thảo luận Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thảo luận về thị trường tiền điện tử

Jesse L. Livermore

Senior Member

Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thảo luận về thị trường tiền điện tử

1611216058466.png


"Trò chơi mua bán đầu cơ là một trò chơi hấp dẫn nhất trên thế giới. Nhưng nó không phải là cuộc chơi dành cho những người ngu ngốc, lười suy nghĩ, khống chế cảm xúc kém và những người muốn làm giàu nhanh chóng. Họ sẽ chết trong nghèo khổ." - Jesse Lauriston Livermore

Bài viết chọn lọc
Tài liệu tham khảo
 
Last edited:
Vì sao sức mạnh tương đối là chỉ báo được các phù thủy chứng khoán tìm siêu cổ phiếu? Hướng dẫn sử dụng RSI


Câu hỏi: Cách tốt nhất để tìm ra cổ phiếu tăng trưởng có tiềm năng tăng giá mạnh là gì?

Minervini:
Tôi yêu cầu các cổ phiếu phải thể hiện sức mạnh giá tương đối mạnh mẽ với hệ số alpha cao và độ lệch chuẩn thấp trước khi mua. Một trong những cuốn sách đầu tiên tôi đọc về chủ đề sức mạnh giá tương đối là cuốn The Relative Strength Concept của Robert Levy. Bạn có thể sàng lọc thị trường để tìm các cổ phiếu có RS cao với nhiều công cụ có sẵn hiện nay; có cả các công cụ miễn phí cũng như các nền tảng trả phí.

Ryan:
Tôi muốn thay đổi câu hỏi trên thành “Cách tốt nhất để tìm cổ phiếu tăng trưởng là gì?”, bởi tôi sẽ không mua một cổ phiếu chỉ vì nó đang tăng giá. Cổ phiếu đó phải thể hiện sức mạnh giá tốt và có đặc điểm lợi nhuận giống như các siêu cổ phiếu tăng giá mạnh nhất mọi thời đại.

Zanger:
Đối với tôi, hành động giá là tất cả. Hãy cho tôi biết những cổ phiếu tăng giá mạnh, và tôi sẽ chỉ cho bạn cổ phiếu nào tôi muốn sở hữu. Tất nhiên, tôi sẽ theo dõi nó thật kỹ, và tìm kiếm thời điểm cổ phiếu đạt được các tiêu chí đầu tư của tôi trước khi xem xét mua vào. Thậm chí tôi phải đợi một vài tháng trước khi nhảy vào mua một cổ phiếu đang có sức mạnh giá mạnh mẽ với các tín hiệu giao dịch đạt chuẩn. Hãy nhớ rằng, các cổ phiếu tăng trưởng rất thất thường và có thể đi ngược lại kỳ vọng trong chớp nhoáng nếu bạn mua không đúng thời điểm. Tôi thấy một sai lầm rất thường gặp ở các nhà giao dịch mới là mua cổ phiếu đã tăng $10 trong một ngày. Cảm xúc của họ lấn át lý trí, và họ nôn nóng muốn sở hữu cổ phiếu đó. Họ tin như đinh đóng cột rằng cổ phiếu chắc chắn sẽ tăng tới chín tầng mây trong vài ngày tới. Nhưng chỉ cần vài cú đảo chiều giảm mạnh, những nhà giao dịch mới này bị loại bỏ khỏi thị trường. Họ đổ lỗi cho sự tàn khốc của thị trường, trong khi đáng ra họ nên tự chịu trách nhiệm về sự thiếu kiềm chế của bản thân mình.

Ritchie II:
Theo tôi thì những cơ hội tốt nhất thường trông đáng sợ nhất. Đó là những cổ phiếu đã có một nhịp tăng giá nhanh và mạnh, nên trông có vẻ đắt đỏ. Sức mạnh giá tương đối là một cách hay để tìm các loại cổ phiếu này. Chỉ báo RSI càng cao thì càng tốt.
 
Last edited:
Quy tắc đi tiền của Jesse Livermore


Quản lý tiền là 1 trong ba mảnh ghép quan trọng nhất đối với Livermore: thời điểm, quản lý tiền, và kiểm soát cảm xúc. Livermore có 5 quy tắc quan trọng trong cách quản lý tiền của mình.

Quy tắc 1: Đừng để mất tiền

Đừng để mất vốn. Một nhà đầu cơ không có vốn giống như 1 người chủ cửa hàng mà không có hàng hoá. Tiền là hàng hoá của bạn, đường sinh mệnh của bạn, và người bạn thân nhất. Không có tiền, bạn phá sản. Đừng để mất tiền.

Việc thiết lập toàn bộ vị thế tại một mức giá duy nhất là rất nguy hiểm và sai trái. Thay vào đó, bạn phải quyết định bao nhiêu cổ phiếu bạn muốn mua. Ví dụ, nếu bạn muốn mua 1000 cổ phiếu tổng cộng trong vị thế cuối cùng, hãy làm như vầy: Khởi đầu với 1 lệnh mua 200 cổ phiếu tại điểm xoay đầu tiên. Nếu giá tăng, hãy mua thêm 200 cổ nữa, khi giá vẫn nằm trong khu vực của điểm xoay đầu tiên. Nếu nó tiếp tục tăng, hãy mua thêm 200 cổ nữa. Xem xét cách nó phản ứng; nếu nó tiếp tục tăng sau các đợt điều chỉnh, bạn có thể tiếp tục mua 400 cổ phiếu còn lại.

Một điều rất quan trọng rằng mỗi lần mua phải ở mức giá cao hơn lần mua trước đó. Quy tắc tương tự với lệnh bán khống, mỗi lệnh bán khống sau phải ở mức giá thấp hơn lệnh trước đó.

Logic cơ bản là rất đơn giản và chính xác: mỗi trade khi được thiết lập trên con đường đạt mục tiêu 1000 cổ phiếu, luôn phải cho nhà đầu cơ thấy được lợi nhuận.

Việc mỗi trade đều cho nhà đầu cơ thấy lợi nhuận là minh chứng rõ ràng rằng đánh giá của bạn là đúng khi thực hiện các lệnh này. Đó là toàn bộ minh chứng bạn cần thấy. Ngược lại, nếu bạn mất tiền, bạn biết ngay lập tức rằng nhận định của bạn đã sai.

