kiến thức Chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế

monkey11178

Senior Member
- Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động 2012, được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:
  • Sự thay đổi cơ cấu, công nghệ bao gồm các trường hợp:
    • Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động.
    • Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm.
    • Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.
  • Và, các lý do kinh tế bao gồm:
    • Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế.
    • Thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.

20206095992f-7ad6-4aa5-8d40-3dec99eeb791.jpg

Nguồn ảnh: Internet

- Trong trường hợp vì các lý do kinh tế hoặc vì có sự thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động để lập Phương án sử dụng lao động.

Phương án sử dụng lao động phải có những nội dung sau (Điều 46 Bộ luật Lao động 2012):
- Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng;
- Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu;
- Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
- Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.

Đây là cơ sở để doanh nghiệp minh bạch thực hiện việc tổ chức lại lao động của mình; đồng thời, việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại doanh nghiệp và thông báo trước 30 ngày cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.​


- Đối với những người lao động mà doanh nghiệp không thể tiếp tục quan hệ lao động, buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động thì ngoài nghĩa vụ thanh toán đầy đủ các khoản lợi ích hợp pháp cho họ, doanh nghiệp còn có nghĩa vụ trả Trợ cấp mất việc làm cho một số đối tượng cụ thể - xem chi tiết tại công việc "Phân biệt Trợ cấp thôi việc và Trợ cấp mất việc làm".

- Khi chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp (cụ thể là người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền hợp pháp) phải có văn bản Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với từng người lao động. Văn bản này là căn cứ xác lập thời điểm, sự chấm dứt quan hệ lao động của đôi bên và là điều kiện để đôi bên giải quyết các thủ tục liên quan khác (như: các loại bảo hiểm; tranh chấp, khiếu nại về lao động; tiền lương;….). Do đó, doanh nghiệp nên đảm bảo đầy đủ các giấy tờ để tránh những rắc rối không đáng có.

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Đồng thời, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác đã giữ lại của người lao động.

Lưu ý:
“Tổ chức đại diện tập thể lao động tại doanh nghiệp”
là Ban chấp hành Công đoàn tại doanh nghiệp; hoặc, Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp nếu tại doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn.
“Công đoàn cấp trên trực tiếp” thông thường là:
_ Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là liên đoàn lao động cấp huyện) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở;
_ Hoặc, Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (gọi chung là công đoàn các khu công nghiệp) nếu doanh nghiệp thuộc các khu vực này.


Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động 2012;
- Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động;
- Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.



Bài viết tham khảo từ bài viết của Thư viện pháp luật
 
Back
Top