Vì sao sự xấu xí chịu sự phân biệt nhiều hơn bất kỳ hình thức phân biệt nào khác?

VaquezSound

Senior Member
Đọc thấy hay, chia sẻ với anh em vozer lùn đụt cận trĩ.
Bài dài, không có hình minh họa.:nosebleed:
Ai không thích đọc có thể đi ra từ đây.
VÌ SAO SỰ XẤU XÍ ĐANG CHỊU SỰ PHÂN BIỆT KHẮC NGHIỆT HƠN BẤT KỲ HÌNH THỨC PHÂN BIỆT NÀO KHÁC

“Vẻ đẹp trong mắt kẻ si tình” được chú ý chính bởi vì nó đưa ra một quan điểm ngược lại với lẽ thường. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nghe như câu đang dùng để an ủi cho những người “tốt gỗ”, nhưng vì sao họ lại cần được an ủi ngay từ đầu? Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng thế giới này không phải một nơi thân thiện với người xấu xí và chính việc đề cao cái đẹp đã gián tiếp tạo ra sự áp bức lên những người ở thái cực ngược lại. Một nơi mà tất cả những gì người-tốt-gỗ nhận được là một câu an ủi.

Rốt cuộc, vì sao trật tự này lại như vậy, và mọi thứ bắt đầu từ bao giờ?

1. Phân biệt xấu - đẹp: bản năng sinh học hay sản phẩm từ cấu trúc xã hội?

Cho đến nay không có bất kỳ bằng chứng nào đủ tin cậy để chứng minh rằng khả năng phân biệt đẹp/xấu xuất phát từ bản năng sinh học và không có gì bất ngờ khi con người là loài động vật duy nhất trải nghiệm sự phân biệt này. Loài người không chỉ phân biệt đẹp/xấu bên trong giống loài của mình, mà còn đối với phần còn lại của thế giới, dẫn đến nhầm lẫn rằng vì họ nhìn thấy đẹp/xấu bên trong sinh giới, ắt hẳn sinh giới cũng phải có sự phân biệt này. Động vật có chọn lọc giới tính, có lựa chọn đối tác giao phối, nhưng những hành vi này thuần túy di truyền hoặc xuất phát từ động cơ ngẫu nhiên hơn là tuân theo quy luật hay các bản hướng dẫn rõ ràng. Những con công cái tất nhiên sẽ có sự kén chọn khi đến mùa giao phối (trên thực tế chính sự lựa chọn đã dẫn đến việc công đực tiến hóa như hiện tại [1]), nhưng sự kén chọn này không đến từ việc nó cảm thấy vẻ đẹp ở đối tác. Đây là một nhầm lẫn phổ biến khi hình dung về tiến hóa, mọi người thường xuyên nghĩ ngược lại so với cách thực tế diễn ra. Thực tế không phải những con công mang vác trọng trách tiến hóa của loài, có kỳ vọng về con cái của mình và luôn luôn tìm cách giao phối với những cá thể có nguồn gien tốt nhất một cách có ý thức. Chúng không được ai ghé vào tai để hướng dẫn rằng nên làm gì và như thế nào. Thực tế là chính tiến hóa đã tạo ra những lối mòn về hành vi ở loài công từ thế hệ này đến thế hệ khác (cách công cái lựa chọn công đực được quyết định bởi yếu tố di truyền và một chút ngẫu nhiên chứ không phải đến từ ý thức của chính nó), và vì bạn luôn quan sát thấy những kẻ sống sót, nên lối mòn hành vi này cũng trùng khớp với tính hiệu quả. Bạn sẽ không thể tìm thấy sai lầm ở những kẻ sống sót, nhưng điều đó không có nghĩa là sai lầm không tồn tại trong sinh giới (tạm định nghĩa “sai lầm” ở đây nghĩa là những gì ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn và sinh sản).

Lưu ý rằng, tôi đã đọc qua nhiều nghiên cứu đứng dưới góc độ của Thuyết Tiến hóa chỉ ra rằng con người có xu hướng lựa chọn hình mẫu bạn tình dựa trên một số khuôn mẫu nhất định trước khi bị nhiễu bởi các yếu tố văn hóa, nhưng cách “vẻ đẹp” hoạt động trong xã hội loài người phức tạp hơn nhiều so với những hành vi lựa chọn sinh học nhờ vào Tiến hóa. Chẳng hạn, sự ưa thích khuôn mặt cân xứng có thể do cách mắt người hoạt động và cách bộ não xử lý thông tin [2]. Chúng ta sẽ không nói rằng yếu tố sinh học, tức bao gồm toàn bộ mọi thứ liên quan đến cơ thể chúng ta, không ảnh hưởng đến cách con người thể hiện sự ưu tiên trong việc quan sát thế giới. Nhưng bấy nhiêu là chưa đủ để dùng làm lời giải thích chính cho cách con người tương tác với khái niệm “đẹp” vốn là một sản phẩm kiến tạo xã hội phức tạp. Chúng ta không phủ nhận việc con công sở hữu cơ chế sinh học để chọn bạn đời có bộ lông đồ sộ, nhưng chẳng thể nào nhanh chóng kết luận rằng nó làm thế vì thấy đẹp. Điều tương tự cũng đúng với con người.

