Tết tháng Bảy và phong tục báo hiếu của người Nùng, Tày

tines

Senior Member
Mỗi năm đến đầu tháng Bảy Âm lịch, khi cái nóng oi ả của mùa Hè dần nhường chỗ cho sự mát mẻ của mùa Thu, chị Đỗ Phương Nga, một người Tày 39 tuổi, đang sống và làm việc tại Hà Nội, lại cảm thấy nôn nao nhớ về quê hương. Chị luôn sắp xếp lịch để có thể trở về quê nhà ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, để cùng gia đình đón Tết tháng Bảy, một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Nùng và Tày.

Tết tháng Bảy và phong tục báo hiếu của người Nùng, Tày
Tưởng nhớ tổ tiên ngày Tết tháng Bảy. Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng
Trên mạng xã hội Facebook những bài viết của bạn bè đăng hình ảnh làm bánh, nghe những cuộc điện thoại của người thân từ quê nhà gọi về ăn Tết, tất cả những điều đó khiến phong vị của Tết tháng Bảy lại ùa về trong lòng chị. Với riêng chị Phương Nga khi nhắc đến văn hóa của người Nùng, Tày nói chung và tết tháng Bảy nói riêng gợi nhớ đến hình ảnh người bà - một người bà tần tảo, chịu thương chịu khó và luôn hy sinh hết mình cho gia đình.
Mỗi dịp Tết tháng Bảy đến, bà lại chuẩn bị nguyên liệu làm bánh, những chiếc bánh dậm được bà làm ra với tất cả tình yêu thương dành cho người thân. Khi lớn lên, mỗi lần nhớ về quê nhà, hình ảnh người bà lại hiện lên rõ nét trong tâm trí khiến chị thêm yêu mảnh đất Bình Gia, và chị hiểu ra bà làm nhiều bánh không chỉ để ăn mà còn là nhắc nhở con cháu phải biết yêu văn hóa cha ông. Bây giờ dù đã lớn khôn, “...đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu, có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả, nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở...” (Bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt), mỗi khi tháng Bảy lại về với quê hương, để đắm chìm trong không khí ấm áp của quê nhà.
Tết tháng Bảy là dịp để quay về với văn hóa truyền thống. Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng
Tết tháng Bảy là dịp để quay về với văn hóa truyền thống. Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng
Hiện nay dù sinh sống và lập nghiệp ở Hà Nội, chị Nga vẫn giữ thói quen đưa chồng con về quê nhà Lạng Sơn mỗi năm vào dịp Tết tháng Bảy. Chị làm vậy không chỉ để thăm cha mẹ, báo hiếu tổ tiên mà còn để chồng con hiểu và cảm nhận được giá trị của ngày Tết quê hương mình. Chị cho biết, việc giữ gìn và phát huy truyền thống Tết tháng Bảy không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là sự đóng góp vào việc bảo vệ văn hóa dân tộc. Tết tháng Bảy không chỉ là một ngày lễ mà còn là cơ hội để mỗi chúng ta cảm nhận sâu sắc những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Tết tháng Bảy của người Nùng, Tày ở vùng Lạng Sơn được coi là ngày Tết lớn thứ hai trong năm, chỉ sau Tết Nguyên Đán. Người dân thường nói: “Bươn chiêng vằn so ất, bươn chất vằn slíp slí”, có nghĩa là “Tháng Giêng ngày mùng Một và tháng Bảy” ngày mười bốn, là hai ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Đây là dịp để con cháu tưởng nhớ tổ tiên, báo hiếu và quay về với gia đình.
Trong quan niệm của người Nùng và Tày, tháng Bảy không phải là tháng cô hồn như trong quan niệm của một số dân tộc khác. Ngược lại, đây là thời điểm để nhớ về tổ tiên đã khuất, thể hiện lòng hiếu kính và sự tôn trọng. Vào ngày 14 tháng Bảy, mâm cỗ cúng tổ tiên thường bao gồm thịt vịt, bún, vàng mã (quần áo giấy, tiền giấy), rượu, hương... Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt Bình - Trung tâm Văn hóa tỉnh Lạng Sơn: “Phong tục cúng vịt xuất phát từ tích truyện về tháng Bảy mưa nhiều, nước sông Ngân Hà dâng cao, con gà không thể vượt sông để mang lễ vật lên cho tổ tiên, nên người ta cúng vịt, vì vịt có thể cõng lễ vật và đặc biệt là vàng mã (quần áo) vượt sông”. Dân gian gọi con vịt cúng trong ngày Tết tháng Bảy gọi là “pét thạp y”, có nghĩa là con vịt cõng y phục (vàng mã) và lễ vật.
Tục sêu Tết của người Tày, Nùng. Ảnh: Hồng Hà
Tục sêu Tết của người Tày, Nùng. Ảnh: Hồng Hà
Tết tháng Bảy không chỉ là dịp để báo hiếu tổ tiên mà còn là cơ hội để những người con gái đã lấy chồng có thể trở về nhà mẹ đẻ, thực hiện nghi lễ “pay nèn” (sêu Tết). Nhiều địa phương người Nùng, Tày thực hiện sêu Tết vào ngày 14 tháng 7, có nơi đi sêu Tết vào ngày 15 tháng 7. Lễ vật sêu Tết tùy từng địa phương thường bao gồm một, hai con vịt, bánh kẹo, hoa quả và nhiều món ăn khác. Đây là thời gian để con cháu quây quần bên gia đình, làm bánh, chăm sóc cha mẹ và nói chuyện, thắt chặt tình thân và củng cố mối quan hệ cộng đồng.
Tết tháng Bảy của người Nùng, Tày không chỉ là một ngày lễ quan trọng mà còn là cái nôi để văn hóa Nùng, Tày tồn tại và phát triển. Việc bảo vệ Tết tháng Bảy chính là bảo vệ sự đa dạng của văn hóa, giữ gìn hồn cốt của người Nùng, Tày trong xã hội toàn cầu hóa hiện nay. Đó là cách để người Nùng, Tày dù sinh sống và lập nghiệp ở đâu sẽ vẫn mãi là “cần rầu”, từ đó lan tỏa và để văn hóa trường tồn.
 

Thread statistics

Created
tines,
Replies
0
Views
217
Back
Top