thảo luận Linh tinh về cái máy điều hoà

Ống thoát thì không có gì phải để ý nhiều, đủ dốc cho nước chảy là được.

Bác thớt cho mình hỏi ống thoát nước máy lạnh có nên cho vào hộp gen rồi nối chung với ống thoát nước mưa ko? hay là đi trong tường nối ra phễu thu sàn gần đấy là được?
 
Làm sao cho đảm bảo thẩm mỹ và khả năng thoát nước là được thôi.

via theNEXTvoz for iPhone

Bác cho mình hỏi về việc nối ống đồng máy lạnh, nên nối bằng hàn nhiệt hay là nối rắc co để đảm bảo an toàn ko rò rỉ nhỉ? Nhà mình đang làm, đã chỉ rõ vị trí đặt cục nóng máy lạnh rồi mà thợ nó đi chưa tới đã cắt ống, giờ chắc chỉ có cách nối ống thôi :(
 
Bác cho mình hỏi về việc nối ống đồng máy lạnh, nên nối bằng hàn nhiệt hay là nối rắc co để đảm bảo an toàn ko rò rỉ nhỉ? Nhà mình đang làm, đã chỉ rõ vị trí đặt cục nóng máy lạnh rồi mà thợ nó đi chưa tới đã cắt ống, giờ chắc chỉ có cách nối ống thôi :(
Cái gì cũng tùy thợ hết, thợ cùi thì làm kiểu gì cũng hở mà thợ tốt thì kiểu gì cũng kín. Cắt giắc co thì mất bảo hành, khó bán lại.
 
Bác cho mình hỏi về việc nối ống đồng máy lạnh, nên nối bằng hàn nhiệt hay là nối rắc co để đảm bảo an toàn ko rò rỉ nhỉ? Nhà mình đang làm, đã chỉ rõ vị trí đặt cục nóng máy lạnh rồi mà thợ nó đi chưa tới đã cắt ống, giờ chắc chỉ có cách nối ống thôi :(
Cứ làm đúng kỹ thuật là hàn hay nối đều ổn.
Đối với thợ thiếu các đồ tốt thì hàn sẽ cho kết quả cao hơn, đấu rắc co cần công cụ ngon thì tỉ lệ xịt mới thấp được, thợ lành nghề đấu vẫn có những ca xịt.
Hàn thì vấn đề lớn nhất là sinh ra muội trong ống, để giải quyết vấ đề này thì phải lấy ni tơ nén mà thổi, nhưng chả có thợ nào thổi đâu.
Thôi thì bắt thợ nó cắm vòi gas lạnh vào thổi tạm cũng được.

via theNEXTvoz for iPhone
 
Cứ làm đúng kỹ thuật là hàn hay nối đều ổn.
Đối với thợ thiếu các đồ tốt thì hàn sẽ cho kết quả cao hơn, đấu rắc co cần công cụ ngon thì tỉ lệ xịt mới thấp được, thợ lành nghề đấu vẫn có những ca xịt.
Hàn thì vấn đề lớn nhất là sinh ra muội trong ống, để giải quyết vấ đề này thì phải lấy ni tơ nén mà thổi, nhưng chả có thợ nào thổi đâu.
Thôi thì bắt thợ nó cắm vòi gas lạnh vào thổi tạm cũng được.

via theNEXTvoz for iPhone

ok bác, sau khi hàn thợ có cho nén nito 40kg để test áp, và khi xả ra tức là vệ sinh sạch đường ống luôn rồi nên chắc cũng ổn bác
 
em sắp nhận chung cư, mà ống thoát nước máy lạnh cao hơn ống đồng như hình đính kèm, thì có lắp được máy lạnh không thím? có cần bắt nó sửa lại không?


