Nhạc Trịnh cần thay “áo mới”

Voz Vui Ve

Senior Member
Những ngày tháng Tư này người yêu nhạc Trịnh lại tưởng nhớ 23 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn. Âm nhạc của ông vẫn hiện diện trong đời sống bởi một thế hệ hát nhạc Trịnh mới. Họ là những người trẻ, phá cách, đổi mới, thậm chí còn mang tiếng “phá” nhạc Trịnh, nhưng hơn hết, họ đang mang di sản âm nhạc của một nhạc sĩ lớn đến gần với người trẻ hôm nay.

Sự chuyển giao thế hệ


Có thể nói, âm nhạc Trịnh Công Sơn có một đời sống rộng dài. Từ tiếng hát của Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu, Ngọc Lan, Bảo Yến, Tuấn Ngọc, sau này có thêm Cẩm Vân, Nguyễn Lê Thu, Nhã Phương, Thanh Lan… Giờ lứa Hồng Nhung, Thanh Lam, Lệ Quyên, Tùng Dương, Hà Trần cũng đã “già”.

Hiện có thêm một thế hệ hát nhạc Trịnh tươi mới hơn, họ hát theo cách của mình, mang đến một sắc màu mới cho âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Có thể, nhiều người không thích họ, cho rằng những người trẻ đang “phá” nhạc Trịnh. Nhưng, chính người trẻ lại có lý khi họ dám thay đổi, mang tiếng nói của thế hệ mình vào di sản âm nhạc của cha ông để lại.

Cặp đôi Hoàng Trang - Nguyễn Đông.

Cặp đôi Hoàng Trang - Nguyễn Đông.

Nhạc Trịnh với người trẻ sẽ phai nhạt màu sắc phản chiến, không còn đắm chìm vào những mộng mị, những nỗi buồn hoang hoải. Với người trẻ, đứng giữa những chênh chao, biến đổi không ngừng của đời sống, họ sẽ cảm nhạc Trịnh theo cảm thức thời đại của mình. Những người trẻ “cứng tuổi” có thể kể đến như Hà Lê, Giang Trang, Hoàng Trang… Họ có “thâm niên” 5-7 năm, thậm chí 10 năm hát nhạc Trịnh với những thử nghiệm mới mẻ.

Rapper Hà Lê là giọng ca tạo dấu ấn với khán giả yêu nhạc. "Trịnh Contemporary" được xem là dự án âm nhạc cá nhân để định hình phong cách âm nhạc của Hà Lê. Bằng cách đặt âm nhạc Trịnh Công Sơn trong cảm hứng đương đại, Hà Lê đã đưa đến một chiều không gian khác, một "màu Trịnh" khác, một "hồn Trịnh" đã chinh phục đông đảo công chúng mộ điệu nhạc Trịnh.

"Trịnh Contemporary” không dừng lại ở cover những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, như "Hạ trắng", "Diễm xưa"... mà Hà Lê muốn đem lại một âm hưởng mới mẻ nhưng vẫn trong lành từ những lời nhạc, giai điệu bất hủ mà bậc tiền bối để lại. "Ngoài góc độ ca sĩ, tôi muốn lan tỏa cảm hứng đương đại trong sáng tạo âm nhạc Trịnh Công Sơn ở vai trò là người kết nối nhiều nghệ sĩ khác, hình thức nghệ thuật khác trên cơ sở đồng cảm về tư duy, để tìm tòi thử nghiệm nhạc Trịnh Công Sơn qua những cách biểu đạt khác nhau. Đó có thể là âm nhạc, điện ảnh, nhạc kịch, vũ đạo, biểu diễn, nhiếp ảnh..." - Hà Lê nói.

