Thành công của Bayern Munich – Sau một thập kỉ, 4-4-2 sẽ trở lại?

NARAK

Senior Member
“Tôi muốn Bayern thi đấu với lối đá quen thuộc của họ” – Không đao to búa lớn, không bày vẽ ra những thứ cầu kì hay đột phá quá đặc biệt, Hansi Flick trong ngày nhận chiếc “ghế nóng” ở Allianz Arena đã trả lời phỏng vấn đầy khiêm nhường như vậy. Có lẽ thứ “quen thuộc” ấy không chỉ là lối chơi mạnh mẽ hệt như Hùm Xám dưới thời Jupp Heynckes, mà còn là một hệ thống được xây dựng trên nền 4-4-2 rất đỗi kinh điển.
Sự thoái trào của 4-4-2

Hơn 15 năm trước, Jose Mourinho đã từng chia sẻ ý tưởng hủy diệt sơ đồ 4-4-2 huyền thoại vốn đang vô cùng thịnh hành ở thời kỳ đó như sau: “Nếu tôi có một tam giác ở hàng tiền vệ, Claude Makelele đằng sau và hai người khác ngay trước, tôi sẽ luôn có lợi thế trước một đội hình 4-4-2 thuần túy chỉ gồm hai tiền vệ ở trung tuyến.”
Sở dĩ 4-4-2 trở thành chủ đạo của bóng đá suốt 60 năm kể từ 1950 bởi vì sự cân bằng mà nó mang lại, từ 4-4-2 mà một đội bóng có thể triển khai mọi lối chơi, mọi phương án, công cụ chiến thuật hay dễ dàng tạo ra những biến thể tùy vào tình huống một cách rất cơ động. Tuy nhiên, khi mà người ta tìm ra một sơ đồ khác còn cân bằng hơn cả 4-4-2 thì đó cũng là lúc nó trôi vào dĩ vãng.

Và 2010 là năm đánh dấu cột mốc “khai tử” sơ đồ 4-4-2. Thay thế nó là 4-2-3-1 với một khu trung tuyến dày hơn, nhiều tiền vệ chuyên trách hơn, và cho dù chỉ sử dụng duy nhất một trung phong nhưng khi cần 4-2-3-1 vẫn có thể đẩy tối đa 3 tiền đạo lên trong trạng thái tấn công – tức là trong cả thủ hay công thì 4-2-3-1 đều cơ động hơn 4-4-2.
Bắt đầu từ World Cup 2010 cho tới tận thời điểm hiện tại, 4-4-2 vẫn rất ít khi được ưa chuộng, Atletico Madrid của Diego Simeone có lẽ là tên tuổi lớn duy nhất xây dựng hệ thống dựa trên một nền tảng 4-4-2 thực thụ trong khoảng thời gian này. Mặc dù vậy, cần phải nói rõ ràng rằng bản thân 4-4-2 của Diego Simeone cũng rất dị biệt về kết cấu và Atletico Madrid thường chỉ dùng nó trong các trận đấu mà họ có thể chơi được phòng ngự phản công, trong các trận cần kiểm soát bóng và tấn công nhiều hơn thì họ vẫn phải biến đổi 4-4-2 thành 4-4-1-1/4-2-3-1 để gia tăng khả năng build-up.
Những xu hướng mới khiến 4-4-2 bỗng nhiên hợp thời trở lại

