[Tình cảm | Siêu nhiên] Sai Số Của Tình Yêu by ct voz

CHƯƠNG 1: CÓ MỘT THẦN CHẾT MUỐN HỒI SINH




Câu chuyện này bắt đầu vào một buổi chiều ảm đạm.




Tiếng khóc ai oán và vàng mã bay ngợp trời, đoàn người đưa tang nối đuôi nhau đi trên con đường chật hẹp.




Lúc chiếc hàng được đưa xuống huyệt cũng là lúc đoàn người đưa tang bị theo dõi bởi ba con quỷ với gương mặt trắng như sáp, hàm răng nanh vàng khè nhọn hoắt. Chúng nhìn cái hàng chờ đợi với ánh mắt thèm thuồng của những kẻ sắp được đánh chén no nê nhưng đám người vẫn không hề hay biết.




Và khi miếng đất cuối cùng được xúc xuống, đám người trần tục khuất bóng, lũ quỷ bước tới, vây quanh khuôn đất, đọc lẩm bẩm một câu thần chú gì đó mà chỉ có chúng mới hiểu.




Thần chú vừa dứt, làn sương trắng bốc lên từ đất, lũ quỷ hít lấy hít lấy hít để với cảm giác khoái lạc. Nhưng khi vừa chạm tới khoảnh khắc đê mê nhất thì một luồng khí đen không biết từ đâu bay tới, đáp xuống trước mặt bọn quỷ, khiến chúng rụt lùi cảnh giác.




Bước ra từ luồng khí đen lớn ngồn ngộn đó là cô gái mặc đồ đen với mái tóc dài chấm vai, gương mặt toát ra nét lạnh lùng đến đáng sợ kèm theo ánh mắt lờ đờ như vừa mới ngủ dậy.




Cô gái lấy ngón tay chà qua lại nơi lỗ mũi, cái chỗ mà liền sau đó phát ra tiếng khụt khịt của người vừa mới hết bệnh cảm cúm, rồi cô cất giọng từ tốn:




- Bữa nay tao hơi mệt nên đánh gọn lẹ nha!




Bọn quỷ vừa khè hàm răng nanh ra đe dọa vừa đồng loạt đưa tay về phía trước. Từ lòng bàn tay của lũ quỷ phát ra mười tia sáng màu vàng bắn vào cô gái áo đen. Cô gái áo đen đứng yên không nhúc nhích.




Nhưng đòn tấn công vừa chạm vào cô gái, chúng liền vỡ ra như những mảnh gương màu vàng li ti. Bọn quỷ vô cùng kinh ngạc. Cô gái thở dài tỏ vẻ chán chường rồi không thèm lên tiếng, cô chỉ tay về phía lũ quỷ, một luồng khói đen lớn dần lên, lao về phía lũ quỷ, Trong tích tắc, lũ quỷ cũng chịu chung số phận vỡ tan thành những hạt vàng li ti hệt như đòn tấn công của chúng.




Lúc này từ phía xa, sáu làn khói đen bay tới đáp xuống đất. Theo phản xạ, cô gái áo đen tặc lưỡi quay lưng lại. Trong sáu làn khói đen đó bước ra sáu người đàn ông ăn mặc y chang cô gái, chỉ khác là trên tay họ mỗi người cầm một cây lưỡi hái màu bạc sắc lẹm.




Người đàn ông đứng giữa tên DB7, một thần chết cấp cao, lạnh lùng tiến về cô gái áo đen:




- IX8, sao lần nào cô cũng phá tụi tui hết trơn vậy? Đã nói là lần này để tụi tui đánh mà?




- Tại mấy anh chậm quá thì có! - Cô gái, bây giờ tên IX8 khịt mũi.




Nói xong, IX8 thản nhiên bỏ đi. Đi được vài bước, luồng khói đen hiện ra, cô bước vào và biến mất trước ánh mắt chán ngán của sáu người đàn ông còn lại.




Người đàn ông đứng kế bên DB47 nhắc nhở;:




- Phải nói cho Diêm Vương biết thôi!




DB47 đáp lời đồng nghiệp thần chết của mình bằng sự đăm chiêu đầy bất lực.




***




Nhắc tới âm giới chắc có lẽ nơi quan trọng nhất là âm phủ, cơ quan đầu não của Thần Chết. Điều đặc biệt nhất của âm phủ được bao bọc toàn bộ bằng kiếng không bể.




Thang máy đưa IX8 xuống đại sảnh của âm phủ, nơi có vô số thần chết tụ họp với những chiếc máy Tính Điểm Công Đức trông giống như máy ATM ở thế giới loài người được đặt rải rác khắp nơi.




IX8 bước vào máy đặt gần nhất, đút thẻ vào. Trên màn hình hiện lên màu trắng và dòng chữ “Bạn hiện có 9000 điểm công đức, còn thiếu 10.000 điểm nữa để bạn hồi sinh” khiến cô thất vọng ra mặt. Bằng cú dộng không khác gì quả đấm của IX8, tiếng “rầm” phát ra, nhưng ai nấy cũng ngoái nhìn giây lát rồi lại tiếp tục làm việc riêng. Chắc họ cũng quá quen với cảnh tượng này rồi.




DB47 không biết xuất hiện cạnh cô từ lúc nào, chỉ nói gọn lỏn:




- Diêm Vương muốn gặp cô!




***




IX8 phải đi thang máy lần nữa. Lần này lên tầng cao hơn.




Lên tới nơi, cô đi thêm mười bước chân là đến nơi. IX8 đứng trước cửa phòng Diêm Vương và đưa mắt vào chiếc máy quét võng mạc.




Làm xong nhiệm vụ, một giọng phụ nữ cất lên:




- Đã xác nhận xong! Mời IX8 vào gặp Diêm Vương!




IX8 không khoái cái trò quét tới quét lui này. Rõ ràng chỉ cần búng tay một cái, Diêm Vương sẽ biết cô đang ở đâu tức thì. Nhưng Diêm Vương lại bày trò để cho giống "sự tiến bộ của loài người vào thời đại 4.0" và coi như một thú tiêu khiển tạm thời khiến cả đám thần chết chứ không riêng gì IX8 cảm thấy đó là sự tào lao dễ sợ!




Cánh cửa mở ra bằng cách thụt xuống nền nhà bằng gương sáng choang. Trước mắt IX8 là căn phòng hết sức bừa bộn, sách, tài liệu, thư từ nằm rải rác dưới đất. Nhìn kĩ hơn chút xíu nữa, IX8 đi tới trước chiếc bàn độc nhất trong phòng, nơi những hóa đơn về môi trường được chất thành núi và có tiếng ngáy "khò khò" cất lên đều đặn. IX8 đành giả bộ tằng hắng một tiếng thiệt lớn.




Ngay tức thì một thân hình người phụ nữ ngồi bật dậy hệt như dòng dung nham chợt trào khỏi miệng núi lửa, khiến đống hóa đơn phủ quanh người cô ta rơi tá lả xung quanh. Khi những hình ảnh đầu tiên của IX8 lọt qua đôi mắt mơ màng, người phụ nữ nọ tiếp tục vươn vai, ngáp một hơi thiệt dài, lớn đến nỗi IX8 phải ngoáy lỗ tai, khó chịu:




- Diêm Vương gọi con vô đây để nghe cô ngáp hả?




- Cả hai luôn! Vừa nghe ngáp vừa bàn công chuyện!




Người phụ nữ, bây giờ mới biết là Diêm Vương, trả lời, không quên vặn người sang trái sang phải để thư giãn gân cốt.




- Công chuyện chính là gì? Cần con đi giết quỷ nữa hả? - IX8 hỏi.




Sau một loạt động tác thể dục, Diêm Vương dần thả lỏng người trên chiếc ghế lông chim ưa thích của mình. Người phụ nữ quyền lực nhất âm phủ xòe tay ra, một điếu xì gà Cu Ba liền xuất hiện trong tay. Cô rà mũi khắp điếu xì gà để hít mùi thơm hảo hạng của nó. Rồi sau đó đưa nó lên miệng, búng tay cái "tách", lửa đã châm, rít thật sâu, tha hồ tận hưởng.




Sau khi Diêm Vương phà những làn khói trắng mang đủ hình thù như kì lân, rồng hai đầu hay mai rùa tí hon nay khắp phòng, cô nói với IX8 bằng chất giọng đầy sảng khoái:




- Giết quỷ thì dễ cho con quá nhưng cũng ít điểm công đức quá! Đúng không con?




Câu nói đi guốc trong bụng khiến IX8 chột dạ nhưng cô đành làm thinh.




Nữ Diêm Vương nói tiếp:




- Vậy thì giờ cô hỏi con là muốn lấy 10.000 điểm công đức trong một lần để được sống lại không?




Đó là một ước muốn mà IX8 không bao giờ với tới được. Chỉ cần 10.000 điểm công đức nữa là cô sẽ được sống lại, sẽ được thoát khỏi nơi toàn kiếng với kiếng đầy ảm đạm, chán ngắt này. Cô mong điều đó cả trăm năm rồi. Nhưng ba từ "trong một lần" khiến cô cảnh giác.




IX8 hỏi Diêm Vương:




- "Công tác" lần này nguy hiểm lắm hả cô?




- Xớn xác là vĩnh viễn không thể siêu sinh!




- Đối tượng của con ra sao?




Diêm Vương nở nụ cười, ngay lập tức sau lưng của IX8 hiện lên một hình ảnh lơ lửng giữa không trung. Cô xoay người lại nhìn. Đó là một bức ảnh của một chàng trai có gương mặt trẻ trung, ưa nhìn nhưng đôi mắt lại ủ dột, không hồn.




IX8 thắc mắc:




- Đối tượng của con tên gì?




- Hạnh! Lê Văn Hạnh!
 
CHƯƠNG 2: CÓ MỘT CHÀNG TRAI BỊ TAI NẠN BẤT NGỜ




Tôi tên Hạnh.




Nếu hỏi tôi "hôm nay là ngày trời đẹp đúng không?" thì thiệt khó trả lời quá. Đúng là riêng ngày hôm nay trời bỗng trong xanh thật, nhưng trong mấy ngày gần đây thành phố đã ở vào tình trạng ô nhiễm nặng. Những hạt bụi mịn chết chóc vô tư nhảy múa trước mắt người đi đường, thản nhiên chui tọt vào người họ (dĩ nhiên có cả tôi trong số đó) qua đường mũi khiến tôi sởn tóc gáy.




Ở trên đời có những nguy hiểm có thể thấy trước để mà tránh, như ô nhiễm không khí chẳng hạn, cũng có những nguy hiểm thấy trước cũng tránh không được như ung thư. Nhưng có đôi lúc người ta thấy trước, tránh trước được nhưng lại bận lo cho những vấn đề "cao cấp" hơn. Lạ ghê!




Lúc trí óc đang bơi lội trên những dòng suy nghĩ này cũng là lúc tôi đạp xe đường, nhìn gió đoán mây.




Đèn đỏ bật sáng, tôi và hàng dài người dừng lại. Trong khoảnh khắc thoáng qua khi ngoái nhìn bất chợt, một hình ảnh đã chạm nhẹ vào trái tim tôi.




Nhưng chưa kịp vun vén cảm xúc cho tròn đầy, tôi nghe tiếng la thất thanh đầy hoảng sợ của đám đông, tiếng sắt vụn va vào nhau đinh tai buốt óc. Và tiếp theo, tôi biết mình bị văng lên trời theo đúng nghĩa đen. Tôi không biết mình đã tiếp đất ra sao vì khi đó, trước mắt tôi đã là một màu đen như mực.




Coi bộ, ở đoạn trên tôi còn thiếu một điều: Có những nguy hiểm không thể thấy cũng không thể tránh. Người ta nói gọn bằng bốn chữ: Tai nạn chết người.
 
CHƯƠNG 3: CÓ MỘT NỮ CẢNH SÁT THÔNG MINH VÀ MỘT CÔ BẠN NGÁN NGẨM VÌ ĐIỀU ĐÓ




Tôi tên là Thủy, một cảnh sát giao thông.




Đúng sáu giờ sáng, người tôi tự động bật dậy mà không cần chuôn báo thức. Sinh ra trong gia đình toàn cảnh sát, thói quen kỉ luật như ngấm sẵn trong máu từ lúc mới sinh.




Đánh răng rửa mặt xong xuôi, tôi mới chợt nhớ đến cô bạn ở cùng nhà nhưng khác phòng của mình nên gọi Zalo cho đỡ tốn.




Đầu dây bên kia réo chuông cỡ năm giây mới có người bắt máy. Tôi vội vàng ra lệnh:




- Dậy lẹ mày! Hôm nay mày nói đi chung với tao vô bệnh viện, nhớ không?




Đầu dây bên kia lèm bèm bằng chất giọng nhừa nhựa, ngáy ngủ:




- Mới sáu giờ sáng, người ta chưa kịp đi toilet mày nhào vô thăm bệnh hả con khùng?




- Tao trừ hao thôi! Mày mà "múa" chắc tới hai giờ là ít! Bữa nay cũng tính là đi làm chứ có phải là đi chơi!




- Rồi! Rồi! Nói hoài điếc con ráy quá! Tao dậy liền! Mệt gì đâu!




Nói xong, Đầu dây bên kia ngắt liên lạc cái rụp làm tôi mất hứng. Cũng may, con bạn tuy cúp máy nhưng vẫn chịu gồng mình thức dậy.




***




Tôi cầm bó hoa còn Hà, nhỏ bạn tôi cầm một hộp sữa và bốn lốc sữa Hà Lan trên tay. Vừa đi trên hành lang bệnh viện, tôi vừa dặn:




- Lát nữa nhớ làm ơn nói những gì cần nói thôi nha! Đừng nhìn tới nhìn lui rồi nói tùm lum à!




Hà nhăn mặt:




- Rồi, rồi! Cùng lắm tao khóa miệng, im như khúc gỗ luôn!




Nói xong Hà bước thiệt lẹ, chắc nó sợ đi chậm, tôi càm ràm hành hạ lỗ tai nó.




Sở dĩ tôi phải cẩn thận dặn trước như vậy vì Hà là đứa con gái khá đặc biệt. Tôi không biết từ "thông minh" có chính xác không nhưng Hà có tài quan sát thật "độc". Nó có thể trộn hai dữ kiện chẳng có tí liên quan với nhau để suy ra dữ kiện thứ ba trong tích tắc. Khổ nỗi suy ra xong, Hà mắc tật ngứa miệng nói huỵch toẹt hết trọi, bất chấp điều đó hơi vô duyên khiến người đối diện muốn độn thổ ngay lập tức.




Thêm nữa, người chúng tôi tới thăm lần này là một trong hai nạn nhân duy nhất còn sống sót sau tai nạn giao thông thảm khốc cách đây bốn tháng. Một tài xế xe tải đã phê ma túy, tông vào người tham gia giao thông đang dừng chờ đèn đỏ làm mười hai người thiệt mạng. Hà là Thiếu Tá công tác tại tổ trọng án mà không ý tứ nói tùm lum thì chết cả đám.




***




Tôi và Hà bước vô phòng bệnh. Giường bệnh của Hạnh, nạn nhân của vụ tai nạn nằm ngoài cùng, giữa những cái giường san sát nhau.




Tôi mỉm cười với Hạnh khi đặt túi đồ ăn lên chiếc tủ kế bên. Hà cũng làm y như tôi nhưng nó còn làm thêm việc nữa: Cố kiềm chế để miệng đừng nói lung tung.




Chàng trai trạc tuổi mười tám với cánh tay trái bó bột cũng liền bỏ chiếc smartphone đang gõ dở gì đó sang một bên, hỏi tôi:




- Bạn của chị đó hả?




Hà tự giới thiệu:




- Ờ, chị là bạn chị Thủy, công tác bên tổ trọng án.




Hạnh hỏi tôi:




- Lấy lời khai lần nữa hả chị?




