Nikkei 225 phá kỷ lục: Chương mới trên thị trường chứng khoán Nhật Bản

Bing AI

Senior Member

Kỷ lục của chỉ số Nikkei 225 đã mở ra một chương mới cho chứng khoán Nhật Bản trong bối cảnh các mã cổ phiếu liên quan đến chip tăng mạnh và đồng yen giảm đã góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

Bảng chỉ số chứng khoán tại thành phố Osaka, Nhật Bản ngày 22/2/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Bảng chỉ số chứng khoán tại thành phố Osaka, Nhật Bản ngày 22/2/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
ZaloFacebookTwitterBản inCopy link
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã leo lên mức cao nhất mọi thời đại sau 34 năm chờ đợi, phá vỡ mức kỷ lục đạt được trong thời kỳ bong bóng bất động sản của nước này cuối thập niên 1980.
Đây là “trái ngọt” sau đợt phục hồi kéo dài một năm qua của thị trường chứng khoán Nhật Bản do định giá thấp, cải cách doanh nghiệp và dòng đầu tư chuyển hướng khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Lực đẩy kiến tạo kỷ lục

Chỉ số Nikkei 225 đã liên tục “xô đổ” các mức cao mới và tăng hơn 17% kể từ đầu năm nay, trở thành chỉ số chính có diễn biến tốt nhất thế giới. Mức đóng cửa 39.098 điểm phiên 22/2 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử chỉ số này vượt ngưỡng 39.000 điểm và được nhiều nhà giao dịch mô tả là “mức đóng cửa tâm lý mà mọi người đều khao khát.”
Kỷ lục này đã mở ra một chương mới cho chứng khoán Nhật Bản trong bối cảnh các mã cổ phiếu liên quan đến chip tăng mạnh và đồng yen giảm đã góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng tiền suy yếu sẽ thúc đẩy lợi nhuận của các công ty tập trung vào xuất khẩu, vốn có tỷ trọng lớn trong số các cổ phiếu niêm yết tại thị trường Tokyo. Tiền cũng đổ vào chứng khoán Nhật Bản khi các nhà đầu tư rời khỏi thị trường Trung Quốc, giữa lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng bất động sản và căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu.
Ngoài ra, sự hưng phấn của chứng khoán Nhật Bản còn xuất phát từ làn sóng đầu tư của các hộ gia đình trong nước, tận dụng chương trình trợ cấp tiết kiệm mới của Chính phủ.
Sự bứt phá cuối cùng của chỉ số Nikkei 225 còn được thúc đẩy bởi kết quả kinh doanh ấn tượng từ nhà sản xuất chip Nvidia của Mỹ chỉ sau một đêm. Cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn như Tokyo Electron và Advantest, lực đẩy chính cho chỉ số Nikkei 225 lập đỉnh, tăng lần lượt 4,51% và 5,06%.
Nvidia công bố doanh thu của hãng trong khoảng thời gian từ tháng 11/2023 đến hết tháng 1/2024 tăng hơn gấp 3 lần, lên 22,1 tỷ USD. Trong khi đó, lợi nhuận ròng của hãng tăng hơn 8 lần, đạt 12,3 tỷ USD.
ttxvn_chi_so_chung_khoan_nikkei_cua_nhat_ban_len_muc_cao_nhat_lich_su_2.jpg
Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản ngày 22/2/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Nhà sản xuất chip Mỹ hưởng lợi từ việc nhu cầu đối với chip sử dụng trong trí tuệ nhân tạo tăng mạnh. Dù Nhật Bản vẫn đang tụt lại so với Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc trong việc cung cấp các công nghệ chip trình độ cao, song nhiều công ty Nhật Bản vẫn có thị phần lớn trong nhiều lĩnh vực như kiểm thử thiết bị và sản xuất chất bán dẫn. Chính phủ Nhật đồng thời cũng đang chi hàng tỷ USD cho các chương trình trợ cấp nhằm gia tăng năng lực sản xuất chip nội địa.