Phần khó cho 1 nhà đầu cơ non kinh nghiệm là phải trả nhiều tiền hơn cho mỗi vị thế sau. Tại sao? Bởi vì mọi người đều muốn được món hời. Trận chiến tâm lý ở đây là không được đấu lại với sự thật, không hy vọng, không tranh cãi với máy báo giá, bởi máy báo giá là luôn đúng. Không có chỗ cho đầu cơ nhờ vào dự đoán, hy vọng, sợ hãi, tham lam, và cảm xúc. Máy báo giá luôn nói sự thật, chỉ có lời nói dối nằm ở cách đọc hiểu của con người.

Cuối cùng, nhà đầu cơ có thể sử dụng 1 tỷ lệ khác để mua vào cổ phiếu với tôi. Bạn có thể, ví dụ, mua 30% là vị thế đầu tiên, 30% là vị thế thứ 2, và 40% để mua vị thế còn lại. Việc chọn tỷ lệ mua vào hợp lý là tuỳ thuộc vào nhà đầu cơ. Tôi chỉ đơn giản là vạch ra thứ phù hợp nhất với tôi.

Quy tắc cơ bản là đừng bao giờ mua một lần toàn bộ vị thế; hãy chờ đợi sự xác nhận cho nhận định của bạn. Hãy trả nhiều tiền hơn cho mỗi lô bạn mua vào. Việc này đi ngược lại với bản năng của phần lớn trader.

Và luôn nhớ chọn trước tổng cộng số lượng cổ phiếu mà bạn muốn mua, trước khi mua.

Quy tắc số 2: Luôn luôn đặt dừng lỗ

Giống như việc quyết định số lượng cổ phiếu muốn mua và mục tiêu của chúng sau khi mua vào, bạn luôn luôn phải có 1 mức giá chính xác để bán ra nếu cổ phiếu đi ngược lệnh bạn.

Và bạn phải tuân theo quy tắc đó, không chờ đợi! Quy tắc cơ bản của tôi là không bao giờ chấp nhận lỗ hơn 10%. Các thua lỗ một khi đã có thì phải tốn công sức gấp đôi để bù lại. Tôi học được điều này trong thời gian giao dịch tại các nhà cái, nơi mà tôi giao dịch với 10% margin. Các lệnh của tôi tự động thoát ra nếu thua lỗ vượt quá 10%. Quy tắc 10% này trở thành quy tắc quản lý tiền quan trọng số 1 của tôi. Nó cũng là 1 quy tắc timing quan trọng.

Nhớ rằng, 1 nhà đầu cơ thực thụ luôn thiết lập mức dừng lỗ trước khi vào lệnh và không bao giờ chấp nhận mức lỗ quá 10% vốn. Nếu bạn mất 50% vốn, bạn phải kiếm được 100% để hoà vốn.

Tôi cũng học được rằng khi 1 nhà môi giới gọi điện cho bạn yêu cầu nhiều tiền hơn để giữ được 1 vị thế đang bị thua lỗ, hãy nói với anh ta bán vị thế đó đi. Khi bạn mua 1 cổ phiếu tại 50 và nó giảm xuống 45, đừng mua thêm để trung bình số lỗ đó. Cổ phiếu đó đã không thực hiện điều mà bạn kỳ vọng; như vậy là đủ để xác nhận rằng kỳ vọng của bạn là sai. Hãy chấp nhận lỗ nhanh chóng và thoát ra.

Nhớ rằng, không bao giờ bị margin call, và không bao giờ trung bình giá lỗ.

Rất nhiều lần tôi đã đóng vị thế trước khi đạt số thua lỗ 10%. Tôi làm vậy đơn giản vì cổ phiếu đó không hành động đúng ngay từ đầu. Thường bản năng của tôi sẽ thì thầm với tôi: "J.L, cổ phiếu này đang phải đeo 1 quả tạ, nó không thể tăng lên được.” và tôi sẽ bán ra vị thế trong nháy mắt.

Có lẽ đó là do tâm trí tôi đang hoạt động, sau rất nhiều bài học và các trường hợp trước đó, nó tự nhiên gửi đi các tín hiệu báo hiệu nguy hiểm, khiến tôi phải thực hiện ngay điều nó muốn. Đó là kết quả của hàng chục ngàn giờ giao dịch và gặp đi gặp lại nhiều bài học khác nhau. Bất kể chúng là gì, tôi đã học được qua rất nhiều năm và kinh nghiệm giao dịch rằng, hãy tin bản năng của bạn.

Tôi tin rằng hành động giá lặp lại và xuất hiện nhiều lần, với sự khác biệt rất ít. Điều này là bởi vì con người điều khiển hành vi của cổ phiếu, và bản chất con người không bao giờ thay đổi.

Tôi đã quan sát thấy rất nhiều lần rằng con người rất thường biến họ thành các nhà đầu cơ bị ép buộc. Họ mua vào 1 cổ phiếu đang giảm, và họ từ chối việc bán ra và chấp nhận khoản lỗ. Họ thích bám lấy cổ phiếu đó hơn và hy vọng rằng nó sẽ tăng lại về mức hoà vốn ban đầu. Đây là lý do quy tắc 10% quan trọng. Đừng bao giờ biến mình thành 1 nhà đầu cơ bị ép buộc. Hãy cắt lỗ thật nhanh. Nói thì dễ, làm mới khó.

Quy tắc số 3: Phải luôn có tiền mặt dự trữ

Nhà đầu cơ thành công phải luôn dự trữ tiền mặt sẵn, giống 1 vị tướng giỏi luôn dự trữ 1 số lính nhất định dành cho thời khắc chính xác, và rồi thả lính ra để khẳng định chiến thắng khi tất cả các yếu tố là lợi thế và nghiêng về họ.

Có 1 dòng chảy bất tận không bao giờ kết thúc của các cơ hội trên thị trường chứng khoán, và nếu bạn lỡ 1 cơ hội tốt, hãy chờ đợi 1 chút, kiên nhẫn và 1 cơ hội khác sẽ đến. Đừng cố gắng tìm kiếm 1 trade, hãy chờ đợi tất cả các điều kiện của bạn được thoả mãn. Hãy nhớ rằng, bạn không bắt buộc phải tham gia thị trường mọi lúc.

