Đi bộ từ tiểu học đến... cấp 3, nam sinh trường Đinh Thiện Lý ngộ ra nhiều điều và giành học bổng hơn 8 tỷ

TrenTungCaySo10

Senior Member

Huy từng phải đứng trước rất nhiều lựa chọn quan trọng, và mỗi lần gặp vấn đề khó giải quyết, nam sinh này lại chọn... đi bộ. Chính đi bộ cũng đã mang lại cho em nhiều cơ hội, trong đó phải kể đến các học bổng trị giá hơn 8 tỷ đồng.​



Nguyễn Trần Gia Huy là cựu học sinh Trường THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM và hiện là sinh viên ngành Fine art (Mỹ thuật) của ĐH Lehigh (Mỹ). Em nhận được mức học bổng 180.000 USD (4,2 tỉ đồng), đồng thời còn được ĐH DePaul và ĐH Michigan State trao học bổng trị giá lần lượt 2,3 tỉ đồng và 1,7 tỉ đồng cho 4 năm học. Tổng số học bổng em nhận được lên tới 8,2 tỉ đồng.

Ít ai biết, sở trường của Huy ban đầu không phải là lĩnh vực Mỹ thuật. Nam sinh này đã "đánh liều" làm một cú "rẽ ngang", từ đó làm đòn bẩy để thay đổi con đường tương lai của mình. Đi bộ là chất xúc tác để Huy có sự "F5" về tinh thần, nhưng điều làm nên thành công hiện tại của nam sinh TP.HCM này chỉ tóm gọn lại trong hai từ: Kiên trì và Nghị lực.

Đi bộ từ tiểu học đến... cấp 3, nam sinh trường Đinh Thiện Lý ngộ ra nhiều điều và giành học bổng hơn 8 tỷ - Ảnh 1.
Nguyễn Trần Gia Huy là cựu học sinh Trường THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM và hiện là sinh viên ngành Fine art (Mỹ thuật) của ĐH Lehigh (Mỹ)

Bước ngoặc từ Lịch sử sang Mỹ thuật​

Huy từng là một chàng trai cực say mê môn Lịch sử. Nam sinh dành thời gian rất nhiều để tìm tòi về những kiến thức từ lịch sử Việt Nam cho đến nước ngoài, đặc biệt là các chiến dịch quân sự nổi tiếng trên thế giới. Thời THCS và THPT, nam sinh cũng là thành viên của đội tuyển học sinh giỏi Lịch sử, song không bén duyên với các giải thưởng.

Huy xem Thiết kế là một thú vui từ nhỏ tới lớn. Nhưng sau nhiều lần thử sức và vô duyên trước các giải thưởng Lịch sử, một ngày, Huy nảy sinh ý định sẽ đầu tư nghiêm túc hơn về Thiết kế. Đánh giá ngành Thiết kế vốn đang phát triển rất mạnh và thị trường lao động cũng rất cạnh tranh, Huy muốn thử sức. Nhưng nam sinh này cũng khá phân vân bởi kiến thức của mình về lĩnh vực này vô cùng hạn hẹp.

Lần duy nhất Huy tham gia một lớp hội họa nghiêm túc là mùa hè lớp 7 lên lớp 8. Nhưng em đánh giá, hiệu quả của lớp đó đối với bản thân không nhiều. Lúc đó Huy còn quá nhỏ để nhận thức được hướng đi nghệ thuật một cách nghiêm túc cho đến khi vào cấp 3. Ưu điểm lớn nhất mà Huy sở hữu chính là nhiệt huyết ở công việc thiết kế đồ họa, em có thể vẽ từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng mà không biết mệt.

Thời điểm mới bắt đầu quyết định tập trung vào thiết kế, chủ yếu Huy tự học và mày mò thông qua YouTube cũng như luyện tập thường xuyên từ các hoạt động ngoại khóa như dự án cộng đồng hay các tổ chức phi lợi nhuận. Huy vừa mày mò hướng đi chuyên môn trong nghệ thuật và liên tục luyện tập cho thành thạo. Có thời điểm em làm một lúc 5-6 dự án trong khi phải giữ điểm số cao trong trường khiến quãng thời gian đó được Huy miêu tả là rất "kinh khủng".

Cũng vì không có nền tảng hội họa chuyên nghiệp nên những tác phẩm lúc đầu của nam sinh gặp rất nhiều sự phê bình và chỉ trích. Nhưng Huy cho biết, em rất biết ơn chính bản thân mình khi đó đã không vì thế mà từ bỏ, vẫn tiếp tục đi tiếp.

"Em nghĩ để thành công trong một lĩnh vực rất 'ngách' như nghệ thuật trong khi không qua một trường lớp nào là tinh thần cũng như nghị lực của mình. Khi mình thích hay thật sự đam mê một thứ gì đó thì mình sẽ tìm cách chứ không phải tìm lý do để bỏ cuộc. Đó là câu nói mà em thấy rất đúng cho đến hiện giờ và ai cũng nên có một 'mindset' như vậy. Muốn thì tìm cách, không muốn thì sẽ tìm lý do", Huy chia sẻ.

