NGÔI MIẾU THỜ BỐN VỊ VUA TRIỀU NGUYỄN

hieu01clc

Senior Member
🌼 NGÔI MIẾU THỜ BỐN VỊ VUA TRIỀU NGUYỄN 🌼

Ở miền Nam, dấu ấn của chúa Nguyễn Ánh trong những năm dài tẩu quốc còn để lại rất sâu đậm trong lòng nhân dân. Vùng đất trù phú nầy là nơi đã che chở cho ông trong những ngày tháng gian lao nhứt, cũng là nơi làm nền tảng cho sự thành công của ông trong sự nghiệp phục quốc. Vì vậy, đền miếu thờ vua Gia Long ở miền Nam không ít, trong đó có những đền miếu khá nổi tiếng như ở rạch Nước Xoáy (huyện Lấp Vò - tỉnh Đồng Tháp), vồ Thiên Tuế núi Cấm (huyện Tịnh Biên - tỉnh An Giang), mũi Ông Đội (huyện Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang)…
Song, một ngôi miếu thờ tập hợp các vị vua và công thần triều Nguyễn thì hiếm. Có lẽ chúng tôi không quá lời khi nói rằng Miếu Hội ở thị xã Tân Châu - tỉnh An Giang là ngôi miếu duy nhứt trên địa bàn Nam Bộ thờ bốn vị vua đầu triều Nguyễn và tám vị khai quốc công thần của triều đại nầy. Một ngôi miếu giản đơn, nhưng mang giá trị hết sức đặc biệt.
Nguồn gốc ra đời ngôi miếu cũng không kém phần đặc biệt: bắt nguồn từ một biểu tượng trên chiến thuyền. Dân gian kể rằng, tương truyền ngày xưa các danh tướng đi ghe ô sa để dẹp giặc ở biên giới, trên chiếc ghe tiên phong luôn đặt trước mũi một khánh thờ bằng gỗ, sơn son thếp vàng, thiết kế kiểu cách như ngôi miếu thu nhỏ. Trong khánh thờ Tứ Vị Vương - Bát Vị Hầu. Đó là một biểu tượng nhằm thể hiện uy võ của triều đình và làm tăng nhuệ khí cho binh sĩ.
Hình ảnh đó đi vào tâm thức cộng đồng vùng Vịnh Đồn. Đây là một vùng nước trên sông Tiền, cạnh đó có đồn binh canh giữ, các thuyền chiến thường dừng chân, nên người trong vùng gọi là Vịnh Đồn. Để có nơi thờ phượng các đấng quân vương và danh thần có công với đất nước, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho nhân dân, đồng thời lưu lại dấu ấn của tiền nhân, người dân địa phương đã dựa vào mô hình khánh thờ trên chiến thuyền để tạo lập một ngôi miếu đơn sơ hướng mặt ra sông Tiền thờ Tứ Vị Vương - Bát Vị Hầu.
Người thành lập ngôi miếu là ông Nguyễn Văn Tài, đội trưởng đội quân thứ chín trấn nhậm ở Vịnh Đồn, người địa phương gọi là ông Đội Chín Tài. Hiện nay con cháu ông còn giữ các vi bằng phong chức do tỉnh An Giang cấp vào các năm 1851, 1854, 1860, 1866… Ngôi miếu được thành lập trong thời kỳ quân đội triều Nguyễn còn hoạt động mạnh tại vùng nầy và phải sau khi ông Đội Chín Tài đến Vịnh Đồn nhưng trước khi Pháp xâm chiếm An Giang năm 1867, vậy chúng ta có thể ước đoán niên đại ra đời của ngôi miếu khoảng thập niên 1850 - 1860.
Sau khi Nam Kỳ rơi vào tay Pháp, biết đây là miếu thờ vua triều Nguyễn - nơi dân chúng thể hiện lòng trung thành với Nam triều, nên chánh quyền thực dân đã bắt phải thay đổi đối tượng thờ phượng từ Tứ Vị Vương - Bát Vị Hầu trở thành Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương Nương. Người dân địa phương ngoài mặt thực hiện theo yêu cầu của chánh quyền Pháp để bảo vệ ngôi miếu, nhưng bên trong vẫn ngấm ngầm thờ phượng và tế lễ như cũ.
