thảo luận Một vài chia sẻ có thể hữu ích cho các bạn trẻ trong sự nghiệp ngành IT

Cảm ơn bác đã chia sẻ.

Công ty đầu tiên, nhiều khi chọn theo lương, nên hủy hoại có khi cả 1 chặng đường dài.
Còn mentor, chọn mentor tốt được thì tốt, nhưng nếu chẳng may trúng mentor toxic thì né ngay còn kịp.

---------------------------
Tiện em muốn nhờ bác tư vấn về trường hợp của em hiện tại, dự án nát và người nát thì em vẫn chấp nhận được (thường thì em toàn chui vào chỗ không ngon). Nhưng do em xử lý được vấn đề khó, và quản lý tốt (đúng hạn, quality chấp nhận được)

=> Từ cả ông manager lẫn khách hàng giờ có issue khó nhằn, làm thêm việc, là quăng cho em và em không reject nổi / hoặc mất công sức để reject.

=> Hiện em upset và down motivate mà không biết xử lý sao ngoài cách đi tìm chỗ khác (mà em biết sau nó cũng sẽ xảy ra tương tự).
Có cơ hội vào Fsoft học hỏi vẫn là tốt nhất đó bạn
 
Hôm trước đọc một còm trên mạng khá hài đại khái như này: trong CV khi ứng tuyển hoặc khi phỏng vấn, hầu hết mọi người đều ghi hoặc nói đại khái là mong muốn tìm một môi trường để học hỏi và phát triển. Nhưng đến khi giao những việc "mới" hoặc "khác" với công việc quen thuộc thì lại lên than vãn "bóc lột", "nát người" :))
Lúc nào cũng muốn đại bàng chọn mình nhưng đến khi được chọn thì lại kêu ca :)) Hài hước!
 
Hôm trước đọc một còm trên mạng khá hài đại khái như này: trong CV khi ứng tuyển hoặc khi phỏng vấn, hầu hết mọi người đều ghi hoặc nói đại khái là mong muốn tìm một môi trường để học hỏi và phát triển. Nhưng đến khi giao những việc "mới" hoặc "khác" với công việc quen thuộc thì lại lên than vãn "bóc lột", "nát người" :))
Lúc nào cũng muốn đại bàng chọn mình nhưng đến khi được chọn thì lại kêu ca :)) Hài hước!
chuyện lạ thế, tôi thấy đa số than vãn nếu bị giao việc cũ/maintain/lặp lại/crud chứ việc mới + khác thì hạnh fuk quá còn gì
 
Chào các bạn, mình U40, vẫn đang theo lập trình backend, không phải là pro gì nhưng mình có vài ý kiến đóng góp đúc kết ra trong cuộc đời của mình. Đây là một số bài học có thể giúp ích cho các bạn trẻ. Trước mình học đại học ở VN (1 trường trung bình của VN, ngoài công lập), sau đó mình đi học thạc sỹ ở 1 trường top về CNTT ở VN.

1. Chọn trường để học là rất quan trọng

Nhiều người nói là học CNTT không cần bằng cấp, không cần trường lớp, ở nhà tự học cũng được. Điều này đúng, với những người giỏi, họ có thể tự học, tự tích luỹ kiến thức qua việc đọc sách, học trên mạng,...Nhưng với số đông chúng ta, là những con người bình thường, quen với cách giáo dục truyền thống ở trên lớp được thầy, cô giáo dậy, về nhà làm bài tập thì việc học trường nào là vô cùng quan trọng. Mình đã học ở 2 trường khác nhau nên mình cảm nhận được rất rõ sự khác biệt:

- Khi học trường top thì xung quanh các bạn đều là những người ưu tú, có thể trong số họ sẽ có người không phù hợp với CNTT nhưng họ thật sự giỏi mới có thể thi vào trường top được. Trong quá trình học, bạn sẽ học hỏi được từ họ, quan sát cách họ học tập, làm việc để tích lũy kiến thức cho bản thân. Sinh viên ở trường trung bình sẽ yếu hơn hẳn và ít cá nhân xuất chúng.