Hạnh hỏi vậy vì trước đây tôi đã lấy lời khai của cậu một lần.




Hà biết Hạnh hiểu lầm nên xua tay:




- Không phải! Tụi chị tới thăm bệnh bình thường thôi! Không có lấy lời khai gì hết!




Tôi ngó quanh rồi hỏi:




- Ba của em đâu?




Hạnh chưa kịp trả lời, Hà đã thì thầm vào tai tôi:




- Đi mua cam rồi!




Biết nhỏ bạn không kiềm chế được chuyện quan sát, suy luận cộng thêm ngứa miệng, tôi khẽ tặc lưỡi khó chịu.




Lúc này Hạnh mới trả lời:




- Ba em đi ra ngoài mua cam rồi!




Ngay tức thì, Hà nhướn mày nghênh mặt đắc ý còn tôi tức đến ứa gan nhưng cố tình làm ngơ.




Tới lượt Hà hỏi Hạnh:




- Tay em đỡ chưa? Bác sĩ có nói chừng nào ra viện không?




- Đỡ nhiều rồi chị! Bác sĩ nói chắc cỡ tuần sau!




- Vậy cho chị hỏi một câu hơi tế nhị nhe! - Đột nhiên Hà đổi giọng:




- Lúc bị đụng xe, em cảm thấy sao?




Đây là một câu hỏi quá thiếu tế nhị nên tôi liền đạp chân nhắc khéo Hà nhưng nhỏ bạn né được làm tôi đạp xuống nền nhà, đau điếng.




Trái với lo sợ của tôi, Hạnh trả lời rất bình thản:




- Kinh hoàng lắm chị! Em cứ tưởng mình chết rồi!




Sợ Hà xoáy sâu thêm vào tai nạn thảm khốc, tôi vọt miệng chuyển đề tài:




- Em nằm viện chắc buồn lắm hả? Có cái gì chơi không?




- Dạ em viết truyện online trên smartphone! - Mắt Hạnh rạng lên sự thích thú.




- Vậy hả? Em cũng có máu nghệ thuật dữ ha!




Câu góp chuyện bâng quơ của Hà khiến tôi có dự cảm xấu. Sợ nhỏ bạn phun ra những bí ẩn mà chẳng ai ngờ tới bằng cái giọng điệu lừng khừng, tôi vội đứng lên cáo từ:




- Thôi giờ tụi chị kẹt rồi, ghé thăm em chút rồi đi liền! Gửi lời chào tới ba em dùm tụi chị nha!




Hà ngơ ngác:




- Tụi mình có kẹt gì đâu!




Dĩ nhiên Hà không biết gì về cái cớ ất ơ của tôi nhưng khi thấy tôi nháy mắt, bằng sự nhanh trí của mình, Hà hiểu ngay nên đóng kịch theo:




- Ờ, phải qua sở lấy hồ sơ nữa! Thôi tụi chị về luôn nha!




- Dạ!




Chỉ chờ có vậy, hai đứa tôi hấp tấp đi ra cửa.




***




Trên hành lang bệnh viện, lần này là đi theo hướng ngược lại, tôi hỏi Hà:




- Sao mày hỏi thằng nhỏ như vậy? Không sợ phản tác dụng hả?




Hà thở ra:




- Cũng bình thường! Tuýp người như thằng nhỏ đâu phải loại mít ướt đâu! Mà tao thấy nó... kì kì.




- Kì gì?




- Thằng nhỏ đang nói xạo!




Tôi phì cười:




- Xạo cái gi mới được?




- Xạo ở chỗ "em tưởng mình chết rồi!" nhưng chỉ gãy một cái tay!
 
CHƯƠNG 4: CÓ MỘT NỖI ÁM ẢNH VÀO ĐÊM KHUYA




Đêm khuya gió lạnh, lại đẩy một cô gái đã tắt thở, phủ chăn kín băng ca tới nhà xác là trải nghiệm nhuốm mùi kinh dị dù trăng có sáng vằng vặc đi nữa!




Lâm là người đang ở trong hoàn cảnh đó.




Lâm cầu trời khẩn phật cho qua nhanh đoạn hành lang tối, vừa cầu vừa rủa tại sao hồi đó mình lại chọn làm nhân viên canh nhà xác. Cũng may, Lâm cũng dần tới nơi và thấy tim gan phèo phổi của mình vẫn chưa rớt ra ngoài.




Nhưng đúng vào lúc quay mình đóng cửa vì tưởng đã hoàn thành nhiệm vụ, một cảnh tượng dị hợm nhất xảy ra khiến Lâm hét lên đầy hãi hùng. vang dài trong đêm trăng lấp lánh.
 
CHƯƠNG 5: AI ĐÓ ĐỀU CÓ MỘT NỖI CÔ ĐƠN




Tôi tên là Hạnh.




Một tuần trôi qua kể từ khi hai chị cảnh sát tới thăm tôi và bây giờ, tôi cũng đã xuất viện về nhà.




Ba và tôi cùng bước vào phòng của tôi. Tôi và ba ngồi trên giường.




Lặng thinh!




Không hiểu sao từ khi mẹ tôi qua đời, ba và tôi luôn như thế.




Cuối cùng, ba tôi lên tiếng:




- Tuần sau con đi học lại! Ở nhà ráng nghỉ cho khỏe đi!




Tôi không biết tỏ thái độ ra sao trước câu nói ông. Và tôi trả lời một câu chả có gì liên quan bằng cái giọng chán đời nhất có thể:




- Con đã thấy trước tương lai và chính xác bao nhiêu người chết đó ba!




- Đừng nói ba cái thứ tào lao đó nữa, nghe chưa? - Ba tôi đột ngột gầm lên như sư tử bị kẹt trong bẫy thú rồi lao tới nắm lấy cổ áo tôi - Mày... mày mà còn nói nữa thì tao đưa mày vô nhà thương điên liền nghe không con?




Nói xong ông thở dốc. Hơi thở đầy giận dữ kia phà vào mặt tôi như lời cảnh báo của quỷ dữ trước cơn giông.




Dần dần bình tĩnh lại, ba rời tay khỏi cổ áo tôi, quay lưng bước ra cửa bằng đôi chân hậm hực.




Tôi thì vẫn đứng đó với ánh nhìn hờ hững quen thuộc của mình. Lúc sau, tôi chọn đại một quyển sách chưa đọc trên kệ nhưng vô ích, tâm trí tôi đã lỡ thấy đoạn kết mất rồi.




Việc có siêu năng lực thấy trước tương lai phải đánh đổi bằng cảm xúc trải nghiệm. Bạn cần cố gắng làm gì khi biết trước kết quả, phải không?




Vậy là tôi quyết định cầm lấy di động gõ tiếp tiểu thuyết dang dở. Để cho chắc tôi giở nệm lên, lấy ra một quyển vở rồi lấy bút viết. Thời đại này đầy rẫy virus máy tính. Viết trong di động rồi viết lại ra vở. Tuy hơi tốn công nhưng an toàn.




Nhất là khi tôi biết chắc mình đang gặp nguy hiểm. Tôi sẽ bị giết bất cứ lúc nào.




***




Sáng ngày đi học lại, tôi ăn qua loa ổ bánh mì ba tôi mua sẵn trên bàn. Hai người đàn ông cứ thế cắm cúi ăn như hai người thuộc hai thế giới.




***




Tôi ngó trước dòm sau thật thận trọng để bảo đảm mình không bị theo dõi. An tâm hẳn hoi, tôi mới đặt tia nhìn lên tấm bảng ghi "Trường Đại Học Bách Khoa XG" trước mắt, thở dài rồi bước qua cổng.




***




Lúc đầu tôi nộp hồ sơ chọn ngành Biên Kịch nhưng trường không có ngành đó nên tôi lái sang ngành Đạo Diễn. Nhập học một tuần, tôi bị tai nạn, sau đó là bốn tháng dài dẳng trống vắng.




Lướt nhanh giữa sân trường, những cặp mắt tò mò, những tiếng xì xào bàn tán về chàng trai sống sót kì tích trong tai nạn giao thông kinh hoàng xoay mòng mòng quanh tôi như cơn lốc xoáy đen ngòm. Nhưng tôi không thấy lạ, dù gì trước khi hai cô cảnh sát kia đến thăm bệnh, tôi đã tiếp cả chục phóng viên là ít.




***




Tôi đun đầu qua cửa lớp. Chào đón tôi là thằng Danh:




- Hế lô đồng chí! Chức mừng đồng chí vừa thoát khỏi tay tử thần!




Tôi chỉ giả bộ cười nhạt chứ không biết nói gì thêm.




Câu chào của Danh thu hút đám bạn nhưng tụi nó chỉ chợt nhìn tôi thoáng chốc liền quay đi. Không sao, tôi cũng thừa quen nên chẳng lấy gì làm tủi.




Danh đề nghị:




- Có cần tao cho nượn tập chép bài không? Bốn tháng thì bài chất núi rồi đó!




- Thỏi khỏi!




Danh giơ ngón cái tán thưởng:




- Ngon dữ!




- Cảm ơn!




Danh mỉm cười đáp lại.




Danh có cử chỉ đẹp với tôi phần nhiều vì nó là lớp trưởng chứ nó không thân với tôi lắm. Tôi cảm ơn nó cũng chỉ vì phép lịch sự mà thôi.




Không hiểu sao mỗi lần tới lớp, tôi chỉ muốn học một mình. Tôi muốn sống trong thế giới của riêng tôi.




***




Giờ học trên giảng đường ngày hôm đó nhạt nhẽo kinh khủng. Vị giáo sư già liên tục nói về những giải thưởng dành cho dòng phim nghệ thuật của ông cao cả ra sao và luôn kêu gọi đám sinh viên bên dưới phải "sống hết mình vì nghệ thuật". Thậm chí, vị giáo sư không ngần ngại trao cho cậu sinh viên nọ cái nhìn kinh miệt khi cậu nói cậu thích làm phim hài cho vui đời chứ không theo dòng phim nghệ thuật của ông.




Có lẽ quá ngán ngẫm hoặc lạc lõng với bề dày thành tích kia, vài sinh viên đã chủ động xin phép rời giảng đường sau gần mười lăm phút bám trụ, trong đó có tôi.




Nhưng không biết hên hay xui, lúc tôi vừa quay người ra cửa được vài bước, tiếng vị giáo sư đức cao vọng trọng vang lên:




- Cậu kia!




Tôi quay người chỉ vào mặt mình vì không rõ có phải ông gọi tôi không.




- Đúng rồi là cậu đó! - Giáo sư hắng giọng - Tại sao cậu rời lớp vậy, nói cho tôi biết được không?




Cả lớp đều tập trung vào tôi, sợ tôi như sợ một quả bom nổ chậm.




Và tôi trả lời:




- Thầy giảng bài chán quá thầy! Em vô đây học lấy cái nghề chứ đâu cần nghe tiểu sử của thầy.




Sau lời nói của tôi, cả lớp rộ tiếng xì xào còn vị giáo sư nọ giận tím mặt. Ông cố tỏ ra bình tĩnh:




- Sao em dám nói vậy?




Đối với đám bạn sinh viên, đó là câu trách móc. Nhưng với tôi đó là đơn thuần là câu hỏi nên tôi trả lời:




- Vì thầy thực sự giảng không hay! Thầy nổi tiếng lành nghề là thiệt nhưng việc giảng bài cần sự hấp dẫn, giải trí thầy ơi! Hơn nữa đối với em, nghệ thuật hay phim hài gì cũng là phim! Một bên cần tiền, một bên cần tiếng thôi! Hổng có gì cao siêu hết! Việc thầy khinh thường bạn kia làm em không thích lắm!




Tôi tuôn một tràng rồi quay lưng đi, không quan tâm tất cả nghĩ gì. Vì tôi biết sự thật là quan trọng hơn. Nó là cái điều đám bạn tôi dù cộng thêm được mười tuổi nữa cũng không bao giờ dám nói.




Và bây giờ các bạn đã biết vì sao tôi cô đơn chưa?




***




Tôi rời trường nhanh như lúc tôi đến.




Rảo bước qua ngả đường thân quen, tôi ghé vào tiệm cà phê sách nơi tôi làm thêm.




Chào đón tôi là bác chủ quán với khuôn mặt nồng hậu chất phát:




- Con khỏe chưa mà đi làm?




Tôi thú thật:




- Dạ hôm nay con không đi làm mà làm khách hàng được không chú Giang?




Chu Giang cười:




- Được chớ! Được chớ! Ai chứ con thì chú vô tư.




Chắc chú Giang thoải mái với tôi vì tôi cũng quý sách như chú. Thuở ban đầu chú định mở tiệm sách nhưng vợ chú thức thời hơn, định mở quán cà phê. Thế là quán cà phê sách Giang Hương ra đời.




Tình yêu của chú Giang với sách thể hiện rõ ở chỗ chú sẵn sàng sáng tạo thêm bộ phận "Tư Vấn Sách" và tôi là người đầu tiên được chú giao cho nhiệm vụ cao cả đó. Chú tâm niệm đã mở cửa kinh doanh thì khâu nào cũng phải làm trọn vẹn, vậy mới lâu dài. Khách hàng không đến với ta vì giá cả, mà là giá trị dịch vụ của ta!




Tôi hiểu rõ điều đó nên lướt nhanh đầu ngón tay trên những gáy sách. Chọn cuốn "Bí Ẩn Sức Mạnh Siêu Nhiên Và Lời Đáp" của một tác giả Châu Âu, tôi khấp khởi ngồi vào ghế để trải nghiệm cảm giác của khách hàng mê sách thứ thiệt.




Tâm trí tôi bay lượn theo từng lời của tác giả:




"...Thường thì siêu năng lực là một dạng lực hấp dẫn trong vũ trụ. Mọi người dù vô tình hay cố ý đều sở hữu luật hấp dẫn. Và nếu khao khát của người nào đó đủ mạnh, có thể chuyển lực hấp dẫn sang siêu năng lực..."




Tôi thì "khát khao" cái siêu năng lực ngó trước tương lai hồi nào?




Tôi mỉa mai rồi lướt nhanh tới đoạn:




"... Tóm lại, người có siêu năng lực nên chấp nhận nó như một biến cố trong cuộc đời. Có mặt tốt thì dĩ nhiên có mặt xấu. Đừng chạy trốn và hãy làm những việc có ý nghĩa với siêu năng lực của mình!".




Thì tôi bỗng mắc cười. Với siêu năng lực của mình tôi nghĩ mình chỉ biết làm thầy bói thôi!




- Lần đầu tiên em thấy thanh niên vô quán cà phê sách mà đi đọc sách khoa học hàn lâm đó nha! Anh cho em mượn đọc được không?




Giọng nói nhẹ êm cất lên khi tôi đang bơi trong tâm tưởng làm tôi lập tức quay về hiện thực. Ngước mắt nhìn, tôi thấy một cô gái trạc tuổi mình với làn da bánh mật, mái tóc dài đen mượt, gợn xoắn, tỏa dài khắp vai cùng chiếc nón lưỡi trai cùng màu đầy nữ tính.
 
CHƯƠNG 6: CÓ MỘT CHÀNG TRAI VÀ MỘT CÔ GÁI GẶP NHAU




Cô gái đầy nữ tính khiến Hạnh ngẩn ngơ chốc lát rồi chợt sực tỉnh, anh hỏi lại:




- Bộ em cũng có hứng về chuyện siêu năng lực hở?




Cô gái gật đầu:




- Có siêu năng lực vui mà! Ai mà không muốn có siêu năng lực như Người Nhện hay Deadpool?




Thoạt đầu Hạnh tưởng cô gái ngồi trước mặt mình bị nhiễm phim siêu anh hùng. Nhưng nhớ lại mình cũng có siêu năng lực, anh đào sâu câu chuyện bằng cách ướm thử:




- Chưa chắc đâu em! Có siêu năng lực cũng có cái khổ của nó chớ!




- Vậy thì anh hãy nhìn vào ưu điểm, đừng nhìn vào khuyết là được rồi mà!