IMG_1535.jpeg
 
Phòng em 30m2 tính mua Gree GWC18FD-K6D9A1W (2.0 Hp) Inverter.
Ngân Sách tầm 13-14 củ. Thím nào biết tư vấn giúp em
 
Nhà em 4 tầng 1 tum. Phòng ngủ 2,3,4 15m2. Dự định ban đầu đặt cục nóng tum xuống t4, ban công t4 xuống t3, ban công t3 xuống t2. ( do nhà bên cạnh tương tự vậy). Nhưng do mua mẫu pana 12k. Nên cục nóng lắp chỗ ban công tầng 4, 3 sẽ không lắm được lồng sắt ban công . Nhà bên cạnh lắp 9k nên lắm dk cả lồng sắt. Nên hôm qua nghe thợ nhà em chuyển hết cục nóng lên tầng tum. 3 cục cạnh nhau. Dây đồng cục t2 là 10m. Tầng 3 là 8,5m. Nay lắp xong tìm hiểu thì cục nóng không dk để trên cục lạnh quá cao. Trong thông số kỹ thuật của dh thì chiều cao tối đa là 15m với trường hợp nhà em thì vẫn đủ. Vậy cho em hỏi để như vậy thì có sao không ạ (em cảm giác t2 không dk lạnh lắm, với không biết máy móc nó ntn, tiền điện dùng có hơn nhiều không…). Hay phải thuê thợ chuyển cục nóng xuống ạ. Em cảm ơn ạ
 
Điều chỉnh ngày 22/5/2021, lý do: thay đổi nhận thức.

Chính xác thì đây là thớt lập ra để nói phét, vì sao lại thế bởi vì tôi đếch có chuyên môn về cái điều hoà và cũng chẳng làm gì liên quan đến nó.

Có một thời gian tìm hiểu để chọn điều hoà thì biết được một số thông tin (không rõ đúng sai) và giờ gom lại đây để ai cần thì đọc, chuẩn bị tí kiến thức cho mùa hè nắng nóng mà dự báo là lại nắng nhất trong lịch sử gì gì đó.

Thế nên những thông tin ở đây nó chỉ mang tính tổng quát và chắc chắn có chỗ sai, anh nào có chuyên môn thì chia sẻ thêm chứ không cần phải soi lỗi làm gì, vậy nhé, và cũng là đại khái chứ không có dẫn chứng, số liệu cụ thể đâu.

Những gì dưới đây chủ yếu về điều hoà 2 cục dân dụng, không chơi với các loại khác như Multi, VRV…

I. Điều hoà cần quan tâm những con số nào?

- Công suất điện tiêu thụ (W),

- Công suất làm lạnh (Btu/h, sau đây viết luôn là Btu cho nhanh)

Công suất điện và công suất lạnh có thể xem ở tem nhãn dán trên cục nóng.

- Hiệu suất máy lạnh (COP), COP này tính đơn giản là Công suất lạnh (Btu) chia cho công suất điện tiêu thụ (W).

COP để tính xem cái máy đó tiết kiệm điện hay tốn điện, sau khi chia theo công thức kia thì kết quả được con số càng cao chứng tỏ máy đó càng tiết kiệm điện.

Ngoài ra còn vô số các con số khác, nhưng chắc người tiêu dùng đơn thuần chỉ cần quan tâm đến đó thôi, bởi nó dính đến lợi ích trực tiếp là có đủ lạnh hay không và tốn bao nhiêu điện.

II. Các kiểu lạnh

- Lạnh “sâu” là gì?


Lạnh sâu hiểu đơn giản là nhiệt độ không khí trong phòng thấp hơn một mẫu so sánh nào đó, ví dụ so với một máy lạnh khác chẳng hạn. Máy này lạnh sâu hơn tức là nó làm cho nhiệt độ trong phòng đó giảm xuống được mức thấp hơn.

Nếu máy đủ công suất làm lạnh so với thể tích phòng sẽ cho ra lạnh sâu hơn máy thiếu công suất.

- Lạnh “nhanh” là gì?

Cùng một thời gian và cùng một điều kiện hoạt động nhưng máy nào làm lạnh không khí trong cái phòng đó nhanh hơn thì là lạnh nhanh.

Điều này sẽ gặp khi lắp 2 máy có công suất lạnh khác nhau, máy 18000Btu sẽ làm lạnh nhanh hơn máy 9000Btu ở cùng điều kiện.

