Truyện ma hồi nhỏ: Bảy Cô Đào Hát

Tôi sinh ra và lớn khôn trong vòng tay gia đình, có ba mẹ và bà nội. Tuổi thơ tôi không như những đứa trẻ khác, bị xa lánh và hắt hủi mà không biết vì đâu. Mãi đến sau này, khi tôi chuẩn bị xa nhà và bà nội đã già yếu, những câu chuyện về năm tháng tôi đầu đời mới được bà kể lại.

Hồi nhỏ tôi được nghe bà kể cổ tích và những mảnh chuyện thời xưa cũ. Nhưng những năm tháng cuối đời, bà kể tôi nghe toàn là chuyện tâm linh, bà gọi đó là sự thật và muốn tôi hiểu vì sao gia đình lại giấu tôi nhiều thứ. Và cũng vì sự thật này, tôi mới biết bà đã sống một cuộc đời đau khổ như thế nào.

Câu chuyện này tôi kể lại theo ngôi thứ nhất, dựa vào những gì bà kể lại. Nên các bạn đừng ngạc nhiên khi vì sao một đứa vài tuổi lại nhớ rõ từng chi tiết như vậy. Tuy nhiên, có những thứ mình nhìn thấy và cả đời cũng không quên được.


TIỀN TRUYỆN

Chap 1

30 năm về trước…

Ngày đó quê tôi yên bình như bao nhiêu làng quê miền Nam khác, những căn nhà mái lá rải rác dọc theo hai bên đường rợp bóng dừa và cây ăn trái. Chỉ có điều xã tôi ở là một nơi sát biển, nên ngoài ruộng lúa vườn cây còn có những con đường đắp bằng đất sét hướng ra biển.

Cha kể lại, đêm tôi sinh ra đời, mặt trăng tròn và to lắm. Con đường từ nhà đến chỗ bà mụ thường ngày tối thui, nay được trăng soi rọi không cần cầm theo đèn dầu. Ba và dì tôi đưa mẹ đến nhà bà mụ để đỡ đẻ từ lúc mười giờ đêm, đến đúng ba giờ thì tiếng khóc đầu tiên của tôi cất lên.

Bà mụ ở quê tôi là những người phụ nữ có kinh nghiệm đỡ đẻ, thường là truyền từ đời này sang đời khác, không nhất thiết phải học qua trường lớp. Ở quê đa số người dân đều nghèo, điều kiện đi lại khó khăn, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Giữa việc tốn tiền nhiều đi bệnh viện huyện cách chừng 20 cây số và bà mụ, thông thường người ta chọn phương án dễ hơn.

Thường thì mỗi xã chỉ có một bà mụ, nên chúng tôi tuy cha mẹ khác nhau nhưng đều chung một bà mụ đỡ ra lúc lọt lòng. Ngày trước người ta coi đó là một nghề kiếm sống khá ổn, nhưng không phải ai cũng làm được. Lí do là đôi khi có những ca sinh khó hoặc thai yếu, bà mụ chính là người đưa những bào thai xấu số đó ra ngoài, gói ghém cẩn thận rồi chôn cất. Nhưng cũng có những bà mụ làm việc qua loa, gom một mớ máu mủ cùng thai nhi đổ ra một cái hố tự đào rồi lấp lại.

Chị gái tôi cũng mất trên tay bà mụ lúc vừa ra đời, mẹ tôi vì mệt và thương con, đã không nén được cú sốc rồi ngất ngay trên giường sinh. May mắn cho chị là gia đình tôi nhận chị về, chôn cất đàng hoàng và làm một cái mả nhỏ ngay bên cạnh mộ ông nội.

Tôi còn một người anh trai, nhưng cũng mất lúc lên 6 tuổi do sốt xuất huyết. Chính vì hai đứa con đầu lòng yểu mệnh, nên khi tôi ra đời, cha mẹ ngày đêm kề cận, không muốn chuyện đau thương lặp lại lần nữa.

Thể chất tôi bẩm sinh yếu ớt, lại sinh ra vào ngày giờ âm, đúng lúc trăng sáng nhất, người ta hay nói sinh vào ngày khí âm nhiều khiến con nít nhẹ thì khó ăn khó ngủ, nặng thì có ngày chết yểu nên cha mẹ tôi lo lắng không thôi. Chưa nói tới việc mất hai đứa con trước, bậc cha mẹ nào cũng khó yên lòng khi con trai mình với thể trạng không ổn như vậy.

Lúc tôi tròn 6 tháng, ba mẹ gom tiền dành dụm cực khổ đưa tôi ra huyện, tìm bác sĩ giỏi để khám xem có bệnh gì nặng ảnh hưởng tới thể chất hay không, kết quả vẫn không có gì đáng kể, bác sĩ chỉ kê cho tôi một vài liều thuốc bổ. Bình thường bác sĩ khám không có bệnh là chuyện đáng mừng, nhưng mẹ tôi vẫn linh tính rằng mọi chuyện không đơn giản như thế.

Chính vì những mối lo vô hình, không rõ ràng như vậy, mẹ tôi ốm đi thấy rõ. Ba tôi thương vợ, thương con, thấy không đành lòng nên tìm nhiều nơi, gõ cửa nhiều thầy lang nhưng tất cả đều nói rằng do thể chất tôi không bằng người khác.

Không khí nặng nề đó bao trùm căn nhà ba người thêm vài tháng, cho đến ngày thôi nôi của tôi. Ba mẹ tổ chức một bữa tiệc nhỏ theo truyền thống quê nhà. Ngoài phần làm mâm cúng ông bà, đất đai, cửu huyền thất tổ, đám thôi nôi quê tôi thường có phần cho đứa bé chọn món đồ tương lai.

Những món đó thông thường là một cái lược, một cây viết, một cuốn vở, một tờ tiền,… Người quê tôi quan niệm nếu đứa nhỏ lấy cái lược thì sau này sẽ thích ăn vận chải chuốt, ngụ ý là thích sửa soạn, làm đẹp. Nếu lấy cuốn vở hay cây viết thì sau này học hành thành tài, theo đường tri thức, còn lấy tờ tiền thì mặc nhiên sẽ thiên phú làm ăn có nhiều của cải.

Ngày hôm đó cả gia đình đều trông chờ xem tôi chọn cái gì, nhưng hồi lâu vẫn thấy tôi ngồi im một chỗ, đôi mắt liếc ngang liếc dọc như tìm kiếm một món đồ khác. Khi mọi người dần trở nên sốt ruột thì tôi đưa tay chỉ về hướng lư hương đang bày cúng trên chiếc bàn dài giữa nhà. Khỏi phải nói, cả gia đình tôi đều cảm thấy quái lạ, cái thằng nhỏ này nó đang muốn lấy cái gì vậy?

Trong khi mọi người còn chưa định hình chuyện gì đang xảy ra, tôi làm thêm một động tác khiến tất cả trở nên im lặng:

- Nhang, cây nhang! Tôi bập bẹ nói thành tiếng.

- Con nói gì??? Nói lại mẹ nghe! Mẹ tôi sửng sốt.

- Nhang, cây nhang! Tôi vẫn chỉ tay về hướng cái lư hương có cắm mấy cây nhang đang toả khói trắng đục.

- Con lấy cây nhang hả? Ba tôi lên tiếng.

- Dạ, nhang! Tôi nói với giọng bập bẹ.

- Con lựa mấy cái này nè, cây nhang không chơi được. Ba tôi cố gắng đánh lạc hướng tôi. Dù gì xưa nay không có đứa con nít nào đòi lấy cây nhang trong ngày thôi nôi hết.

- Cây nhang!!!! Tôi nói xong thì oà khóc, tiếng khóc lớn đến nỗi người đi ngoài đường còn nghe được.

Mẹ tôi là người sốc nhất từ nãy giờ, bà chỉ nói một câu rồi im lặng. Bà biết tôi từ lúc sinh ra đến ngày thôi nôi chưa từng nói được chữ nào. Không chỉ thể trạng yếu, tôi ngoài việc ăn ngủ mỗi ngày thì chỉ quấy khóc.

Linh tính lại mách bảo cho mẹ tôi biết rằng có lẽ bà đã sinh ra một thứ khác người. Trong lúc ba và mọi người dỗ tôi nín khóc, mẹ đứng dậy đi đến bàn thờ rồi rút ra một cây nhang còn mới, quay lại đưa cho tôi. Đôi mắt mẹ hiện rõ sự lo âu và chút ngấn lệ, một cảm giác bối rối khó nói thành lời đang bám lấy mẹ tôi.

Tôi cầm lấy nhang thật nhanh rồi ôm vào lòng, sau đó ngã ra giường ngủ, miệng nở nụ cười mãn nguyện. Ban đầu mọi người tưởng tôi trúng gió nên ngất đi, nhưng sau khi nhìn thấy nụ cười và hình ảnh tôi ôm cây nhang ngủ ngon lành, tất cả mới tạm yên tâm.

Kể từ ngày đó, tiếng đồn đứa nhỏ ôm cây nhang ngủ trong ngày thôi nôi truyền đi nhanh chóng. Đa số là những tiếng đồn không mấy thiện lành, trong đó có người còn gọi tôi là đứa con của cõi âm. Những lời bàn ra tán vào chẳng mấy chốc đã tới tai gia đình tôi, ba mẹ vì thế mà càng thêm rầu rĩ.
Chap 2

Đó là những lời đồn của người ngoài, nhưng nghĩ kĩ lại thì không phải là không có căn cứ. Ngay cả ba mẹ và những người trong nhà cũng khó lí giải những điều kì lạ về đứa con vừa tròn một tuổi. Bà nội tôi là người lớn tuổi nhất trong nhà, sau nhiều ngày chứng kiến ba mẹ tôi lo lắng, một hôm gọi hai người lại rồi nói:

- Khó khăn lắm mới có một đứa con trai, nó lại là cháu đích tôn trong nhà mình. Hai đứa lo, mẹ cũng đâu có ngủ yên. Thôi thì lâu nay mình đi hỏi thầy thuốc không được, giờ mình thử hỏi thầy pháp coi sao. Nghe nói nhà ông Yên trên ấp ba cũng có đứa cháu sinh ra không ổn lắm, đi gặp thầy gỡ vong giờ nó lớn nhanh khoẻ mạnh như bình thường.

- Mẹ, mẹ đừng nói vậy, con trai con sinh ra sao có chuyện ma quỷ, vong ám được. Ba tôi tỏ ra khó chịu khi nghe bà nội đề nghị. Bình thường ông cũng ít khi tin vào tâm linh.

- Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Ông bà mình xưa có nói, con người có hai lúc đối diện ma quỷ nhiều nhất: một là lúc sinh ra, hai là khi mất đi. Lúc vợ con sinh thằng Lâm là vào ban đêm, giờ nó ra đời là giờ âm, người bình thường cũng biết đó là lúc âm hồn dễ xuất hiện nhất. Bị bệnh thì khám bác sĩ, có chuyện tâm linh thì phải tìm thầy.

- Nhưng chuyện này mà đồn ra ngoài thì người ta lại có cớ nói ra nói vào. Ba tôi vẫn không muốn làm theo bà nội.

- Trước giờ không phải đã đồn rồi hả? Mẹ tôi im lặng từ nãy, giờ mới lên tiếng. Câu nói bất ngờ và có phần nặng nề khiến ba và bà nội nhìn mẹ tôi chằm chằm.

- Vợ con nói đúng đó, người ta đã đồn thì cứ để người ta đồn, bây giờ phải giải quyết cho xong chuyện này. Trước là để cháu nội của mẹ yên ổn, sau là người ta cũng không có cớ gì để bàn tán tiếp.

Ba mẹ tôi suy nghĩ hồi lâu rồi cùng nói: “ Thôi cứ theo ý mẹ!”

Theo chỉ dẫn của bà nội, ba mẹ tôi tìm đến nhà ông Yên rồi từ đó tìm đến nhà thầy pháp đã trừ vong cho gia đình ổng. Hai người men theo một trong những con đường đất sét hướng ra biển, xung quanh là cánh đồng muối rộng bao la, thỉnh thoảng cả hai phải đi qua một cây cầu khỉ bắc ngang con lạch. Con đường này ba tôi đã đi hàng trăm lần trong những chuyến đi bắt nghêu cùng xóm, nhưng chưa bao giờ rẽ vào con đường nhỏ dẫn đến nhà ông thầy pháp.

Hai người đi từ sáng đến xế chiều mới về đến nhà, gương mặt không giấu nổi vẻ thất vọng. Bà nội ẵm tôi ngồi trên võng, thấy hai người con quay về thì hỏi ngay:

- Sao rồi con?

- Ông thầy chết rồi mẹ! Ba tôi trả lời.

- Sao kì vậy? Chết hồi nào sao mẹ không nghe ai nói?

- Con ra tới nhà thì thấy cửa đóng im lìm, sân toàn là lá đước với mắm khô, nhìn qua cái cửa sổ thì thấy bàn thờ ổng, con nghĩ chết không lâu, tại vì bàn thờ vẫn còn để nhiều đồ cúng còn mới.

Ba mẹ tôi không về ngay mà dò la những người gần đó, mới biết ông thầy pháp mới qua đời cách đó chưa tới một tháng, mà cái chết của ông theo cách không hề bình thường.

Ông sống một mình, nhà hẻo lánh mà công việc lại đặc biệt nên người ta hay để ý. Bình thường mỗi buổi sáng ông hay đi bộ vào xóm trong để mua bánh về uống trà. Năm thì mười họa ông mới vắng mặt một hai ngày vì có việc đi sớm hoặc bị bệnh cảm ho bình thường. Nhưng lần này cả một tuần không thấy ông vào mua bánh, mấy bà cô bán hàng ở chợ trong lúc tám chuyện với nhau vô tình buộc miệng:

- Mấy bữa nay không thấy ông thầy Tám vô đây mua bánh, cũng không thấy ổng đi ngang, sao tui cứ cảm thấy bồn chồn, hay là ổng có bị gì không?

Ngay trong chiều hôm đó, khi chợ bắt đầu tan dần thì có một người lưới cá hớt hải chạy vào báo với mọi người:

- Ông thầy Tám ổng chết rồi, chết dưới lạch, chết dưới lạch!

Một nhóm người trong chợ chạy ra theo hướng người lưới cá chỉ, khi đến nơi đã thấy vài người đứng trên bờ chỉ trỏ. Bên dưới lúc này nước ròng đã rút đi rất nhiều, để lộ ông thầy Tám ở giữa lòng con lạch. Không ai biết ông ấy chết bao lâu, nhưng màu da chuyển sang màu tím như bị bầm mà không có dấu hiệu thối rữa.

Nhưng điều đáng sợ là ông ấy lại chết trong tư thế ngồi, hai tay chắp lại như đang tụng niệm còn gương mặt như sợ hãi điều gì, hai mắt và miệng mở lớn, bên trong toàn bùn sình đang từ từ trào ra. Ngay cả người to gan lớn mật nhất trong xóm cũng cảm thấy lạnh người khi thấy cảnh đó.

Cơ quan điều tra nhanh chóng có mặt nhưng không thu được kết quả nào đáng kể, cái chết của ông thầy tạm hiểu là chết đuối.

Những người trong xóm chung tay làm cho thầy một cái đám tang đơn giản, trong số này có nhiều người từng được thầy giúp đỡ, tỏ ra vô cùng đau xót. Không ai nói với ai, nhưng tất cả đều không nghĩ rằng đây là một vụ chết đuối bình thường.
Chap 3
Bà nội tôi nghe mà bần thần cả người, một là vì nghe câu chuyện kỳ lạ của thầy Tám, hai là không biết tìm ai để giải thích trường hợp của tôi. Ba người lớn trong nhà cùng nhìn vào một đứa nhỏ, không một ai giấu được ánh mắt lo âu. Bà nội còn lén tiếng thở dài một cái, đêm đó cứ nghe tiếng bà lục đục trở mình không ngủ được.

Gia đình tôi chấp nhận sống với sự lo âu đó trong một thời gian dài nữa, xung quanh vẫn là những lời đồn thổi xuất hiện ngày càng nhiều.

Vậy mà thời gian thoi đưa, ròng rã năm năm, ba mẹ đi làm thuê mỗi ngày, tôi ở nhà với bà nội, sinh hoạt của hai bà cháu chỉ quanh quẩn trong nhà và khoảng sân nhỏ đằng trước.

Hầu như rất ít đứa con nít trong xóm muốn chơi chung với tôi do ba mẹ tụi nó không cho phép. Chỉ duy nhất thằng Tí ở xóm trên, ba mẹ nó đi làm chung với ba tôi, nhà không có ai nên hay đi ngang và gửi nó cho bà nội trông chừng. Ba Tí hay nói:

- Ai sợ thì sợ, chứ thằng Lâm nó như con cháu tui, nó vẫn lớn khỏe bình thường mà, có thằng Tí cho có anh có em, chơi chung vui hơn.

Mỗi khi có thêm thằng Tí, bà nội hay dẫn hai đứa ra sau nhà, nơi có rất nhiều ruộng muối, ngồi hóng mát. Tôi rất thích chơi đuổi nhau với Tí trên bờ đê cạnh ruộng muối, nơi có nhiều bụi cỏ lau ngả nghiêng trong gió. Mãi đến sau này, tôi vẫn chưa bao giờ tìm lại những ngọn gió mát như dạo đó.

Bờ đê với bụi cỏ lau mát mẻ đó không chỉ có tôi và Tí, đám con nít trong xóm vẫn hay ra đó bẻ cỏ lau về chơi nhà chòi. Một hôm, cả đám con nít tập trung lại chỗ ruộng muối cũ rồi túa ra đi bẻ cỏ lau về chơi như cũ, thằng Được lớn nhất trong đám nói “Đứa nào xây nhà bự nhất là thắng nghen!”

Tôi cũng muốn ra chơi chung nhưng chẳng đứa nào quan tâm, hình như đã thành quen. Hôm đó Tí không có ghé chơi, nên tôi chỉ biết ngồi trên bờ ao nhà mình mà nhìn từ xa thèm thuồng.

Cả đám con nít nhanh nhẹn bẻ hết cỏ lau ở bờ kênh nhưng vẫn không đủ, vì đứa nào cũng muốn làm cái chòi thiệt lớn. Thằng Được là đứa tham nhất, dù đã bẻ được khá nhiều nhưng nó vẫn nhìn quanh để tìm thêm. Một lát sau, xem chừng đã nhắm được địa điểm, nó chạy qua miếng đất hoang bên kia bờ kênh, nơi có rất nhiều cỏ lau đang ra hoa.

Mấy đứa còn lại cũng nhanh chân chạy theo, chỉ còn lại mấy đứa ngồi canh đống cỏ lau đã bẻ. Chừng mười phút, tụi thằng Được quay lại, hả hê với đống cỏ lau trên tay. Mảnh đất phía bên kia sau khi tụi nó rời đi đã mất một mảng lớn, nhưng từ xa tôi nhìn thấy một ụ đất hiện ra như tổ mối. Có lần ba chở tôi đi chơi, ngang mấy ụ mối lớn cạnh ngôi trường làng nên tôi đoán vậy.

Nhóm thằng Được nhanh tay đựng nhà chòi, đứa nào cũng muốn làm nhanh hơn, vừa cười vừa nói. Thằng Được là đứa thông minh lại háo thắng, nó nhanh chóng nhận ra mình chưa có đủ cỏ lau nên giao cho hai đứa còn lại trong nhóm làm nhà chòi, còn mình thì chạy sang bên kia tiếp tục lấy thêm cỏ.