Điểm lại những đội bóng kiểm soát bóng hàng đầu Châu Âu hiện tại, ta có Barcelona với 63,2% thời lượng kiểm soát bóng trung bình ở giải đấu vô địch quốc gia, Manchester City với 62,6%, PSG với 61,8%, Bayern Munich với 61,5%, và Liverpool với 59,6%. Sẽ rất thú vị khi ta so sánh những con số này của họ tại giải đấu khắc nghiệt nhất là Champions League.
Chỉ có Bayern Munich và Liverpool là có tỷ lệ kiểm soát bóng tại Champions League giữ được mức độ ổn định so với giải vô địch quốc gia (60,1% và 62,2%) trong khi đó Manchester City (59,4%) thì sụt giảm còn Barcelona (55,6%) và PSG (53,1%) thì giảm rất mạnh. Có vẻ như ở một môi trường thi đấu khắc nghiệt hơn, thì thứ mấu chốt để nắm giữ tỷ lệ kiểm soát bóng là khả năng pressing chứ không phải kĩ thuật build-up nữa. Barcelona và PSG là những đội không chú trọng nhiều vào pressing, Manchester có chú trọng còn Bayern Munich và Liverpool thì đặc biệt chú trọng.
Trong toàn bộ những ông vua kiểm soát bóng ở Châu Âu kể trên, hầu hết đều sử dụng 3 tiền vệ ở trung tuyến, duy chỉ có Bayern Munich của Hansi Flick là đội duy nhất chỉ sử dụng 2 tiền vệ (Thiago và Leon Goretzka) – mặc dù vậy, họ lại chính là đội ít bị ảnh hưởng bởi pressing nhất khi trung bình chỉ bị đoạt lại kiềm kiểm soát bóng 6,4 lần/trận. Thật trái ngược, thống kê tệ nhất ở hạng mục này trong giải đấu chính là Chelsea của Frank Lampard với 12,1 lần/trận và họ thường sử dụng tới 5 tiền vệ. Theo quan điểm thông thường, hẳn nhiều người sẽ vội cho rằng càng nhiều tiền vệ thì cầm bóng càng kém sẽ là nghịch lý.
Johan Cruyff đã từng nói rằng: “Thủ môn chính là cầu thủ tấn công đầu tiên, và tiền đạo chính là hậu vệ đầu tiên” – phát biểu đầy tính triết lý này đã đi trước thời đại hàng 30 năm.

Sau khi luật phát bóng mới được FIFA ban hành thì cách build-up (triển khai bóng) phổ thông trong bóng đá đã thay đổi rõ rệt. Ngày nay mỗi một quả phát bóng không khác gì một tình huống đá phạt cả, các đội dành rất nhiều công sức bố trí để có thể đưa bóng lên một cách mượt mà nhất thay vì chỉ thuần túy tung một đường bóng bổng lên trên và tranh chấp bóng hai – tức là, khả năng triển khai bóng của một đội giờ trọng tâm không còn nằm ở khu trung truyến của các tiền vệ nữa mà là những cầu thủ chơi thấp nhất như thủ môn và trung vệ, hậu vệ.
Trái tim trong lối chơi của Hùm Xám hiện tại không phải các cái tên ở trung truyến mà là những cầu thủ chơi thấp như trung vệ Alaba, thủ môn Neuer hay đặc biệt nhất là hậu vệ cánh Joshua Kimmich – tại Bayern Munich, anh là người chuyền nhiều thứ 2 trong đội, xGBuildup và xGChain của anh còn vượt trội hơn cả một tiền vệ như Leon Goretzka (0,66 và 0,80 so với 0,35 và 0,58).
Đó là lý do mà Bayern Munich chỉ cần 2 tiền vệ là Thiago là Leon Goretzka ở trung tuyến mà vẫn đảm bảo khả năng triển khai bóng, họ thậm chí là đội có thống kê về kiểm soát bóng tốt thứ 2 ở Champions League. Điều này đồng thời khiến phát biểu của Mourinho 15 năm trước đây từ đúng có lẽ giờ đã trở thành không hoàn toàn đúng nữa.
Một xu hướng mang tính phát triển sẽ phát sinh kéo theo một xu hướng khác mang tính khắc chế. Và khi mà các đội bóng đua nhau phát triển bóng từ thấp thì song hành theo đó pressing cũng nổi lên là công cụ tốt nhất để đối phó – tức là, khả năng phòng thủ của một đội giờ trọng tâm không còn nằm ở những người đứng thấp nhất của đội hình nữa mà lại là những tiền đạo chơi cao nhất, những cầu thủ đầu tiên tranh chấp bóng với đối phương.
Để pressing tầng cao nhắm vào hệ thống triển khai bóng sâu nhất của đối thủ, những đội hình chỉ có một tiền đạo như 4-2-3-1 đã không còn phù hợp nữa (Chelsea chính là một dại diện của 4-2-3-1). Vì chỉ có một trung phong chơi cao nên để tạo ra áp lực lên phần sân đối phương họ buộc phải dâng tiền vệ của mình lên - điều này không phải phương án thỏa đáng vì nó sẽ phá vỡ kết cấu vốn có của đội hình.