Như vậy, bài viết hôm nay sẽ tập trung khai thác khả năng phân biệt đẹp/xấu (và cả khả năng giải thích rằng sự phân biệt này là “phù hợp với quy luật sinh học”) là thứ chỉ tồn tại ở loài người. Nó là sản phẩm của ngôn ngữ chúng ta sử dụng, một thứ được kiến tạo bên trong cấu trúc xã hội ta đang sống. Lưu ý rằng tôi không nói rằng bất kỳ thứ gì được kiến tạo bởi xã hội và ngôn ngữ cũng là một điều tiêu cực (vì chẳng phải mọi điều đều thế hay sao?), nhưng một số sản phẩm kiến tạo tiềm ẩn nguy cơ gây hại hơn một số sản phẩm kiến tạo khác: chúng thường bị nhầm lẫn với các trật tự tự nhiên, phổ quát và không thể thay đổi. Tất nhiên đa số chúng ta đều biết rằng cuộc thi hoa hậu là sản phẩm của xã hội loài người, nhưng sẽ ít người biết rằng (hoặc chấp nhận rằng) xu hướng đề cao cái đẹp cũng vậy. Nếu như cuộc thi hoa hậu chỉ là một sản phẩm được nghĩ ra bởi ai hoặc tổ chức nào đó cách đây một hai thế kỷ, thì xu hướng đề cao cái đẹp đã bén rễ vào xã hội loài người kể từ khởi nguyên của ngôn ngữ, của lối tư duy, của tư tưởng và cấu trúc xã hội sơ khai. Hai thứ này chắc chắn chẳng hề cùng chung đẳng cấp. Do đó, chúng ta cần phải đào sâu hơn, bắt gặp nhiều mâu thuẫn hơn và dũng cảm hơn nếu muốn tìm hiểu về cái thứ hai. Sẽ phải đọc kha khá sách vở (mà bản thân việc tìm được chúng đã không dễ) và công sức học hỏi để thực sự hiểu vấn đề này, nhưng tôi nghĩ mình có thể trình bày một chút để các bạn tạm hình dung. Lưu ý rằng đây không phải là bản rút gọn của một bản hoàn chỉnh. Nếu như bản đầy đủ là một bộ phim dài tập thì đây không phải bản tóm tắt, mà giống với một đoạn teaser hơn.

Cách đây một thế kỷ lẻ một vài năm, Wittgenstein* đã nói rằng: “Cũng giống như ‘đẹp’ chỉ đường cho thẩm mỹ và ‘tốt’ chỉ đường cho đạo đức, những từ như ‘đúng’ dẫn lối cho logic”. Chúng ta sẽ không bàn xem liệu Wittgenstein có nói đúng không, nhưng câu nói này đã đề cập đến điều cần để ý: tồn tại những khái niệm then chốt và các cặp đối lập bên trong ngôn ngữ, đạo đức, mỹ học và logic.