- Giảng viên ở các trường top là những người giỏi và có uy tín trong ngành. So với các trường trung bình thì ít có giảng viên nhiều uy tín, kinh nghiệm thực tế để giảng dậy như ở trường top, vì vậy đây là cơ hội lớn cho các bạn muốn theo đuổi con đường nghiên cứu, học sau đại học.

- Uy tín của trường bạn tốt nghiệp. Nếu bạn tốt nghiệp Bách Khoa, Công Nghệ, bằng cấp của bạn là đủ minh chứng cho thấy khả năng của bạn và ngoài ra bên ngoài các vị trí quản lý, kỹ thuật giỏi cũng phần lớn do các cựu sinh viên các trường top nắm giữ, vì vậy, họ có thể ưu tiên cho bạn hơn khi bạn ứng tuyển. Ngoài ra, các trường top luôn nhận được nhiều ưu đãi tuyển dụng từ các công ty muốn được tuyển sinh viên trường top vào thực tập, làm việc.

Tổng kết: với mình học trường nào thật sự quan trọng, nên nếu các bạn không vào được trường top là 1 thiệt thòi lớn, nhưng vẫn có các điểm bên dưới cũng rất quan trọng.

2. Có 1 mentor tốt là rất quan trọng

Mentor là 1 người đi trước có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, công việc của bạn. Đây là 1 người thầy đích thực mà giúp bạn học hỏi, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Mentor có thể là người bạn học cùng lớp với bạn, ví dụ Mentor giỏi tán gái thì chỉ cho bạn vài chiêu đi tán gái. Mentor phần lớn là những thầy, cô giáo hoặc những anh, chị đã đi làm nhiều năm mà bạn có cơ duyên được quen biết và họ cũng quý mến và muốn giúp đỡ bạn.

Việc có Mentor quan trọng vì:

- Họ là người hiểu ngành nghề mà bạn đang theo đuổi là CNTT và có thể chỉ cho bạn lối đi đúng đắn nhất, phù hợp với khả năng và sở thích của bạn. Đây là điều rất quan trọng vì nhiều bạn sẽ mất thời gian học đại học 4-5 năm, học xong nhưng không biết là muốn làm gì cả và luôn có suy nghĩ sau khi đi làm sẽ có công ty đào tạo lại kiến thức cho các bạn làm việc.

- Nếu Mentor giỏi, nhiều uy tín thì sẽ giúp bạn mở cánh cửa tới nhiều công ty ngon, thu nhập hấp dẫn. Trong ngành nào cũng vậy, người giới thiệu việc làm cho 1 vị trí trong công ty rất quan trọng, nếu bạn quen được ai làm vị trí quản lý, có tiếng nói trong công ty thì dù bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng họ nhận bạn thì bạn sẽ có nhiều khả năng được vào công ty lớn, thu nhập tốt để làm việc.

Tổng kết: đây là việc nói dễ hơn làm, không dễ để tìm được 1 Mentor, nhưng các bạn trẻ nhiều năng lượng thì hãy cố gắng học hỏi nhiều, tham gia nhiều event tuyển dụng, đi thực tập sớm, học tập trên các forum, trên các group FB về CNTT, có thể bạn sẽ không quen hoặc không thể làm quen với những anh, chị đã đi trưóc nhiều năm, nhưng ít ra thì bạn nghe sẽ hiểu một số điều họ muốn truyền đạt. Điều đó là vô cùng quan trọng, vì 1 câu nói tốt có thể thay đổi cả cuộc đời bạn.

3. Tìm được định hướng trong sự nghiệp mà bạn muốn đi

Dù là trường top, có Mentor giỏi nhưng bạn không biết rằng sau này bạn muốn làm gì, bạn phù hợp với vị trí nào trong ngành CNTT thì bạn vẫn sẽ mất rất nhiều thời gian sau này và nhiều khi sẽ chọn lựa những vị trí sai lầm dẫn đến bạn cảm thấy chán nản và muốn bỏ nghề.