- Vậy gặp người siêu năng lực, em sẽ làm gì?




Cô gáu đảo mắt suy nghĩ:




- Xin chụp hình ké. Post lên Facebook. Câu like!




Câu trả lời bất ngờ nằm ngoài dự đoán làm Hạnh bật cười nhẹ. Rõ ràng cách nói chuyện duyên dáng. thông minh của cô gái đã thu hút được anh.




Bản nhạc “The One That Got Away” do Brielle Von Hugel cất lên. Thế là anh tìm được đề tài mới:




- Em thích bản này không? Giọng Brielle Von Hugel nghe hay hen!




- Em thích giọng ca một thì thích câu chuyện trong lời ca mười! Nó buồn nhưng rất thực tế!




Tôi cũng hợp ý với em về điểm này.




- Vậy bản “Lady” do Kenny Rogers hát thì sao?




- Buồn thảm quá nên em không thích lắm!




Đúng lúc, chị Vọng phục vụ và cũng là đồng nghiệp của Hạnh đi tới:




- Chào Hạnh, em và bạn gái uống gì?




Câu nói lồ lộ ý chọc ghẹo của chị bất giác khiến Hạnh đỏ mặt. Anh khẽ nhìn trộm cô gái lạ, hơi thất vọng khi cô cười tỉnh rụi:




- Em không phải bạn gái gì đâu chị ơi!




Chị Vọng cười tủm tỉm, tinh quái nói:




- Ờ, vậy thì Hạnh và người không phải bạn gái của Hạnh uống gì?




Hạnh sượng trân nhưng cố làm mặt tỉnh:




- Chị cho em một li cà phê sữa, nhiều sữa ít đường đi chị!




Không đợi Hạnh nhìn, cô gái lạ nói:




- Cho em một li giống ảnh!




Chị Vọng gật đầu. Hạnh để ý trước khi rời đi, chị Vọng để mắt tới cái nón đen của cô bạn gái ngồi đối diện anh, suýt chút phì cười. Nhưng ngược lại, cô gái lạ chẳng chú ý tới điều đó.




Cô gái lạ lặp lại câu hỏi:




- Anh cho em mượn sách hen? Đợi nãy giờ lâu trả lời quá!




Hạnh gật đầu, vui vẻ gập sách lại đưa cho cô gái:




- Đây nè!




Cô gái vui vẻ cảm ơn rồi cắm cúi đọc. Biết ý, Hạnh cũng giữ im lặng cho cô thưởng thức sách.




Lát sau, nước được mang lên cũng là lúc cô gái cất quyển sách vào túi, tiện miệng nói:




- Để em về nhà đọc tiếp.




- Ờ. - Hạnh tranh thủ hỏi ướm thử - Ngoài sách khoa học, em có đọc truyện ngắn, truyện dài hay tiểu thuyết không?




- Có anh! - Cô gái hút nhẹ ngụm cà phê rồi nói tiếp - Em thấy viết truyện cũng là một siêu năng lực đó.




Hạnh thắc mắc:




- Tại sao?




Cô gái đưa ngón tay liệt kê:




- Thì viết truyện là có khả năng tạo ra thế giới nè! Tạo ra nhân vật nè! Điều khiển nhân vật hành động nè! Sắp xếp tình tiết nè! Đó, siêu năng lực còn hơn ông trời nữa mà!




Hạnh chăm chú dùng tai uống từng lời cô gái nói. Qua so sánh thú vị của cô, anh biết cô hiểu rõ về công việc viết lách, về sở thích đặc biệt của anh.




Trước khi gặp người con gái đối diện dù ở nhà hay ở trường, mọi người khi nghe anh nói về ước mơ xuất bản sách của mình, ngoài mặt thì luôn ủng hộ nhưng trong lòng anh biết họ không hào hứng lắm. Nghề viết tiểu thuyết hay nói dân dã là viết truyện nghe nó sáo rỗng, bấp bênh kinh tế quá! Tiểu thuyết gia muốn an tâm viết thì phải có tiền, mà muốn có tiền thì ít nhất phải có tiếng. Tiếng thì phải là tiếng thiệt bền mới mong vói tới hai chữ "ổn định". Cuộc sống vốn khó khăn nên tiền phải luôn đặt lên trên hết. Người đi trước có cách nói rất khéo léo "lấy ngắn nuôi dài" - Tức là ngoài viết truyện ra thì phải làm thêm nhiều nghề khác để bù vào. Khổ nỗi, anh ngoài tài kể chuyện bằng con chữ ra thì những việc khác liên quan đến chữ anh làm đều dở tệ. Thậm chí việc theo nghề đạo diễn đối với Hạnh cũng là quyết định chẳng đặng đừng.




Cho nên chưa cần biết cô gái lạ mặt có theo nghề viết hay không, Hạnh cũng cảm thấy an ủi. Ít ra, cũng có người thấu hiểu công việc của anh.




Mà sự thấu hiểu xưa nay vốn là mảnh đất màu mỡ cho tình yêu đơm hoa kết trái. Con tim ù lì của Hạnh nay đã có chút sức sống trở lại. Và có lẽ, Hạnh đã phải lòng cô gái mất rồi!




Bấy giờ Hạnh mới quyết định hỏi câu mà anh chưa bao giờ nghĩ tới đối với một người lạ mặt:




- Mà nè, em tên gì?




Cô gái mỉm cười:




- Cái này đáng lẽ anh phải hỏi ngay từ đầu mới hợp lí chứ?




Bị cô gái quở khéo, Hạnh bối rối thiệt. Nhưng may cho anh là người bạn đối diện không phải kiểu người giỡn dai, cô gái nói nhẹ như êm:




- Em tên Phúc! Còn anh?




- Anh tên Hạnh!




- Ờ chào anh! Giờ em phải về rồi!




Phúc khiến Hạnh bối rồi lần nữa. Nhưng lần này Phúc khúc khích:




- Giờ em phải về thiệt rồi! Hẹn anh khi nào có duyên sẽ gặp lại.




Thấy Phúc móc tiền, Hạnh liền nói:




- Để anh trả tiền cho!




- Vầy mới hợp lí nhứt nè!




Phúc cười hì hì. Thoạt đầu anh tính tới chào chú Giang một tiếng nhưng sợ không thể đi theo Phúc, anh chỉ để tiền trên bàn, ngoảnh đầu nhìn ông chủ mình rồi cười, sau đó vội sánh vai bên Phúc ra cửa.




Phúc hỏi:




- Bộ anh cũng về luôn hả?




- Ừ! - Hạnh cười.




Hạnh len lén nhìn Phúc. Trong khoảnh khắc tia mắt anh chạm vào làn tóc mượt mà của cô gái bên cạnh, cảm giác hồi hộp xen lẫn ích kỉ bỗng nhảy nhót trong lòng. Chúng khiến tim anh đập thình thịch, thình thịch liên hồi. Anh muốn dùng siêu năng lực trời cho để soi sáng con đường hạnh phúc. Chỉ một lần này thôi! Xin lí trí hãy thấu hiểu trái tim.




Hạnh đưa tay chạm vào vai Phúc.




Nhưng anh khựng lại.




Phúc xoay mắt ra ý hỏi. Trong tích tắc não Hạnh bắt tay làm việc, vờ phủi hạt bụi vô hình trên vai Phúc:




- Vai em dính gì nè! Xong rồi!




May cho Hạnh, Phúc không mảy may nghi ngờ. Khi bước xuống từ bậc tam cấp cuối cùng, Phúc chào từ biệt:




- Thôi em về nghen! Mai mốt có duyên gặp lại hén!




Hạnh nghe câu "có duyên gặp lại" sao mông lung quá đỗi nên anh tiếc hùi hụi vì cuộc nói chuyện ngắn tủn mủn trong quán. Anh cố vớt vát chút thông tin:




- Mà em cỡ tuổi anh, chắc đang học Đại Học hả?




- Dạ em đang học ở trường XG.




Hạnh như không tin vào tai mình, anh hỏi cho chắc:




- Là trường Đại Học XG thiệt hả em?




- Dạ.




Hạnh mừng còn hơn bắt được vàng bốn số chín:




- Anh cũng học ở đó nè! Em học khoa gì?




- Đạo diễn đó anh!




- Lớp nào em? - Hạnh hồi hộp chờ đợi.




- Dạ, KT8.




Hạnh phải cố gắng dữ dội lắm anh mới không để chân mình nhảy lên như một thằng điên. Vì mỗi lần tới lớp anh đều chìm đắm trong thế giới riêng, hậu quả là anh không hề biết Phúc học chung lớp với mình, điều đó khiến anh thấm thía câu "xa tận chân trời, gần ngay trước mắt" hơn bao giờ hết.




Hạnh hít vào, cố tỏ ra bình tĩnh:




- Bạn học chung lớp nè!




- Cái này thì em biết lâu rồi anh!




Câu nói của Phúc khiến anh hụt hứng đôi chút vì cảm thấy hơi quê.




Phúc nói tiếp:




- Ngày nào em cũng thấy anh ngồi lầm lì một chỗ, ít giơ tay phát biểu.




Câu nói y chang lời phê của giáo viên khiến Hạnh quê quá xá. Chưa hết, khi Phúc chớp mắt với chất giọng chọc quê:




- Bữa nay anh còn hổ báo cự lại giáo sư nổi tiếng nữa mà!




Làm Hạnh sượng lơ.




Rồi hình như thấy Hạnh tội quá, Phúc đổi giọng:




- Mà thôi! Em cũng đồng cảm với anh lắm đó. Thầy giảng bù ngủ thiệt. Tới giờ của ổng là em ngáp lên ngáp xuống hoài luôn!




Không biết Phúc nói thiệt hay chỉ an ủi xã giao nhưng Hạnh thở phào, lòng tươi lên từng chút. Hạnh cảm thấy mình và Phúc bắt đầu hợp nhau.




Bấy giờ, Phúc coi đồng hồ:




- Í, em trễ thiệt rồi đó! Em đi về luôn nha! Có gì mai gặp.




Giờ Hạnh biết chắc mình "có duyên gặp lại" Phúc thiệt rồi. Anh muốn níu kéo cuộc nói chuyện thêm chút nữa mà không nghĩ ra đề tài gì thiệt ngắn gọn.




Chợt cái nón đen của Phúc và việc chị Vọng suýt phì cười trong tiệm móc nối nhau làm anh có ý:




- Phúc nè! Cho anh hỏi một câu mà nãy giờ anh hổng dám hỏi. Sao em đội nón suốt từ đầu buổi tới giờ vậy?




Câu từ vừa chạy hết ra khỏi miệng, Phúc tự nhiên thấy mình hỏi ngu ghê gớm. Có thể Phúc bị chứng bệnh nào đó liên quan đến tóc khiến cho cô bạn ngại không muốn bỏ xuống cũng nên.




- Em không chịu được tia sáng mặt trời chiếu xuống đỉnh đầu mình. Em mà bỏ nón xuống lâu quá là em sẽ chết liền. - Phúc bỗng đổi giọng, mặt nghiêm nghị, u ám khác thường. Trong thoáng chốc, Hạnh đã nổi da gà.




Anh lắp bắp:




- Em... em nói thiệt hả?




- Thiệt!




Hạnh nuốt nước miếng, lưỡi khô không khốc:




- Tại sao vậy em?




Phúc đưa ngón trỏ lên môi, làm dấu im lặng:




- Bí mật! Đó là chuyện của em!




Ánh mắt sắc sảo rực lên dưới ánh nắng chiều đi kèm cái mỉm cười không rõ đang vui thích hay cảnh báo nguy hểm cần kề của Phúc khiến Hạnh hoang mang lạ kì. Đến nỗi Hạnh chỉ lẳng lặng gật đầu chứ không thể cất tiếng.




Nhưng Hạnh chỉ hoang mang tí chút bởi câu nói kế tiếp của Phúc khiến lòng anh rộn rã:




- Để "bắt đền" cho cái bí mật của em, ngày mai em sẽ mời anh uống nước!




Phúc nói xong vẫy tay đi mất. Nhìn theo dáng cô gái xa dần, tâm hồn Hạnh như nắng hạn gặp mưa rào, tươi lên sau tháng ngày úa héo, bơ vơ.




Anh tận hưởng cơn mưa tình yêu đó từng chút và chợt bật cười vì phát hiện ra tên anh và tên cô bạn cùng lớp nếu ghép lại sẽ khiến cho hàng triệu người cô đơn trên thế giới phải ghen tị biết nhường nào!




Và niềm vui chợt đứt quãng khi Hạnh nhìn lại lòng bàn tay đã chạm vào vai Phúc, phân vân.




Lúc đó anh chỉ thấy một làn sương trắng mờ mờ ảo ảo giữa một màn đêm tối tù mù. Hay nói rõ ra: Hạnh chẳng nhìn thấy gì hết!
 
CHƯƠNG 7: NGHI NGỜ VÀ TÌM HIỂU




Tôi là Thủy.




Hiện tại tôi và Hà đang chở nhau trên chiếc xe của tôi, tìm đến nhà người tài xế đã gây tai nạn.




Hà cầm tay lái, hỏi tỉnh rụi:




- Ê rẽ trái vô cái đường kia đúng không mạy?




- Ờ đúng đó!




Và hai phút sau, Hà rẽ phải ngay tức thì!




Tôi nói trong cơn điên:




- Thôi để tao lái cho con quỷ!




Hà lật đật xuống xe, đổi chỗ nhưng vẫn phớt tỉnh:




- Tại mày làm biếng chứ không phải tại tao à nha!




Cái này tôi thừa nhận con nhỏ nói đúng. Lúc sáng khi khởi hành, tôi với đống giấy tờ, báo cáo phải giải quyết ngày hôm trước khiến cho cơn lười của tôi mặc sức hoành hành, bất chấp tôi biết con nhỏ bạn tôi là đứa mù đường có đẳng cấp. Hà mà đứng trước mặt Zoro, một nhân vật trong truyện tranh One Piece, chàng kiếm sĩ mù đường sẽ tôn Hà lên làm bà nội, lòng tự hào vô bờ bến.




Với lại, tôi cũng muốn tới nhà của tài xế cho nhanh và Hà cũng có vẻ sốt sắng hơn thường lệ, điều đó làm tôi thắc mắc.




Tôi hỏi Hà sau khi chỗ đã đổi và xe đã chạy:




- Sao mày siêng đột xuất với cái vụ này dữ vậy? Mấy vụ trọng án của mày mấy đợt trước, đâu thấy mày hăng vậy đâu.




- Thằng nhóc tao với mày gặp tháng trước khiến tao thấy lạ. Nó có tí tuổi mà biết giấu giấu diếm diếm Cảnh Sát. Tao thấy nó cũng ngon lắm á!




Tôi nhếch mép:




- Mày còn để bụng chuyện đụng xe mà chỉ có một tay gãy hả?




- Mày không thấy thằng nhóc may mắn theo cách khó hiểu hay sao?




Ngẫm kĩ lại thì đúng như lời Hà nói nhưng tôi đành chép miệng nói bâng quơ vì không đào được giải thích nào hợp lí:




- Biết đâu thằng nhỏ cao số thì sao?




- Ờ. - Hà nhún vai kèm theo cái bĩu môi - Nói cho cùng thì thằng nhóc cũng không phải dạng vừa. Nó làm tao khoái khoái rồi đó.




Tới lượt tôi bĩu môi:




- Tao thì thấy mày giống con điên. Chuyện tai nạn chết chóc tùm lum mà còn khoái chí. Cũng may mấy sếp và mấy ông nhà báo không để ý tới mày, nếu không mày bị ra khỏi ngành từ khuya!




- Chuyện của người thông minh thì mày không hiểu đâu Thủy. Tò mò giúp đầu óc tao phát triển. Nếu không có tính nhiều chuyện, chắc tao không làm Cảnh Sát.