Một khái niệm để tồn tại chính nó phải phân biệt được với những khái niệm khác. Bạn sẽ không thể chỉ cho một ai đó biết bên phải là hướng nào, nếu như không tồn tại bên trái. Tương tự, bạn sẽ không chỉ ra được thế nào là đúng, nếu như khái niệm sai không tồn tại. Vì vậy, khi chúng ta xác định cái đẹp, cần phải có định nghĩa như thế nào là không đẹp (hay xấu xí). Trước khi xác định kỹ như thế nào là “đẹp”, “tốt”, “đúng”, ta biết rằng đó là những gì con người cần hướng tới, và để có thể biết mình nên hướng tới cái gì, họ cần xác định được đâu là thứ phải tránh. Cũng như quỷ cần phải được tạo ra để đối lập với thiên thần, tương tự với địa ngục và thiên đàng, kẻ thù và đồng minh, ta và kẻ khác. Vì vậy, ngay trước cả khi tồn tại cách phân loại cụ thể xem “thế nào là đẹp”, bản thân việc muốn định nghĩa cái đẹp đã yêu cầu người ta buộc phải định nghĩa về cái xấu. Trước khi ta chỉ xem cái gì bên trong và cái gì bên ngoài, bản thân việc định nghĩa “bên trong” đã yêu cầu tạo ra định nghĩa “bên ngoài”. Như vậy, sự phân biệt đã gắn vào trong cấu trúc ngôn ngữ ta sử dụng và cách chúng ta thực hiện các phép suy tư logic, như những cái khung chờ sẵn để con người lấp đầy các ý tưởng về sau. Nếu như cao thì đẹp thì lùn là xấu, nếu như mũi cao là đẹp thì mũi tẹt là xấu, nếu như gầy là đẹp thì béo là xấu, vân vân. Các quan niệm thế nào là đẹp, sao là xấu có thể thay đổi theo thời gian, nhưng mối quan hệ giữa “đẹp” và “xấu” thì luôn ổn định. Cấu trúc hết sức căn bản này của ngôn ngữ khiến chúng ta nhầm lẫn rằng nó là trật tự thực sự của thế giới, dù cho trên thực tế đó chỉ là cách con người dùng ngôn ngữ để phân loại thế giới. Thế giới không cần được phân loại hay xác định để trở thành thế giới, nhưng con người cần phân loại để có thể nắm bắt được thế giới thông qua ngôn ngữ và khả năng tư duy có giới hạn của mình. Như vậy, chúng ta mãi mãi mắc kẹt trong thế giới được tạo dựng bởi hệ thống ngôn ngữ, cảm giác và khả năng tư duy mang tính chủ quan của riêng giống loài thay vì ở trong một thế giới thực sự đầy đủ và trọn vẹn, giống như một bức ảnh máy tính nhìn từ xa có vẻ như được tái hiện đầy đủ, nhưng khi phóng to thì chỉ thấy chúng là sự lặp đi lặp lại của các pixel màu cơ bản. Một điều ta phải chấp nhận, đó là bức ảnh dù ở độ phân giải cao đến mức nào cũng không phải cảnh quan thật, và hiểu biết của con người nhờ thông qua ngôn ngữ dù đầy đủ đến bao nhiêu cũng không phải thế giới thực.

Nhưng điều này chẳng quan trọng, vì hiểu biết của con người chẳng để làm gì ngoài dùng để chia sẻ với con người, và con người thì cùng chia sẻ với nhau sự khiếm khuyết khi ngắm nhìn thế giới. Tôi đề cập đến điều này không phải để bảo rằng hiểu biết của loài người là vô nghĩa, vì không cần biết nó vô nghĩa với ai (với ai?), trên thực tế luôn có ý nghĩa với giống loài của chúng ta. Nói rằng hiểu biết của con người luôn hạn hẹp so với thế giới thực không giúp bạn có được hiểu biết đầy đủ hơn, chúng ta không thể khước từ nguồn gốc loài của mình chỉ bằng cách chế giễu nó. Nhưng việc biết rằng loài người bị mắc kẹt trong cấu trúc ngôn ngữ và các lối tư duy được tạo ra bởi cấu trúc xã hội là rất quan trọng, vì điều này có thể giúp chúng ta tái tạo lại cách hiểu và tương tác với thế giới. Đó là lý do vì sao chúng ta cần hiểu về nguồn gốc của việc xác định “sự xấu xí”.

Có một điều khiến tôi luôn cảm thấy khó hiểu, rằng vì sao một từ để ám chỉ vẻ bề ngoài như “đẹp” và “xấu” lại liên đới hay thậm chí trùng khớp với những từ ngữ quan trọng khác. Từ “xấu” trong Tiếng Việt gốc là để ám chỉ vẻ bề ngoài khó coi, nhưng đồng âm và đồng nghĩa cũng được dùng để có những đánh giá khác như “người xấu”, “điều xấu”, “xấu xa (có đạo đức kém, tồi tệ, đáng khinh bỉ)”. Trong tiếng Hy Lạp, “kalos” cũng có nghĩa là “beautiful (đẹp)” và “noble (cao quý)”, trong khi “aischros” cũng có nghĩa là “ugly (xấu xí)” và “shameful (đáng xấu hổ)”. Sự trùng hợp này quả thực đáng chú ý. Giả sử như ta chấp nhận rằng phải có từ để xác định vẻ bề ngoài, nhưng vì sao chúng ta không thể nhìn người xấu như nhìn một người lùn, vì sao tính từ mô tả này lại có ngay lập tức có nội hàm “đáng xấu hổ”? Jacob Burckhardt, Nhà sử học văn hóa và nghệ thuật người Thụy Điển**, đã phát hiện ra nhiều điều thú vị hơn ở xã hội Hy Lạp cổ đại. Ông nói rằng “mối quan hệ giữa vẻ đẹp và tinh thần cao quý là nền tảng cho niềm tin vững chắc”. Ta có thể thấy cách người Hy Lạp sùng bái cái đẹp thông qua bằng việc đối xử với những vận động viên đẹp trai như những vị thần, đem lại danh tiếng cho những chàng trai đẹp trẻ tuổi hay thậm chí tha mạng cho những người lính của kẻ thù chỉ vì vẻ đẹp của họ. Aristotle nói rằng, “bạn không thể hạnh phúc trừ khi con cái của bạn hạnh phúc”, và “không ai có thể hạnh phúc thực sự nếu như không có ngoại hình đẹp”. Xét logic, điều này hàm ý khuyên rằng tất cả chúng ta nên hướng đến cái đẹp, không chỉ một thế hệ, mà phải duy trì nó đời đời kiếp kiếp nếu muốn hạnh phúc. Sự ám ảnh về vẻ đẹp dường như đã kéo dài và giữ nguyên vẹn cho đến tận ngày nay [3].