Triển vọng lạc quan hơn

Ông Bruce Kirk, chiến lược gia trưởng về chứng khoán Nhật Bản tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, cho biết: “Cuối cùng thì Nhật Bản đã vượt qua được một rào cản cực kỳ quan trọng.”
Ông nói thêm: “Trong hơn 30 năm qua, chứng khoán Nhật Bản liên tục bị đóng khung với kỷ nguyên bong bóng bất động sản tháng 12/1989. Cho dù chỉ số Nikkei 225 có hoạt động tốt như thế nào kể từ khi thị trường chạm đáy, việc vượt khỏi cái khung đó vẫn luôn bị hoài nghi.”
Chỉ số chứng khoán TOPIX - thước đo giá trị chứng khoán trên sàn giao dịch Tokyo- cũng đang tiến gần đến mức đỉnh năm 1989 sau đợt tăng mạnh trong năm nay, nhưng vẫn chưa xác lập được mức cao mới.
Các chiến lược gia tại Bank of America dự báo chỉ số Nikkei 225 sẽ kết thúc năm 2024 ở mức 41.000 điểm, trong khi TOPIX sẽ đạt 2.850 điểm, so với mức cao nhất mọi thời đại hiện là 2.884 điểm.
Ông Tsutomu Yamada, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty chứng khoán Kabukom, có trụ sở tại Tokyo cho biết: “Đối với các nhà giao dịch, kỷ lục mới của chỉ số Nikkei 225 đánh dấu sự xuất hiện của một kỷ nguyên mới. Có cảm giác như thị trường chứng khoán báo hiệu cuối cùng Nhật Bản đã thoát khỏi tình trạng giảm phát và một thế giới mới đã mở ra. So với 34 năm trước, cấu trúc của thị trường chứng khoán Nhật Bản đã hoàn toàn khác. Ngày nay, 39.000 điểm chỉ là một mốc tham chiếu."
Ông Ayako Sera, chiến lược gia thị trường của ngân hàng Sumitomo Mitsui, có trụ sở tại Tokyo, cho rằng "chìa khóa" cho giá cổ phiếu trong thời gian tới là chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ như thế nào nếu ngân hàng này chấm dứt chính sách lãi suất âm. Nếu lãi suất âm được nâng lên 0%, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu.
Trong khi đó, ông Tohru Sasaki, chiến lược gia trưởng tại tập đoàn tài chính Fukuoka cho hay: "Mức đỉnh mới của Nikkei 225 rất ấn tượng và mang tính lịch sử, nhưng về mặt kinh tế, nó không có nhiều ý nghĩa. EPS (lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu) đang tăng do đồng yen yếu và lạm phát. Tôi duy trì quan điểm giảm giá đối với đồng yen. Nếu đồng yen tiếp tục mất giá thì EPS có thể tăng cao hơn nữa và chỉ số Nikkei 225 vẫn còn rất nhiều khả năng tăng điểm."
Ông Richard Kaye, nhà quản lý danh mục đầu tư của tập đoàn quản lý tài sản Comgest (Tokyo), cho rằng: “Nhật Bản có hai điểm khác biệt lớn so với mọi thị trường khác: đồng tiền của nước này đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, ngay cả khi chênh lệch lãi suất với Mỹ đang thu hẹp, và cơ sở nhà đầu tư trong nước của nước này bao gồm một số nhà đầu tư lớn nhất thế giới, nhưng đã đánh giá thấp thị trường của mình một cách đáng kể trong 30 năm qua. Tôi nghĩ cả hai yếu tố đó có thể tạo sức mạnh cho chỉ số Nikkei vượt xa những gì mà giới phân tích dự đoán.”
ttxvn_chi_so_chung_khoan_nikkei_cua_nhat_ban_len_muc_cao_nhat_lich_su_3.jpg
Bảng chỉ số chứng khoán tại thành phố Osaka, Nhật Bản ngày 22/2/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Doanh thu của các công ty Nhật Bản - vốn tăng gần gấp ba lần kể từ kỷ nguyên bong bóng bất động sản- đã tạo thêm động lực cho thị trường chứng khoán khi các cuộc cải cách quản trị trong hơn một thập kỷ rưỡi qua, kể từ khi chỉ số Nikkei 225 chạm đáy vào năm 2009, bắt đầu có kết quả.
Ông Pelham Smithers, một nhà phân tích kỳ cựu về chứng khoán Nhật Bản, cho biết: “Những điều mà các doanh nghiệp đã làm đúng, đó là cải thiện bảng cân đối kế toán, tỷ suất lợi nhuận hoạt động, thì họ vẫn tiếp tục làm đúng. Và những lĩnh vực khác mà họ cần phải làm đúng, chẳng hạn như cải thiện hiệu quả sử dụng tài sản, họ đã bắt đầu đi đúng hướng.”

Mối đe dọa từ những “cơn gió ngược”

Ông Takahide Kiuchi, chuyên gia kinh tế của Viện nghiên cứu Nomura, cho rằng thị trường chứng khoán Nhật Bản vẫn có khả năng phải đối mặt với những “cơn gió ngược.”
Mức tăng lương thấp hơn dự đoán trong đợt đàm phán lương mùa Xuân năm nay, hoài nghi về khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ của BoJ, cũng như sự không chắc chắn trong đường hướng lãi suất của Mỹ đều có thể khiến thị trường đảo chiều.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư vẫn có những lý do để thận trọng. Dòng vốn có thể nhanh chóng chảy trở lại Trung Quốc nếu tâm lý toàn cầu đối với thị trường đó phục hồi và Ấn Độ đang nổi lên như một điểm đến cạnh tranh của các nhà đầu tư toàn cầu.
 
hôm trước có tin kinh tế suy thoái mà chứng lên mạnh vậy
Đọc báo đi anh
"Mức đỉnh mới của Nikkei 225 rất ấn tượng và mang tính lịch sử, nhưng về mặt kinh tế, nó không có nhiều ý nghĩa. EPS (lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu) đang tăng do đồng yen yếu và lạm phát. Tôi duy trì quan điểm giảm giá đối với đồng yen. Nếu đồng yen tiếp tục mất giá thì EPS có thể tăng cao hơn nữa và chỉ số Nikkei 225 vẫn còn rất nhiều khả năng tăng điểm."
 
Back
Top