Tụi tôi còn nói chuyện phiếm thêm hai tiếng đồng hồ nữa mới tới được nơi cần tới. Đó là huyện nằm ngoại ô thành phố. Một huyện nghèo.




Tôi lướt xe qua những khoảnh đường trồi sụt đất cát thất thường, nhỏ hẹp tới bất ngờ. Thú thiệt nếu tôi không thuộc dạng vững tay lái, tụi tôi đã cà mặt xuống đường từ đời tám hoánh.




Tụi tôi bắt buộc phải dẫn xe cuốc bộ thêm hai chục bước chân nữa vô hẻm để tới đúng địa chỉ. Con đường đầy rẫy ổ gà đã cướp mất những giọt dũng khi cuối cùng của hai đứa.




Tôi hỏi Hà trong khi lê những bước chân chậm rì chậm rịch:




- Mày định đóng vai gì lúc gặp người ta?




Tôi hỏi vậy một là vì thông thường, lấy thân phận khác thì dễ khai thác thông tin hơn bởi ai nấy đều có cảm giác dè chừng nhất định với người thi hành luật pháp. Hai là vì tài diễn xuất của nhỏ bạn tôi có thể sáng ngang với khả năng suy luận vấn đề nhanh như điện xẹt của nó.




Hà không biết nó đang được tôi thừa nhận tài năng trong đầu. Nó chỉ dùng ngón cái xoa xoa cánh mũi, mỉm cười trả lời:




- Nhìn bộ mặt bờ phờ hốc hác, quần áo lấm lem ngặt nghèo của tụi mình hiện giờ thì tao thấy đóng vai tiểu thư đài các vì gia đình làm ăn thua nên đến nơi xa xôi thuê nhà rồi cần bà con ở đây tư vấn là hợp lí.




Đó là một ý kiến tuyệt vời nên tôi ủng hộ hết mình.




Cuối cùng bọn tôi dừng trước căn nhà có tấm bảng đề "BÁN NHÀ!" lớn thiệt lớn đập thẳng vào mắt tụi tôi. Nhưng theo đúng "kịch bản" của Hà, tụi tôi đi tới căn nhà kế bên, nơi có người phụ nữ độ chừng bốn mươi, năm mươi tuổi đang quét rác trước nhà.




Hà mau mắn hỏi:




- Bác ơi cho con hỏi, nhà kế bên sống có tốt tính không bác




Người phụ nữ thăm dò:




- Hai cô là...




Hà gãi đầu, làm ra vẻ quên mất đoạn giới thiệu bản thân:




- Dạ hai đứa con từ trên thành phố xuống, tính mua căn nhà này nè! - Hà chỉ tay về phía căn nhà của người tài xế gây tai nạn. Khúc này thì nó diễn mà như không diễn khiến tôi phục nó sát đất!




Hà nói tiếp:




- Giá thì rẻ thiệt đó mà nghe nói người thân của chủ nhà làm tài xế lái xe đụng chết người, đăng um sùm trên báo. Tụi con sợ chủ nhà cũng thuộc dạng ba phải, lừa đảo nên đi vòng vòng hỏi hàng xóm cho chắc đó bác!




Hà vừa nói vừa làm cái mặt rầu rầu, lo lo khiến tôi mắc cười quá mà phải cố nín để khỏi hư chuyện.




Người phụ nữ lúc này mới gật gù:




- À chuyện của thằng Hựng chứ gì?




Hà liền gật đầu. Hựng là tên của tài xế đã gây ra tai nạn.




Người phụ nữ nói luôn:




- Nếu mấy cô hỏi về vợ và hai đứa con gái của thằng Hựng thì mấy cô yên tâm đi. Cả nhà tụi nó ai cũng hiền lành tốt tính hết á! Kể cả thằng Hựng nữa!




Hà giả bộ hỏi vặn:




- Người tốt tính sao lại đi hút ma túy rồi làm chết người hả cô?




Người phụ nữ có vẻ khó xử, bà nhìn lên những đám mây như tìm kiếm câu trả lời. Nhưng tìm hoài không ra, bà đành đáp bằng cách nghĩ của mình một cách chậm rãi:




- Dĩ nhiên việc dùng ma túy là sai rồi mấy cô. Nhưng tôi nghe thằng Hựng từng nói, nghề vận tải của nó phải chạy thâu đêm suốt sáng, nếu không xài ma túy nó không tài nào tỉnh được. Nó và đám bạn đồng nghiệp của nó cũng vậy. Tôi nghe xong không biết nói sao nữa! Nhưng ít nhất trước lúc có chuyện, cả nhà thằng Hựng đều đối tốt với hàng xóm là thiệt.




Có lẽ câu nói của người hàng xóm bất ngờ kéo bầu không khí trầm xuống nên Hà vội đánh câu chuyện sang hướng khác:




- Vậy hai cô con gái của anh tài xế đều lớn hết rồi hả bác?




- Đứa lớn đi làm rồi, còn đứa út hình như năm nay vô Đại Học! - Người phụ nữ trầm tư trả lời, quên khuấy câu chuyện đang đi hơi xa lĩnh vực mua nhà bán cửa.




Lần nữa, Hà vờ trầm tư:




- Chắc anh tài xế cũng là người cha tốt hả bác?




- Đúng rồi!




- Vậy anh tài xế có đứa con trai nào thất lạc không bác?




Người phụ nữ ngạc nhiên:




- Sao cô hỏi vậy?




Hà liền xua tay:




- Không có gì! Chắc tại con coi phim Hàn nhiều quá nên bị liệu. Hì hì.




Rõ ràng người phụ nữ không hài lòng cái lí do đó tí xíu nào hết. Hà cũng đánh hơi ra được là mình có nguy cơ bị lộ tẩy nên vừa vội kéo tay tôi, vừa nói với người hàng xóm:




- Biết vậy tụi con cũng an tâm rồi! Thôi tụi con về trước nghe bác.




- Í mà khoan - Lúc tụi tôi quay lưng thì người phụ nữ bỗng lên tiếng - Hình như có một người con trai từng tới hỏi tôi y chang mấy cô!




Hà lập tức quay người lại. Nhìn vào tia hi vọng rực lên trong đôi mắt nhỏ bạn, tôi đoan đây mới là thông tin hữu ích nhất trong chuyến đi này đối với nó.




Hà hỏi:




- Người con trai đó tên gì bác?




- Tôi không biết. Nhưng nó chỉ là thằng nhóc khoảng mười tám, mười chín tuổi thôi hà! Mặt trái xoan, mũi cao, mặt trái xoan, da trắng nữa!




Nghe tới đây thì tới lượt tôi bất ngờ thật sự.




Hà mặc kệ tôi đứng như trời trồng và hỏi tiếp:




- Thằng nhóc hay hỏi câu gì nhất bác?




- Tôi không có để ý. Nhưng nó hỏi cái câu gì mà hồi nãy tôi nghe quen lắm nè!




- Câu gì bác? - Tới lượt tôi là người sốt ruột.




- Hình như là câu gì đó na ná của cô này tôi mới sực nhớ ra đó chớ! - Người phụ nữ hướng mắt về phía Hà.




Và trong tích tắc sau, bà trả lời:




- Đúng rồi, là câu "Tài xế có phải là người cha tốt không?".
 
CHƯƠNG 8: ĐÈ NÉN




Tôi tên Hạnh.




Tôi bắt đầu một ngày mới như bao ngày hôm qua.




Ba tôi ngồi một đầu, tôi ngồi một đầu, hai chiếc muỗng đung đưa theo nhịp riêng.




Giọng bố vọng ra từ chỗ hư không:




- Ba có nghe con cãi lại thầy giáo trong giờ học?




Tôi nhẹ nhàng ngưng muỗng, nuốt hết thức ăn, trả lời bằng giọng hết sức lịch sự:




- Đó không phải là "cãi". Mọi người đều được quyền tự do ý kiến, đúng không ba?




Ba tôi im lặng.




Nhịp điệu khua muỗng lại tiếp tục. Thời gian cứ trôi qua.




Sau một lúc, ba tôi cất tiếng, mặc dù tôi không rõ ông đang nói với ai:




- Ổng là một giáo sư và ông ta nổi tiếng trên mạng.




***




Trên đường tới trường tôi biết chắc mình đã bị theo dõi. Tôi đi được vài bước rồi ngoái nhìn lại.




Không có ai cả.




Tôi không đi nhanh vì nhanh chậm cơ bản là vô nghĩa.




***




Lên xe buýt, tôi vẫn cảm thấy "nó" ngay sau lưng nhưng vô hình.




***




Khi đặt chân qua cửa lớp, mọi lo lắng của tôi tan biến hết. Bởi giờ đây cuộc sống của tôi mới bắt đầu.




Tôi ngồi vào chỗ, ngó quanh để tìm chỗ của Phúc. Bấy giờ "vùng quan tâm" của tôi trong lớp đã rộng hơn. Trước giờ chỉ có cái bàn hoặc cuốn tập luôn nằm trong tầm quan sát của tôi.




Phúc đã xuất hiện. Phúc mỉm cười chào tôi bằng mắt. Điều đó khiến tôi vui sướng. Phúc tới gần và ngồi vào chỗ. Thì ra em chỉ cách tôi một cái ngoái đầu.




Phúc hỏi tôi:




- Lát nữa học xong, anh định đi đâu?




Tôi ngớ người?




- Hả?




Tích tắc, tôi liền sực nhớ ra lời hứa "bắt đền" mà Phúc nói ngày hôm qua khi tôi lỡ miệng hỏi tới cái nón của em. Hôm nay, chắc do ở trong lớp, nên Phúc không đội nón nhưng tôi vẫn thấy em đẹp lạ lùng.




Tôi cố nghĩ cho ra một quan cà cà phê thật ngon mà lại giản dị. Tôi chớp mắt:




- Quán Cây Sứ đi!




***




Quán Cây Sứ thiệt ra hổng có cây Sứ nào. Mà nó cũng không phải là quán cà phê. Nó chỉ là quán nước mía ven đường với dòng chữ "Quán Cây Sứ" rõ rành rành được in trên tấm biển quảng cáo. Tôi nghĩ chủ quán lấy đại tấm biển quảng cáo đó rồi tự ý dán lên xe nước mía của mình cho nó ngầu mà thôi.




Tôi buộc phải chọn Quán Cây Sứ vì thứ nhất nó ở gần trường. Thứ hai, đồng lương làm thêm ít ỏi từ việc tư vấn sách không cho phép tôi bước chân vào những chỗ sang hơn.




Bọn tôi gọi hai li nước mía. Trong khi chờ đợi, Phúc lấy từ trong cặp ra quyển sách đã mượn của tôi, nói:




- Trả anh nè!




Tôi ngạc nhiên:




- Em đọc hết rồi hả?




Phúc gật đầu:




- Sách dạng này em đọc loáng cái là xong!




Rồi Phúc hỏi tôi:




- Sao anh lại chọn học khoa Điện Ảnh ngộ vậy? Em nhớ là anh nói thích viết truyện mà ta? Phim với truyện chữ hình như có tí lệch pha nhau hen.




Không biết có phải do vô tình hay không mà câu nói của Phúc như viên đạn sượt qua tim tôi. Tôi cụp mắt xuống, nói bâng quơ:




- Lệch pha nhưng cũng có liên quan vậy em.




Đúng lúc đó, hai li nước mía được mang ra. Tôi giấu sự bối rối bằng cách hút một hơi dài. Phúc chống tay lên má, tay kia khuấy ống hút đều đều.




Vừa khuấy, Phúc vừa nói:




- Nè, em hỏi câu này nha! Anh học vì bị gia đình ép đúng không?




Thêm lần nữa, Phúc đi thẳng vào tim đen của tôi. Quả thật tôi vào Đại Học do một phần sức ép đến từ ba tôi.




Nhưng không để tôi nghĩ ngợi lâu, Phúc lên tiếng:




- Em cũng giống anh!




Nói xong, Phúc chạm môi vào ống hút rồi hướng mắt lên những đám mây trôi lãng đãng trên bầu trời. Em nói, giọng gần như tâm sự:




- Để nhìn thấy bầu trời này lần nữa, em bị bắt phải theo ngành Đạo Diễn để theo nghề ba em.




Một nốt trầm được ngân lên, không khí trôi lặng lẽ đầy cô đơn. Giữa những khoảnh lặng, tôi bỗng cảm thấy mình và Phúc có sự đồng điệu vô cùng. Chúng tôi thuộc về thế giới của nhau.




Dẫu biết vậy nhưng tôi không muốn bầu không khí này kéo dài. Tôi pha trò:




- Hai đứa mình thiệt đồng cảnh ngộ. Liệu trời xanh có thấu không ta?




Cả hai đứa tôi cùng bật cười tủm tỉm. Tôi với Phúc dù không hẹn trước nhưng ai nẫy đều nhìn lên bầu trời lãng đãng mây mờ bằng nỗi niềm riêng khó tả thành lời.




Cặp mắt tôi rời những đám mây để đậu lên gò má hồng của Phúc.




Trong chốc lát, tôi bỗng hóa si mê.




Si mê chỉ thị cho bàn tay tôi tiến gần hơn tới tay em với con tim hồi hộp. Nhưng Phúc bất chợt quay lại làm tôi giật mình. Rồi em nói:




- Í! Em nghĩ ra cái này hay lắm nè!




Tôi hỏi:




- Cái gì em?




- Tối nay anh rảnh không? Khoảng mười, mười một giờ gì đó? - Em trả lời tôi bằng một câu hỏi khác.




- Rảnh. - Tôi trả lời và bụng thắc mắc không biết em định làm gì.




Từ từ anh biết. Hì hì! Nói chung anh đưa số điện thoại cho em, tới giờ em gọi cho! - Phúc cười mỉm, làm ra vẻ bí mật, tay của em không quên chỉnh lại chiếc nón màu đen quen thuộc.




Thái độ của Phúc khiến tôi nửa hứng thú nửa tò mò. Chúng tôi trao đổi số điện thoại cho nhau.




Lúc Phúc uống hết giọt nước mía cuối cùng cũng là khi tôi lấy bóp ra trả tiền. Nhưng vừa sờ tay vào túi, tôi như chết cứng tại chỗ: Tôi đã quên mang theo tiền.




Tôi ngượng tới nỗi không dám nhìn Phúc. Và Phúc là một cô gái khá tinh tế. Em đọc được sự ngượng ngùng của tôi, em khẽ luồng tay dưới bàn để bí mật đưa cho tôi năm ngàn. Hành động tính ý và có chút vị tha đó cùng ánh mắt long lanh, trong lành tựa sương sớm của em khiến tôi nhanh chóng quyết định: Phúc sẽ là cô dâu của đời mình.




***




Chiều xuống.




Rồi nhanh chóng tới buổi đêm.




Tôi nằm chờ điện thoại của Phúc với tâm trạng hồi hộp, tò mò lẫn háo hức.




Điện thoại cuối cùng reo chuông vào lúc mười giờ tối. Tôi nhận cuộc gọi tức thì:




- A lô!




- A lô! Anh sẵn sàng nghe tên địa điểm đi chơi tiếp theo của hai đứa mình chưa?




Câu nói của em thật dễ thương. Dễ thương nhất là ba chữ "hai đứa mình" ngọt lịm khiến tâm trí tôi tràn ngập mộng tưởng tương lai.




Tôi cố giữ bình tĩnh:




- Ở đâu em?




- Trường của mình đó!




Tôi tưởng mình nghe lộn nên hỏi lại:




- Trường mình hả em? Làm gì ở đó?




- Bí mật! Anh cứ tới đi, nhớ mặc quần áo toàn đen nhe, vui lắm! Em cúp máy á!




***




Vì Phúc tôi sẵn lòng tới trường dù thiệt lòng không biết tới đó vào đêm hôm khuya lơ khuya lắc như vầy có gì "vui".




