thảo luận The Doors và những gã lập dị.

Tking Chân Chính

Senior Member

Paris tháng 7 năm 1971.


Mệt mỏi sau trận bù khú, Jim Morrison trở về căn hộ với Pamela Courson vào giữa đêm. Jim lại tiếp tục làm chai whiskey. Gã vẫn chưa sáng tác được thêm bài thơ nào dù đã chơi thêm heroin suốt ba ngày liền.


Cả hai nghe một vài bản nhạc và sau đó thiếp đi. Được một lúc, Jim thở lúc một mạnh hơn. Không chịu được gã quyết định vào phòng tắm ngâm mình trong bồn. Sau quả nôn hết bữa tối, hơi ấm của bồn nước có vẻ như làm gã dịu lại. Mắt gã lờ đờ...


...Jim mở mắt ra. Gã thấy mình đang ở trong một căn phòng với ba cánh cửa.


*****

Jim lần mò mở thử cánh cửa thứ nhất.


Trước mắt gã bây giờ là những bậc thang xuống từ cửa máy bay. Paris, tháng 3 năm 1971


Vậy là đã đến nơi mà Jim dự định bắt đầu cuộc sống mới. Gã đã chán ngấy cuộc sống của một ngôi sao nhạc rock nổi tiếng và chỉ muốn trốn tránh.

Trong The Doors, Jim có lẽ là kẻ kém nhất trong việc thích nghi với cuộc sống danh tiếng. Trong khi Robby, Ray, và John ngất ngây với sự thành công sớm của nhóm chỉ sau album đầu tay thì Jim lại nhìn đó như một áp lực cho gã thơ như mình.


Một phần nhiều có lẽ do Jim là kẻ cầm đầu ban nhạc và là linh hồn của The Doors. Dù cho Jim không chơi nhạc cụ gì trong nhóm nhưng lối hát hấp dẫn từ chất giọng nam trung ấm áp và lối đọc lời thơ ngẫu hứng lại là nét riêng và rất có tính ảnh hưởng của Jim.



Gái thì bu lấy gã, trong đó có cả Grace Lick của hội Jefferson Airplane và Nico - cô ca sĩ hát chung với The Velvet Underground. Gã ngủ với biết bao nhiêu cô nhưng kỳ quặc là, Jim lại giữ một mối quan hệ đặc biệt với Pamela Courson - người gã quen từ khi học đại học. Có lẽ Pamela với Jim như một cặp soulmate khi khác những đám con gái khác, Pam nhìn Jim như một nhà thơ hơn là một ngôi sao nhạc rock.


Thế nên trải qua bao thăng trầm và cả lăng nhăng với nhiều mối quan hệ xen kẽ của cả hai người, cả Jim và Pam vẫn thi thoảng bâu lại nhau, mà như tay keyboard Ray Manzarek miêu tả, cặp đôi này chính là hai nửa ghép lại nhưng còn khuyết tí. Mảnh khuyết đó cho phép cả hai vẫn có cuộc sống riêng nhưng lại vẫn hút dính đến nhau khi có cơ hội.

Và chính Pam là người rủ Jim đến Paris để thay đổi. Bồi hồi lắm. Đến mức Jim cũng không màng tới việc nghe lại bản master của đĩa L.A. Woman trước khi nó được phát hành, một thói quen mà gã luôn làm với các đĩa trước. Với Jim, gã chỉ vội vàng từ bỏ nước Mỹ để bỏ lại phía sau một vụ cáo buộc đang trong quá trình thụ án, mà nếu bị kết tội, Jim sẽ phải ngồi tù 6 tháng, sau khi gã kéo khoá quần để khoe hàng tại buổi biểu diễn ở Miami.


Những tưởng cuộc sống mới ở Paris sẽ là một sự nghỉ ngơi cần thiết, nhưng hóa ra Jim lại đến thành phố hoa lệ này vào “đúng” thời điểm "vui" hơn bao giờ hết. Đó là kỷ nguyên của heroin khi Paris là một trong những điểm giao dịch và trung chuyển chính của các đường dây ma tuý. Đã thế cô người yêu bất hảo Pam lại đang cặp kè với một tay buôn thứ thiệt. Thế nên, một Jim với ước mơ đổi đời, rũ bỏ cuộc sống rock star đầy tệ nạn, thuốc phiện và rượu bia thì nay, gã như Alice lạc vào xứ sở thần tiên.


Âu cũng là cái số rồi.


******

Jim mở ra cánh cửa thứ hai.


Trước mắt gã là căn studio. Los Angeles, tháng 11 năm 1970


Mọi người quay ra nhìn Jim. Cả hội đã có mặt đầy đủ: Ray Manzarek (keyboard), Robby Krieger (guitar), John Densmore (trống), Bruce Botnick - kỹ sư âm thanh và Paul Rothchild - sản xuất, cả hai đều đã theo hội The Doors xuyên suốt các album từ The Doors (1967) cho đến nay.