Vì vậy, khi còn trẻ, còn là sinh viên, đây là thời gian rất quý giá để bạn tìm hiểu khả năng của bản thân và biết bạn muốn làm gì. Câu hỏi thường trực là có nên theo ngôn ngữ A hay là ngôn ngữ B? Có nên làm dev hay làm test? Có nên làm frontend hay là backend? Sau đó bạn sẽ muốn hỏi các câu hỏi đó trên các group, lắng nghe mọi người trả lời và để đó.

Đây không phải là lựa chọn đúng, điều quan trọng để chọn vị trí làm việc phù hợp là:

  • Bạn có đam mê thật sự với ngành CNTT
  • Bạn có khả năng tự học hỏi
  • Bạn đã làm thử những vị trí đó, đọc nhiều tài liệu, xem nhiều clip review về vị trí đó và bạn cảm thấy là phù hợp với bản thân

Tổng kết: Có thể có Mentor sẽ chỉ cho bạn rằng bạn sẽ phù hợp với làm vị trí này dựa trên kinh nghiệm của họ, nhưng quan trọng nhất vẫn là bạn phải trả lời được trong quá trình đi học là bạn thật sự muốn làm vị trí nào? Ngôn ngữ lập trình thì sẽ thay đổi theo từng năm, có ngôn ngữ sẽ hot, nhiều người học thì cạnh tranh cao, ngôn ngữ ít hot thì ít việc nhưng cũng ít cạnh tranh hơn. Nhưng quan trọng là, nếu bạn giỏi về mảng đó thì bạn sẽ không sợ không có việc làm.

4. Hãy đi làm sớm nhất có thể

Lúc học Đại học thì trường của mình không có chương trình thực tập, mình ung dung đi học hết các năm đại học và không quan tâm đến công ty bên ngoài tuyển dụng ra sao. Thời đó chưa có FB, mình cũng ít tham gia các diễn đàn về CNTT. Sau khi tốt nghiệp Đại học, vì nghĩ là học trường dân lập thì các công ty bên ngoài họ sẽ không ưu tiên tuyển dụng, nên mình tiếp tục đi học thạc sỹ CNTT. Và kể cả khi mình đã tốt nghiệp thạc sỹ CNTT ở trường top thì ra ngoài tìm việc, mình vẫn bị đánh giá là không có kinh nghiệm thực tế và họ chỉ coi mình là sinh viên mới tốt nghiệp.

Vì vậy, học ở trên trường Đại học là không đủ, mà các bạn cần tranh thủ thời gian đi thực tập bên ngoài sớm nhất có thể, từ năm thứ 3 hoặc ai giỏi hơn thì cuối năm thứ 2. Thực tập cho bạn thấy kiến thức thực tế học ở trường sẽ được dùng như thế nào, công ty chạy dự án CNTT ra sao, mọi người làm việc thế nào. Từ đó, bạn có thể xin học hỏi kiến thức và có duyên thì có đuợc Mentor giỏi để chỉ bảo cho bạn.

Điểm số khi tốt nghiệp Đại học không quá quan trọng khi tìm việc làm, bằng loại khá là đủ, quan trọng là các môn học mà bạn dùng để ứng dụng trong công việc bạn phải có điểm tốt để thể hiện bạn thật sự yêu thích vị trí đó.

Khi bạn tốt nghiệp Đại học thì bạn có thể ghi trong CV tìm việc đã có 1-2 năm kinh nghiệm làm dự án thực tế, không phải là không biết gì nữa, và các công ty sẽ ưu tiên cho bạn vì họ không mất công đào tạo lại công việc ban đầu.

5. Chọn công ty để đi làm

Bạn nên chọn những công ty lớn có đội ngũ đào tạo tốt để xin thực tập và làm việc những năm đầu sau tốt nghiệp, không quá chú trọng tới mức lương mà công ty trả cho bạn. Lý do là, tiền bạn có thể kiếm được sau này, nhưng những gì bạn học được ở những năm cuối đại học và năm đầu đi làm ảnh hưởng rất lớn tới việc sau này bạn có thể tìm được công việc ở vị trí ngon hơn.

