Vì sao lùi thí điểm bốn tuyến buýt điện?

Cryolite.12

Senior Member
https://tuoitre.vn/vi-sao-lui-thi-diem-bon-tuyen-buyt-dien-20221102085135725.htm

TTO - Tuyến buýt điện đầu tiên của TP.HCM đưa vào vận hành hồi tháng 3 năm nay đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Đang đông khách nhưng mới đây nhà đầu tư xin lùi thí điểm bốn tuyến buýt điện còn lại.

Vì sao lùi thí điểm bốn tuyến buýt điện? - Ảnh 1.

Xe buýt điện VinBus chạy trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 28-10, có khá nhiều hành khách đợi tại bến xe buýt Sài Gòn để lên chuyến xe buýt điện D4 (lộ trình đến Vinhomes Grand Park). Khoảng 11h, trên xe buýt biển số 50F-017.43 có khoảng 15 hành khách. Không gian của xe buýt rộng rãi, thoáng mát, nhân viên luôn chào hỏi và cảm ơn khi khách lên xuống.

Khách chào đón buýt điện

Tiếp viên chuyến xe này cho biết sau bảy tháng hoạt động, lượng khách lựa chọn xe buýt điện tăng dần theo từng ngày. "Giờ cao điểm, nhân viên công sở và học sinh đi làm, đi học về, xe đông khách hơn. Khách có phản hồi tích cực về xe buýt điện", tiếp viên nói.

Xe rộng rãi, thoáng mát, không tiếng ồn, không mùi là lý do mà Nguyễn Hoàng Thu Phương (18 tuổi, sinh viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) chọn đi xe buýt điện mỗi ngày. Cùng với đó là tiếp viên xe thân thiện, luôn chào hỏi, chất lượng dịch vụ tốt.

Cũng thường xuyên đi xe buýt điện, Hoàng Thị Mai Uyên (20 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) bày tỏ xe có nhiều tiện nghi, có WiFi, cổng sạc điện thoại và màn hình hiển thị thông tin trạm dừng tiếp theo. Xe lại được trang bị máy bán vé tự động có thể thanh toán chuyển khoản hoặc quẹt thẻ, rất phù hợp với những người ít cầm tiền mặt.

"Tuy nhiên, tôi mong xe sẽ cho quẹt thẻ ATM visa vì hiện tại mọi người xài thẻ này cũng nhiều. Sắp tới, hy vọng những chiếc xe buýt điện này sẽ phát triển nhiều tuyến, có lộ trình rộng khắp khu vực TP.HCM để người dân có thêm sự lựa chọn", chị Uyên chia sẻ.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, tuyến xe buýt điện D4 đã có 22.906 chuyến, bình quân 108 chuyến/ngày. Tổng số khách đã đạt hơn 460.000 khách (hơn 20 khách/chuyến). Xe thân thiện môi trường, hỗ trợ tốt cho người khuyết tật (nâng hạ gầm, nghiêng thân xe và có ram dốc hỗ trợ xe lăn). Hành khách cao tuổi rất yêu quý vì họ cảm thấy được phục vụ tốt hơn.

Lùi 4 tuyến thêm 1 năm

Tuyến xe buýt điện số D4 (Vinhomes Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn) là tuyến xe buýt điện đầu tiên hoạt động từ tháng 3-2022. Đây là một trong năm tuyến được TP.HCM có quyết định thí điểm. Bốn tuyến còn lại có lộ trình sẽ đưa vào khai thác vào quý 3 năm nay.

Mới đây Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus - chi nhánh TP.HCM (nhà đầu tư) có văn bản gửi Trung tâm Quản lý giao thông công cộng nêu lý do chưa thể vận hành bốn tuyến xe buýt điện còn lại trong năm 2022. Thời gian thực hiện sẽ được lùi lại vào quý 4-2023.

Theo Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus - chi nhánh TP.HCM, về tiến độ xây dựng đã có quỹ đất và đã làm các thủ tục pháp lý để triển khai dự án. Tuy nhiên, quy trình thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án phải trải qua nhiều bước và chờ thẩm định phê duyệt từ nhiều sở ngành khác nhau nên kéo dài thời gian xây dựng.

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cho xe buýt điện nên đang áp dụng mức đơn giá cố định cho xe buýt xài khí nén thiên nhiên cũng là khó khăn cho doanh nghiệp...

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ - Sở Giao thông vận tải TP.HCM, căn cứ vào lộ trình thí điểm đã được phê duyệt, Sở Giao thông vận tải TP đã đề nghị nhà đầu tư sớm đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến còn lại theo kế hoạch.

Bởi tuyến xe buýt điện đầu tiên đang hoạt động rất tốt, hành khách ủng hộ và mong muốn TP tiếp tục khai thác các tuyến tiếp theo. Về định mức, đơn giá cho xe buýt điện, hiện sở cũng đang triển khai xây dựng để trình TP phê duyệt.

Theo ông Hải, hiện Chính phủ đã có quyết định phê duyệt lộ trình về chuyển đổi năng lượng xanh, bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, sở đã triển khai nội dung này đến các hiệp hội, doanh nghiệp để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, thay đổi phương tiện cho phù hợp với lộ trình. TP cũng đã có đề án phát triển giao thông công cộng từ nay đến năm 2030, trong đó có mục tiêu phát triển bền vững, văn minh, ưu tiên hướng tới sử dụng xe năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Ông Hải cho hay để khuyến khích, phát triển hơn nữa loại hình xe điện, xe sử dụng năng lượng sạch thì cần phải xây dựng thêm các cơ chế, chính sách. Chẳng hạn như ban hành các thông số kỹ thuật thiết kế, cơ chế khuyến khích đầu tư trạm sạc, xây dựng nơi bảo trì và điều kiện kiểm định an toàn cho đồng bộ...

"Ngoài ra, cần xây dựng thêm để khuyến khích người dân đi lại, sử dụng xe điện, xe năng lượng sạch. Qua nghiên cứu kinh nghiệm ở một số nước, họ đã xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ bằng tiền khi người dân mua sắm xe điện hoặc đổi xe đang đi sang sử dụng xe điện", ông Hải nói.

...
 
hiện nay chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cho xe buýt điện nên đang áp dụng mức đơn giá cố định cho xe buýt xài khí nén thiên nhiên cũng là khó khăn cho doanh nghiệp...
Chắc chưa có trợ giá với hỗ trợ xây trạm sạc
JGdqgzY.png
 
Back
Top