Giá lúa và gạo xuất khẩu giảm, có phải vì 'chờ đợi'?

Broadcaster

Senior Member

Trong một tuần trở lại đây, giá lúa nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm. Nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp xuất khẩu lý giải tâm lý chờ đợi và dự đoán thị trường tiếp diễn.​

Giá lúa và gạo xuất khẩu giảm, có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có chờ để "nghe" thị trường - Ảnh: L.T
Giá lúa và gạo xuất khẩu giảm, có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có chờ để "nghe" thị trường - Ảnh: L.T
Ngày 28-2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện một công ty thu mua và xuất khẩu gạo ở phía Bắc giải thích dưới góc độ thị trường và phân loại giá trị của lúa chất lượng tốt.

Đại diện doanh nghiệp này nói: "Do thị trường biến động. Trước đây Philippines "quán quân" nhập khẩu gạo Việt lớn nhất, và hiện nay vẫn thế. Giá trung bình hơn 690 USD/tấn. Nhưng nhà nhập khẩu thứ 2 có thay đổi rồi, không còn Trung Quốc hay Indonesia nữa, mà là Pháp.

Họ mua gạo Việt giá trung bình hơn 1.000 USD/tấn. Tôi bản thân là doanh nghiệp, tôi cũng đợi thêm sắp tới "các vị" (thị trường các nước - PV) nhập hàng như thế nào, cơ cấu dòng gạo đổ về thị trường nào nhiều, để tính toán giá bán".

Vị này cho biết đa số các nhà cung cấp như nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, nhà thu mua, nhà xay xát đều "chậm" lại để nắm thị trường.

"Trong các vụ lúa, vụ đông xuân gạo luôn ngon hơn, chất lượng và sản lượng nổi trội nên các doanh nghiệp đều muốn mua gạo này để chuẩn bị cho các hợp đồng ký vào đầu năm và định hình giá bán xuất khẩu cho các tháng cuối năm", vị này nói thêm.

Về phía nông dân có chờ giá hay không, ông Phạm Thái Bình - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Công nghệ cao (TP Cần Thơ) - bày tỏ quan điểm nông dân cũng giữ lúa lại và hy vọng bán được đúng thời điểm sẽ tốt hơn.

"Còn thị trường nhập khẩu cũng quá am hiểu, quá biết gạo Việt đang vào vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm nên chậm mua, chờ giá tốt. Nông dân chờ, doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu cùng chờ. Tất cả chờ có thể vì thị trường", ông Bình nói.

Giải pháp để tháo gỡ "nhìn nhau, nhìn giá, đợi chờ" từ phía doanh nghiệp, nhà nhập khẩu, người dân, theo một chuyên gia - cũng là giảng viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, ngành kinh tế nông lâm - là cân bằng lợi ích.

"Doanh nghiệp cần được tạo điều kiện vay vốn lãi suất thấp để họ mua lúa gạo, tức là có vốn mua, không phải lo ngại để họ phải chờ đợi, nghe ngóng giá. Phía người nông dân chủ động vốn, vật tư đầu vào… nhưng cũng cần được hỗ trợ để tái sản xuất giảm bớt chi phí; xóa bỏ câu chuyện tranh mua, tranh bán", chuyên gia này nói.

Trước giá gạo xuất khẩu giảm, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận dự đoán giá gạo xuất khẩu sẽ tăng nhẹ trở lại trong thời gian tới, và doanh nghiệp thu mua lúa thời điểm này sẽ có lợi nếu dự đoán đúng.
Theo số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo nửa đầu tháng 2 đạt hơn 150.000 tấn, trị giá hơn 104 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-2, xuất khẩu gạo đạt hơn 663.000 tấn, trị giá hơn 466 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 703,5 USD/tấn.
So với cùng kỳ năm 2023, lượng gạo xuất khẩu đã tăng hơn 14% (tăng hơn 83.000 tấn); trong khi đó, trị giá xuất khẩu tăng tới 53% (tăng gần 161 triệu USD). Mức giá xuất khẩu gạo bình quân tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2023 (chỉ đạt khoảng 526 USD/tấn).
 
Back
Top