Vì vậy, hãy ưu tiên cho việc xin được thực tập dù là không lương ở các công ty lớn và cố gắng thể hiện để họ cho bạn vị trí fresher sau khi tốt nghiệp. Sau 1 - 2 năm, bạn đi làm ở đó, học hỏi được tương đối, bạn có thể tự tin nhẩy qua công ty khác, vị trí cao hơn và thu nhập xứng đáng hơn.

Khi còn trẻ, đừng ngại khó, ngại khổ, đừng lựa chọn an toàn, chọn 1 công ty hay 1 công việc lặp đi lặp lại mãi, vì bạn sẽ bị thui chột và dần dần mất động lực trong sự nghiệp. Tốt nhất là làm 1 công việc từ 2 - 3 năm và tìm công ty tốt hơn, thu nhập cao hơn để sang làm việc. Ở những công ty tốt hơn thì sẽ có nhiều người giỏi hơn để bạn tiếp tục học tập và những người giỏi nhất thì sau quá trình làm việc 10 - 15 năm, đã nhẩy qua nhiều công ty, nhiều vị trí thì họ sẽ được đẩy lên vị trí quản lý và tiếp tục sự nghiệp trong ngành CNTT dù họ sẽ ít làm công việc liên quan đến kỹ thuật.

6. Tổng kết

- Đây là những điều mình đã đúc kết lại, có những sai lầm mình đã gặp mà không thể sửa đổi được, nhưng cũng may là tuy muộn, mình vẫn theo được ngành CNTT tạm thời cho đến thời điểm này, không phải dừng lại khi còn sớm.

- Các bạn còn trẻ thì hãy cố gắng học tập nhiều, trên youtube có rất nhiều clip hướng dẫn học tập, chọn lấy 1 ngôn ngữ lập trình, 1 hướng đi mà bạn mong muốn, làm thử theo họ.

- Có đam mê rồi thì thành công sẽ theo đuổi bạn, tốt nhất là bạn có thể tự quyết định sự nghiệp trong cuộc đời của bạn, có người Mentor tốt sẽ giúp bạn không đi sai con đường 5-10 năm. Mình chưa từng có Mentor, tự mình trải nghiệm, tự sai và tự chịu, mình không làm Mentor về định hướng nghề nghiệp được cho ai, nhưng những bài học này, mình tin là có ích với các bạn trẻ đang và sẽ theo học ngành CNTT.

Thân ái,
Anh có thể đưa ra ví dụ vài công ty tốt được không ạ? Em ở HCM. Mà anh nói là
ưu tiên cho việc xin được thực tập dù là không lương ở các công ty lớn
em thấy không nên. Giờ thời buổi nào rồi còn thực tập không lương? Công ty nào mà bắt thực tập không lương thì cần phải đặt dấu hỏi bự, red flag liền chứ làm sao mà chỉ vì nó lớn mà mình chịu bị bóc lột sức lao động được.
 
Anh có thể đưa ra ví dụ vài công ty tốt được không ạ? Em ở HCM. Mà anh nói là

em thấy không nên. Giờ thời buổi nào rồi còn thực tập không lương? Công ty nào mà bắt thực tập không lương thì cần phải đặt dấu hỏi bự, red flag liền chứ làm sao mà chỉ vì nó lớn mà mình chịu bị bóc lột sức lao động được.
anh không đưa ra được câu trả lời top công ty ở HCM cho em, có 1 thread to đùng bên ngoài review công ty em vào đó đọc nhé.

Câu hỏi về thực tập không lương thì ý của anh là, dĩ nhiên công ty lớn họ không tiếc gì ít tiền để tuyển thực tập làm được việc, nhưng kể cả trong trường hợp họ không trả lương thì nếu thấy cơ hội học tập ở đó thì thực tập không lương vẫn xứng đáng để chọn.
 
[So sánh việc học IT bây giờ và 20 năm trước]

Chào các bạn, mình cuối thế hệ 8x, đến giờ vẫn ngồi code bình thường, toàn làm ở công ty siêu nhỏ, không có kinh nghiệm làm Big Tech bao giờ.
Những gì mình viết dưới đây là góc nhìn so sánh của thế hệ mình bắt đầu học Đại học và các bạn trẻ bây giờ bắt đầu vào Đại học.

