TP.HCM sẽ khám sức khỏe trọn đời cho người dân

Cryolite.3

Senior Member
https://tuoitre.vn/tphcm-se-kham-suc-khoe-tron-doi-cho-nguoi-dan-2022112008553112.htm

TTO - Trong tương lai gần, mỗi người dân TP.HCM đều được khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Đây được coi là giải pháp "khám, chăm sóc sức khỏe trọn đời" nhằm can thiệp hiệu quả, giảm chi phí điều trị và góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.

TP.HCM sẽ khám sức khỏe trọn đời cho người dân - Ảnh 1.

Trong tương lai gần, mỗi người dân TP.HCM đều được khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Trong ảnh: người dân khám bệnh tại Bệnh viện quận 7, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Các mục tiêu này nằm trong dự thảo kế hoạch về chăm sóc sức khỏe giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo vừa được Sở Y tế TP.HCM trình UBND TP phê duyệt.

Khám sức khỏe định kỳ một lần/năm

Dự thảo tờ trình mà Sở Y tế TP.HCM trình UBND TP.HCM mới đây nhận định rằng ở mỗi độ tuổi khác nhau người dân sẽ có các nguy cơ mắc các bệnh lý khác nhau. Do đó, việc xác định nhóm tuổi để lựa chọn loại hình khám sức khỏe phù hợp là điều cần thiết, nhằm phát hiện sớm bệnh lý, điều trị kịp thời và giảm chi phí khám sức khỏe.

Ngành y tế TP.HCM đồng thời đặt chỉ tiêu từ năm 2025 tất cả mọi người dân đều được khám sức khỏe định kỳ tối thiểu một lần/năm.

Trước mắt giai đoạn 2023 - 2025, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sẽ được ưu tiên khám sức khỏe định kỳ một lần/năm, nâng cao cả chất lượng sống lẫn tuổi thọ cho nhóm người này. Ước tính TP.HCM hiện có khoảng 4 triệu người trên 60 tuổi, chủ yếu mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường và tim mạch.

"Việc khám cho người cao tuổi rất linh động, có thể ở cơ sở khám chữa bệnh, trạm y tế, khu dân cư hoặc ở ngay tại nhà. Khi có kết quả thăm khám, bác sĩ phải có kết luận tình trạng sức khỏe, cách xử trí ban đầu và nếu phát hiện bệnh cần hướng dẫn người cao tuổi đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời", một lãnh đạo của Sở Y tế TP.HCM lý giải.

Vị này cũng cho biết các bệnh nhân này sẽ được lập hồ sơ điện tử và quản lý chăm sóc điều trị trọn đời. Được biết nguồn kinh phí phân bổ cho các quận, huyện và TP thực hiện chương trình khám sức khỏe định kỳ này ước tính trên 500 tỉ đồng.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - trong lần chia sẻ tại lễ khởi động chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) ngày 18-11 đã khẳng định: Thời gian qua ngành y tế TP.HCM tập trung triển khai nhiều hoạt động trong lĩnh vực y tế cộng đồng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Kế hoạch khám sức khỏe định kỳ, phát hiện và quản lý các bệnh không lây nhiễm gắn với việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử không nằm ngoài mục đích đó. "Đây là mục tiêu hàng đầu mà y tế TP.HCM đang hướng tới", ông Châu khẳng định.

Ông Châu còn cho biết mọi người dân đều được quản lý chăm sóc sức khỏe, được đảm bảo bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thừa hưởng các dịch vụ y tế. Trong đó bất kể là ai, sống ở đâu, điều kiện kinh tế có hay không đều có thể tiếp cận được các dịch vụ y tế có chất lượng.

Các mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và phát triển bền vững chỉ có thể thành hiện thực khi thông qua thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Ông Châu nói: "Mục tiêu tăng cường tầm soát các yếu tố, nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng nhằm phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế gia tăng tỉ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, người tàn tật và tử vong do các bệnh như ung thư, tiểu đường, tim mạch...".

TP.HCM sẽ khám sức khỏe trọn đời cho người dân - Ảnh 2.

Dữ liệu: H.L. - Nguồn: Dự thảo tờ trình của Sở Y tế TP.HCM - Đồ họa: N.KH.

Cân nhắc thêm tính hiệu quả

BS Kiều Xuân Thy - phó trưởng cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết đại đa số người dân tại Việt Nam vẫn chưa chú trọng nhiều đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều này dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống.

Theo BS Thy, tầm soát sức khỏe định kỳ rất quan trọng, giúp người bệnh biết được nếu có những rối loạn ở thời kỳ sớm. Bác sĩ vì thế cũng có thể kiểm soát diễn tiến của bệnh tốt nhất, hạn chế cơ hội tiến triển nặng hoặc có các biến chứng lâu dài.

