tin tức Dù không làm trò chơi nào, Apple vẫn kiếm nhiều tiền từ game hơn cả Sony, Microsoft và Activision

CryWoman

Member
5674256_Cover_Apple.jpg


Không tạo ra những tác phẩm game bom tấn, cũng chẳng phát triển những thiết bị chỉ dành riêng cho nhu cầu chơi điện tử, nhưng trong những năm qua, điều không mấy ai để ý là Tim Cook đã biến nhà sản xuất iPhone trở thành một trong những đơn vị lớn nhât trong ngành game. Chìa khóa để đạt được điều này chính là App Store, chợ ứng dụng số của Apple, nơi bán và phân phối hơn 1000 tựa game từ các nhà phát triển và phát hành khác nhau, từ PUBG Mobile đến Honor of Kings của Tencent, cho tới Fortnite của Epic Games, tựa game đã bị gỡ cách đây 1 năm. Cứ mỗi lần có người nạp tiền mua đồ ảo trong game, Apple lại được hưởng khoản 30% hoa hồng, hay đúng hơn là phí chia sẻ doanh thu.

Điều này, có thể nói, là thứ giải thích được sự hiện diện của Apple trong làng game, cũng như giải thích cho cuộc đua trên thương trường của họ với những đối thủ cạnh tranh khác.

Trong làng game có những cái tên nào thành công nhất? Microsoft với Xbox, Sony với PlayStation, Nintendo, Valve, Activision Blizzard, Ubisoft, Tencent, NetEase? Doanh thu của Apple từ riêng mảng game, chưa tính các mảng kinh doanh khác, trong năm tài khóa 2019 còn cao hơn cả Microsoft, cao hơn cả Sony và Activision Blizzard. Con số này được Wall Street Journal ước tính giữa thời điểm vụ kiện giữa Apple và Epic Games vẫn đang diễn ra. Cụ thể hơn trong năm ấy, Apple thu về 8.5 tỷ USD doanh thu từ game.

5674247_Tinhte_Apple1.jpg


Bản thân sự thống trị ngành game mobile của Apple trong bối cảnh thị trường nhị quyền với Android của Google cũng tạo ra những nguy cơ trong tương lai. Không có gì cản được các đối thủ cạnh tranh của họ, từ Facebook, Microsoft cho tới Epic Games hay những đơn vị khác chuẩn bị cho mục tiêu tiếp theo của ngành công nghệ, xin phép được tạm gọi là “thực tế số”.

Những hành vi của người dùng trên các thiết bị công nghệ: Từ tìm kiếm thông tin đến tương tác xã hội hóa cho tới mua sắm, tất cả hoàn toàn có thể được tạo ra trong các tác phẩm giải trí tương tác trong tương lai gần. Doanh thu ngành game có thể tăng gấp đôi từ năm 2016 đến năm 2024, đạt mức 198 tỷ USD, dựa trên ước tính của Activate Inc. Và trong số đó, phần lớn nhất sẽ đến từ những tác phẩm giải trí tương tác trên nền di động, với doanh thu ước tính đạt 103 tỷ USD vào năm 2024.

Mối nguy về mặt kinh doanh đối với Apple là, vị thế kết nối giữa ngành game và hơn 1 tỷ thiết bị chạy iOS trên toàn thế giới, cũng như khoản doanh thu từ 30% hoa hồng lấy từ mỗi giao dịch in app purchase trong game và ứng dụng hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng. Có thể những bộ luật mới kiểm soát quyền lực của Apple sẽ được các nhà lập pháp các nước đưa ra, hoặc tòa án hay chính quyền các nước sẽ tự vào cuộc bằng những sắc lệnh riêng, không chờ quốc hội các nước nữa.

5674248_Tinhte_Apple2.jpg


Apple có thể giành được lợi thế trước tòa trong vụ kiện với Epic Games sau khi tòa đưa ra phán quyết. Nhưng các nhà lập pháp và các nhà quản lý từ châu Âu đến Mỹ đang theo rất sát tình hình, và đang cân nhắc những giải pháp làm chậm đà kiểm soát thị trường của Apple, dù cũng có những lo ngại rằng giải pháp ấy có thể ảnh hưởng lan sang cả những đối thủ cạnh tranh của Apple nữa.

