Ví dụ ông A có 2 người con là B và C.
Sau khi ông A chết, người con B xuất trình 1 bản di chúc của ông A, được lập thành văn bản nhưng không được công chứng. Tạm gọi là di chúc 1 ("DC1").
Người con C cũng xuất trình 1 bản di chúc do ông A lập, bản di chúc này có công chứng. Tạm gọi là di chúc 2 ("DC2"). Nội dung DC1 và DC2 có sự khác biệt nên dẫn đến tranh chấp giữa B và C về việc xác định DC1 hay DC2 là bản di chúc có giá trị pháp lý.
Lúc này, nếu B hoặc C khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp, về mặt luật định sẽ như sau:
- DC2 là văn bản đã được công chứng nên theo quy định của Điểm c Khoản 1 Điều 92 BLTTDS 2015, nội dung của DC2 sẽ được coi là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh tức là ông C không có nghĩa vụ phải chứng minh DC2 là hợp pháp vì vấn đề này đã được VPCC xác nhận bằng việc công chứng di chúc.
- Nếu DC1 được lập trước DC2, ông B sẽ phải chứng minh 2 vấn đề:
Thứ nhất, DC1 đáp ứng quy định của Điều 630 BLDS 2015 để chứng minh bản DC1 là bản di chúc hợp pháp;
Thứ hai, DC2 mặc dù đã được công chứng nhưng vi phạm quy định của pháp luật về công chứng (ví dụ: tại thời điểm lập DC2, ông A đã không còn đủ minh mẫn, sáng suốt để lập di chúc và ông C cùng công chứng viên đã cùng kết hợp để lập DC2) dẫn đến DC2 vô hiệu và DC 1 là bản di chúc có giá trị pháp lý.
Chỉ khi nào ông B xuất trình được chứng cứ chứng minh được cả 2 vấn đề nêu trên thì lúc này ông C mới có nghĩa vụ chứng minh ngược lại là DC2 được lập hợp pháp và/hoặc DC1 không hợp pháp.
- Nếu DC1 được lập sau DC2, ông B chỉ cần chứng minh DC1
đáp ứng quy định của Điều 630 BLDS 2015 thì DC1 sẽ đương nhiên có giá trị phủ định DC2. Và cũng tương tự như trên, chỉ khi ông B xuất trình được chứng cứ chứng minh giá trị pháp lý của DC1 thì mới làm phát sinh nghĩa vụ chứng minh ngược lại của ông C đối với DC1.
Lý thuyết là như vậy, nhưng trên thực tế việc chứng minh tính hợp pháp của di chúc nói chung và di chúc không được công chứng nói riêng sẽ phức tạp nếu người lập di chúc là người có bệnh hoặc có tiền sử bệnh về tâm thần kinh, mà bệnh thì không phải lúc nào cũng phát hiện ra ngay. Do đó, để giảm bớt tính phức tạp về trách nhiệm chứng minh nếu có có phát sinh sau này, khi khách hàng có yêu cầu lập di chúc thì mình luôn đề xuất:
(1) Luật không bắt buộc, nhưng khách hàng nên đi khám sức khoẻ tâm thần kinh trước khi lập di chúc;
(2) Nên lập di chúc ở VPCC hoặc tiến hành chứng thực chữ ký trong di chúc tại UBND để được áp dụng quy định của Điểm c Khoản 1 Điều 92 BLTTDS 2015 khi có tranh chấp xảy ra.
Dài dòng như vậy nhưng bạn có thể hiểu đơn giản là khi có tranh chấp xảy ra, nghĩa vụ chứng minh của người xuất trình di chúc được công chứng chứng thực luôn phát sinh sau nghĩa vụ chứng minh của người xuất trình di chúc không được công chứng, chứng thực.