Livermore vận dụng kinh nghiệm của anh trong lúc chơi bài - bài gin, poker và bridge - tại đó bản chất của con người là luôn muốn chơi tất cả các ván. Ham muốn luôn tham gia trò chơi là 1 trong các điểm yếu nguy hiểm nhất của con người, và cuối cùng sẽ đem lại thảm hoạ, cũng như cách mà nó làm với Livermore vài lần trong giai đoạn đầu sự nghiệp giao dịch.

Khi tham gia thị trường, sẽ có các thời điểm tiền của bạn nên được giữ và chờ đợi. Thời gian không phải là tiền bạc - thời gian là thời gian, và tiền bạc là tiền bạc.

Thường khi tiền được giữ tại các thời điểm không thuận lợi sẽ được sử dụng vào các thời điểm tốt và kiếm ra lợi nhuận rất nhanh. Kiên nhẫn là chìa khoá thành công, không phải tốc độ. Thời gian là người bạn tốt nhất của nhà đầu cơ nếu được sử dụng đúng đắn.

Hãy nhớ rằng, nhà đầu tư thông minh luôn luôn chờ đợi và luôn luôn có tiền dự trữ.

Quy tắc số 4: Hãy để vị thế của bạn lướt phần lớn con sóng

Một khi cổ phiếu còn hành động bình thường, đừng vội chốt lời. Bạn phải biết rằng bạn đang có 1 nhận định cơ bản là đúng, hoặc bạn sẽ không có lợi nhuận luôn. Nếu không có gì xấu về cơ bản, hãy giữ vị thế đó. Nó có thể trở thành 1 khoản lợi nhuận rất lớn. Chỉ cần hành động của thị trường và bản thân cổ phiếu không khiến bạn lo lắng, hãy giữ niềm tin vào nhận định của bạn, và giữ lệnh.

Khi tôi đang có lợi nhuận trên 1 trade, tôi không bao giờ lo lắng cả. Tôi có thể nắm giữ 100,000 cổ phiếu và ngủ như 1 đứa bé. Tại sao? Bởi vì tôi đang có lợi nhuận trên cái trade đó. Tôi chỉ đơn giản là “chơi bằng luật của nhà cái” - đó là, sử dụng tiền của thị trường. Nếu tôi mất tất cả số lợi nhuận đó, tôi chỉ đơn giản là mất số tiền tôi chưa bao giờ có.

Đương nhiên là chiều ngược lại cũng đúng. Nếu tôi mua 1 cổ phiếu và nó đi ngược lệnh, tôi sẽ bán ngay lập tức. Bạn không thể cố gắng hiểu được tại sao nó lại đi sai hướng. Sự thật là nó đang đi sai hướng, và như vậy là đủ bằng chứng cho 1 nhà đầu cơ kinh nghiệm đóng lệnh.

Lợi nhuận tự chăm sóc nó, thua lỗ thì không.

Đừng bao giờ nhầm lẫn cách giữ vị thế cho hết con sóng với chiến lược mua và nắm giữ. Tôi chưa, và sẽ không bao giờ, mù quáng mua vào 1 cổ phiếu và nắm giữ nó. Làm sao 1 người có thể dự đoán được tương lai xa như thế? Mọi thứ thay đổi: cuộc sống thay đổi, mối quan hệ thay đổi, sức khoẻ thay đổi, mùa màng thay đổi, và con người thay đổi - tại sao lý do cơ bản khiến bạn mua 1 cổ phiếu không thay đổi chứ? Mua và nắm giữ dựa trên lý do rằng cổ phiếu đó của 1 công ty tuyệt vời hay 1 ngành công nghiệp mạnh mẽ, hay do nền kinh tế đang khoẻ mạnh, đối với tôi, đồng nghĩa với tự sát.

Hãy bám lấy các lệnh thắng. Giữ lấy chúng cho tới khi có lý do thật sự để bán.

Quy tắc số 5: Chốt lời ra tiền mặt và giữ lấy nó

Tôi khuyến nghị chốt 50% lợi nhuận từ 1 trade thành công, đặc biệt khi cái trade đó đã nhân đôi số vốn ban đầu. Hãy để số tiền này ra riêng, bỏ vào ngân hàng, giữ nó hoặc khoá nó lại trong két sắt.

Giống như việc chiến thắng trong sòng bạc, luôn là 1 ý tưởng tốt khi đôi khi bạn chốt một phần lời ra tiền mặt. Không có thời điểm nào tốt hơn là sau 1 lệnh thắng lớn với 1 cổ phiếu. Tiền mặt là đạn dược, luôn luôn dự trữ đạn dược trong cuộc chiến.

Điều nuối tiếc lớn nhất và duy nhất trong toàn bộ cuộc đời tài chính của tôi là không chú tâm đủ tới quy tắc này.

Livermore đồng tình với người bạn của anh, Bradley tay đánh bạc. Sau tính toán thời điểm (timing) và quản lý tiền thì thứ ba là quản lý cảm xúc. Biết được nên làm gì là 1 chuyện, còn có đủ can đảm để làm điều đó không là chuyện khác. Đó bản chất của thị trường chứng khoán. Đó là bản chất của cuộc sống. Còn ai có thể hiểu rõ hơn Livermore?

Và rồi anh giải thích cho các con trai của anh: “Cha tin rằng có đủ kỷ luật để tuân theo các quy tắc của bản thân là rất quan trọng. Nếu không có các quy tắc đã được kiểm chứng, rõ ràng và chi tiết, các nhà đầu cơ hầu như không có cơ hội thành công. Tại sao? Bởi vì nhà đầu cơ giao dịch không có kế hoạch cũng giống như 1 vị tướng đánh trận và không có chiến lược, không có 1 kế hoạch có thể thực hiện được. Nhà đầu cơ không có kế hoạch luôn luôn phải hành động và phản ứng, hành động và phản ứng, thuận theo các di chuyển lên xuống của thị trường khó chịu, cho tới khi họ bị đánh bại.

