Trào lưu TikTok khiến hàng trăm nghìn ôtô ở Mỹ bị ăn trộm

MasterchiefsReborn

Senior Member
https://zingnews.vn/trao-luu-tiktok-khien-hang-tram-nghin-oto-o-my-bi-an-trom-post1412907.html

Chỉ một video hướng dẫn các bước khởi động chiếc Kia bằng cáp USB đã châm ngòi cho nạn trộm xe tăng vọt ở xứ cờ hoa. Chưa có giải pháp ngăn chặn nào thực sự hiệu quả cho đến nay.

Một buổi tối tháng 11/2022, khi mở cửa để nhận pizza được giao tới, Bria Jenkins bị sốc nặng trước cảnh tượng những mảnh kính vỡ vương vãi trên mặt đất, chiếc Kia Optima 2013 của cô “không cánh mà bay” ngay trước cửa nhà.

“Tôi bắt đầu hoảng sợ và tự hỏi mình có đang nằm mơ không”, cô nhớ lại.

Patti Lebeau-Chorn trải qua cơn ác mộng tương tự vào một buổi sáng tháng 8/2022. Cô đậu chiếc Kia Sorento 2015 tại bãi xe của sân golf trong khi làm tình nguyện ở Los Angeles. Khi trở ra, cô không thể tìm thấy ôtô của mình.

Lebeau-Chorn và Jenkins chỉ là 2 trong số rất nhiều nạn nhân của nạn trộm xe gia tăng chưa từng thấy tại các thành phố của Mỹ trong 2 năm qua, theo Insider.

Các vụ trộm xe hơi ở Milwaukee tăng gấp đôi kể từ năm 2020. Tại St. Louis, con số tăng vọt 157% từ nửa cuối năm 2021 đến nửa cuối 2022. Các khu vực đô thị lớn khác như New York , Chicago và Los Angeles cũng chứng kiến sự gia tăng tương tự.

Nguyên nhân được cho là trào lưu “Kia Challenge” trên TikTok. Xuất hiện lần đầu năm 2021 và phổ biến trở lại vào tháng 7/2022, nó chỉ cách chiếm đoạt một số mẫu xe Kia và Hyundai bằng cáp USB một cách dễ dàng.

Mặc dù video nhanh chóng bị gỡ xuống mỗi khi xuất hiện trở lại, thiệt hại có thể trông thấy: 70% xe bị đánh cắp ở Milwaukee năm 2022 và 50% tại Chicago năm nay là của 2 nhà sản xuất Hàn Quốc.

Tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức 2 công ty bảo hiểm ôtô lớn là State Farm và Progressive ngừng bảo hiểm cho các mẫu xe Kia và Hyundai bị bọn trộm nhắm tới. Hàng chục vụ kiện tập thể được đệ trình trên khắp nước Mỹ đang cố gắng buộc các nhà sản xuất đưa ra lệnh thu hồi hoặc khắc phục lỗ hổng của ôtô.

Thiếu an toàn

Video TikTok khơi mào cho thử thách, do người dùng @robbierayyy tạo ra, đã phơi bày lỗ hổng bảo mật trên các mẫu xe Kia từ 2011 đến 2021 và Hyundai từ 2015 đến 2021. Những chiếc ôtô này không có thiết bị cố định điện tử - thiết bị an toàn sử dụng một con chip duy nhất trong chìa khóa thông minh.

Xe hơi được trang bị công nghệ này không khởi động được trừ khi nhận ra chìa khóa chính xác, khiến việc đánh cắp trở nên khó hơn rất nhiều. Nếu không, bất kỳ ai cũng có thể gạt cần lái và cắm USB vào ổ điện trước khi lái đi.

Sự đơn giản của chiêu trò này đã dẫn đến sự gia tăng đột biến các vụ trộm xe.

Tại Seattle, các vụ đánh cắp ôtô Kia và Hyundai tăng lần lượt 363% và 503% từ năm 2021 đến 2022. Ở Chicago, 1.000 chiếc Kia bị đánh cắp chỉ trong tháng 10/2022. Tại Portland, Oregon, số lượng xe Kia bị đánh cắp tăng 916% từ tháng 1/2022 đến tháng 1/2023, trong khi ôtô Hyundai tăng 768%. Các sở cảnh sát Seattle và Los Angeles đều đưa ra cảnh báo liên quan đến thử thách của TikTok.

