Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc co lại 5 tháng liên tiếp

GloryJack

Senior Member

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tiếp tục thu hẹp trong tháng 2, tức giảm tháng thứ 5 liên tiếp, gia tăng áp lực lên các nhà hoạch định chính sách để đưa ra các biện pháp kích thích hơn nữa.​


Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy chỉ số quản lý mua hàng sản xuất chính thức (PMI) của Trung Quốc đã giảm xuống 49,1 trong tháng 2 từ mức 49,2 trong tháng 1. Chỉ số PMI dưới mức 50 thường cho thấy sự suy thoái trong nền kinh tế hoặc ngành công nghiệp.

Công nhân điều khiển cần cẩu nâng ống sắt dẻo xuất khẩu tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 30/6/2019.

Công nhân điều khiển cần cẩu nâng ống sắt dẻo xuất khẩu tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 30/6/2019.

Các yếu tố mùa vụ có thể đã ảnh hưởng đến con số này, vì vào dịp Tết Nguyên đán, các nhà máy tại Trung Quốc thường đóng cửa khi công nhân trở về nhà nghỉ lễ.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của Caixin/S&P Global công bố cho thấy hoạt động sản xuất mở rộng ổn định khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng nhanh hơn.

Tổng hợp lại, các chỉ số PMI nêu bật sự phục hồi kinh tế không đồng đều.

Ông Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank China, cho biết: “Tết Nguyên đán chắc chắn đóng một vai trò quan trọng. Thông thường đó là tháng mà chỉ số PMI giảm xuống”.

Ông Wang cho biết chỉ số PMI chính thức giảm cũng là do số lượng đơn đặt hàng nước ngoài mới giảm mạnh. “Nhu cầu suy yếu từ nước ngoài dường như là một hiện tượng lâu dài chứ không phải tạm thời” do sự suy thoái kinh tế ở các thị trường phát triển cũng như sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng trong nước.

Các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm 11 tháng liên tiếp trong chỉ số PMI sản xuất của NBS, trong khi số việc làm trong khu vực nhà máy sụt giảm kéo dài một năm cho thấy tình trạng căng thẳng kéo dài đối với các doanh nghiệp.

Sự phục hồi đáng thất vọng hậu Covid-19 của của Trung Quốc đã làm dấy lên nghi ngờ về nền tảng của mô hình kinh tế nước này và đặt ra kỳ vọng rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ cần xem xét những cải cách táo bạo hơn để củng cố tăng trưởng dài hạn.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phải vật lộn với mức tăng trưởng dưới mức trung bình trong năm qua trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản và khi người tiêu dùng ngừng chi tiêu, các công ty nước ngoài thoái vốn, các nhà sản xuất chật vật tìm người mua và chính quyền địa phương phải đối mặt với gánh nặng nợ khổng lồ.

Chỉ số PMI phi sản xuất chính thức, bao gồm dịch vụ và xây dựng, đã tăng lên 51,4 từ mức 50,7 trong tháng 1, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái, nhờ hoạt động mạnh mẽ trong kỳ nghỉ Tết.

Tuy nhiên, hoạt động xây dựng giảm 0,4 điểm phần trăm do hoạt động liên quan đến tài sản vẫn bị thu hẹp, một tuyên bố của NBS cho biết.

Áp lực thúc đẩy tăng trưởng

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cam kết triển khai các biện pháp tiếp theo để giúp thúc đẩy tăng trưởng sau khi các bước được thực hiện kể từ tháng 6 chỉ có tác dụng khiêm tốn.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng xuống 50 điểm cơ bản vào ngày 5/2, ghi nhận mức lớn nhất trong hai năm, giải phóng 1.000 tỷ nhân dân tệ (139,03 tỷ USD) thanh khoản dài hạn.

 
Back
Top