Do đó kết luận của cha rằng giao dịch trên thị trường tài chính một phần là nghệ thuật, nó không chỉ là lý trí thuần tuý. Nếu nó là lý trí thuần tuý, thì một người nào đó phải giải được nó cách đây rất lâu rồi. Đó là lý do cha tin rằng tất cả các nhà đầu cơ phải xác định được mức độ căng thẳng họ có thể chịu. Mỗi nhà đầu cơ là khác nhau, và mỗi cá thể con người là đặc biệt, mỗi cá tính đều là thuộc của riêng cá thể đó. Hãy tìm hiểu giới hạn có thể chịu đựng về cảm xúc của riêng các con trước khi đầu cơ - đó là lời khuyên cha sẽ dành cho ai hỏi cha về cách đầu cơ thành công. Nếu con không thể ngủ về đêm bởi vì các vị thế đang để mở, tức là con đã đi quá xa. Nếu đây đúng là sự thật, hãy bán các vị thế đi để chúng trở về mức mà con có thể ngủ được.

Mặt khác, cha tin rằng bất kỳ ai đủ thông minh, kiên nhẫn, và mong muốn đặt quyết tâm và thời gian đều có thể thành công trên phố Wall. Miễn là họ nhận ra rằng thị trường cũng chính là 1 ngành kinh doanh như các ngành kinh doanh khác, thì họ có cơ hội tốt để cạnh tranh.

Cha tin rằng các thế lực không thể cưỡng lại được đều hoạt động bên dưới các chuyển động quan trọng của thị trường. Đây là tất cả những gì nhà đầu cơ cần biết - chỉ cần ý thức về các chuyển động và hành động nếu cần thiết. Việc kết nối các sự kiện của thế giới với chuyển động của thị trường chứng khoán là quá khó. Điều này là đúng bởi thị trường di chuyển trước khi các sự kiện của thế giới xảy ra. Thị trường không di chuyển ở thời điểm hiện tại hay phản ánh lại các sự kiện, nó chỉ đơn giản là di chuyển về hướng chưa được biết - hướng về phía tương lai.

Thị trường thường di chuyển ngược lại với hướng rõ ràng được kỳ vọng của thế giới, giống như là nó có 1 lý trí của riêng nó vậy. Hãy nhớ rằng, nó được thiết kế để lừa phần lớn con người trong phần lớn thời gian. Cuối cùng, sự thật về lý do tại sao nó di chuyển như vậy sẽ được tìm thấy.

Do đó việc cố gắng dự đoán hành động của thị trường dựa trên các tin tức tức kinh tế hiện tại và các sự kiện hiện tại là rất ngu ngốc, giống như báo cáo việc làm, cán cân thanh toán, chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số thất nghiệp, hay thậm chí tin đồn về chiến tranh, bởi các yếu tố này đã được phản ánh vào thị trường rồi.

Điều này không có nghĩa là tôi không quan tâm hay không biết gì về các tin tức này. Sự thật là tôi đọc toàn bộ các tờ báo mà tôi chạm tay tới, và tôi đã làm vậy kể từ khi còn trẻ. Tôi rất ý thức về các sự kiện của thế giới, sự kiện chính trị, và sự kiện kinh tế. Nhưng các sự việc đó không phải là thứ tôi sử dụng để dự đoán thị trường. Sau khi thị trường đã di chuyển, hành động của nó sẽ được đem ra mổ xẻ để thoả mãn các yêu cầu trả lời câu hỏi tại sao. Sau này sau khi những đám bụi đã yên vị, những sự kiện kinh tế, chính trị, và thế giới thực sự mới được tập trung giải thích bởi các nhà sử học, nói cho chúng ta biết rằng tại sao thị trường đã làm như vậy. Nhưng lúc đó đã quá muộn để kiếm được tiền.

Cố gắng tìm hiểu tại sao 1 thị trường di chuyển như thế nào có thể gây ra căng thẳng tâm lý nặng nề. Sự thật đơn giản là thị trường luôn đi trước tin tức kinh tế, chứ nó không hề phản ứng với tin tức. Một báo cáo thu nhập tốt được công bố bởi 1 công ty, và cổ phiếu bắt đầu giảm giá. Tại sao? Bởi vì thị trường đã phản ánh toàn bộ các báo cáo thu nhập đó rồi.

Một trong các vấn đề của việc phân tích quá sâu vào các tin tức kinh tế là nó có thể hằn sâu các nhận định trong đầu bạn, và các nhận định có thể rất nguy hiểm đối với việc giao dịch 1 cách khách quan.
 
Last edited:
Phân tích kỹ thuật mô hình cốc tay cầm

1611127024864.png


Bản chất logic:
Sau 1 quá trình tăng giá khoảng 30%-50% từ đáy hoặc nền giá (đây chính là xu hướng tăng trước đó) thì giá bắt đầu chững lại và hiệu chỉnh do một số ng mua đc ở giá thấp bán chốt lời (nửa đầu tiên của cái cốc), sau khi hấp thụ bớt lực bán tự nhiên này thì giá tiếp tục tăng lên (nửa sau cái cốc) thể hiện áp lực chốt lời này yếu và đám đông hoặc nhà cái vẫn có xu hướng giữ hàng (sẽ càng đúng nếu thanh khoản thấp từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc cái cốc) và lực cầu vẫn có. Còn cái tay cầm là hiệu chỉnh tự nhiên khi test đỉnh có thể có có thể k (tay cầm k nên quá 10-20% so với chóp cốc hay điểm pivot).

Vì vậy:
  • Bắt buộc phải có xu hướng tăng trước đó (xu hướng này càng mạnh càng tốt, thông thường cao hơn đáy hay nền giá khoảng 30-50%)
  • Thanh khoản trong cốc k đc quá cao vì nếu cao nghĩa là tay to bán ra
  • Cốc k đc quá sâu vì nếu sâu nghĩa là hiệu chỉnh quá nhiều và cũng nghĩa là xu hướng tăng trc đó thực tế k quá mạnh
  • Tay cầm k nên quá thấp so với chóp cốc vì nếu quá thấp thì cũng có nghĩa xu hướng tăng k mạnh (tay cầm có cũng đc mà k có cũng k sao)
  • Volume phần tay cầm càng thấp càng tốt đẻ thể hiện rằng lực bán đã bị vắt kiệt và k còn sức đề kháng
Và đây là điều ai cũng sẽ nhận ra
Nếu thị trường bullish thì khi nhìn thấy tín hiệu bọn chuyên nghiệp sẽ mua vào và đẩy giá
Nếu thị trường bearish thì khi nhìn thấy tín hiệu thì bọn nó cũng vẫn k dám đẩy giá
Việc phá vỡ điểm pivot chính là tín hiệu xác nhận rằng tất cả mọi ng đã nhìn thấy và đã hành động và bullish
Và vì vậy Entry hợp lý nhất là trên điểm pivot một chút và SL ở đáy tay cầm
Tất nhiên đây là lý thuyết còn thực tế thì vẫn phải là bắt đáy vì đó là các điểm mua bổ sung và điểm mua thay thế

