Bing AI
Senior Member
(Dân trí) - Thừa cân, béo phì đã trở thành một "đại dịch" trên toàn cầu, tăng dựng đứng. Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ 5-19 tuổi tăng gấp đôi sau 10 năm, con số này đặc biệt cao tại TPHCM.
Chia sẻ tại hội thảo cung cấp thông tin báo chí về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm mới đây, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế, cho biết, thừa cân, béo phì đã trở thành một vấn nạn trên toàn cầu, một "đại dịch" có tính chất toàn cầu. Tốc độ tăng theo hình dựng đứng.
Cụ thể, trước năm 1970, tỷ lệ béo phì ở học sinh 5-19 tuổi chỉ khoảng 2% thì nay là 16%. Như vậy, cứ cách 10 năm tăng gấp 2, 3 lần.
Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam (Ảnh: T.H).
Tại Việt Nam, sau 10 năm tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng 1,5 lần (từ 5,6% vào năm 2010 lên 7,4% vào năm 2020). Con số này ở trẻ 5-19 tuổi cũng tăng gấp đôi (từ 8,5% lên 19%). Đặc biệt, tại TPHCM cứ 2 trẻ sẽ có 1 trẻ bị thừa cân, béo phì.
Tương tự, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người lớn cũng tăng gần gấp đôi sau 10 năm (từ 12% lên 19,6%).
"Trẻ em là tương lai của đất nước, vì thế chúng ta rất cần quan tâm đến vấn đề thừa cân béo phì. Nếu cứ để tốc độ này thì sau 10 năm tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường sẽ tăng gấp đôi", PGS Mai nhấn mạnh.
PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế (Ảnh: Nam Phương).
Theo PGS Mai, có nhiều yếu tố góp phần dẫn đến trẻ bị thừa cân béo phì như trẻ bị giảm thời gian ngủ, ít vận động, dinh dưỡng kém chất lượng, bà mẹ bị béo phì trước khi sinh, yếu tố di truyền…
"Vấn đề ở đây là thay đổi lối sống, môi trường sống, cần có cách tác động vào chính sách để giải quyết môi trường sống cho trẻ, làm thế nào để có khoảng không để trẻ tập thể dục thể thao. Đây cũng chính là yếu tố góp phần vì sao chúng ta chưa cải thiện được tình trạng thừa cân, béo phì của trẻ", PGS Mai nói.
Bên cạnh đó, theo bà cần truyền thông để thay đổi dần thói quen sinh hoạt trong mỗi gia đình.
close
Dù vậy, chuyên gia của Viện Dinh dưỡng cũng thừa nhận có đến 10 yếu tố tác động khiến con người dần dần bị béo phì. Trong đó, gồm vận động, dinh dưỡng, virus, hormone, stress, tâm lý, ô nhiễm, công nghệ, thực phẩm, tình trạng xã hội.
Vì thế, câu chuyện kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì là cực kỳ thách thức, khó hơn rất nhiều so với việc phòng chống các bệnh lây nhiễm.
Chia sẻ trước đó, GS.TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, cho biết, nguyên nhân béo phì ở mỗi người có thể không giống nhau. Có thể người này béo phì do ăn uống vô hạn độ, ăn uống nhiều quá, có người lại vì không chịu luyện tập hoặc do bệnh lý, gen. Vì thế, để điều trị thì cần tìm nguyên nhân, từ đó khắc phục.
Trẻ em bị béo phì ngoài thân hình không đẹp, trẻ còn mắc các rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đường… Vì thế, trẻ có thể bị tăng huyết áp sớm, tiểu đường sớm… Hiện nay, chúng ta đang cảnh báo nhiều về tình trạng trẻ hóa trong các bệnh tim mạch, tiểu đường, xương khớp.
"Trẻ đang trong giai đoạn phát triển bộ xương, nếu thêm cân nặng quá lớn, đè lên toàn bộ khung xương có thể gây ra gãy xương, xương bị giòn, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Trẻ béo phì cũng lười tập luyện, từ đó ảnh hưởng đến chiều cao hoặc dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính không lây sau này", GS Hương phân tích.
Thay đổi lối sống, chế độ ăn và hoạt động thể lực là nền tảng điều trị thừa cân, béo phì. Với người quá béo, một tháng không nên giảm quá 5kg, còn với những người BMI vượt qua 30 một chút thì hãy giảm dần dần. Đặc biệt, cần quan tâm giảm chu vi vòng eo hơn là chỉ giảm cân.
https://dantri.com.vn/suc-khoe/tphcm-cu-2-tre-co-1-tre-bi-thua-can-beo-phi-20230923085741807.htm