Các chuyên gia về pressing như Liverpool, Manchester City đều sử dụng một sơ đồ với ba tiền đạo, Sadio Mane – Firmino – Mohamed Salah và Sterling – Gabriel Jesus – Mahrez/Bernardo Silva, bộ ba tấn công cũng đang là trào lưu phổ biến ở Ngoại Hạng Anh. Với ba tiền đạo ở bên trên pressing, hệ thống của họ sẽ trở nên rất cân bằng và không bị kéo lệch, cự ly đội hình được đảm bảo và hoàn toàn có thể hoán chuyển sang phòng thủ khu vực mỗi khi đối phương đưa bóng lọt qua được hàng rào pressing.
Tuy nhiên, Hansi Flick lại trình làng một hệ thống hợp lý hơn cả vậy. Sơ đồ 4-4-2 của Bayern Munich tuy có 2 tiền đạo (một trung phong, một đá lùi) – ít hơn 1 tiền đạo so với những hệ thống 4-3-3 của Liverpool và Manchester City nhưng vẫn nhiều hơn các sơ đồ 4-2-3-1. Cái hay của cách pressing kiểu Bayern Munich đó là hai tiền đạo Lewandowski và Thomas Mueller có thể nhanh chóng “ốp” những trung vệ của đối phương ở trung lộ để “lùa” bóng bị buộc phải đẩy sang hai cánh và phát triển dọc biên lên, rồi từ đó tạo điều kiện cho những máy chạy ở cánh như Coman, Gnabry đón lõng. Kiểu bố trí này của Bayern Munich cực kỳ hiệu quả bởi nó nhắm thẳng vào những hậu vệ cánh – nhân tố then chốt trong lối build-up hiện đại ngày nay
Chính vì vậy mà trong hầu hết thời điểm, 4-4-2 của Bayern Munich luôn gần như một hệ thống 4-2-4. Khi đội không sở hữu bóng, các tiền vệ cánh như Coman và Gnabry chính là những ngòi nổ pressing. Và khi đội sở hữu bóng, thậm chí họ cũng không cần lùi về để nhận bóng mà vẫn ghim cao ở bên trên.
Nếu như Pep Guardiola rất chú trọng vào chiều ngang thì Bayern Munich của Hansi Flick thực sự đã phát triển một lối build-up tận dụng rất tốt chiều dọc mặt sân, rất nhiều lần họ không cần thông qua trung tuyến mà bóng được bơm thẳng lên cho 4 cầu thủ chơi cao nhất trong 4-2-(4) – mỗi lần như vậy, chẳng phải phản công mà Bayern vẫn tạo ra được tình huống 4 đánh 4 với đối phương, tác chiến nhóm nhỏ là kĩ năng đặc biệt mạnh của Hùm Xám xứ Bavaria.
Hồi sinh những cầu thủ chạy cánh

Sau khi 4-4-2 thoái trào vào năm 2010, bằng một cách gián tiếp, những mẫu cầu thủ chạy cánh là những người bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Trong những sơ đồ thịnh hành sau đó như 4-2-3-1 hay 4-3-3, không hề có chỗ cho những cầu thủ chạy cánh, các vị trí chơi ở hành lang biên ở thời kỳ này đòi hỏi phải có khả năng liên kết và dẫn dắt lối chơi giống như bộ đôi Samir Nasri hay David Silva nổi tiếng của Manchester City dưới thời Pellegrini hoặc là phải trở thành một mũi nhọn ghi bàn như Ronaldo, Neymar hay Alexis Sanchez.
Người ta từng bàn luận rất nhiều về câu chuyện kì lạ của Serge Gnabry, kì lạ vì một ngôi sao của Bayern Munich hiện tại lại từng là người thừa của Arsenal – thực ra nếu nhìn kĩ hơn thì không hề có gì khó hiểu.
Tại thời điểm Serge Gnabry còn là Pháo Thủ, lối chơi của anh hoàn toàn không phù hợp với một đội chơi với hệ thống 4-2-3-1/4-3-3 như Arsenal. Ngay cả đàn anh của Serge Gnabry là Oxlade Chamberlain cũng không tìm được vị trí chính thức và buộc phải thay đổi role của mình xuống đá wingback hoặc chơi tiền vệ khi chuyển tới Liverpool. Những cầu thủ chạy cánh ở thời kỳ này cũng thường phải lùi xuống đá hậu vệ cánh ví dụ như Valencia, Ashley Young, Bellerin, Jesus Navas, Victor Moses, Zinchenko.

