MasterchiefsReborn
Senior Member
Vì sao bánh mì hai năm vắng bóng ở sao Michelin?
Ông Hà Văn Siêu - Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nói tại sự kiện phong sao Michelin 2024 tại TP.HCM cho các nhà hàng Việt Nam rằng, bánh mì hay bất kể món ăn nào của Việt Nam đều nằm trong 'lộ trình lựa chọn nghiêm ngặt của Michelin, vì vậy chúng ta không thể vội vã…'.
thanhnien.vn
Ông Hà Văn Siêu - Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nói tại sự kiện phong sao Michelin 2024 tại TP.HCM cho các nhà hàng Việt Nam rằng, bánh mì hay bất kể món ăn nào của Việt Nam đều nằm trong 'lộ trình lựa chọn nghiêm ngặt của Michelin, vì vậy chúng ta không thể vội vã…'.
Trong lễ công bố Michelin Guide 2024 được tổ chức tại TP.HCM chiều tối 27.6, Michelin chính thức tiết lộ toàn bộ các nhà hàng tuyển chọn nằm trong danh sách Michelin Guide Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Cụ thể, có 3 nhà hàng mới gia nhập danh sách một sao Michelin, nâng tổng số lên 7.
4 nhà hàng một sao Michelin được công bố năm trước bao gồm Gia, Hibana by Koki, Tầm Vị và Ănăn Saigon - vẫn giữ được danh hiệu của mình. Bên cạnh đó, danh sách một sao Michelin năm 2024 chào đón 2 nhà hàng mới và 1 nhà hàng được nâng hạng.
7 nhà hàng Việt Nam được phong sao Michelin năm 2024
Hai nhà hàng mới đạt một sao Michelin là: Akuna (TP.HCM), nhà hàng chuyên phục vụ các món Âu sáng tạo với những ảnh hưởng từ ẩm thực Việt Nam, ăn kèm với rượu đẳng cấp; và La Maison 1888 (Đà Nẵng), nhà hàng phục vụ thực đơn gồm 5 hoặc 7 món với nguyên liệu thượng hạng từ Việt Nam, Pháp và Nhật Bản.
Nhà hàng duy nhất từ danh sách Michelin Selected được thăng hạng lên một sao Michelin là: The Royal Pavilion (TP.HCM). Nhà hàng có các món ăn đa dạng để khách lựa chọn, các thực đơn trọn gói thể hiện tinh thần tôn trọng di sản ẩm thực Quảng Đông và thực đơn dim sum được phục vụ vào buổi trưa.
Nhiều nhà hàng Việt muốn được "soi gương" qua Michelin
Trả lời PV Thanh Niên tại sự kiện này, ông Hà Văn Siêu - Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, Michelin Guide 2024 có nhiều bước tiến rõ rệt so với 2023.
"Sang năm 2024, thông điệp của Michelin rất rõ ràng: ẩm thực là hướng đi của du lịch Việt Nam. Tên tuổi của Michelin đã được thị trường Việt Nam đón nhận rất tích cực sau một năm, nhiều nhà hàng mong muốn được khẳng định mình, được 'soi gương' thông qua Michelin", ông Siêu nói.
Theo ông Siêu, các nhà hàng Việt Nam có nhu cầu rất lớn để được Michelin công nhận, bởi thương hiệu này tỏa sáng trên toàn cầu, đồng nghĩa với giá trị mà các nhà hàng trong nước có được cũng tương đương như các nhà hàng khác trên toàn thế giới.
"Chúng tôi đánh giá rất cao khi Mechilin Guide có bước đi vững chắc, khẳng định giá trị ẩm thực Việt Nam có uy tín trên thế giới", Phó cục trưởng nhận định.
Quan điểm của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam là khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà hàng Việt Nam được tiếp cận với đẳng cấp thế giới. Qua đó quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam chất lượng, tin cậy. Các tiêu chí mà Michelin đưa ra có thể coi là công cụ để các nhà hàng Việt Nam đầu tư, điều chỉnh để dần được công nhận.
