Đề phòng dị vật nguy hiểm ở trẻ em

Cryolite C

Senior Member

Các bác sĩ ở Cần Thơ vừa cấp cứu trường hợp các bé bị tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ em: nuốt dị vật đường tiêu hóa và dị vật ở mắt rất nguy hiểm.

Móc câu ghim vào mắt bệnh nhi - Ảnh: BV cung cấp

Móc câu ghim vào mắt bệnh nhi - Ảnh: BV cung cấp

Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận trường hợp bé T.T.N.T. (7 tuổi) nuốt que kẹo mút trong lúc ngậm kẹo. Theo lời gia đình, trước đó bé vừa ngậm kẹo mút vừa nói chuyện với bạn và nuốt trôi que kẹo qua họng.

Sau nuốt que kẹo, bé bị kích thích khóc nhiều, người nhà có móc họng để lấy dị vật nhưng không thành. Bé đau bụng từng cơn, hoảng sợ nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị dị vật đường tiêu hóa, kết quả chụp X-quang, siêu âm bụng thấy dị vật đang nằm ở dạ dày. Ê kíp chuyên khoa nội soi tiêu hóa quyết định nội soi cấp cứu đường tiêu hóa, có gây mê nội khí quản để lấy dị vật.

Các bác sĩ thực hiện gắp lấy dị vật bằng thòng lọng an toàn, gắp ra que kẹo mút đường kính 0,3cm, dài 5cm trong lòng dạ dày.

Theo bác sĩ Thái Thanh Lâm - trưởng khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, trẻ nhỏ thường ngậm và nuốt nhiều loại dị vật có khi là đồ ăn, đồ chơi như pin, đồng xu, nam châm, nắp chai nhựa, các loại hạt...

Nếu dị vật sắc nhọn, không được phát hiện và nội soi lấy ra kịp thời sẽ có nguy cơ gây thủng dạ dày hoặc ruột non rất nguy hiểm; hay nguy cơ dị vật rơi vào đường thở, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Một trường hợp khác là bệnh nhi P.V.M. (11 tuổi, ở TP Cần Thơ), được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Cần Thơ do bị lưỡi câu cá móc vào mi mắt.

Theo lời kể của gia đình, trong lúc đùa giỡn với bạn chơi dùng lưỡi câu quơ và văng vào trúng mắt. Ngay sau đó, mắt em bị đau nhức dữ dội, hoảng loạn sợ hãi nên được đưa đi cấp cứu.

Tại bệnh viện, bác sĩ đã xác định tình trạng lưỡi câu bị móc vào mi mắt dưới, có nguy cơ tổn thương giác mạc và xử lý bằng cách gắp lấy móc câu ra khỏi mi mắt; điều trị bảo tồn được giác mạc.

Theo các bác sĩ, sau khi gắp lưỡi câu ra phải tiếp tục theo dõi tình trạng mắt ổn định, bệnh nhân được xuất viện và khuyến cáo tiêm ngừa bệnh uốn ván để bảo đảm an toàn.

...
 
Back
Top