Số phận của những cầu thủ chạy cánh bi đát đến nỗi HLV Tony Pulis còn từng chê Gnabry không đủ đẳng cấp để chơi bóng ở Ngoại Hạng Anh khi tiền vệ này được Arsenal đem cho mượn tới Westbrom. Không khác gì Gnabry, Kingsley Coman cũng có một khởi đầu rất lận đận, anh được đào tạo tại PSG nhưng không hề được đưa vào kế hoạch mà phải ra đi theo diện chuyển nhượng tự do, khi tới Juventus tiền vệ người Pháp này đã tạo được những tiếng vang đầu tiên nhưng không vì thế mà được trọng dụng. Mãi đến khi được đem cho mượn tới Bayern Munich - “miền đất hứa” cho các cầu thủ chạy cánh thì Kingsley Coman mới thực sự trở thành một ngôi sao.
Sử dụng những cầu thủ thuần bám cánh có lẽ là điểm đặc thù lớn nhất trong ý tưởng của Niko Kovac mà Hansi Flick giữ lại. Trước khi Hansi Flick lên nắm quyền, Bayern Munich cũng đã là CLB có định hướng chuyển nhượng “ngược đời” nhất Châu Âu khi tất cả mọi người cố bán tống bán tháo các chuyên gia chạy cánh thì họ lại tìm mua. Leroy Sane của Manchester City, Perisic của Inter Milan, Callum Hudson-Odoi của Chelsea, hay mới đây nhất là Mamin Sanyang của Hoffenheim đều khiến Bayern Munich tỏ ra hào hứng trong khi CLB cũ/hiện tại thì lại coi là “người thừa”.
Tại Bundesliga, chỉ có 26% những pha tấn công của Bayern Munich ở trung lộ, 74% còn lại là hai cánh. Ở Champions League con số này không thanh đổi nhiều với tỷ lệ tương ứng 29% - 71%. Điều này cho thấy lối chơi của Hùm Xám mang đậm dấu ấn của những tình huống xuống cánh thế nào.
Tạo ra một số 10 hiện đại
Nhưng đôi cánh Kingsley Coman/Perisic – Serge Gnabry vẫn chưa phải là linh hồn của lối chơi Bayern Munich, trung tâm của hệ thống 4-4-2 đó dĩ nhiên vẫn đến từ một vị trí “hoạt động giữa hai tuyến”, thoát ly khỏi trung tuyến nhưng vẫn phía dưới tiền đạo của Thomas Mueller.
Đầu năm 2019, Niko Kovac chỉ đánh giá Thomas Mueller giống như một tiền đạo và anh thường phải ngồi ghé dự bị - đây không phải điều quá khó hiểu bởi Mueller vốn được đánh giá cao ở khả năng ghi bàn chứ không phải kiến tạo lối chơi. James Rodriguez rồi sau này là Coutinho là những cái tên được HLV người Croatia này kì vọng cho vị trí số 10 nhưng rút cục không có ai tạo được hiệu quả tốt.
Nhiều người đã nghĩ sự nghiệp của Thomas Mueller đến đây là chấm dứt, tuy nhiên, khi Hansi Flick lên nắm quyền, ông đã làm tất cả bất ngờ khi không chỉ khiến Mueller tái sinh mà thậm chí còn giúp anh tiến hóa để trở thành một số 10 vô cùng hiện đại.