Đang gấp gáp, thằng Được vấp cái ụ mối bên kia té xuống, cái thân hình mập ú của nó ngã xuống làm tôi ngồi bên này thấy mà đau giùm. Mấy đứa còn lại thấy vậy reo lên chọc quê thằng Được làm nó tức tím cả mặt. Thằng Được quay lại đạp mạnh vào cái ụ mối cho hả giận, sau đó vội vàng bẻ mớ cỏ lau rồi quay lại.

Dĩ nhiên hôm đó thằng Được làm được cái nhà chòi lớn nhất, nó vênh mặt với đám bạn ra vẻ ta đây. Nhưng trời lúc này đã về chiều, ba mẹ tụi nó kêu í ới “Về ăn cơm”, cả đám đành để lại mấy cái nhà chòi rồi lủi thủi về nhà. Thằng Được đang trong tâm trạng kẻ chiến thắng, ra lệnh:

- Ngày mai tụi mình xây tiếp, ruộng muối này không có ai làm đâu, để xây thành xóm chòi, qua tháng tới trung thu tụi mình xách đèn lồng ra đây chơi luôn.

Hết cái để xem, tôi cầm cái ghế nhỏ đi vào nhà, bất giác tôi quay đầu nhìn sang cái ụ mối bên kia đê, lúc nãy thằng Được đạp vào một cái thật mạnh làm nó bể vụn. Nhưng tôi ngạc nhiên vì cái ụ mối vẫn còn nguyên ở đó, bây giờ có phần nhô cao hơn. Tôi dụi mắt nhìn lại lần nữa thì thấy nó đang bể như bình thường, trời lúc này đã gần sập tối, chắc là mắt tôi bị mờ chút thôi.
Chap 4
Khi tôi lên bốn tuổi, cả xóm mới có điện kéo về tận nhà. Hai năm trôi qua, số nhà có điện bây giờ đã hơn một nửa, nhưng thời này sau bữa cơm chiều thì đa số mọi người ngồi uống trà, nghe radio rồi đi ngủ, cuộc sống làng quê vẫn yên bình như thế.

Thỉnh thoảng trong năm sẽ có gánh hát về biểu diễn ở sân banh gần trung tâm xã, nhưng nhà tôi lại hiếm khi đi dù hàng ngày vẫn nghe cải lương trên radio. Điều này đến từ bà nội, bà không cấm nhưng hễ ba mẹ tôi đi coi hát về là bà lại không thèm nói chuyện bỏ ăn rồi tự nhốt mình trong phòng. Lâu dần ba mẹ tôi cũng không muốn đi coi hát dù rất mê.

Lần này cũng vậy, sau bữa cơm chiều thì xung quanh xóm đã í ới gọi nhau đạp xe lên sân banh coi hát, còn nhà tôi vẫn im lìm uống trà và nghe radio. Ba nói khi nào để dành tiền đủ sẽ mua cho nhà mình một cái truyền hình và đầu băng, mướn mấy cuốn cải lương về cho cả nhà coi, khỏi phải đạp xe mệt. Bà nội không phản đối gì, vì bà chỉ không thích nhà tôi đi xem gánh hát mà thôi.

Sau một hồi í ới gọi nhau, những người coi hát đã đi xa, sự yên tĩnh của xóm tôi đã quay trở lại. Trong lúc cả nhà chuẩn bị giăng mùng đi ngủ thì nghe tiếng mẹ thằng Được gọi lớn:

- Được ơi, Được! Mày đâu rồi Được!

Mẹ thằng Được, tôi vẫn gọi là dì ba, bán cá ở chợ, nên tiếng gọi của dì trong đêm vắng vang động cả dãy nhà. Nhưng không ai có động tĩnh gì vì đây là chuyện thường tình, thằng Được vốn ham chơi nên mẹ nó hay đi tìm kiểu này.

Nhưng độ chừng nửa tiếng sau, tiếng kêu của dì ba vẫn vang vang trong xóm. Lúc này ba mẹ tôi và mọi người mới mở cửa bước ra hỏi:

- Chưa kiếm được nó hả chị ba?

- Chưa luôn chú, ăn cơm xong nó kêu qua nhà anh hai nó chơi mà nãy giờ không thấy về.

- Hay là nó theo người lớn đi coi hát rồi?

- Nãy ông ngoại nó đi coi hát, hỏi nó đi theo chơi không mà nó đâu chịu, nên ổng mới đi một mình.

- Thôi để tụi tui đi kiếm phụ chị, tối rồi!

Nói vậy ba tôi cùng một vài người trong xóm tản ra đi tìm thằng Được, xóm tôi không lớn lắm, mẹ nó gọi nãy giờ chắc chắn nó phải nghe, nó có thể đi đâu được chứ?

Thêm nửa tiếng nữa trôi qua, ba tôi và mọi người quay về, tập trung phía trước, không ai tìm được thằng Được. Dì ba lúc này đã lo lắng đến mắt rưng rưng, mọi người cũng cảm thấy bất an dần. Mẹ dẫn tôi ra trước hàng rào nghe ngóng tình hình, bất chợt tôi lóe lên một suy nghĩ rồi nói:

- Có khi nào thằng Được nó ra ngoài nhà chòi không?

Mọi người cùng nhìn về tôi, rồi nhìn nhau, phải rồi, nãy giờ mọi người chỉ tìm nó ở phía trước dãy nhà, qua xóm bên cạnh mà không ai tìm ở dãy ruộng muối sau nhà, có khi nào nó ham làm nhà chòi quá, ra đó chơi hay không?

- Vậy sao kêu nãy giờ nó không lên tiếng? Dì ba tự hỏi.

- Chắc nó chơi xong ngủ quên ngoài đó, thôi mình ra đó tìm coi sao. Mọi người đặt giả thuyết.

Một đứa nhỏ đêm hôm không ngủ, lại ra nhà chòi ở ruộng muối cũ, nghe cũng lạ lùng. Nhưng đó vẫn là một cách để tìm thằng Được, mọi người không quan tâm nhiều mà cùng nhau đi ra ruộng muối. Mẹ cõng tôi đi theo, dù sao tôi vẫn biết chỗ tụi nó chơi chiều nay, biết đâu lại hỏi được gì đó.

Men theo bờ đê sau nhà, mọi người đi theo ánh đèn pin và đèn soi ếch đến chỗ ruộng muối cũ. Trên đường đi mẹ mới nói tôi biết đây là khu đất của bà mụ đỡ đẻ, trước đây làm muối nhưng từ khi chồng bà qua đời thì để đó cho thuê, hai năm nay thì bỏ hoang phế vì đâu không rõ. Cả chỗ ruộng muối và mảnh đất có ụ mối kia đều là của bà mụ, không ngờ làm nghề đỡ đẻ lại có nhiều đất như vậy.

Bốn cái chòi cây cỏ lau hiện ra trước mắt chúng tôi, nhưng im lìm không một động tĩnh gì. Dì ba nhanh chân chạy đến lục tung hết lên, vừa lục vừa gọi tên thằng Được mà không thấy gì. Những người còn lại rọi đèn xung quanh đó để xem xét, bất ngờ một người hét lên:

- Nó kìa!

Lập tức mọi ánh đèn chĩa về phía người kia đang nói, thằng Được đang đứng ở mảnh đất hoang đầy cỏ lau bên bờ đê, quay lưng về hướng chúng tôi, mặt thì cúi xuống nhìn vào ụ mối nó đạp bể hồi chiều. Dì ba vừa chạy qua vừa gọi nhưng nó như một người mất hồn, không động đậy.

Khi mọi người chạy đến, thằng Được ngã ra đất trong trạng thái ngất xỉu, khuôn mặt tái nhợt. Dì ba ôm lấy nó, tay vuốt lấy má rồi khóc, mọi người nhanh chóng đưa thằng Được vào nhà, lau người cho nó. Mọi người đều tập trung lo cho thằng Được, chỉ có tôi biết chuyện của nó với cái ụ mối nên khi mẹ cõng về, tôi cứ ngoảnh đầu nhìn lại chỗ đó. Tôi thấy mập mờ chỗ ụ mối có một người từ bụi cỏ lau hiện ra, quần áo màu đỏ rộng thùng thình, lúc ẩn lúc hiện. Tôi định nói cho mẹ nghe thì chớp mắt một cái không thấy người đó đâu nữa, xung quanh là màn đêm bao trùm, một cơn gió lạnh xẹt qua gáy làm tôi nổi da gà.
Chap 5

Mẹ đưa tôi về nhà, dẫn vào ngủ cùng bà nội, còn mẹ thì lại đi ra ngoài, chắc là chạy qua xem thằng Được thế nào. Tôi nằm một lúc thì ngủ lúc nào không biết, đêm đó tôi chìm vào một cơn mơ.

Tôi đang đứng trên một chiếc xuồng nhỏ trôi trên con lạch, chiếc xuồng chầm chậm chứ không nhanh, nhưng tuyệt nhiên không lệch hướng, nó xuôi thẳng theo con lạch đi về phía trước dù không có ai chèo.

Hai bên bờ lạch ở quê tôi thường có mấy bụi rau sam, vài cây mắm, đước hoặc bần chua, sát mép nước thường là một loại óc ó có nhiều gai trên lá. Nhưng con lạch này lại hoàn toàn khác.

Hai bên bờ lạch là những bụi cây với chiếc lá kì quặc, giống như một lọn vải vụn cuộn tròn, cứ vài cây như vậy lại mọc ra một bông hoa có bốn cánh màu trắng dã. Những bông hoa này không tiết ra mùi thơm mà thay vào đó là mùi tanh tưởi, tôi không biết so nó với gì nhưng nếu mùi đậm hơn chút nữa sẽ khiến tôi nôn ra hết.

Trên bờ lạch cũng không hề bằng phẳng mà chi chít những cái lỗ như hang cua, tôi đang nghĩ xem đó là hang cua gì thì bên trong thò ra một con rắn màu đen với đôi mắt đỏ ngầu. Những cái hang khác cũng bắt đầu có rắn nhưng mỗi con lại một màu khác nhau, chỉ có đôi mắt là cùng màu đỏ. Tiếng khò khè càng lúc càng lớn, sắc lạnh như mỗi lần tôi cọ con dao vào một miếng kim loại nào đó.

Nếu là bình thường, tôi đã sợ hãi tới ngất xỉu vì những con rắn đó, nhưng giờ tôi hoàn toàn bình thản, vô lý là có lúc lại thấy có chút quen thuộc. Tôi còn chưa kịp nghĩ nhiều thì mặt nước bên dưới bắt đầu cuộn sóng và đổi màu. Khi tôi vừa kịp giữ thăng bằng thì nó đã mang một màu đen kịt, màu đen như có ai đó vừa đổ nhớt máy xuống.

Những con sóng đưa chiếc xuồng chở tôi lao nhanh về phía trước, tôi cố gắng la lên vì sợ không giữ được sẽ rơi xuống nước nhưng vô vọng. Trong cổ họng đang có gì đó làm tôi nghẹn lại, thở khó nhọc và không thể phát ra thành tiếng. Tôi như tuyệt vọng và chỉ biết thả người mặc cho chiếc xuồng trôi dạt, đột nhiên có một bóng trắng bay vút qua, nắm lấy cổ tôi mà nhảy lên bờ. Khỏi phải nói tôi giật mình cỡ nào, nhưng vẫn không nói được gì, trong đầu chỉ kịp nghĩ “Cái gì vậy”.

- Đừng lo, ta sẽ đưa con ra khỏi đây, chớ có lên tiếng!

Đến thở còn khó thì nói gì lên tiếng, giờ tôi mới kịp định thần lại mà nhìn kĩ người kia là ai. Đó là một ông già tóc dài, mặc đồ trắng, một tay túm lấy tôi, một tay cầm cây đèn cầy màu đỏ. Mặc dù đang bay với tốc độ rất nhanh nhưng ngọn đèn vẫn cháy thẳng như được đặt ở trong nhà không gió.

Tôi nhìn sang xung quanh, giờ đây không còn con lạch nào nữa mà bên dưới là cánh đồng lúa đang vào độ chín, nhìn từ xa là màu xanh pha lẫn vàng vô cùng mát mắt. Nhưng càng lại gần, cánh đồng lúa càng vàng rồi chuyển sang màu đen như héo úa trong giây lát, tôi chớp mắt mấy lần để nhìn nhưng không có gì khác.

Cả cánh đồng lúa xanh tươi phút chốc biến thành đồng lúa chết, heo hút không một bóng người. Chỉ có vài con cò đang bay đến, trông tụi nó khá nhàn nhã khi dang đôi cánh rộng và thả mình bay theo hướng gió như những con diều. Trong khi tôi có chút lãng đãng với hình ảnh bình thường nhất ở đây thì mấy con cò vội vàng đập cánh bay nháo nhác. Dường như chúng cảm thấy có điều gì đó không lành, nhưng càng đập cánh, tụi cò càng không bay được, chỉ đập cánh tại chỗ, từng lớp lông trắng của chúng rụng ra và bay tứ tán.

Nãy giờ tôi chỉ đang ngắm đàn cò với trời mây, quên mất bên dưới đang có gì. Những con cò đang đập cánh, tuyệt vọng kêu quác quác nghe thê thảm thì bên dưới có vài bóng đen bay vút lên tóm lấy đàn cò. Bóng đen bay xuống kèm theo những dòng máu tươi phun ra mọi hướng, tiếng kêu của con cò cũng biến mất.

Tôi nhìn kĩ thì đó là những người đàn bà tóc dài, ăn mặc rách rưới và móng tay dài như cái que củi. Tôi đoán chắc là những cái móng tay kia chính là thứ kết thúc số phận con cò. Đám người đó nhai nuốt chiến lợi phẩm vừa bắt được, không chừa thứ gì. Tôi hoảng hốt vì lần đầu thấy cách ăn uống phàm tục như vậy, cổ họng có chút thấy buồn nôn.

- Đó là chuyện bình thường ở đây.

- Đừng xao nhãng nữa, ta sẽ đưa con khỏi đây, sau này chúng ta sẽ còn gặp lại. Dường như biết tôi không thể trả lời, ông lão nói tiếp.

Tôi vừa nghe dứt câu thì ông lão thả tôi rơi xuống cánh đồng lúa héo úa khi nãy, cách đám người ăn cò không xa. Trời ơi, sao ông lại đối xử với con như vậy? Đám người kia thấy tôi rơi xuống thì vội lao đến. Má! Tôi vừa thầm chửi vừa tưởng tượng tới cảnh mình sẽ bị xé ra như mấy con cò, tay chân tôi quơ quào trong không trung và mắt nhắm lại.

Tôi giật mình tỉnh dậy, mồ hôi chảy ướt cả người, mặt tôi mếu máo vì vừa thoát chết ngoạn mục. Tôi gọi lớn: “Nội ơi!” nhưng không thấy ai trả lời. Lò dò bước xuống giường, tôi cứ sợ có một bàn tay nào đó ở dưới giường chụp lấy chân, kéo tôi chạy qua một cánh đồng lúa đen tương tự.

Tôi nhìn đồng hồ thì đã tám giờ sáng, thường thì giờ này bà nội vẫn ngồi uống trà với mấy ông bà lớn tuổi trong xóm, vậy mà hôm nay không thấy ai cả. Tôi chạy ra sân thì cũng không thấy ai, chỉ nghe tiếng ồn ở đâu vọng tới. Tôi tò mò chạy theo hướng có âm thanh ồn ào của rất nhiều người, càng đến gần tôi càng xác định đó là nhà dì ba, má thằng Được.

Còn vài thước nữa là tới cổng nhà nó, tôi nghe rõ tiếng dì ba khóc thất thanh và gào lên.

- Được ơi! Sao con chết rồi Được ơi!

Tôi run lẩy bẩy, từ nhỏ đến giờ tôi mới nghe những tiếng khóc tang tóc như vậy. Tôi không dám bước lại gần mà cứ đứng chôn chân tại chỗ, bên kia có vài người chạy tới chạy lui lo phụ đám, trong số đó có cả ba tôi.

Một lúc sau, mẹ tôi bước ra, thấy tôi tần ngần một chỗ thì mẹ vội chạy đến, đưa tôi về nhà. Mẹ nói “Mấy chỗ đám ma con không nên tới, không có nên!” Tôi biết mẹ tôi có ý gì, chỉ là bà không dám nói thẳng ra. Ở quê ông bà tôi hay dọa con cháu những điều cấm kỵ bằng từ “không có nên” chứ không nói thẳng ra, tránh phạm phải điều không hay.

- Thằng Được chết rồi hả mẹ? Tôi hỏi mà muốn khóc, tuy nó không chơi chung với tôi nhưng nghe tin nó đột ngột mất đi khiến lòng tôi trống trải.

- Ừ, nó bị bệnh, con ở nhà chơi đi, lát bà nội về nấu cơm cho con. Nói rồi, mẹ tôi để tôi ở nhà rồi quay lại nhà thằng Được.

Đêm đó tôi không tài nào ngủ được mà thức tới gần mười giờ, tôi nghe tiếng ba mẹ lục đục mở cổng trở về thì giả bộ nhắm mắt. Bà nội cũng nghe thấy nên từ trong phòng bước ra, dặn:

- Hai đứa tắm rửa thay đồ rồi để bộ đồ ngoài nhà tắm luôn đi, đừng có bước vô nhà liền.

Ba mẹ tôi quay ra ngoài nhà tắm, một lúc sau cả hai mới bước vào nhà, nơi bà nội châm trà để sẵn. Ba người không đi ngủ ngay mà ngồi nói chuyện, lúc sáng bà có qua nhưng gia đình còn bối rối nên chưa hỏi được nhiều.

- Thằng Được nó bị sao vậy con? Hôm qua nó còn chơi ở đằng sau như bình thường, sao chết lẹ vậy.

- Tụi con cũng thấy vậy, mà kể ra kì lắm mẹ…

Ba tôi nhấp ngụm trà rồi từ từ kể lại, tối qua mọi người đưa thằng Được về nhà thì lau người cho nó, xong xuôi ai về nhà nấy, còn dặn dì ba nếu có gì không ổn thì gọi mọi người đưa nó đi bệnh viện. Thằng Được chỉ bị ngất đi mà không có dấu hiệu gì bất ổn, người không nóng, thở đều giống như đang ngủ.

Đến khoảng hai giờ sáng thì nó tự dưng ngồi dậy, dì ba tưởng nó thức thì liền hỏi:

- Con dậy rồi hả, thấy sao, có đói không để mẹ lấy cháo cho.

Thằng Được im lìm, mắt nó nhìn về khoảng tối trong nhà chứ không nhìn dì ba.

- Vậy con thấy sao, có mệt không để mẹ đưa đi khám.

Nó vẫn im lặng, rồi bước xuống giường.

Nó đi rất nhanh ra ngoài sân, dì ba thấy vậy chạy theo, không quên kêu ông ngoại dậy. Hai người ra tới sân thì thấy thằng Được quơ tay ra điệu đang múa, đôi mắt nhắm lại nhưng động tác vô cùng thuần thục.

Thằng Được mới có bảy tám tuổi, lại suốt ngày ở quê, nó chưa từng thấy qua ai múa hát nên cả hai người cứ sửng sốt đứng xem. Dì ba nhớ lại tối qua ông ngoại rủ nó đi coi hát nó còn không muốn theo, bình thường nó đâu thích mấy loại ca hát văn nghệ sao giờ lại múa càng lúc càng điêu luyện.

- Sao cha thấy nó múa quen lắm, cha thấy ở đâu rồi.

- Con cũng thấy quen, giống như trong tuồng cải lương.

- BẢO XUYÊN!!! Hai người đồng thanh, dường cả dì ba và ông ngoại đều đã nhớ được.

Bảo Xuyên quận chúa là một nhân vật trong vở tuồng "Đêm lạnh chùa hoang", gần như cả miền Tây đều biết tuồng này. Có những ông bà lớn tuổi tuy không còn minh mẫn nhưng có thể đọc vanh vách từng câu hát. Rất nhiều vở tuồng đã ăn sâu vào tâm trí của người dân quê tôi, dù đó là câu hát hay động tác biểu diễn.