Tất yếu, trong những xã hội đề cao cái đẹp, cái xấu bị dìm xuống một cách thê thảm. Socrates nổi tiếng về sự xấu xí của mình, ông bác bỏ giả định của người Hy Lạp rằng vẻ đẹp hình thể là cần thiết cho hạnh phúc, chỉ lý trí mới đem lại đức hạnh và đức hạnh sẽ đem lại hạnh phúc. Không biết liệu điều này có liên quan hay không, nhưng Socrates kết thúc đời mình vì bản án tử của Athens vì tội báng bổ thần linh và làm ô uế tư tưởng của thanh niên Athens. Ta cũng có thể tìm thấy sự khinh bỉ cái xấu trong những bộ sử thi hay thần thoại Hy Lạp. Nối dài lịch sử, cái xấu cũng được tận dụng rất phổ biến trong đơn vị truyện kể căn bản nhất của con người là truyện dân gian và cổ tích qua các thời kỳ. Người xấu thường được mô tả kèm vẻ bề ngoài xấu xí, trong khi những cô công chúa, chàng hoàng tử hay anh hùng thì luôn sở hữu vẻ đẹp hình thể dù những chi tiết này chẳng hề liên quan gì đến cốt truyện chính (đến mức bây giờ chúng ta đã quen hình dung về công chúa và hoàng tử là những người đẹp về ngoại hình). Mụ phù thủy luôn mang theo khuôn mặt kỳ dị có chiếc mũi dài khoằm và mụn cóc, còn những con vật bị con người cho là xấu xí cũng thường là hiện thân của kẻ xấu. Các câu chuyện còn tận dụng cặp quan hệ đẹp-xấu về mặt hình thể để làm nhiều thứ hơn: chàng hoàng tử xinh đẹp biến nguyền rủa thành con quái vật xấu xí vẫn giữ lại được phẩm chất của mình; sắc đẹp là thứ những mụ phù thủy hay mẹ kế độc ác khao khát; thiếu nữ xinh đẹp là thứ mà những thứ xấu xa cần đội lốt để thực hiện âm mưu của mình… Dường như việc hình tượng hóa sự xấu xa và tốt đẹp ra bên ngoài, thành những thứ có thể nhìn thấy và cảm nhận được như diện mạo, được kỳ vọng sẽ giúp con người tiêu thụ tốt hơn các bài học đạo đức. Ở bình minh của khoa học, các bộ môn giả khoa học như nhân tướng học cũng xuất hiện và lặp lại trò xác định bản chất bên trong bằng đặc điểm hình thể bên ngoài vốn trùng khớp với quan niệm đẹp xấu đương thời.

Đẹp xấu cũng là một công cụ chính trị hiệu quả. Người châu Âu khi thám hiểm Ấn Độ đã gọi những bức tượng “xấu xí” của người bản địa là điềm báo cho ngày tận thế, kết cục của Ấn Độ sau đó có lẽ chúng ta ai cũng biết. Đức Quốc Xã trong các dự án ưu sinh của mình đã sử dụng các đặc điểm hình thể tóc vàng, mũi cao, mắt xanh, da trắng là vẻ ngoài của chủng tộc thượng đẳng và xem đó như chuẩn mực của cái đẹp và loại bỏ những cái xấu “gây thoái hóa”. Năm 1930, thí nghiệm của Kenneth Clark và Mamie Clark đã tiết lộ một xu hướng phân biệt thú vị: những trẻ em ở miền Nam nước Mỹ khi được cho lựa chọn giữa hai con búp bê giống hệt nhau nhưng khác màu da và màu tóc (da trắng tóc vàng với da nâu tóc đen), đa số đã chọn búp bê da trắng. Khi được hỏi về các mô tả, búp bê da trắng thường đi kèm với các từ như “tốt” và “sạch sẽ”, trong khi búp bê màu đen thì “xấu” và “dơ bẩn” [4].