Và anh đã minh chứng cho điều đó bằng những dự án của mình. Năm nay, Hà Lê kỷ niệm ngày mất của cố nhạc sĩ bằng một concert trên núi Ba Vì mang tên “Phiêu du”. Với show diễn lần này, ca sĩ Hà Lê và saxophonist Lê Duy Mạnh đã mang đến một không gian nhạc Trịnh mới mẻ, hấp dẫn. Lê Duy Mạnh với cây kèn saxophone của mình đã "chơi" nhạc Trịnh phiêu lãng, quyến rũ thì Hà Lê lại gây tò mò cho khán giả khi "phá cách" với dòng nhạc mang màu sắc rất riêng này.

Hà Lê từng diện vest cách điệu, đội mũ nồi, đọc rap và biến tấu giai điệu của Trịnh Công Sơn, theo cá tính mạnh mẽ và chất riêng của anh. Những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, như: “Tuổi đá buồn”, “Biển nhớ”, “Diễm xưa”, “Phôi pha”, “Ở trọ”, “Nhớ mùa thu Hà Nội”, “Ru em từng ngón xuân nồng”, “Còn tuổi nào cho em”, “Hạ trắng”, “Để gió cuốn đi”, “Hãy yêu nhau đi”, “Mưa hồng”... được khoác áo mới, đầy xúc cảm và mới mẻ.

Giang Trang cũng là một cái tên ấn tượng khi cô lựa chọn cách tiếp cận nhạc Trịnh với tư tưởng riêng. Cô tự nhận mình là một "amateur chơi nhạc" với tư duy của một người chơi nhạc hơn là một ca sĩ, Giang Trang đã có một con đường âm nhạc riêng với những tìm tòi mang tính chất suy tưởng về "Người âm nhạc Trịnh Công Sơn". Ngay từ khi xuất hiện, giọng hát trong trẻo, phong cách giản dị, mộc mạc và tự do của Trang đã mang đến một tiếng nói riêng. Cách Trang khám phá và hát nhạc Trịnh đã lưu vào trong dòng chảy nhạc Trịnh đương đại một dấu ấn riêng, không trộn lẫn.

Cặp đôi Hoàng Trang và Nguyễn Đông với tinh thần của những kẻ du ca gợi nhớ đến vẻ đẹp nguyên sơ, tinh khiết của nhạc Trịnh. Họ cùng nhau đi khắp mọi miền đất nước, hát nhạc Trịnh cho mọi người nghe. Tự do, phiêu lãng, nhưng với một tinh thần trẻ trung, phóng khoáng, Hoàng Trang và Nguyễn Đông gợi nhớ về hình ảnh du ca của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Ngay từ khi mới xuất hiện, ngay lập tức, Trang đã nhận được tình cảm yêu quý của mọi người.

Có những bài hát của Hoàng Trang như “Ta còn thấy gì trong đêm nay” được chia sẻ lan truyền trên mạng xã hội và tạo thành một hiện tượng của đời sống âm nhạc cách đây mấy năm. Điều đó chứng tỏ, nhạc Trịnh luôn tồn tại trong đời sống và có sự chuyển tiếp của từng thế hệ khi người ca sĩ chạm được vào thế giới âm nhạc của ông bằng tiếng nói của thời đại mình.

Trong đêm tưởng niệm 23 năm ngày mất của nhạc sĩ tại phòng trà Trịnh Ca, Hoàng Trang hát lại bài hát đó và nhận được nhiều lời khen của khán giả cũng như bình luận trên trang của phòng trà Trịnh Ca. Vẫn tiếng hát giản dị, hồn nhiên, trong trẻo và cao vút ấy, Hoàng Trang đã mang đến cho nhạc Trịnh một màu sắc tươi sáng hơn.

Khi Gen Z hát nhạc Trịnh

Và bắt đầu có một thế hệ trẻ hơn, những Gen Z hát nhạc Trịnh. Đó là Hoàng Dũng, Suni Hạ Linh, Mỹ Anh, Orange, Juky San, Kiên, Hoàng Duyên, Obito… Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh trong trả lời báo chí khẳng định, bà nghe hết những bạn trẻ, thế hệ Gen Z hát nhạc Trịnh. Bà nói: “Các em hát lạ và tôi tôn trọng. Đó là một thế hệ hoàn toàn khác với thế hệ chúng tôi, các bạn có quyền biểu đạt nhạc Trịnh theo cách mà các bạn nghĩ, miễn sao đừng đi quá giới hạn làm bóp méo, sai lệch ca từ nhạc Trịnh”. Bà cũng nói, sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất cởi mở, thích cái mới, sự tươi trẻ.