Huy đã đảm nhận vai trò minh họa hình ảnh cho nhiều hoạt động của trường và các dự án cộng đồng. Nhờ sở hữu kinh nghiệm phong phú, không lâu sau đó, Huy trở thành trưởng ban thiết kế hoặc cố vấn ở lĩnh vực này trong một số dự án như The Iris, House Fantasy, Loving Arms. Nam sinh cũng là đồng tác giả quyển sách tranh về chủ đề thiên văn và bảo vệ môi trường mang tên Hành trình gieo hạt giống sự sống với 1.000 bản in, trong đó có 300 quyển được quyên góp cho các thư viện cộng đồng.

Đi bộ từ tiểu học đến... cấp 3, nam sinh trường Đinh Thiện Lý ngộ ra nhiều điều và giành học bổng hơn 8 tỷ - Ảnh 2.
Những sản phẩm thiết kế ấn tượng về phố phường Hà Nội của Gia Huy.


Huy cho biết, nhiều người nghĩ Thiết kế là một ngành kén người do cần khả năng cảm nhận cái đẹp nhưng ít ai đặt câu hỏi là làm sao để có được khả năng đó. Đối với Huy thì hoạt động đi bộ giúp em rất nhiều cải thiện kĩ năng cảm thụ cái đẹp. Có lúc em la cà ở siêu thị, có lúc em đi công viên, có lúc thì em đi dọc con sông.

Chính vì hành trình đó mà Huy quan sát, thu nhặt và vô thức tiếp nhận vào tiềm thức của mình từng khung cảnh, hình ảnh khác nhau... để rồi từ từ biết được cái nào sẽ đẹp, sẽ xấu và cuối cùng hình thành nên một tiêu chuẩn cái đẹp của riêng mình. Ngoài ra em còn có tinh thần học hỏi từ các artists khác, học hỏi từ lỗi sai của bản thân.

Nói về quyết định chuyển hướng ngày đó, Huy cho biết, bản thân không biết được nếu mình giành được nhiều giải Lịch sử thì tương lai của mình sẽ dẫn đến đâu. Nhưng tất cả những sự kiện trong đời mình xảy ra do có nguyên do của nó và em tôn trọng sự dịch chuyển ấy để cho mọi thứ đến một cách tự nhiên nhất. Việc của mình cố gắng hết sức vào thời điểm hiện tại và dựa vào kết quả để xem mình sẽ đi hướng nào tiếp.

Mối "lương duyên" với những... bãi đất trống​

Để apply học bổng du học, Huy nộp các giấy tờ như thư giới thiệu, bảng điểm năm cấp 3, bài luận chính và luận phụ. Với các ngành nghệ thuật như chuyên ngành của Huy là Thiết kế đồ họa sẽ cần thêm một Portfolio (hồ sơ năng lực) tổng hợp những tác phẩm mà mình thiết kế ra.


Quá trình nộp hồ sơ Huy chỉ trải qua một vòng, không có vòng phỏng vấn. Điểm mạnh hồ sơ của Huy, theo em, phần nhiều sẽ không phải nằm ở GPA hay điểm số các kì thi chuẩn hóa như IELTS và SAT mà sẽ nằm ở bài luận và Portfolio. Đây cũng là hai thứ "vũ khí" giúp Huy khẳng định được sắc màu của bản thân cho ban tuyển sinh trường.

Ở Portfolio, Huy đa dạng các hình thức Thiết kế và Mỹ thuật như vẽ 4 bức tranh ghép lại thành một bức tranh dựa trên bài thơ Tràng Giang của nhà thơ Huy Cận trong chương trình Ngữ văn lớp 11 cũ. Hay cùng một bức tranh nhưng em khắc họa thời điểm sáng chiều tối của bức tranh đó, thiết kế như những mảnh truyện ngắn để tuyên truyền về vấn đề bảo vệ tê giác hay nâng cao ý thức về vấn đề trẻ em khuyết tật.

Tất cả chứng tỏ được một sự "đa zi năng" của nam sinh này trong việc áp dụng nghệ thuật vào các vấn đề khác nhau của cộng động. Từ đó tạo ra những giá trị nhất định cho các cộng đồng khác nhau mà vẫn tô điểm lên sự sáng tạo của bản thân. Đó cũng là điều giúp Huy ghi dấu ấn giữa hàng ngàn thí sinh khác.

Với bài luận, phần lớn dung lượng em sẽ không nói về hoạt động đi bộ (vốn được nhấn mạnh rất nhiều lần) mà là kết quả của hoạt động đi bộ đã dẫn đến tình bạn giữa em và các bãi đất trống và các bài học về cái đẹp từ những "người bạn" đó.

Huy kể về mối lương duyên đi bộ bắt đầu từ thời điểm em còn là học sinh lớp 5 đang chơi xích đu ở một cái bãi đất trống gần nhà. Quãng thời gian đó, bãi đất trống là nơi để em vui chơi, tạo cơ hội cho em khám phá thiên nhiên xung quanh.