Nghĩ đến đây, cả nhà tôi ai cũng rùng mình, vì sao một đứa nhỏ hầu như không liên quan đến cải lương như thằng Được lại có thể múa điêu luyện như vậy, lại còn là ban đêm.

- Nó đang múa như vậy thì ngừng lại, té xuống, hộc máu miệng máu mũi mà chết, nhưng tay thì vẫn để nguyên cái điệu múa kia. Ba tôi trầm tư kể lại.

Thì ra thằng Được nó đã ra đi từ tối hôm qua, nhưng tôi đang mải bay lượn trong mơ nên không hay biết gì.

- Nhà nó đã kêu thầy về cúng chưa, mẹ thấy chuyện này không đơn giản.

- Có kêu thầy Hai rồi mẹ, ở đây nhà ai có đám ma cũng kêu thầy Hai mà.

- Thầy Hai là thầy cúng thôi, cái mẹ nói là thầy pháp, con không thấy thằng Được chết không bình thường hả? Bà nội tôi thở dài, xem chừng ông thầy Hai không giúp được gì cho nhà dì ba.

- Ở mình có thầy Tám, mà thầy cũng mất rồi còn ai đâu mà giúp hả mẹ.

Ba tôi nói tới đây thì cả nhà im lặng, tôi cũng tự nhớ tới câu chuyện của thầy Tám. Tính ra trong thời gian qua tôi nghe liền hai cái chết kì lạ, ngay cả một đứa nhỏ như tôi cũng thấy trùng hợp, khó trách cả nhà đều rơi vào trầm tư, không ai nói tiếp câu gì.

Từ sau cái chết của thằng Được, cả đám con nít không dám chơi nhà chòi ở bãi ruộng muối cũ. Không ai bảo ai, người lớn trong xóm đều dặn con mình không được ra chỗ đó, nhất là những người cùng dì ba đi tìm thằng Được trong cái đêm định mệnh. Ngôi nhà và khoảng sân mà nó nhảy múa đêm đó cũng trở thành nơi cấm kỵ của tụi nhỏ, vô tình nhà dì ba cũng rơi vào hoàn cảnh như gia đình tôi: bị cả xóm đồn đoán, xa lánh.

Ba thằng Được đi lưới cá xa, mấy tháng sau mới về, nên trong lúc nhà nó chỉ còn dì ba và ông ngoại, ba mẹ tôi hay qua phụ giúp đủ thứ. Lâu dần hiểu rõ hoàn cảnh của nhau, cả hai gia đình khắng khít hơn. Một hôm dì ba qua nhà tôi uống trà, nhìn tôi đang ngồi trên giường thì nói:

- Thằng Được đi lâu rồi nhưng mà dì không lúc nào yên tâm. Có hôm nằm mơ thấy nó quay về mà quần áo trên người rách rưới, ốm nhom ốm nhách, dì khóc quá trời. Dì ba nói mà rưng rưng nước mắt.

- Thôi con đừng có nghĩ nhiều nữa, giờ phải sống vui cho thằng Được yên lòng, con mà khóc lóc hoài nó không nỡ đi đâu. Bà nội tôi ôn tồn nói.

- Dạ, con cũng biết vậy nhưng mà thằng Được chết oan, tức tưởi nó mới về như vậy. Con dò hỏi khắp nơi mới mời được một người thầy trên núi Cấm về cúng cho nó, nhưng thầy đang bận pháp sự ở trển nên tuần sau mới về đây được.

- Nếu vậy thì hay quá, về tìm hiểu ngọn ngành rồi cúng tử tế cho nó đi yên lòng, mình ở lại cũng nhẹ nhõm. Bà nội tôi vui mừng thay cho dì.

- À mà được thì nhờ thầy hữu duyên coi cho thằng Lâm một quẻ, từ ngày nó ra đời tới lúc thôi nôi, tới giờ này bị người ta đồn đoán nhiều cũng tội nghiệp nó. Bà nội như vừa nghĩ ra chuyện này nên nhẹ nhàng đề nghị.

- Dạ, nên hôm nay con mới qua đây nói cho dì biết, đặng thì tới lúc đó hai nhà mình nhờ thầy.

Tôi không biết rằng giáp mặt với thầy pháp thực sự là như thế nào, cũng không nghĩ lần gặp tới có phải thực sự thay đổi cuộc đời tôi hay không?
Chap 6

Trong tâm trí của một đứa trẻ hay nghe người lớn kể chuyện, tôi chỉ có thể tưởng tượng thầy pháp như một ông lão với râu dài tóc bạc, mặc mấy bộ quần áo rộng thùng thình có in kí hiệu bát quái. Hay nói đơn giản hơn là có phép thuật, bay lượn như ông lão đã quăng tôi xuống ruộng trong giấc mơ hôm nọ.

Lúc đó, tôi cũng chưa biết núi Cấm là ở đâu, cũng không rõ ông thầy pháp này có gì tài giỏi mà người lớn có vẻ rất tin tưởng và chờ đợi. Tôi chỉ biết nghe theo, không chắc ông thầy này có… hợp với mình không.

Đêm đó, tôi không bị sốt nhưng lại mê man, rồi rơi vào một giấc mơ khác.

Lần này, tôi thấy mình đang đi loanh quanh trong sân nhà vào một buổi chiều, mặt trời đang lặn dần sau rặng cây bạch đàn. Nhưng mặt trời ở đây không có màu đỏ mà mang một màu đen tuyền, thứ nó chiếu ra cũng là các vệt màu xám, phủ một màu u ám, còn bầu trời thì chỉ có màu trắng và không một áng mây.

Điều lạ là xung quanh tôi không có ai, tôi chạy ra ngoài đường cũng không một bóng người. Thường thì buổi này mọi người đang đi làm về, tiếng cười nói xôn xao cả con đường đất đỏ, nhưng trong giấc mơ chỉ có mình tôi mà thôi.

Tôi chạy vội vào nhà để tìm ba mẹ và bà nội nhưng cũng không thấy ai. Giữa không gian u ám càng lúc càng bao trùm, tôi chạy lên nhà trên để tìm tiếp, nhưng đập vào mắt tôi là bàn thờ của ba, mẹ và bà nội đặt ở hai bên.

Tôi chực ré lên khóc thì một giọng nói vang bên tai, không biết phát ra từ đâu, tiếng nói đều đều như đang ngâm một khúc thơ:

Cha mày đang tưới tiêu

Mẹ mày thì chẻ củi

Bà mày mang cái túi

Ngỡ đựng chút đồ ăn



Nhưng đâu ai ngờ rằng

Đó toàn là thuốc độc

Cho cha mày một cốc

Rồi mẹ mày một ly



Cuối cùng bà mày thì

Uống hết phần còn lại

Ba người cùng tím tái

Chết vào đúng ngày hai.

Chết vào đúng ngày hai.

Ha ha ha!


Tiếng cười ha ha đó vọng vào tai tôi như tiếng trống từng hồi, đầu óc tôi đau điếng. Trong cơn sợ tột độ và giọng cười điên dại đó cứ quấn lấy tai, tôi tìm đường chạy khỏi căn nhà, cố nói với mình đây không phải sự thật.

Tôi càng chạy càng thấy mù mờ, con đường phía trước trông vô cùng xa lạ, nó nhỏ dần cho đến khi tôi chỉ thấy xung quanh một màu trắng đục, chỉ hiện rõ con đường nhỏ trước mặt chừng mười thước. Ngoáy đầu lại sau lưng cũng chỉ là một mảng trắng xóa không khác gì khói rơm.

Lúc này tôi đã hoàn toàn mất bình tĩnh, không dám bước tiếp cũng không còn đường quay lại, trong lúc rối bời, tôi chỉ có thể gọi thật lớn:

- Mẹ ơi!!!

Tôi choàng tỉnh, mồ hôi ướt cả người, bà nội nằm cạnh cũng bật dậy hỏi:

- Sao vậy con? Nằm chiêm bao hả?

Bà hỏi rồi ôm tôi vào lòng, hơi thở bà gấp gáp vì đang lo lắng cho tôi, giọng bà run run. Tôi cũng không bình tĩnh, nhớ lại những gì vừa nằm mơ, tôi lí nhí:

- Bà….bà nội chưa chết hả?

Bà nội:…

- Chết thằng cha mày, nằm chiêm bao tầm bậy tầm bạ, chắc hồi hôm qua chơi giỡn quá nên tối nằm thấy tào lao chứ gì.

Bà chửi nhưng vẫn ôm tôi chặt vào lòng, vì bà biết hơn ai hết, tôi là người sợ nhất. Tôi vẫn đinh ninh những thứ kia là thật, vẫn cố cãi:

- Con thấy thiệt, con còn thấy… Tôi nói ngập ngừng rồi trèo xuống giường, chạy ra ngoài.

Lúc này trời đã sáng, tiếng gà gáy vang khắp xóm, ánh nắng ấm áp hướng ruộng muối chiếu vào xóm tôi.

Tôi thấy ba mẹ đang sửa soạn lấy chiếc xe đạp đi làm, trong lòng đột nhiên thở phào một cái. Tôi không biết nói gì, chỉ chạy đến ôm lấy chân cha mẹ mà rưng rưng.

- Sao vậy con? Mới sáng sao mà khóc?

- Hu hu… Trong phút chốt, tôi cảm thấy mình vừa trải qua một điều kỳ diệu nhất trên đời.

- Nó nằm chiêm bao thấy tầm bậy thôi, không có gì đâu, hai đứa cứ đi đi. Bà nội từ trong phòng bước ra, dỗ dành tôi rồi nói với ba mẹ.

- Nín đi con, chiều mẹ về mua cho con mấy cục cu li nha (quê tôi gọi bi là cu li).

Tôi vẫn khóc rưng rức, còn cha mẹ nhìn tôi cười rồi dắt xe ra cổng.

Tôi ở nhà chơi một mình vì hôm nay Tí lại không ghé, đến giữa trưa thì nghe tiếng dì ba gọi bà nội:

- Mợ hai ơi, ông thầy núi Cấm tới rồi.
Chap 7

- Ơi! Dì nghe rồi, con về đi, lát nữa dì dẫn thằng Lâm qua!

Dì ba nghe vậy liền trở về nhà, còn bà nội tranh thủ làm thêm chút việc nhà rồi mới dắt tôi sang đó. Trong lòng tôi vừa sợ vừa tò mò, không biết mặt mũi hình dáng của ông thầy ra sao và ổng sắp làm gì.

Vừa bước qua cái hàng rào dâm bụt nhà dì ba, tôi đã thấy bóng dáng người thầy mà mấy ngày nay lúc nào tôi cũng thắc mắc. Càng bước lại gần, ngoại hình, gương mặt của ông càng trái ngược với những gì tôi tưởng tượng.

Đó là một người đàn ông trung niên, tóc cắt ngắn với lấm tấm những sợi bạc, gương mặt bình thường như một bác lái xe nhưng đôi mắt rất sáng. Ông mặc một bộ quần áo màu nâu kín đáo, trên cổ đeo sợi dây chuyền có mặt là một đồng tiền xu.

Ông đang uống trà cùng dì ba và ông Năm (ông ngoại của Được), thấy bà nội dắt tôi vào sân thì khẽ chào một cái. Bà nội thấy vậy cũng nhanh chóng chào và kêu tôi khoanh tay thưa một cách lễ phép.

- Chào thầy, không biết thầy tên gì để tui nói chuyện cho phải phép? Bà nội hỏi.

- Chào cô, tui tên Long nhưng bà con ở quê tui hay gọi bằng cái tên Tư Mum theo tên cúng cơm của tía má tui đặt. Cô cứ gọi tui là Tư Mum cho thân thuộc.

- Vậy chào thầy Tư. Bà nội tôi nói rồi dắt tôi ngồi lên cái giường tre cạnh bàn trà.

Có vẻ như thầy Tư và dì ba đã nói sơ về chuyện của thằng Được, nên lúc này nhìn thầy như đang đăm chiêu suy nghĩ điều gì. Một lúc sau, khi mọi người còn chưa hỏi gì thêm, thầy mới chầm chậm lên tiếng:

- Theo như chị ba đây nói thì ở đây cũng toàn là người nhà, vậy cho phép tui nói thẳng.

Thầy nhìn qua bốn người, thấy ai cũng chăm chú lắng nghe, mới uống một ngụm trà rồi mới nói tiếp:

- Tui đã bấm một quẻ cho cháu Được, vận mạng cháu còn rất dài, dù lúc nhỏ nghịch ngợm nhưng lớn lên là đứa hiếu thảo với gia đình. Tui tính sơ thì tuổi thọ cháu nó không dưới sáu mươi, vậy mà lại gặp chuyện không may nên mới đoản mệnh.

Dì ba nghe đến đây không kìm được xúc động, khóc thút thít, vừa lau nước mắt vừa nói:

- Mong thầy giúp đỡ gia đình con, giờ này thằng Được không thể sống lại thì cũng giúp nó siêu thoát, con trai của con nó có tội gì đâu.

- Chị bình tĩnh, chuyện này theo tui bấm quẻ được, nó không đơn giản đâu.

- Ý…ý thầy là sao?

Thầy Tư lại nhấp một ngụm trà, trong đôi mắt đầy suy tính, mới giải thích.

- Theo tui đoán, cháu Được đã bị quỷ bắt hồn, mà con quỷ này không phải là loại tầm thường, ít nhất nó đã tu luyện mấy chục năm rồi.

Thầy nói xong, cả bốn chúng tôi lặng cả người, không nghĩ sẽ gặp chuyện quái quỷ thế này. Dì ba đương nhiên là người bấn loạn nhất, không ngừng khóc mỗi lúc một lớn hơn.

- Chị đừng xúc động quá, tui đã đến đây thì sẽ làm hết sức để cho cháu nó yên nghỉ, chuyện quan trọng bây giờ là phải tìm cho được ngọn nguồn. Với những gì tui biết, con quỷ này đã giết được một người thì chắc chắn nó sẽ quen mùi máu tanh mà giết thêm nhiều người khác.

- Đúng rồi đó con, mình giúp thằng Được còn giúp thêm những người khác nữa. Bà nội cũng an ủi dì ba.

- Giờ chị bình tĩnh lại, cho tui biết trước khi cháu nó mất thì đã đi đâu, có phạm phải mồ mả gì không?

Dì ba đã nguôi ngoai đi một chút, nhưng vẫn sụt sùi, phải một lúc lâu sau, dì mới lấy vạt áo lau nước mắt, trả lời thầy Tư:

- Bữa đó là ngày có đoàn hát về, thằng Được chỉ chơi loanh quanh nhà với ngoài bãi đất muối đằng sau chứ không đi đâu. À, tối bữa đó nó còn đi ra ngoài chỗ đất muối chơi không về, con với mấy người trong xóm đi tìm cả tiếng mới thấy nó.

- Chỗ đất muối đó là ở đâu, chị đưa tui đi xem.

Chúng tôi vội đi ra bãi đất muối nơi cả đám con nít chơi nhà chòi hôm trước, lúc này mấy cành cỏ lau đã héo úa, nằm vương vãi trên nền đất. Mới hơn một giờ nên trời còn nắng gắt, mặt đất vừa khô vừa nóng.

Nhưng hình như thầy Tư không quan tâm chuyện đó, thầy đứng đó bấm đốt ngón tay và lẩm bẩm gì đó, một lát sau, thầy quay lại hỏi:

- Chỗ này cũng không có chút tàn hồn nào của cháu nó, chị nhớ còn chỗ nào nữa không?

- Bên kia kìa thầy. Tôi chỉ tay về hướng bãi đất hoang um tùm mấy bụi cỏ lau, chỗ cái ụ mối mà thằng Được đứng tối hôm đó. Dì ba lúc này như mới sực nhớ ra, có lẽ vì tối hôm đó dì lo lắng quá nên không nhớ rõ vị trí lúc phát hiện thằng Được.

Thầy Tư vội đi qua đó, vừa đi vừa bấm tay, tôi còn đang định chỉ đúng vào vị trí ụ mối thì chợt rùng mình. Cái ụ mối hôm đó tôi nhìn đi nhìn lại đã vỡ vụn lúc này lại nhô lên, như chưa từng có ai đạp vào đó.

Điều làm tôi ớn lạnh giữa buổi trưa nắng nóng thế này là hình ảnh người áo đỏ rộng thùng thình tối hôm đó. Rốt cuộc tôi không nhìn nhầm, cái ụ mối này đúng thật không đơn giản, còn người đó là ai?

Trong lúc tôi đang suy nghĩ thì thầy Tư dừng lại chỗ ụ mối, lắc đầu mấy cái, sau đó quay lại nói với dì ba:

- Chỗ này….là đất của chị hả?

- Không phải, đây là đất của bà mụ đỡ đẻ, nhà bà đó ở xóm trên, đất này mấy năm nay chưa xài đến nên để hoang.

- Chuyện này đúng là không đơn giản rồi, chị có thể nào mời bà mụ đó về đây giùm tui được không?

- Để cha đi, con ở lại đây coi thầy có cần gì thì phụ. Ông Năm nói xong thì đi thẳng vào trong nhà, còn bốn người tạm lánh vào bóng cây đước cho mát, phải đợi một lúc lâu nữa nên không thể đứng ngoài nắng mãi được.
Chap 8

Trong lúc chờ đợi, thầy Tư quay sang nhìn tôi rồi hỏi:

- Đây là thằng bé mà chị ba nói đến phải không?

- Dạ đúng rồi thầy. Dì ba gật đầu.

- Mong thầy xem giùm cháu nội tui, thằng Lâm từ nhỏ gặp một số chuyện lạ, cả nhà không rõ nguyên nhân nên từ lúc nó sinh ra tới giờ lúc nào cũng canh cánh trong lòng. Bà nội đỡ lời dì ba, nói bằng giọng run run.

- Xin cô đừng lo lắng quá, chuyện của cháu nó hiện tại không đáng lo đâu, nói không chừng không có họa mà lại có phúc. Thầy nói rồi xoa đầu tôi, cách một lớp tóc mà tôi cảm nhận rõ bàn tay của ông rất nóng.

- Dạ, nhà tui trông cậy hết vào thầy, thầy cứ lo xong việc nhà thằng Được rồi, thong thả không sao hết.

Cả bốn người không nói gì thêm, trời lúc này bắt đầu ngả bóng, mấy cơn gió cũng nhiều hơn, không còn nắng gay gắt như ban nãy. Cũng không biết qua bao lâu thì ông Năm trở lại, theo sau ông là cô Chín đội cái nón lá che hết nửa khuôn mặt.

Sau màn chào hỏi qua lại, cô Chín giới thiệu với thầy mình là bà mụ ở xã này, mảnh đất mọi người đang đứng là của cô và để hoang lâu ngày chưa khai thác. Thầy nhìn vào chỗ ụ mối rồi nhìn lại cô và nói:

- Cho tui hỏi, trước đây có ai chết trên mảnh đất này hay không?

- Không…đất này trước nay làm muối chứ có ai ở đây mà chết, nào giờ cũng ít người qua lại, đâu có ai chết bờ chết bụi ở đây. Cô nói mà giọng run run, đôi mắt đảo qua lại.

- Thứ lỗi tui nói thẳng, tui thấy ở đây không phải có một mà rất nhiều người chết. Thầy nhìn thẳng vào mắt cô Chín.

- Thầy đừng có nói bậy, đất nhà tui đừng có nói năng kiểu đó. Cô Chín gay gắt hơn.

- Có bậy hay không thì chị hãy nhớ kĩ lại xem, tui không nói chị làm gì nhưng dưới gò đất kia là rất nhiều người chết, mà toàn bộ là thai nhi!