Tại thời điểm này, khi nhìn lại lịch sử, chúng ta biết rằng tượng của người Ấn không xấu, quan điểm ưu sinh của Đức Quốc Xã là sai lầm và nạn phân biệt chủng tộc cực đoan chỉ còn là câu chuyện của quá khứ. Nhưng tại thời điểm ấy, có lẽ chúng là những trật tự vô cùng hiển nhiên, như cách chúng ta đang dùng bộ khung “xấu” và “đẹp” tại ngay thời điểm này, với một vài nguyên vật liệu mới. Hai thái cực “xấu” và “đẹp” tồn tại như một bản hướng dẫn để thúc đẩy các cá nhân di chuyển các mục tiêu và bắt đầu vận động trong xã hội: để hạnh phúc phải tiến gần về phía thái cực “đẹp” (tức tránh xa thái cực xấu), nhưng mọi người dường như luôn cảm thấy bản thân không đủ đẹp, và vì vậy, không đủ hạnh phúc.

[*Ludwig Wittgenstein là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất của thế kỷ XX, các công trình của ông tập trung vào ngôn ngữ, tâm trí, toán học và logic.

**Jacob Burckhardt là một trong những người khai sinh ra bộ môn lịch sử văn hóa, và là người đầu tiên xác định thời kỳ Phục Hưng. Thời kỳ Phục Hưng là khi người châu Âu phục hồi lại nền văn hóa của mình sau khi phát hiện, khai quật tri thức, sách vở, văn hóa từ Hy Lạp - La Mã cổ đại sau hàng nghìn năm bị đứt gãy liên hệ với tổ tiên].

2. Lookism và sự đại diện của một thứ không tồn tại

Một loạt các nghiên cứu, khảo sát đã chỉ ra rằng lợi thế từ vẻ bề ngoài là không thể chối cãi, những người sở hữu vẻ bề ngoài hấp dẫn có:

- Mức thu nhập trung bình cao hơn [5].

- Tỷ lệ đậu phỏng vấn và thăng chức cao hơn [6].

- Đời sống tình dục tốt hơn [7].

- Nhiều khả năng nhận được khoản vay hơn, với mức lãi suất thấp hơn [8].

- Được nhìn nhận tích cực hơn và được đánh giá cao hơn so với thực tế [9].

- Có nhiều bạn bè hơn [10].

- Nếu bị phạt, phải đóng mức phạt thấp hơn [11].

- Nhận được nhiều phiếu bầu hơn nếu là chính trị gia, và dễ được tha thứ hơn trong các vụ bê bối (trong điều kiện thiếu thông tin, cử tri thiếu quan tâm đến tình hình chính trị) [12].

- Nhận được phán quyết nhẹ hơn từ tòa án [13].

Về mặt tiêu cực, những người ưa nhìn cũng dễ dính líu đến các vụ tội phạm hơn, do họ có nhiều tương tác xã hội hơn khiến tăng khả năng bị đặt vào tình thế nguy hiểm. Đồng thời, họ cũng là nạn nhân của tội phạm tình dục nhiều hơn vì thu hút sự chú ý của nhiều người hơn, khiến tăng tỷ lệ gặp phải kẻ có ý đồ xấu [14].

Như vậy, chúng ta không cần đề cập đến cá nhân hay vẻ đẹp cụ thể, nhưng bản mô tả phía trên đã phần nào cho thấy xã hội này thiết kế những lợi thế và rắc rối như thế nào đối với những người được đánh giá là hấp dẫn. Sự nổi bật và phổ biến của xu hướng đề cao người hấp dẫn đủ để xác định bằng cái tên “lookism (chủ nghĩa ưa nhìn)”, ám chỉ sự thiên vị từ ngấm ngầm cho đến công khai cực đoan dành cho những người có ngoại hình hấp dẫn. Một thuật ngữ khác là “hiệu ứng hào quang” cũng đã được đặt ra để chỉ hiện tượng con người thường xuyên đánh giá những người có ngoại hình đẹp cũng là những người có phẩm chất đạo đức tốt, tài năng vượt trội và trí tuệ hơn người ngay từ khi nhìn thấy họ; hoặc cảm thấy việc người đẹp gây thất vọng vì sự thiếu hụt phẩm chất đạo đức, tài năng hay trí tuệ là điều khó hiểu. Gần đây nhất và thời sự nhất, chúng ta có thể liên hệ thông qua việc xem xét phản ứng của cộng đồng mạng trước những tin tức như thần tượng gặp bê bối về đạo đức và vi phạm pháp luật, hay đối với những tội phạm hình sự tội nặng nhưng có vẻ ngoài điển trai [16].