Tôi mặc đồ toàn đen như Phúc dặn, đứng trước cổng trường chờ đợi. Từ xưa tới nay, dường như đàn ông luôn là người phải trông ngóng phụ nữ nơi điểm hẹn. Tôi cũng không ngoại lệ. Tôi đứng trước cổng trường vừa lén lút đi qua đi lại vừa khổ sở xua bầy muỗi dữ đi nơi khác.




Tôi chịu hết nổi, định nhấn nút gọi cho Phúc thì em xuất hiện. Em diện trang phục đen như tôi, đội thêm chiếc nón màu đen nữa nhưng không hiểu sao, tôi vẫn bị thu hút bởi đôi mắt của Phúc trong đêm. Nó trong trẻo, lúng láy đầy nét tinh nghịch của tuổi mười tám.




Cô gái có đôi mắt trong trẻo nói với tôi:




- Anh chờ em lâu chưa?




Tôi xua tan bầy muỗi, những cơn nhức mỏi của đôi chân trong tâm trí để lời nói dối của mình thêm trơn tru:




- Ờ anh mới tới thôi hà em!




Phúc gật gật đầu:




- Anh sẵn sàng cho tiết mục thú vị nhất tối nay chưa?




Tôi gật đầu đại vì tôi chờ mong muốn biết cái "điều thú vị" mà Phúc sắp nói là gì.




Phúc trả lời tôi bằng cách tới gần, dí môi kề tai tôi. Hành động bất ngờ đó khiến tôi bối rối đến đỏ mặt, may là Phúc không nhận ra. Em thủ thỉ vào tai tôi từng lời rành mach. Nghe xong, chính tôi lại hoang mang, không hiểu em kêu tôi làm vậy để làm gì.




Tôi hỏi Phúc trong nghi ngờ:




- Em chắc không? Lỡ bác bảo vệ thức dậy nửa chừng thì sao?




Phúc nheo mắt:




- Anh yên tâm, ở tư thế như vậy thì em bảo đảm không sao! Với lại anh nhìn đi, bảo vệ đang xỉn bí tỉ, ngáy khò khò kia kìa!




Tôi nhìn theo hướng chỉ tay của Phúc. Đúng là bác bảo vệ ngáy khò khò nhưng tôi vẫn thắc mắc:




- Sao em biết bác bảo vệ xỉn rồi?




- Thì hồi chiều em thấy chú la cà bên quán rượu cô Tư Nhơn ăn mừng nghị định 100 của luật giao thông mà!




Tôi không biết em nói thiệt hay nói giỡn nhưng em làm tôi phì cười hinh hích. Thôi thì tôi đành làm theo lời Phúc: Phúc và tôi đứng cạnh nhau, đứng xa cổng trường một khoảng nhất định, cùng xoay người về bên phải, đồng loạt chỉ ngón tay lên bảng tên trường, cùng hô to (mặc dù khi quyết định hô to như vậy, nội tâm tôi cũng từng giằng xé ghê gớm lắm!):




- Phu dất! Độc hại!




Khi hô to như vậy, tôi chưa biết bác bảo vệ trường có nghe thấy hay không, những người đi đường nhìn chúng tôi ra sao. Chỉ biết là khi vừa làm vậy xong, cả hai đứa chúng tôi cùng nhìn nhau, bật cười, lòng đầy nhẹ nhõm. Bao nhiêu phiền muộn hay uất ức đều theo tiếng hô bay vào hư vô.




Chỉ tiếc là khi chúng tôi định lặp lại điều đó thì bác bảo vệ đã tỉnh giấc. Dù bác tỉnh một cách lơ tơ mơ thì vẫn đủ sức đi ra khỏi chốt và quát chúng tôi thiệt lớn.




Nhưng do đã sẵn sàng tư thế chạy từ trước, cùng bộ quần áo trùng màu với bóng đêm và một bầu trời không ánh trăng chiếu rọi, chúng tôi đã kịp tẩu thoát thật xa khỏi vùng nguy hiểm.




Lúc cất những bước chân đầu tiên, Phúc đã nắm lấy bàn tay tôi (và dĩ nhiên một lần nữa, má tôi lại ửng lên sắc đỏ). Hai đứa tôi vừa chạy trên vỉa hè vừa cười rất sảng khoái. Nếu ai đó vô tình nhìn thấy chúng tôi, bảo đảm họ nghĩ chúng tôi là bọn điên. Nhưng nghĩ kĩ thì đâu có sao. Dù gì thì chúng tôi cũng điên thiệt mà!




Thà điên rồ một lần mà nhẹ nhõm còn hơn ôm uất ức suốt đời!




Một khi đã chắc hơn hai trăm phần trăm sự thật là chúng tôi đã bỏ xa ngôi trường, chúng tôi mới dần đi chậm rồi dừng lại để thở dù hai bàn tay không hề tách rời.




Sau đó, chúng tôi dạo từng bước ngắn dưới trời đêm. Lẳng lặng đi bên tôi thỉnh thoảng Phúc còn co chân lên nhảy lò cò như một đứa trẻ làm tôi thích thú.




Trong hoàn cảnh này thì trên phim, thông thường thì chàng trai sẽ nói những lời mùi mẫn để chiếm cảm tình của cô gái nhưng tôi thì khác. Những lời nói sến sẩm, những lời tán hươu tán vượn ngập tính triết lí như sao y khuôn từ một quyển tiểu thuyết tình cảm Trung Quốc nào đó được chiếu nhan nhản trên truyền hình luôn làm tôi mắc cười đến đau cả đầu. Tại sao các nhà làm phim luôn mặc định tính triết lí ở lời thoại trong tình yêu mới là sức mạnh? Khi năng lực diễn thoại của diễn viên không thể đáp ứng, lời thoại đó chỉ đáng vứt sọt rác mà thôi!




Tôi không phải là diễn viên. Tôi chỉ là kẻ si tình trong im lặng nên chỉ muốn nhìn em lâu hơn một chút. Khi nào em hỏi, tôi sẽ thành thật trả lời.




Và trong lúc nhìn những làn gió tinh nghịch giỡn hớt trên mái tóc em, tôi bất giác hỏi trong cơn mê mẩn:




- Vậy là sau hai lần hẹn hò, em chính thức trở thành bạn gái của anh rồi hén?




Lời nói vừa trồi hết ra khỏi miệng, tôi liền phát hiện mình vừa nói những lời của một thằng ngu! Ngu ở cách dùng từ "hẹn hò" và cái thái độ trịch thượng của câu nói. Quả thực là chúng tôi đã đi uống nước nhưng quyền quyết định đó có phải là "hẹn hò" hay không đâu phải do tôi! Đó là cách dùng từ vô duyên kinh khủng. Nếu Phúc bắt bẽ, tôi sẽ trở thành thằng con trai cục súc nhất hệ mặt trời.




Trong khi lòng tôi rối như tơ vò thì Phúc khoảnh mặt nhìn tôi, mỉm cười gật đầu.




Đó thấy chưa? Phúc đâu cần nói một lời nào cũng khiến tim tôi vui sướng, đúng không?
 
CHƯƠNG 9: CHƠI VƠI




Tôi là Phúc. Hay chính xác hơn, tôi là IX8 trong thể xác của Phúc.




Lúc tôi mở cửa bước vào căn hộ thì mẹ của Phúc, bà Loan đã ngồi đợi tôi ở chiếc bàn trong phòng khách, nét mặt bà vô cùng lo lắng.




Thấy tôi, bà liền hỏi:




- Sao con đi chơi giờ này mới về vậy?




Tôi trả lời, có chút hối lỗi vì thật sự tôi về trễ hơn ba mươi phút so với khoảng thời gian dự kiến mà tôi nói với bà trước khi rời nhà:




- Dạ, tại hai đứa con chơi vui quá nên quên coi giờ...




Tôi nói thật và "dạ" rất lễ phép vì theo từ điển loài người, "thành thật" và "lễ phép" là hai thứ đức tính hữu hiệu nhất con cái dùng để chinh phục cha mẹ.




Hơn nữa mẹ của Phúc là một người mẹ hiền hậu. Và tôi đã làm đúng. Bà chỉ thở phào rồi nhẹ nhàng nói:




- Thôi con vô đi ngủ đi!




- Dạ!




Tôi vừa dứt lời thì chị hai của tôi, tên Mẫn, bước ra từ nhà vệ sinh, nhìn tôi với ánh mắt dò xét.




Tôi đi lướt qua Mẫn, vào phòng của mình rồi đóng cửa lại. Nhưng với năng lực thần chết của mình, tôi vẫn nghe rõ mồn một những câu đối đáp giữa Mẫn và mẹ của cổ.




Mẫn nói với mẹ, giọng khó chịu:




- Tại sao mẹ dễ tính với con Phúc dữ vậy?




Giọng bà Loan ôn tồn:




- Tại em con vừa mới sống lại, đừng có khó với em con quá!




Mẫn rầu rĩ:




- Con thấy nó chết thiệt rồi! Nó sống lại mà nó đâu còn là nó nữa đâu.




- Kệ! Nó sống lại là mừng rồi con! Mấy chuyện khác từ từ tính sau.




Mẫn nói đúng. Thật ra Phúc đã chết rồi và tôi chỉ mượn xác Phúc để thực hiện nhiệm vụ được giao mà thôi.




***




Tôi nhớ lại lúc mình vừa nhập hồn vào xác của Phúc thì liền khiến cho nhân viên trực nhà xác hoảng sợ gần như sắp phát điên. Và dĩ nhiên tôi nghĩ cách tốt nhất là giả điên, giả bộ không biết chuyện gì đang xảy ra, như Phúc vừa sống lại như một kì tích nào đó, như vậy sẽ không sơ hở.




Sau khi nhân viên trực nhà xác chạy đi báo động cho bác sĩ thì hàng loạt kiểm tra, hay chính xác hơn là phỏng vấn thân thế xem tôi có biết mình là ai không.




Về mặt "trí nhớ", tôi rất "biết ơn" nữ Diêm Vương vì chỉ cung cấp cho tôi tên, tuổi của người chết. Còn mọi thứ thông tin khác tôi đều mù tịt. Nhờ vậy tôi có thể đóng vai người mất trí một cách xuất thần.




Nói vậy không có nghĩa là tôi lúc nào cũng làm bộ làm tịch được. Lúc bà Loan đón tôi về nhà, thái độ dè chừng đầy xa cách của Mẫn khiến tôi không biết ứng xử sao cho đúng phép tắc ở dương gian, nhất là khi một tí kí ức của Phúc khi còn sống tôi cũng không có.




Tôi lên dương gian tính tới nay đã được bốn tháng. Trong bốn tháng dài đăng đẳng, bước đầu tiên tôi thực hiện là tiếp cận Hạnh và khiến cậu ta có cảm tình với mình.




Nhiệm vụ này dễ hơn tôi tưởng. Để một tâm hồn cô đơn lâu ngày chịu mở lòng, trước tiên chính tôi phải biến mình thành kẻ cô đơn nhằm kiếm tìm sợi dây gắn kết mang tên đồng cảm.




Theo từ điển của âm gian, đồng cảm chia làm hai loại: "Đồng cảm do đạo đức" và "Đồng cảm do cùng trải nghiệm". Loài người thường không phân biệt được hai loại này và thường sử dụng từ "đồng cảm" vô thưởng vô phạt. Thật ra nếu nói một anh chàng giàu có đồng cảm với một ông cụ nghèo khó vì trước đây anh ta đã từng túng quẫn nghe giá trị hơn nhiều so với trường hợp anh chàng kia giàu từ trong trứng nước rồi thấy ông cụ nghèo khó đi ngang rồi thốt lên câu đồng cảm. Chính xác thì đó là thương hại chứ tuyệt đối không phải đồng cảm nữa rồi.




Trường hợp Hạnh cũng như vậy! Hạnh ghét sự ép buộc và cho rằng làm ngược lại mới là tự do. Anh yêu việc viết tiểu thuyết một cách đắm đuối nhưng mặt khác lại rất nghi ngờ tính minh bạch của nghệ thuật khi chúng được khoác thêm lớp áo của địa vị và những mối quan hệ bên ngoài lãnh địa văn chương, điện ảnh. Nhưng có lẽ trên trái đất này chỉ có mình anh nghĩ vậy, không ai chịu tin anh và lắng nghe anh nói. Và dĩ nhiên tôi xuất hiện nhằm lắp đầy khoảng trắng trong tim anh với tư cách là cô bạn cùng lớp thật không gì dễ dàng hơn. Xét cho cùng, nếu không phải vì Hạnh là mục tiêu của tôi thì hai đứa tôi khá hợp nhau về sự cô đơn. Chỉ khác là người nơi dương thế, kẻ ở chốn âm gian.




Một lần nữa, tôi xin cảm ơn nữ Diêm Vương và thân xác cô gái mang tên Phúc mà tận đáy lòng, tôi luôn muốn biết cô là ai và là người ra sao lúc còn sống?




***




Cho ý nghĩ trôi xa lúc lâu, tôi liền giật mình khi quay sang và thấy DB47 đứng lù lù ngay bên cạnh.




Tôi giật mình thật nhưng che đậy rất nhanh bằng một giọng điệu âm trầm, lạnh giá:




- Có việc gì không? Mau nói lẹ đi! Không có thời gian đâu!




DB47 nhếch mép:




- Cô có vẻ bận bịu thiệt nha!




DB47 xuất hiện với chiếc áo chùng đen quen thuộc nhưng lần này, anh không mang theo chiếc lưỡi hái của mình. Vẫn giữ nét mặt trêu ngươi và chắp tay sau lưng, DB47 thừa sức làm nổi nóng bất cứ người nào trước mặt anh nhưng chắc chắn không phải là tôi.




DB47 có vẻ nhún nhường. Anh nói:




- Diêm Vương có hai chuyện muốn nhắc cô nên nhờ tôi chuyển lời. Thứ nhất: Cô chỉ còn thời gian hai tháng để thực hiện mục nhiệm vụ. Cái này chắc cô không quên chứ?




- Tôi nhớ! - Tôi bình thản nói.




DB47 gật đầu. Nhưng có lẽ vì sợ tôi quên nên anh ta nhắc lại sự khác biệt về thời gian giữa trần gian và âm giới cho tôi nghe:




- Một ngày ở trên trần gian bằng một tháng ở dưới âm giới đó. Làm ơn nhớ cho kĩ!




- Còn gì nữa không? - Tôi hỏi để nhanh chóng buộc DB47 tới điều kế tiếp.




- Điều thứ hai: Diêm Vương muốn cô tập trung vào làm nhiệm vụ. Đừng nên xa lầy vào chuyện yêu đương.




Tôi bật cười:




- Trời đất quỷ thần ơi! Anh về hỏi cho Diêm Vương là tại sao lại khinh thường tôi dữ vậy? Cái mặt tôi như vầy mà dính vô mấy cái chuyện bá láp đó hả?




- Vấn đề không nằm ở cái mặt của cô! - DB47 không bỏ lỡ cơ hội đem tôi ra làm trò cười - Vấn đề là theo thống kê của Diêm Vương, từ thuở khai sinh ra âm giới thì có khoảng chục triệu thần chết làm việc với con người đều bị chuyện yêu đương làm cho sao nhãng nhiệm vụ.




Tôi nở nụ cười trịch thượng:




- Cái vụ này thần chết nào dính chứ bảo đảm không có tôi trong đó!




DB47 nhướng mày đắc ý:




- Cô đi mà chứng minh với Diêm Vương, tôi chỉ là người chuyển lời thôi.




- Vậy không còn gì nữa phải không?




DB47 hiểu ý cái câu đuổi khéo cho bõ tức của tôi. Anh ta chậm rãi bước đi. Tới bước thứ năm, anh ta xoay người lại, làn khói đen phả lên từ nơi vô định rồi DB47 biến mắt.




Nhưng rồi, cô lại nghe tiếng DB47 vang lên:




- Nhớ kĩ! Nếu lỡ có tình cảm với người phàm thì cô biết thế nào rồi đó!