- Thầy…. Cô Chín định nói gì nhưng bị nghẹn lại, tay chỉ vào thầy, mắt trợn lên như bị bắt thóp.

Đến lúc này, bà nội, dì ba, ông Năm đều nhìn vào bà mụ, dường như nghe xong ai cũng nghĩ đến một khả năng. Ông Năm lên tiếng:

- Chín, mày chôn mấy cái thai lưu ở đây hả con?

- Nếu là vậy thì đâu phải chuyện gì lớn quá, trước giờ mày cũng đem chôn thai nhi bị hư giùm người trong xã này mà. Bà nội tôi nói bằng giọng trầm trầm.

- Phải vậy không chị Chín? Dì ba lúc này cũng hỏi, nhưng trong mắt dì có một chút giận dữ.

Mọi người càng hỏi, cô Chín càng cúi mặt xuống. Phải, chuyện cô mang những thai nhi không may mắn đi chôn giùm bà con trong xã không phải là chuyện lạ. Nhưng tại sao lại ấp úng không muốn nói.

Lúc này, thầy Tư nhìn về hướng cái ụ mối và nói:

- Thai nhi dù trong bụng mẹ hay lúc ra đời, khỏe mạnh hay bị sẩy thì cũng là một sinh linh. Tụi nó không được sống đã là chuyện buồn, lại còn bị chôn ở đồng không mông quạnh như vầy, rất dễ sinh hận mà thành quỷ. Tuy là quỷ nhi nhưng đã hận thì sớm muộn sẽ có ngày hại tới người dân ở đây.

- Thành quỷ? - Dì ba ngẩng đầu, ngạc nhiên nhìn thầy – Nói vậy con quỷ bắt hồn thằng Được là ở đây hả thầy?

Dì ba nói xong thì lại sụt sùi, dường như tìm được nguyên nhân gây ra cái chết tức tưởi của con mình. Bà nội thấy vậy thì bước lại ôm lấy vai của dì rồi vỗ vỗ.

- Chị bình tĩnh, không phải tui đã nói với chị là con quỷ đó có khi đã tu luyện mấy chục năm rồi sao. Những thai nhi ở đây không phải con quỷ đó, nhưng vô tình thu hút nó tới đây, còn đi theo cách nào thì tui cần phải tìm hiểu thêm.

Nghe đến đây, dì ba mới bớt xúc động lại, lần đầu tiên tôi thấy cảm xúc của dì cứ bị dồn nén liên tục như vậy, mãi sau này tôi mới hiểu phần nào cảm giác khi mất một đứa con.

Thầy Tư nói xong thì quay sang cô Chín, lúc này vẫn đứng im một chỗ mà không nói gì.

- Tui nhờ bác Năm mời chị ra đây là để xin ý phép chị, cho tui được làm một cái lễ cúng tiễn mấy vong nhi ở đây đi đầu thai, không thể để tụi nó nằm vậy hoài, sẽ còn dẫn dụ thêm quỷ dữ đến đây. Mong chị đồng ý, chuyện này cũng giúp chị bớt tổn phước vì đã chôn cất tụi nó chưa đàng hoàng, cho dù chị không hề có ý đồ xấu.

Suy nghĩ một lúc, cô Chín mới gật đầu đồng ý, còn hỏi thầy cần những đồ cúng gì cô sẽ phụ chuẩn bị.

Thầy nói chỉ cần một con gà sống, vài chén nếp và ít nhang đèn và dặn mọi người cứ đi vào nhà trước, thầy ở lại một mình cúng cho xong trước sáu giờ tối nay.

Khi trời vừa sập tối, tôi cùng mọi người ngồi ở sau nhà, cạnh bờ ao nhìn ra ngoài chỗ bãi đất trống, chỉ thấy bóng thầy cầm nhang quơ lên và tiếng gõ chuông vọng lại. Cô Chín cũng ngồi chung, lúc này cô mới kể cho mọi người nghe vì sao không muốn nói ai biết chuyện mình đã chôn thai nhi ở đó.

Thường cô sẽ chôn thai ở mảnh đất sau nhà, nhưng thời đó chuyện sẩy thai xảy ra thường xuyên, dần dần chỗ đó cũng không đủ để chôn nữa. Ban đầu cô chôn mỗi lỗ một thai, nhưng dần dần gom nhiều thai lại một chỗ, rồi từ mảnh đất sau nhà mới tới mảnh đất đầy cỏ lau ngoài kia. Cô không nói là vì nghĩ thai nhi chưa rõ hình hài, một thời gian sau cũng phân hủy hết, rồi cô sẽ bán nó đi để cùng gia đình chuyển về Long An sống.

Cô cũng nói vì chôn thai nhi sau nhà, không ít lần bị ma nhát, nhưng chỉ là những tiếng cười của trẻ nhỏ chứ chưa từng có chuyện ghê gớm hơn. Dù vậy, gia đình cũng có người già và trẻ nhỏ, không thể ở cạnh vong hồn hoài như vậy được.

Mọi người nghe kể trong khi vẫn dõi theo những gì thầy Tư làm ngoài kia. Những đốm sáng từ nhang đang bay lượn trên nền tối, chợt tôi thấy những vầng trắng nhạt bay lơ lửng cách đó một đoạn không xa. Chúng cứ lơ lửng sau đó bay về hướng ra biển.
Chap 9

Tôi cảm nhận rõ khi những vệt sáng đó xuất hiện, gió lạnh từ đâu thổi đến làm tôi rùng mình. Khoảng hơn một tiếng sau thì thầy Tư mới đi chầm chậm vào, thấy chúng tôi ngồi đợi, thầy chợt cười:

- Nãy giờ có thấy gì không?

Mọi người lắc đầu, hình như ai cũng tập trung vào thầy nên chỉ thấy khói nhang nghi ngút và những động tác của thầy.

- Tui không cho mọi người ra đó là vì chỗ cúng kiến có nhiều âm khí, lỡ xui xui có ai hợp mạng lại nhập vào người thì khổ.

- Có thầy ở đây thì có nhập cũng không sao. Cô Chín nói.

- Chị đừng nói vậy, nhập được vào người nghĩa là hợp vía hợp mạng hoặc có nghiệt duyên nào đó. Cho dù tui có trục được vong ra thì hồn vía của người bị nhập cũn ảnh hưởng. Nhẹ thì sức khoẻ sa sút, nặng thì điên điên khùng khùng. Nói chung mọi sự phải lấy cẩn thận làm đầu.

Mọi người gật gù, không ngờ chuyện tâm linh cũng nhiều cái thú vị như vậy. Nhưng tôi chợt nhớ đến mấy vầng trắng nhạt ban nãy, mới lên tiếng hỏi thầy:

- Thầy ơi, con thấy nhiều làn khói màu trắng bay ở đằng kia, nó hiện ra một hồi mới bay đi ra biển.

- Hả?! Con thấy ở đâu? Thầy ngạc nhiên hỏi tôi.

- Kia kìa thầy. Vừa nói tôi vừa chỉ tay ra hướng lúc nãy, vừa vặn cạnh đó là con lạch dẫn nước từ sông lớn vào mấy ruộng muối.

Thầy nhìn theo hướng tôi chỉ, mọi người cũng ngoáy đầu lại. Bà nội không thấy gì bèn nói:

- Có gì đâu con, thầy đừng để ý làm chi, con nít nó nhìn lộn thôi.

- Không đâu cô, thằng nhỏ nói đúng. Thầy trả lời mà mắt vẫn nhìn về hướng đó, vẻ mặt đầy đăm chiêu, mãi một lúc sau thầy mới quay lại hỏi tôi:

- Con còn thấy gì quanh đây không? Thấy gì cứ nói, phải nói ra thầy mới giúp được.

- Con còn thấy…

Tôi ngập ngừng rồi kể lại những gì đã thấy hôm đi tìm thằng Được, những gì tôi mơ thấy trong đêm nó chết và cả giấc mơ trước khi thầy tới đây. Không hiểu sao lúc nghĩ tới mấy chuyện đó tôi luôn sợ hãi, vậy mà kể với thầy lại có cảm giác yên tâm lạ thường.

Mọi người nhìn tôi kể mà càng lúc càng thấy lo lắng, không ai nghĩ một đứa nhỏ như tôi lại thấy mấy chuyện kỳ lạ như vậy. Xem ra những lời đồn gắn với tôi từ nhỏ cũng không phải là không có cơ sở.

Chỉ có thầy Tư là vẫn trầm tĩnh, ông nhìn tôi thật lâu và dường như đã nghiệm ra chuyện gì đó nghiêm trọng lắm.

- Tui muốn hỏi, trong khoảng năm năm hoặc mười năm trở lại đây, trong khu vực này có xảy ra vụ chết người nào kỳ lạ không?

- Kỳ lạ là sao thầy? Ông Năm hỏi, ông và bà nội tôi ở đây từ nhỏ, đừng nói là mười năm, kể cả năm mươi năm, nếu có những vụ chết người kỳ lạ thì ông cũng có thể kể ra.

- Là những cái chết không phải do bệnh tật, không do già yếu, những cái chết đó đến bất thường và tư thế chết nhìn rất đáng sợ.

- Để coi…

Mọi người trầm ngâm một hồi lâu, ai cũng cố gắng lục lại trí nhớ xem có những vụ tương tự như thầy nói hay không?

- À tui nhớ rồi, vụ thầy Tám, ổng cũng là thầy pháp, ở xóm biển, bữa đó phát hiện ổng chết ngồi dưới lạch, mặt mũi nhìn thấy ghê lắm. Bà nội tôi thuật sơ lại, dĩ nhiên bà nhớ tới thầy Tám đầu tiên vì lần đó ba mẹ tôi đi tìm hiểu và kể lại.

- Vụ đó bao lâu rồi cô? Thầy Tư hỏi.

- Lúc đó thằng Lâm mới thôi nôi, cũng qua năm năm rồi.

- Còn một vụ nữa, mọi người nhớ con Mai trên ấp hai không? Con nhỏ chuyên đi lặn bắt nghêu đó. Dì ba nhớ lại.

- Vụ đó mợ nghe phong phanh thôi, biết là nó đi bắt nghêu rồi bị sóng cuốn đi mấy ngày mới tìm được. Bà nội tôi cố nhớ lại.

- Con cũng chỉ nghe kể lại, nó lặn bắt nghêu bị sóng cuốn ra ngoài, mọi người đưa ghe tàu ra ngoài bủa lưới kiếm nó mấy ngày không ra. Không ngờ tìm được nó là ngay đầu con kênh chính dẫn nước vào trong này. Lúc thấy nó là tay chân co lại như một con nhái, cái lưỡi thòng ra ngoài, cái hốc mắt trống trơn.

- Ghê vậy hả? Tội nghiệp con nhỏ giỏi giang nhất trong đám đi bắt nghêu, nhà thì còn một người già với mấy đứa em. Bà nội tôi vừa hỏi vừa vuốt vuốt da gà trên tay.

Chuyện thật nghe như đùa, sóng cuốn ra xa làm sao có thể trôi vào trong con kênh cách biển chừng hai cây số?

Mọi người như bị cuốn vào câu chuyện kì lạ đó, còn thầy Tư vẫn im lặng, tay bấm liên tục. Thỉnh thoảng, thầy lại nhìn tôi bằng ánh mắt đầy phức tạp, có chút yên tâm, một chút cầu cứu lại có chút không đành lòng.
Chap 10

Hình như đã suy tính kĩ càng, thầy mới hỏi:

- Nếu như tui không lầm, thì con lạch ở đây với chỗ ông thầy Tám chết và cả con kênh phát hiện xác của cô Mai, tất cả đều thông với nhau đúng không?

Mọi người đang bàn tán mấy cái chết kỳ lạ, nghe câu hỏi của thầy Tư xong thì ai nấy đều im lặng. Vẻ mặt mọi người chuyển từ trầm ngâm sang ngạc nhiên, như kiểu phát hiện một điều gì đó đặc biệt.

- Đúng rồi thầy, con kênh lớn dẫn nước vào mấy con lạch nhỏ trong này, tất cả đều thông với nhau và thông ra biển.

- Vậy thì những cái chết này đều có chung một điểm rồi. Thầy Tư thấp giọng nói.

- Nghĩa là sắp bắt được con quỷ rồi hả thầy? Dì ba sốt sắng hỏi, dì rất mong chờ bắt được nó, để giải oan cho thằng Được.

- Chưa đâu chị ba, tui chỉ mới đoán chừng vậy thôi, tui tính ở đây chừng hai ngày nhưng xem ra phải ở lâu hơn rồi. Thôi mọi người cứ về nghỉ ngơi trước đi, đã trễ lắm rồi.

- Thầy cũng về nghỉ thôi, nhà tui có làm mâm cơm chay vì nghe nói thầy kiêng ăn mặn. Ông Năm nói.

- Cảm ơn chú Năm nhiều.

Vậy là mọi người ai về nhà nấy, trước khi đi thầy Tư còn đưa cho bà nội hai lá bùa và một mảnh kim loại. Không biết thầy dặn gì nhưng khi về nhà, bà nội dán hai lá bùa lên cửa trước và cửa sau, còn tấm kim loại kia thì quấn vải cẩn thận và bỏ vào túi tôi.

Tối đó là lần đầu tiên tôi không ở nhà và thức khuya như vậy, ngày thường tôi ở nhà từ sớm, cùng cả nhà nghe chương trình nông thôn trên đài radio rồi đi ngủ.

Lúc tôi và bà về nhà thì ba mẹ tôi cũng chuẩn bị tắt radio đi ngủ, tôi được bà đưa vào phòng trước. Tôi nằm nghe ba người nói rù rì bên ngoài, chắc là bà kể lại chuyện vừa nãy, tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Khi tỉnh lại, tôi nghe tiếng gà gáy nhưng nhìn bên ngoài vẫn còn tối, chắc lúc này chỉ chừng ba bốn giờ sáng. Tôi quay sang không thấy bà nội bên cạnh, thắc mắc bà đi đâu giờ này.

Tôi thao thức một hồi lâu sau vẫn không thấy bà nội trở lại, bất giác mới gọi:

- Nội ơi!

- Nội ơi! Gọi tiếng thứ hai, tôi vẫn không nghe động tĩnh gì ngoài tiếng xào xạc của tàu lá dừa trong gió.

Bỗng tôi nghe tiếng như ai đó dùng tay quệt vào vách lá nghe ‘Xẹt xẹt’, tôi đã quá quen với âm thanh này vì mỗi khi chạy quanh sân chơi một mình vẫn thường làm vậy, không ít lần bị nội la.

- Nội hả? Tôi tưởng nội đi vệ sinh trở vào, vô tình quơ tay trúng vách nhà.

Nhưng sau đó vẫn không có ai đáp lại, thứ âm thanh duy nhất trả lời tôi là tiếng Xẹt xẹt ngày càng lớn. Tôi còn chưa kịp định hình thì ngửi thấy một mùi nồng đậm như dầu thơm. Tiếp đó là tiếng một người phụ nữ vừa lạ vừa quen:

- Lâm ơi, ra chơi!

- Ai đó? Tôi tự nhủ trong bụng, ai lại rủ mình đi chơi, trong xóm này đâu có đứa nào dám chơi với mình chứ đừng nói là giờ này.

- Ra đây chơi, có bà nội chơi nữa nè. Lúc này tôi nghe rõ ràng là giọng bà nội.

- Nội ơi, nội! Tôi nghe vậy thì trèo xuống giường, mùi thơm kia vẫn sực nức mũi, hình như đầu óc tôi không nghĩ được nhiều, chỉ bước theo chỉ đạo của cơ thể.

Tôi vừa bước đến cửa sau thì thấy nó đã bị mở toang từ bao giờ, chắc là nội mở rồi? Nhưng tôi muốn bước đi tiếp lại không thể nào bước được, ở ngay cửa sau như có một bức vách vô hình chặn tôi lại, nhìn ra màn đêm mịt mờ ngoài cửa sau, tôi thấy nội đang đứng đó.

Nhưng nội không nhìn tôi, ánh mắt vô hồn và tay chân nhún nhảy, múa một điệu gì đó tôi chưa từng thấy. Tôi cố gắng gọi nội:

- Nội ơi! Nội!!!!

Bà nội vẫn không trả lời, tay chân uyển chuyển và cúi xuống cầm một que củi đước, sau đó làm động tác múa kiếm vô cùng thuần thục. Tôi còn đang hoảng hồn tìm cách chạy ra kéo nội vào thì giọng người phụ nữ kia lại vang lên, lần này tôi xác định là rất quen vì lại là giọng chầm chậm đọc một bài thơ:


Hai ta cùng một nơi

Sao người thành hình mới

Chỉ có ta chờ đợi

Tròn một nửa cuộc đời.



Lưỡi kiếm ta chôn giấu

Ngươi đã quên từ lâu

Ngày ta về sông Hậu

Sẽ chém ngươi bay đầu.


Tôi không biết giọng nói đó phát ra từ đâu, nhưng nó vọng đi vọng lại như từ một nơi rất xa, nghe buồn bã và thê lương. Mỗi khi đọc xong một câu, bà nội lại múa một đường kiếm, nhưng khi càng đọc lâu, bà lại càng chảy máu từ khoé miệng.

Khi bài thơ kết thúc, bà nội loạng choạng, đứng không vững nữa, lúc này, máu không chỉ chảy từ khoé miệng mà từ khoé mắt và hai bên tai. Chỉ trong chốc lát, bà quỳ xuống và gục đầu.

- Ha ha ha ha! Tiếng cười vang khắp khoảng sân sau nhà làm tôi lạnh gáy, chỉ mấy tiếng cười mà toát lên sự độc ác và nhẫn tâm.

Tôi chỉ biết hoảng sợ và gọi thật lớn:

- Nội ơi!!!!

CHÍNH TRUYỆN

KỲ 1: QUỶ ĐỘI LỐT NGƯỜI

Tôi la khản cả cổ mà không thấy có gì thay đổi, lại bị tấm màn vô hình chặn đứng ở cửa nên càng ức chế. Tôi lùi lại mấy bước lấy đà, quyết vượt qua tấm màn kia để chạy ra cứu bà nội, mặc dù chưa biết cứu bằng cách nào. Tôi chỉ nhớ mình lao cả người về phía cửa không một chút do dự, đụng trúng một thứ co giãn như dây thun và bật ngược lại.

Tôi giật mình tỉnh giấc, mồ hôi vã ra như tắm, nhìn sang thầy bà nội đang ngồi cầm cái khăn lau cho tôi. Sự hoảng sợ vẫn đeo đẳng làm tôi bất giác quay sang bà nội:

- Nội ơi!

- Con thấy sao rồi, có mệt mỏi chỗ nào không? Bà nhìn tôi lo lắng bằng ánh mắt hiền từ.

Nhưng đáp lại, tôi hỏi bà một câu quen thuộc:

- Nội…..nội còn sống hả?

Bà im lặng, nhìn tôi sững sờ, sau đó cũng dùng một câu quen thuộc trả lời tôi:

- Chết thằng cha mày! Dạo này ngủ cứ hay mê sảng rồi thức dậy hỏi mấy câu ba trợn.

Nhưng nói là vậy, bà vẫn lau người cho tôi, trấn an rằng tất cả chỉ là cơn ác mộng mà thôi. Chỉ cần ban ngày bớt chạy giỡn lại một chút thì đêm đến không phải lo nữa.

Một buổi sáng bình thường nữa lại trôi qua, nhưng lần này có hơi khác một chút. Sau khi ba mẹ tôi dắt xe ra đi làm, thầy Tư đi sang nhà tôi, đứng ngoài cổng gọi vọng vào.

