Tác giả: Nhạc Phạm Duy, thơ Minh Đức Hoài Trinh
Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình
Trời lạnh quá trời lạnh quá, sao đành bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình
Chiều lộng gió chiều lộng gió, sao anh đành bỏ em
Lời nào đó lời nào đó, tiếng ân tình hay tiếng cầu kinh
Nhạc nào đó nhạc nào đó, nhạc gọi người hay nhạc gọi hồn
Đừng lặng thinh đừng lặng thinh, với tiếng chày tiếng búa nện đinh
Đừng tỏa hương đừng tỏa hương, khói hương vàng che khuất người thương
Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình
Đường về nghĩa trang mông mênh, đừng bỏ em
Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình
Đường về nghĩa trang lênh dênh, đừng bỏ em
Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình
Cùng một lũ cùng một lũ côn trùng, rỉa rúc thân hình
Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình
Một mồ trinh chênh vênh, chờ cỏ xanh
Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình
Vài ngàn đời sau nữa, vài ngàn đời sau nữa
Vài ngàn đời sau nữa, ai mái tóc còn xanh ...
 

Bài 6: Bí ẩn câu chuyện “người trinh nữ tên Thi” trong 3 ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ​



Bí ẩn câu chuyện “người trinh nữ tên Thi” trong 3 ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ



Ca khúc “Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi” nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một bài hát thuộc dạng kể chuyện với nội dung là một chuyện tình buồn lâm ly và bi thương. Có nhiều người đã tưởng Hoàng Thi Thơ viết bài này để kể về câu chuyện của ông, nhưng không phải như vậy.

hqdefault.jpg


Click để nghe Thanh Lan hát Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi trước 1975

Ca khúc Chuyện Tình Người Thiếu Nữ Tên Thi được viết cho một cô vũ nữ tên là Kim Lệ Thi, và ít người biết rằng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã viết tới 3 bài hát về cô trinh nữ tên Thi này. Hai bài còn lại thì một bài tên là Mối Tình Bất Diệt, ít nổi tiếng hơn, được ca sĩ Thanh Lan hát trước năm 75. Bài thứ 3 là Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng với câu chuyện tương tự: một người con gái thất tình, đi lang thang trong rừng và cuối cùng nằm chếƭ trên nệm êm lá vàng úa. Nếu như hai bài hát kia mang tính kể chuyện, thì bài hát Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng là lời tự sự khi tác giả đóng vai cô gái: Ta đi lang thang quên ngày tháng, quên trần gian, quên nhân tình đã quên mình”

hqdefault.jpg


Click để nghe Thanh Lan hát Mối Tình Bất Diệt


hqdefault.jpg


Click để nghe Khánh Ly hát Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng


Câu chuyện về Kim Lệ Thi được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ kể trong cả 3 bài hát là người trinh nữ còn rất trẻ, đang tuổi trăng tròn, được nhiều người theo đuổi, nhưng nàng lại trót yêu một người nghệ sĩ đã có gia đình. Sau đó nàng đã quyết ra đi để quên đi cuộc tình ngang trái, đến một sáng mùa đông kia, nàng nằm yên vĩnh viễn ở trên nệm lá vàng nơi rừng sâu không ai biết đến.
thi-1.jpg

Nhân vật Kim Lệ Thi có thật, chuyện tình ngang trái cũng có thật, nhưng câu chuyện thực sự thì không được thi vị như vậy. Kim Lệ Thi vốn là vũ công trong đoàn múa Maxim’s nổi tiếng nhất thời đó do 2 vợ chồng vũ sư Lưu Hồng Mỹ Phương phụ trách, và nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chính là trưởng đoàn ca-múa-nhạc Maxim’s, nên ông đã chứng kiến toàn bộ câu chuyện.
Thời đầu thập niên 70, có nhiều trường phái về múa vũ. Nổi tiếng tại Sài Gòn có các trường dạy của vũ sư Ánh Tuyết (thân mẫu của ca sĩ Nguyễn Hưng ngày nay), hay vũ sư Nguyễn Thống, hay sư Thanh Xuân… Mỗi vũ sư như một trường phái riêng, nét hay riêng, thể điệu riêng, sắc thái riêng. Nhưng với vũ sư Lưu Hồng là vũ dân tộc trong những kịch bản của ca nhạc thời trang, nổi tiếng như là một dấu ấn của tên tuổi Lưu Hồng. Đoàn nghệ thuật của ông còn được biết với cái tên Vũ Bộ Lưu Bình Hồng. Đoàn múa Maxim’s của ông có 12 nữ vũ công chính, tất cả đều đẹp và múa giỏi. Họ đã được mời lên đài truyền hình góp mặt thường xuyên các chương trình ca nhạc do Hoàng Thi Thơ tổ chức, đi lưu diễn khắp các tỉnh thành và cả lưu diễn nước ngoài. Trong 12 nữ vũ công có 3 chị em là Kim Lệ Thu, Kim Lệ Xuân, Kim Lệ Thi.
Kim Lệ Thi lúc đó mới 15 tuổi nhưng rất xinh đẹp, đem lòng yêu một nghệ sĩ đã có gia đình trong cùng một đoàn Maxim’s. Kim Lệ Thi không bị chếƭ trong rừng trên nệm lá một cách thi vị như trong các bài hát của Hoàng Thi Thơ. Cô đã mang thɑi với người tình, mẹ cô đã dẫn con đi giải quyết hậu quả, nhưng vì cô Thi còn quá trẻ nên đã không qua khỏi.

Chứng kiến một cuộc tình ngang trái, một cuộc đời buồn quá ngắn ngủi, nhạc sĩ Hoàng thi Thơ cảm thương người con gái trẻ và viết thành các bài hát bất tử. Trong lời đề tựa bài hát Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi, ông viết:
Người con gái lạ lùng đó tên Thi. Thi trẻ đẹp như nhiều thiếu nữ thời nay. Thi yêu sớm. Tình Thi ngang trái. Người đời thị phi. Thi buồn và bỏ đi. Thi lên rừng. Có lẽ để khóc một mình dưới gốc cây già vô tri. Rồi cuối cùng Thi chếƭ, một sáng mùa đông, trên nệm lá vàng…
Tôi biết người con gái đó. Tôi ngạc nhiên về lòng chung thủy của nàng. Chuyện tình đẹp, như một phép lạ đã mê hoặc tôi. Tôi mượn âm thanh để kể lại, để bất diệt hóa tình yêu của người. Xin Thi phù hộ cho tôi, cho cả những người nghe và hát “Chuyện Tình của người trinh nữ tên Thi”

thi2.png

Sau sự ra đi bất ngờ của Kim Lệ Thi, đoàn vũ chỉ còn 11 người, vẫn tiếp tục sinh hoạt. Có người kể rằng đã có nhiều biến cố xảy ra trong đoàn hay lúc trên sân khấu hay khi ở hậu trường, khiến mọi người trong đoàn nghĩ rằng đó là hồn ma oan uổng của cô Thi này về. Mọi người phải lập bàn thờ, vía tránh những tai nạn nghề nghiệp đã xảy ra.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn
 
Back
Top