Voi chiến - tượng binh thời Đông Sơn

amolad

Senior Member
Trong lịch sử quân sự thế giới, voi chiến và tượng binh đã có vai trò cực kỳ quan trọng, đặc biệt ở Ấn Độ, Trung Quốc thời cổ- trung đại và các nước Đông Nam Á thời cận đại. Tại Việt Nam, dùng voi chiến cũng là một truyền thống lâu đời của người Việt từ cuối thời văn hóa Đông Sơn (thế kỷ 1) đến thời Nguyễn. Hình ảnh cưỡi voi ra trận đã gắn với nhiều vị anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Bùi Thị Xuân.
Một bằng chứng rõ rệt về voi chiến và tượng binh thời Đông Sơn là hình khắc hai phụ nữ cưỡi voi cùng những chiến binh chạy bộ xung trận trên thân một trống đồng đến từ Làng Vạc (Nghệ An). Ngoài ra, 3 di vật khác từ văn hóa Đông Sơn cũng sẽ kể cho chúng ta 3 câu chuyện lý thú về tục dùng voi chiến thời đó.


Tượng Hai Bà cưỡi voi


Trong số các thanh kiếm ngắn Đông Sơn trên cán có tượng người, thú tìm được đến nay, có một thanh với tượng hai người nữ, trông như hai chị em sinh đôi ngồi trên lưng con voi hai đầu, chân của con voi đó lại được hai con cá sấu ngậm. Rất có thể, hai tượng nữ đó thể hiện Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa dành độc lập năm 41-43.


Quả thực, hình ảnh Hai Bà cưỡi voi đã thấm sâu vào tâm thức Việt. Hầu hết các tranh, tượng dân gian và hiện đại đều thể hiện Hai Bà ngồi trên lưng voi, thậm chí đứng trên lưng voi khi xung trận. Gần đây, hãng đồng hồ Thụy Sĩ Christophe Claret cũng đưa hình ảnh Hai Bà cưỡi voi lên mặt một mẫu đồng hồ độc bản cao cấp của mình.

Voi chiến-tượng binh thời Đông Sơn -0
Tượng chiến binh cùng trống đồng và voi.
Tại nhiều nước thời xưa, voi chiến được coi là một biểu tượng của hoàng tộc và khi ra trận, vua hoặc tướng tổng chỉ huy thường cưỡi voi.


Điều đặc biệt ở pho tượng đôi này là con voi mà Hai Bà cưỡi có hai đầu.


Thời Đông Sơn, các biểu tượng vật tổ thường có hai đầu. Ngôi nhà hình chim mô phỏng hình hài Bà Tổ Chim trên trống Ngọc Lũ rõ ràng có hai đầu chim ở hai đầu nóc. Voi - con vật ưa nước và hay phun mưa vào thời Đông Sơn cũng là một biểu tượng hay hiện thân của Ông Tổ Rồng nên cũng có hai đầu.


Do voi là một biểu tượng của vua chúa nên hình voi hai đầu còn hàm ý người trên lưng voi là hai vị vua. Thực tế, khi phất cờ khởi nghĩa, Hai Bà đã làm lễ xưng là Khun Chương (Vua Thần), từ đó mang họ Trưng - một danh hiệu có gốc từ một từ chỉ Thần trong tiếng Bách Việt cổ. Tên Trưng Trắc và Trưng Nhị là phiên âm của Chương Nhất, Chương Nhì tức (Vua) Thần thứ Nhất và (Vua) Thần thứ Nhì của người Lạc Việt.


Tiếp đó, hình hai con cá sấu (một hiện thân khác của Ông Tổ Rồng) ngậm chân con voi có hàm ý Hai Bà đã lãnh đạo người Bách Việt ở khắp cõi Lĩnh Nam, từ vùng rừng núi (có biểu tượng là voi) đến vùng ven sông biển (có biểu tượng là cá sấu) đứng lên dành độc lập.


Điều lý thú là, tính biểu tượng của tượng Hai Bà cưỡi voi trên cán kiếm Đông Sơn trên lại rất phù hợp với một quan niệm bao đời nay của người dân Mê Linh, quê hương Hai Bà, rằng “Hai Bà sống trên lưng voi, thác trên lưng voi” và sau khi mất, Hai Bà vẫn mãi ngự trên lưng voi như hai vị thần hộ quốc; rằng khu đền thờ Hai Bà nằm trên mảnh đất có hình đầu con voi đang uống nước. Chúng ta biết, thời Đông Sơn cá sấu là một biểu tượng của thần nước.


Voi chiến-tượng binh thời Đông Sơn -0
Tượng hai người nữ cưỡi voi.

Tượng hai đàn ông cưỡi voi


Một thanh kiếm ngắn Đông Sơn khác trên cán lại có tượng hai người nam cùng ngồi trên lưng một con voi chỉ có một đầu và chân voi lại được hai con hổ ngậm.


Dễ thấy, người phía trước ngồi ở ngay cổ voi, gần tai voi chắc chắn là một nài voi, tức người dạy dỗ, rèn luyện và điều khiển voi. Người phía sau đội cùng một kiểu mũ, đeo cùng một dạng khuyên tai, có vẻ ngồi trên ghế bành nên nhiều khả năng cũng là một nài voi nhưng có địa vị cao hơn, tức một nài voi thày đang cùng cưỡi voi với một nài voi trò.