Mỹ Anh và Juky San là những ca sĩ được chọn thể hiện các ca khúc của dự án Gen Z và Trịnh.

Mỹ Anh và Juky San là những ca sĩ được chọn thể hiện các ca khúc của dự án Gen Z và Trịnh.

Mới đây, bài hát “Nhìn những mùa thu đi”, bài trữ tình buồn quen thuộc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nổi tiếng qua nhiều thế hệ như Khánh Ly, Lệ Thu, Ý Lan… đã được Mỹ Anh chọn làm MV. Mỹ Anh biết mình không đủ từng trải nhưng đổi lại bằng chất tươi mới của thế hệ Gen Z, bài hát với sắc màu jazz cổ điển, sang trọng, tối giản khiến người nghe tò mò. Có kẻ khen, người chê, nhưng rõ ràng, thế hệ Gen Z đã có cách hát riêng của mình khi khai thác kho tàng âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa.

Một khán giả trẻ nhận xét rằng: “Giới trẻ bọn em ít người nghe nhạc Trịnh, bởi vì lời nhạc và cách hát của các ca sĩ ngày xưa hơi xa lạ, khó tiếp cận với bọn em. Nhưng em thấy nhạc Trịnh qua cách hát của các bạn Gen Z cùng thế hệ... rất gần gũi, giúp thế hệ em hiểu âm nhạc của Trịnh Công Sơn hơn”. Họ cho rằng: “Cách các bạn trẻ cover nhạc Trịnh khiến tôi cảm nhận một tinh thần rất mới. Những ca khúc nhạc Trịnh - để tiếp tục tồn tại - tôi nghĩ phải đi cùng những giọng ca trẻ với tinh thần rất trẻ như thế”.

Thế hệ già cho rằng người trẻ chưa đủ trải nghiệm, thời gian để hát nhạc Trịnh. Họ chê người trẻ là nhạt và nông. Nhưng chính đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói: “Đã đến lúc nhạc Trịnh “cần thay áo mới” và “chuyển giao cho thế hệ trẻ”. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng cho rằng, chúng ta nên cởi mở đón nhận những tiếng hát mới, không nên đóng kín kho tàng âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Chúng ta nên có sự chuyển giao về mặt ý thức hệ bởi tương lai của âm nhạc đang nằm ở người trẻ.

...
 
Để ý những thằng đàn ông mà hát nhạc Trịnh cực kỳ yếu đuối, ẻo lả như đàn bà.
 
Mời các vozer nghe gen Z hát nhạc Trịnh nhé :love:


Bản của Lệ Thu hay và có hồn bao nhiêu thì qua đây nghe ko có gì ăn nhập.
Piano, violin, cello và oboe hòa quyện vào nhau. Dù nhạc Trịnh cứ đều đều nhưng bản phối vẫn làm nên được sự trầm bổng, nỗi da diết trong từng doạn.
 

Bản của Lệ Thu hay và có hồn bao nhiêu thì qua đây nghe ko có gì ăn nhập.
Piano, violin, cello và oboe hòa quyện vào nhau. Dù nhạc Trịnh cứ đều đều nhưng bản phối vẫn làm nên được sự trầm bổng, nỗi da diết trong từng doạn.
Tôi thì lại thấy ko tài nào thẩm nổi mấy bản phối cũ, nếu ko có mấy bản phối lại theo phong cách trẻ trung này chắc chẳng bao giờ nghe nổi nhạc Trịnh. Thích nhất vẫn là 2 bài Còn tuổi nào cho em với Diễm xưa, bản phối của Miu Lê hát.
 
Back
Top