Bộ thương mại Trung Quốc tối hôm thứ 3 theo giờ Việt Nam đã công bố những quy định cấm vận xuất khẩu đất hiếm mới áp dụng đối với các công ty của Mỹ, để trả đũa việc bộ thương mại Mỹ đưa thêm 140 công ty và tổ chức vào danh sách quản lý nhập khẩu sản phẩm cũng như công cụ gia công bán dẫn.
Cụ thể hơn, những nguyên tố đất hiếm vô cùng quan trọng trong ngành bán dẫn nói riêng và công nghệ nói chung, bao gồm gallium, germanium, antimony của Trung Quốc đều đã có quy chế mới, cấm xuất khẩu cho bất kỳ đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức nào ở Mỹ. Cùng lúc, cũng sẽ có những quy chế thắt chặt việc xuất khẩu than chì, thứ nguyên liệu quan trọng trong ngành sản xuất pin ô tô điện.
Trong tuyên bố chính thức, bộ thương mại Trung Quốc cáo buộc phía Mỹ “lợi dụng để giới hạn xuất khẩu thương mại và công nghệ” dưới vỏ bọc “an ninh quốc gia.” Chỉ mới hôm thứ 2 vừa rồi, bộ thương mại Mỹ đã đưa cả trăm doanh nghiệp và tổ chức, trong đó bao gồm cả những cái tên sản xuất thiết bị gia công bán dẫn và công nghệ bán dẫn có trụ sở tại Malaysia và Singapore vào danh sách đen, vì họ cho rằng những cái tên này thực sự có liên quan và đóng vai trò quan trọng đối với tham vọng tự chủ công nghệ bán dẫn của Trung Quốc.
Người phát ngôn bộ thương mại Trung Quốc tuyên bố: “Để bảo vệ an ninh quốc gia, Trung Quốc đã đưa ra quyết định thắt chặt quy định xuất khẩu những sản phẩm phục vụ cả dân sự lẫn quân sự vào Mỹ.” Quyết định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Đồng thời, cả bốn hiệp hội đại diện cho bốn ngành công nghiệp ở Trung Quốc, bao gồm internet, xe hơi, chip bán dẫn và thiết bị viễn thông đã có phản ứng trước quy định mới từ chính phủ nước này. Hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc đưa ra tuyên bố chính thức: “Những sản phẩm chip bán dẫn của Mỹ không còn an toàn để nhập khẩu nữa, và những ngành có liên quan tại Trung Quốc nên cẩn trọng trong quá trình đặt mua chip xử lý của Mỹ.”
Không chỉ dùng trong ngành bán dẫn, sản xuất thiết bị liên lạc viễn thông, mà những nguyên liệu vừa bị Trung Quốc áp dụng quy định thắt chặt xuất khẩu mới còn có thể được dùng trong quá trình sản xuất hàng hóa quân sự, chẳng hạn những đầu đạn phá giáp.
Trước đó, Trung Quốc vốn đã có những quy định kiểm soát xuất khẩu đất hiếm và những nguyên liệu dùng trong cả những ngành dân sự và quân sự đối với Mỹ và những quốc gia đồng minh. Hệ quả là ở châu Âu, giá nhập đầu vào những nguyên liệu như gallium hay germanium đã tăng gần gấp đôi.
Theo các nhà quan sát, việc cấm xuất khẩu đất hiếm sang Trung Quốc cho thấy chính quyền chủ tịch Tập Cận Bình sẵn sàng nhắm vào lợi ích kinh tế của các quốc gia phương Tây để trả đũa những quy định cấm vận bán dẫn mà chính quyền Mỹ áp dụng đối với nước này.
Scott Kennedy, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc tại think tank CSIS, có trụ sở tại Washington cho rằng: “Trung Quốc trước đó đã đi đến kết luận rằng việc kiềm chế những hành động trả đũa sẽ làm giảm tốc độ họ bị cách ly với công nghệ của Mỹ. Nhưng bây giờ họ nhận ra rằng, kiềm chế sẽ chỉ đơn giản khiến phương Tây có những động thái mạnh mẽ hơn trong việc trừng phạt và cấm vận, họ phải có những hành động phản ứng lại để khiến phía Mỹ nhận ra chi phí của việc cấm vận họ.”
Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ cho biết vẫn đang tính toán tác động của quy định cấm xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc. Họ cho biết sẽ có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động, và để khiến phía Trung Quốc không có thêm những động thái mới. Người phát ngôn của hội đồng cho biết: “Những quy định cấm xuất khẩu mới chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khác để giảm nguy cơ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng những nguyên vật liệu quan trọng, đem chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.”