Khi em lớn lên thì các bãi đất trống là người bạn xuất hiện trước tiên trên đường em đi học về và dạy cho em các kĩ năng quan sát, cảm thụ và cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên cũng như phát triển ý tưởng cho các bài thiết kế. Cũng chính từ bãi đất trống đã khai sinh nên một "Gia Huy" có một sự nhạy cảm nhất định để biết cái nào đẹp cái nào xấu, và phát triển nghị lực và biết tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình.

Đặc biệt, những năm cuối THCS, khi phải đối diện với khủng hoảng tâm lý vì bị cô lập, trầm cảm,... chính hoạt động đi bộ cũng giúp Huy cân bằng lại tinh thần của mình.

"Bãi đất trống đã bao bọc và nuôi dưỡng và tạo nên một bản thân em như ngày hôm nay. Một phần lý do cũng bắt nguồn từ giai đoạn khủng hoảng tâm lý của em vào lớp 9, khi mà bạn bè ai nấy đều tìm được một hội nhóm thì chỉ có mình em là lẻ loi và cũng chính vì lý do đã thúc đẩy em tìm đến thiên nhiên hay đơn giản hơn là bãi đất trống. Lâu dần tạo liên kết và cảm giác em có nơi thuộc về và tạo động lực để em phấn đấu tiếp", Huy chia sẻ.

Cũng chính bãi đất trống là người thầy đã dạy em những bài học về sự đơn giản trong thiết kế cũng như lối sống.

"Hồi đầu, em khá 'tham lam', bài thiết kế nào cũng muốn phải đổ cái này vô cái kia vô cho nó phức tạp và rực rỡ lên. Có lần em được giao cho thiết kế áo cho một sự kiện ở trường. Em bắt đầu đổ hiệu ứng lên và cuối cùng nhận 'quả đắng' là áo lỗi và mọi người phải mặc sản phẩm không ưng ý đó.

Trong sự thất vọng sau khi xong sự kiện, em đi bộ về nhà, bắt đầu quan sát những bãi đất trống và thấy được vẻ đẹp đơn giản đến từ những cái đơn sơ nhất. Những lần sau em rút kinh nghiệm, chú trọng vào ý nghĩa bài thiết kế hơn là hình thức. Kết quả bắt đầu tiến triển hơn. Đó là một trong những bài học rất quan trọng mà chính em cũng không ngờ tới và hơn hết là nó lại đến từ một thứ rất vô tri, vô giác như bãi đất trống"
, Huy nói.

Khuôn viên trường nhiều cây xanh, không khí như Đà Lạt phiên bản Mỹ​

Tính đến thời điểm hiện tại, Huy đã nhập học được 2 tháng tuần, Cảm nhận đầu tiên của em về ngôi trường mới là nhìn y như Đà Lạt phiên bản Mỹ. Lần đầu đi xe buýt vào khuôn viên trường, Huy và các bạn có cảm giác mình đang lạc vào một ngôi làng châu Âu thời cũ. Trường thành lập từ 1865, chỉ có thư viện được xây mới thêm một tòa nhà thôi nên mọi thứ mang nét hoài cổ, lãng mạn.

Trường nằm trên đồi nên thời tiết buổi sáng lành lạnh, Huy nói đùa mình sẽ được "tập thể dục" hằng ngày do phải đi học ở các tòa nhà ở nhiều địa điểm khác nhau trong trường. Không khí rất trong lành và xung quanh được bao phủ bởi mảng xanh của cây cùng với số lượng sinh viên khá ít (1000 - 2000 người), Huy đánh giá đây là một ngôi trường siêu tuyệt vời.

Đi bộ từ tiểu học đến... cấp 3, nam sinh trường Đinh Thiện Lý ngộ ra nhiều điều và giành học bổng hơn 8 tỷ - Ảnh 3.
Gia Huy cảm thấy ngôi trường có không gian giống như Đà Lạt


Nam sinh TP.HCM cũng thấy bất ngờ là bởi sự thân thiện của bạn học và thầy cô ở đây. Các thầy cô ở đây thì đều rất cởi mở và có những câu chuyện cá nhân riêng cũng như rất nỗ lực trong việc truyền tải bài học một cách dễ hiểu nhất đến cho sinh viên.

Lịch học ở trường Mỹ ở sinh viên năm nhất sẽ dễ thở vì nhà trường muốn sinh viên có thời gian để từng bước hòa nhập vào môi trường xa nhà. Huy cũng may mắn khi lần đầu đến Mỹ không gặp vấn đề gì liên quan đến ăn uống, hay văn hoá. Những thứ như rào cản ngôn ngữ và nỗi nhớ nhà theo Huy là việc không thể tránh khỏi đối với các bạn du học sinh Việt Nam khi lần đầu qua Mỹ.

Để khắc phục, Huy học tiếng Anh một cách thường xuyên, cố gắng giao tiếp nhiều để quen với tốc độ nói cũng như nhiều "tiếng lóng" của các bạn học. Huy cũng nói chuyện nhiều với ba mẹ, mang theo cho mình một memory box (một hộp chứa những món đồ kỷ niệm) khi qua Mỹ để đỡ nhớ nhà cũng như cảm nhận tình yêu của bạn bè, gia đình khi đang ở đất khách quê người.
 
Back
Top