Để đối phó với làn sóng tội phạm, Kia đã bổ sung thiết bị cố định điện tử cho các mẫu xe năm 2022, còn Hyundai thêm từ tháng 11/2021. Cho đến nay, không có đợt thu hồi nào đối với các mẫu xe từng bị đánh cắp.

Nhiều người đặt câu hỏi vì sao ngay từ đầu, các công ty không trang bị tính năng tiêu chuẩn như vậy cho ôtô của mình. Năm 2015 , 96% xe của các nhà sản xuất khác có thiết bị cố định, nhưng chỉ 26% sản phẩm của Kia và Hyundai có, theo báo cáo của Highway Loss Data Institute.

Mỹ không bắt buộc sử dụng công nghệ này, nhưng thiết bị cố định điện tử phổ biến từ cuối những năm 1990, khi Liên minh châu Âu bắt buộc sử dụng chúng đối với tất cả ôtô mới được bán ở khu vực. Cả Kia và Hyundai đều không giải thích lý do.

Ann Davison, luật sư tại thành phố Seattle, thừa nhận vai trò của TikTok trong vấn nạn trộm cắp, nhưng đổ lỗi cho chính các công ty xe hơi.

“Điều thực sự xảy ra là Kia và Hyundai đã chọn cách cắt giảm chi phí cho những mẫu xe rẻ nhất của họ trong nhiều năm”.

Davison nằm trong số luật sư đệ đơn kiện tập thể chống lại các nhà sản xuất, nhiều vụ gần đây được hợp nhất thành một trường hợp ở California - nơi đặt trụ sở chính của 2 nhà sản xuất tại Mỹ.

Jonathan Michaels, luật sư tại MLG Attorneys at Law ở California, người đại diện cho Lebeau-Chorn, cho hay công ty của ông đã theo dõi tình hình kể từ khi “Kia Challenge” bùng nổ vào giữa năm 2022.

“Chúng tôi nghĩ 2 hãng xe này có thể thực hiện một số hành động khắc phục để ngăn chặn thiệt hại thêm bằng cách ban hành lệnh thu hồi những chiếc xe bị ảnh hưởng hoặc đề nghị bồi thường cho các nạn nhân. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi họ không làm như vậy”, ông nói.

Michaels cáo buộc rằng các nhà sản xuất đã không tiết lộ những chiếc xe thiếu thiết bị cố định, do đó trình bày sai về độ an toàn, dễ bị trộm và giá trị của xe đối với người tiêu dùng.

“Thực tế, đây chỉ là những chiếc xe được sản xuất rất rẻ. Mọi góc cạnh đều được cắt gọt để tiết kiệm từng đồng”.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Kia khẳng định các vụ kiện chống lại hãng của các thành phố là không có cơ sở. Tất cả phương tiện của họ đều phải tuân thủ đầy đủ quy tắc và quy định kiểm tra nghiêm ngặt được nêu trong Tiêu chuẩn An toàn Phương tiện Cơ giới Liên bang Mỹ.

Cả Kia và Hyundai đều nói rằng để đối phó với các vụ trộm cắp, họ đã giới thiệu bản nâng cấp phần mềm chống trộm miễn phí thông qua đại lý. Những mẫu xe bị kẻ trộm nhắm đến nhiều nhất được ưu tiên cải tiến.

Ác mộng

Hiệu ứng dây chuyền của “Kia Challenge” có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất, đặc biệt là khi State Farm và Progressive quyết định không viết chính sách bảo hiểm cho các mẫu xe dễ bị đánh cắp ở một số thành phố.

Theo Mark Friedlander, Giám đốc truyền thông doanh nghiệp của Insurance Information Institute, đó là động thái quan trọng.

“Họ đang tiến hành những bước độc đáo mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây”, ông nhận định, đồng thời nói thêm rằng Kia và Hyundai “cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề”.

Không chỉ bảo hiểm đang trở thành vấn đề. Andrea Amico, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Privacy4Cars, công ty giải quyết các vấn đề về quyền riêng tư dữ liệu ôtô, nói rằng các công ty khác đang thực hiện nhiều bước để tránh rủi ro.

“Có những gara từ chối cho những mẫu xe dễ bị đánh cắp vào vì lo ngại về trách nhiệm pháp lý nếu ôtô bị đánh cắp. Nếu mọi người không thể mua bảo hiểm cho xe của mình và không thể đỗ chúng, điều này sẽ ảnh hưởng lập tức đến giá trị của tài sản”, Amico nói.

