Người đàn ông bị lao ở bộ phận hiếm gặp

Build Back Better

Senior Member
Người đàn ông mắc bệnh lao tinh hoàn rất hiếm gặp được đưa vào viện với vùng bẹn bị vỡ mủ, cần được phẫu thuật gấp.


Ông T. được phẫu thuật tinh hoàn để loại bỏ khối viêm hoại tử. Ảnh: BVCC.
b2c_lao_mao_tinh_hoan_090754_170524_46.jpg

Ông T. được phẫu thuật tinh hoàn để loại bỏ khối viêm hoại tử. Ảnh: BVCC.
Theo thông tin từ Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, khoa Nam học của đơn vị này mới điều trị thành công cho nam bệnh nhân Đ.V.T. (63 tuổi, Hải Phòng) bị áp xe bẹn bìu trái do lao mào tinh hoàn, tinh hoàn trái.
Ba tháng trước, ông T. có triệu chứng sưng, đau bìu trái, đi khám được chẩn đoán viêm mào tinh hoàn và dùng thuốc nhưng không khỏi. Sau đó, tình trạng tổn thương vùng bẹn - bìu của ông càng nặng hơn, dẫn đến vỡ mủ vùng bẹn.
Tại Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, bệnh nhân được chẩn đoán bị áp xe bẹn bìu trái do lao mào tinh hoàn trái và phải phẫu thuật để cắt bỏ hết tổ chức viêm hoại tử.
Sau mổ 5 ngày, ông T. tiếp tục được điều trị theo phác đồ chống lao. Hết đợt điều trị, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân đã ổn định trở lại.
Lao mào tinh hoàn thuộc loại bệnh lao sinh dục. Đây là bệnh lý rất khó phát hiện, chỉ có tỷ lệ khoảng 3% trong số các bệnh lao ngoài phổi.
Người mắc bệnh có thể bị phá hủy mô và xơ hóa trên diện rộng, cuối cùng dẫn đến phá hủy mào tinh hoàn cũng như các mô và cơ quan sinh dục xung quanh. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hệ sinh sản nam giới và dẫn đến các biến chứng như vô sinh.
Theo ThS.BS Nghiêm Trung Hưng, khoa Nam học, bệnh nhân mắc bệnh này có thể không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Bệnh thường phát triển chậm và khó chẩn đoán sớm; dễ chẩn đoán sai.
"Các trường hợp viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn được điều trị nhiều lần bằng các nhóm kháng sinh phù hợp nhưng không khỏi, cần nghĩ đến do lao. Người bệnh nếu xuất hiện các triệu chứng như trên nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa Nam học để được chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh kịp thời, tránh các biến chứng do điều trị muộn không đáng có", bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Gần đây, do sự xuất hiện của vi khuẩn đa kháng thuốc, kháng thuốc chống lao và việc sử dụng rộng rãi glucocorticoid, tỷ lệ mắc bệnh lao sinh dục nam, bao gồm cả bệnh lao mào tinh hoàn, ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Căn bệnh này vẫn là vấn đề sức khỏe quan trọng ở nhiều nước đang phát triển.
Lao là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn lao, có khả năng lây lan cao và gây ra những hậu quả nguy hiểm đối với con người.
Theo báo cáo của Bệnh viện Phổi Trung ương năm 2023, dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới.

 
Back
Top