Ông Siêu cũng cho biết, ẩm thực Việt Nam thời gian qua có nhiều sự chủ động trong việc quảng bá. "Ngoài Michelin Guide là thương hiệu toàn cầu thì Việt Nam cũng có rất nhiều giải thưởng, chương trình hấp dẫn", ông Siêu cho biết.
Bánh mì hoàn toàn vắng bóng
Năm nay, Michelin có nhiều điểm mới đáng chú ý. Có thể nói đến một hàng đầu tiên của Việt Nam tại Đà Nẵng được tặng Ngôi sanh xanh Michelin (Michelin Green Star). Đây là giải thưởng tôn vinh những địa điểm ăn uống hướng đến ẩm thực bền vững và có tính thân thiện với môi trường.
Nén Danang là nhà hàng đầu tiên của Việt Nam được trao tặng giải thưởng Ngôi sao xanh vì sự phát triển bền vững, thân thiện môi trường
Ngoài ra, giải thưởng Bib Gourmand (đồ ăn ngon, giá cả phải chăng) tăng lên 58 cơ sở ăn uống, gấp đôi so với năm ngoái, và có đến 16 cơ sở đến từ Đà Nẵng, 5 cơ sở từ Hà Nội; và 8 cơ sở từ TP.HCM.
Michelin cũng công bố 99 cơ sở ăn uống (trong đó có 40 cơ sở mới) được liệt kê trong "danh mục được tuyển chọn" bởi Michelin. Những cơ sở này chưa đủ điều kiện để được phong sao cũng như giải thưởng Bib Gourmand, nhưng là gợi ý hấp dẫn cho du khách và hoàn toàn có tiềm năng thăng hạng trong các mùa Michelin tới.
58 nhà hàng được nhận giải thưởng "Bib Gourmand" với tiêu chí đồ ăn ngon, giá cả phải chăng; bánh mì vẫn vắng bóng trong danh sách giải thưởng này
Hàng chục nhà hàng, cơ sở ăn uống ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng được vinh danh ở các hạng mục, tuy nhiên thực khách Việt vẫn thắc mắc bánh mì nằm đâu trong bản đồ của Michelin, khi đến năm thứ 2 xuất hiện tại Việt Nam, vẫn chưa có một nhà hàng/quán ăn bán bánh mì nào xuất hiện ở bất kỳ giải thưởng nào?
Giải đáp thắc mắc này, ông Hà Văn Siêu nói: "Bánh mì, phở hay bất kỳ món ăn nào đều nằm trong lộ trình lựa chọn nghiêm ngặt của Michelin. Khi đã được chứng nhận thì hàng quán, nhà hàng đó phải có sức sống trong tương lai, chúng ta không thể vội vã. Cách làm của Michelin rất nghiêm ngặt và có bí quyết riêng của họ. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên ngành du lịch, theo tôi, nơi nào, sản phẩm gì có sức hút hay tập trung đông nhu cầu thị trường sẽ được lựa chọn. Những nơi nhiều nhà hàng, có nhiều món ăn đặc sắc, tiêu biểu Michelin sẽ tìm đến...".
Khi được hỏi Việt Nam có tư vấn, định hướng món ăn, địa điểm nhà hàng cho các nhà thẩm định của Michelin không? Ông Siêu cho biết Cục du lịch Quốc gia Việt Nam đã làm việc với Michelin nhiều lần để định hướng cho Michelin lựa chọn những điểm đến tập trung với nhiều nhà hàng, nhiều món ăn tiêu biểu; đồng thời góp phần cộng hưởng, quảng bá cho du lịch Việt Nam.
"Thí dụ ở TP.HCM, điểm đến lớn, hội tụ nhiều nhà hàng đặc sắc, Michelin xuất hiện chính là bước đi mang tính chất đột phá, đánh vào đúng nơi 'tổng hành dinh' của ẩm thực Việt Nam. Đó cũng là một gợi ý của chúng tôi", ông Siêu cho hay.
..............