Bà nội thấy vậy bảo tôi đi lấy lá dừa vào cho nội nhóm lửa châm trà mời thầy. Tôi ra hàng rào lấy vào thì thầy đã ngồi ở cái bàn tròn sau nhà, nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét.

Tôi mang lá dừa vào cho bà trở ra thì thầy đã gọi tôi lại và hỏi:

- Tối qua con ngủ có nằm mơ thấy gì không? Kể thầy nghe!

- Dạ có…

Tôi chầm chậm thuật lại đầu đuôi giấc mơ cho đến khi tỉnh dậy, đến lúc này tôi phát hiện ra một chuyện lạ là trước đó chưa bao giờ tôi nhớ mình đã mơ gì, dù là một chi tiết nhỏ. Nhưng dạo gần đây tôi luôn nhớ rõ ràng từng chút một, nhất là những cơn ác mộng như đêm qua. Thầy im lặng nghe tôi kể, sau đó bà nội bước ra, nói:

- Mỗi lần nó nằm chiêm bao xong là mê sảng, đổ mồ hôi lênh láng, la hét om sòm, gọi cỡ nào nó cũng không dậy.

- Mấy cái tui dặn hôm qua, cô có làm theo không? Thầy quay sang hỏi bà nội.

- Dạ tui làm theo y như vậy, tui còn dặn cha mẹ thằng Lâm không được ra ngoài vào ban đêm như lời thầy. Nhưng hồi đêm qua tới giờ, lu bu nên tui kịp chưa hỏi thầy làm như vậy để làm gì?

- May mắn là đêm qua mọi người không sao, xem ra thì tui đoán đúng.

- Chuyện là sao vậy thầy?

- Chuyện là…

Thầy bắt đầu kể cho bà cháu tôi nghe, bắt nguồn từ những giấc mơ mà tôi đã thấy hôm trước, cùng với hàng loạt chuyện bất thường xảy ra trong xã những năm gần đây.

Thầy nghi ngờ con quỷ hại thằng Được đã nhắm đến gia đình tôi nhưng những lần trước chưa đến thời điểm chín muồi. Có thể vì chưa đến ngày cực âm hay một lí do nào đó, thầy chỉ có thể đưa hai lá bùa đã phù chú và một vật phòng thân cho bà nội, dặn bà dán ở hai cửa chính đề phòng bất trắc.

- Thực tế tui còn chưa rõ nó là loại quỷ gì, chết do đâu và có thù oán gì với làng xóm ở đây. Nó có thể bắt hồn người dễ dàng và rút đi không để lại chút dấu vết chứng tỏ nó rất mạnh, tui chưa chắc là đối thủ của nó.

- Vậy cái này là gì vậy thầy? Tôi vừa hỏi vừa lấy vật được bọc kĩ trong vải ra, đưa lên. Lúc này tôi mới biết nó là một miếng kim loại khắc ký hiệu gì đó không rõ.

- Đó là vật có sát khí rất mạnh và là khắc tinh của ma quỷ, lấy từ thanh kiếm của sư tổ truyền lại cho thầy. Đáng tiếc là thầy chỉ được truyền một mảnh nhỏ, nếu có cả thanh kiếm thì không cần sợ loài ma quỷ nào hết.

- Dữ vậy hả thầy? Tôi tròn mắt kinh ngạc.

- Còn con nữa, thầy dặn con phải nhớ kĩ, nằm mơ thấy bất cứ cái gì cũng không được nghe, không được thấy, không được tin. Con có biết tại sao đêm qua con nằm mơ thấy bà nội làm như vậy không?

- Con không biết! Nhắc đến giấc mơ đêm qua làm tôi rùng mình, nó chân thực đến nỗi tôi bây giờ tôi còn nhớ rõ mùi hương đã ngửi thấy.

- Đêm qua con quỷ đó đã quay lại đây, nó định vào nhà con và bắt hồn mọi người, giống như nó đã làm với cháu Được.

- …. Tôi nghe mà nổi da gà, chỉ chăm chú vào lời thầy mà không dám hé môi hỏi thêm gì.

- Đầu tiên nó cho con nghe tiếng rủ rê, nếu con làm theo thì nó sẽ bắt con ngay. Nhưng cuối cùng con lại không nghe theo, buộc nó phải giả giọng bà nội con, biến thành bà để gọi con ra ngoài. Con còn nhớ mùi thơm đã ngửi được không? Đó là cách nó làm đầu óc con mê muội và phải làm theo ý nó.

- Nhưng tại sao nó không vào nhà mà phải gọi thằng Lâm ra vậy thầy? Bà nội lắng nghe nãy giờ mới hỏi.

- Tại vì nó không vào được nhà, hai cánh cửa đã có dán bùa rồi.

- Vậy là thầy đã cứu gia đình tui một mạng rồi… Hai mắt bà nội rưng rưng, không ngờ đêm qua lại xảy ra chuyện nghiêm trọng như vậy.

- Hai lá bùa đó không chỉ ngăn ma quỷ bước vào, còn ngăn nó gọi hồn người trong nhà đi ra, trừ khi thân xác đi ra ngoài thì bùa mới không có tác dụng. Đó cũng là lí do mà nó dùng cách chiêu dụ thằng Lâm ra ngoài, nhưng rốt cuộc không thể khiến thằng bé thức dậy mà chạy ra.

Thầy lại quay sang nói với tôi:

- Thầy nói con quỷ này rất mạnh là bởi vì nó biết thầy dùng loại bùa nào và biết cả cách để ‘lách’ qua. Nó còn biết con rất thương bà nội, dụ dỗ ngọt ngào không được, nó chuyển sang làm hình hài bà nội chảy máu đến chết, hy vọng con có thể vượt được cánh cửa mà chạy ra ngoài. Nếu chẳng may cánh cửa bị phá, không chỉ con mà mọi người trong nhà đều bị vong mạng.

Tôi càng nghe mà càng nổi da gà nhiều hơn, trong khi đó bà nội rót trà mời thầy, tôi thấy tay bà run run như sợ hãi. Nhưng hình như còn điều chưa hiểu, bà lại hỏi thầy:

- Nói vậy thì nếu nó qua nhà khác mà không dán bùa, mọi người sẽ bị nó hại chết hết sao thầy?

- Không, nó chỉ nhắm vào gia đình này thôi, vì nó có mối nghiệt duyên nào đó với gia đình này.

- Sao thầy khẳng định như vậy?

Lúc này thầy mới lấy một tờ giấy trong túi ra, trên đó vẽ chằng chịt mấy cái hình, đường thẳng đường cong mà tôi không biết là gì. Mới có sáu tuổi, tôi vẫn chưa được học chữ nên chỉ biết đứng nghe thầy giải thích cho bà nội.

- Tối qua tui đã ngồi xem kĩ lại, cả thằng Được, cô Mai và ông thầy Tám đều chưa tận mạng, nghĩa là chưa đến lúc phải chết, nhưng tất cả đều phải bỏ mạng tức tưởi, oán khí rất nặng.

Nhưng nếu xem vận mạng kiếp này, ba người họ không liên quan gì nhau hết, tui lấy làm lạ, suy nghĩ hoài mới tìm cách xem tiền kiếp của ba người này. Cô biết gì không? Ba người đó kiếp trước có liên quan với nhau nhau, không phải là người thân họ hàng, cũng không phải là quen xã giao, họ từng ở cạnh nhau trong một thời gian dài, tui đoán chừng là làm chung một công việc.

Bà nội ngẩn người, suy nghĩ rất lâu rồi mới thắc mắc: "Vậy thì nhà tui liên quan gì đến nó?"
KỲ 2 – NHÌN VỀ TIỀN KIẾP

- Con quỷ này không ra tay bừa bãi mà chỉ chọn những người có liên quan với nhau trong kiếp trước. Nên tui nghĩ có ai đó trong nhà cô, hoặc cả gia đình đều liên quan theo kiểu như vậy. Thầy Tư nói chậm rãi.

- Nhưng tui cũng chưa chắc chắn là ai trong gia đình của cô, nên sáng nay mới qua đây để xem một quẻ cho cả nhà. Thầy im lặng một lúc rồi lại nói tiếp.

- Dạ cứ làm theo ý thầy. Bà nội gật đầu, trong tâm trí bà trước giờ chưa từng đối diện với những chuyện kì lạ và càng lúc càng đáng sợ như thế này.

- Vậy cô cho tui xin tên tuổi đầy đủ của mọi người trong nhà, ngày tháng năm sinh, nếu có giờ sinh thì càng tốt.

- Dạ đây… Bà nội nói xong thì viết ra tờ giấy, đưa cho thầy.

Nhìn một lát, thầy bấm đốt ngón tay, miệng lầm bầm cái gì đó mà tôi không nghe rõ. Hai mắt thầy dần nhắm lại và giữ nguyên như vậy trong gần mười phút.

Thầy chầm chậm mở mắt, trước tiên là nhìn bà nội, sau đó nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu, rồi lại nhìn bà nội.

- Ba người trong gia đình không liên quan là cô và người con trai, con dâu…

- Vậy….còn thằng Lâm….nó là người liên quan hả thầy? Bà nội nói mà mắt mở to, bên trong như đang ngấn nước, còn miệng bà thì run run.

- Không chỉ liên quan, mà còn là nghiệt duyên, kiếp trước vừa là bạn vừa là kẻ thù của nhau.....Nhưng mà… Thầy đang nói thì dừng lại, nửa muốn nói nửa lại không.

- Nhưng mà sao thầy? Bà nội có vẻ nôn nóng.

- Điều này không biết tui có nên nói ra hay không?

- Xin thầy cứ nói, nếu là chuyện không hay thì gia đình tui cũng ráng tìm cách mà cứu thằng Lâm.

- Ý tui không phải là chuyện xấu, chỉ là tui lấy làm lạ… - thầy vừa nói vừa quay sang chỗ tôi ngồi – Đâu, con đưa tay cho thầy coi…

Tôi đưa bàn tay nhỏ của mình ra, thầy nhanh chóng đỡ lấy nhẹ nhàng, một lần nữa tôi cảm nhận rõ rệt sức nóng trong lòng bàn tay thầy, giống như những lần tôi hơ qua ngọn lửa rồi áp vào mặt mình.

- Ý trời… Thầy nhìn một hồi rồi buột miệng nói ra, ánh mắt đầy sự ngạc nhiên.

- Sao vậy thầy? Bà nội lúc này càng lúc càng nóng ruột.

- Tui có một tin mừng và một tin không vui về thằng Lâm…

Thầy ngừng lại một lúc, rồi nói tiếp:

- Tin không vui là con quỷ này rất muốn lấy mạng cháu nội của cô, còn tin mừng, cháu nội của cô sẽ là người diệt con quỷ đó.

- Thầy… nói gì tui nghe không hiểu lắm? Bà nội nhìn thầy, chờ đợi lời giải thích.

Thầy lại nhấp một ngụm trà, bắt đầu kể những gì đã nhìn được trong quá khứ.

Thầy không nhìn rõ nhân diện của con quỷ, chỉ biết nó mặc một bộ quần áo rộng thùng thình màu đỏ, sau lưng còn mang mấy lá cờ, giống như nghệ sĩ trong các đoàn hát ngày xưa.

Cạnh đó, ba người nghệ sĩ khác vây quanh, dường như họ đang tập một vở tuồng cổ. Người múa kẻ hát trông rất điêu luyện, thầy nghe được tiếng đàn, tiếng trống và tiếng vỗ tay của một vài người bên ngoài.

Không biết qua bao lâu, thầy lại nhìn thấy một đoạn thời gian khác, lúc này sáu người nghệ sĩ đứng cung kính phía sau, còn con quỷ thì đứng trước, chắp tay và cúi đầu. Phía sau bọn họ là một sân khấu với những tấm vải thêu hình rồng rất tỉ mỉ, vô cùng đẹp mắt. Con quỷ trong bộ quần áo sặc sỡ nhất, ngẩng đầu lên và nói:

- Kính thưa bà con cô bác, với lòng say mê nghệ thuật, từ bốn phương anh chị em tụi tui tụ họp về đây để phục vụ bà con một tuần biểu diễn. Dù không hoành tráng như Duyệt Thị Đường, cũng không có các nghệ sĩ tài danh trong nước vì tụi tui chỉ là một đoàn nhỏ rong ruổi trên các con sông của xứ mình.

Giống như hoàng đế Minh Mạng đã từng nói:


Âm nhạc tịnh trần hòa kỳ tâm nhi dưỡng kỳ chí

Nghiêm suy tề hiến thú kỳ thị nhi giới kỳ phi.


Anh chị em ở đây mong sẽ mang lời ca tiếng hát, những tích xưa chuyện cũ phục vụ bà con quê mình, mong được bà con thương mến.

Anh chị em tụi tui là đoàn hát Cầm Thi Giang.


Sau đó, vở tuồng bắt đầu, tất cả nghệ sĩ đều hát múa say sưa, bên dưới rất đông người xem, già trẻ trai gái có đủ. Nhất là đám con nít, cứ nhao nhao lên, chen chúc để thò đầu vào xem hát.

Được một lúc, thầy lại xuôi theo dòng thời gian của tiền kiếp, đến một đoạn khác nữa. Lúc này chỉ có con quỷ và ba người nghệ sĩ đang đứng trên bờ, trong khi mọi người trong đoàn hát đã bước xuống ghe, chuẩn bị rời bến sang một tỉnh khác để biểu diễn.

Một trong ba người kia nói:

- Chị Bích Trâm, không mau lên ghe còn muốn đợi ai nữa?

- Các em cứ lên trước, chị còn đợi một người bạn. Bích Trâm trả lời mà vẫn hướng về con đường đê dẫn vào xóm nhỏ dưới tán dừa. Trời lúc này về chiều, từng đàn cò đi ăn bay về, tiếng kêu của chúng nghe sao mà buồn bã.

- Vậy tụi em lên trước, chị tranh thủ lên nghen! Ba người dắt tay nhau bước lên ghe, vừa đi vừa ngoáy đầu lại, có một người còn khẽ lắc đầu, dường như biết Bích Trâm đang đợi ai.

Cô gái vẫn đứng đợi thêm một lúc, mặt trời đang dần lặn về phía cái xóm nhỏ, vòng tròn màu đỏ au dần biến mất khỏi hàng dừa, bầu trời chỉ còn một khoảng sáng lẻ loi, lúc này một vài người tranh thủ chạy về nhà sau một ngày đồng án. Họ đi lướt nhanh qua cô, không quên nhìn một chút rồi đi tiếp.

Mọi chuyện tiếp đó đột nhiên mờ mịt, thầy không thể nhìn thấy gì nữa. Mất chừng một phút tập trung thần trí, thầy mới có thể thấy thêm một câu chuyện.

Mọi người trên ghe thấy sao lâu quá mà Bích Trâm không bước xuống bèn kêu anh hậu đài lên gọi, vì đã trễ lắm rồi, không đi thì sáng mai không tới kịp lúc họp chợ, sẽ rất khó chào mời bà con đến xem hát.

Nhưng vừa lên thì anh chàng này la thất thanh:

- Trời ơi, cô Trâm cổ…chết rồi!

Mọi người trên ghe ùa lên theo tiếng gọi, tất cả nhanh chóng vây quanh cô đào Trâm, người đang nằm trên bờ ruộng một tay cầm cây trâm dính máu, một tay cầm tờ giấy, nhìn sơ qua thì giống bức thư.

Chuyện cô đào Trâm chết vì một cây trâm nhanh chóng lan truyền khắp làng quê thời đó, trở thành đề tài cho mấy bà cô nhiều chuyện mỗi buổi chợ sáng. Có người nói cái tên gây nên cái nghiệp, có người nói còn trẻ sao đi sớm, chắc là có bầu với ai rồi bị người ta quất ngựa truy phong, ấm ức mà chết…

Chiếc ghe chở đoàn hát lo đám tang cho đào Trâm xong thì cũng lên đường ngay trong đêm, để lại ngôi mộ của cô cạnh một con sông. Ông trưởng đoàn giải thích rằng cô là người không nhà không cửa, không biết đến từ đâu nên tạm chôn cô ở đây, sau này dò hỏi thân nhân mới quay lại đưa cô về quê mẹ.

Mất đi cô đào chính hát hay múa giỏi, đoàn hát phải tìm người thay, nhưng không ai đảm đương nổi. Ba người chị em thân thiết với đào Trâm cũng thử nhưng cũng đành chịu, mà kỳ lạ là, hễ ai có ý định làm đào chính thì không lâu sau đó đều đột ngột đứng tim mà chết.

Tổng cộng, đã sáu cô đào thử vai đều không qua khỏi. Đoàn hát cứ thế lụn bại dần, ông bầu đành phải rã gánh, cho mọi người ai về nhà nấy, coi như tìm một hướng đi khác. Lời hứa tìm thân nhân cho cô đào Trâm cũng tan biến theo gió mây.

Thầy Tư kể đến đây thì nước mắt của bà nội bắt đầu rớt xuống, bà lấy cái khăn voan trong túi ra chấm chấm, rồi nói:

- Đúng là hồng nhan bạc mệnh, nhưng ai là người gửi bức thư đó cho cổ vậy thầy?

Thầy nhìn bà nội, rồi nhìn tôi:

- Chính là kiếp trước của thằng Lâm!
KỲ 3 – TRUY TÌM MỘ QUỶ

Sau câu nói đó thì cả hai người nhìn tôi, dĩ nhiên bà nội căng thẳng hơn cả.

- Thầy…..thầy nói rõ hơn một chút được không?

- Tui chỉ nhìn được đến vậy… à còn một điểm nữa, trong lá thư có ghi địa điểm ở Bảo Lộc.

- Vậy giờ phải làm sao hả thầy? Kiếp trước đã hết rồi, không lẽ bắt cháu nội tui phải trả nghiệp, nó còn nhỏ có biết gì đâu! Bà nói mà như muốn khóc, giọng sắp nghẹn lại. Tôi ôm chầm lấy bà, thấy người bà như đang nấc lên, còn bà thì quay sang xoa đầu tôi.

- Nghiệp quả không thể nói chết là hết được, nếu như không thể giải nghiệp thì cho dù có luân hồi nhiều lần, đến cuối cũng cũng phải trả. Nhưng có điều tui không hiểu, nếu như kiếp trước Bích Trâm xem Lâm như kẻ thù, giống như là người gây ra cái chết cho mình, thì tại sao ông trời lại sắp đặt cho Lâm trở thành người diệt quỷ để kết thúc oan nghiệp.

- Những gì thầy nói tui chưa hiểu kịp, nhưng tại sao thầy lại nói thằng Lâm sẽ diệt quỷ. Nó mới có sáu tuổi, còn chưa biết chữ, chưa bao giờ đi ra khỏi cái xã này, nói gì tới Bảo Lộc.

- Đây, cô coi đi. Vừa nói, thầy Tư vừa cầm lấy tay tôi, lật lòng bàn tay lên đưa cho nội. Hai bà cháu tôi nhìn tới nhìn lui không thấy không có gì lạ, mới quay lại nhìn thầy, hỏi:

- Coi gì vậy thầy?

- ….

Thầy Tư như kiểu bất lực, nhưng chắc ông hiểu chúng tôi không có năng lực nhìn ra mấy cái khác lạ. Ông từ tốn giải thích.

- Cô nhìn đây, những đường chỉ tay dưới ngón út của thằng Lâm hơi mờ, nhưng nó tạo thành hình ngôi sao. Chẳng qua lúc này nó còn chưa phát triển hết, sau này nhất định sẽ là một ngôi sao rõ ràng. Sư phụ khi xưa có nói cho tui, người có chỉ tay như vậy rất hiếm, đôi khi một đời người chưa thấy qua một lần. Họ sinh ra có máu sát quỷ, nếu được tu tập đúng cách, sau này nhất định trở thành người trừ yêu diệt ma xuất sắc, tạo phúc cho đời.