Mắc cười dễ sợ! Tôi mà để chuyện đó xảy ra hả? Đây là lần thứ hai tôi nghĩ tới câu hỏi đầy mỉa mai này nhưng không thèm nói ra cửa miệng. Tôi cho rằng kết quả sẽ là minh chứng tốt nhất cho lời nói. Trong từ điển dành cho loài người, thành công không bao giờ tới với những người hay nói mà không thể chứng minh.




Tôi thản nhiên đi ngủ và khi nằm trên giường, tôi nhanh chóng vẽ ra trong đầu từng đường đi nước bước nhằm đẩy nhanh kế hoạch hoàn thành mục tiêu.
 
CHƯƠNG 10: TUỔI TRẺ, NGHỆ THUẬT VÀ ÁM SÁT




Tôi là Hạnh.




Suốt những ngày sau đó là chuỗi ngày hẹn hò tươi đẹp nhất của cuộc đời tôi. Bỏ lại sau lưng hết thảy nỗi cô đơn, tôi như được sinh ra lần nữa nhờ tình yêu của Phúc.




Chúng tôi tay trong tay đi khắp nơi. Từ công viên giải trí nội thành cho tới Đà Lạt đầy khí lạnh và những nơi xa xôi khác mà trước đây, tôi không nghĩ mình sẽ đến.




Nhưng ngoài những điều đó, tôi còn yêu Phúc vì em luôn sẵn sàng lắng nghe tôi nói về sở thích của mình. Chúng tôi đã có những tranh cãi nảy lửa về việc "Thế nào là câu chuyện hay trong tiểu thuyết?". Tôi luôn cho rằng một tiểu thuyết hay phải mang đậm tính nhân văn, mang tầng tầng lớp lớp ý nghĩa thì mới xứng đáng được trao giải thưởng.




Nghe tới đây, Phúc bật cười:




- Một câu chuyện hay trước hết phải có cách kể chuyện hấp dẫn. Anh nghĩ kĩ đi! Nếu ý nghĩa nhân văn của anh nằm ở trang bảy mươi lăm nhưng độc giả đã ngừng coi ở trang mười vì nó quá nhạt nhẽo hay khó hiểu thì "tầng tầng lớp lớp ý nghĩa" của anh cũng vô thùng rác thôi!




Tôi tự phân tích thì thấy Phúc nói cũng đung đúng. Phúc quan sát vẻ mặt đầy suy ngẫm của tôi, tỉnh bơ nói tiếp:




- Chưa hết! Trước khi gõ phím, anh phải xác định đối tượng độc giả của mình là ai? Viết cho học sinh mà nội dung như Trăm Năm Cô Đơn thì cũng tiêu tùng!




Ở điểm này thì tôi đồng ý trăm phần trăm với Phúc. Nhưng chưa kịp tán dương thì Phúc lại nói tiếp:




- Điều cuối cùng, cũng giống như phim ảnh, một tiểu thuyết hay cần chinh phục được tất cả những ai bỏ tiền ra coi nó chứ không phải những vị giám khảo trong một cuộc thi nào đó. Giải thưởng suy cho cùng chỉ có tác dụng lớn trong khâu quảng bá. Có giải thưởng, nhiều người sẽ tìm sách của anh hơn nhưng để sách của anh sống lâu, anh phải tìm đến tất cả nhân loại.




Tôi uống những lời Phúc nói như uống mật ngọt, ưng ý từng câu từng chữ. Đến nỗi tôi buộc miệng:




- Em không phải dân chuyên viết nhưng làm anh bất ngờ quá Phúc!




Phúc chỉ cười:




- Đâu có gì lạ đâu. Em chỉ mượn ý của một người vĩ đại và nói theo cách của em thôi!




Tôi tò mò:




- Ai?




Phúc cười hinh hích:




- Bác Hồ!




Tính bất ngờ trong câu trả lời của Phúc khiến tôi bật cười. Có lẽ tôi đã suy nghĩ quá nhiều mà quên mất những lời dạy gần gũi của tiền nhân. Phúc chỉ cần biến đổi trong cách thể hiện, tôi cứ ngỡ do chính miệng em nói ra. Đó là cũng là một kĩ năng trong viết lách: Nói cùng ý nhưng khác lời.




Tiếng cười của tôi chưa dứt thì ánh mắt đã chạm vào tấm kiếng đặt phía sau lưng Phúc. Hình ảnh phản chiếu khiến tôi đứng tim: Một người mặc đồ đen chĩa súng bắn tỉa vào ót Phúc, chuẩn bị bóp cò.




- Coi chừng!




Không chút do dự, tôi thét lên, lao người tới ôm Phúc cùng ngã xuống đất. Tia lửa đạn sượt qua người Phúc, làm li nước thủy tinh trên bàn bể thành từng mảnh vụn. Đám người trong quán nước chạy tán loạn thoát thân.




Nằm cạnh Phúc trên nền đất, tôi ân cần hỏi em:




- Em không bị sao chứ?




Phúc gật đầu. Lúc này tôi mới yên tâm nói:




- Em nằm ở đây nha!




Phúc gật đầu lần nữa.




Bấy giờ tôi mới bất chấp nguy hiểm đứng lên quan sát bốn bề tứ phía. Tôi biết chắc ai đã bắn phát súng vừa rồi. Kẻ đó là người định ám sát tôi.




Nhưng tôi nhìn xung quanh không một ai khả nghi ngoài những mảnh kiếng bể trên nền đất. Tôi co tay thành quả đấm, móng tay cắn vào da rướm máu. Tôi giận điên người vì khiến Phúc gặp hiểm nguy vì mình. Đến nước này thì mọi chuyện đã vượt quá tầm kiểm soát của tôi. Tôi mất mạng không sao nhưng Phúc vô tội. Hơn nữa, em còn là người tôi yêu!




Chủ quán gọi điện cho cảnh sát và một lúc sau họ tới nơi phong tỏa hiện trường để làm công tác điều tra. Họ chụp ảnh, tìm vỏ đạn và chuẩn bị lấy lời khai nhân chứng.




Thấy một nam cảnh sát sắp bước tới chỗ mình, tôi đỡ Phúc đứng lên rồi khuyên:




- Em ngồi đây đi! Để anh đi nói chuyện được rồi!




Phúc thêm một lần nữa gật đầu nhưng lần này tôi bỗng thấy sự sợ hãi hiện rõ trong đôi mắt long lanh ánh nước.




Tôi nỉm cười, an ủi:




- Không sao đâu mà!




Nói xong, tôi nhẹ nhàng dìu em ngồi xuống chiếc ghế gần đó. Còn tôi đi về phía người nam cảnh sát nọ. Tôi nở nụ cười để cho người đối diện thấy là tôi vẫn ổn. Người cảnh sát cũng đáp lại bằng thái độ hòa nhã, tự giới thiệu mình tên là Nam. Nam không nói tuổi nhưng dựa vào khuôn mặt trẻ trung của anh, tôi đoán anh khoảng hai mươi sáu, hai mươi bảy, hoặc cỡ khoảng đó.




Mở đầu, Nam hỏi tên, quê quán và địa chỉ của tôi. Sau đó bằng tất cả sự cẩn trọng, anh hỏi:




- Lúc tiếng súng nổ, em ở đâu?




Tôi thành thật:




- Em và bạn gái đang uống nước ở trong quán.




Nói xong tôi hướng mắt về Phúc để cho vị cảnh sát nhìn theo rồi gợi ý:




- Bạn em còn sợ cho nên có gì em nói dùm cổ, được không anh?




Nam cắn môi suy nghĩ. Tôi đoán anh đang cân nhắc chuyện đó. Cuối cùng, anh chấp nhận:




- Cũng được! Em có nhìn rõ mặt người nổ súng không?




- Không! Người đó mặt áo chùng đen, còn bịt mặt nữa!




- Vậy em có để ý người nhắm bắn ai đầu tiên không?




- Là bạn gái em!




Người cảnh sát trợn mắt:




- Bạn gái em?




- Vì lúc đó em nhìn qua kiếng nên nhìn thấy người đó nhắm ngay ót bạn gái em rồi bắn. May mà tụi em né kịp.




Nam nhìn sang chỗ Phúc, ngần ngừ. Có lẽ lúc này anh có chút hối hận vì đồng ý cho tôi trả lời thay Phúc.




Nhưng tôi không muốn Phúc bị làm phiền. Tôi vào thẳng vấn đề, nói dối một cách khéo léo:




- Thiệt tình thì em nghĩ là người đó điên! Thích giết người bừa bãi!




Vị cảnh sát hết sức cẩn thận lựa chọn câu từ để trả lời:




- Cái đó đợi tụi anh điều tra mới biết em!




Trong một thoáng, tôi buộc miệng:




- Anh cho người bảo vệ tụi em được không? Biết đâu tụi em sẽ bị thằng điên đó bắn nữa.




Nam nhìn tôi dò xét. Anh hỏi, cố moi sự thật từ tôi:




- Vậy tức là người bắn bọn em không điên và mục tiêu của người đó là bạn gái em?




- Không! - Tôi cẩn thận để không rơi vào cái bẫy, một câu hỏi mớm tinh vi của vị cảnh sát - Ý em là, tụi em cần được bảo vệ nếu bị bắn lần nữa. Vì người đó là một tên tâm thần, bắn người bừa bãi.




Tôi nói bằng giọng quả quyết chưa từng thấy. Vị cảnh sát và tôi nhìn nhau lúc lâu, hệt như cả hai đang thách thức nhau bằng ánh mắt.




Cuối cùng có lẽ vì chịu thua sự gan lì của tôi, Nam lên tiếng trước:




- Tụi anh biết rồi!




Tôi định yêu cầu Nam lần nữa, quyết liệt hơn. Nhưng một cảnh sát khác đi tới rồi nói nhỏ vào tai Nam. Anh chỉ nhướn mày, hỏi vắn tắt:




- Vậy hả?




Sau đó vị cảnh sát kia gật đầu.




Lúc này Nam mới nói với tôi:




- Vậy thôi được rồi! Cảm ơn em nha!




- Nhưng mà…




Biết tôi còn lo sợ chuyện gì, Nam nhẹ nhàng trấn an:




- Anh biết chứ! Nhưng anh còn phải xin ý kiến cấp trên đã! Vậy nha! Chào em!




Nam xoay người rồi như chợt nhớ ra điều gì, anh hỏi tôi:




- Hình như anh đã từng thấy em trên báo, em là một trong hai người còn sống trong vụ tài xế dùng ma túy, đúng không?




Tôi gật đầu:




- Dạ!




Bấy giờ Nam và vị cảnh sát mới rời đi thật. Tôi tới chỗ của Phúc, cười tươi:




- Xong rồi!




Nhưng thay vì trả lời tôi, tôi lại thấy hai vai của em vẫn còn run lên vì sợ, khuôn mặt em vẫn giấu trong chiếc nón kết màu đen quen thuộc.




Thấy vậy, tôi biết đã biết mình phải làm gì tiếp theo. Tôi cần gặp một cô cảnh sát thông minh hơn Nam để nói chuyện.
 
CHƯƠNG 11: CÁ ĐÃ CẮN CÂU




Điện thoại của Thủy reo chuông. Cô vừa bắt máy vừa rót sữa vào li, nhấm nháp miếng bánh mì kẹp vào ngày chủ nhật thảnh thơi.




Bên kia đầu dây là giọng của Nam:




- A lô! Thủy hả? Hà có ở nhà không em? Sao anh gọi nó không được vậy?




- Vậy hả anh? Hà nó đang ở nhà, để em kêu nó!




Nói đoạn, Thủy đi vào trong, gõ cửa phòng Hà:




- Dậy đi mày! Anh Nam có chuyện muốn nói với mày nè!




- Có chuyện gì vậy? - Bên trong vọng ra giọng ngái ngủ của Hà.




- Ảnh nói là gọi mày không được kia kìa.




- Mày mở cửa đi!




Thủy vặn chốt. Thấy Hà vẫn nằm ì trên giường dán mắt vào di động với nét mặt phớt đời, Thủy càu nhàu:




- Trả lời điện thoại lẹ đi mày!




Hà đáp lời Thủy kèm theo một tiếng ngáp dài:




- Bật loa đi!




Thủy thở dài bó tay rồi nói vào điện thoại:




- Anh nghe Hà nói rồi phải không? Em bật loa ngoài à!




- Ok!




Đợi Thủy chuyển qua chế độ loa ngoài xong, Hà liền nói:




- Có chuyện gì không anh?




Trái ngược với thái độ bình chân như vại của Thủy, Nam sốt ruột:




- Em đọc email anh gửi chưa?




- Vụ nổ súng trong nhà hàng đó hả? Mới ngủ dậy nên em chưa có kiểm tra email nữa. Thôi sẵn tiện anh nói qua di động ở đây luôn đi!




Nghe thấy tiếng thở dài thường thượt bên kia đầu dây, kèm theo ánh mắt khó chịu của Thủy, Hà nói thêm nhưng vẫn giữ vẻ mặt vô tư:




- Dù gì anh cũng đang gọi bằng Zalo mà!




Biết đây sẽ là cuộc nói chuyện lâu nên Thủy đặt điện thoại mình trên giường Hà luôn và cô chăm chú ngồi nghe, dù gì Thủy cũng đang rảnh.




Nam tường thuật lại tất cả lời khai của Hạnh cho Hà nghe, không bỏ sót chi tiết nào. Sở dĩ có chuyện này vì Hà viện vào lí do là "Hạnh có thể liên quan về mặt nào đó" giữa vụ nổ súng này và vụ tai nạn giao thông cô đang xử lí. Dĩ nhiên Hà biết thừa Nam chịu chia sẻ thông tin với mình là vì hai người là đồng nghiệp thân thiết từng học chung Đại Học chứ chả phải vì cái lí do vật vờ ất ơ đó.




Nam nói xong, Hà hỏi lại:




- Hết rồi hả anh?




- Hết rồi!




- Được rồi! Cảm ơn anh nhiều! Khi nào rảnh ba anh em mình uống cà phê hen!




- Í khoan...




Nhưng Nam nói chưa hết câu thì Hà cúp máy trước rồi. Thủy nãy giờ ngồi nghe màn đối đáp của hai người bạn thì cũng có thắc mắc y chang Nam nên cô càu nhàu:




- Vậy mày thấy sao?




Hà để cho ánh mắt trôi lơ lững trên trần nhà thoáng chốc rồi nói:




- Tao thấy... lát nữa mày sẽ có điện thoại.




- Hả?




Câu trả lời không xíu ăn nhập gi tới câu hỏi của Hà khiến Thủy ngớ người. Ý nghĩ Hà bị điên sắp bung khỏi miệng cô thì điện thoại bỗng réo chuông inh ỏi.




Nhìn vào màn hình điện thoại rồi lại nhìn Hà, Thủy hết hồn:




- Sao mày biết thằng nhỏ sẽ gọi vậy?




Hà trả lời Thủy bằng nụ cười nhếch mép khá dửng dưng. Cô nói tiếp:




- Năm giây nữa mày đưa điện thoại cho tao nghe. Tin không?




Thủy hơi ngờ ngợ rồi bắt máy. Bên kia đầu dây, Hạnh ôn tồn:




- A lô! Chị Thủy ơi! Cho em gặp bạn chị một xíu được không?




Thủy vẫn con ngạc nhiên về khả năng "tiên tri" của Hà nên buộc miệng hỏi lại Hạnh trong vô thức:




- Em muốn gặp chị Hà hả?




- Dạ đúng rồi chị!




Thủy nhìn Hà. Hà chỉ nói với vẻ đắc ý:




- Sao? Đủ năm giây chưa?




Thủy không trả lời Hà mà nói với Hạnh:




- Em chờ tí xíu nha!




Thủy nói xong liền đưa di động của mình cho Hà lần nữa.




Hà nói với Hạnh:




- A lô! Chị là Hà nè!




Hạnh nói:




- Em có chuyện quan trọng muốn nói với chị. Chị gặp em được không?