Biến thể của mô hình này tất nhiên là có nhưng bản chất của nó thì k đổi
Tóm lại, sau khi giá đảo chiều từ đáy hoặc tăng lên từ nền giá tích lũy và đi đc khoảng 30% thì cốc tay cầm là quá trình hấp thụ bớt lực bán của số ít nhà đầu tư nhỏ lẻ trc khi tiếp tục bùng nổ x lần

Các tình huống hay gặp:
  • Tình huống 1: Sau 1 thời gian giảm giá thì quay đầu hồi lên đc khoảng 30% từ đáy, thì chững lại và hình thành cốc tay cầm để rũ bớt và bắn lên x lần
  • Tình huống 2: Sau 1 thời gian đi ngang tích lũy thì breakout lên khoảng 30% từ nền giá, sau đó chững lại và cũng hình thành cốc tay cầm, rồi bắn tiếp x lần
 
Phương pháp quản lý vốn và sử dụng dừng lỗ trong giao dịch thực chiến Bitcoin Futures


Dẫn nhập


Giả sử bạn có số vốn là 2kUSDT
Hàng tuần vào chủ nhật bạn kiểm kê tài khoản
Nếu tài khoản > 2kUSDT, bạn rút phần lãi về và để lại đúng 2kUSDT
Nếu lỗ bạn không làm gì cả
Nếu tài khoản cháy, bạn nghỉ ngơi và chỉ quay lại thị trường sau khi điều kiện tâm lý và kinh tế cho phép

Giả sử bạn giao dịch BTC Futures

Mỗi lần cược, bạn luôn Long/Short 0.2BTC và luôn dừng lỗ khi giá BTC di chuyển ngược hướng 100 điểm
Khi đó mỗi lần thua cược bạn mất 0.2 x 100 = 20USDT
Như vậy, tài khoản sẽ cháy sau 100 lần thua cược liên tục

Bạn luôn chốt lời khi giá BTC di chuyển đúng hướng 50 điểm, 100 điểm, 400 điểm hoặc 1000 điểm (tùy tình hình), và giả sử trung bình mỗi lệnh thắng bạn chốt lời khi giá đi đúng hướng 200 điểm
Khi đó, mỗi lần thắng cược bạn được 0.2 x 200 = 40USDT, gấp 2 lần khoản thua cược
Điều đó nghĩa là 1 lần thắng cược bù được 2 lần thua cược

Tỷ lệ thắng cược / thua cược

Đối với một hệ thống giao dịch tốt, 1 lần thắng cược thông thường sẽ bù được 2-3 lần thua cược, và thỉnh thoảng sẽ bù được 5 lần thua cược
Như vậy, nếu bạn chấp nhận thua cược 20USDT thì bạn nên hài lòng với việc thắng cược 40-60USDT

Không để thua nhiều hơn số tiền muốn thắng

Giả sử bạn có kèo và bạn muốn đánh cược, bạn kỳ vọng thắng 30USDT, thì bạn không được phép để cho kèo đó thua > 30USDT
Nếu bạn dừng lỗ 100 điểm, lần cược này bạn không được Long/Short vượt quá 30 / 100 = 0.3BTC

Quản lý vị thế

Tùy tình trạng vị thế, bạn luôn có mục tiêu phải bảo vệ
  • Trường hợp 1: Khi mới vào lệnh hoặc đang rải lệnh, chưa có lãi hoặc lãi không đáng kể, bạn cần bảo vệ điểm dừng lỗ ban đầu
  • Trường hợp 2: Khi bắt đầu có lợi nhuận đủ lớn (ví dụ 10USDT hoặc 50 điểm), bạn cần bảo vệ điểm hòa vốn (có thể tính đến phí giao dịch)
  • Trường hợp 3: Khi bạn đạt được lợi nhuận lý thuyết (tức là đủ bù một lệnh thua, ví dụ 20USDT hoặc 100 điểm), bạn cần phải bảo vệ lợi nhuận
Di chuyển điểm dừng lỗ

Nếu bạn dừng lỗ 100 điểm thì khi giá di chuyển đúng hướng 50 điểm hoặc 75 điểm, bạn hãy di chuyển dừng lỗ về mốc hòa vốn
Nếu giá di chuyển đúng hướng 400 điểm hãy chốt lời ít nhất 50%, và 50% còn lại di chuyển dừng lỗ về mốc lãi 150 điểm hoặc 200 điểm
Nếu giá di chuyển đúng hướng 800 điểm, bạn hãy thoát toàn bộ

Chiến lược bình quân giá lên

Chiến lược bình quân giá lên gắn liền với tên tuổi của huyền thoại đầu cơ xuất sắc nhất mọi thời đại Jesse Lauriston Livermore, hay còn gọi là chiến lược kim tự tháp (nhồi lệnh)

Phương pháp này được mô tả bởi ví dụ minh họa sau
  • Bạn xác định mức thua lỗ mỗi lần đặt cược là 20USDT
  • Bạn Long 0.1BTC tại giá 8000USDT và dừng lỗ ở 7800USDT -> Khi đó bạn sở hữu vị thế Long 0.1BTC với giá vốn 8000USDT và mức thua lỗ là 200USDT
  • Khi giá tăng lên, bạn Long tiếp 0.1BTC tại giá 8100USDT và nâng mức dừng lỗ lên 7950USDT -> Khi đó bạn sở hữu vị thế Long 0.2BTC với giá vốn 8050USDT và mức thua lỗ vẫn là 20USDT
Tư tưởng cốt lõi của chiến lược bình quân giá lên là tăng quy mô vị thế mà không làm tăng mức thua lỗ nhưng tăng lợi nhuận kỳ vọng
Điều này được thực hiện thông qua việc tính toán điểm nhồi lệnh tối ưu và di chuyển vị thế tới điểm dừng lỗ mới
 
