thảo luận Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ 3: Tri ân đoạn phá hiểm nguy

Cryolite.1

Senior Member
https://tuoitre.vn/so-truong-nha-ho...ri-an-doan-pha-hiem-nguy-2021100420075923.htm

TTO - Ở đầu nguồn phá Tam Giang, khúc Bàu Ngược hiểm nguy khiến ai đi ngang cũng khiếp vía suốt hàng trăm năm qua. Vậy mà nhờ sự nguy hiểm ấy mà làng Kế Môn có được nghề vàng. Người làng lẫn người trong nghề kim hoàn phải đời đời mang ơn.

Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ 3: Tri ân đoạn phá hiểm nguy - Ảnh 1.

Mô hình “búa thợ vàng” độc đáo giữa cánh đồng lúa ở làng Kế Môn - Ảnh: THÁI LỘC

Tri ân tổ nghề

Hội quán Lệ Châu trên đường Trần Hưng Đạo thuộc phường 14, quận 5, TP.HCM với hệ thống thờ tự liên hoàn tuyệt đẹp, là nơi thờ tự tổ nghề kim hoàn đầu tiên của TP.HCM được lập từ cuối thế kỷ 19. Khám giữa chính điện thờ hai vị tổ sư nghề kim hoàn Cao Đình Độ và Cao Đình Hương. Hai khám hai bên thờ các vị hậu bối.

Trong sách Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển viết: "Đường Nguyễn Trãi đi một đoạn khỏi đường Tổng Đốc Phương, gặp chùa Lệ Châu. Đây là "chùa tổ", thờ tổ sư của nhóm thợ và chủ lò kim hoàn; sau những người Hoa kiều đồng nghề cũng nhập với đồng nghiệp Việt Nam nên mỗi năm cúng tổ long trọng và oai nghi lắm".

Lễ giỗ long trọng ấy diễn ra suốt ba ngày, mồng 6, 7 và 8-2 âm lịch, quy tụ hàng ngàn người trong nghề vàng ở TP.HCM và các vùng lân cận hành lễ, tri ân tổ nghề và sinh hoạt nghề nghiệp...

Không chỉ ở TP.HCM mà nhất loạt nhiều nơi trong cả nước và tại rất nhiều nước trên thế giới, các hội nhóm nghề kim hoàn đều tổ chức lễ giỗ tổ nghề linh đình tương tự. Tại cố đô Huế, tổ sư Cao Đình Độ được đặt tên đường, khá gần lăng mộ của ông và người con trai Cao Đình Hương. Cả lăng mộ lẫn nhà thờ tổ nghề kim hoàn ở phường Gia Hội đã được công nhận di tích cấp quốc gia từ năm 1990.

Những hoạt động tế lễ, tu sửa hay chăm sóc khói nhang được người trong nghề tổ chức, duy trì và đầu tư đều đặn, thường xuyên. Trong các festival nghề, những người thợ kim hoàn cố đô cung thỉnh tổ nghề tham gia đám rước tri ân và tôn vinh bách nghệ diễn ra trên đường phố Huế.

Toàn bộ hoạt động tâm linh của một nghề giàu có kể trên đều hướng về một địa danh gắn liền với hai vị tổ nghề: làng Kế Môn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Cho dù ngôi làng bên phá Tam Giang này "chẳng bà con chi" với hai vị tổ...

"Làng giàu" ven phá

Làng Kế Môn thoáng đãng như một công viên lớn, sạch trong như một khu sinh thái nghỉ dưỡng. Một cụ già ví von hình thể của làng mình trông như "ô quan", một trò chơi xưa với ba tuyến đường dọc song song xuyên suốt từ đầu đến cuối làng và hơn 30 tuyến đường ngang phân cách làng thành từng ô khá đều đặn. Đáng chú ý nhất là tuyến đường giữa với nhiều kiến trúc văn hóa nối tiếp, hướng ra những ao sen và đồng ruộng mát lành phía trước. Bên những ngã tư cách nhau mấy chục mét người ta đặt các cụm ghế đá, trồng cây phủ bóng để người dân nghỉ ngơi. Tất cả tuyến đường đều có biển chỉ dẫn, được tráng ximăng rất sạch sẽ, ngăn nắp...

Khi tôi ghé, làng đang chuẩn bị khởi công tu sửa đền Văn Thánh ở đầu làng. Ông Hoàng Ngọc Hòa, trưởng ban điều hành làng, cho biết số tiền hơn 600 triệu đồng phần lớn do đồng hương ở xa nhanh chóng đóng góp khi thông tin tu sửa đưa lên mạng. Từ hàng chục năm trước, toàn bộ đường làng, ngõ xóm, cổng chào, đình, chùa, đền, miếu hay hệ thống nhà thờ họ... đều được người làng đóng góp xây dựng. Rồi "chùa một cột" giữa ao sen, hệ thống ghế đá công viên, trung tâm thương mại và thư viện của làng đều được con dân phương xa gửi tiền về đầu tư...