Những chuyên gia về vấn đề Trung Quốc ở Mỹ đang chờ đợi xem phía Bắc Kinh có những hành động mới để trả đũa quy định cấm vận bán dẫn do bộ thương mại Mỹ đưa ra hay không. Wendy Cutler, chuyên gia thương mại tại Asia Society Policy Institute cho rằng: “Đây là dấu hiệu để chính quyền tổng thống Trump nhận ra rằng Trung Quốc sẵn sàng phản hồi bằng những hình thức trả đũa.”
Cô Cutler đưa ra quan điểm cho rằng tác động trực tiếp của quy định cấm xuất khẩu đất hiếm mới này chưa rõ ràng, vì phía Mỹ ngay từ thời điểm hiện tại vốn đã đang trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng những nguyên liệu đất hiếm quan trọng đối với nhiều ngành sản xuất, cả dân sự lẫn quân sự. Tuy nhiên, “họ có thể đưa thêm nhiều sản phẩm và nguyên liệu khác vào danh sách cấm xuất khẩu, từ đó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với Mỹ.”
Ngay từ hồi đầu năm 2024, Trung Quốc đã có những động thái đe dọa áp dụng kiểm soát xuất khẩu những nguyên liệu đất hiếm quan trọng sang Nhật Bản, nếu chính quyền Tokyo chấp nhận những quy định kiểm soát xuất khẩu bán dẫn do phía Mỹ đưa ra. Theo US Geological Survey, Trung Quốc hiện tại đang sản xuất tới 98% tổng sản lượng gallium, 60% tổng sản lượng germanium toàn cầu.
Sau khi phía Mỹ đưa ra quy định cấm vận không cho phép nhiều công ty và đơn vị nhập khẩu công cụ gia công bán dẫn và những con chip HBM công nghệ cao, thứ quan trọng trong quá trình sản xuất những GPU xử lý AI trong máy chủ đám mây, các nhà phân tích tại Bernstein cho rằng, điều này không tạo ra tác động nghiêm trọng như lo ngại. Thực tế thì những tập đoàn bán dẫn Nhật Bản sẽ được hưởng lợi từ những quy định mới của phía Mỹ. Những đơn vị như Tokyo Electron, Disco Corp hay Lasertec đều có giá cổ phiếu tăng ngay trong ngày thứ 3 3/12 vừa rồi, sau khi phía Mỹ chính thức công bố quy định cấm vận mới đối với Trung Quốc.
Trong số 136 công ty Trung Quốc mới bị đưa vào danh sách đen, có cả nhà cung cấp linh kiện Wingtech, đối tác của Apple và Samsung. Trong thời gian qua, Wingtech đã cố gắng mua những thiết bị gia công bán dẫn của phương Tây. Kể từ năm 2018, Wingtech đã bỏ ra hơn 4 tỷ USD mua lại tập đoàn nghiên cứu bán dẫn Nexperia của Hà Lan. Rồi sau đó họ cố mua lại Newport Wafer Fab, nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Anh Quốc, nhưng bị chính quyền nước này chặn thương vụ sáp nhập.
Wingtech trước đó đã mua lại một đơn vị phát triển module camera, là đối tác trong chuỗi cung ứng của Apple, từ tay một tập đoàn Trung Quốc, sau khi tập đoàn này bị đưa vào danh sách cấm vận hồi năm 2020 cùng với Huawei.
Giám đốc tại một đơn vị Trung Quốc bị phía Mỹ đưa vào danh sách cấm vận cho biết: “Các công ty phương Tây không đặt hàng sản phẩm của chúng tôi nữa. Trong vòng 2 năm vừa rồi, cơ bản là chúng tôi đã dừng tăng trưởng.”
Charlie Chai của 86Research cho rằng, Wingtech có thể sẽ bị chia tách nếu cần thiết để duy trì hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài. Ông này cho rằng những biện pháp cấm vận mới nhất của Mỹ đã đóng những lỗ hổng tồn tại trước đó, khiến các công ty chip Trung Quốc khó có thể tận dụng để nhập khẩu thiết bị gia công bán dẫn từ nước ngoài hơn: “Đây là trò mèo vờn chuột kinh điển, nhưng không gian để các công ty Trung Quốc xoay sở đang càng lúc càng thu hẹp lại.”