- Ok em! Em muốn gặp ở đâu? Khi nào?




Hạnh nói địa điểm cho Hà nghe.




- Ok! Chị sẽ tới đúng hẹn.




Nói xong Hà đưa trả điện thoại lại cho Thủy. Lúc nhận lại, Thủy hỏi:




- Thằng nhỏ muốn gặp mày làm gì vậy?




- Tao không biết. Nhưng mà...




Hà bỏ dở câu nói và mắt cô bắt đầu mơ màng suy nghĩ điều gì đó.




Thủy khó chịu với điều này lắm. Cô không biết liệu chỉ bạn cô mới thường nghĩ ngợi mây gió bất chợt hay đây là căn bệnh chung của loại người thông minh.




Thủy tiếp tục sự tò mò của mình:




- "Nhưng mà" sao?




Phải mất hai, ba giây câu hỏi của Thủy mới lọt vô tai cô bạn. Hà cười tinh quái:




- Nhưng mà... cá đã cắn câu.
 
CHƯƠNG 12: LỜI CẦU CỨU




Đó là buổi chiều gió se se lạnh.




Trong một quán cà phê khá yên tĩnh, Hà ngồi đối diện Hạnh, hai tay cô đan vào nhau che khuất khuôn miêng. Trước mặt cô là tách cà phê sữa mang hương vị mình ưa thích. Phía đối diện là Hạnh với vẻ mặt lạnh lùng. Chính xác thì Hạnh muốn mượn sự lạnh lùng làm chỗ ẩn náu cho cảm xúc.




Với đôi mắt tinh ranh, Hà bắt đầu câu chuyện:




- Không lẽ em gọi chị ra đây để ngồi nhìn nhau đắm đuối như vầy hả Hạnh?




Hạnh vẫn giữ được sự lạnh lùng của mình trước sự tếu táo của Hà. Anh chỉ nhìn đồng đeo tay rồi nói với Hà:




- Chị chờ thêm chút nữa. Bạn em sắp tới rồi!




- Chị cứ tưởng là cuộc hẹn bữa nay chỉ có hai chị em mình thôi chứ?




Hạnh cười ngượng:




- Đáng lẽ ban đầu là vậy. Nhưng chuyện này nghe bạn em nói thì hợp lí hơn.




Hạnh vừa dứt lời thì Hà nghe có tiếng người bước tới, dừng lại ở bàn của mình. Hà ngước lên nhìn thì thấy một cô gái ăn mặc giản dị nhưng hợp thời, kèm theo chiếc nón lưỡi trai màu đen như dính chặt trên đầu.




Cô gái mở miệng chào khi đã ngồi vào chỗ:




- Chào chị! Em tên Phúc! Em là bạn của anh Hạnh.




Hà cũng mỉm cười đáp lại:




- Chào em!




Phúc cười mỉm chi và Hà chợt nhận ra sự đượm buồn trong đôi mắt của Phúc.




Hà ngạc nhiên khi thấy Phúc vẫn chưa chịu bỏ nón xuống. Thấy được sự khó hiểu đó của Hà, Hạnh liền giải thích:




- Phúc bị mắc bệnh da đầu nên bỏ nón xuống thì ngại lắm chị.




Hạnh chọn giải pháp nói dối bằng bệnh tật nhằm lấy được sự cảm thông của Hà nhanh nhất có thể. Quả nhiên, hà nghe vậy thì thôi không quan tâm nữa. Nhân cơ hội đó, Hạnh nói luôn vào vấn đề chính:




- Thiệt ra em muốn nhờ chị hoặc đồng nghiệp chị bảo vệ bạn gái em.




- Lí do?




Hà hỏi, không quên nhìn Phúc. Lúc này, cô mới thấu hiểu tại sao Phúc trông có vẻ buồn tới vậy.




- Em sợ bạn em bị cái tên điên khùng đó làm hại. - Hạnh nói bằng tất cả sự tự tin.




- Em nói chuyện này với anh Nam chưa? Cái anh mà hôm bữa lấy lời khai của em đó?




Chị cảnh sát này biết nhiều quá nhỉ? Mình phải cẩn thận chị ta mới được! Nhất là chuyện dây mơ rễ má với kẻ định giết mình.




Hạnh nghĩ vậy và bình tĩnh trả lời:




- Em nói rồi mà ảnh có vẻ không tin em.




Hà im lặng suy nghĩ và len lén liếc nhìn sang Phúc. Phúc vẫn giữ nét mặt bồn chồn, lo lắng.




Hà nhịp nhịp ngón tay lên bàn:




- Thiệt tình nếu làm vậy phức tạp lắm. Như vầy đi! Chị sẽ nói thử với sếp chị thử coi sao! Từ giờ tới đó tụi em chỉ cẩn thận để ý chút thôi.




Hạnh có vẻ mất kiên nhẫn. Anh cố giữ bình tĩnh:




- Vậy chị chừng nào chị mới hỏi sếp xong?




- Vài tuần hoặc cả tháng không chừng! - Hà chống tay lên má, cười tươi.




Thái độ thiếu nghiêm túc cùng lời nói bỡn cợt của Hà khiến Hạnh mất luôn sự kiên nhẫn chút ít còn sót lại. Anh thật sự nổi nóng:




- Em đâu có giỡn chơi với chị đâu!




Hà cười:




-Bình tĩnh! Bình tĩnh! Chị đâu phải nói chơi! Thiệt tình là vậy mà em! Với lại, chị cũng thấy em cũng đang giỡn với chị mà!




Hạnh ngạc nhiên:




- Tụi em giỡn chuyện gì?




- Em thiếu thành thật với chị! Còn nhiều chuyện em chưa nói, đúng không?




Câu hỏi của Hà như một tia sét giáng xuống hai người đối diện. Họ rơi vào những mạch cảm xúc khác nhau. Hạnh chết cứng trên ghế, bắt đầu vã mồ hôi. Anh không hề nghĩ tới cô cảnh sát ngồi trước mặt đã biết về bí mật của anh. Mà khoan, cô ta biết chuyện gì, liệu có phải bí mật đó không hay ám chỉ chuyện khác? Hàng tá câu hỏi xoay mòng mòng trong óc, sự do dự trong Hạnh càng lúc càng tăng.




Ở bên cạnh bí mật quan sát Hạnh, IX8 (trong thân xác của Phúc) cảm thấy ngạc nhiên bởi nỗi lo lắng của anh. Đây là lần đầu tiên cô thấy anh như vậy. Nhưng cô chỉ im lặng chứ không nói gì.




IX8 không nói thì Hà nói. Nữ cảnh sát bình tĩnh một cách đáng sợ:




- Em cứ nghĩ kĩ đi rồi trả lời chị sau cũng được. Chị không ép em. Hì hì!




Hạnh nuốt nước miếng bởi không làm vậy thì Hạnh không biết làm gì hơn. Hôm nay có quá nhiều chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát của anh. Khối óc Hạnh xoay chuyển lần nữa. Anh nghĩ bây giờ tốt nhất nên chuyển hướng cuộc nói chuyện để cho bầu không khí bớt căng thẳng. Nhưng chưa kịp nghĩ ra đề tài gì thì Hà nói:




- Mà nói thiệt nha! Hổng lẽ cái bí mật của em quan trọng hơn bạn gái của em hả?




Chỉ lại tiếp tục tấn công, dùng Phúc để dẫn dụ mình nói ra sự thật. Hạnh nghĩ bụng. Anh suy nghĩ thật kĩ trước khi trả lời:




- Vậy em hỏi chị, sự thật quan trọng hơn hay mạng người quan trọng hơn?




Hà liền bật cười:




- Em giỏi lắm! Hì hì!




Đúng lúc đó, di động của Hà reo chuông.




Hà nói "xin lỗi" rồi bắt máy:




- A lô! Vậy hả? Được, tôi về liền!




Hà cúp máy, nói với hai người đối diện:




- Chị có chuyện rồi, phải đi gấp. Tiền nước để chị trả cho. Còn chuyện của em... - Hà nhìn Hạnh - Chị sẽ nói chuyện với sếp chị thử coi sao! Nói chuyện một cách nghiêm túc. Còn kết quả thì chị không hứa gì hết nha!




Hạnh gật đầu. Dù kết quả không như anh mong đợi lắm nhưng cũng không phải là trắng tay.




Hà thanh toán tiền. Lúc cả ba đi ra cửa, Hạnh cố tình trượt chân. Theo phản xạ tự nhiên, Hà đưa tay ra đỡ Hạnh. Vào khoảnh khắc đó, Hạnh liền thấy được tương lai của Hà.




Và anh khẽ mỉm cười.




***




Hạnh vẫn giữ sự yên tâm như vậy cho tới khi anh và Phúc cùng sánh bước trên đường, đi được một đoạn Phúc dừng lại bất chợt mà Hạnh không để ý. Anh xoay người lại. Thấy nét mặt người yêu bồn chồn lo lắng, Hạnh tiến lại hỏi:




- Em không sao chứ?




Phải mất vài ba giây, Phúc mới cất tiếng nói, ánh mắt cô vô cùng nghiêm túc:




- Anh nè! Anh còn giấu em chuyện gì nữa đúng không?




Hạnh đứng hình, trái tim anh hóa đá, rơi xuống hố đen sâu thẳm của cảm xúc. Có người truy sát mình nhưng anh không thể nói sự thật cho Phúc bởi vì hơn ai hết, Hạnh biết đó là một bí mật mà anh thề sống để bụng chết mang theo. Loại bí mật mà nếu phơi ra ánh sáng, Hạnh sẽ mất tất cả.




Nhưng mặt khác, Hạnh không thể phủ nhận hoàn toàn cái sự thật oái ăm kia trước mặt người anh yêu.




Anh nói với Phúc bằng đôi mắt buồn hiu:




- Có vài chuyện anh không thể nói với em được đâu Phúc.




- Tại sao?




Hạnh cố nén nỗi buồn lại:




- Anh xin lỗi!




Hạnh không nói thêm gì nữa. Nếu nói nhiều hơn, anh có thể mất Phúc vĩnh viễn.




Cũng may Phúc là một cô gái tinh tế. Thấy anh khó xử, cô cũng không muốn gặng hỏi nữa.




Hai người cứ thế lẳng lặng đi bên nhau.
 
CHƯƠNG 13: NHỮNG CÁI CHẾT BẤT THƯỜNG




Hôm nay trời xanh nắng đẹp.




Những cánh diều đủ màu nhiều sắc thi nhau bay lượn rợp cả bầu trời. Bên dưới, đám đông tụ tập, mắt dán cứng vào chiếc diều do mình điều khiển.




Tông, một ông bố đứng cạnh đứa con trai sáu tuổi của mình, vừa dõi mắt lên trời vừa hướng dẫn cậu nhóc:




- Được rồi! Được rồi! Cứ như vậy. Đừng để nó bay cao quá! Con dễ "đuối" lắm đó!




- Ui da!




Thật không may, con diều bỗng đứt dây, gió cuốn đi xa tít mù. Đứa con sắp mếu máo:




- Ba ơi ba! Ba lụm dùm con con diều đi ba!




Thì Tông liền vỗ về con trai, dẫn thằng bé cùng đi tìm con diều mất tích.




"Con đường tìm diều" của hai bố con Tông khá là... mệt. Con diều rơi quá xa tới một nơi khá vắng vẻ. Khi lụm con diều trên một mô đất lạ, Tông và con trai ngửi thấy mùi hôi bốc lên.




Với bản tính hiếu động pha lẫn tò mò, cậu bé con liền lấy tay cào lớp đất. Tông cũng tò mò không kém con nên anh cũng chung sức cào đất với con mình dù biết chắc mẹ của thằng nhỏ sẽ cằn nhằn suốt buổi vì cái tội để con chơi dơ.




Nhưng lúc sau, Tông đâm hối hận vô kể. Dưới lớp đất dần lộ một chiếc đầu lâu con người.




***




Cảnh sát tới và làm công tác phong tỏa hiện trường ngay sau đó. Đám đông chen đông chen đúc, bu kín hiện trường vì hiếu kì.




Hà đứng chờ Khiêm, bác sĩ pháp y giám định sơ bộ.




Hà hỏi:




- Sao rồi Khiêm?




- Tạm thời em chỉ dựa vào mắt thường và kinh nghiệm thôi nha! Người này chết được khoảng sáu, bảy năm rồi. Tiếc là chưa tìm thấy phần xương thân. Nếu tìm được phần thân sớm thì cái đầu lâu này là nam hay nữ xác định dễ hơn nhiều. Nếu chị muốn biết chính xác trăm phần trăm thì đợi em mang về sở "nghiên cứu thêm" cái đã!




Hà nghe xong gật đầu rồi trầm tư suy nghĩ. Xong, Hà yêu cầu tất cả đồng nghiệp đang làm công tác đào bới:




- Mọi người đào thêm xung quanh, biết đâu còn phát hiện ra thêm xương nữa!




Nghe chỉ thị, Khiêm hơi bất ngờ nhưng cộng tác với Hà đã lâu, anh biết bộ óc của nữ đồng nghiệp không bao giờ nghĩ theo lối thông thường.




Tất cả ra sức đào, chẳng mấy chốc, một nam cảnh sát đã tìm được một xương bàn tay cách dó không xa lắm.




- Tìm được rồi nè sếp!




Hà định đi tới chỗ thì một đồng nghiệp khác liền nói:




- Bên này nữa! Thấy một cái chân!




Rồi hàng tá câu nói khác vang lên xung quanh:




- Bên này nữa nè chị!




- Bên này cũng có!




- Ở đây thì có hai cái thân mà không có đầu




- Ở đây! Ở đây nữa!




Chẳng mấy chốc những vùng xung quanh đó phát hiện gần hơn hai chục bộ xương người. Người dân vì tính hiếu kì quá độ nên suýt chút nữa phá nát dây cảnh giới. Tiếng chụp ảnh từ di động thông minh vang lên liên tục khiến Hà đinh tai nhức óc.




***




Dĩ nhiên phát hiện chấn động của Hà là miếng mồi quá béo bở cho giới truyền thông và báo chí. Vụ tai nạn giao thông chưa nguôi bớt, thì vụ xác chết hàng loạt ập tới không báo trước khiến sếp của Hà phải mở họp báo liền tù tì để trấn an dân chúng theo một cách "chuyên nghiệp dịu dàng" nhất có thể.




Ngay lúc này đây, sếp của Hà đang trò chuyện với cô với gương mặt cực kì căng thẳng.




Sếp của cô là một cô là một phụ nữ luống tuổi tên Cúc.




Cúc vừa hỏi, vừa đưa tờ báo cho Hà đọc, vừa thở cho đỡ mệt:




- Thấy sao con gái? Đọc báo có nhiều tin hay quá mà ha!




Sếp Cúc có thói quen coi và gọi đồng nghiệp cấp dưới của mình là "con gái" hoặc "con trai". Một phần có thể vì ở tuổi tứ tuần, Cúc vẫn còn độc thân nhưng theo anh em đồng nghiệp có lẽ bà là một cấp trên khá dịu dàng, hài hước, dễ chịu trong cách làm việc lẫn quan hệ ngoài đời.




Hà cân nhắc kĩ càng rồi trả lời:




- Thiệt tình thì con đang bí đường!




Sếp Cúc cười, một nụ cười chứng tỏ là cô đang đi guốc trong bụng đối phương. Bà biến "đôi guốc" đó thành câu hỏi:




- Con gái muốn nhờ bà già này chuyện gì đây?




Sếp cô đã mở đường thẳng thắn như vậy thì Hà liền dẹp luôn sự e dè:




- Con muốn Dương, Đông, Tinh, Thắng làm thành một tổ "Bảo Vệ Nhân Chứng" như phim TVB vậy đó!




Dương, Đông, Tinh, Thắng là những chàng trai, cô gái trong đội trọng án của Hà.




Bà Cúc nâng gọng kiếng trên sống mũi, suy nghĩ rồi hỏi Hà:




- Con nghiêm túc chứ?