1. Nhìn lại 20 năm trước

- Thời mình bắt đầu vào Đại học thì có thể nói là thời kỳ mở cửa của Internet vào Việt Nam. Những năm cuối 199x thì chỉ có ai có điều kiện lắm mới lắp đặt Modem 56k mạng chậm như con rùa, chưa kể chi phí mua 1 dàn máy tính với RAM 16 - 32 MB, ổ cứng 1 GB giá cỡ vài chục triệu thời đó để vào mạng Internet. Đến thời mình vào học Đại học thì cũng đã trải qua mấy năm Internet ADSL phổ biến ở khắp quanh các trường học, nơi các anh hùng hảo hán đồ sát nhau qua game Võ Lâm Truyền Kỳ, hay các bạn nam thanh, nữ tú chat chit tán tỉnh nhau qua mạng Yahoo. Máy vi tính lúc đó cũng tương đối có thể mua được, với cấu hình phổ biến là 128 MB - 256 MB RAM, nhưng ai cũng phải có điều kiện thì mới lắp được mạng Internet ADSL vì lúc đó là trả phí theo dung lượng, mình vẫn nhớ VNPT là 80k / 1 GB, đến năm thứ 2 Đại học thì mình mới có lắp mạng ở nhà, cả tháng mình chỉ dám dùng tối đa 1 GB, không là bị mẹ chửi.

- Thời sinh viên học ở trường Đại học tư thục, chất lượng đầu vào trung bình ở Hà Nội, đi học thì mình chỉ biết đến lớp nghe thầy, cô giảng bài, nếu thầy, cô yêu cầu cài phần mềm gì thì ra chỗ Bách Khoa mua đĩa CD về cài, thời này thì mình có rất nhiều đĩa Games chơi offline, còn đĩa để cài phần mềm học chỉ có mỗi Visual Studio C++ bản 6.

- Do trường học cơ sở vật chất lúc đó cũng thiếu thốn, nên là có tình trạng 2 người chung 1 máy tính và cùng học thực hành, nếu gặp lỗi gì thì hỏi thầy, cô giáo xem giúp. Nói chung là cách học thụ động, thầy bảo gì thì trò làm nấy và bài giảng của thầy có gì thì trò biết nấy. Thời gian năm 1 năm 2 của mình thì học chủ yếu là các môn đại cương, toán và tin cơ sở nên mình cũng khá chểnh mảng, chủ yếu đi học đúng giờ, không nghỉ học vì trường cũng không có gì chơi, hay có các tụ điểm Games như tam giác vàng ở Bách Khoa, Kinh Tế Quốc Dân và Xây Dựng.

- Nói chung là năm 1, 2 và sang đầu năm thứ 3 là thời gian mà mình vẫn đắm chìm trong những hành động giải trí mà không có tác dụng gì cho việc học như là chơi game online, chơi DOTA, thỉnh thoảng chat yahoo linh tinh với đứa bạn học cùng. Tóm lại là một thời nông nổi, ngoài thời gian đi học trên trường thì mình chỉ về nhà ngồi vào máy tính chơi games nếu không có bài tập gì phải làm.

- Đến giữa năm thứ 3 thì bắt đầu học các môn chuyên ngành CNTT cần làm bài tập lớn báo cáo thì lúc này mình mới mua 1 chiếc Laptop do tiết kiệm trong mấy năm trước, hồi đó không biết làm gì ra tiền, chủ yếu là mẹ cho tiền ăn sáng, xăng xe thì bớt lại, không đi đâu chơi với ai, đi học về thì về nhà ngồi chơi games online hay offline, cũng có chơi Voz nhưng toàn comment linh tinh ở các chủ đề cũng linh tinh không kém.

- Đến cuối năm thứ 3 thì mình thấy một vài bạn học khá đi làm ở công ty do thầy giáo trong trường mở ra, lúc đó mình không hề nghĩ là ồ các bạn đi làm, các bạn vừa học được kiến thức mới, vừa kiếm được tiền, mình mặc kệ, cứ nghĩ đơn giản là ra trường có bằng loại giỏi dù là trường trung bình thì người ta sẽ tuyển mình, vì vậy thời gian này mình tập trung học lấy điểm số, chứ không quan tâm tới kiến thức và kinh nghiệm đi làm bên ngoài. Tệ nhất là ở trường không có chương trình thực tập, cũng như không có bất kỳ 1 công ty nào về tuyển dụng nên mình vốn đã lười tìm hiểu thị trường lại càng không biết thông tin bên ngoài ra sao.

