Hồi sinh hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Voz Vui Ve

Senior Member
Trạm bơm dã chiến Xuân Quan, trên địa bàn huyện Văn Giang (Hưng Yên) thuộc dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống Bắc Hưng Hải giai đoạn 2 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào vận hành. Đây được coi là một trong những giải pháp trước mắt nhằm pha loãng nguồn nước bị ô nhiễm từ nhiều năm nay và góp phần hồi sinh hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải thời gian tới.

1712407527400.png

Chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chảy qua địa bàn xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã được cải thiện.

Trạm bơm dã chiến Xuân Quan được khởi công ngày 28/12/2023, dự kiến hoàn thành ngày 28/3/2024. Tuy nhiên, đến ngày 22/3 công trình đã vận hành thử và ngày 24/3 đi vào vận hành chính thức.

Ô nhiễm ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nằm ở Đồng bằng Bắc Bộ, được bốn con sông: Hồng, Đuống, Luộc, Thái Bình bao bọc với diện tích phục vụ là 192.045 ha ở các địa phương là: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên và Bắc Ninh. Nhiệm vụ của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là bảo đảm nước tưới cho 110.000 ha đất canh tác lúa, rau màu và cây công nghiệp; tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản, diện tích 12.000 ha; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân và các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong vùng, diện tích khoảng 4.300 ha.

Đồng thời, tiêu nước, chống ngập úng cho diện tích phía trong đê, bảo vệ dân sinh, sản xuất nông nghiệp và các cơ sở kinh tế khác; duy trì dòng chảy trên các trục sông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, cải thiện môi trường sinh thái. Mặc dù vậy, nhiều năm qua hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Bắc Hưng Hải là một trong những hệ thống thủy lợi ô nhiễm nhất do mỗi ngày có 500.000 m3 nước xả thải đổ vào đây, trong đó 70% là từ khu dân cư. Việc mất kiểm soát nước xả thải khiến hệ thống thủy lợi này ngày càng ô nhiễm nặng. Khi đến vụ sản xuất, nhất là vụ đông xuân, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải mất nhiều thời gian, kinh phí để thau rửa, sau đó mới lấy nước đưa vào ruộng.

Tuy nhiên, nước đó vẫn chưa bảo đảm cho sản xuất bởi mới chỉ pha loãng chứ chưa sạch tuyệt đối. Ngoài việc xả thải nước bẩn còn có việc một số nơi người dân sinh sống cạnh hệ thống thủy lợi đổ rác vào hệ thống kênh cũng tạo ra ô nhiễm”. Còn theo Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải Trịnh Thế Trường: “Nhiều năm qua, mỗi khi kết thúc các đợt xả nước từ hồ thủy điện, lượng nước vào hệ thống không còn khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ở các kênh hệ thống Bắc Hưng Hải gia tăng. Mặc dù vậy, công ty vẫn phải bơm nước để phục vụ sản xuất lúa cho nông dân bởi không tưới thì lúa chết do thiếu nước”.

Những năm qua, nhân dân sinh sống ở cạnh trục kênh Bắc Hưng Hải chảy qua địa bàn xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) rất khổ bởi tình trạng ô nhiễm nguồn nước nơi đây. Nhất là vào mùa khô, nước bốc mùi hôi thối, các gia đình phải cửa đóng then cài để giảm bớt sự khó chịu này.

Chất lượng nước được cải thiện

Ngày 27/3, cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi kiểm tra nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải sau ba ngày trạm bơm dã chiến Xuân Quan đi vào vận hành chính thức, chúng tôi mới thấy được niềm vui của người dân sinh sống dọc các tuyến kênh. Ông Tô Xuân Hải, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên) phấn khởi cho biết: “Nhà tôi ở ngay cạnh kênh Bắc Hưng Hải, trước đây kênh ô nhiễm lắm, nguồn nước đen sì, mùi hôi không chịu được nhưng mấy hôm nay đã có thay đổi, nước trong hơn”.

Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải Trịnh Thế Trường chia sẻ: “Từ đầu tháng 3/2024 đến nay, nước trên kênh Kim Sơn luôn có mầu đen, mùi hôi thối nồng nặc với chiều dài khoảng 33 km bắt đầu từ hạ lưu cống Báo Đáp đến khu vực cầu Sặt, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang (Hải Dương). Nhưng sau 24 giờ vận hành trạm bơm dã chiến Xuân Quan, nước ô nhiễm trên kênh Kim Sơn đã được pha loãng. Đoạn từ hạ lưu Báo Đáp đến cầu Tăng Bảo 2 (dài khoảng 10,65 km), nước đã hết đen và không còn mùi hôi”.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Kình cho rằng: “Trạm bơm dã chiến Xuân Quan được đưa vào sử dụng đã cung cấp nguồn nước cho hệ thống Bắc Hưng Hải và tạo ra dòng chảy góp phần giảm ô nhiễm, nâng cao chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để pha loãng, giảm ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống sẽ mất nhiều thời gian nhưng nếu vận hành liên tục, tình trạng này sẽ sớm được khắc phục. Để thực hiện hiệu quả việc pha loãng nguồn nước ở các kênh trục trên địa bàn, ngành nông nghiệp Hưng Yên sẽ phối hợp Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải điều chỉnh lại quy trình vận hành trong hệ thống nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất”.

Liên quan vấn đề này, vừa qua Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch về kiểm soát, xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây. Kế hoạch nhằm kiểm soát có hiệu quả các đối tượng xả nước thải, từng bước ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước sông Cầu Bây, từ đó góp phần cải thiện chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Đồng thời, đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, bảo đảm nước thải phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý toàn bộ, đáp ứng quy chuẩn môi trường; kiên quyết không cấp phép đầu tư, cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, cơ sở không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, nhất là các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải bảo đảm xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra sông Cầu Bây…

...
 
Back
Top