Hà gật đầu:




- Dạ! Nghiêm túc!




- Làm như vậy thì sẽ nhất định "một công hai việc" chứ?




- Dạ! Nhất định!




- Được rồi! Con cứ làm theo ý con đi!




- Dạ!




Lúc Hà đi ra ngoài, sắp đóng cửa lại thì bà Cúc hỏi:




- Con biết tại sao ta luôn dễ dãi với con không Hà?




- Sao vậy cô? - Dù biết rành rành câu trả lời nhưng Hà cố ý hỏi lại, mục đích để làm sếp Cúc vui.




- Con là một người rất rất đặc biệt!




***




Mọi thứ được theo dõi kĩ càng, không bỏ sót dù một cọng lông hay con ruồi. Đó là yêu cầu của Hà với bốn cấp dưới của mình.




Tinh vừa đi vừa giả bộ đọc báo, rồi nói qua tai nghe:




- Tình hình ở đây ok, chỗ anh có gì không?




Thắng đang giả làm công nhân vệ sinh ở cách đó một quãng, trả lời:




- Bên này cũng không có gì hết!




Đông ở phía đối diện Tinh, đang giả làm người bán kem lưu động liền thở dài:




- Bên này cũng như vậy đó!




Dương thì thở dài thật sự, ngao ngán:




- Cũng như vậy, ba ngày rồi đó!




Lúc này, giọng của Hà vang lên trong tai nghe:




- Đừng có lơ là! Mục tiêu có súng đó nha!




Cả bốn cùng đồng thanh:




- Dạ! Sếp!




Nhưng khí thế trong tiếng nói của mỗi người thì hoàn toàn khác nhau.




***




Bà Loan không biết những chuyện đang diễn ra xung quanh nhà mình. Bấy giờ bà vừa mới đi chợ chiều về. Vừa mới mở cửa, bà liền cảm nhận được không khi nặng nề trùm lên khắp phòng, nơi hai đứa con gái của bà ngồi đó nhưng mỗi đứa làm một việc. Trong khi con gái lớn dán mắt vào tờ báo thì đứa còn lại ịnh mắt vào TV để xem nhà đài đưa tin về vụ tài xế phê ma túy rồi gây ra tai nạn chết người liên hoàn. Nhưng nếu để ý kĩ, ta sẽ thấy trên góc TV xuất hiện biểu tượng của chức năng dừng hình (pause), chứng tỏ bản tin này đã được thu hình từ trước đó.




IX8 không bỏ lỡ một phút giây nào trên màn hình. TV phát tới đoạn biên tập viên nói:




- Trong vụ tai nạn thảm khốc, chỉ có một nam nạn nhân sống sót tên Hạnh hiện đang được đưa đi cấp cứu. Số nạn nhân còn lại, xác định đã tử vong tại chỗ.




IX8 chăm chú theo dõi bản tin. Khi hình ảnh của Hạnh vừa biến mất. IX8 thấy hình ảnh của Phúc chảy máu đầm đìa và nhân viên y tế phủ lên người cô một mảnh vải trắng.




Sợ tâm trí con gái thấm dần hình ảnh trước mắt vào đầu, bà Loan nhanh tay cầm đồ chỉnh tắt TV, nét mặt bỗng đâm lo.




"Thì ra Phúc đã chết như thế!", IX8 nghĩ.




Bà Loan định quay người qua phàn nàn với Mẫn nhưng lời chưa rời môi, IX8 liền lên tiếng:




- Được rồi mẹ! Tại con muốn coi nên chị hai mới bật.




Bà Loan nói, giọng bà vẫn chưa hết lo lắng:




- Tốt nhất đừng nên coi lại, con! Chuyện gì qua rồi thì thôi thì cho qua luôn đi con!




IX8 gật đầu. Cô không ngờ số phận của Phúc lại dính chặt với Hạnh như vậy. Nữ Diêm Vương có lí do của người khi sắp đặt cô nhập vào thân xác của Phúc.




Mẫn bây giờ mới cất giọng:




- Có một chuyện mà mẹ chưa nói với mày đó!




Bà Loan nghe tới đây liền át giọng con:




- Được rồi Mẫn! Con vô phòng đi!




IX8 biết bà Loan còn giấu cô nhiều chuyện chưa kể hết nên IX8 hỏi Mẫn:




- Chuyện gì vậy chị?




Bà Loan nhìn đứa con gái lớn bằng ánh mắt van nài, ngân ngấn lệ. Nhìn thấy vậy, có lẽ vì không nỡ nên Mẫn thở dài, bỏ vô phòng. IX8 cũng đồng cảm với Mẫn, cô không muốn làm khó bà Loan thêm nữa.




IX8 lảng sang chuyện khác bằng cách nói:




- Mẹ coi TV đi!




Nói đoạn, IX8 cầm đồ chỉnh lên bật TV. Màn hình hiện ra kênh thời sự đưa tin về hàng chục bộ xương không rõ nguồn gốc được phát hiện.




Hình ảnh những bộ xương khô lập tức chiếm lấy tâm trí bà Loan. Bà khẽ nhăn mặt:




- Thời buổi gì mà kì cục! Tai nạn, xác chết lên TV suốt ngày.




Bà Loan quay sang con gái để tìm kiếm sự hưởng ứng. Nhưng IX8 lại coi bản tin với sự chăm chú khác thường. Sự khác thường mà chính bà cũng cảm thấy lạ lẫm.
 
CHƯƠNG 14: CHIA LI




Tôi là Hạnh.




Sáng nay tôi tới lớp sớm. Lớp học chỉ có mình tôi và Phúc. Em đứng bên cửa sổ, khoanh tay, nét mặt trầm tư, ánh mắt phảng phất buồn, trôi bồng bềnh nơi vùng trời vô định nào đó.




Có phải em còn lo lắng về chuyện dạo trước, rằng em vẫn còn bị hiểm nguy? Tôi tiến tới rồi nhẹ nhàng cất tiếng gọi:




- Bữa nay em tới lớp sớm dữ hen! Anh cứ tưởng mình tới sớm nhất trường chứ! Ai dè!




Nhưng Phúc chỉ đứng im chứ không hồi đáp gì. Thậm chí hơi thở của em có phần não nề hơn. Chột dạ, tôi hỏi em bằng tất cả sự bình tĩnh:




- Chị Hà cho người theo dõi quanh nhà em rồi hả?




Phúc nhìn tôi, lẳng lặng gật đầu.




Tôi linh tính có điều không ổn sắp xảy tới nhưng cố nén hoài nghi, vẽ lên mặt một nụ cười gượng gạo:




- Ờ.




Tôi chợt nhận thấy mình vừa nói chữ "ờ" còn nhạt hơn nước ốc gấp triệu lần. Tay chân tôi bỗng hóa thừa thãi và lúng túng.




Phúc đi về phía tôi. Em nói, giọng êm như ru:




- Hai đứa mình... đừng quen nhau nữa nha anh!




Tôi nghe như tiếng sét sượt ngang tim. Không gian xung quanh tôi bỗng tối sầm lại, đặc quánh màu mực đen. Hai đầu gối của tôi muốn quỵ xuống như mang hai hòn đá tảng.




Tôi gắng sức đẩy từng lời khỏi cuống họng đầy khổ sở như người ta mệt mỏi đẩy chiếc ô tô của mình khỏi vũng bùn lầy lội, cố vớt vát những tia hi vọng nhợt nhạt:




- Em... ghẹo anh hả Phúc?




Kèm theo đó là tiếng cười đầy giả tạo nhằm che đậy nỗi hoang mang đang gào thét trong tôi.




Đáp lại tôi, giọng Phúc trôi bồng bềnh:




- Em nói thiệt đó anh!




- Tại sao? - Tôi hỏi cái câu kinh điển mà mọi thằng đàn ông trên thế giới này đều hỏi khi họ ở vào hoàn cảnh như tôi với tâm trạng chênh vênh, không định hướng.




- Em không biết nữa!




Đó là câu trả lời tối nghĩa. Đúng hơn, nó là một câu nói vô thưởng vô phạt. Tôi còn muốn hỏi Phúc tại sao lại quyết định đột ngột như vậy, không dấu hiệu báo trước, không hờn giận hay trách móc và hàng tá câu hỏi khác nữa chưa kịp thành lời. Tôi như người nửa tỉnh nửa mê chịu trận giữa hàng vạn những câu hỏi do chính mình nghĩ ra để dằn vặt bản thân, xoay mòng mòng còn mạnh hơn cả bão tố phong ba.




Tôi thắc mắc vô ngần nhưng cuối cùng tôi quyết định không hỏi em lấy một lời.




Tôi im lặng gật đầu:




- Ờ.




Lại thêm một tiếng "ờ" chán ngắt nữa.




Phúc cũng không nói gì. Em chỉ im lặng gượng cười nhưng đôi mắt em lại nói điều ngược lại.




Ngay lúc đó tiếng chuông báo giờ vào tiết vang lên. Tôi lặng lẽ quay đi với tâm trạng mông lung vô chừng mà bản thân tôi không tài nào cắt nghĩa.




***




Buổi học ngày hôm đó dài lê thê, trôi chậm còn hơn ốc sên. Mọi việc trở lại như trước kia. Tôi tiếp tục chìm đắm vào thế giới của riêng mình. Thỉnh thoáng tôi có liếc sang chỗ Phúc vài lần nhưng chúng tôi chưa hề chạm mắt nhau lần nào. Tôi nghĩ Phúc cố tình né tránh tôi.




***




Dĩ nhiên tôi chẳng nhét thêm vô đầu được chữ nào nữa cho tới tận giờ nghỉ đầu tiên. Tôi thấy Phúc lướt qua tôi. Trong khoảnh khắc, tôi biết mình đã trở thành người vô hình nơi đôi mắt em.




Tôi thở dài ngao ngán.




Không biết có phải vô tình hay do hương tình yêu (chính xác thì nay là tình cũ) dẫn lối, tôi vẫn bước theo em như thói quen, dù là kẻ trước người theo sau.




Và khi em vừa đặt chân xuống sân trường, ló đỉnh đầu khỏi hành lang, một chậu hoa không biết từ đâu rơi xuống. Tôi hoảng hồn chạy như bay tới để đẩy Phúc khỏi chỗ hiểm nguy. May mắn là tôi và Phúc đều không sao, chỉ có lọ hoa vỡ tanh bành.




Sau khi hoàn hồn, tôi vội hỏi Phúc:




- Em có sao không?




Nhưng Phúc đáp lại tôi bằng nét mặt hoảng sợ đầy né tránh, có chút khó xử nữa. Em bình tĩnh phủi sạch áo quần rồi đứng lên rời đi mặc cho những sinh viên khác hỏi han tình hình sức khỏe. Nhưng nỗi lo sợ của em lúc đó liền hằn sâu vào tâm trí tôi. Nó ám ảnh. Nó hệt như lần trước khi tôi bị tên giết người kia bắn hụt.




Tích tắc, tôi nhận ra vấn đề. Có thể tôi đoán sai, nhưng tôi phần nào biết được lí do Phúc quyết chia tay tôi.




Người ta nói muốn tháo dây thì phải tìm kẻ buộc dây. Tôi nắm chặt lòng bàn tay, quay lưng đi, trong đầu soạn sẵn bức thư hẹn gặp mặt tên giết người chết tiệt đó!




***




Trời âm u, tỉnh mịch. Gió thỉnh thoảng hú lên từng cơn như tiếng khóc than ai oán người mẹ mất con, lạnh tới gai người. Lũ quạ đói con thì bay lượn lờ trên không, con thì đậu sẵn trên những mô đất cao cao.




Không khí rợn người này chỉ Nghĩa Trang Vô Hình mới có. Nghĩa Trang Vô Hình là nơi những xác chết không người thừa nhận được mang tới, đắp mô đất sơ sài rồi thôi. Không cúng kiến cũng chả có người trông coi.




Tuy xung quanh đầy tử khí như vậy nhưng tôi vẫn bước đi không sợ hãi. Phần vì cơn giận của tôi ban sáng vẫn chưa nguôi. Phần vì tôi coi nhẹ cái chết. Dù sao tôi cũng một lần cận kề cái chết rồi mà!




Tên giết người dần hiện ra trước mắt. Gã mặc bộ trang phục toàn đen, chiếc mũ trùm che kín đầu. Khuôn mặt được bọc lại bởi một lớp băng thiệt dày tựa như xác ướp Ai Cập cổ đại.




Tên giết người cất giọng ồm ồm khàn đục:




- Không ngờ thằng như mày cũng đúng giờ ghê ha!




Tôi lao tới túm lấy cổ áo gã bằng tất cả sự căm hờn đang dồn nén trong tôi:




- Chuyện của tao với mày thì tao với mày giải quyết! Mày mà đụng tới Phúc thêm lần nữa là tao không để yên đâu!




- Ha ha! - Tên giết người bỗng nở nụ cười khô không khốc, chói tai. - Mày mà cũng biết lo cho người khác nữa hả?




Nói xong, gã đẩy mạnh, khiến tôi vì bất ngờ mà loạng choạng thụt lùi mấy bước, suýt té. Tên giết người liền đĩnh đạc bước tới như thể gã là người liêm chính còn tôi là kẻ xấu xa, rồi nói nốt câu còn lại. Câu nói làm tôi quặn thấu tim gan:




- So với cái tội của mày thì tao còn phải bái mày làm sư phụ dài dài!




Tên giết người nói đúng! Nhưng tôi không được phép dao động. Tôi cứng giọng cảnh cáo:




- Mày mà đụng tới Phúc thì coi chừng tao đó!




- Ha ha ha ha! - Tên giết người lại cười lần nữa. Lần này, tràng cười của gã dài hơn một chút, mỉa mai thêm một chút. - Mày làm sao "coi chừng" được tao? Nói nghe thử?




Đoạn, gã kề miệng vào tai tôi thì thầm:




- Mày đừng có quên là tao bất tử đó nha!




Tim tôi bỗng đập thình thịch, ruột gan tôi bắt đầu nhộn nhạo. Nỗi bất an xâm chếm tâm trí tôi từng chút sau câu nói kia. Từ lúc cuộc trò chuyện này diễn ra, tên giết người chưa bao giờ nói dối.




Qua khóe mắt, gã đang gặm nhắm sự lo lắng của tôi đầy khoái trá bằng nụ cười ngạo mạn. Cảm thấy đã đón đường được sự yếu thế của tôi, gã vỗ vai, giọng an ủi như hai người anh em thân thiết:




- Cố gắng lên! Mày mà chết trước tao thì tao buồn lắm!



Tên giết người cười khinh khích rồi quay lưng bỏ đi. Tôi đứng nhìn gã lòng đầy ấm ức. Tay tôi co thành nắm đấm trong vô vọng.




Đi được vài bước, tên giết người dừng chân, quay mặt lại nói với tôi:




- Í quên! Tao nói cho mày chuyện này nha! Cái vụ đẩy chậu hoa để ám sát bồ của mày không phải tao làm nha! Nhớ kĩ à!




Tôi nhíu mày:




- Mày nói thiệt không?




Tên giết người cười. Gã mỉm cười rất tươi:




- Tao không giống mày đâu! Đừng lo! Mà nè! Còn cái bà chị cảnh sát mày cũng nên coi chừng đó! Một bà chị quá thông minh! Đừng để bả biết những chuyện mày làm! Há Há!




Tôi nhếch mép:




- Ý mày là sao?




Tên giết người nhún vai:




- Tao không muốn mày bị bả cho ăn hành! Tao muốn tự tay đâm lòi óc mày! Vậy thôi! Bye bye!




Nói xong, gã xoay lưng đi mất hút vào làn đêm đen.




Tôi cũng xoay gót theo hướng ngược lại. Vừa đi, lòng tôi vừa trồi lên câu hỏi: “Vậy ai là người đã làm rớt chậu hoa xuống chỗ Phúc?”
 
Back
Top