- Lạnh “dịu”, lạnh “gắt” là gì?

Không khí nó ngoài nhiệt độ còn thứ khác để quan tâm đó là độ ẩm, với cùng một nhiệt độ nhưng độ ẩm ở mức 80% cho ra cảm giác lạnh dịu, dễ chịu hơn, còn độ ẩm 40% cho cảm giác lạnh khô, lạnh gắt.

Tốc độ làm lạnh quá nhanh thì hơi nước trong không khí sẽ bị đọng lại thành giọt sương trong cục lạnh rồi chảy ra ngoài, tạo ra không khí trong phòng khô.

Vậy nên những máy tạo được ra lạnh dịu thì sẽ khá lâu mới làm được cho cái phòng đấy đủ lạnh theo yêu cầu của người sử dụng, nhưng đổi lại không khí dễ chịu hơn nhiều.

III. Chọn máy điều hoà có công suất làm lạnh bao nhiêu cho phù hợp với phòng?

Để chọn ra máy có công suất lạnh phù hợp với phòng thì trước tiên phải tính thể tích phòng (m3), công thức Dài*Rộng*Cao là ra được m3 ngay thôi.

Chả cần chính xác, chỉ mang tính đại khái là được và nên theo hướng công suất máy lớn hơn yêu cầu càng tốt.

Thường thì một m3 cần khoảng 200Btu, thế nên phòng 45m3 cần 9000Btu.

Có thể tham khảo khuyến cáo sau, đỡ phải tính:

- Phòng dưới 45m3: lắp máy 9000Btu

- Phòng dưới 60m3: lắp máy 12000Btu

- Phòng dưới 80m3: lắp máy 18000Btu

- Phòng dưới 120m3: lắp máy 24000Btu.

Tuy nhiên ở trên là lý thuyết thôi, chứ thực tế thì còn phải xem cách nhiệt của từng phòng thế nào, bao nhiêu mặt tường dính nắng, người có hay ra vào nhiều không, trong phòng có những thiết bị gì sinh nhiệt…

Vậy nên công suất lạnh thực tế của điều hoà phải lớn hơn cái con số lý tưởng kia thì mới ngon lành được.

Ví dụ phòng 45 khối mà một tường và một trần nắng soi thì bố của máy 9000Btu không kéo được cho cái phòng ấy lạnh, cần phải máy 12000Btu mới đủ.

Với những phòng mà phải tính phức tạp thế thì chắc phải cộng 1,5 hoặc 2 lần công suất lạnh so với cái bảng lý tưởng trên. Công suất máy lớn hơn nhu cầu là có lợi, cái hại duy nhất là tốn tiền thôi.

Lợi ở đâu tí nói sau.

IV. Lắp máy điều hoà cần lưu ý điều gì?

Có nhiều thứ phải lưu ý lắm, như là chọn kích thước dây điện, aptomat bao nhiêu A, các bước quan trọng trong lắp đặt là gì…?

Đầu tiên khẳng định là thợ điều hoà dân dụng hầu hết rất là lom dom trong khoản đầu tư máy móc, thiết bị để lắp đặt cái điều hoà cho ngon lành. Các anh ấy toàn dùng những thứ cơ bản nhất, rẻ tiền nhất còn lại phó mặc cho cái kinh nghiệm của các anh.

Kinh nghiệm nó lại phụ thuộc lớn vào cảm hứng, tâm trạng lúc đó nữa. Ví dụ chiều hôm trước bú trận bia bã mồm, sáng hôm sau chắc chắn tâm trạng đếch thể tốt được.

Nói tập trung vào mấy thứ thôi nhé:

- Bắt rắc co hay hàn ống đồng?

Tại cục lạnh sẽ có một bộ rắc co để bắt ống đồng vào, bắt rắc co thì bố thợ cũng không dám khẳng định 100% bắt thành công (tức là không bị xì ga), thế nên bước này nhiều thợ chơi trò chắc ăn là cắt cmn rắc co đi và hàn luôn vào.

Thế thì cái nào lợi, hại?