Last edited:
Sáu điều bạn cần biết về một điểm bùng nổ đẹp


Lưu ý: Cần có một nền giá kiến tạo trước khi một cổ phiếu tăng trưởng có điểm breakout
  1. Điểm breakout xảy ra sau khi cổ phiếu đã nằm trong một khung giá trong nhiều tuần, thậm chí đôi khi là nhiều tháng.
  2. Điểm breakout cần khối lượng lớn để xác nhận, thường là hơn 40% so với thanh khoản bình quân 50 phiên, nhưng tốt hơn hết là trên 100%. Ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, khối lượng đôi khi có thể thấp hơn.
  3. Hành động giá nên giữ cổ phiếu nằm trên khung giá cũ.
  4. Điểm breakout nên rõ ràng và không gây tranh cãi trên đồ thị.
  5. Điểm breakout nên đi kèm với triển vọng của thị trường chung là xu hướng tăng đã được xác nhận. Đi theo thuận chiều gió sẽ giúp cổ phiếu bay xa.
  6. Đối với cổ phiếu, sau điểm breakout, nó không nên giảm xuống thấp hơn 7%-8% so với điểm mua hợp lý. Nếu giữ được, đó có thể là một cú breakout đầy hy vọng.
 
Last edited:
Diện mạo mới của vàng


Tôi sử dụng những giải thích về cơ chế hoạt động của thị trường vàng hiện nay của tác giả James Richards, trong cuốn sách “New Case for Gold (2016)” (Diện Mạo Mới Của Vàng), điều mà công chúng hiện nay vẫn rất mập mờ.

Có một vấn đề hóc búa trong câu chuyện này, các nhà đầu tư cho rằng giá hàng hóa được điều chỉnh bởi quy luật cung cầu. Khi quan sát thị trường toàn cầu về vàng vật chất, có vẻ như có một sự gia tăng mạnh mẽ ở phía cầu và chỉ có mức tăng hạn chế ở phía cung. Tại sao giá vàng không phản ứng với sự mất cân đối này?

Các nhà đầu tư nên hiểu rằng có một thị trường vàng vật chất (physical gold) và một thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách (paper gold). Thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách bao gồm các hợp đồng giao dịch của: sàn giao dịch tương lai COMEX, các quỹ ETF, hợp đồng hoán đổi vàng, hợp đồng cho thuê tài chính vàng (Gold leasing), hợp đồng kỳ hạn (forward contracts), và vàng không được chỉ định (unallocated gold) được phát hành bởi các ngân hàng thuộc Hiệp Hội Thị trường Kim Loại Quý Luân Đôn. Những loại chứng khoán phái sinh- như thị trường tương lai, thị trường hoán đổi, thị trường ETF, thị trường cho thuê tài chính, và vàng chưa chuyển giao- hình thành nên thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách.

Thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách có thể dễ dàng đạt tới quy mô gấp 100 lần thị trường vàng vật chất. Điều đó có nghĩa rằng, nếu có 100 người nghĩ là mình đang sở hữu vàng, nhưng thực ra 99 người trong số đó đã lầm tưởng. Chỉ một người duy nhất có thể nhận được vàng vật chất khi đợt hoảng loạn diễn ra.

Đòn bẩy là tốt miễn là thị trường có hai chiều. Miễn là hành động giá không bị bóp méo và miễn là mọi người sẵn sàng gia hạn hợp đồng, và miễn là mọi người không khăng khăng đòi nhận vàng vật chất, thì thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách sử dụng đòn bẩy cao sẽ hoạt động khá tốt. Vấn đề là có quá nhiều giả định, thậm chí có thể tồn tại lúc đầu, nhưng lại biến mất ngay sau đó. Những năm gần đây, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng yêu cầu nhận vàng vật chất từ những người cất giữ vàng tại Ngân hàng Anh Quốc và Cục Dự Trữ Liên Bang tại New York. Chúng ta đã thấy Venezuela lấy lại số vàng của họ về cất giữ tại Caracas. Đức cũng lấy vàng về cất ở Frankfurt, và những người chơi nhỏ hơn như Azerbaijan cũng lấy vàng của họ về cất ở Baku.

Thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách thu hút được một số người ký gửi nhất định ở New York, Luân Đôn và các trung gian ngân hàng là thành viên của Hiệp Hội Thị Trường Kim Loại Quý Luân Đôn. Nếu bạn lấy vàng vật chất ở New York và đưa nó về Frankfurt, điều này sẽ làm làm giảm lượng cung vàng để cho thuê tài chính trên thị trường New York. Không có thị trường cho thuê tài chính vàng phát triển ở Frankfurt. Kết quả của việc di chuyển vàng từ New York về Frankfurt là làm giảm lượng vàng sẵn có để đóng các vị thế bán khống trên thị trường New York. Lúc này, hoặc là phải tăng đòn bẩy hệ thống hoặc là yêu cầu đóng vị thế khống ở một nơi nào đó trên thị trường vật chất.

Đối với thị trường vàng vật chất thuần túy, có một số giao dịch đang diễn ra. Nếu bạn là người mua lớn trên thị trường vàng vật chất, bạn sẽ nhận ra bạn phải có nguồn vàng trực tiếp từ những người luyện vàng, vốn dĩ không bán vàng trên thị trường thứ cấp. Trong điều kiện bình thường, thị trường hoạt động tốt, nếu bạn là người mua, và một ai đó là người bán, người môi giới sẽ phát hiện ra cả hai phía, sau đó mua từ người bán, và bán lại cho tôi, để nhận hoa hồng. Bây giờ, điều gì sẽ xảy ra nếu có nhiều người mua trên thị trường nhưng lại có số ít người bán, người môi giới chỉ còn cách phải tìm mua vàng trực tiếp từ người luyện vàng. Các nhà luyện vàng đến mất khoảng 5 đến 6 tuần để vận chuyển vàng cho họ.