Tất nhiên, vẻ bề ngoài không phải thứ có thể dùng để che đậy tất cả mọi thứ một cách lâu dài. Chúng ta rồi cũng sẽ tặc lưỡi tiếc rẻ và quyết định quên đi những người có vẻ ngoài xinh đẹp nhưng quá mức nhàm chán. Sự kém cỏi hay băng hoại về mặt đạo đức cũng nhanh chóng biến một người có vẻ ngoài xinh đẹp trở nên xấu xí trong mắt bất kỳ ai. Nhìn chung, vẻ đẹp không thể cứu rỗi những tội ác hay thâm hụt về mặt đạo đức quá lớn, mà chỉ đem lại lợi thế rõ ràng cho những người đáp ứng các quy chuẩn xã hội ở mức trung bình trở lên. Tương tự, sự tốt đẹp về mặt đạo đức, những phẩm chất tốt như sự chân thành và ấm áp, khiếu hài hước, trí tuệ sắc sảo… cũng giúp những người có ngoại hình không đẹp trở thành người được ưa thích. Chúng ta có thể cảm nhận điều này qua phim ảnh, những câu chuyện kể hay chính trải nghiệm thực tế ngoài đời: sự thiếu ưa nhìn của những cá nhân có các phẩm chất đạo đức nổi bật sẽ ngày càng lu mờ đến mức không thể nhận ra sau khi ta đã bị ấn tượng bởi những giá trị của họ. Tuy vậy, quy luật này chỉ giúp thế giới không trở nên quá tồi tệ, chứ chẳng hề công bằng. Chúng ta thấy rõ một bên phải nỗ lực để đạt được điều mà bên kia phải mắc phải sai lầm thì mới bị tước bỏ.

Do đó, theo đuổi vẻ bề ngoài ưa nhìn đã dần trở thành nỗi ám ảnh trong xã hội của chúng ta. Mọi người đều cố gắng bắt chước hình mẫu chuẩn mực bằng mọi giá, từ ăn kiêng để giữ thân hình cân đối, tập luyện để có thể hình tốt, sử dụng mĩ phẩm, phẫu thuật thẩm mĩ cho đến tận dụng sự lừa dối của các phần mềm chỉnh sửa hình ảnh. Đôi lúc các chuẩn mực về thẩm mỹ thậm chí còn vượt xa ra khỏi hình mẫu sinh học của chủng tộc, tuổi tác, giới tính hay thậm chí giống loài của chúng ta, chứ chưa nói gì đến việc hình mẫu này không còn giống gì so với nguyên bản. Con người đang tạo ra những chuẩn mực về cái đẹp thậm chí vượt xa khỏi giới hạn sinh học tự nhiên, đến mức phi lý. George Orwell đã chế giễu rằng: “Ở tuổi 50, mọi người sở hữu khuôn mặt mà họ xứng đáng”. Nhưng có vẻ như sự mục ruỗng sinh học của tuổi tác cũng sẽ giống như đạo đức, sớm được che giấu một cách cẩn thận và khéo léo bên dưới lớp vỏ bọc nhân tạo một cách tương đối hiệu quả.

Tôi không ở đây để phê phán những nỗ lực ấy, và hy vọng bạn cũng vậy. Có lẽ chúng ta không nên quá khắt khe với sự xinh đẹp, có lẽ chúng ta nên khắt khe hơn nữa với sự xấu xí.

3. Vì sao sự phân biệt đối xử với người xấu tồi tệ hơn tất thảy

Phụ nữ đã từng không được đi bỏ phiếu, tôi nghĩ điều đó cũng nên áp dụng cho những người xấu xí. Người da đen đã từng phải đi cổng phụ và uống vòi nước riêng, tôi nghĩ người xấu xí cũng nên bị như vậy. Người đồng tính đã và vẫn đang không được cho phép kết hôn, tôi nghĩ chúng ta cũng nên ngăn cản người xấu có được hạnh phúc của riêng mình. Ít nhất, chúng ta có thể hy vọng một cách cay đắng rằng khi sự phân biệt trở nên rõ ràng, cực đoan và quá đáng như vậy, sẽ có một phong trào đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho những người có vẻ ngoài kém ưa nhìn và chấm dứt tất cả mọi thứ trong một lần và mãi mãi. Một người da màu, đồng tính hay phụ nữ bây giờ có thể khởi kiện một công ty tập đoàn nào đó vì tin rằng quyết định của họ có sự phân biệt (đôi lúc việc kiện cáo còn thành công ngay cả khi không thực sự có sự phân biệt) như quyết định không tuyển dụng hay đuổi việc. Nhưng luật pháp không hề đề cập đến việc một chàng trai có hơi nhiều mụn ở mặt khiến anh không nhận được việc sau khi phỏng vấn ở 5 công ty liên tục, thậm chí có cả người công khai nói ra lý do, thì sẽ được đối xử như thế nào?

