tin tức Lê Tú Chinh bị cấm thi đấu 2 năm nếu đến nơi mới, vì sao?

I am a castaway

Junior Member
"Nữ hoàng tốc độ" Lê Tú Chinh đã có quyết định ra khỏi đội tuyển điền kinh TP.HCM từ ngày 1-1 để thực hiện nguyện vọng chuyển đến đơn vị khác. Dù vậy, nếu đầu quân cho đơn vị mới, cô sẽ bị cấm thi đấu 2 năm.

Lê Tú Chinh sẽ bị cấm thi đấu trong nước 2 năm nếu chuyển đến đầu quân cho địa phương mới (thay vì TP.HCM) - Ảnh: PHÚC PHẠM TP.HCM) - Ảnh: PHÚC PHẠM

Lê Tú Chinh sẽ bị cấm thi đấu trong nước 2 năm nếu chuyển đến đầu quân cho địa phương mới (thay vì TP.HCM) - Ảnh: PHÚC PHẠM

Không chỉ trường hợp của Lê Tú Chinh, một VĐV khác là Huỳnh Thị Mỹ Tiên (nhà vô địch SEA Games 32 nội dung 100m rào nữ) cũng bị cấm thi đấu 2 năm khi chuyển từ tỉnh Vĩnh Long sang Đồng Nai. Điều đáng nói, Tú Chinh được TP.HCM sẵn sàng tạo điều kiện cho ra đi dù hợp đồng của cô với TP.HCM còn 2 năm, TP.HCM cũng không yêu cầu đền bù hợp đồng hay kiện tụng gì.

Trong khi đó, Mỹ Tiên đã kết thúc hợp đồng với tỉnh Vĩnh Long, cô đã trở thành VĐV tự do khi đến đơn vị mới. Dù vậy, các VĐV vẫn bị cấm thi đấu 2 năm trong hệ thống giải điền kinh quốc gia khi đầu quân cho đơn vị mới (nếu dự thi, kết quả của VĐV chỉ được dùng để kiểm tra thành tích chứ không được công nhận).

VĐV chịu thiệt

Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã có quyết định cho ra khỏi đội tuyển điền kinh TP.HCM với VĐV Lê Tú Chinh kể từ ngày 1-1-2024. Tú Chinh là VĐV tiêu biểu của thể thao TP.HCM cũng như điền kinh Việt Nam những năm qua. Cô từng giành 4 HCV SEA Games ở các nội dung 100m, 200m và tiếp sức 4x100m vào các năm 2017, 2019.

Năm 2022, Tú Chinh bị chấn thương trong quá trình chuẩn bị SEA Games 31. Cô không thể tham dự đại hội và sau đó phải lên bàn mổ. SEA Games 32 cô trở lại đường chạy và cùng đội tiếp sức nữ 4x100m giành HCB. Thời gian qua, Tú Chinh bày tỏ nguyện vọng muốn rời TP.HCM để chuyển đến đầu quân cho đơn vị mới dù hợp đồng của cô với thể thao TP còn 2 năm nữa. TP.HCM thiết tha muốn giữ cô ở lại, nếu không còn thi đấu có thể chuyển sang huấn luyện hoặc công việc chuyên môn của điền kinh.

Dù vậy, nữ hoàng tốc độ vẫn nhất quyết ra đi. Ngày 1-1-2024, cô nhận được quyết định rời đội điền kinh TP.HCM để chuẩn bị chuyển đến địa phương mới. Lãnh đạo ngành thể thao TP cho biết sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho Tú Chinh ra đi. Dù còn 2 năm hợp đồng nhưng Tú Chinh đã đóng góp nhiều cho TP.HCM, không có chuyện TP đòi tiền đền bù hay tìm cách gây khó dễ khi cô chuyển đến đơn vị mới.

Tuy nhiên đến thời điểm này, Tú Chinh vẫn chưa thanh lý hợp đồng với ngành thể thao TP.HCM vì rất nhiều lý do, trong đó có việc nếu chuyển đến đầu quân cho đơn vị mới thì cô sẽ bị cấm thi đấu trong nước 2 năm theo quy định của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam.

Trước đó, ngày 18-5-2015, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn thủ tục chuyển đổi, cấp mới, gia hạn thẻ VĐV điền kinh. Quy định ghi rõ: "Từ ngày 1-1-2016, các VĐV trước đây đã thi đấu cho một đơn vị nay chuyển sang thi đấu cho một đơn vị khác thì phải đảm bảo thời gian chuyển nhượng đủ 24 tháng mới được coi là hợp lệ và sau thời điểm 24 tháng mới được thi đấu cho đơn vị mới".

Chính vì quy định này, VĐV Huỳnh Thị Mỹ Tiên dù tham dự Giải điền kinh vô địch quốc gia 2023 nhưng đã không được công nhận kết quả. Mỹ Tiên giành HCV SEA Games 32 tổ chức tháng 5-2023 tại Campuchia, cự ly 100m rào nữ với thời gian 13 giây 50. Sau SEA Games 32, hợp đồng của Mỹ Tiên với Vĩnh Long kết thúc nên cô chuyển sang đầu quân cho tỉnh Đồng Nai.

Tháng 10-2023, Giải điền kinh vô địch quốc gia diễn ra tại Hà Nội. Mỹ Tiên khi đó tham gia thi đấu và về nhất với thời gian 13 giây 40 - thành tích vượt cả HCV SEA Games cô đã giành được trước đó. Dù vậy, cô không được công nhận kết quả và trao HCV, HCV được trao cho VĐV Bùi Thị Nguyên (Quân đội) với thành tích 13 giây 75. Lý do bởi Mỹ Tiên chuyển đến đơn vị mới chưa đủ 2 năm, nên dù được cho thi đấu nhưng cô không được công nhận kết quả.

...

Ngăn chặn việc "chảy máu tài năng"?

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, cho biết quy định của Việt Nam được tham khảo từ cách làm của Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) trong việc chuyển nhượng VĐV quốc tế. Quy định này đứng trên bình diện một VĐV cụ thể có thể có chút thiệt thòi nhưng lại giúp cho hệ thống tuyển chọn, đào tạo của Việt Nam được bền vững.

Ông Hùng lấy ví dụ: Một địa phương phải rất khó khăn mới nuôi được một tổ tiếp sức 4x100m nữ. Nếu địa phương A không đầu tư nhưng bỗng nhiên mua VĐV ở địa phương khác về và có thành tích, vậy thì những địa phương đầu tư từ đầu sẽ không làm nữa. Trước đây từng có tỉnh xóa sổ cả một bộ môn vì không có huy chương do họ đầu tư nhưng lại mất huy chương vào tay tỉnh đi mua VĐV. Đây là thực tế đã diễn ra ở nhiều địa phương và không chỉ ở môn điền kinh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng quy định này để thực hiện mục tiêu muốn có thành tích thì địa phương phải tuyển chọn, đào tạo thay vì đi mua quân. Nếu mua và có thành tích dễ vậy sẽ làm đảo lộn, ảnh hưởng đến phong trào phát triển của điền kinh Việt Nam. Chưa kể việc quy định chuyển nhượng không chặt có thể khiến các tỉnh thành "bắt tay" nhau trao đổi, mua bán huy chương.

Ông Hùng cho biết trong cuộc họp ban chấp hành Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cuối năm 2023, liên đoàn cũng mang quy định cấm VĐV thi đấu 2 năm nếu chuyển đến đơn vị mới ra bàn xem có điều chỉnh gì không. Dù vậy, ban chấp hành đều thống nhất, không điều chỉnh.

...
 
Back
Top