'Trí tuệ nhân tạo' của cậu bé chăn bò

Build Back Better

Senior Member
Những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20, Ngô Ngọc Tri còn là một cậu bé chăn bò ở miền quê nghèo có ít người học lên ĐH mà nay đã 'làm chủ' được một trong những công nghệ 'hot' nhất: trí tuệ nhân tạo.
Tiến sĩ Ngô Ngọc Tri (38 tuổi) đã biến giấc mơ "phải thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu" của cậu bé chăn bò thành hiện thực.

Cậu bé chăn bò nuôi giấc mơ bước ra thế giới​

Tiến sĩ Ngô Ngọc Tri trở thành Phó trưởng khoa Khoa Quản lý dự án, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng năm 2021 khi mới 36 tuổi và từng được ĐH Quốc gia Singaporemời nghiên cứu và giảng dạy 2 năm liền và có rất nhiều công trình nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng. Không ai nghĩ tiến sĩ Ngô Ngọc Tri trong bộ đồ tinh tươm đứng trước hàng trăm sinh viên và những nhà nghiên cứu công nghệ đầu ngành từng là cậu bé chăn bò nghèo rớt.
'Trí tuệ nhân tạo' của cậu bé chăn bò  - ảnh 1
Không ai nghĩ tiến sĩ Ngô Ngọc Tri trong bộ đồ tinh tươm đứng trước hàng trăm sinh viên và những nhà nghiên cứu công nghệ đầu ngành từng là cậu bé chăn bò nghèo rớt
TRƯƠNG NGỌC SƠN
Nhà có 6 anh chị em, ba mẹ làm nông ở Tây Hoà, Phú Yên nên tuổi thơ của Tri là những ngày khá vất vả. "9 tuổi là tôi đã bắt đầu đi chăn bò và cắt cỏ ngoài giờ học để giúp ba mẹ. Vào các dịp hè của năm học THPT, tôi thường cùng mẹ đạp xe vào rừng hái củi và lột vỏ cây để mang về nấu nướng. Có những hôm xe bị hỏng do chở nhiều củi quá, 2 mẹ con đẫm mồ hôi vì phải dắt bộ suốt quãng đường dài. Thời điểm đó, vì còn quá nhỏ nên tôi chưa bao giờ hình dung mình sẽ đi ra khỏi miền quê nghèo khó này. Nhưng chính tuổi thơ cực khổ đã cho tôi một ý chí và kim chỉ nam để nuôi giấc mơ thoát khoải sự nghèo khó, lạc hậu. Mà muốn vậy chỉ còn một cách: học".
Chính tuổi thơ cực khổ đã cho tôi một ý chí và kim chỉ nam để nuôi giấc mơ thoát khoải sự nghèo khó, lạc hậu. Mà muốn vậy chỉ còn cách: học
Tiến sĩ Ngô Ngọc Tri
Năm 2003, sau khi thi ĐH ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, từ miền quê nghèo Phú Yên, Ngọc Tri bắt xe vào Nha Trang xin làm phụ hồ để nếu đậu thì có tiền nhập học, nếu rớt thì dùng tiền đó để ôn thi tiếp.

"21,5 điểm, đủ đậu. Cả xã lúc đó có 2 người đậu ĐH. Tôi nhớ 300.000 đồng phụ hồ đã giúp tôi đủ ăn suốt 1 tháng trời. Sau khi hết tiền, tôi chạy tới chợ hỏi cô hàng xén có gì làm không, cô chủ bảo chỉ cần con gái phụ, không cần con trai. Nhưng tôi lì lắm, cứ vài bữa lại ra hỏi cô, khiến cô thương tình nhận vào làm, trả mức lương đủ sống. Chỉ đến khi vô chuyên ngành, không có thời gian tôi mới nghỉ công việc làm thêm đó", tiến sĩ Tri kể lại.

Ngay sau khi tốt nghiệp ĐH, nhờ thành tích học tập xuất sắc và hoạt động năng nổ, Ngô Ngọc Tri được giữ lại Khoa Quản lý dự án của trường. Năm 2011, Tri nhận được học bổng thạc sĩ rồi tiếp tục học bổng tiến sĩ ngành quản lý xây dựng tại ĐH Khoa học và kỹ thuật quốc gia Đài Loan (Trung Quốc).

Đang chuẩn bị trở về trường thì Ngô Ngọc Tri được ĐH Quốc gia Singapore mời sang làm việc và nghiên cứu sau tiến sĩ do khi ở ĐH Khoa học và kỹ thuật quốc gia Đài Loan, Tri là nghiên cứu sinh vượt trội của trường. Được sự đồng ý của Khoa Quản lý dự án Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Tri sang ĐH Quốc gia Singapore làm việc trong 2 năm, mở ra cho mình thêm một cơ hội nâng cao chuyên môn mới để hành trang khi trở về dầy dặn kiến thức hơn.

Hiện nay tiến sĩ Tri đang giảng dạy bậc ĐH và cao học các chuyên đề liên quan đến quản lý dự án chuyên nghiệp PMP, mô hình hóa thông tin công trình BIM, kỹ thuật và tổ chức thi công công trình, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng và quản lý, tối ưu hóa trong xây dựng, quản lý chất lượng công trình. Mỗi năm tiến sĩ Tri đi dự hội thảo quốc tế trao đổi học thuật 1-2 lần, mới 37 tuổi đã có 35 bài báo khoa học, trong đó 20 bài báo quốc tế uy tín Q1, Q2 đứng tên tác giả chính.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực xây dựng

Sau nhiều năm học tập, nghiên cứu và được mời làm việc ở nước ngoài trong lĩnh vực mình theo đuổi, tiến sĩ Tri cho biết: "Tôi thấy nghiên cứu của trường ĐH ở các nước phát triển luôn có sự tham gia của doanh nghiệp. Họ cần những cái mới, dám chọn và chuyên sâu nghiên cứu, sẵn sàng đầu tư tiền của cho dự án, đầu tư phòng thí nghiệm cho các chuyên môn hẹp... Sự hợp tác giữa nhà khoa học với doanh nghiệp giúp giải quyết vấn đề chuyên sâu vừa có tính nghiên cứu vừa có tính ứng dụng cao, nên khoa học của họ rất phát triển".

'Trí tuệ nhân tạo' của cậu bé chăn bò  - ảnh 2
Tiến sĩ Ngô Ngọc Tri hiện là thành viên của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Network) và là một trong những nhà khoa học trẻ được đánh giá cao
PHẠM ANH ĐỨC
Trong suốt 8 năm ở nước ngoài, Ngô Ngọc Tri đã nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải quyết một số bài toán trong lĩnh vực xây dựng. Đồng thời, tiến sĩ Tri cũng có 2 năm nghiên cứu về công nghệ mô hình hóa thông tin công trình (BIM). Theo Tri, công nghệ BIM và trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng hiện còn đang rất mới, được quan tâm và dần phát triển ở Việt Nam.

Từ những kiến thức học được, khi về nước, tiến sĩ Ngô Ngọc Tri đã chủ nhiệm và thực hiện nhiều đề tài khoa học liên quan đến trí tuệ nhân tạo và công nghệ BIM hiện nay.

Tiến sĩ Ngô Ngọc Tri hiện là thành viên của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Network) và là một trong những nhà khoa học trẻ được đánh giá cao khi có nhiều dự án nghiên cứu quan trọng về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng, đồng thời được Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng tặng bằng khen 3 lần vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học và công nghệ.

https://m.thanhnien.vn/tri-tue-nhan-tao-cua-cau-be-chan-bo-post1543793.html
 
Back
Top