kiến thức Tạm hoãn thực hiện HĐLĐ có phải là việc nghỉ không hưởng lương không?

monkey11178

Senior Member
Trong một vài trường hợp, vì một vài lý do cá nhân như ốm đau, chuyện gia đình,… mà người lao động phải thỏa thuận với doanh nghiệp để nghỉ việc trong một thời gian và sau đó tiếp tục quay trở lại làm việc. Vậy thì, trong những trường hợp như vậy người lao động nên thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương hay thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động?


Thứ nhất, về quy định điều chỉnh

Đối với nghỉ không hưởng lương:

  • Bộ luật Lao động 2012 có quy định về việc nghỉ không hưởng lương tại Điều 116. Theo đó, người lao động (NLĐ) có thể nghỉ không hưởng lương 01 ngày trong trường hợp ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn và phải thông báo với người sử dụng lao động. Trong những trường hợp khác, NLĐ có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
  • Đồng thời, theo quy định tại Điều 27 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, nội dung về việc nghỉ không hưởng lương là một trong những nội dung chủ yếu của nội quy lao động.
  • Qua đó có thể thấy luật không quy định cụ thể về việc nghỉ không hưởng lương của NLĐ mà giữa doanh nghiệp và NLĐ hoàn toàn có thể thỏa thuận về việc nghỉ không hưởng lương. Tuy nhiên, khi xây dựng nội quy lao động, doanh nghiệp cần phải quy định cụ thể về vấn đề này trong nội quy của công ty.
Đối với tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động:
  • Quy định cụ thể tại Điều 32 Bộ Luật lao động 2012, các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) bao gồm:
1) Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
2) Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
3) Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
4) Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
5) Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.
Theo đó, khi thuộc một trong các trường hợp đã nêu ở trên thì doanh nghiệp và NLĐ có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ đang giao kết.
  • Tuy nhiên, khác với quy định khi NLĐ nghỉ không hưởng lương, doanh nghiệp khi xây dựng nội quy lao động không bắt buộc phải quy định về vấn đề này trong nội quy. Doanh nghiệp và NLĐ chỉ cần thỏa thuận và căn cứ theo quy định tại Điều 32 của Bộ Luật lao động 2012 để thực hiện tạm hoãn thực hiện HĐLĐ. Mặc dù vậy, khi thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ nên được lập thành văn bản và lưu kèm với hợp đồng lao động đã giao kết trước đó.
Thứ hai, thời hạn còn lại của hợp đồng sau khi nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Khi NLĐ giao kết HĐLĐ xác định thời hạn với doanh nghiệp, nếu NLĐ nghỉ không hưởng lương thì thời gian mà NLĐ nghỉ không hưởng lương vẫn tính vào thời gian NLĐ thực hiện HĐLĐ.
Tuy nhiên,nếu NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ thì thời gian mà NLĐ nghỉ khi tạm hoãn không tính vào thời gian NLĐ thực hiện HĐLĐ.

Ví dụ: 01/01/2016 Anh A ký 1 HĐLĐ xác định thời hạn 2 năm với Doanh nghiệp B. Đến ngày 01/6/2018, vì có việc riêng nên anh A muốn xin nghỉ một thời gian đến hết tháng 12/2018.
Vậy thì:
- Trong trường hợp anh A thỏa thuận với doanh nghiệp B nghỉ không hưởng lương, thì đến khi hết thời gian nghỉ không hưởng lương, HĐLĐ xác định có thời hạn của anh A đương nhiên hết hạn. Lúc này, hai bên có thể thỏa thuận giao kết một HĐLĐ mới hoặc là chấm dứt HĐLĐ theo quy định.
- Trong trường hợp anh A thỏa thuận với doanh nghiệp B tạm hoãn thực hiện HĐLĐ thì đến khi hết thời gian tạm hoãn, anh A quay trở lại làm việc. Thì thời hạn thực hiện HĐLĐ của anh A là đến hết tháng 06/2019.

Thứ ba, trách nhiệm bảo hiểm

Đối với nghỉ không hưởng lương:
Quy định tại khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH, thì trong trường hợp NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH.

Đối với Tạm hoãn thực hiện HĐLĐ: Về nguyên tắc, doanh nghiệp không phải trả lương cho NLĐ trong thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, vì vậy doanh nghiệp cũng không phải chi trả bảo hiểm cho NLĐ trong thời gian này.
Tuy nhiên, trong trường hợp NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ do bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì người lao động và đơn vị được tạm dừng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn phải đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan

Đối với nghỉ không hưởng lương:
Quy định tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ bị Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu không bảo đảm cho người lao động nghỉ không hưởng lương đúng quy định.

Đối vơi Tạm hoãn thực hiện HĐLĐ: Quy định tại Điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng nếu không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác.

Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động 2012;
- Nghị định 05/2015/NĐ-CP;
- Quyết định 595/QĐ-BHXH;
- Nghị định 88/2015/NĐ-CP (còn hiệu lực đến 14/4/2020, bị thay thế bằng Nghị định 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4/2020);
- Nghị định 95/2013/NĐ-CP (còn hiệu lực đến 14/4/2020, bị thay thế bằng Nghị định 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4/2020).
(các nội dung mới sẽ update thêm sau khi Nghị định 28/2020 có hiệu lực)


Nguồn tham khảo: Thư viện pháp luật
 
Back
Top