- Cuối năm thứ 4, mình bảo vệ khoá luận với điểm số cao nhất của khoa, ra trường sớm hơn nhiều các anh chị khoá trước vì nợ môn do đi làm, cũng tự hào nhưng vì mình thấy là dù sao thì mình vẫn chỉ là bằng giỏi ở 1 trường trung bình, lại còn là thư thục (hồi đó là dân lập) nên luôn cảm giác thấy tự ti vì điều đó.

+ Vì vậy mình ôn thi vào Cao học ở 1 trường top CNTT ở Hà Nội và tiếp tục học Thạc sỹ 2 năm theo dạng là chỉ tập trung vào học, ban ngày đi làm ở trung tâm giáo dục, kiếm lương vài triệu đủ sống, cũng vẫn không chơi với ai, hay tìm hiểu công ty bên ngoài lúc đó họ cần gì. Lúc đó mình vẫn nghĩ đơn giản là nếu mình tốt nghiệp Thạc sỹ trường top, điểm tốt thì lo gì mà không tìm được việc. Nên là mình tiếp tục đánh đổi thêm 2 năm cho việc học tập, lúc này nếu bạn nào bắt đầu đi làm từ khi tốt nghiệp đại học thì họ đã có 3 năm kinh nghiệm, còn mình chỉ có mỗi cái là có bằng Thạc sỹ.

+ Nên là sau khi tốt nghiệp Cao học, với tầm bằng điểm số cao, trường Top CNTT, mình bắt đầu đi tìm việc làm và mọi nơi đều nhìn mình với ánh mắt ái ngại. Học cao nhưng không có kiến thức thực tế, hỏi các kiến thức về làm Web không trả lời được, lúc này mình đang thích làm Mobile vì có tự học trong lúc đi làm nhưng không đủ kiến thức để phỏng vấn. Mình vẫn nhớ có bạn cùng tuổi phỏng vấn mình, lúc đó họ đã là Team lead, mình nghĩ bạn đó đã đi làm từ hồi sinh viên nên đến lúc đó có 5 năm kinh nghiệm, trong khi mình không biết làm gì cả.

Tổng kết lại trong khoảng thời gian là sinh viên đến khi tốt nghiệp cao học thì mình thấy là thời của mình không còn quá thiếu thốn như thế hệ anh chị 7x, nhưng cũng không dư dả như 9x và GenZ sau này. Tuy vậy, do mình lười tìm hiểu kiến thức bên ngoài chương trình thầy cô cho, lười mở rộng mối quan hệ (dù trong khoa thì ai cũng biết mình nhưng mình không thân với ai cả), lười tìm hiểu công việc thực tế các công ty họ tuyển dụng, lười nâng cao khả năng tiếng Anh, nên là sau khi tốt nghiệp Cao học là mình không được tuyển ở những công việc mà mình cảm thấy phù hợp (dù chưa biết thật sự có phù hợp không vì có làm đâu mà biết).


2. Nhìn về thời điểm hiện tại

- So với thời của mình thì mình thấy các bạn trẻ thời bây giờ có rất nhiều điều kiện, không còn thiếu thốn máy tính để học, không thiếu mạng để học, kinh tế phát triển nên nhiều phụ huynh cũng có nhiều tiền để cho các bạn đi du học, hay học các chương trình liên kết với nước ngoài,...Nhưng mà cái mình muốn nói đến là vấn đề tự học.

- Tự học là một việc khó, cần sự kiên nhẫn lớn vì không ai giám sát hay bắt buộc bạn, giống như là bạn tập gym vì bạn muốn có body đẹp, chứ không tự nhiên đi chịu đựng mệt mỏi, đau nhức. Thời nay các bạn có rất nhiều nguồn tài liệu trên mạng, Internet trong tầm tay, kiến thức CNTT chỉ cách bạn 1 cú click chuột vào google, nhưng vì bùng nổ Internet cũng mang lại thêm nhiều rào cản nữa đó là sự mất tập trung, xao nhãng của các nền tảng mạng xã hội.