Lúc này bà nội lại nhìn tôi, ánh mắt có chút ngưỡng mộ, nhưng đa phần vẫn là tự hào. Nhưng ánh mắt đó chỉ hiển hiện trong giây lát, bà nội vẫn còn nguyên nỗi lo canh cánh:

- Nhưng đó là nếu nó được chỉ bảo, tu luyện theo nghề thầy pháp, còn bây giờ nó vẫn là đứa con nít, có thể bị ma quỷ quấy phá bất cứ lúc nào.

- Cô còn nhớ những giấc mơ mà thằng Lâm nó kể trong đêm tui cúng cầu siêu không? Những cảnh vật mà nó nhìn thấy trong chiêm bao chính là cõi âm, chứng tỏ hồn phách từng bị dẫn dụ vào cõi vô hình đó, nhưng cuối cùng vẫn thoát ra an toàn. Dù là cõi nào đi nữa, mọi vật đều có tương sinh tương khắc, trời đã cho thằng Lâm máu diệt quỷ, thì tự nhiên sẽ có người gia hộ cho nó vượt qua chướng ngại.

Tôi chợt nhớ lại ông lão đã xách mình bay trên đồng lúa rồi quăng xuống chỗ mấy con quỷ, định hỏi thầy, nhưng chưa kịp nói thì thầy đã lên tiếng như đã đọc được suy nghĩ:

- Ông lão đó là người sẽ gia hộ cho con, tuy chưa biết là ai, nhưng là phe mình, không phải kẻ địch, cứ yên tâm.

- Vậy giờ mình phải làm sao hả thầy, không lẽ cứ ngồi đây chờ con quỷ tới. Bà nội nói.

- Tui cũng tính làm vậy. Thầy nói mà có vẻ chọc ngoáy.

- Thầy đừng có giỡn chứ, đừng lấy thằng Lâm ra làm mồi nhử nó. Bà nội tôi lúc này hơi quạo.

- Cách đó cũng hay… Thầy nói xong thì cười mỉm.

- Thầy…. Bà tức quá không biết nói gì thêm.

- Tui giỡn thôi, cô làm gì căng thẳng vậy. Thầy bật cười, sau đó lại nói:

- Con quỷ đó đã biết có tui ở đây, còn lâu nó mới quay lại, chỉ còn cách phải đi tìm nó, trấn áp rồi tiêu diệt, như vậy mới không có thêm hệ lụy nào nữa.

- Thầy cứ làm tui hết hồn hết vía. Bà nội thở hắt ra, tay lại xoa đầu tôi.

- Nhưng tui chưa biết phải tìm bằng cách nào….

- Thầy….

Cuộc nói chuyện giữa thầy và bà nội tôi cứ bị đẩy về thế bí liên tục, một người cười mỉm, một người tức anh ách. Nhưng càng lúc tôi càng cảm thấy mọi người đã thân thiết hơn, dám đùa, dám giận và cũng sẵn sàng chia sẻ với nhau.

- Thiệt tình tui tưởng mình không có cách, nhưng với những gì tui vừa thấy được trong tiền kiếp, chúng ta có vài manh mối để truy ra mộ của nó. Những loài quỷ lâu năm không thể đấu trực tiếp mà phải tìm được mộ, hủy xác và phong ấn mãi mãi mới triệt để.

- Vậy là phải đi tới Bảo Lộc tìm nó, từ đây lên Bảo Lộc gần năm trăm cây số, đường xa khó khăn, sao mà đi được hả thầy?

- Bảo Lộc mà tui nhắc tới không phải ở Lâm Đồng đâu, Bảo Lộc lúc trước gọi là B’Lao. Còn Bảo Lộc trong lá thư Bích Trâm cầm là tên cũ của một địa điểm trong tỉnh này, chúng ta cứ men theo đó mà tìm.

- Thầy đúng là kỳ tài, không chỉ biết làm pháp sự mà còn rành mấy cái địa lý nữa.

- Cô đừng quá khen, tui chưa giúp được nhà mình nhiều, những ngày tháng sắp tới tui còn phải cố gắng hơn nữa.

- Nhưng tui nhớ trong chuyện thầy kể có nói mộ nằm cạnh sông, miền Tây này sông ngòi chằng chịt, quê tui cũng y chang, tìm ở đâu hả thầy?

- Còn một manh mối nữa là đoàn hát Cầm Thi Giang, cho dù là có một chút hy vọng cũng phải tìm thấy. Đã lâu rồi tui chưa làm một vụ nào lớn như vầy, cũng đã đến lúc tui mang mấy chiêu mà sư phụ dạy ra thực hành rồi.

- Nhà tui có cần phải làm gì không thầy? Không lẽ cứ ngồi không nhìn thầy làm mà không phụ giúp gì sao?

- Gia đình cứ như tui dặn, buổi tối đừng ra ngoài, đêm nay tui sẽ ở đây, đề phòng con quỷ quay lại, dù khả năng đó rất nhỏ.

Thầy vừa nói xong, tôi thấy sắc mặt thầy tái méc, mồ hôi rỉ ra trên mặt càng lúc càng nhiều, hơi thở dồn dập và có vẻ mệt mỏi. Bà nội thấy vậy sợ quá, hỏi thầy:

- Thầy!!! Thầy có sao không? Đừng nói là…

- Nãy giờ uống trà nhiều quá mà không ăn, tui đói quá…

Tôi và bà nội: …

Theo lời bà, tôi chạy lại tiệm mua mấy cái bánh da lợn cho thầy ăn đỡ đói trong lúc bà bắt lửa nấu cơm. Chạy ra khỏi nhà, tôi nghe loáng thoáng tiếng thầy nói:

- Công nhận trà bắc mà cô pha đậm thiệt, bụng yếu yếu mà uống là dễ ngất lắm… Ha ha.

---

Đêm đến, cả nhà tôi quây quần bên cái bàn tre, vừa uống trà vừa nhìn thầy làm phép.

Thầy dán thêm mấy lá bùa vào cửa sổ rồi quay lại chỗ cúng, bày biện và lấy từ trong túi ra một cái tượng con chim rất đẹp làm bằng gỗ. Thầy niệm gì đó rất lâu, sau đó đặt con chim gỗ xuống và hô lên:

- Đi đi, giúp ta dò hỏi tung tích con quỷ đó ở đâu, sau đó quay về đây, đừng manh động.

Thầy vừa nói xong, một vệt sáng màu đỏ từ trong tượng gỗ bay ra rồi biến mất trong mấy giây. Khỏi phải nói nhà tôi ai nấy đều ngạc nhiên, trước giờ chưa từng thấy cảnh đó.

- Đó là gì vậy thầy?

Thầy quay lại, nhấp một ngụm trà và nói:

- Đó là hồn con chim đại bàng của tui, nó chết đã mười năm rồi nhưng không chịu đi đầu thai, muốn đi giúp tìm ma quỷ, tích thêm phúc đức.
KỲ 4 – CHẠM MẶT KHÔNG NGỜ TỚI

Chúng tôi chưa kịp hỏi gì về con chim đại bàng của thầy thì liền nghe một tiếng “Quác!!!” từ hướng mà con chim vừa mới bay đi, tiếp đó, một chấm đỏ bay lơ lửng về phía thầy Tư.

Thầy nhanh chóng rút ra một lá bùa trong tay áo, đọc lẩm bẩm một lúc, cái chấm đỏ mới bay vào trong lá bùa. Không hiểu chuyện gì nhưng tôi thấy rõ tay thầy đang run bần bật.

Đang trăng thanh gió mát, mây đen từ đâu kéo đến che mất ánh trăng, gió cũng mạnh lên và mang theo hơi lạnh như gió ngoài biển. Trong cơn gió thoảng mùi hương như dầu thơm, sau đó bắt đầu nồng hơn và khiến tôi phải khịt mũi mấy lần.

Thầy Tư hô lớn:

- Tất cả vào nhà mau lên!

Mấy người chúng tôi chưa hiểu chuyện gì, nhưng lật đật làm theo lời thầy, nhưng chưa nhấc được chân lên thì như có một lực vô hình nào đó cầm chặt lấy tay chân.

Ba mẹ và bà nội tôi ngã lăn ra đất, ngất xỉu, lúc này chỉ có tôi vào thầy Tư nhìn nhau. Miệng tôi cứng đờ, chỉ cảm giác được tay chân không thể nhúc nhích còn đầu óc thì như bồng bềnh trên một con sông.

Tình tính tang, tang tính tình

Tụi mày đông quá, hay mình chơi chung

Tiếng nói như hát vọng vào tai tôi từ mọi hướng, nhưng mắt tôi lúc này vô tình chỉ nhìn về con lạch cạnh đám ruộng muối sau nhà.

Từ xa, một chiếc ghe nhỏ từ từ tiến lại, trên đó là bóng của hai, ba, à không, tất cả có bảy người dọc theo ghe. Người đứng đầu tiên mặc một bộ đồ rộng thùng thình màu đỏ, tôi chợt nhớ ra người đã xuất hiện trên ụ mối hôm nọ. Nhưng lần này tôi nhìn thấy rõ mặt của bà ấy, một khuôn mặt thanh tú như sương đêm với đôi mắt kẻ đậm như mấy người hát bội.

Đứng sau đó là sáu người phụ nữ, cũng mặc quần áo rộng nhưng màu trắng, gương mặt của họ cúi xuống như đang buồn điều gì đó. Khi chiếc ghe càng tới gần, tôi mới thấy không phải họ đứng trên ghe mà đang lơ lửng như…đang bay.

Thầy Tư quay lại nói với tôi:

- Lâm! Nhớ là không nhìn, không nghe, không tin!!!

- Ha ha ha ha! Người phụ nữ áo đỏ cười thật lớn, tiếng cười vang đi xa rồi vọng trở lại, trong phút chốc tôi tưởng mình đang ở trong một căn phòng khổng lồ, nơi âm thanh không thể thoát ra ngoài, mọi thứ bị bịt kín và dần ngột ngạt.

- Chỉ với một con chim, cả sống và chết chưa tới hai chục năm mà muốn đi dò hỏi chuyện của tao? Bà ấy nhìn về hướng thầy Tư.

- Mày là… Thầy Tư hét lên, một câu nửa hỏi, nửa đã biết câu trả lời.

- Tao là ai, mày xuống cõi âm rồi biết! Bà áo đỏ lạnh lùng trả lời, câu nói vừa uy lực vừa nham hiểm, trong đôi mắt kẻ đậm ấy, hai con ngươi dần chuyển sang màu đỏ như máu.

Vừa dứt lời, bà ấy trừng mắt, một mùi hương nồng đậm bắt đầu quấn lấy mũi tôi, đầu óc tôi cảm giác như mơ màng, tay chân cũng gần như buông xuôi.

Thầy Tư cũng bắt đầu giống tôi, nhưng ông đang cố cưỡng lại. Tay ông gồng lên nổi những đường gân xanh, cố gắng để vào túi để lấy gì đó. Nhưng những nỗ lực đó trở nên vô ích khi người phụ nữ áo đỏ bắt đầu xòe bàn tay rồi hướng về chúng tôi.

Cơ thể tôi giống như có ai sai khiến, bắt đầu đi từng bước về phía con lạch, cả thầy Tư cũng vậy. Giữa sân sau nhà tôi tới con lạch là một đoạn hơn một trăm thước theo đường thẳng. Bình thường phải đi quanh bờ các ruộng muối vì đang trong mùa khai thác, người ta bơm nước vào ngập các ruộng.

Nhưng lúc này, tôi và thầy Tư bước dần xuống ruộng muối mà không thể cưỡng lại, từng bước, từng bước đi về phía người phụ nữ áo đỏ.

Trong lúc chúng tôi bước đi, mấy người trên thuyền bắt đầu làm mấy động tác như đang múa. Không ai cầm một nhạc cụ nào nhưng tiếng đàn tích tịch tình tang vang lên, kèm theo đó là tiếng tiêu u sầu như phát ra từ miền sơn cước nào đó.

Quỷ áo đỏ đứng yên ở đó, nở một nụ cười nham hiểm và rùng rợn, khóe miệng kéo gần tới mang tai, lộ cả hàm răng trắng bệch và lởm chởm.

Điều không ngờ đến là con quỷ đó vẫn giữ nguyên nụ cười, vậy mà giọng nói nó lại vang ra từ trong cổ họng. Giọng nói này tôi đã nghe nhiều lần nên quen thuộc, nhưng điều đáng sợ chính là nó lại vang ra chậm rãi, đều đều, xa vắng và…nó lại đọc một bài thơ:



Một kẻ đào hoa, học vấn cao

Lại đi chiêu dụ một nàng đào

Để rồi trong một chiều xa vắng

Nói lời từ tạ, sắc như dao.



Chàng mất người yêu cũng chẳng sao

Như một cơn gió thoảng bờ rào

Còn em mất cả đời con gái

Em mất chàng rồi, phải tính sao



Gần trăm mùa nắng, lại mưa rào

Cuối cùng đã gặp ‘kẻ tâm dao’

Thôi hãy cùng em về bên dưới

Hàn thuyên ôn lại chuyện năm nào.



Con quỷ nhìn thẳng vào tôi khi đọc những lời thơ đó, như kiểu tôi chính là kẻ thù của nó. Nhưng mặc kệ nó có ý gì, lúc này tôi cảm thấy vô cùng bất lực, muốn vùng chạy đi mà không tài nào điều khiển được chân mình. Cảm giác có một thứ vô hình đang bao quanh tôi và dần dần bóp nghẹt tất cả.

Tôi càng cảm thấy khó thở, càng cố vùng vẫy, nhưng chỉ thấy mình càng lúc càng gần đến chiếc ghe ma quái kia. Lúc này, những con quỷ đứng sau bắt đầu hiện nguyên hình, không còn là những cô đào hát mặc quần là áo lụa nữa.

Ba con quỷ đầu tiên đều là những bộ xương ẩn trong lớp quần áo, hốc mắc đen thui, trên lớp xương dính một vài mảng da thịt thối rữa. Nếu tụi này nằm trong một cỗ quan tài, tôi đoán chắc nó cũng nằm dưới đất ít nhất năm mươi năm.

Đặc biệt là ba con quỷ đứng sau cùng lúc này lại hiện ra bóng dáng của ba người nguyên vẹn, trong số đó, tôi nhận ra thằng Được. Nó vẫn đứng đó múa mà mặt vô cảm, không khác gì một con rối bị điều khiển. Đứng cạnh nó là một người phụ nữ và một ông già.

Tôi không có nhiều thời gian để ngắm ba người đó múa vì lúc này, mấy bộ xương khô kia như bị ai đó ra lệnh, nhào tới chỗ tôi và thầy Tư. Chúng giơ mấy bàn tay khô trơ xương, với bộ móng dài mà tôi nhớ mang máng đã nhìn thấy ở đâu đó, chĩa về hướng chúng tôi.

Lúc này tôi dùng hết sức mình để vùng vẫy và hét lên một tiếng:

- Áaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaa!

- Cứuuuuuuuuuuuuuuuuuu! Thầy Tư bằng một cách nào đó cũng la, còn lớn hơn tôi.

Ba con quỷ xương khô đang lao đến chúng tôi đột nhiên bị đẩy ngược lại bằng một lực rất mạnh, khiến chúng dội ra, bay đến bờ bên kia của con lạch.

Chúng tôi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, thì từ đằng sau lưng vang lên một giọng nói quen thuộc:

- Ở đây không phải chỗ của tụi mày, biến về cõi âm hết cho ta!
KỲ 5 – GIẢI OAN

Mấy con quỷ bị đẩy lại phía sau bằng một lực vô hình, nhưng rất nhanh chóng tiếp tục bay tới, muốn xé xác tôi và thầy Tư bằng được. Chúng không còn biết suy nghĩ mà chỉ là những con rối bị quỷ áo đỏ mặc sức thao túng.

Nhưng thể loại không não thường chỉ làm tốt thí, chúng chưa kịp chạm vào chúng tôi thì tiếp tục bị đẩy ra. Lần này với một lực còn mạnh hơn, làm rách tung bộ quần áo mà chúng đang khoác lên.

Tôi tranh thủ nhìn lại phía sau mình, để xem nhân vật nào mạnh mẽ đến mức có thể tung đòn không một hoạt ảnh như vậy. Chợt tôi “Ồ!” lên một tiếng, thì ra giọng nói quen thuộc chính là của ông lão tôi đã gặp trong mơ.

- Đã chết một lần còn không siêu thoát, muốn tạo nghiệp đến bao giờ hả? Ông vừa tung đòn xong thì nhìn đám quỷ trên ghe, lớn tiếng hỏi.

- Mày là ai? Con quỷ áo đỏ gằng giọng, đôi mắt của nó giờ đây chuyển hết sang màu đen thăm thẳm.

- Ta là ai còn không biết, vậy thì đừng phí thời gian ở đây tác oai tác quái.

Vừa nói xong, ông rút trong áo ra một lá bùa màu đỏ, quăng về phía chiếc ghe, lá bùa vừa chạm vào đã khiến ghe bốc cháy.

Con quỷ áo đỏ nhanh chóng tránh sang một hướng, để mặc mấy người ‘chị em’ của mình trên ghe mà không có phản ứng gì. Nhắm chừng đã tới vị trí an toàn, nó phất tay lên ra hiệu cho sáu con quỷ còn lại, nhằm về hướng chúng tôi mà đánh:

- Các chị em, giết tụi nó cho Bích Trâm, tụi nó là người đã hại chị em mình.

Vừa nhận mệnh lệnh, mấy con quỷ kia như nạp đầy năng lượng, bay tới với tốc độ kinh hồn, lúc này thằng Được chính là đứa bay đến gần tôi nhất. Lúc nó còn sống, tôi từng thấy nó đấm thằng nhóc trong xóm dáng người gần bằng tôi. Thằng kia nhận cú đấm mà tím mắt một thời gian sau mới khỏi hẳn. Không biết bây giờ nó thành quỷ, đấm tôi sẽ ra nông nỗi gì.

‘Chết rồi, lúc nãy ba con còn có thể đấu, giờ cả sáu con thì….’

Tôi nghĩ thầm trong đầu, nhưng chưa nghĩ xong thì cả sáu con quỷ đều đứng khựng lại, gục đầu xuống.

- Nhìn đi Bích Trâm! Mày nhìn cho kĩ, mày đã làm gì với những người mà mày gọi là chị em đi!

- … Con quỷ áo đỏ không thèm trả lời.

- Lúc còn sống họ giúp mày nổi danh trong đoàn hát, nhưng khi mày chết lại lôi họ theo dù tất cả đều còn tuổi thọ. Đó là những cái chết uẩn ức mà không gì bù đắp được. Đáng lẽ họ chết một lần đã tội lỗi, đằng này mày còn rủ họ theo để thành quỷ, như vậy là tội chồng tội, mày đã gieo quá nhiều nghiệp báo rồi, còn không mau đầu hàng, không chừng ta sẽ nương tay.

- Ha ha ha! Lúc này, con quỷ đột nhiên cười lớn, đầy ma mị và chết chóc. Nó ngừng lại giây lát rồi vừa nói vừa cười:

- Chị em hả? Chẳng có đứa nào là chị em hết, tao vừa chết đi là tụi nó đã giành vào vị trí đào hát. Ngày đám người đó chôn tao ở bờ sông, tụi nó còn viện lí do không thắp nhang. Tao sống một đời vì hai chữ tình nghĩa, tao chết vì chữ tình, còn cái tao hận chính là chữ nghĩa.

Ba đứa này – con quỷ nói và chỉ vào thằng Được, ông Tám và chị Mai – khi chết thì đi theo tao, nhưng lại bỏ trốn về địa ngục nhận án, luân hồi. Cũng may là trời cao có mắt, tao cuối cùng cũng tìm được tụi nó và thằng khốn nạn này. Nó dứt lời thì chỉ vào tôi.