Một nguy cơ khác đang hiển hiện với Apple là thị trường Trung Quốc, khi nước này vừa có chiến lược mới giới hạn thời gian trẻ em chơi game mobile. Hiện tại, theo Sensor Tower, trong số 5 game mobile doanh thu cao nhất trên App Store, thì có 3 tác phẩm đến từ Trung Quốc, và đứng đầu chính là Honor of Kings của Tencent, với doanh thu 2.5 tỷ USD từ người dùng.

5674251_Tinhte_Apple3.jpg


Trên toàn thế giới, trong năm tài khóa 2020, người dùng smartphone đã bỏ ra tổng cộng 45 tỷ USD cho game mobile. Trong số đó, khoảng 31% đến từ Trung Quốc, và 26% đến từ Mỹ. Tính ra, nếu mọi giao dịch trong game đem về cho Apple 30% hoa hồng, con số đó sẽ rơi vào khoảng 13.5 tỷ USD, tức là khoảng 5% trong con số tổng doanh thu 275 tỷ USD của Apple trong năm ấy. Còn dĩ nhiên iPhone vẫn là sản phẩm chủ lực, với 50% doanh thu cho Apple. Họ không công bố riêng doanh thu từ App Store, mà gộp chung vào mảng dịch vụ, bao gồm Apple Music, iCloud, Apple TV, App Store và bảo hành thiết bị. Tổng cộng mảng này đem về cho Apple 53.8 tỷ USD.

5674252_Tinhte_Apple4.jpg


Suýt chút nữa App Store đã không tồn tại. Hồi năm 2007, sau khi ra mắt thế hệ iPhone đầu tiên, Apple nhận ra nhiều người hack thiết bị của họ để cài homebrew viết riêng. Rồi họ thiết kế và cho ra mắt App Store để người dùng có thể thoải mái tải và cài đặt ứng dụng của các bên thứ 3 dưới sự quản lý của chính Apple. Năm 2008, App Store ra đời với 500 ứng dụng, rất nhiều trong số đó là trò chơi điện tử. Nhờ App Store, doanh thu từ game của Apple lẫn quy mô hệ sinh thái ứng dụng dần mở rộng. Định hướng này càng trở nên quan trọng khi Tim Cook kế vị Steve Jobs và cố tìm ra hướng đi mới khi doanh thu iPhone dần trở nên chững lại.

Cuối cùng thì sau bao lâu chờ đợi, Apple cũng đã ra mắt iPhone 13 với màn hình 120Hz, một tính năng làm lợi rất nhiều cho những người chơi game mobile. Nhưng, dù có nhiều dev phát triển game mobile, nhiều tác phẩm trên App Store, Apple lại chỉ cần quan tâm tới một số lượng rất nhỏ khách hàng. Chỉ có 6% người dùng iPhone tạo ra tới 88% tổng số đơn hàng in app purchase thanh toán qua App Store. Trung bình một người trong tập khách hàng 6% ấy tiêu khoảng 750 USD một năm. Còn những người chơi dạng “cá voi” chiếm 1% tập khách hàng thì tạo ra 64% đơn hàng đồ ảo trong game, tiêu trung bình 2.694 USD mỗi năm.

5674253_Tinhte_Apple5.jpg


Dĩ nhiên game mobile được thiết kế để người chơi bỏ càng nhiều thời gian càng tốt. Càng chơi nhiều thì khả năng họ bỏ tiền mua đồ ảo trong game càng cao. Chính bản chất thiết kế như vậy đã giúp Apple có trong tay một mỏ vàng mà họ không cần phải chia sẻ với bất kỳ ai, vì làm gì có hãng nào sản xuất điện thoại chạy iOS, phân phối ứng dụng qua App Store như Apple?

Theo WSJ
 
Back
Top