Trung Quốc, Nga, Iran và ngân hàng trung ương của một số quốc gia khác đang dự trữ vàng vật chất nhanh nhất họ có thể. Trung Quốc không công khai điều này. Vào tháng 7.2915, Trung Quốc cập nhật lượng vàng dự trữ chính thức lần đầu tiên kể từ năm 2009 là 1,658 tấn, tăng mạnh so với con số dự trữ công bố trước đó là 1,054 tấn. Trung Quốc gần đây đã bắt đầu cập nhật dự trữ vàng hàng tháng theo yêu cầu báo cáo của IMF. Nhưng con số trên của Trung Quốc là quá thấp vì họ đang dự trữ lượng vàng lớn hơn nhiều, có lẽ là 3,000 tấn hoặc hơn thế tại một cơ quan gọi là SAFE (State Administration of Foreign Exchange- Ủy Ban Nhà Nước về Giao Dịch Ngoại Hối). Số vàng này được bảo vệ bởi lực lượng Quân Giải Phóng Nhân Dân. Nga thì minh bạch hơn. Ngân hàng trung ương của Nga cập nhật dự trữ vàng hàng tháng, và không có bằng chứng cho thấy có thêm vàng ngoài sổ sách giống như Trung Quốc. Nga có khoảng 1,400 tấn vàng trong quỹ dự trữ.

Nga có thể mua vàng từ các công ty khai khoáng trong nước, nên không cần phải tham gia thị trường. Trung Quốc lại cần vàng càng nhanh càng tốt đến nỗi mặc dù họ có những công ty khai khoáng vàng lớn nhất thế giới nhưng vẫn không đủ, vì thế Trung Quốc mua thêm vàng từ thị trường. Trung Quốc làm điều này một cách lén lút bằng cách sử dụng các hoạt động chuyển đổi và tài sản quân đội nhằm tránh tác động đến giá vàng trên thị trường chính thức.

Những người mua vàng quốc tế như Nga, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và một số quốc gia khác đang tăng tích trữ vàng. Điều này sẽ tạo nên sự thiếu hụt lớn trên thị trường vàng. Tuy nhiên, có lẽ điều này không xảy ra vào ngày mai: không nên đánh giá thấp khả năng các ngân hàng trung ương có thể thao túng vàng lâu hơn kỳ vọng. Nhưng nếu nhu cầu vàng vẫn còn lớn (và tôi kỳ vọng như thế), cuối cùng sẽ dẫn đến sự thiếu hụt trên thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách, và các hợp đồng vàng trên giấy tờ sổ sách sẽ sụp đổ. Lúc này, chúng ta sẽ thấy việc định giá trên thị trường vàng giấy tờ sổ sách sẽ bị loại bỏ.

Vào năm 2013, tôi đã gặp một nhà điều hành cao cấp của một trong những công ty luyện vàng lớn nhất trên thế giới ở Thụy Sĩ. Nhà máy của ông hoạt động quá công suất, 24 giờ mỗi ngày. Ông bán tất cả số vàng mà công ty có thể sản xuất được, khoảng 20 tấn mỗi tuần. 10 tấn trong số đó là cho Trung Quốc mỗi tuần, tức khoảng 500 tấn vàng mỗi năm chỉ tính riêng từ nhà máy luyện vàng này. Trung Quốc vẫn muốn nhiều hơn thế. Nhưng ông sẽ không bán nó cho họ nữa, vì ông còn phải chăm sóc những khách hàng khác, chẳng hạn như Rolex, và những đối tác làm ăn lâu dài đang cần vàng như các công ty nữ trang và đồng hồ.

Công ty luyện vàng này lấy vàng từ nhiều nguồn, thường là các thỏi vàng 400 ounce đã cũ, nấu chảy chúng, luyện trở lại thành vàng nguyên nhất 99.90% cho đến nguyên chất 99.99%, chuyển nó dưới dạng các thỏi vàng 1 kg, và giao cho khách hàng, chủ yếu là Trung Quốc.

Các kho chứa vàng gần như trống rỗng. Định kỳ có khoảng vài trăm tấn vàng rời khỏi kho chứa GLD; và kho chứa COMEX gần như ở mức đáy thấp nhất mọi thời đại.

Ở Thụy Sĩ, tôi cũng gặp một vài nhà điều hành hầm vàng, các nhà logistic chuyên thực hiện vận chuyển và cất trữ vàng. Họ đã nói với rôi rằng, họ đã không thể kịp xây các hầm chứa vàng. Gần đây, họ đang phải thương thảo với quân đội Thụy Sĩ để tiếp quản một ngọn núi lớn ở Alps mà bên trong có các khoang sâu và từng được sử dụng cho mục đích quân sự. Bên trong là các đường hầm và các phòng từng được sử dụng bởi quân đội Thụy Sĩ nhằm lưu trữ vũ khí, đạn dược. Quân đội Thụy Sĩ hiện đang loại bỏ các ngọn núi này và cho phép các nhà quản lý hầm vàng sử dụng để chứa vàng. Các công ty logistic chuyên vận chuyển vàng đã thực hiện việc di chuyển số vàng từ các ngân hàng như UBS, Credit Suisse, và Deutsche Bank về các kho chứa vàng tư nhân đặt tại Brink’s, Loomis và các nhà quản lý hầm vàng khác.

Có độ trễ trong quá trình chuyển giao vàng vật chất vì các hầm vàng và người luyện vàng không thể đáp ứng kịp về cả kho chứa lẫn số lượng vàng luyện mới. Nếu vàng vật chất bị thiếu hụt nguồn cung ngắn hạn, tại sao giá vàng vẫn giảm giá trong những năm gần đây (2012-2015)? Câu trả lời là có một lượng bán lớn trên thị trường tương lai và có một lượng bán lớn trên thị trường vàng không được chỉ định (unallocated gold) khiến cho giá tiếp tục đi xuống. Giá vàng giống như ở trong một cuộc chiến làm nghèo người hàng xóm giữa thị trường vật chất và thị trường giao dịch trên giấy tờ sổ sách.

Khi bạn ở trong cuộc chiến làm nghèo người hàng xóm, mọi thứ có thể rất biến động. Chúng ta có hai nhóm mạnh đang chơi kéo co với nhau. Bạn có các ngân hàng trung ương, các ngân hàng kim loại quý các quỹ phòng hộ ở cuối một đằng dây và những người mua lớn và các nhà đầu tư các nhân ở đầu dây còn lại. Sớm hay muộn, một nhóm sẽ phải từ bỏ và đầu dây bên kia sẽ thắng. Bất cứ sự gián đoạn không kỳ vọng nào trong việc chuyển giao vàng vật chất có thể kích hoạt cơn sốt mua vàng với các mức giá cao trên trời. Chẳng hạn như một sự cố gián đoạn có thể xảy ra do thất bại chuyển giao vàng, hoặc một sàn giao dịch vàng bị vỡ nợ, hoặc một nhà tài chính nào đó tự sát. Những tình huống này luôn có thể xảy ra.