‘Mẹ mày! Tao chỉ mới khốn nạn một lần khi giấu dép tụi nhóc trong xóm lên cây ổi thôi.’

- Thằng nhỏ không có tội!

- Nhưng kiếp trước của nó có tội! Tao vĩnh viễn không quên thằng khốn nạn đó!

- Kiếp trước của nó cũng không có tội! Ông lão nhấn mạnh bằng một câu nói uy lực.

- Mày nói láo, chính nó làm tao có bầu, chính nó sai người đưa thư bắt tao bỏ thai, chính nó ép tao phải chết.

- Tất cả là hiểu lầm!

Ông lão vuốt nhẹ chòm râu rồi kể lại những chuyện đã xảy ra từ kiếp trước, khi Bích Trâm vẫn đang là cô đào được nhiều người yêu mến. Trong số đó có anh sinh viên quê ở Bảo Lộc, tỉnh Bến Tre (tên địa danh thời bấy giờ), hễ mỗi khi có đêm diễn, anh đều đến sớm để chọn vị trí gần sân khấu nhất.

Trai tài gái sắc gặp nhau nhiều lần, không tránh khỏi nảy sinh tình cảm. Nhưng tình yêu trai gái thời xưa còn nhiều ngăn cấm, nhất là về gia cảnh, địa vị. Dù là đào hát nổi danh, nhưng Bích Trâm làm cái nghề người ta gọi là xướng ca vô loài, làm sao xứng với công tử một nhà điền chủ như anh sinh viên họ Cao.

Anh Cao thương Bích Trâm lắm, nhưng mẹ anh lại ra sức ngăn cản, trong một lần hẹn hò trên chiếc ghe nhỏ, hai người nằm trong mui ghe, phát sinh quan hệ. Hai người không biết rằng lần đầu tiên đó lại giúp cả hai có một đứa con.

Khi thai được tám tuần tuổi, Bích Trâm bị ốm nghén thường xuyên và không đủ sức để diễn tuồng liên tục. Trong một lần rình cô ra chợ bốc thuốc, bà mẹ họ Cao tìm vài người chặn đường, đánh đến nỗi cô sẩy thai. Bích Trâm phải nằm trên ghe điều trị vài tháng mới khỏi hẳn, lúc này đoàn hát của cô không ghé lại Bảo Lộc nên anh Cao cũng không tìm được.

Chưa hết, ngày anh Cao trở lên thành phố học cũng là lúc Bích Trâm và đoàn quay lại. Những tưởng tin đoàn hát đến sẽ làm anh Cao lập tức đến tìm cô, nhưng đáp lại chỉ là một người gia đinh cầm thư tạm biệt.

- Mời em đến dự đám cưới của anh, những gì chúng ta đã có anh sẽ xem là mộng đẹp. Mong em cũng vui và chúc phúc cho anh. Cao Nguyễn Minh - Con quỷ đột nhiên tiếp lời ông lão – những dòng chữ trong thư tao thuộc lòng, tao đã mất tất cả chỉ trong một đêm.

- Đó là thư mạo danh, người họ Cao đó sau khi về quê biết tin người yêu chết vì tự tử, cũng không nghĩ ngợi thêm mà nhảy sông mất xác.

- Nói láo, anh Minh nhảy sông sao tao không biết? Tao dập dìu ở khu đó hàng đêm, nếu thấy xác anh Minh thì tao chính là người biết đầu tiên.

- Mày có thể tin hoặc không, nhưng xuống gặp diêm vương thì rõ. Ông lão không chần chừ quăng thêm mấy lá bùa màu vàng ra, bay thẳng đến từng con quỷ.

Ngay cả con cầm đầu cũng bị dính bùa, bọn chúng rú lên đau đớn, miệng há rộng như muốn nói điều gì. Tấm bùa trực tiếp phát huy tác dụng, thiêu đốt từng con quỷ một, lửa cháy đến đâu, các vệt máu bắt đầu ứa ra.

Ngay khi ông lão nở nụ cười chiến thắng, mắt ông chợt nheo lại, sau đó tỏ ra ngạc nhiên:

- Thôi chết, bị nó lừa rồi!

Khi mấy con quỷ bị bùa khống chế, tôi và thầy Tư mới hết bị điều khiển, bắt đầu trở lại bình thường.

- Sao vậy ông tiên? Tôi hỏi ông lão ngay khi vừa nghe ông lẩm bẩm câu trên.

- Con quỷ Bích Trâm đã chạy từ nãy giờ, con quỷ vừa nói chuyện chính là một phần hồn phách của nó thôi.

Lúc này tôi mới nhìn lại, rõ ràng quỷ áo đỏ mới đứng đó t nhưng lúc này biến mất không dấu vết.
KỲ 6 – LÊN ĐƯỜNG DIỆT QUỶ

Tôi đoán chừng do con quỷ áo đỏ đã chạy mất, nên chúng tôi cũng không còn bị khống chế nữa. Ngược lại, mấy con quỷ và chiếc ghe ma ám kia vẫn bị ông lão thiêu đốt.

Dường như vừa bị đánh lừa, ông tức giận đỏ cả mặt, sau đó quăng thêm một lá bùa ra, nó cứ lớn dần cho đến khi vừa vặn bao trùm cả chiếc ghe đang cháy. Kỳ lạ thay, khi tấm lá bùa phủ lên thì không còn ngọn lửa nào nữa, tất cả bị lá bùa nuốt chửng và sau đó thu hồi trở lại hình dánG bình thường, bay ngược về phía ông lão.

Lúc này tôi và thầy Tư mới quay người lại, quỳ xuống, vái lạy ông lão:

- Đội ơn ông tiên đã cứu con. Xin ông hãy cứu lấy gia đình con đang nằm trong kia nữa. Tôi vẫn còn chưa biết gia đình mình thế nào vì nãy giờ chỉ chú tâm vào những thứ xung quanh.

- Thần tiên hiển linh, không biết quý danh của ngài là gì ạ? Thầy Tư hỏi trong lúc vẫn cúi đầu.

- Ta là ai không quan trọng, quan trọng bây giờ là ta phải cứu lấy gia đình thằng bé này. Sau đó, truy cho ra hang ổ của con quỷ nữ kia, nhất định không cho nó cơ hội thoát ra rồi hại thêm người nào nữa.

- Giờ tìm nó ở đâu hả ông? Tôi hỏi.

- Con quỷ đó đã bị yếu đi do để lại một phần hồn phách làm ảo ảnh đánh lừa ta, nó biết chắc không phải đối thủ của ta nên phải chạy về hang ổ của nó dưỡng thương rồi. Con hãy cùng thầy pháp này men theo con lạch này, ra sông lớn rồi đi về hướng Tây Bắc, khi nào gặp một cây đa lớn bên sông thì tìm trong bán kính hai trăm thước sẽ gặp mộ của nó.

- Ngài không đi theo sao hai người chúng con có thể bắt nó được, vừa nãy nó suýt chút nữa giết luôn con và thằng Lâm. Thầy Tư lên tiếng.

- Đây là nghiệp duyên của thằng bé này, ta chỉ hỗ trợ chứ không thể làm thay được. Nếu khi nào cảm thấy sợ hãi và cần thiết, hãy đốt tờ giấy này, ta sẽ đến giúp.

Nói xong, ông lão xòe tay, biến ra một tờ giấy màu vàng như lá bùa, trên đó chỉ vẽ ba dấu chấm màu đen, đưa cho tôi. Vừa nhận lấy, tôi định ngước lên cảm ơn ông thì thấy không còn ai nữa. Xung quanh chúng tôi bây giờ là một màn đêm dằng dặc, bên dưới nước trong ruộng muối bắt đầu làm chân tôi ngứa kinh khủng.

Tôi vội cùng thầy Tư chạy vào sân sau, lúc này ba mẹ và bà nội đang từ từ tỉnh lại. Ba người không hiểu chuyện gì xảy ra, nhất là khi thấy hai thầy trò chúng tôi đầu tóc dựng đứng, hai chân dính toàn bùn sình. Nếu trời tối thêm chút nữa có thể họ sẽ giật mình vì tưởng hai chúng tôi là quỷ dưới ao đi lên.

‘Con quỷ dưới ao’ chạy đến ôm chầm lấy ba mẹ và bà nội, mừng rỡ vì tất cả đều không sao. Thầy Tư cũng ngồi xuống bàn, kể cho mọi người nghe những chuyện mới xảy ra. Khi thầy nói rằng chúng tôi sẽ lên đường tim mộ quỷ, ba mẹ tôi rất lo lắng và không cho phép. Nhưng bà nội đứng về phía tôi, có lẽ là do chứng kiến từng chuyện diễn ra trong một thời gian ngắn.

Bà cũng muốn cùng tôi lên đường, mặc kệ ba mẹ can ngăn và không lường trước được có gặp gì nguy hiểm hay không. Ba mẹ tôi không còn cách nào khác phải để bà đi cùng, dù sao có người lo cho tôi vẫn tốt hơn.

Sáng hôm sau, ba chúng tôi lên đường đi theo chỉ dẫn của ông lão thần tiên. Tuy nhiên thầy Tư nói nếu men theo con lạch đi ra sông, rồi từ sông đi lên khu vực kia sẽ rất lâu. Không biết từ đâu, thầy tìm được một tấm bản đồ và nói:

- Theo con lạch này thì chúng ta phải đi ít nhất hai mươi cây số bằng xuồng, ghe, nhưng đi thẳng đến địa điểm này bằng đường bộ thì chỉ mất có nửa thời gian.

- Nhưng sao mấy địa điểm ghi trên này nó lạ vậy thầy? Bà nội thắc mắc.

- Lạ là phải, bản đồ này là bản đồ xưa, các địa điểm và ranh giới đều theo tên cũ, chúng ta dựa vào bản đồ này, đối chiếu với bản đồ hiện tại mới có thể đi chính xác được.

Bà nội gật gù, sau đó cùng thầy Tư tìm đường đi và thuê xe ngựa. Thời đó ở quê tôi đi đường xa nếu không có xe đạp thì xe bò hoặc xe ngựa là phổ biến nhất. Tuy nhiên, xe ngựa được chuộng hơn vì có mái che.

Chúng tôi đến mốc đầu tiên sau nửa tiếng di chuyển, đó là điểm cuối của con lạch gần nhà tôi. Nó giao với một con sông lớn, hai bên là rừng dừa nước xanh thẳm, nhìn vô cùng mát mắt. Phải nói là lần đầu tiên đi xa thế này rất thích thú, có lúc tôi quên mất nhiệm vụ rùng rợn mà mình đang đi tìm.

Dò hỏi một lúc, chúng tôi được người ta chỉ về phía con đường nhỏ cạnh sông, rộng vừa đủ để xe ngựa đi, vậy là đỡ phải đi bộ thêm một quãng đường nữa.

Khi đi vào rừng dừa nước chừng mười phút, tôi mới cảm thấy nó không còn thơ mộng như lúc nãy. Nhìn về phía sau, là một con đường hút tầm mắt, hai bên toàn dừa nước, nhìn về phía trước cũng tương tự, tôi có cảm giác đang đi trong một con đường vô tận không có điểm ra.

Tán lá phía trên đan xen vào nhau, làm ánh sáng trong con đường này không khác gì buổi chiều. Trong khu rừng dừa nước tĩnh lặng lúc này, chỉ nghe tiếng vó ngựa lộc cộc đều đặn, con đường hết quanh co lại thẳng tắp, tiếp nối không ngừng, tự trong lúc này tôi lại tưởng tượng có con ma nào đó nhảy từ sau lưng đến chụp lấy chúng tôi.

Cũng không biết qua bao lâu, chúng tôi đi tới một ngã ba sông lớn, lúc này con đường rẽ qua bên phải, phía trước lại có một bến đò nhỏ.

Thầy Tư cầm cái la bàn, trầm ngâm:

- Theo hướng Tây Bắc, thì bây giờ không thể đi tiếp mà chúng ta phải qua bên kia sông, tui nghĩ không thể đi tiếp bằng xe ngựa rồi.

Chúng tôi bước xuống xe rồi đi thẳng ra bến đò, lúc này bà nội mới hỏi người chủ đò:

- Ông anh cho tui hỏi, nếu giờ đi qua bên kia sông là chỗ nào vậy ông anh?

- Bên đó là cù lao Chồn, ba người đi qua đó thì tui chở qua, tui tính tiền hai người lớn thôi, cháu nhỏ này không tính.

Chúng tôi đồng ý rồi bước lên đò, không hiểu sao từ lúc bước lên, tôi cảm giác bầu không khí trở nên nặng nề. Phía bên kia sông những ngôi nhà nhỏ nằm dọc bên bờ dần hiện rõ, ngay từ xa tôi đã nhìn thấy những cái cây lớn vượt hẳn lên khỏi mái nhà.

Đây là sông gì mà nước có màu xanh ngọc, khác hẳn với mấy con sông gần nhà tôi, càng đến gần bờ bên kia, gió bắt đầu thổi mạnh làm con đò hơi chao đảo.

Tôi rảo mắt nhìn quanh bờ bên kia, đột nhiên thấy con quỷ áo đỏ đang đứng trên bờ, lúc ẩn lúc hiện. Hai tay nổi da gà, tôi níu vào vạt áo của thầy Tư:

- Thầy ơi thầy, nó kìa!

- Cái gì hả Lâm? Thầy Tư nhìn tôi rồi nhìn theo hướng tay tôi chỉ.

Vừa nhìn qua, sắc mặt thầy cũng thay đổi, sau đó chợt quay lại đưa cho tôi một cái túi.

- Con mau bỏ vào người, thứ này tạm thời sẽ giúp chúng ta an toàn đến tối.

- Cô cũng bỏ vào người đi! Thầy đưa cho bà nội một cái tương tự.

- Theo bản đồ thì chỗ bên kia chính là chỗ mà tui đã thấy trong tiền kiếp, chắc chúng ta sắp tới rồi.
KỲ 7 – VÉN MÀN CHÂN DUNG

Chúng tôi bước lên bờ trong ánh nhìn lạ lẫm của mọi người ở đó. Khác với bến bên kia là một rừng dừa nước, phía bên này lại có mấy dãy nhà sát bờ sông. Phía xa là rất nhiều cái cây to lớn, không biết bao nhiêu rễ cây từ trên tán đang rũ xuống đất.

- Chắc chúng ta phải đi hỏi bà con ở đây một chút! Thầy Tư nói.

Chúng tôi bước vào một quán nước cạnh bến đò, lúc này đang có vài người đang tán dóc ở đó. Nhận ra chúng tôi là người lạ, mấy người đó đang nói chuyện rôm rả thì quay lại nhìn chúng tôi. Bà chủ quán nước lên tiếng hỏi trước:

- Cô chú kiếm ai ở đây hả?

Sau này, tôi nhận ra bất cứ ở một thôn xóm nào đều có một hay vài quán nước như vậy, và nếu muốn hỏi thông tin gì, cứ việc hỏi bà chủ là xong.

- Tụi tui từ dưới Ba Tri lên đây, không phải tìm người, mà tìm ngôi mộ của một người quen! Thầy Tư không giấu diếm ý định của mình.

- Tìm mộ? Cô chú tìm mộ ai? Ở trên cù lao này không có bao nhiêu người đâu, cô chú muốn tìm mộ nhà nào, tui chỉ cho, đừng có ngại!

- Tui muốn tìm một ngôi mộ xưa, tên là Bích Trâm.

- Bích…Bích…Trâm? Đột nhiên mặt bà chủ quán nước tái mét, ăn nói lắp bắp.

Mấy người còn lại trong quán cũng chết trân khi nghe cái tên kia, dường như ở đây, không ai không biết Bích Trâm. Không những vậy, họ còn tỏ ra rất sợ hãi.

- Mấy người tìm mộ đó làm gì? Một người đàn ông cao to bước ra hỏi.

- Chẳng giấu gì mấy anh chị, tui là thầy pháp, còn đây là cô và cháu trai của tui. Tụi tui đến đây tìm mộ là để phong ấn lại, không để ma quỷ lộng hành.

- Lại thêm một ông thầy thích chết…. Một người đàn ông khác nói bâng quơ.

- Tụi tui ở đây lâu rồi, cũng gặp nhiều thầy pháp được mời tới đây để yểm mộ, mà chưa thấy ai sống sót quay về. Không bị hộc máu chết thì qua sáng mơi (sáng mai) cũng nổi lềnh bềnh trên sông. Người đàn ông cao to nói, trong khi bà chủ quán lúc này đã im lặng, thỉnh thoảng lại liếc nhìn chúng tôi.

Như để chứng minh cho lời nói của mình, người đàn ông đó dẫn chúng tôi đến một dãy đất trống cách bến đò chừng ba trăm thước. Cỏ ở đây mọc cao đến nửa người, sâu bên trong có mấy gò đất cao.

- Đó là mấy ngôi mộ của thầy pháp đã vong mạng ở đây, tụi tui cũng không biết họ là ai, người thân ở đâu nên đành chôn trên đất này. Nói đi cũng phải nói lại, nếu họ không chọc giận ‘bà đào Trâm’ thì sẽ không phải chết.

- Vậy còn mộ Bích…à quên, mộ bà đào Trâm ở đâu vậy chú em?

- Xin lỗi nha, tui không thể đưa cô chú tới đó, mà ở trên cù lao này cũng không ai dám lại gần nơi quỷ quái, nhưng tui sẽ chỉ hướng cho ba người đi, mong là mọi người phải đặc biệt cẩn thận, mất mạng như chơi.

- Chú em cứ nói đi, tụi tui đã quyết định tới đây thì sẽ không chùn bước. Nhưng tui cũng cần biết thêm một số chuyện ở trên này, không biết chú em có thể kể cho tui nghe vài chuyện liên quan đến cô đào Trâm được không?

Người đàn ông suy nghĩ một lúc rồi gật đầu, sau đó dẫn chúng tôi trở lại quán nước, lúc này khách đã tan gần hết. Lác đác hai, ba người ở lại và bà chủ, họ bắt đầu kể cho chúng tôi nghe mấy chuyện quỷ dị trên đất cù lao từ hàng chục năm trước.

Ngày đó dân ở đây rất đông, đa số làm người chài lưới và chở ghe bán muối. Mọi người sau buổi làm việc thường ghé lại quán nước của bà chủ để tán dóc, đợi tới bữa cơm chiều.

Một ngày nọ, cách đây chừng ba mươi năm, trời về chiều, mọi người đang dần trở về nhà, bà chủ cũng dọn hàng chuẩn bị nghỉ. Bỗng nhiên một người la lên khi thấy một cô gái chới với giữa dòng nước. Tiếng hô hoán nối nhau vang lên khắp bờ sông, mấy thanh niên trai tráng nhảy ngay xuống và bơi ra ngoài cứu người.

Nhưng càng bơi họ càng thấy cách xa cô gái kia, khi đến quá nửa sông, đột nhiên họ bị một lực nào đó kéo thẳng xuống dòng sông. Sự việc diễn ra quá nhanh làm mọi người không biết ứng phó thế nào, chỉ biết kêu gào trong vô vọng.

Hai ngày sau đó, xác họ mới nổi lên, nhưng điều kỳ lạ là dòng sông vốn chảy rất mạnh, mấy cái xác đáng lẽ bị đánh theo con sóng đến cuối nguồn, nhưng lúc này lại tấp vào ngay bến đò, nổi lên.

Người tỉnh tôi hay làm lễ tang nhiều ngày và lúc đem chôn sẽ chọn giờ ban đêm, sau này tôi cũng phát hiện ra hình như có mỗi quê mình theo tục lệ đó. Những người trai tráng cứu người lần đó cũng không ngoại lệ, đoàn người đưa họ đi chôn men theo con đường dọc bờ sông đến khu mồ mả vào lúc nửa đêm.