Ông Hòa cho biết trong 428 hộ chỉ có 20 hộ nghèo "theo chuẩn mới", người già, đau ốm, dù con cái rất giàu có vẫn tính hộ nghèo. "Thực ra làng chỉ có 1 hộ thực sự nghèo, vì tuổi ngoài 90 nhưng không có con cái giàu có, còn lại dân làng Kế Môn tui đều khá giả" - ông nói. Nguyên do khiến ngôi làng thuần nông, độc canh cây lúa này trở nên bề thế, giàu có chính nhờ nghề kim hoàn truyền thống, một nghề như từ "trên trời rớt xuống", nhờ vào sự hiểm trở của đoạn sông nước đầu nguồn Tam Giang trước mặt. Hay nói như một cụ già ở Kế Môn: "Nhờ cái khúc Bàu Ngược mới có nghề vàng làng tui, và nghề vàng nhiều nơi trên thế giới nữa chớ. Chừ di tích Cồn Nổi đang nằm ngoài đó"...

Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ 3: Tri ân đoạn phá hiểm nguy - Ảnh 2.

Khúc Bàu Ngược - đoạn sông nguy hiểm đầu nguồn Tam Giang - Ảnh: TAM GIANG

Đoạn phá hiểm nguy

"Di tích Cồn Nổi" là một nền bêtông rộng có lan can bao quanh, đủ chỗ tập trung hàng chục người, giữa đặt lư hương lớn, cạnh bên có mô hình "đe thợ vàng" và "búa thợ vàng", trước mặt có bến nước đón được thuyền bè... Nhìn từ trên cao, cụm kiến trúc này nằm cạnh đoạn sông có hình thù rất lạ lùng, chỗ to tròn, chỗ cong vòng như hai cái móc của toa xe lửa đấu nối nhau. Đó chính là khúc Bàu Ngược, một đoạn sông nước luôn gây kinh hãi cho người đi thuyền trên tuyến đường thủy nội địa dọc phá Tam Giang suốt hàng trăm năm qua. Có sách cho rằng quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng từng chỉnh trị dòng chảy cho đoạn sông này bớt nguy hiểm đầu niên 1720.

Vừa chèo đò từ bên kia sông về, ông Võ Thạc cho biết chuyện xưa kể người đi ngang khúc Bàu Ngược này bị chìm đò chết không biết bao nhiêu mà kể, cho nên dựng am dựng miếu đều rất linh thiêng.

"Khúc ni sâu dữ lắm, nước xoáy, hễ có gió là ghe đi bị chìm, vừa rồi ông T. ở thôn 2 làng tui dù biết lội (bơi) mà ngang đây cũng bị chết, khiếp lắm". Còn ông Võ Nhuận, chủ giàn rớ (vó cá) ở gần đó, cho biết lòng sông đoạn này như một vòng chảo sâu mấy đòn sào, luôn có nước xoáy. "Gió đi ngang đây là bị ngược. Nước về ngang đây là cứ chảy vòng gọi là "lun", cứ xoay xoay, ghe thuyền đi ngang rất dễ bị chìm, dễ sợ ghê lắm", ông Võ Thạc nói.

Sử làng Kế Môn cho hay đầu thời Tây Sơn, ông Cao Đình Độ, một thợ bạc người Cẩm Tú (Cẩm Thủy, Thanh Hóa), theo dòng Nam tiến vào đô thành Phú Xuân lập nghiệp. Chiếc đò dọc chở gia đình ông vào phá Tam Giang đi ngang khúc Bàu Ngược đã bị sóng gió sâu hiểm đánh đắm. Thật may mắn, hai ông Hoàng Kim Bàn và Trần Duy Lợi, người làng Kế Môn đang làm ruộng cạnh đó, bơi ra cứu họ vào bờ.

Trang tin làng Kế Môn kể: "Sau đó gia đình cụ quyết định dừng chân, ở lại định cư và lập nghiệp tại làng Kế Môn. Chính tại làng quê này, cụ đã bắt đầu truyền nghề lại cho con trai là cụ Cao Đình Hương và một số thanh niên trong làng như một nghĩa cử đền đáp công ơn cứu mạng".

Hai ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương sau đó được vào đô thành Phú Xuân làm kim hoàn cho triều Tây Sơn. Đến thời Nguyễn, họ tiếp tục được thu dụng làm kim hoàn cho triều đình. Năm 1810, người cha Cao Đình Độ qua đời, người con Cao Đình Hương cũng xin phép rời triều đình về dân gian thu nhận học trò truyền nghề cho đến khi qua đời vào năm 1821.

Nghề kim hoàn sau đó được truyền khắp nơi trong cả nước và tỏa đi rất nhiều nơi trên thế giới, đúng theo tinh thần đệ nhị tổ sư Cao Đình Hương: "Trước khi mất, tâm huyết sau cùng của ông là mong muốn học trò của mình đem nghề kim hoàn truyền bá rộng rãi trong dân gian". Người trong nghề kim hoàn đời đời nhớ ơn hai vị tổ sư. Nơi hai vị gặp nạn cạnh khúc Bàu Ngược, đoạn nguy hiểm nhất của phá Tam Giang ngày xưa được lập di tích trở thành nơi hành hương tưởng niệm tổ sư của người trong nghề.

"Mấy cụ làng tui cũng thường nói với nhau rằng nếu mà không có khúc Bàu Ngược hiểm trở, con đò chở cụ Cao Đình Độ và Cao Đình Hương không bị nạn thì mấy ông đã đi thẳng hoặc về với làng khác rồi, như rứa thì làng tui đã không có nghề kim hoàn như ngày nay mô" - nghệ nhân nhân dân nghề kim hoàn Trần Duy Mong.

...
 
Back
Top