Bắt rắc co thì có khi phải 95% thợ tôi gặp đếch có cờ lê lực, tức là có thể xiết nhẹ quá hoặc nặng quá. Lắm thợ tay to, xiết vỡ luôn mép ống đồng, vỡ ốc rắc co luôn. Đa số xì ga là từ mấy cái rắc co này.

Hàn ống thì có cái lợi là xác suất thành công nó cao hơn, nhưng có một số nơi từ chối bảo hành máy nếu lắp theo kiểu hàn thế này, lúc máy có sự cố là vỡ mồm.

Cái hại ở đây nữa là thợ hàn nhiều ông tay non, hàn dí cho ống đồng cháy đen sì, sinh ra muội hàn trong ống, thế nhưng sau khi hàn các ông ấy cũng đếch bơm ni tơ vào để thổi, sục ống đâu. Muội nó cứ trong máy ấy, chạy lòng vòng khắp hệ thống và ngày nào đó nó góp phần gây nên sự cố như tắc, kẹt.

Mà kể cả đếch hàn thì vẫn phải thổi bằng ni tơ để đánh bật những dị vật trong đường ống ra, dị vật này có thể nó chui vào ống từ trước, có thể là cát, vụn ống đồng lúc cắt, loe…

Phần rắc co nói thế thôi.

- Kiểm tra kín khí

Sau khi lắp hết các mối nối ống đồng là đến công đoạn thử kín khí, thợ phải bơm khí ni tơ vào ống và dùng chất tạo bọt như nước xà phòng, nước rửa bát, bình bọt chuyên dụng… để bơm ngoài các đầu nối rắc co vừa nãy xem có bị lọt khí hay không, nếu lọt là phải khắc phục ngay.

Nhưng với thợ vườn đảm bảo đếch có công đoạn này.

- Hút chân không

Kiểm tra kín khí xong rồi là phải dùng bơm chân không để hút hết không khí trong đường ống và cục lạnh, mục đích hút là để gas làm lạnh không lẫn không khí, nếu lẫn không khí là làm giảm hiệu quả làm lạnh.

Hút chân không thì hút vài phút là gần như hết cmn không khí trong ống rồi, nhưng vẫn phải cho hút tiếp tối thiểu 15 phút, mục đích là để các giọt nước ẩm trong ống bay hơi hoàn toàn và bị hút ra ngoài, lúc này mới ổn. Nước ẩm có thể gây ra tắc ống tiết lưu, tắc giàn hoặc tắc bất kì chỗ nào nó đóng đá.

Chứ hết không khí mà vẫn còn vài giọt nước thì nói làm qué gì, phỏng.

Giai đoạn này hầu như thợ vườn cũng bỏ qua, mà chơi trò lấy gas “đuổi” khí. Trò lấy gas đuổi khí nó cũng có đuổi được một phần khí, dị vật và hơi ẩm trong đường ống, nhưng nó là cách làm lười láo, không có nhà sản xuất nào hướng dẫn kiểu này cả.

- Bao nhiêu mét ống đồng?

Thường thì các nhà sản xuất khuyến cáo tối thiểu 3m ống đồng, tối đa hơn chục mét gì đó.

Mục đích của cái tối thiểu này là để giảm tiếng ồn từ cục nóng truyền vào cục lạnh, cái nữa là lượng gas lúc xuất xưởng người ta bơm đủ cho chiều dài ống là 3m, thế nên nếu lắp ngắn hơn là máy sẽ bị dư gas. Dư gas là máy bị nặng tải, block sinh nhiều nhiệt hơn khi làm việc; gas có thể không bay hơi được hết ở giàn lạnh mà chui luôn về đường hồi, gây ra va đập thuỷ lực trong máy nén.

- Ống đồng nên đi riêng bảo ôn cho từng ống hay đi chung với nhau?

Tất nhiên là đi riêng, nếu đi chung thì sẽ giảm hiệu quả làm lạnh, ống thổi sẽ bị mất một phần lạnh do truyền sang ống hút (ống hút có nhiệt độ cao hơn ống thổi).

