Bà già nhà quê

elementary

Senior Member

GNO - Bà già ấy đã gần 70 tuổi, dáng người gầy nhom, đôi chân khẳng khiu như hai thanh tre non nhưng trông khỏe lắm. Điều đó được thể hiện qua cách bà xách hai chiếc giỏ trái cây dáng đi thoăn thoắt.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1244 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1244 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bà có thằng con ở thị thành, lên đó học, làm việc rồi lấy vợ, sinh con. Không thích cái cảnh làng quê nghèo đói, con bà quyết trụ lại chốn phồn hoa rồi mua được căn nhà nhỏ. Vì nhớ con, nhớ cháu nên một năm, bà tới lui không biết bao nhiêu lần. Đường thì xa, ngồi xe đò đến ê cả mông, nhức cả cẳng, mỏi cả cái tấm lưng già còm cõi nhưng bà vẫn cứ đi. Mỗi lần nhìn thấy bà soạn trái cây, gà vịt, rau củ là chồng bà lại càm ràm:

- Bà già rồi, ở nhà mà hưởng thú điền viên với tôi. Hà cớ gì cứ lên thị thành hoài cho mệt thân. Nó làm con, không nhớ đến cội nguồn về thăm cha thăm mẹ, thăm cái làng quê thanh bình này thì thôi, chứ mình là cha mẹ sao phải lụy nó.

Bỏ dở việc soạn trái cây mới hái sau vườn, bà nói:

- Ông này kỳ thật! Ông cũng biết con mình nó làm quần quật suốt ngày mà, có ở không như tôi với ông đâu mà trách cứ.

- Bà nói như thế tôi không đồng tình. Chẳng lẽ ngày Chủ nhật, lễ, Tết nó cũng làm à? Nhiều năm nay rồi nó có vác mặt về thăm ông già này đâu. Mất gốc, quên nguồn quên cội rồi! Tôi mà biết trước được điều này chẳng thà không sinh con còn hơn.

- Thôi được rồi! Tôi cãi không lại ông! Tại tôi nhớ cháu nội quá mới lên thăm nó thôi! Được chưa!

Lại nữa, cứ mỗi lần cãi nhau là bà đem đứa cháu nội ra làm “bùa hộ mệnh” khiến ông thay đổi sắc mặt. Phải bỏ đi chỗ khác thôi. Ông sợ cứ ngồi đó, nghe bà ca cẩm về thằng cháu nội là ông nhớ, ông thương, mềm lòng, muốn đón xe đò lên thành phố ngay lập tức. Cảm xúc này đã nhiều lần đến với ông. Nó mãnh liệt, khát khao, dâng trào tột độ. Cũng phải thôi. Hai vợ chồng già chỉ có một thằng con trai, một đứa cháu nội, mà lại ở xa nữa thì hỏi làm sao cầm lòng cho đặng. Nhớ quá đi chứ. Nhưng ông thuộc tuýp người cứng rắn, mạnh mẽ, không để cảm xúc làm chủ lý trí. Thế nên thỉnh thoảng ông vẫn hay nhắc khéo để bà gọi điện lên hỏi thăm cháu nội “sẵn tiện” ông nói ké vài câu.

Giận thì giận nhưng sáng ông vẫn phụ bà xách đồ ra đường cái đón xe đò. Những lần bà lên xe, ông không quên dặn:

- Lên tới nơi nhớ gọi điện về cho tôi. Vợ chồng nó mà đối xử tệ với bà thì nói cho tôi biết. Tôi lên tới đó xử tụi nó luôn.

Bà ừ hử cho xong rồi lên xe. Bà hiểu tính ông thẳng như ruột ngựa nên sau mỗi chuyến đi, bà chẳng dám kể cho ông nghe nhiều chuyện trên thị thành. Hầu như bà đều nói những câu chuyện tốt đẹp về con dâu, con ruột, cháu nội. Ông đâu biết, đã nhiều lần bà ra về trong nước mắt lưng tròng. Nhưng bà vẫn cứ đi.