Một thanh kiếm cũng có tượng hai người nam cưỡi voi khác, nhưng người phía sau đưa hai tay vòng lên ôm lấy ngực người ngồi trước thể hiện sự chăm sóc, bảo vệ, càng khẳng định vị thế thày- trò của hai người này.


Chúng ta biết các thanh kiếm ngắn cán hình người thời Đông Sơn nói chung không phải là một vũ khí dùng trong trận mạc mà chủ yếu là một biểu tượng cho quyền thế. Tượng người trên cán kiếm thường là tượng những anh hùng đã hóa thành tổ tiên - thần linh khiến kiếm trở thành một vật thiêng có thể đem lại sức mạnh và may mắn cho người chủ.


Ở mọi thời và mọi nơi, nghề săn voi rừng, sau đó nuôi và luyện voi nhà thành voi chiến luôn là một nghề vất vả, đầy hiểm nguy nhưng cũng rất quan trọng và cao quý. Vì thế, tượng hai thày trò nài voi nêu trên có lẽ thể hiện tổ sư của nghề này cùng học trò ruột của mình, cả hai đều lập chiến công lớn và được tôn thờ như những anh hùng. Các thanh kiếm có hai tượng trên vật thiêng, bùa hộ mệnh của những chiến binh - nài voi thời Đông Sơn.


Tượng hai con hổ ngậm chân voi lại cho thấy ở thời cuối Đông Sơn dường như đã có tục luyện voi chiến bằng cách cho voi quyết đấu cùng hổ với chiến thắng cuối cùng luôn thuộc về voi. Tục đó đã tồn tại ở người Việt cho đến thời Nguyễn. Năm 1830, vua Minh Mạng đã cho dựng đấu trường Hổ Quyền tại phía Tây kinh thành Huế để hàng năm tiến hành các cuộc đấu sinh tử voi- hổ ở đây. Trước mỗi trận đấu, hổ thường bị cắt nanh, bẻ vuốt, còn các con hổ chết được dùng để tế thần linh. Đó là một trò giải trí của vua quan nhà Nguyễn nhưng có gốc từ việc luyện voi chiến. Cách Hổ Quyền không xa là điện Voi Ré, nơi thờ 4 vị thần voi có chiến công lớn và được phong tước Đô Đốc.


Người Mnông ở Buôn Đôn, Đắk Lắk có truyền thống lâu đời về nghề săn và nuôi voi. Họ có hai nhân vật huyền thoại. Người thứ nhất là Y Thu Knul, trong đời đã săn được hơn 400 con voi, được người Mnông ở đây tôn là ông tổ nghề săn voi và được vua Thái Lan ban cho tước hiệu “Vua Săn Voi”. Người thứ hai là A ma Kông, cháu ruột của ông (1910-2012), trong đời đã săn được 297 con voi, trong đó có một con voi trắng tặng cho vua Bảo Đại. Ông cũng là người đã huấn luyện đội voi chiến cho nhà vua và kế thừa danh hiệu “Vua Săn Voi” từ người cậu.


Những yếu tố Đông Sơn đậm nét trong văn hóa cổ truyền Mnông cho thấy nghề săn, thuần dưỡng và luyện voi của người Mnông có cội nguồn Đông Sơn. Sự tôn vinh hai đời vua săn voi và nài voi người Mnông gợi ý tượng hai người đàn ông cưỡi voi trên cán các thanh kiếm Đông Sơn cũng có thể là hai “Vua Săn Voi” hay hai “Vua Nài Voi” Đông Sơn.


Voi chiến-tượng binh thời Đông Sơn -0
Tượng hai người nam cưỡi voi.

Tượng chiến binh với trống đồng và voi


Tại vùng núi Pasemah phía Nam đảo Sumatra, Indonesia, có một khu mộ đá cổ với các tượng mồ khắc trên đá tảng có niên đại khoảng thế kỷ 1- 4. Một trong các tượng đó thể hiện một chiến binh cường tráng vai đeo kiếm, lưng đeo trống đồng ngồi quỳ với hai tay ôm tai của một con voi.


Các nhà khảo cổ học xác định người đó mang trang phục, vũ khí cùng với trống đồng Đông Sơn. Ngoài ra, dạng bao chân bằng đồng gồm nhiều vòng của người đó tương tự dạng bao chân ở di chỉ Làng Vạc, Nghệ An. Trang phục tề chỉnh cùng trống đồng cho thấy người đó có thể là một chiến binh đặc biệt có nhiệm vụ cưỡi voi và đánh trống đồng làm hiệu lệnh tiến quân khi xung trận. Do voi không phải là con vật quen thuộc ở Sumatra nên hình khắc trên là sự tái hiện hình ảnh chủ nhân ngôi mộ, vốn là một chiến binh Đông Sơn đến từ vùng Thanh - Nghệ, Việt Nam.


Sử sách cho biết năm 43, tướng Hán là Mã Viện truy sát đội quân khởi nghĩa cuối cùng của Hai Bà tại Cửu Chân (Thanh- Nghệ), chém, bắt và đưa đi đày nhiều Lạc tướng, Lạc hầu. Điều sử sách không ghi lại, nhưng được tư liệu khảo cổ học-dân tộc học ghi nhận là nhiều quý tộc Lạc Việt đã phải dùng thuyền vượt biển tới tị nạn ở quần đảo Indonesia, trong đó có đảo Sumatra. 10 trống đồng Đông Sơn tìm thấy ở đảo này cùng khu mộ đá Pasemah chính là những dấu tích của những di dân đó.
 
Back
Top