Nha Trang: Thương Coffee – nơi giúp trẻ khuyết tật được rèn luyện hòa nhập cộng đồng

Gọi là quán cà phê nhưng thực chất là góc thực hành pha chế – phục vụ thuộc Trung tâm Phục hồi chức năng – Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh, Thương Coffee (tại số 4 Hiền Lương, phường Phước Hòa, TP. Nha Trang) là nơi dành cho các em khuyết tật nghe nói, khuyết tật trí tuệ, tự kỷ… được rèn luyện hòa nhập cộng đồng.
Là cô giáo của những trẻ em khuyết tật, bà Phan Thị Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng – Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh luôn trăn trở giúp đỡ các em ngày càng tiến bộ. Suốt nhiều năm qua, bà Sinh luôn ấp ủ dự định mở một góc thực hành về pha chế, phục vụ với mong muốn tạo ra môi trường cho trẻ rèn luyện khả năng giao tiếp, biết được một nghề để trẻ tự tin hơn. Tháng 1-2023, nhờ sự giúp đỡ của phụ huynh và Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin, Thương Coffee khai trương và đưa vào hoạt động. Bà Sinh chia sẻ: “Quán cà phê được mở nhằm tạo môi trường thực hành giao tiếp cho các em, nâng cao sự tự tin, thúc đẩy hòa nhập với cuộc sống. Ngoài ra, quán còn là nơi để giúp nhiều người có thể hiểu hơn về trẻ khuyết tật, để thấy các em vẫn thực hiện được các kỹ năng sống như các trẻ bình thường khác”.
Các thầy, cô trò chuyện với các em trong giờ thực hành.

Các thầy, cô trò chuyện với các em trong giờ thực hành.
Ông Đống Lương Sơn – Chủ tịch Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin chia sẻ, với mong muốn thực hiện lớp học “Kỹ năng phục vụ nhà hàng khách sạn” dành cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và học sinh khuyết tật, hội đã kết nối với Trung tâm Phục hồi chức năng – Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh và nhận hướng dẫn 14 em; trong đó có 12 em khuyết tật và 2 em có hoàn cảnh khó khăn. Các em được học trong vòng 3 tháng (tháng 2 đến tháng 5-2022) do các thầy, cô giáo thuộc thuộc Trung tâm Dạy nghề Yasaka Saigon Nha Trang, Trung tâm Ngoại ngữ YEC và một số trung tâm khác hướng dẫn. Khi Thương Coffee mở, hội đã hỗ trợ chi phí để mua các dụng cụ pha chế, như: Ly, ấm, máy đánh trứng…
Những vị khách đặc biệt của quán.

Những vị khách đặc biệt của quán chính là các trẻ ở trung tâm.
Là trẻ chậm phát triển, em Võ Tấn Thiện (17 tuổi) được các thầy, cô và bạn bè nhận xét là “nhân viên” sáng giá nhất của quán. Em Thiện chia sẻ: Em rất thích giờ thực hành ở Thương Coffee. Em thường tìm hiểu, học hỏi kỹ năng phục vụ và giao tiếp với khách hàng trên YouTube. “Em ước sau này gia đình sẽ tạo điều kiện để em mở một quán cà phê nhỏ để kinh doanh tự nuôi sống bản thân mình và giúp đỡ được các bạn có hoàn cảnh giống em” – Thiện bộc bạch.
Bà Sinh cho biết, mỗi tuần, trẻ được thực hành 2 buổi vào thứ Tư và thứ Sáu. Theo đó, 1-2 em thuộc lớp kỹ năng phục vụ nhà hàng, khách sạn thay phiên nhau làm “nhân viên” trong quán. Trong mỗi buổi học lý thuyết tại trung tâm, cô giáo trên lớp sẽ phối hợp với cô giáo hướng dẫn thực hành để đưa ra thời khóa biểu hợp lý. “Mỗi buổi, các em được thực hành 3 tiếng tại quán. Buổi sáng từ 7 giờ đến 10 giờ. Có lúc khách đến đông, các em chủ động xin ở lại để được nói chuyện, giao lưu”, bà Sinh cho biết.
Góc thực hành Thương coffee đã góp phần thay đổi được bao cuộc đời của những trẻ bị bệnh tự kỉ, chậm phát triển.

Các em thực hành pha chế tại Thương Coffee.

Bưng bê nước mời khách, pha cà phê, xay sinh tố, rửa cốc, trò chuyện với khách là những hoạt động hàng ngày tại quán, rèn luyện cho các em kỹ năng lao động để có thể hòa nhập cộng đồng. “Mỗi khi đến giờ thực hành, em luôn xung phong nhận đặt đồ uống và thu tiền cho khách vì lúc đó, em có thể giới thiệu được nhiều món của quán đến khách hàng”, em Phan Nguyễn Hoàng Tâm (khuyết tật trí tuệ) chia sẻ.

Mỗi tuần đến giờ thực hành, em Tâm luôn xung phong nhận đặt đồ uống và tính tiền cho khách.


Mỗi tuần đến giờ thực hành, em Tâm luôn xung phong nhận đặt đồ uống và tính tiền cho khách.

Chia sẻ về ước mơ của mình, bà Sinh nói: “Mong muốn lớn nhất của tôi là các học sinh của mình ngày một tiến bộ trong học tập, vượt qua mặc cảm khuyết tật, tự tin hòa nhập cộng đồng và sống có ích. Để làm được điều đó, tôi sẽ cống hiến nhiều hơn nữa để sau này các em có cuộc sống tốt hơn”. Với tình yêu thương, góc thực hành – pha chế ở Trung tâm Phục hồi chức năng – Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh đã góp phần thay đổi cuộc đời của những trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật trí tuệ…
 
Back
Top