- Thời của mình để chat thì phải hẹn nhau hôm nào, mấy giờ online, đến lúc đó bật Yahoo lên mới chat chit được vài câu, không có Webcam thì cũng không biết ai là ai, là nam hay nữ. Còn bây giờ thì chỉ cần kết bạn tùm lum là có thể nhắn tin làm quen mọi lúc mọi nơi, xem nhiều videos trên mạng, đu trend, hóng tin tức mọi lúc mọi nơi,...

- Nên là cái khó của các bạn trẻ bây giờ đó không phải là vượt qua thiếu thốn như thời của mình mà là vượt qua những cám dỗ, sung sướng mà nhiều người show ra trên mạng Internet. Thời của mình khó để có cơ hội tìm tài liệu để học, nếu thầy cô không biết, không giảng dậy thì sinh viên cũng không biết, còn thời của các bạn thì chỉ cần từ khoá là có thể tìm được các khoá học từ A-Z miễn phí trên youtube, nhưng vấn đề là sẽ có nhiều thứ khiến bạn xao nhãng khi học. Thời của mình thì mạng xã hội chưa có, chỉ có games online với Yahoo, mạng Internet không phổ biến, nên ít ra thì về nhà cũng tập trung được chút, còn bây giờ thì lúc nào cũng có thể mất tập trung.

- Cuối cùng là, với sự phát triển của AI, công cụ chatGPT tuyệt đỉnh, mình thấy là việc tự học ngành CNTT trở nên dễ hơn rất nhiều. Trước đây, mình không biết về công nghệ mọi người nói đến, nhưng giờ thì lướt mạng xã hội tham gia group CNTT thì mình cũng biết nhiều bài chia sẻ của các bạn để biết thêm mọi người đang làm gì. Thời của mình thì mọi người viết blog Yahoo 360 chia sẻ câu chuyện cuộc sống, chứ không có nhiều group Facebook hữu ích về CNTT như bây giờ. Google có thể đem lại nguồn tài liệu cho bạn nếu bạn biết từ khoá nhưng so với chatGPT thì google khiến bạn mất nhiều thời gian hơn để search cho 1 vấn đề. ChatGPT thật sự thay thế được cho 1 người giảng viên nhiều kinh nghiệm, có thể trả lời hết các vấn đề mà bạn gặp phải.

Tổng kết lại là với thời điểm hiện tại, bỏ qua vấn đề do thị trường đang khó khăn trong tuyển dụng thì các bạn có rất nhiều cơ hội để học tập, tài liệu phong phú đa dạng, không chỉ còn ở những cuốn sách nặng nề, tốn kém như thời của mình, mà giờ có các trung tâm, các chương trình học online, hay rất nhiều các clip giảng dậy miễn phí trên youtube để bạn có thể học và nâng cao kiến thức. Và với chatGPT thì bạn có thể học mọi thứ bạn muốn, quá trình học và tương tác tự nhiên hơn rất nhiều, giống như bạn có 1 người giảng viên bên cạnh, nên là dĩ nhiên nhà tuyển dụng thời nay sẽ mong muốn và yêu cầu các bạn có nhiều kiến thức thực tế, biết nhiều công nghệ hơn so với những kiến thức ở nhà trường được dậy.

Do vậy là các bạn hãy cố gắng học hỏi kinh nghiệm thực tế, tham gia các buổi workshop, buổi tuyển dụng của các công ty, nếu ở trường không có thì ngó qua trường khác, mở rộng mối quan hệ, và rèn luyện khả năng tự học trong ngành CNTT cùng với tiếng Anh, đi thực tập và làm việc khi còn đi học. Như vậy sẽ giúp bạn tự tin sau khi tốt nghiệp có thể tìm được việc làm dễ dàng hơn rất nhiều là việc bạn chỉ lo học trên trường và lãng phí thời gian không dành cho học thêm kiến thức khi đi học Đại học.

