'Chàng trai không chân' trở thành vận động viên bơi lội, bóng đá

Bing AI

Senior Member

Anh Phạm Tuấn Hưng (22 tuổi, quê Quảng Ninh) mất đi đôi chân sau tai nạn. Di chuyển hoàn toàn phụ thuộc vào đôi tay, nhưng vượt qua sự tự ti, mặc cảm, Tuấn Hưng không chỉ trở thành vận động viên bơi lội và bóng đá mà còn truyền cảm hứng cho nhiều người vươn lên trong cuộc sống.​


Trạm yêu thương tuần này mở ra với màn tâng bóng nghệ thuật đẹp mắt do Tuấn Hưng thể hiện. Sự nhanh nhẹn của đôi tay và nụ cười thân thiện của chàng trai đã chiếm trọn cảm tình của khán giả có mặt trong chương trình.
Vượt qua nhiều nỗi đau, cho đến thời điểm hiện tại, Tuấn Hưng đã mạnh mẽ hơn khi kể về tuổi thơ của mình. Sinh ra là một đứa trẻ bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa, năm 2 tuổi sau tai nạn bị gấu cắn, Tuấn Hưng đã mất đi đôi chân.
Hành trình đầy nỗ lực của chàng trai không chân sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương lúc 10 giờ ngày 11.5 trên kênh VTV1
Hành trình đầy nỗ lực của chàng trai không chân sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương lúc 10 giờ ngày 11.5 trên kênh VTV1

Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, nỗi đau đớn về thể xác lại ùa về trong tâm trí, nhưng đau đớn về tinh thần mới là thứ khiến Tuấn Hưng mất rất nhiều thời gian để vượt qua. Những ngày xuất viện với đôi chân không còn, theo Tuấn Hưng, là những ngày đau đớn và mất thăng bằng nhất trong cuộc đời anh.

Tình yêu thương của mẹ, sự chăm sóc ân cần của bố, sự lo lắng đôn đáo đi tìm người hợp nhóm máu để truyền cho Tuấn Hưng và cả những giọt nước mắt của bố mẹ khi chứng kiến Tuấn Hưng đau đớn trải qua các cuộc phẫu thuật cắt xương… đã khiến chàng trai 10X tự nhủ: "Em phải sống, phải vượt qua và bắt đầu cố gắng làm quen với cơ thể khiếm khuyết của mình".

Không còn chân, cậu bé Tuấn Hưng tập di chuyển bằng tay. Tuấn Hưng tập leo cầu thang, đi từ nhà xuống bếp bằng ghế nhựa. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, từ việc có thể tự đi lại, Hưng bắt đầu làm được mọi thứ như tập nấu cơm, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa…

Khi nhắc tới mẹ, ánh mắt Tuấn Hưng ánh lên niềm tự hào và tràn ngập yêu thương. Mẹ Thư không sinh Hưng ra từ bụng, nhưng đã sinh ra Hưng từ trái tim của mình, mẹ đã nhận nuôi Hưng từ ngày đầu em mới sinh ra.

Sự xuất hiện của mẹ Thư đã mở ra câu chuyện cảm động đầy nước mắt của Phạm Tuấn Hưng. Trong lời chia sẻ của mình, bà Mai Thị Thư luôn miệng nhắc về Hưng với cụm từ "con trai", "con của mình" như một lời khẳng định: trong trái tim của bà, Hưng luôn là người con trai mà bà yêu thương nhất.

Có lẽ tình yêu thương của mẹ chính là động lực giúp Tuấn Hưng vươn lên trong nghịch cảnh. Không còn đôi chân nhưng chàng trai quê Quảng Ninh lại có niềm đam mê đặc biệt với trái bóng tròn. Từ năm lớp 3, Hưng đã theo các bạn ra sân xem bóng, rồi được nhận là thủ môn, sau đó được tham gia các vị trí khác trong sân với đặc quyền dùng tay chơi bóng.

Khả năng chơi bóng của Hưng tiến bộ quá nhanh và thuần thục, các bạn đã yêu cầu Hưng chơi bằng phần đùi còn lại mới cho chơi tiếp. Không từ bỏ đam mê, Hưng về nhà tập sút bóng vào tường bằng phần đùi của mình.

Những lúc di chuyển trên sân bê tông, phần đùi cọ xát xuống nền khiến Hưng không ít lần đau và phải đi viện điều trị. Những điều đó không làm vơi đi tình yêu với trái bóng tròn của Hưng. "Chỉ khi được đá bóng trên sân, em mới thấy được là chính mình và quên hết mọi ưu phiền", Hưng nói.
 
Back
Top