Gượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ 3: Đi trước đón đầu và gánh nặng trả nợ

Masterchiefs

Thành viên tích cực

Trong giới kinh doanh phế liệu quy mô lớn và sản xuất bao bì, ông Lê Văn Năm là người đi sau nhưng thành công nhanh.

Khởi nghiệp chỉ từ một vựa thu mua phế liệu nhỏ 15 năm trước, ông Năm nay đã có một doanh nghiệp G.P. vừa sản xuất vừa kinh doanh với doanh thu mỗi năm hơn 150 tỉ đồng và lợi nhuận trung bình 8 - 10%.

Tuy nhiên, kể từ sau đợt dịch khởi phát từ năm 2020, việc kinh doanh của ông đã sa sút lẫn sa lầy trong nợ nần và bấp bênh.

Người đi trước là người đón đầu cơ hội

Thành công nhanh nhờ ý chí làm giàu và biết tận dụng tốt các mối quan hệ trên thương trường, đặc biệt là sử dụng đòn bẩy tài chính - nguồn vốn vay hiệu quả, ngay trong thời gian dịch giã căng thẳng nhất ở năm 2021, ông Lê Văn Năm đã "thừa thắng xông lên" tính toán làm ăn khác người.

Ông nghĩ dịch rồi sẽ qua, kinh tế sẽ bùng phát mạnh trở lại như "người lành bệnh ăn trả bữa", nên vẫn tập trung đầu tư mở rộng doanh nghiệp, trong lúc hầu hết đồng nghiệp doanh nhân của ông đều thu hẹp, tái cấu trúc.

Đặc biệt là khi vắc xin COVID-19 được nghiên cứu thành công và được chích cho người dân, niềm tin của ông càng mạnh mẽ hơn.

Không hề kín kẽ, ông Năm nói rõ quan điểm với bạn bè làm ăn: "Trong tình hình khó khăn này, người ta thắt chặt túi tiền, giảm chi tối đa thì tôi lại bung ra đầu tư cho có sẵn "đồ chơi".

Để khi kinh tế phát triển mạnh trở lại, tôi có điều kiện bung xõa ngay, trong khi người khác lại phải loay hoay đầu tư, chậm chân hơn tôi. Hơn thua nhau là biết nhìn xa, biết đi trước, tính toán được chiến lược để làm ăn đúng thời cơ".

Vừa tiếp tục xây thêm nhà xưởng ở Long An, ông vừa mua thêm đất đai để sẵn sàng mở rộng sản xuất - kinh doanh. Tất nhiên, dòng tiền có sẵn của doanh nghiệp không thể đủ, ông phải vay thêm ngân hàng, kể cả huy động bạn bè và người thân trong gia đình với số tiền lên đến gần 60 tỉ đồng. Ông thế chấp cả căn nhà 200m2 vợ con đang ở để tiếp cận được đòn bẩy tài chính ngân hàng...

Tuy nhiên, thương trường thực tế diễn biến sau dịch đã không như lý thuyết màu hồng của ông Năm tính.

Cú đóng băng toàn diện thị trường địa ốc từ năm 2022 đã kéo theo nhiều ngành nghề khác, rồi tiếp tục là các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế trong nước. Việc sản xuất - kinh doanh của ông Năm không phát triển như "người lành bệnh ăn trả bữa" mà sa sút hẳn, thậm chí chỉ đạt 70 - 80% kế hoạch.

Vấn đề là giai đoạn 2022 - 2024, trong tình hình nhiều doanh nghiệp tiếp tục tái cấu trúc để vượt khó, ông Năm vẫn kiên định theo chiến lược đầu tư phát triển đã tính toán của mình. Trung Quốc mở cửa sau dịch, đối tác cũ bên đó nhanh chóng mời chào ông mua máy móc sản xuất với giá ưu đãi nhờ tỉ giá ngoại tệ ở thời điểm đó cũng như chính sách khuyến mãi mạnh tay của nhà cung cấp.

Ông Năm một lần nữa lại tính toán theo lý thuyết kinh doanh: Kinh tế khó khăn, nhà sản xuất thắt chặt túi tiền, giảm đầu tư máy móc thì nhà cung cấp cũng phải hạ giá để khuyến mãi. Đây là thời điểm rất thuận lợi để mua thêm máy móc sản xuất.

Kế toán của ông đã tính toán nếu mua hệ thống máy sản xuất bao bì của đối tác Trung Quốc với giá 900.000 đô la thì sẽ tiết kiệm được gần 50.000 đô la nhờ chính sách khuyến mãi của nhà cung cấp và tỉ giá ngoại tệ. Thế là ông Năm một lần nữa quyết định ra tiền.

Tuy nhiên, vấn đề là ông Năm vẫn không có dòng tài chính tốt của doanh nghiệp mình. Ông lại một lần nữa sử dụng đòn bẩy tài chính từ ngân hàng, kể cả huy động một số bạn bè góp vốn.

Hệ thống máy sản xuất bao bì nhập về thực tế ông Năm đã phải chi lên đến hơn 1,3 triệu đô la mới lắp đặt xong vì cần phải cải tạo lại nhà xưởng để lắp đặt, kể cả lo cho nhóm chuyên gia của nhà cung cấp qua lắp đặt và hỗ trợ vận hành trong 60 ngày đầu...

