IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu, lạc quan về kinh tế Mỹ

Cụ Bẩy

Senior Member

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 16/4 nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay, cho rằng động lực sẽ đến từ Mỹ và một số thị trường mới nổi...​

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Tuy nhiên, định chế có trụ sở ở Washington cho rằng triển vọng vẫn còn những bấp bênh do lạm phát dai dẳng và rủi ro địa chính trị.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) của IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng truỏng 3,2% trong năm nay, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1. Dự báo về năm 2025 giữ nguyên ở mức 3,2%.
Quan điểm của IMF lạc quan hơn so với một số tổ chức dự báo khác. Chẳng hạn, Bloomberg Economics dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,9% trong năm nay và 3,1% trong năm 2025.

RỦI RO TỪ LÃI SUẤT VÀ LẠM PHÁT CÒN CAO

Dù vậy, IMF cảnh báo rằng lãi suất cao và việc các chính phủ rút lại các chính sách tài khoá kích cầu sẽ gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, triển vọng trong trung hạn vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ do năng suất lao động thấp và căng thẳng thương mại toàn cầu.
“Một số thách thức vẫn còn đó, và cần phải có những hành động quyết đoán”, nhà kinh tế trưởng Pierre Olivier Gourinchas của IMF nhận định, đề cập đến tình trạng “cứng đầu” của lạm phát và bất bình đẳng gia tăng trên toàn cầu.

Báo cáo của IMF cho thấy nền kinh tế thế giới đã tránh được tình trạng “stagflation” (tăng trưởng trì trệ kết hợp với lạm phát cao) hậu đại dịch Covid-19, nhưng tiềm năng tăng trưởng của những năm sắp tới bị kìm hãm. Cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương đang đi đúng hướng, nhưng còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, rủi ro đối với tăng trưởng vẫn còn nhiều, bao gồm các cuộc chiến tranh ở Trung Đông và Đông Âu.

Trong một báo cáo khác tập trung vào rủi ro ổn định tài chính, ông Tobias Adrian - người phụ trách lĩnh vực thị trường vốn của IMF - cảnh báo về mối nguy lạm phát trỗi dậy. “Các nhà đầu tư dường như tin tưởng rằng các ngân hàng trung ương - với chủ trương hành động dựa vào dữ liệu - sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát giảm tốc hơn nữa. Nhưng nếu lạm phát vẫn ở mức cao, những kỳ vọng lớn vậy có thể bị đảo lộn, dẫn đến việc bán tháo tài sản, từ trái phiếu, cổ phiếu đến tiền ảo”, ông nói.

Theo ông Adrian, hệ quả của kịch bản như vậy có thể bao gồm các điều kiện tài chính bị thắt chặt, tổn thất đối với một số nhà đầu tư và lợi suất trái phiếu cao hơn khiến người đi vay gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ.

Báo cáo của IMF cũng cảnh báo về tình trạng tăng trưởng yếu đáng lo ngại của các nền kinh tế thu nhập thấp trong tương quan so sánh với phần còn lại của thế giới. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của nhóm này, nói rằng các quốc gia này đang trải qua thời kỳ lạm phát cao hơn so với kỳ vọng do sự tăng giá của đồng USD cũng như giá cả tăng lên ở các mặt hàng lương thực, xăng dầu và phân bón.
“Nền kinh tế Mỹ đã phục hồi tới mức vượt cả xu hướng trước đại dịch. Nhưng chúng tôi cho rằng vết sẹo đối với các nền kinh tế đang phát triển với mức thu nhập thấp là lớn. Nhiều nền kinh tế trong số đó vẫn đang chật vật để sang trang sau Covid và khủng hoảng chi phí sinh hoạt”, ông Gourinchas viết trong báo cáo.

Trong số các rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà báo cáo của IMF nhắc đến, tác động lan tỏa từ cuộc chiến ở Ukraine hay bạo lực ở Trung Đông đều có nguy cơ thúc lạm phát tăng trở lại và góp phần làm tăng kỳ vọng lãi suất - những yếu tố sẽ gây áp lực lên thị trường tài chính cũng như tâm lý doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trước khi lên đường tới Washington để dự chuỗi sự kiện mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hôm thứ Hai cũng cảnh báo về cái giá phải trả của xung đột. “Những rủi ro kinh tế thực sự chính là căng thẳng địa chính trị, cho dù đó là các sự kiện ở Biển Đỏ, nguy cơ leo thang ở Trung Đông hay sự dai dẳng của cuộc xung đột ở Ukraine. Tất cả những sự kiện địa chính trị này là gánh nặng lớn đối với tăng trưởng kinh tế”, ông Le Maire nói.

DỰ BÁO VỀ CÁC NỀN KINH TẾ LỚN

Ông Gourinchas cho rằng giá dầu đã tăng lên do xung đột ở Trung Đông nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định xu hướng tăng đó có được duy trì hay không. Ông cũng nói giá dầu tăng kéo dài do xung đột ở Trung Đông không phải là kịch bản cơ bản của IMF.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo những rủi ro từ cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc và từ sự phân mảnh gia tăng của kinh tế toàn cầu, chủ yếu do cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngày 16/4, Trung Quốc công bố tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 đạt 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa dự báo của giới phân tích. Tại một cuộc họp báo, ông Gourinchas nói kết quả này có thể dẫn tới việc IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cả năm nay trong các lần cập nhật sau.

Cũng theo IMF, một trong những khả năng tích cực đối với kinh tế toàn cầu năm nay là lạm phát giảm tốc nhanh hơn kỳ vọng, cho phép các ngân hàng trung ương giảm lãi suất sớm hơn. IMF dự báo giá tiêu dùng bình quân trên toàn cầu sẽ tăng 5,9% trong năm nay và 4,5% trong năm tới, cả hai đều cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo mà định chế này đưa ra hồi tháng 1.

Về kinh tế Mỹ, IMF dự báo mức tăng trưởng cả năm nay sẽ đạt 2,7%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo tăng 2,1% đưa ra hồi tháng 1.
 
Back
Top