Chuẩn bị cho thu âm album thứ sáu L.A. Woman mà cả band gần như chưa có ý tưởng nào cho đĩa này ngoại trừ cái gọi là bản thảo của bài hát cùng tên, một vài hợp âm cơ bản cho "Riders On The Storm" và một vài đoạn jam của nhóm. Hoàn thiện nhất chỉ mới là một bài tạm gọi tên "Latin America" định làm nhạc cho phim nhưng tay đạo diễn đó từ chối sau khi nghe bản biểu diễn quá ồn ào.


Cả hội lúc này bắt đầu tập dượt để tìm cảm hứng. Thế nhưng, dù là đang ở ngay chính phòng thu âm mà The Doors đã ghi âm hai đĩa đầu tay, không khí trong phòng vẫn u ám đến rợn người. Mọi người bắt đầu jam nhưng khác xa kỳ vọng. Âm thanh thiếu sức sống, thiếu năng lượng.


Không chịu được nữa, Paul từ chối sản xuất cho album này. Ông bỏ đi trước sự sững sờ của cả nhóm.


Thực ra phản ứng của Paul là có lý do, cũng vì những gì ông đã phải trải qua và chứng kiến. Ông là người đã làm việc suốt với The Doors ngay từ những ngày đầu, và chứng kiến sự thay đổi đi xuống rõ rệt, đặc biệt là ở Jim. Từ một cậu thanh niên trẻ tuổi, bảnh bao khiến cả tá con gái mê mệt, cơn nghiện ngập rượu bia khiến Jim trở nên bệ rạc, cộc cằn hay gây sự. Gã cũng béo lên nhiều và râu ria xồm xoàm trông không nhận ra nổi chàng trai vui vẻ năm xưa dù bây giờ gã mới gần 27.


Không những thế, Paul vừa trải qua cú shock khi ông mới hoàn thành album cho Janis Joplin thì cô này chết đột ngột vì sốc thuốc, chỉ vài tháng trước khi đĩa phát hành. Rồi cái ngày Jim ngồi uống với Paul, gã lảm nhảm với Paul là “Brian Jones, Janis, Jimi rồi nhé. Giờ ông đang ngồi với kẻ thứ tư đấy”.


Cái Club 27 của những kẻ tài năng chết ở tuổi 27 bắt đầu có thêm nhiều thành viên. Thế nên suy nghĩ đầy tiêu cực của Jim chỉ khiến Paul chán nản và dễ buông bỏ hơn. Sau khi Paul bỏ đi, cả hội quyết định quay lại chỗ The Doors vẫn hay tập dượt ở Santa Monica và sửa chữa thành một studio hoàn chỉnh để thu âm. Bruce Botnick và ban nhạc đảm nhận luôn vai trò sản xuất của Paul.


Không còn tay producer quen thuộc trong phòng nữa, và được đánh nhạc trong phòng tập cũ, các thành viên trong The Doors bỗng dưng có được cái cảm xúc mới lập band hồi đầu, ngẫu hứng, không áp lực, và đầy năng lượng của tuổi trẻ. Bản thân Jim cũng bớt cái thói bê tha. Gã đến đúng giờ và đôi lúc còn có mặt từ buổi chiều. Có lẽ vì gã thấy đồng đội đang cùng làm thứ nhạc mà gã luôn mong muốn trong đầu, một ban nhạc với cảm hứng chính từ nhạc blues. Chính vì thế đĩa L.A. Woman tiếp tục bám theo âm nhạc của blues từ đĩa Morrison Hotel trước đó.



Ban nhạc The Doors vốn dĩ đã là ban nhạc đồng đều về tài năng và cực hiểu nhau về cảm xúc trong âm nhạc. Jim không chơi nhạc cụ gì, nhưng gã sáng tác giai điệu của bài hát qua những lời thơ của mình. Rồi sau đó các thành viên còn lại viết phần vòng hoà âm và các câu nhạc cùng nhịp điệu. Thỉnh thoảng cả Ray và Robby cũng góp phần trong khâu sáng tác.


The Doors vốn đã chơi cực hoà hợp trong âm thanh, nhưng trong L.A. Woman thì sự phối hợp của Robby, Ray và John còn chặt chẽ hơn thế. Không những thế, dù chưa bao giờ tuyển một tay đánh bass chính quy, kẻ đánh thuê lần này là Jerry Scheff chuyên chơi cho Elvis Presley. Nên Jim và đặc biệt là tay chơi trống John khoái lắm. Phần bass trong đĩa này quá ngon lành, nhịp nhàng với John trong nhịp điệu cho phần hát của Jim, tiết chế tiếng keyboard đôi lúc chạy nhanh quá đà của Ray và cân đối với tiếng guitar có lúc nghe giống động cơ xe ô tô của Robby.