Chịu đau để thoát nợ

Nợ mới chồng nợ cũ trong tình hình sản xuất năm 2023 vẫn không thuận lợi, ông Năm bắt đầu căng thẳng với áp lực trả nợ.

"Mỗi ngày mở mắt ra, tôi đã thấy cả đống tiền lãi, nào là lãi vay ngân hàng, nào là lãi tiền mượn bên ngoài. Muốn bảo đảm đời sống đội ngũ người lao động của mình cũng không cách nào bảo đảm nổi" - ông Năm giải bày và nói thêm rằng 15 năm từ khởi nghiệp vựa ve chai đến công ty sản xuất bao bì, đây là lần đầu tiên ông bị áp lực nợ kinh khủng như vậy.

Gần một năm cầm cự, xoay xở mọi cách vẫn không thể thoát được tình trạng sa lầy tài chính này, ông Năm quyết định phải thay đổi.

Thật sự ban đầu ông vẫn chưa thể có kế hoạch hành động cụ thể như thế nào, nhưng ông đã suy nghĩ: "Phải có giải pháp để giảm bớt nợ, giảm áp lực trả lãi vay. Bởi tương lai phát triển thì còn ở tương lai chưa chắc chắn, nhưng việc nợ nần thì là áp lực giải quyết ngay trước mắt".

Họp bàn với ban lãnh đạo công ty và cả những người góp vốn, ông Năm thông báo chủ trương phải giải quyết nợ ngay cuối năm 2023, "bởi càng để thì càng mệt và ảnh hưởng dây chuyền nhiều thêm".

Sau đó, ông Năm mời chuyên gia tài chính tư vấn giải pháp cho mình. Cuối cùng, một kế hoạch được thông qua với giải pháp gồm ba vấn đề: Thứ nhất là công ty tạm dừng thực hiện tất cả chương trình đầu tư mở rộng quy mô sản xuất để tập trung vào chiều sâu, cố gắng phát huy cao nhất những cái mình đang có. Thứ hai, tìm kiếm dòng tài chính để trả bớt nợ và thương lượng giảm lãi với những chủ nợ còn lại. Thứ ba, thực hiện tái cấu trúc để giảm bớt ít nhất 3% chi phí, lý tưởng nhất là 5%.

"Nhìn vào ba giải pháp này thì cái nào cũng khó, nhưng với công ty tư nhân, mình là ông chủ trực tiếp nên dễ linh động xoay xở hơn", ông Năm kể.

Ông chấp nhận dừng kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, không xây dựng thêm nhà xưởng và mua sắm thêm thiết bị, cũng như ngừng tuyển nhân viên. Cuộc họp với những người góp vốn, người cho ông mượn tiền khá áp lực, nhưng cuối cùng cũng được thông qua.

Tùy từng người, họ chấp nhận giảm cho ông 20 - 30% lãi suất thương lượng ban đầu trong vòng 18 tháng để giảm bớt căng thẳng dòng tài chính của công ty.

Khó khăn nhất là việc thanh toán một phần nợ gốc rồi cũng được thực hiện khi ông thanh khoản thành công được miếng đất đã mua định để mở rộng nhà xưởng ở Long An.

Ông kể: "Ban đầu tôi nghĩ mình bán được hòa vốn là mừng, thậm chí chịu lỗ một chút trong tình hình thị trường địa ốc đóng băng này, nhưng bạn bè làm ăn đã giúp tôi tìm kiếm nhà đầu tư chấp nhận mua bằng giá tôi đã mua vào cộng thêm khoản bằng lãi suất tiết kiệm ngân hàng tương đương 5%. Có lẽ họ nhìn thấy tiềm năng của khu đất làm nhà xưởng".

Thu lại được khoản tiền này, ông Năm đã trả được bớt nợ và vẫn trích ra mua lại được miếng đất 3.000m2 dù xa hơn miếng đất cũ gần 20km và trên trục đường nhỏ hơn ở Long An.

Việc thứ ba là tái cấu trúc theo hướng giảm chi phí công ty khá nhạy cảm vì liên quan đến đời sống người lao động, nhưng ông cũng thực hiện được bằng một loạt giải pháp khác nhau.

Trong đó, ban giám đốc đi đầu làm gương khi tự giảm lương và tiết kiệm các khoản chi phí đi xa, như họp hành trực tuyến hoặc thay vì phải đi vài người qua Campuchia để họp hành với đối tác thì chỉ đi một người.

"Anh em lao động cũng bị giảm một chút tiền thưởng Tết, nhưng họ cũng thông cảm khi thấy ban giám đốc giảm nhiều hơn hẳn họ" - ông Năm tâm sự thêm công ty đã vượt khó, đang dồn sức phát triển chiều sâu, phát huy tất cả những gì đang có để chuẩn bị tốt nhất cho chiến lược mở rộng đầu tư lần thứ hai...

..............
 
Có phải ai cũng đi tắt đón đầu dc đâu
4gmOAMB.png
 
Back
Top