Thực ra thì khi đến cục lạnh gas mới chính thức bắt đầu quá trình bay hơi để làm lạnh, nhưng vì cái van tiết lưu nó đặt ở cục nóng cơ, nên phần nào đó đã bay hơi ngay trên đường ống dẫn gas sang cục lạnh rồi.

- Cục nóng lắp ở đâu?

Nên lắp cục nóng ở nơi khô ráo, râm mát, nếu có thể thì đặt dưới đất (có đôn kê cao khoảng 20cm). Mục đích là giảm ồn (so với treo tường), và tiết kiệm điện hơn do cục nóng không bị phơi ngoài nắng sẽ giải nhiệt tốt hơn.

Tuy nhiên đa số người ta không chọn khuyến nghị này, bởi tốn nhiều tiền ống đồng.

Đối với máy có giàn nóng bằng nhôm thì càng nên lắp ở nơi không khô ráo, sạch sẽ. Do nhôm dễ bị ô xi hoá nên những nơi bám bẩn mà lại ẩm thì sẽ rất nhanh mục giàn.

- Có phải thường xuyên bơm gas không?

Điều hoà không phải hệ kín như tủ lạnh, nó vẫn có các kết nối bằng rắc co như tại các van ở cục nóng, tại đầu nối với cục lạnh, tại ti nạp gas.

Thế nên ít hay nhiều thì nó cũng sẽ rò rỉ một lượng gas nhỏ.

Tuy nhiên không có chuyện mỗi năm phải nạp gas một lần, nếu gas thất thoát nhanh mức đó thì phải kiểm tra xem rò rỉ ở đâu, khắc phục xong rồi mới được nạp.

- Bẫy dầu

Với một số địa hình không có cách nào khác phải để cục nóng ở trên mái nhà, như thế tức là cục nóng đặt cao hơn cục lạnh thì nên có 1 bẫy dầu cho mỗi chiều cao 3m, tức là nếu cao 6m thì cần 2 bẫy dầu.

Khi gas đi ra từ block nó sẽ mang theo một lượng dầu bôi trơn ở trong block theo đường ống đẩy, chạy qua cục lạnh rồi lại quay về cục nóng, tuy lượng dầu này khá ít vì ở cục nóng đã có tách dầu, tuy nhiên 10 cái lần ít nó sẽ thành không ít.

Nếu cục lạnh cao hơn cục nóng thì chẳng có gì đáng lo, dầu sẽ du lịch một vòng rồi lại quay về block, chỉ có trường hợp cục lạnh thấp hơn cục nóng quá nhiều thì lúc này dầu sẽ khó mà trở về block được. Dầu sẽ đọng lại trong các ống đồng trao đổi nhiệt của dàn lạnh, làm cho quá trình trao đổi nhiệt của gas tại cục lạnh kém đi. Dầu không hồi được về block cũng làm cho quá trình nén kém hiệu quả vì dầu tham gia vào việc làm kín piston và các van một chiều, dầu cũng để bôi trơn cho các chi tiết chuyển động trong block.

Thế nên theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, với trường hợp cục nóng lắp cao hơn cục lạnh từ 3m trở lên thì cần làm bẫy dầu. Bẫy dầu đơn giản là một đoạn ống cong (google để biết), dầu cứ động lại từng tí, từng tí, đến một lúc nào đó nó đủ nhiều thì sẽ tự theo hơi gas hồi về block.

Hình dung dễ nhất là qua việc hỉ mũi lúc cảm lạnh, nước mũi ít còn lâu mới hỉ được ra, chờ nhiều nhiều hỉ một phát là nó văng ra cả cục.

V. Điều hoà inverter có tiết kiệm điện hay không, có nên dùng không?

1. Về tiêu thụ điện


Cơ bản thì điều hoà invert có tiết kiệm điện hơn, lí do là:

- Nó dùng động cơ 3 pha, điện một chiều, không chổi than, hoạt động bằng xung do biến tần tạo ra. Hiệu suất thằng này cao hơn hiệu suất của động cơ không đồng bộ một pha (trong máy không invert). Kể cả hiệu suất của bộ biến tần không được 100% thì tổng thể nó vẫn tiết kiệm điện hơn.