Đến năm 1900, ngôi miếu được trùng tu, nền đúc, tường xây gạch, mái lợp ngói. Nội thất miếu chia làm ba phần: võ ca là nơi hát bội, võ quy là nơi tế lễ, chánh điện là nơi thờ phượng. Trong những năm đầu thế kỷ XX, miếu còn là nơi sinh hoạt bí mật của những người theo Hội Kín chống Pháp (dân gian gọi là hội Kèo Xanh, Kèo Vàng) nên được người dân gọi Miếu Hội đến nay.
Ngôi miếu hiện nay do trải qua chiến tranh, nhiều lần phải sửa chữa nên có phần giản dị, song vẫn giữ được nét đẹp truyền thống trong phong cách đền miếu Tây Nam Bộ. Nội thất miếu có kết cấu ba gian hai chái theo kiểu nhà vuông Nam Bộ, cột tròn làm từ gỗ căm xe, nóc cổ lầu, mái tam cấp lợp ngói cổ kính. Giữa các cấp mái (bên ngoài) và ở các vách tường (bên trong) trang trí nhiều bức tranh do nghệ nhân địa phương vẽ, giản dị mà thanh thoát. Chánh điện trang trí các bao lam, thành vọng, hoành phi, liễn đối… được chạm khắc thẩm mỹ. Đối tượng thờ phượng ở án thờ thờ trung tâm là:
  • Tứ Vị Vương: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức
  • Bát Vị Hầu: Đỗ Thành Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Tri Phương, Châu Văn Tiếp, Võ Tánh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thoại.
Chánh điện có câu đối ở khoán thủ niên hiệu bốn vị vua đầu triều Nguyễn:
“Gia nghiệp Minh quân Thiệu lập Tự thừa hô vạn hải
Long cơ Mạng chúa Trị dân Đức trạch quán thiên thu”
Hai bên án thờ chánh có bàn thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và Quan Thánh Đế Quân. Vách bên phải thờ Hữu Ban Liệt Vị, Trần Đốc Tướng Giang Văn Trung, Đông Trù Tư Mạng, Thổ Địa Long Thần. Vách bên trái thờ Tả Ban Liệt Vị, Bạch Mã Thái Giám, Tiên Sư Tổ Sư, Tiền Hiền Hậu Hiền. Phía sau bàn thờ chánh là bàn thờ hai bậc, bậc trên thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc dưới thờ Cửu Huyền Thất Tổ.
Quan sát cách bày trí thờ phượng đó, có thể thấy Miếu Hội ngoài là một di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật thì còn là một cơ sở tín ngưỡng có sự giao thoa văn hóa phong phú, độc đáo. Là miếu thờ vua và các danh tướng, nhưng Miếu Hội còn phối thờ nhiều đối tượng từ nhiều hình thái tín ngưỡng khác nhau. Đối tượng thờ tự ở đình làng Nam Bộ có Thành Hoàng Bổn Cảnh, Tả Ban Liệt Vị, Hữu Ban Liệt Vị, Tiền Hiền Hậu Hiền, Bạch Mã Thái Giám. Phật giáo có bàn thờ Phật Thích Ca Mâu Ni. Tín ngưỡng tổ tiên với bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Tín ngưỡng của người Hoa có Quan Thánh Đế Quân, Tiên Sư Tổ Sư, Đông Trù Tư Mạng, Thổ Địa Long Thần.
Miếu Hội có hai lệ cúng chánh trong năm: cúng Tống và cầu an năm mới vào ngày 15 - 16 tháng Giêng âm lịch, lễ Kỳ yên vào ngày 16 - 17 tháng 6 âm lịch. Nghi thức cúng tế đúng theo truyền thống đình làng Nam Bộ. Trải qua gần hai thế kỷ, Miếu Hội không chỉ là một công trình mang nhiều giá trị nghệ thuật, mà còn là chỗ dựa tinh thần để nhân dân thể hiện lòng yêu nước trong thời ngoại xâm, địa chỉ đồng hành cùng những phong trào kháng chiến giành độc lập cho dân tộc.

— Tác giả: Vĩnh Thông
(Bài đã đăng trên Tạp chí Xưa & nay, số 471, 2016)
FB_IMG_1600682237554.jpg


#VanhoaNamBo #NghiencuuvanhoaNamBo #Vanhoa #Văn_hóa #NamBo #Nam_Bộ #TrieuNguyen #Triều_Nguyễn #MieuHoi #Miếu_Hội #TanChau #Tân_Châu #AnGiang #An_Giang
 
Back
Top