Cước vận chuyển hàng hóa tăng nóng

Cryolite 1

Senior Member

Cước vận tải biển từ Việt Nam đi châu Âu, châu Mỹ tăng 60%, trong khi cước vận tải hàng không tăng 10% khiến chi phí vận chuyển mùa Tết này bị đội lên cao.

Hàng không hưởng lợi trong ngắn hạn khi vận tải biển kéo dài thời gian di chuyển do xung đột ở Biển Đỏ - Ảnh: N.LONG

Hàng không hưởng lợi trong ngắn hạn khi vận tải biển kéo dài thời gian di chuyển do xung đột ở Biển Đỏ - Ảnh: N.LONG

...

Để chủ động trong việc vận chuyển hàng hóa và rút ngắn thời gian giao hàng, nhiều doanh nghiệp có hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu hoặc nhập hàng từ châu Âu về đã quyết định chuyển sang vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Do đó cước vận tải bằng hàng không từ Việt Nam đến châu Âu cũng bắt đầu tăng.

Hàng đi máy bay tăng​

Chị Thu Huệ, giám đốc công ty chuyên tiếp nhận và luân chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến điểm đích cuối cùng (Forwarder) tại TP.HCM, cho biết hơn một tháng nay chủ hàng bàn tới bàn lui phương án chuyển hàng từ đường biển sang hàng không. Đặt đơn hàng với chủ tàu biển không quá căng thẳng nhưng giá khá cao, thời gian di chuyển đến châu Âu kéo dài thêm 7 - 10 ngày.

Theo chị Huệ, đối tác đã yêu cầu Forwarder lên phương án tối ưu nhất để chuyển hàng bằng đường hàng không dù chi phí cao hơn. "Công ty tiến hành liên hệ đặt chỗ chuyến bay để chuyển một phần lô hàng sang Mỹ, kịp thời gian cho đối tác. Tuy giá cao nhưng đặt chỗ không quá khó", chị Huệ nói.

Có doanh nghiệp cũng chấp nhận chi phí cao, chuyển từ đường biển sang đường hàng không để giữ đơn hàng giao đúng hẹn với đối tác.

Số liệu từ các công ty logisitics cho biết khoảng 28% thương mại container trên thế giới đi qua kênh đào Suez và Biển Đỏ; hàng hóa chủ yếu là đồ nội thất, gia dụng và quần áo. Vietnam Airlines là hãng bay của Việt Nam đang được hưởng lợi khi duy trì các đường bay từ Việt Nam đến châu Âu. Bamboo Airways đã tạm dừng các chuyến bay châu Âu trong quá trình tái cơ cấu, còn Vietjet đến nay chưa bay châu Âu.

Theo ông Đỗ Xuân Quang - tổng giám đốc Vietjet Cargo, với đường bay quốc tế đến châu Âu, giá cước vận chuyển hàng không có biến động. Ví dụ, giá cước từ 2 USD/kg nay lên 4 USD/kg.

Các công ty hậu cần dịch vụ hàng hóa quốc tế như Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC) hoặc Công ty CP dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) đều cho biết khối lượng hàng luân chuyển qua kho hàng TCS, SCSC đi quốc tế đang khởi sắc, nhưng chủ yếu do các hãng bay nước ngoài đảm nhận.

Cước vận tải biển biến động bất thường​

Nhiều doanh nghiệp logistics cho biết do ảnh hưởng căng thẳng tại Biển Đỏ, cước vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu bị áp lực khi phải di chuyển đường vòng. Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải bằng kênh đào Suez, tạo ra tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á.

Do khu vực này đang căng thẳng, nhiều hãng tàu chuyển hướng đi qua Mũi Hảo Vọng ở miền Nam châu Phi. Thời gian tăng lên gấp rưỡi, khiến chi phí đội lên cao, ước tính khoảng 1.000 - 3.000 USD cho mỗi container hàng hóa.

Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho biết trong tuần đầu tháng 1-2024, cước vận tải biển hàng container châu Á đi châu Âu, châu Mỹ tăng khoảng 60% so với thời điểm cuối năm 2023, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại Việt Nam, cước vận tải biển đi châu Âu, châu Mỹ có biến động. Hiện tại cước đi Mỹ là 2.650 USD/container 40 feet, đi cảng khu vực đông Mỹ 3.900 USD/container 40 feet, đi châu Âu 4.900 USD/container 40 feet.

Ông Nguyễn Thanh Phương, giám đốc Công ty Logisitics tại TP.HCM, cho biết giá cước biến động "liên tù tì", chưa kể các hãng tàu áp dụng thêm phụ phí, gây ra rất nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Dù vậy, ông Phương cho rằng khi cước phí tăng cao, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đi thị trường lớn buộc phải tính toán đến bài toán giá cả.

Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp logisitics Việt Nam (VLA) cho biết phía hiệp hội sẽ gặp các hãng tàu lớn để trao đổi tính toán lại chi phí, đưa ra các tuyến vận tải thay thể để giảm bớt căng thẳng về giá cước. VLA khuyến nghị doanh nghiệp khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp.

"Ngoài ra, cần mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này", vị này khuyến cáo.

Giá cước vận chuyển có thể tăng thêm​

Trang cung cấp dữ liệu Xeneta về vận tải đường biển và hàng không đã cập nhật cước vận tải hàng không từ Việt Nam đến châu Âu đã tăng 10%. Khối lượng vận chuyển ngày càng tăng, gây áp lực lên công suất, giá cước có thể tăng thêm.

Hàng hóa chủ yếu là hàng thời trang, may mặc. Dù vậy, giá cước vận tải hàng không vẫn chưa đạt đến mức cao như trong thời kỳ dịch bệnh nhưng tính chất đột ngột của cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ khiến tốc độ tăng giá cước nhanh hơn.

Phải niêm yết giá dịch vụ vận tải​

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam bảo đảm hệ thống cảng biển thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cục Hàng hải Việt Nam cũng được yêu cầu làm việc với các hãng tàu có tuyến dịch vụ đi châu Âu, châu Mỹ, đánh giá biến động tăng giá vận chuyển, tình hình vận tải, đồng thời phải giám sát việc niêm yết giá dịch vụ vận chuyển và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container theo đúng quy định.
 
Back
Top