Dẫn chứng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng men gan, các rối loạn có thể dẫn đến ung thư..., bác sĩ Thy nói rằng các bệnh lý này thường diễn tiến phức tạp, biến chứng nặng nề nếu không được kiểm soát tốt.

Điều này kéo theo việc điều trị do đó cũng trở nên khó khăn, lâu dài và tốn kém hơn.

"Tầm soát sức khỏe tổng quát trở nên quan trọng hơn trong việc phát hiện sớm, giải quyết các tình trạng rối loạn âm thầm trong cơ thể. Các chuyên gia y tế cho rằng người bình thường độ tuổi trên 25 trở đi nên tầm soát sức khỏe ít nhất một lần mỗi năm và khuyến cáo hai lần mỗi năm nếu đã hoặc đang điều trị một số bệnh lý mạn tính", bác sĩ Thy khuyến cáo.

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM - cho rằng tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho toàn bộ người dân trong TP sẽ cần một nguồn lực kinh tế rất lớn, trong khi không phải lúc nào cũng phát hiện ra bệnh.

"Việc khám sức khỏe định kỳ nếu tổ chức khám không tốt khó phát hiện được các bệnh", ông nhấn mạnh. Do đó thay vì tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tất cả người dân, theo ông, nên tổ chức khám sàng lọc định kỳ cho những bệnh có thể phát hiện khi sàng lọc.

Ông Dũng dẫn chứng có những nước từng tổ chức chụp X-quang phổi cho tất cả người dân nhưng sau đó ngưng do nhận thấy không hiệu quả. Và hiện nay cả các nước phát triển cũng không có nước nào có thể tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tất cả người dân.

"Ở quốc gia có nguồn lực thấp như chúng ta cần phải có nghiên cứu về hiệu quả xét nghiệm, tỉ lệ mắc bệnh, chi phí sàng lọc và điều trị sau khi sàng lọc, nguy cơ của sàng lọc... Tuy nhiên theo tôi, chỉ nên bắt đầu bằng sàng lọc rộng rãi cho một số bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung", ông Dũng nói.

Ngoài ra có thể áp dụng cho những người có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp, hoặc nhóm quan hệ tình dục đồng giới (chủ yếu nam) nên định kỳ xét nghiệm HIV/AIDS...

Còn lại, biện pháp tốt nhất người dân vẫn nên luyện tập, ăn uống điều độ nâng cao sức khỏe, phòng chống các bệnh; song song việc thường xuyên theo dõi các triệu chứng nhằm khám, phát hiện điều trị bệnh kịp thời.

Còn ông Văn Hữu Nghĩa - trưởng Trạm y tế phường 3 (quận Bình Thạnh) - cho biết để đảm bảo việc khám sức khỏe định kỳ cho người dân, trạm y tế cần bổ sung nhân sự và một số trang thiết bị như máy đo huyết áp, máy đo đường huyết...

Bởi theo ông Nghĩa, hiện nay trạm có 5 nhân sự, trong đó chỉ có 5 người cơ hữu, nếu việc khám sức khỏe định kỳ được triển khai xuống trạm cũng sẽ đối diện nhiều khó khăn. "Với dân số gần 21.600 người dân của phường, theo như quy định của Bộ Y tế, trạm cần thêm 5 nhân sự nữa mới có thể thực hiện tốt các chương trình đã và sẽ được giao", ông Nghĩa nói.

...
 
Khám tại trạm y tế thì 99% là khám = mõm rồi, nhưng nếu có thêm khoản siêu âm thì cũng phát hiện sớm dc kha khá bệnh đó
 
Tiền ở đâu thì ko nói. Trong khi % giữ lại thì càng ngày càng xuống. 1 dạng bánh vẽ của mấy thằng chơi lái chứng khoán. Nếu SG được giữ lại 50% thì chắc tin này 50/50.
Không có thì in ra...

Tưởng việc này ai cũng biết rồi, cần gì phải nói nữa. :shame:
 
Tiền ở đâu thì ko nói. Trong khi % giữ lại thì càng ngày càng xuống. 1 dạng bánh vẽ của mấy thằng chơi lái chứng khoán. Nếu SG được giữ lại 50% thì chắc tin này 50/50.
Cả bài không dòng nào nhắc đến chi phí chi trả lấy từ nguồn nào, trong khi không nói ai cũng biết chính quyền TPHCM thiếu trước hụt sau bao nhiêu năm qua, nên chắc ý nó là họ tổ chức khám cho toàn dân, còn chi phí khám toàn dân... tự trả. Cơm sườn anh hy vọng gì.
 
Back
Top