Lúc họ vừa hoàn tất hạ táng, quay lại thì thấy trên sông có một chiếc xuồng nhỏ, một cô gái mặc áo đỏ ngồi trên đó, hai tay đang làm kiểu múa và hát một khúc dân ca.

Chưa kịp dụi mắt nhìn, họ lại thấy phía sau có thêm mấy chiếc xuồng, nam nữ có đủ, đang ngồi buồn rũ rượi, mặt trắng bệch và đôi mắt sâu hoắm.

Đoàn xuồng lẳng lặng trôi trên sông dù lúc này đang có nước cuộn, cộng thêm tiếng hát lanh lảnh của cô gái áo đỏ, tất cả đều biết họ đã gặp ma. Kể từ đó, không ai dám bén mảng ra bờ sông vào ban đêm, quán nước đóng cửa sớm, người đi làm về trễ không dám đi đò, phải ở lại bên kia sông đợi đến trời sáng.

Tưởng vậy là xong, nhưng thỉnh thoảng người trên cù lao lại nghe tiếng hát bội giữa đêm, và hễ ai nghe thấy, trong vòng một tháng sau, nhà họ sẽ có tang sự. Dần dần, người ta bỏ xứ đi đâu gần hết, không ai muốn có một đêm trăng thanh gió mát nào đó, chính nhà họ sẽ nghe tiếng hát đêm khuya.

Những người lớn tuổi nhất lúc trước đoán rằng chính cô đào Trâm năm nào đã trở lại, biến thành quỷ dữ và trừng phạt những người từng chứng kiến cái chết nhục nhã của cô. Nhưng đó là chuyện của thế hệ trước, những năm sau này, ở cù lao toàn bộ chỉ nghe câu chuyện đó qua truyền miệng và lời dặn: ‘Không được đến gần mộ cô đào Trâm’.

Mọi người vừa kể vừa nhìn ngang ngó dọc, như đề phòng ai đó. Chúng tôi nghe xong gật gù, xét về sự ma quái và hậu quả khôn lường, chuyện ở đây và ở xóm tôi không có gì khác nhau. Nhất định phải làm xong chuyện này càng sớm càng tốt, tôi có cảm giác sắp có một trận đánh ghê gớm diễn ra.

Theo chỉ dẫn của la bàn và lời kể của mấy người ở quán nước, chúng tôi đi về hướng Tây Bắc, băng qua một ruộng bắp lớn cao khỏi đầu người lớn. Trong lúc đi giữa mấy luống bắp, tôi cảm thấy có ai đó đang đứng bên cạnh theo dõi từng bước chân của mình.

Trời càng về chiều, con đường càng yên tình và vắng vẻ hơn. Lúc này chỉ còn tiếng chim bìm bịp kêu buồn bã. Chúng tôi bắt đầu đến chỗ những cây đa lớn đầu tiên.

Người ta nói ma quỷ hay trú ngụ trong cây đa, nấp sau đám rễ treo lòng thòng để hù dọa con người. Nếu gặp ai hợp mạng sẽ nhập hồn để cướp luôn thân xác, như một kiểu tái sinh.

Tôi không biết có đúng hay không, nhưng quả thực đi ngang mấy cây đa vào buổi chiều, cảm giác ớn lạnh không lúc nào không có. Tôi len lén nhìn vào mấy chỗ khuất, tưởng tượng một con quỷ nào đó nhảy xổ ra ăn mất hồn phách của mình.

Chúng tôi đi dọc theo con đường mòn vào trong khu đất trống, càng lúc càng hoang vắng, cỏ cây mọc rậm rạp hai bên đường. Chúng tôi phải đi theo hàng một, thầy Tư đi trước dò đường rồi đến tôi và bà nội.

Chừng mười phút sau, chúng tôi đến chỗ một cây đa cổ thụ, tán cây rất rộng, ở dưới gốc còn có một cái miếu nhỏ bằng gỗ, chỉ có ba cái tách nhỏ và một cái đĩa khô khốc, trống trơn. Thầy Tư đến gần xem xét, sau đó quay lại nói:

- Cái miếu nhỏ này bỏ hoang lâu rồi, không có hồn phách của ai xung quanh đây hết. Mình đi tiếp thôi!

Chúng tôi lại đến chỗ cây đa thứ hai, lúc này trời dần về chiều, có vẻ thầy Tư đang rất sốt ruột. Tôi nhớ lời ông dặn lúc trên đò, cái túi mang trong người chỉ có thể tạm giúp chúng tôi an toàn trước khi trời tối.

Rồi cây đa thứ ba, vẫn không thấy dấu hiệu của mồ mả nào ở đây, khác hẳn với chỉ dẫn của mấy người trong quán nước. Họ nói chỉ cần vào chừng năm trăm thước sẽ thấy ngay, nhưng lúc này đã quá xa mà không thấy gì.

- Lạ quá, tui không thể cảm nhận chút âm khí nào ở đây. Thầy Tư có vẻ trầm tư.

- Không có âm khí là tốt chứ thầy? Bà nội nói.

- Nếu trong nhà mình thì là tốt, nhưng ở cù lao này nhiều mồ mả, miếu hoang mà lại không có âm khí thì hơi lạ.

Trời càng về chiều, chúng tôi đang giậm chân tại chỗ, ai nấy đều lo lắng. Đi kèm theo đó là nỗi sợ tăng dần, không biết lúc trời tối chúng tôi phải làm sao đây?

Nghĩ tới đây, tôi chợt nổi da gà, ba người chúng tôi chỉ có thầy Tư là biết làm phép, còn tôi và bà nội tay không tấc sắt, nếu xảy ra chuyện gì làm sao ứng phó kịp. Càng lo lắng, tôi càng sợ.

Càng sợ, tôi càng nổi da gà, trong lúc không biết nên làm gì, tôi rút tờ giấy trong túi ra, bật lửa lên đốt nó. Vừa cháy xong, tôi đã nghe tiếng ông lão vang lên, đầy hờn dỗi:

- Sao lại gọi ta sớm như vầy?

- Ông tiên…. ông dặn khi nào cảm thấy sợ hãi thì gọi ông mà! Tôi thật thà trả lời.

- Ta nói là lúc nguy cấp, giờ còn chưa tối nữa mà! Ông bước ra cạnh chúng tôi từ lúc nào, bà nội thấy vậy liền giật mình, né sang một bên phòng hờ.

- Không sao đâu cô, đây là người đã cứu chúng ta hôm trước. Thầy Tư giải thích, lúc này bà nội mới thay đổi sắc mặc, cúi người chào ông lão như cảm tạ.

- Ba người bị dắt đi lòng vòng nãy giờ, không thấy lạ hả? Ông lão lúc này vuốt chòm râu, từ tốn nói.

- Đi lòng vòng? Cả ba người chúng tôi kinh ngạc.

- Nhìn đi, đó có phải là cái miếu lúc nãy mọi người thấy không? Ông lão phất tay về cây đa, lúc này chúng tôi mới giật mình khi thấy cái miếu gỗ hiện ra, nhưng khác một chỗ là đĩa đầy trái cây, còn ba cái tách nhỏ đang đầy nước. Bên trong còn có một tấm bài vị cổ viết chữ ngoằn nghoèo.

Lúc này tôi mới sợ thật sự, mồ hôi lạnh bắt đầu ứa ra và chảy thành dòng. Nhìn qua bà nội và thầy Tư cũng không thấy có gì khác hơn.

- Vậy… cái mộ đó ở đâu hả thần tiên? Thầy Tư hỏi.

- Ta đã dặn rồi, thấy cây đa thì tìm trong bán kính hai trăm thước, nhưng ở đây cây cối um tùm, trời sáng tìm còn khó, nói gì đến lúc sập tối như bây giờ. Thôi giúp thì giúp cho trót, các người theo ta.

Ông nói rồi bước đi, tôi và bà nội theo sau, cuối cùng là thầy Tư. Lần này, chúng tôi không đi theo đường mòn mà theo sau chân ông lão, ông đi thẳng vào bụi cây sừng trâu mà không một chút ngần ngại. Mà cũng phải, ông chỉ xuyên qua thôi chứ không chạm chút nào vào bụi cây, còn người chạm vào là chúng tôi, ngứa kinh khủng.

Vừa xuyên qua bụi cây sừng trâu là chúng tôi bước vào một bãi đất trống khá rộng, ở đây chỉ có cỏ mọc không quá mắt cá chân. Ở giữa bãi đất này là một cái gò đất cao gần bằng người.

Lúc này, ông lão mới quay lại nói:

- Đây là nơi trú ngụ của con quỷ áo đỏ, nãy giờ nó dùng thuật che mắt để dẫn ba người đi vòng vòng, đợi đến lúc trời tối thì ra tay bắt hồn. Nó còn chưa khỏe hẳn sau đêm hôm đó, nếu không thì nó đã bắt ba người từ lúc ở trên đò.

Tôi nghe mà sợ thật sự, thì ra đi tìm quỷ lại có thể gặp cái chết bất cứ lúc nào, cảm thấy mình thật may mắn.

- Giờ phải làm sao vậy thần tiên? Thầy Tư lại hỏi.

- Cậu đi làm phép bao nhiêu năm rồi mà còn hỏi câu này? Không mau lập đàn, căng dây thiên trường quanh cái mộ đi. Ta chỉ hướng dẫn, không trực tiếp làm được. Nhớ, con quỷ này rất khó trị, phải lập cả hai đàn tiên thiên và hậu thiên, tuyệt đối không một chút sơ suất.

Ông nói rồi để thầy Tư tự lập đàn, sau đó quay sang đưa cho tôi một con dao nhỏ:

- Lát nữa khi con quỷ xuất hiện, con phải cầm con dao này đâm vào tim của nó, tuyệt đối không được nghĩ gì nhiều, nếu nó hiện ra với hình dáng nào, cũng phải đâm cho chính xác.

Tôi cầm con dao trong tay mà cảm thấy nó nóng như lửa đốt, tôi phải đổi qua lại giữa hai tay, một hồi lâu mới cảm thấy quen với cảm giác đó. Lúc này, thầy Tư đang lấy sợi dây màu đen quấn quanh gò đất, thầy bày rất nhiều đồ cúng hai bên và bắt đầu châm lửa, đốt nhang.
 
Last edited:
KỲ 4 – CHẠM MẶT KHÔNG NGỜ TỚI

Chúng tôi chưa kịp hỏi gì về con chim đại bàng của thầy thì liền nghe một tiếng “Quác!!!” từ hướng mà con chim vừa mới bay đi, tiếp đó, một chấm đỏ bay lơ lửng về phía thầy Tư.

Thầy nhanh chóng rút ra một lá bùa trong tay áo, đọc lẩm bẩm một lúc, cái chấm đỏ mới bay vào trong lá bùa. Không hiểu chuyện gì nhưng tôi thấy rõ tay thầy đang run bần bật.

Đang trăng thanh gió mát, mây đen từ đâu kéo đến che mất ánh trăng, gió cũng mạnh lên và mang theo hơi lạnh như gió ngoài biển. Trong cơn gió thoảng mùi hương như dầu thơm, sau đó bắt đầu nồng hơn và khiến tôi phải khịt mũi mấy lần.

Thầy Tư hô lớn:

- Tất cả vào nhà mau lên!

Mấy người chúng tôi chưa hiểu chuyện gì, nhưng lật đật làm theo lời thầy, nhưng chưa nhấc được chân lên thì như có một lực vô hình nào đó cầm chặt lấy tay chân.

Ba mẹ và bà nội tôi ngã lăn ra đất, ngất xỉu, lúc này chỉ có tôi vào thầy Tư nhìn nhau. Miệng tôi cứng đờ, chỉ cảm giác được tay chân không thể nhúc nhích còn đầu óc thì như bồng bềnh trên một con sông.

Tình tính tang, tang tính tình

Tụi mày đông quá, hay mình chơi chung

Tiếng nói như hát vọng vào tai tôi từ mọi hướng, nhưng mắt tôi lúc này vô tình chỉ nhìn về con lạch cạnh đám ruộng muối sau nhà.

Từ xa, một chiếc ghe nhỏ từ từ tiến lại, trên đó là bóng của hai, ba, à không, tất cả có bảy người dọc theo ghe. Người đứng đầu tiên mặc một bộ đồ rộng thùng thình màu đỏ, tôi chợt nhớ ra người đã xuất hiện trên ụ mối hôm nọ. Nhưng lần này tôi nhìn thấy rõ mặt của bà ấy, một khuôn mặt thanh tú như sương đêm với đôi mắt kẻ đậm như mấy người hát bội.

Đứng sau đó là sáu người phụ nữ, cũng mặc quần áo rộng nhưng màu trắng, gương mặt của họ cúi xuống như đang buồn điều gì đó. Khi chiếc ghe càng tới gần, tôi mới thấy không phải họ đứng trên ghe mà đang lơ lửng như…đang bay.

Thầy Tư quay lại nói với tôi:

- Lâm! Nhớ là không nhìn, không nghe, không tin!!!

- Ha ha ha ha! Người phụ nữ áo đỏ cười thật lớn, tiếng cười vang đi xa rồi vọng trở lại, trong phút chốc tôi tưởng mình đang ở trong một căn phòng khổng lồ, nơi âm thanh không thể thoát ra ngoài, mọi thứ bị bịt kín và dần ngột ngạt.

- Chỉ với một con chim, cả sống và chết chưa tới hai chục năm mà muốn đi dò hỏi chuyện của tao? Bà ấy nhìn về hướng thầy Tư.

- Mày là… Thầy Tư hét lên, một câu nửa hỏi, nửa đã biết câu trả lời.

- Tao là ai, mày xuống cõi âm rồi biết! Bà áo đỏ lạnh lùng trả lời, câu nói vừa uy lực vừa nham hiểm, trong đôi mắt kẻ đậm ấy, hai con ngươi dần chuyển sang màu đỏ như máu.

Vừa dứt lời, bà ấy trừng mắt, một mùi hương nồng đậm bắt đầu quấn lấy mũi tôi, đầu óc tôi cảm giác như mơ màng, tay chân cũng gần như buông xuôi.

Thầy Tư cũng bắt đầu giống tôi, nhưng ông đang cố cưỡng lại. Tay ông gồng lên nổi những đường gân xanh, cố gắng để vào túi để lấy gì đó. Nhưng những nỗ lực đó trở nên vô ích khi người phụ nữ áo đỏ bắt đầu xòe bàn tay rồi hướng về chúng tôi.

Cơ thể tôi giống như có ai sai khiến, bắt đầu đi từng bước về phía con lạch, cả thầy Tư cũng vậy. Giữa sân sau nhà tôi tới con lạch là một đoạn hơn một trăm thước theo đường thẳng. Bình thường phải đi quanh bờ các ruộng muối vì đang trong mùa khai thác, người ta bơm nước vào ngập các ruộng.

Nhưng lúc này, tôi và thầy Tư bước dần xuống ruộng muối mà không thể cưỡng lại, từng bước, từng bước đi về phía người phụ nữ áo đỏ.

Trong lúc chúng tôi bước đi, mấy người trên thuyền bắt đầu làm mấy động tác như đang múa. Không ai cầm một nhạc cụ nào nhưng tiếng đàn tích tịch tình tang vang lên, kèm theo đó là tiếng tiêu u sầu như phát ra từ miền sơn cước nào đó.

Quỷ áo đỏ đứng yên ở đó, nở một nụ cười nham hiểm và rùng rợn, khóe miệng kéo gần tới mang tai, lộ cả hàm răng trắng bệch và lởm chởm.

Điều không ngờ đến là con quỷ đó vẫn giữ nguyên nụ cười, vậy mà giọng nói nó lại vang ra từ trong cổ họng. Giọng nói này tôi đã nghe nhiều lần nên quen thuộc, nhưng điều đáng sợ chính là nó lại vang ra chậm rãi, đều đều, xa vắng và…nó lại đọc một bài thơ:



Một kẻ đào hoa, học vấn cao

Lại đi chiêu dụ một nàng đào

Để rồi trong một chiều xa vắng

Nói lời từ tạ, sắc như dao.



Chàng mất người yêu cũng chẳng sao

Như một cơn gió thoảng bờ rào

Còn em mất cả đời con gái

Em mất chàng rồi, phải tính sao



Gần trăm mùa nắng, lại mưa rào

Cuối cùng đã gặp ‘kẻ tâm dao’

Thôi hãy cùng em về bên dưới

Hàn thuyên ôn lại chuyện năm nào.



Con quỷ nhìn thẳng vào tôi khi đọc những lời thơ đó, như kiểu tôi chính là kẻ thù của nó. Nhưng mặc kệ nó có ý gì, lúc này tôi cảm thấy vô cùng bất lực, muốn vùng chạy đi mà không tài nào điều khiển được chân mình. Cảm giác có một thứ vô hình đang bao quanh tôi và dần dần bóp nghẹt tất cả.

Tôi càng cảm thấy khó thở, càng cố vùng vẫy, nhưng chỉ thấy mình càng lúc càng gần đến chiếc ghe ma quái kia. Lúc này, những con quỷ đứng sau bắt đầu hiện nguyên hình, không còn là những cô đào hát mặc quần là áo lụa nữa.

Ba con quỷ đầu tiên đều là những bộ xương ẩn trong lớp quần áo, hốc mắc đen thui, trên lớp xương dính một vài mảng da thịt thối rữa. Nếu tụi này nằm trong một cỗ quan tài, tôi đoán chắc nó cũng nằm dưới đất ít nhất năm mươi năm.

Đặc biệt là ba con quỷ đứng sau cùng lúc này lại hiện ra bóng dáng của ba người nguyên vẹn, trong số đó, tôi nhận ra thằng Được. Nó vẫn đứng đó múa mà mặt vô cảm, không khác gì một con rối bị điều khiển. Đứng cạnh nó là một người phụ nữ và một ông già.

Tôi không có nhiều thời gian để ngắm ba người đó múa vì lúc này, mấy bộ xương khô kia như bị ai đó ra lệnh, nhào tới chỗ tôi và thầy Tư. Chúng giơ mấy bàn tay khô trơ xương, với bộ móng dài mà tôi nhớ mang máng đã nhìn thấy ở đâu đó, chĩa về hướng chúng tôi.

Lúc này tôi dùng hết sức mình để vùng vẫy và hét lên một tiếng:

- Áaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaa!

- Cứuuuuuuuuuuuuuuuuuu! Thầy Tư bằng một cách nào đó cũng la, còn lớn hơn tôi.

Ba con quỷ xương khô đang lao đến chúng tôi đột nhiên bị đẩy ngược lại bằng một lực rất mạnh, khiến chúng dội ra, bay đến bờ bên kia của con lạch.

Chúng tôi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, thì từ đằng sau lưng vang lên một giọng nói quen thuộc:

- Ở đây không phải chỗ của tụi mày, biến về cõi âm hết cho ta!
Con quỷ này thích làm thơ con cóc nhỉ 🤣
 
Trong lúc đợi chap thì mấy bác tìm đọc Ngủ cùng người chết của Thảo Trang đi, đọc cuốn lắm đó :surrender:
 
em đọc xong rồi, cuốn phết
nhưng mà em thấy nội dung truyện này để lên án là nhiều, yếu tố tâm tinh chỉ thêm vào cho hấp dẫn chứ không có cảm giác sợ mấy
Ừa chắc được 1/4 đầu truyện là chuyện tâm linh, còn tự nhiên về sau quay xe 180° :sweat:
Nhưng đọc rồi mới thấy, ma quỷ không đáng sợ bằng lòng người
 

Thread statistics

Created
tanoo,
Last reply from
remix2013,
Replies
178
Views
26,793
Back
Top