Phân tích trên cho thấy thị trường vàng trên giấy đang xây trên cái tháp ngược như thế nào. Đáy tháp là thị trường vàng vật chất, vốn đang ngày càng teo dần vì hành động rút vàng, cất vào kho của Nga, Trung Quốc, trong khi thị trường vàng trên giấy ngày càng mở rộng.

Điều gì sẽ xảy ra nếu một dealer vàng không chuyển giao vàng đúng theo hợp đồng cho một khách hàng lớn. Khi thông tin này bị rò rĩ (điều này luôn xảy ra), có thể làm mất niềm tin vào các mối quan hệ của thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách và đám đông đổ xô chuyển đổi các hợp đồng vàng trên giấy tờ sổ sách thành vàng vật chất bằng cách yêu cầu chuyển giao vàng từ các hầm vàng của ngân hàng. Điều này tiếp tục gây ra những lần chuyển giao vàng theo hợp đồng thất bại khác vì không có đủ vàng vật chất để thực hiện. Những người canh giữa vàng và sàn vàng buộc phải dùng đến những điều khoản cưỡng ép trong hợp đồng để hủy nghĩa vụ chuyển giao vàng và thanh toán thay thế bằng tiền mặt. Nhưng điều đó khiến cho các nhà đầu tư nhận ra cơn hoảng loạn này tồi tệ hơn họ nghĩ và chẳng bao giờ nhận được vàng từ các hợp đồng, nên quay sang những nơi khác để mua vàng vật chất thay thế. Điều này nhanh chóng biến vòng xoáy mất kiểm soát thành cơn sốt mua hoảng loạn lớn hơn.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Mọi việc sẽ tồi tệ hơn nữa nếu chính phủ Mỹ cũng phải nhảy vào can thiệp thị trường vàng. Đừng bao giờ quên rằng, chính phủ Mỹ đã từng làm điều đó vào năm 1933. FED đưa ra đạo luật Executive Order 6102 vào ngày 5.4.1933, một trong những đạo luật bất thường nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Người Mỹ được yêu cầu giao vàng của họ cho chính phủ và họ nhận lại tiền giấy với mức giá 20.67 USD/oz. Một vài ngoại lệ dành cho nha sĩ, những người “hợp pháp và quen thuộc” với việc sử dụng vàng trong ngành nghệ thuật. Người dân chỉ được được cho phép nắm giữ lượng vàng trị giá 100 USD khoảng 5 ounce với mức giá năm 1933, và vàng dưới dạng đồng tiền vàng. Ai tiếp tục nắm giữ vàng và vi phạm đạo luật sẽ bị phạt 10,000 USD tương đương 165,000 USD với thời giá hiện nay, một mức phạt lớn bất thường.

Tổng Thống Roosevelt tiếp tục tung ra một loạt các lệnh bổ sung khác, bao gồm Executive Order 6111 vào ngày 20.4.1933, cấm xuất khẩu vàng ra khỏi Mỹ trừ khi có được sự đồng ý của Bộ Tài Chính. Executive Order 6261 vào ngày 29.8.1933, lệnh các nhà khai thác vàng của Mỹ bán sản phẩm của họ cho Bộ Tài Chính Mỹ theo giá quy định của Bộ Tài Chính, và tiến tới quốc hữu hóa các mỏ vàng.

Kết quả là, Roosevelt đã nhanh chóng gia tăng lượng vàng nắm giữ chính thức. Ước tính tạm thời là người dân đã bán hơn 500 tấn vàng cho Bộ Tài Chính vào năm 1933. Hầm trữ vàng Fort Knox được xây dựng vào năm 1937 nhằm mục đích cất giữ lượng vàng thu được từ dân Mỹ.

Việc tịch thu vàng của Roosevelt để lại một hoài nghi về giá trị mới của đồng USD so với vàng vì mục đích thương mại quốc tế và thanh toán. Với quy định 20.67 USD/ounce vàng, FED tiếp tục mua vàng trên thị trường mở bắt đầu từ tháng 10.1933, khiến cho giá vàng tăng từ từ và cho phép phá giá đồng USD so với vàng. 3 tháng sau, giá vàng được FED đẩy lên mức 35 USD/oz. Từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, đồng USD đã bi phá giá 70% so với vàng.

Ngày nay, ước tính khoảng 6,000 tấn vàng tại Cục Dự Trữ Liên Bang ở New York tại tầng hầm Manhattan trên phố Liberty. Chỉ một phần nhỏ trong số vàng này thuộc về chính phủ Mỹ, phần lớn là của các quốc gia nước ngoài và IMF, hoàn toàn có thể dễ dàng bị tịch thu bởi Bộ Tài Chính Mỹ để đối phó với tình huống kinh tế khẩn cấp. Ước tính có khoảng 3,000 tấn vàng gần Cảng hàng không JFK, và một số địa chỉ lưu trữ vàng lớn khác bao gồm hầm vàng HSBC tại phố 39 và Đại lộ Thứ Năm ở thành phố New York.

Thật khó hình dung ở thời đại ngày nay, nhưng hoàn toàn có thể nước Mỹ tịch thu tất cả số vàng này, chuyển nó thành quyền sở hữu của chính phủ Mỹ, và đưa cho những người chủ cũ một biên nhận, và nói rằng họ có được sự đảm bảo bằng vàng dựa trên sự đồng thuận tương lai với các quy định mới theo hệ thống tiền tệ quốc tế được Mỹ khởi tạo.

Nỗi lo sợ chính phủ Mỹ tịch thu vàng sẽ càng khiến công chúng lo sợ và ráo riết mua vàng để tích trữ tài sản, đặc biệt là giới siêu giàu. Lúc này ai sẽ định giá vàng? Giá vàng sẽ là bao nhiêu 2,000 USD/oz; 5,000 USSD/oz hay những con số không tưởng 10,000 USD/oz. Thật khó để tưởng tượng khi hệ thống vàng hiện nay sụp đổ.
 
Back
Top