Bài "L’America" (chính là bản track hoàn chỉnh đầu tiên với tên Latin America từ hồi Paul còn tham gia sản xuất) tạo sự giằng xé giữa tiếng trống, bass và keyboard.


Còn bài "The WASP" là màn hoán đổi solo tuyệt vời nối tiếp nhau ban đầu của Robby trên cây guitar, sau đó là Ray trên phím đàn keyboard và kết là câu dồn trống hừng hực của John.


Việc thu âm rất đơn giản với mấy thiết bị cũ, ít hiệu ứng âm thanh. Cả band cứ việc bật băng ghi âm và đánh dượt với nhau. Đây vẫn luôn là ước mơ của Jim và đồng đội khi họ được trở thành chính họ và cảm hứng cứ thế tự tuôn trào về.


Chả thế mà Jim đã từng định thu live hoàn toàn bản trường ca 10 phút "When The Music’s Over" trong album Strange Day để lấy được âm thanh thô và thật nhất. Nhưng cái thời đó Jim đã sa lầy vào rượu bia nên khi cả band đợi gã không nổi phải thu âm trước, thì sau đó Jim đành cắn răng thu hát đè lên bản hát nháp của Ray. Nhưng Jim hát giỏi thật. Chỉ cần đến lượt thu lần hai là hoàn chỉnh ngon lành. Ít nhất là với L.A. Woman, Jim cũng không cần một cô đào nào vào “thổi kèn” để hát cho hay như trước đây.


Mỗi bài được ghi âm gần như theo từng ngày nên album nhanh chóng hoàn thiện. Sau hai album đầu tay, mãi đến đĩa này, The Doors mới lại có bản trường ca như "The End" trong đĩa đầu và "When The Music’s Over" trong đĩa Strange Day. Trong album này, cả bài "L.A. Woman" và "Riders On The Storm" đều có thời lượng trên 7 phút.


Khi phần thu âm hoàn tất cũng là lúc Jim sập nguồn. Gã đã dồn hết sức lực vào album này và khi kết thúc cũng là khi gã trở nên trống rỗng. Khác với những lần thu âm lần trước, kể cả khi Jim rượu chè be bét không thu hát được thì cả bọn đều tự an ủi vẫn có thể đợi đến ngày hôm sau


Thế nhưng sau album này, mọi thứ cảm giác như sẽ kết thúc.


Ít nhất là đối với Jim.


****

Jim mở cánh cửa thứ ba.


Trước mắt gã là bãi biển xanh ngắt với bãi cát trắng. Bãi biển Venice, tháng 7 năm 1965.


Jim bắt gặp Ray Manzarek đang ngồi thiền trên bãi cát. Jim biết Ray từ trường điện ảnh mà cả hai theo học.


Gã liền bắt chuyện Ray và câu chuyện chẳng mấy chốc chuyển sang âm nhạc, khi mà Ray đang chơi trong ban nhạc Rick And The Ravens còn Jim thì vẫn đang tập tành viết nhạc. Cả hai đi bộ dọc bờ biển thao thao bất tuyệt về triết lý và nghệ thuật và mấy nghệ sĩ chơi saxophone ưa thích.


Thế rồi Ray liền bảo Jim hát thử một đoạn mà gã đã sáng tác. Jim liền ngân nga một đoạn trong "Moonlight Drive":

“Let’s swim to the moon

Let’s climb through the tide

Penetrate the evening that the city sleeps to hide.”



Quá ấn tượng với giọng hát và lời thơ của Jim, Ray ngay lập tức rủ Jim lập ban nhạc rock. Trước mắt Ray lúc đó là núi tiền cả bọn sẽ kiếm được, còn trước mắt Jim chỉ thấy những vì sao.


Lâng lâng vì tìm được kẻ đồng cảm trong âm nhạc, Jim quay ra nhưng không còn thấy Ray đi bên cạnh nữa. Trước mặt gã bây giờ là ánh sáng chói loà với những bậc thang đi lên. Trong đầu gã văng vẳng bài "Cars Hiss By My Window":

“I got this girl beside me
But she's out of reach

Headlight through my window
Shinin' on the wall
Headlight through my window
Shinin' on the wall

Can't hear my baby

Though I called and called”


Hay đó là những tiếng gọi yếu ớt của Jim từ phòng tắm không được hồi đáp từ Pam?


Thế rồi gã nhìn thấy Brian, Jimi, và Janis.



Hẹn gặp lại!


https://www.emoodzik.com/post/the-doors
 
Back
Top