Chúc các bạn sớm thành công!
 
Ko giống bọn lớp tôi mấy nhỉ, ra trường còn đá bóng với game gủng mấy năm, đến lúc vợ con mới thôi dần. chả sợ gì, từ thằng bị đuổi học đến tiên tửu như tôi
 
Ko giống bọn lớp tôi mấy nhỉ, ra trường còn đá bóng với game gủng mấy năm, đến lúc vợ con mới thôi dần. chả sợ gì, từ thằng bị đuổi học đến tiên tửu như tôi
Trường tôi lúc đó tiên phong học tín chỉ nên là tôi đi học biết nhiều anh chị khoá trên hơn các bạn cùng lớp ban đầu, nói chung là tôi biết nhiều người, nhưng vì không phải học theo niên chế nên không thân với các bạn, đây cũng là điều tôi rất tiếc vì thời sinh viên không vui như tôi đã từng nghĩ trước khi vào Đại học.
 
Topic hay, chia sẻ kn cho nhiều bạn mới. Mà mình ko đồng ý ở cái số 5 lắm. Về vụ làm 1 công việc 2-3 năm. Mình thấy cái này tùy thuộc vào khả năng của mỗi người và công ty đó nữa. Nếu cảm thấy công ty ko ổn thì đi sớm. Hoặc cảm thấy mình học tốt đc 1 mảng nào đó rồi, muốn đi trả nghiệm những môi trường mới thì cứ đi.
Và đặc biệt là mình ko đồng ý ở vụ làm 10-15 năm rồi đc đẩy lên quản lý. Nói câu này ra dễ làm các bạn trẻ nản lòng lắm. Thực tế là đi làm 3-4 năm là đã có nhiều bạn lên lead rồi. hoặc cũng có nhiều bạn làm tốt, khả năng học tốt, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm nhanh, cũng đc đưa lên làm lead từ năm thứ 2-3.
Việc đưa các bạn ấy lên lead sớm thì có nhiều lý do, kỹ năng tốt, tinh thần làm việc tốt, hiểu sâu về domain công việc, có thể cty lúc đó thiếu người nữa... Nhưng những bạn đc lên lead sớm mình đều thấy 1 đặc điểm đó là các bạn hiểu sâu về domain của dự án đang làm, có 1 số bạn giỏi xuất sắc --> cho lead dự án đó luôn. Có 1 số trường hợp thì cty cảm thấy bạn đó là người có tiềm năng, khả năng học tốt, tính cách + tinh thần làm việc tốt nên muốn tạo điều kiện cho bạn phát triển hơn....
Còn cái cuối là vụ quản lý, sau nhiều năm làm việc, tích lũy đc kinh nghiệm + kỹ năng tốt rồi thì cũng có nhiều hướng để đi, chứ ko chỉ riêng quản lý. Ví dụ bạn thích về tech, thì có thể lên tech lead, Solution Architect
 
Nhiều bạn đề cao Fsoft quá @@". Nếu các bạn ko vào được Fsoft thì cũng đừng buồn. Ngoài Fsoft ra còn rất nhiều các công tốt khác. Kể cả những công ty nhỏ, startup, 20 người hay chỉ có vài người.
Mình cũng thuộc thế hệ cuối 8x. Các bạn của mình có rất nhiều người sau khi ra trường vào làm trong fsoft. Nhưng cũng có rất nhiều người làm ở các công ty nhỏ ở ngoài, thậm chí là công ty chỉ có 5 người (mình nhớ lúc đó python bắt đầu hot, mấy a ấy làm startup về game gì đó và cũng dùng python làm luôn). Tuy xuất phát từ những cty khác nhau, size khác nhau nhưng mình thấy cuộc sống của các bạn ấy từ hồi đó đến giờ đều rất ổn (tích lũy kiến thức, chuyên môn, vị trí hiện tại, thu nhập, work life balance...)
Nên là đừng có buồn khi ko vào hoặc ko vào đc fsoft nhé :D. Cũng đừng thấy cty bé mà nghĩ ngợi kiểu nó ko ngon = các cty to nhé :D
 
Back
Top