Trên chuyến xe đò, thường lượt đi, đa phần là những ông già bà cả lên thăm con cháu ở chốn thị thành. Hàng hóa chất đầy trên cabin, hầm xe như một cái chợ thu nhỏ. Mùi sầu riêng, mít, nhãn tỏa hương ngào ngạt. Lại có cả một không gian xanh mướt với hàng chục giỏ rau: bông bí, càng cua, rau muống, đọt lang... Thỉnh thoảng khứu giác của hành khách còn cảm nhận được mùi heo quay, gà nướng, vịt luộc đang ẩn nấp ở những hộp nhựa được đậy kín. Tất cả hành khách đều mang hương làng quê lên phố thị.

Bao giờ lên xe đò bà cũng chọn nơi riêng lẻ, ghế cạnh bên không người ngồi, nơi gần cửa sổ hoặc hàng ghế sau cùng. Bởi bà không thích ồn ào, không ưa nói nhiều, chỉ muốn ngả lưng đánh một giấc cho tới bến xe. Vậy mà bà chẳng được yên thân. Xe chạy được khoảng 20km thì dừng lại. Một người phụ nữ cũng chừng 70 tuổi, chọn ngay chỗ ghế gần cạnh bà ngồi xuống. Chỉ mới yên vị, người phụ nữ này đã bắt chuyện ngay:

- Chị lên thành phố thăm con cháu hả?

Không để người khác bảo mình kém lịch sự, bà trả lời gọn lỏn:

- Vâng! Tôi lên thăm con trai.

Người phụ nữ đó lại tiếp lời:

- Tôi tên Mai. Còn chị? Tôi cũng lên thăm con, nhưng mà con gái.

- Cứ gọi tôi là bà Cúc.

- Ồ! Cả hai chúng ta đều mang tên một loài hoa đẹp, lại là màu vàng sang trọng nữa cơ chứ!

- ... (cười mỉm)

Rồi bà Mai than thở:

- Không biết hoàn cảnh của chị có giống tôi không! Thiệt, cái thân già này nó khổ gì đâu. Có mỗi đứa cháu ngoại, nhớ quá mà chúng nó chẳng chịu về thăm, buộc bà ngoại này phải còng lưng lên thành thị để nhìn mặt chúng. Con với cái, nuôi cho ăn học đủ lông đủ cánh rồi bay đi luôn chẳng thèm nhớ nơi chôn nhau cắt rốn là gì nữa.

Nghe đến đây, chợt thính giác bà bị thu hút, lôi cuốn. Bởi trong câu chuyện buồn này bà bắt gặp hình ảnh của mình trong đó. Bà hỏi:

- Thế chồng chị đâu, sao không đi thăm? Đàn ông mạnh tay mạnh chân dễ lên xuống xe, xách giỏ vác đồ.

- À, tôi cũng đang định hỏi chị câu đó. Ông nhà tôi mất lâu rồi, giờ ở có một mình với cô em gái. Hai chị em không chồng, nương tựa nhau mà sống qua ngày.

- Chồng tôi vẫn mạnh khỏe, nhưng ông ấy giận tụi nhỏ nên hờn mát, không thèm lên thăm...

Hai bà già chỉ mới quen nhau có mươi phút nhưng rất hợp ý, nói chuyện huyên thuyên. Câu chuyện chủ yếu nói về con cái với ý than phiền. Điều này làm cho cả lơ xe cũng ngạc nhiên, vì bao năm đi xe này, chẳng bao giờ thấy bà nói chuyện nhiều như thế. Có lẽ bao nhiêu năm qua, bà chỉ chờ có một người đàn bà cùng hoàn cảnh với mình để mà nói hết những đau khổ, bứt rứt trong lòng. Rồi cả hai bà còn trao đổi số điện thoại, hẹn nhau ngày về.
...
 
vcl báo giác ngộ online
139gXBu.gif
 
Back
Top