Sự phân biệt dành cho những người xấu xí hiện diện một cách rõ ràng nhưng không bao giờ được đề cập. Nó luôn ở đó nhưng chẳng ai chỉ ra. Hàng nghìn năm đã trôi qua và trật tự dường như chẳng có gì thay đổi. Có lẽ vì chẳng ai muốn tham gia hay tự nhận mình là thành viên của một tổ chức đại loại “Tổ chức Những người Xấu xí”. Chúng ta có thể nhận mình là người của chủng tộc này, xu hướng tính dục kia, nhưng không bao giờ muốn định danh bản thân là người xấu xí, vì như vậy là đặt bản thân vào khung của thái cực chống lại sự tốt đẹp, tức chống lại những gì thế giới theo đuổi. Bởi thế, con người tập trung nhiều hơn vào việc nỗ lực đặt bản thân vào vùng tốt đẹp và mặc kệ những người còn lại hay những kẻ đến sau, hơn là cố gắng phá vỡ cấu trúc phân cực hai chiều đang tồn tại. Nhưng ta đừng quên mất rằng để trở thành người đẹp, bắt buộc cần một ai đó là hình mẫu của sự xấu xí để mọi người có thể dựa vào đó xác định.

Nhưng chúng ta chắc chắn không thể nào chạy trốn khỏi cấu trúc, và mọi giải pháp tình thế đều chẳng thể trở thành một giải pháp theo kiểu đi đường vòng đại loại “xa hơn, nhưng an toàn và dễ chịu hơn”.

Sự phân biệt bề ngoài hiện diện ở khắp mọi nơi, từ trường học cho đến công sở. Từ việc ta né tránh ánh mắt của ai đó, cho đến việc cảm thấy không có hứng thú để gặp gỡ hay chuyện trò với họ. Từ sự thiếu nhẫn nhịn với sai lầm của họ, cho đến việc lớn tiếng hơn so với cần thiết mỗi khi gặp mâu thuẫn. Từ sự căm ghét bản thân, cho đến việc khiến người khác cảm thấy căm ghét bản thân. Tất cả những thứ này tồn tại một cách âm ỉ, độc hại và vô cùng kỳ lạ. Chúng ta thậm chí còn không thể cắt nghĩa, nói về nó, chứ đừng nói gì đến việc tìm ra giải pháp. Cấu trúc của sự phân biệt vẻ bề ngoài này cũng lan ra nhiều phong trào cấp tiến khác: người da đen bị xem là xấu xí, người chuyển giới trông thật kỳ cục, phong cách thời trang và cách thể hiện của người đồng tính trông thật khó coi, và hãy thực lòng đi, người ta kêu gọi người béo giảm cân không phải vì thực sự lo cho sức khỏe của họ, mà vì cảm thấy hình thể của họ thật khó coi. Những phe thất thế đều đánh mất quyền đưa ra những diễn ngôn về cái đẹp, và họ trở thành đơn vị để đo lường cho sự lệch chuẩn so với cái đẹp, tức xấu xí. Nhưng bất kỳ nỗ lực nào của họ để cố gắng đặt mình vào vùng của sự đẹp đẽ, cũng đều gián tiếp cần hiến tế ai đó hoặc định kiến nào đó vào ô xấu xí. Như khi da màu trở thành chuẩn mực mới cho “nét đẹp khỏe khoắn”, đã có lúc làn da trắng nhợt nhạt bị xem là lỗi mốt và thiếu sức sống. Hàng nghìn năm đã trải qua kể từ thời Hy Lạp cổ đại và không có gì thay đổi, có lẽ chúng ta đừng hy vọng rằng nghìn năm sau tính từ mốc này sẽ có gì đó đổi khác nếu không có gì thay đổi.

Hoặc, sự thay đổi là không cần thiết?

Nghe cũng hay, cho đến khi trật tự này khiến bạn bị hiến tế cho quỷ dữ, để tôn vinh một vị thần nào đó vốn còn chẳng hề tồn tại. Bạn sẽ không bị thiêu sống như con người ở thời kỳ đen tối, chỉ đơn giản phải trải qua một cuộc đời đau khổ.

(Lưu ý rằng việc kêu gọi thay đổi cấu trúc sẽ không thay đổi vẻ ngoài của bất kỳ ai đã đang và sẽ tồn tại, điều này là rất quan trọng).