- Động cơ điện khi chạy ở dưới 100% tua thì sẽ tiêu thụ ít điện hơn nữa, ví dụ chạy 80% tua thì chỉ tiêu thụ 75% công suất điện thôi. Quá trình bù lạnh thì máy invert không chạy ở 100% nên sẽ giúp tiết kiệm điện hơn.

Trong khi đó máy không invert thì cứ chạy là 100% tua.

- Hiệu suất động cơ cao
Một số điều hoà nó dùng động cơ một chiều không chổi than, loại này có hiệu suất cao hơn động cơ lồng sóc.

(Có nguồn thông tin khác nói rằng máy invert có thể dùng 1 trong 2 loại động cơ 3 pha: động cơ 3 pha lồng sóc hoặc động cơ 3 pha 1 điện 1 chiều không chổi than (chưa kiểm chứng)).

- Không tốn nhiều năng lượng vô ích khi khởi động

+ Với máy không có invert dòng khởi động rất lớn và sau khi khởi động phải tốn thêm một thời gian nữa mới bắt đầu quá trình làm lạnh được. Bởi áp suất gas ở đường ống hút và thổi lúc này bằng nhau, nó cần phải có thời gian nén gas đã.

Thế nên từ lúc khởi động đến lúc bơm được gas lên cục lạnh là hao phí một lượng năng lượng điện chẳng có ích trực tiếp cho người sử dụng.

Máy không có invert lúc đủ nhiệt nó ngắt máy nén luôn, nên quá trình ngắt-khởi động này nó lặp lại rất nhiều lần, tốn nhiều điện mà không tạo ra hơi lạnh trong quá trình đó.

+ Với máy có invert dòng khởi động nhỏ, và khi đủ nhiệt thì máy nén vẫn chạy, nhưng nó giảm tua máy nén xuống rất thấp, đủ để duy trì áp suất ga chênh lệch giữa 2 đầu hút- thổi, lượng nhiệt lạnh này bù vào sự thất thoát nhiệt trong phòng.

Vậy nên không bị hao phí điện vô ích trong quá trình khởi động như máy không invert.

Một số ít máy invert được lập trình ngắt máy nén khi đủ lạnh nhưng phải kèm theo điều kiện khác về nhiệt độ môi trường bên trong, bên ngoài, chứ cơ bản là khi đủ lạnh nó không ngắt hoàn toàn (ví dụ nhiệt độ ngoài môi trường thấp hơn nhiệt độ phòng thì nó sẽ ngắt máy nén khi đủ lạnh).

Lưu ý quan trọng phải chọn công suất làm lạnh của máy invert đủ hoặc lớn hơn thể tích phòng cần đến thì hiệu quả tiết kiệm điện mới cao. Chứ để nó chạy 100% liên tục thì chọn luôn máy không invert cho đỡ tốn thêm tiền mua máy.

- Điều hoà invert làm việc thông minh hơn, nó có nhiều bộ cảm biến và một số máy cao cấp còn được lập trình các chế độ hoạt động phức tạp để tối ưu hiệu suất làm lạnh, tiết kiệm điện và giúp cho máy nén có tuổi thọ cao.

Ví dụ căn cứ trên nhiệt độ trong nhà, nhiệt độ ngoài trời chênh lệch ở mức 1 thì máy chạy kiểu 1a, chênh lệch mức 2 thì máy chạy kiểu 2a… chứ không phải lúc nào cũng như nhau. Trên cách tính toán đó thì hiệu suất máy sẽ cao hơn so với những máy làm việc “không thông minh”.

- Một số máy invert còn có cả van tiết lưu điện tử, cái van này giúp cho tốc độ của máy nén có thể giảm xuống thấp hơn nữa, tiết kiệm điện hơn nữa.

Bởi đối với tiết lưu bình thường (ống mao) thì đường kính ống nó là cố định, nếu máy nén chạy chậm quá là không đủ để hoá lỏng được gas.

