Thịt heo không an toàn vẫn lọt vào chợ

MasterchiefsReborn

Senior Member
https://tuoitre.vn/thit-heo-khong-an-toan-van-lot-vao-cho-20221110091032815.htm

Cả nước hiện còn trên 22.000 điểm giết mổ heo nhỏ lẻ, tự phát. Do đó khó có thể truy xuất được hết nguồn gốc thịt heo trên thị trường. Từ đó, người tiêu dùng vẫn phải sử dụng thịt heo không rõ nguồn gốc.

Sau loạt bài về thực phẩm giả VietGap vào siêu thị, Tuổi Trẻ tiếp tục tìm hiểu về một trong những khâu kiểm soát việc này là truy xuất nguồn thực phẩm.

Khó kiểm soát, phần mềm chưa hoàn chỉnh

Ông Ngô Văn Tiến ở xã miền núi huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có trang trại nuôi hơn 10.000 con heo. Trang trại của ông Tiến được một chủ doanh nghiệp tại TP.HCM đầu tư từ con giống, kỹ thuật, thức ăn. Ông Tiến chỉ việc xây chuồng trại và thuê nhân công chăn nuôi. "Đến lúc heo xuất chuồng, công ty ra mua lại. Còn sau đó họ về đóng dấu mộc hay đeo vòng truy xuất nguồn gốc như thế nào, việc đó tôi không biết".

Ngay tại "thủ phủ" chăn nuôi heo Đồng Nai cũng còn rất nhiều hộ chăn nuôi hàng chục con heo nhưng cũng không áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc. Như gia đình anh Hạnh Hữu (Thống Nhất, Đồng Nai) đang nuôi vài chục con heo thịt không đeo số, vòng để truy xuất nguồn gốc. "Heo của gia đình tôi khi xuất chuồng thường bán cho các thương lái quen.

Do đó không cần thiết phải mất thêm tiền để đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho heo. Mà có đeo vòng cũng vô nghĩa bởi cánh thương lái đi gom heo của nhiều gia đình về nhập lại, giết mổ chung. Heo mình có đeo vòng cũng bị trộn chung với heo không có nguồn gốc", anh Hữu giải thích thêm.

Còn ở huyện Củ Chi, TP.HCM, bên cạnh những trang trại nuôi heo lớn có thể truy xuất nguồn gốc heo thì những hộ nuôi nhỏ lẻ điều này không khả thi. Như ở xã An Nhơn Tây, ông N.V.C. nuôi sáu con heo và chỉ bán cho thương lái "ruột". "Mối bán này của tôi chục năm nay. Heo mua của tôi đã rõ nguồn gốc là tôi ở địa chỉ này, tên này nên về các nơi thu mua tự đeo vòng truy xuất, nội dung địa chỉ thông tin trên vòng có... thương lái lo thôi", ông C. nói.

Một lãnh đạo thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT TP.HCM) cho rằng ngoài việc khó kiểm soát nguồn gốc heo từ các hộ nuôi, cái khó hiện nay là phần mềm truy xuất nguồn gốc heo chưa hoàn chỉnh. Từ đó phần mềm chưa cảnh báo hoặc phát hiện được tình trạng heo không đeo vòng ở các hộ nuôi.

"Ngoài ra, tình trạng chăn nuôi còn nhỏ lẻ. Thịt còn bày bán tràn lan ngoài chợ truyền thống. Tình trạng giết mổ heo lậu vẫn còn tồn tại... Từ đó, việc truy xuất nguồn gốc heo để tiến tới có sản phẩm thịt sạch chưa thực hiện triệt để được", vị lãnh đạo này nói.

Mặt khác, theo vị cán bộ trên, đa số thịt heo đang bán tại TP.HCM được đưa về từ các tỉnh thành. Do đó, dù TP có trách nhiệm đến đâu nhưng lực lượng quản lý của các tỉnh không kiểm soát chặt chẽ từ khâu chăn nuôi đến giết mổ thì người dân TP vẫn phải sử dụng thịt heo chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. "Thông tin truy xuất nguồn gốc ban đầu không có hoặc mù mờ thì TP.HCM muốn thực hiện truy xuất các bước tiếp theo cũng không thể thực hiện", vị cán bộ trên nói thêm.

Chia sẻ thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho rằng chưa kiểm soát được lò mổ heo lậu nên thịt heo không rõ nguồn gốc còn trà trộn vào cả chợ truyền thống và siêu thị. Về kiểm soát thương lái, ông Đoán cũng trăn trở đây cũng là vấn đề không nhỏ nhưng chưa làm được.

Bởi theo ông Đoán, thương lái là những người đi mua heo ở các trang trại, hộ chăn nuôi. Và heo có chất lượng, nguồn gốc được trộn chung với heo mua trôi nổi ngoài các hộ dân và mang đi giết mổ. Từ đó chất lượng thịt heo tốt hay xấu đều tùy thuộc vào lương tâm của thương lái, chứ việc truy xuất nguồn gốc không giải quyết được.

Chặt trong, lỏng ngoài

Đó là tình trạng giết mổ thịt heo tập trung quanh khu vực chợ nông sản Hóc Môn, TP.HCM. Khoảng 2h sáng, chúng tôi đi dọc quốc lộ 22. Tại đoạn gần chợ nông sản Hóc Môn có rất nhiều nơi bày bán thịt heo ngay bên vệ đường, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thịt heo được người dân để trên bàn gỗ, có nơi trải tấm bạt... để thịt trên vỉa hè. Ngay khu vực đường vào chợ đầu mối cũng có khoảng 2 - 3 lò mổ heo hoạt động. Khoảng từ 1h - 4h sáng, các lò mổ heo này hoạt động rất nhộn nhịp. Người ra, kẻ vào lấy thịt heo rồi túa về các chợ truyền thống.

Khác với không khí bát nháo ở ngoài, phía trong chợ nông sản Hóc Môn, việc buôn bán thịt heo được kiểm soát chặt. Khi thịt được xe đông lạnh chở vào chợ, đội quản lý an toàn thực phẩm sẽ kiểm tra từ giấy thông tin nguồn gốc sản phẩm, giấy chứng nhận kiểm dịch, quét mã niêm phong ở cửa xe đến kiểm tra dấu mộc, vòng mã vạch truy xuất nguồn gốc từng mảng thịt heo.

Ông Trần Văn Tuấn, trưởng phòng quản lý an toàn thực phẩm và môi trường chợ nông sản Hóc Môn, cho biết sản lượng heo nhập về chợ bình quân 360 tấn/ngày, khoảng 4.826 con/272 xe. Và 100% xe từ các tỉnh chở thịt heo vào chợ đều có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Tương tự, 100% xe chở thịt vào chợ từ cơ sở giết mổ ở TP.HCM đều có thông tin nguồn gốc xuất xứ nhập chợ; từng con heo có đeo vòng truy xuất. Ngoài ra, mỗi đêm có ba chuyên viên của Đội Quản lý an toàn thực phẩm số 9 trực tại khu vực nhập thịt heo, kiểm tra từng xe vào chợ cũng như kiểm tra thực tế thịt khi treo trên sạp...

Thế nhưng, theo ông Tuấn, vẫn có tình trạng đưa thịt heo không rõ nguồn gốc vào chợ để trộn với nguồn thịt heo có xuất xứ rõ ràng.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, mỗi ngày trên địa bàn tiêu thụ khoảng 10.000 con heo thịt. Ông Phú cũng cho biết tất cả số lượng heo này đều được đưa vào các lò mổ tập trung, có kiểm soát.

.....
 
Back
Top