Quay cuồng với trải nghiệm, dự án, thuyết trình

Masterchiefs

Thành viên tích cực

Những tưởng chương trình phổ thông 2018 đem đến cho học sinh sự giảm tải nhưng chương trình với nhiều môn học ngày càng khiến học sinh quay cuồng trong việc làm bài tập, làm dự án, thuyết trình…

1711514951518.png

Học sinh một trường THCS tại TP.HCM làm rất nhiều sản phẩm như mô hình, poster, áo thun… trong dự án về văn hóa Đông Nam Á - Ảnh: MỸ DUNG

21h thứ sáu ngày 22-3, Thanh Hải, một học sinh lớp 8 tại TP.HCM, vừa bước ra khỏi một trung tâm học thêm toán lên xe để ba chở về. Vừa buồn ngủ, vừa mệt mỏi, Hải gục đầu vào vai ba và không quên nói với ba: "Con ngủ xíu, về đến nhà con còn lên group làm việc nhóm với các bạn".

Làm sản phẩm, dự án tới 1h sáng


Những hình ảnh học đến kín lịch và mệt mỏi như Hải ở TP.HCM, đô thị lớn bậc nhất Việt Nam, là chuyện thường ngày và nhất là từ khi chương trình phổ thông mới 2018 bắt đầu triển khai ở bậc THCS. Nhiều học sinh ca thán các em phải thực hiện cả núi bài tập các loại khi về nhà sau hai buổi học "căng" ở trường.

Hải kể mỗi tuần em chỉ học thêm một buổi toán vào tối thứ sáu, vì em thấy học toán ở trường vẫn không khiến em tăng kiến thức và khả năng giải toán. Còn lại những ngày trong tuần em chủ yếu học và làm bài tập trên lớp nhưng vẫn không đủ thời gian.

Trường THCS công lập nơi Hải theo học bắt đầu điểm danh lúc 7h15 và em sẽ học, ăn, ngủ, chơi tại trường đến khoảng 4h30 mỗi ngày, tùy vào ngày nhiều tiết hay ít tiết học. Sau đó em sẽ về nhà.

Tuy nhiên, lượng bài tập về nhà rất nhiều và dưới nhiều hình thức nên em thường phải vật lộn có khi đến 1h sáng mới xong bài tập.

"Hai tuần qua mấy môn tích hợp liên môn, thầy cô giáo đều cho bài trải nghiệm, đều bắt phải làm sản phẩm. Mấy sản phẩm này thầy cô yêu cầu làm trong hai tuần nhưng do nhiều môn học cộng với bài tập và bài thi giấy vẫn phải hoàn thành nên đến thứ bảy tụi em vẫn chưa xong, cả nhóm bắt đầu cãi nhau loạn xạ" - Hải nói.

Hải cho biết giờ học nhóm của em chiếm gần hết thời gian ít ỏi ở nhà, khiến em phải cuống cuồng nếu không muốn qua ngày hôm sau mới đi ngủ. Hải ví dụ sản phẩm của các em là làm một video về tác dụng của một chất hóa học. Nhưng khi phân công thì đùn đẩy nhau, khi một người đứng ra "gánh team" thì các bạn cùng nhóm lại chê… khiến tiến độ làm bài rất chậm.

Mặc dù đã thực hiện sản phẩm như vậy nhưng các bài tập khác học sinh vẫn phải hoàn thành. "Có hôm 10h30 đêm em và các bạn vẫn ngồi trên máy tính để trao đổi về mấy sản phẩm mà cô giao nhưng các bài toán, văn… giao trên online em vẫn chưa hoàn thành. Hôm đó em làm xong cũng 1h sáng rồi. Sáng hôm sau ba mẹ đánh thức không dậy nổi" - Hải kể.

Đối với những học sinh lớp 9 (năm nay đang theo chương trình cũ 2006), nhưng với xu thế chung, giáo viên cũng giao rất nhiều yêu cầu về thực hiện sản phẩm trải nghiệm, dự án, thuyết trình… khiến không ít học sinh mỗi ngày chỉ ngủ được 4-5 giờ.

Giải pháp cân bằng cho học sinh

Một giáo viên tại TP.HCM cho biết nội dung giáo dục cấp THCS bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; giáo dục công dân; lịch sử và địa lý; khoa học tự nhiên; công nghệ; tin học; giáo dục thể chất; nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật); hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương) và 2 môn học tự chọn (tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2).

"Nói là 12 môn học nhưng các môn liên môn vẫn là 3 môn lý - hóa - sinh; lịch sử và địa lý, như vậy học sinh học đến 15, 16 môn học và điều đáng nói là các em phải oằn mình ra để làm các sản phẩm trải nghiệm, có khi môn chồng môn, khiến các em không còn thời gian để vui chơi, để hoạt động thể chất" - cô giáo này cho biết.

Tương tự, một thầy giáo THCS nhận xét: "Chương trình đòi hỏi việc thuyết trình, dự án, trải nghiệm chồng chất, dồn dập. Học sinh mà làm dự án thấy tội luôn, chạy deadline như người lớn. Nhiều phụ huynh nói với tôi rằng phụ huynh đi ngủ thì đi ngủ chứ trẻ con không dám đi ngủ. Tội nghiệp tụi nhỏ quá".

Tại Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM, để cân bằng cho học sinh theo học chương trình mới, ban giám hiệu nhà trường đưa ra những yêu cầu về việc thực hiện dự án, thuyết trình, trải nghiệm… đối với giáo viên.

"Thứ nhất, ban giám hiệu yêu cầu giáo viên kết hợp liên môn với nhau để học sinh giảm tải việc làm các sản phẩm. Ban giám hiệu họp với giáo viên, yêu cầu giáo viên không phải mạnh ai nấy dạy mà phải hướng đến việc kết hợp để giảm tải cho học sinh. Ví dụ, sản phẩm của bài giáo dục công dân có thể kết hợp với sản phẩm của môn công nghệ để kết hợp các kỹ năng, kiến thức bổ trợ cho nhau mà vẫn đạt được kết quả giáo dục.

Thứ hai, trường cũng yêu cầu giáo viên không được trong một học kỳ mà kiểm tra đánh giá bằng sản phẩm hết mà phải chia theo học kỳ, ví dụ môn học này làm sản phẩm ở học kỳ I thì môn học khác kiểm tra đánh giá bằng hình thức khác ở học kỳ I. Ở học kỳ II thì đảo ngược lại.

Thứ ba, trường cũng yêu cầu giáo viên thực hiện các bài sản phẩm này được trên lớp thì tốt nhất và nghĩ đến hướng thực hiện các dự án, sản phẩm… trên lớp để về nhà học sinh có thể làm việc khác" - cô Nguyễn Đoan Trang, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM, nói.

.................
 
Back
Top