Với van tiết lưu điện tử, khi cần máy nén chạy thật chậm thì nó làm cho van đóng nhỏ lại, giúp gas vẫn có thể hoá lỏng khi máy nén chạy thật chậm.

Hoặc khi cần làm lạnh thật nhanh, máy nén sẽ chạy ở tua cao và van này mở nhỏ, tạo ra sự chênh lệch áp suất gas lớn hơn, khi bay hơi gas thu nhiều nhiệt hơn và không khí trong phòng lạnh nhanh hơn.

Thực tế để tiết kiệm điện nhiều thì còn phụ thuộc nhiều vấn đề nữa, còn có nhiều cách thức nữa. Nhưng cơ bản những gì liệt kê ở trên góp phần tiết kiệm điện kha khá rồi.

Nói vậy không đồng nghĩa cứ máy invert là mặc định sẽ tiết kiệm điện hơn đâu nhé, ở trên là một số cơ chế để máy invert có thể tiết kiệm điện hơn thôi, muốn biết chính xác có tiết kiệm không thì tính giá trị COP ấy.

2. Về độ ồn

Máy invert khởi động nhẹ nhàng hơn, không ồn ào, không có tiếng rơ le lách tách và tiếng rung giật lúc khởi động hoặc ngắt động cơ như máy không invert.

3. Về chế độ làm lạnh

Máy invert có cho ra được nhiều chế độ làm lạnh hơn bởi nó khống chế được tốc độ của máy nén theo nhiều mức khác nhau.

Thế nên máy invert mới tạo ra được chế độ lạnh “dịu”, nhưng cũng tạo ra được chế độ lạnh “gắt”; còn máy không có invert ít chế độ, lạnh khô hơn nhiều do cứ chạy là nó chạy cật lực, tốc độ làm lạnh quá nhanh gây nên khô không khí như đã nói ở phần lạnh dịu, lạnh khô.

4. Về biên độ nhiệt độ trong phòng

Với máy invert biên độ nhiệt độ trong phòng dao động nhỏ hơn do được bù lạnh thường xuyên, không gây ra cảm giác lúc nóng lúc lạnh.

Máy không invert biên độ nhiệt dao động có khi đến 3-4 độ hoặc lớn hơn, rất khó chịu, ai đó nhạy cảm sự thay đổi nhiệt này là không chịu nổi.

5. Nhược điểm của máy invert

- Đắt tiền hơn.

- Khó sửa khi hư hỏng.

- Điều kiện làm việc yêu cầu khắt khe hơn như là điện yếu không chạy, trời nóng quá không chạy.

VI. Sử dụng điều hoà thế nào để tiết kiệm tiền?

Không có cái gì ngon, bổ nhưng lại có rẻ, tuy nhiên thông qua một số cách thức ta vẫn có thể hạn chế được số tiền phải trả.

- Chọn máy điều hoà có công suất làm lạnh dư so với thể tích phòng

Như thế thì máy làm lạnh phòng nhanh hơn, máy nhanh được nghỉ ngơi hơn nên tuổi thọ sẽ cao hơn. Tất nhiên máy công suất lớn thì điện nó cũng ăn hơn, nhưng nó làm lạnh nhanh hơn rồi nghỉ sớm hơn cơ mà.

Chứ máy có công suất đuối hơn yêu thì nó chạy cả ngày không có thời gian nghỉ luôn, hao mòn máy nhanh mà điện cũng tốn.

- Nên lắp cục nóng ở chỗ râm mát, sạch sẽ

Điều này đã nói ở phần vị trí lắp giàn nóng rồi. Lắp ở nơi râm mát thì máy sẽ không phải tốn nhiều năng lượng để làm mát cục nóng. Chứ lắp nơi nắng nung, nắng rọi như là tường nhà phía tây, trần nhà bê tông thì nhiệt độ không khí bề mặt tường lúc có nắng nó cao cực kì, lên đến 40-50 độ là bình thường.