May mắn cho các chủ sở hữu Kia và Hyundai, tình trạng thiếu xe để bán vẫn còn phổ biến, có nghĩa là giá trị của những chiếc xe không giảm quá nhiều bất chấp vấn đề trộm cắp. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi.

Venkatesh Prasad, Phó chủ tịch cấp cao về nghiên cứu tại Center for Automotive Research, nói rằng trong tương lai, các nhà sản xuất có thể sẽ cần phải suy nghĩ về việc một video lan truyền có thể vạch trần các lỗi sản phẩm nhanh như thế nào.

“Câu hỏi đặt ra là họ sẽ làm gì với sự phơi nhiễm đó”, ông nói.

Prasad nói rằng người tiêu dùng mong đợi các công ty đưa ra bản sửa lỗi ngay lập tức như nâng cấp phần cứng hoặc phần mềm. Tuy nhiên, những giải pháp này có thể đồng nghĩa với việc các vụ đột nhập sẽ trở nên tinh vi hơn. Bởi không giống các nhà sản xuất hệ thống bảo mật, thủ phạm có nhiều thời gian rảnh hơn và chia sẻ mánh khóe lên mạng xã hội.

“Đó là vấn đề mèo vờn chuột”, ông nói.

Rủi ro hoặc hậu quả lâu dài đối với các công ty, nếu có, có thể phụ thuộc vào kết quả của những vụ kiện. Cuối cùng, gánh nặng thực sự của vấn đề này sẽ không đổ lên đầu các ông lớn sản xuất ôtô toàn cầu mà chính là những người đang có cuộc sống bị gián đoạn.

5 ngày sau khi bị mất cắp ôtô, Lebeau-Chorn được cảnh sát thông báo chiếc xe đã được tìm thấy. Một người bạn chở cô đến bãi kéo, nơi cô tìm thấy tài sản của mình trong tình trạng tồi tàn.

“Đó là khoảng thời gian khủng khiếp đối với tôi”, cô nói.

Theo dữ liệu của cảnh sát và các báo cáo khác, hầu hết phương tiện bị đánh cắp đã được phục hồi. Những chiếc xe phần lớn còn nguyên vẹn, nhưng bị vứt ra bãi rác.

Sau khi xe của Jenkins bị đánh cắp, một thiết bị theo dõi bên trong đã dẫn cảnh sát đến nơi chiếc ôtô bị bỏ lại, cách nhà cô 14 phút di chuyển.

Để đưa xe về nhà, Jenkins phải sử dụng cách tương tự mà kẻ trộm đã sử dụng: bẻ khóa và dùng cáp USB để khởi động. May mắn thay, thiệt hại duy nhất là cửa sổ bị vỡ. Do không thể tìm được đồ thay thế ở Atlanta, cô phải lái xe 5 giờ để khắc phục.

Thủ phạm đứng sau các vụ trộm thường tự gọi mình trên TikTok là “Kia Boys”. Hành động này đã dẫn đến vài tai nạn chết người.

Vào tháng 10/2022, 4 thanh thiếu niên 14-17 tuổi thiệt mạng ở Buffalo (New York) sau khi chiếc Kia bị đánh cắp mà họ đang lái bị đâm. Tại Illinois vào tháng trước, 3 thiếu niên 13 tuổi bị bắt sau khi bị phát hiện trong chiếc Kia bị đánh cắp và đâm chết một người đàn ông 71 tuổi.

Xu hướng này đã trở thành gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng. Jenkins cho biết vụ trộm xe khiến cô mất khoảng 400 USD, số tiền mà cô dành dụm cho chuyến đi đặc biệt nhân dịp sinh nhật lần thứ 13 của con gái tới công viên giải trí. Cuối cùng, họ không thể đi được.

“Tôi rất tức phẫn nộ”, cô nói.

Mặc dù video gốc đã bị gỡ xuống, trào lưu hiện vẫn tồn tại và các vụ trộm vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.

.......
 
Thống kê đâu mà lều báo viết đc "hàng trăm nghìn" nhỉ?
Chắc lấy thông tin từ bọn Bảo hiểm
5RqFJEX.png
 
Thống kê đâu mà lều báo viết đc "hàng trăm nghìn" nhỉ?
Chính xác là "hàng trăm nghìn" chiếc xe có nguy cơ bị ăn trộm qua mồm bọn 9 điểm 3 môn Đông Lào thì thành "bị ăn trộm" :big_smile:

Giật thế thì nó mới kịch tính :haha:
 
Back
Top