Trước đây, “số 10” là cách mà người ta thường gọi về vị trí gần tương tự như Mueller trong sơ đồ 4-4-2. Mặc dù vậy, nhiệm vụ mà cầu thủ người Đức này đảm nhiệm không hoàn toàn giống một số 10 cổ điển kiểu như Maradona trước đây hay kể cả Mesut Oezil bây giờ.
Thomas Mueller không có kĩ thuật xuất chúng, cũng chẳng có thể chất siêu việt nhưng điểm mạnh của anh đó là khả năng chạy chỗ và tận dụng khoảng trống rất tốt. Tố chất này cực kỳ phù hợp với cách chơi cũng như nhiệm vụ đề cao tính liên kết này của Mueller trong sơ đồ 4-4-2 của Hansi Flick. Kẻ “đánh cắp không gian” giờ đây thay vì tạo khoảng trống cho mình thì lại tạo ra khoảng trống cho đồng đội.
“Tác chiến nhóm nhỏ” – có lẽ là cụm từ mô tả rõ ràng nhất cách mà Bayern Munich tấn công, với đặc thù 4-2-4 luôn ghim cao 4 cầu thủ thì ba ngòi nổ Coman/Perisic – Lewandowski – Gnabry thường hoạt động rất xa nhau, Mueller chính là chìa khóa để liên kết tất cả lại. Nếu có Mueller bốn người họ là một nhóm tác chiến, còn không có Mueller thì đơn giản chỉ là ba mũi thương lẻ loi mà thôi.
Bằng cách này mà Thomas Mueller dù chỉ chơi 2969 phút nhưng lại lập kỷ lục với 24 đường kiến tạo. Thậm chí Lionel Messi cũng chỉ có số kiến tạo trong mùa giải năm nay ngang bằng với Mueller nhưng thi đấu thì lại nhiều hơn với 3542 phút. Ngay cả De Bruyne, cầu thủ vốn luôn được ngợi ca với tài kiến tạo cũng chỉ có 22 kiến tạo trong 3374 phút thi đấu. Chẳng nghi ngờ gì nữa, chính Mueller mới là vua kiến tạo của Châu Âu ở thời điểm hiện tại.

Điểm khác biệt quan trọng của một số 10 hiện đại có lẽ là khả năng pressing, thời đại ngày nay, ngay kể cả một thiên tài bóng đá như Mesut Oezil cũng là những dấu hỏi lớn khi đặt lên bàn cân nhắc sử dụng. Việc một mắt xích trong hàng tấn công tranh chấp yếu hoặc thậm chí là đứng im không tranh chấp sẽ cản trở hệ thống pressing rất nhiều, giống như việc bạn chơi khi có bóng đủ 11 người, nhưng khi không có bóng thì lại bỗng chỉ có 10 người vậy. Không phải tự nhiên mà Barcelona với Messi lại bị Bayern Munich vùi dập tới 8-2, tư tưởng của hai đội bóng quá trái ngược.
Thomas Mueller chính là hình mẫu đáng để học tập cho những đội bóng muốn sử dụng một số 10 trong thời đại ngày nay. Có lẽ chẳng có cầu thủ nào lại khai sinh ra nhiều role mới trong bóng đá như Mueller, trước đây anh cũng chính là người hình thành khái niệm Raumdeuter, và bây giờ thì lại là những nét chấm phá đầy tính thời đại cho vị trí số 10.

Hệ thống 4-4-2 sẽ trở lại?
Tương lai thật khó đoán biết, chưa chắc 4-4-2 sẽ trở thành một trào lưu trong tương lai – nhưng có một điều chắc chắn đó là có tới 3/4 đội bóng lọt vào bán kết Champions League 2019/2020 chỉ sử dụng 2 tiền vệ ở trung tuyến, là Bayern Munich với 4-4-2, là Lyon với 3-5-2 và RB Leipzig với 4-2-2-2. Trái bóng tròn vẫn lăn và chiến thuật bóng đá đang phát triển với vòng quay như vũ bão.

118308497_3496508413770136_6656670578758078947_n.png
 
Back
Top