Vậy nên cục nóng đặt ở nơi râm mát, thoáng khí thì nhiệt độ không khí nơi đó chỉ loanh quanh 30 độ thôi, lại chẳng tốt hơn cái 40-50 độ kia.

Nhiều nhà lắp máy invert nhưng ngày nắng nóng cao điểm nó không chạy là vì thế, cảm biến đo nhiệt độ không khí, nhiệt độ giàn nóng quá mức là không cho máy chạy.

- Sử dụng cùng với quạt nhỏ

Klhi bật điều hoà nếu có thêm một cái quạt nhỏ, bật số nhỏ thôi là việc lưu thông không khí trong phòng nó tốt hơn rất nhiều, lạnh đều khắp phòng.

Cái nữa là gió mát thổi trực tiếp vào người nên lấy đi nhiệt trên người nhanh hơn, cảm giác mát hơn nhiều so với gió lặng. Gió mát này nó không quá lạnh như gió thổi ra từ điều hoà nên không sợ bị ốm.

- Không nên để nhiệt độ phòng quá thấp

Thường thì người ta khuyến cáo không nên để nhiệt độ trong phòng thấp hơn nhiệt độ ngoài trời đâu như quá 10 độ (hay 7 độ gì ấy). Nhiệt độ chênh lệch quá dễ dẫn đến sốc nhiệt và cũng tốn nhiều điện hơn.

- Thường xuyên vệ sinh máy

Điều hoà hoạt động lâu ngày là bụi bẩn sẽ bám vào các lá kim loại của giàn nóng và lạnh, làm cho tiếp xúc với không khí kém đi.

Cần phải vệ sinh ít nhất 2 lần một năm hoặc đầu mỗi mùa nóng.

- VII. Điều hoà 2 chiều

Một số người có nhu cầu sưởi ấm cho mùa đông thường phân vân mua điều hoà 2 chiều hay mua điều hoà 1 chiều lạnh và số tiền chênh lệch kia để mua thiết bị sưởi khác như là máy sưởi, đèn sưởi, máy sưởi dầu...

Ưu điểm của điều hoà khi dùng chế độ nóng là phòng ấm rất nhanh vì quạt giúp tản hơi ấm đều ra các vị trí của phòng, nhiệt độ được kiểm soát khá chính xác. Ngoài ra hiệu suất theo cơ chế "bơm nhiệt" (heat pump) sẽ cao hơn hiệu suất đốt nóng rất nhiều, tới mấy trăm % đấy nên sẽ cực tiết kiệm điện.

Cách hoạt động của điều hoà 2 chiều có thể hiểu đơn giản là nó đổi lại vị trí của 2 cục nóng-lạnh mà thôi, và điều hoà ở chế độ sưởi nó vẫn làm việc theo cơ cơ chế đổi nhiệt giữa 2 vùng: trong phòng và ngoài trời.
Thế nên nếu ngoài trời mà quá lạnh (giả sử mức 10 độ trở xuống) thì khả năng trao đổi nhiệt với không gian bên ngoài trở nên kém đi nhiều, làm giảm khả năng sưởi ấm của điều hoà xuống vì gas không thu được nhiệt độ cao ở ngoài trời để làm ấm gas nữa.

Lúc này các thiết bị sưởi theo phương pháp đốt nóng trực tiếp không khí trong phòng sẽ hoạt động tốt hơn điều hoà.

Nhược điểm của thiết bị sưởi nói trên là làm ấm cục bộ, hơi ấm khó lan toả đều khắp phòng, nhiệt độ chênh lệch nhiều giữa không khí ở gần thiết bị sưởi và không khí ở nơi xa thiết bị.
Kiểm soát nhiệt độ không chuẩn lắm, đối với thiết bị sưởi bằng sợi đốt còn có nguy cơ gây ra bỏng, cháy.
Hiệu suất thấp.


Hôm nay nhớ ra chừng đó thôi, lúc nào nhớ ra gì thì lại nói phét tiếp.

Chúc các bác mùa hè này chọn được một máy ưng ý và có thêm được một số thông tin để thợ không thuốc mình.
nghe cũng có lý
 
Back
Top