#MonsterBox -FACEBOOK
#MonsterBox

  • Artist: Holmes.
  • Trans: Huy.

via nextVOZ for Android
 
Mình cảm thấy rất buồn và tội nghiệp cho các banh xấu trai. Vozer nào xấu đẻ con ra thì thật buồn cho đứa trẻ :(
Mình có nhu cầu đc cho đi nguồn gien đẹp trai hoàn hảo của mình để cứu lấy con cái vozer, đk chỉ cần chăm sóc tốt cho mẹ và đứa trẻ là được :giggle:

Gửi từ Nokia 1280 bằng vozFApp
 
Bản năng cải thiện giống nòi qua việc ưu tiên cái đẹp nó được cài sẵn trong gen rồi, ko phải tự nhiên mà người đẹp đẻ được nhiều hơn và con người ngày càng đẹp lên trải qua nhiều thập kỷ. Vậy nên anh nào bị chê là háo sắc cứ dựa vào đấy mà phản biện vì các anh đang tuân thủ đúng quy trình chọn lọc tự nhiên.

Mặt khác, cái đẹp nó còn đại diện phần nào cho nhân cách con người, thường thì người đẹp, mặt mũi sáng sủa sẽ thông minh và tử tế hơn những người kém sắc còn lại. Cái này (theo tôi) phải đúng đến 60-70%. Những người có kinh nghiệm quan hệ xã hội, dân làm ăn kinh doanh là rõ điều này nhất.
 
Bản năng cải thiện giống nòi qua việc ưu tiên cái đẹp nó được cài sẵn trong gen rồi, ko phải tự nhiên mà người đẹp đẻ được nhiều hơn và con người ngày càng đẹp lên trải qua nhiều thập kỷ. Vậy nên anh nào bị chê là háo sắc cứ dựa vào đấy mà phản biện vì các anh đang tuân thủ đúng quy trình chọn lọc tự nhiên.

Mặt khác, cái đẹp nó còn đại diện phần nào cho nhân cách con người, thường thì người đẹp, mặt mũi sáng sủa sẽ thông minh và tử tế hơn những người kém sắc còn lại. Cái này (theo tôi) phải đúng đến 60-70%. Những người có kinh nghiệm quan hệ xã hội, dân làm ăn kinh doanh là rõ điều này nhất.

Do đẹp được nhiều người đối tốt, gái cũng ưu tiên nên mới vậy đó fen. Phú quý sinh lễ nghĩa mà, đâu phải tự dưng đâu :)

Gửi từ Nokia 1280 bằng vozFApp
 
Luôn tránh kỳ thị, nhưng hồi ĐH có một thằng chắc do gen xấu nên ngoại hình rất xấu xí, ok vấn đề nhỏ, nhưng răng hỏng vàng khè, mồm rất thối, khi cần giao tiếp thì thật kinh tởm.
 
À, mà bạn nào không được đẹp lắm cũng đừng vội tự ti, trách đời. Vẻ đẹp tự nhiên không phải là thứ mà ta được quyền quyết định, nên đó phải nâng cao giá trị bản thân qua rèn luyện kỹ năng và tu bồi nhân cách. Tạo hóa 'sai' chỗ nào thì ta sửa chỗ đó.

Cuộc đời thật ra không hề bất công đâu, nó công bằng chi li đến mức nhiều khi ta không thể hiểu được.
 
Xấu thì thường bệnh tật, có những đặc điểm khiến thua kém người khác như lùn khó hái quả, chạy chậm hơn và bị thú dữ ăn thịt, vợ bị thằng to cao hơn cướp hiếp, không truyền giống được. Tóm lại xa xưa là chọn lọc tự nhiên, đến thời nay là chọn lọc nhân tạo để thỏa mãn cái bản năng sinh tồn đó
 
Do đẹp được nhiều người đối tốt, gái cũng ưu tiên nên mới vậy đó fen. Phú quý sinh lễ nghĩa mà, đâu phải tự dưng đâu :)

Gửi từ Nokia 1280 bằng vozFApp
Được đối đãi tốt nó không khiến bạn thành người tốt đâu, chỉ gọi là ảnh hưởng phần nào.

Tôi biết đầy người cực giàu, được xã hội nể sợ nhưng mặt mũi lưu manh thì cách sống lẫn làm ăn cũng xỏ lá y như vậy. Có nhiều người nổi tiếng, tuy không tiện nêu tên.
 
Nói đến bản năng thì nếu giàu nhưng xấu thì nó chỉ yêu tiền thôi. Tưởng tượng làm trai bao cho một bà sồn sồn đợi ngày bả chết được thừa kế vài xu, lại tìm đến múi mít
 
Gái đẹp kiếm lão giàu nhưng nếu xấu quá - tâm vẫn hướng về đứa đẹp
Trai ráng chui chạn mà vợ xấu quá cũng chán - lúc nào cũng tìm tới đoá hoa tươi
 
chắc do xh nhiều người xấu hơn là người đẹp, mà xấu hay tự ti nên gặp dc ai đó xấu hơn thì họ ra sức chì chiết để có cảm giác cao hơn người, cảm giác mà trước đó họ luôn ao ước :burn_joss_stick:
 
Back
Top