Thăm dấu xưa thi sĩ Hàn Mạc Tử

Dasein

Senior Member
Bệnh viện Phong Quy Hòa (còn gọi là trại phong hay làng phong Quy Hòa, tỉnh Bình Định) vẫn còn giữ nguyên căn phòng Hàn Mạc Tử từng ở trước khi thi sĩ qua đời 83 năm trước. Trong phòng còn chiếc giường, manh chiếu cói, những tập thơ, bút tích của thi sĩ tài hoa cùng nhiều câu chuyện xưa cũ...


Phòng lưu niệm nhà thơ Hàn Mạc Tử với nhiều đồ vật, bút tích được lưu giữ vẹn nguyên


Phòng lưu niệm nhà thơ Hàn Mạc Tử với nhiều đồ vật, bút tích được lưu giữ vẹn nguyên
Trại phong năm nào giờ thành nơi thu hút du khách
Khác với thời điểm khi mới bắt đầu thành lập trại phong vào những năm 20 của thế kỷ XX, khi đó, trại phong dường như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, chẳng mấy ai muốn lai vãng đến trừ các linh mục, nữ tu và những người điều trị bệnh phong. Còn hiện nay, khu vực trại phong năm nào có khung cảnh thơ mộng, kiến trúc độc đáo cùng nhiều câu chuyện thú vị mà đặc biệt là câu chuyện về bút tích cuối đời của thi sĩ “bán trăng” đã trở thành điểm thu hút với du khách gần, xa.
Đến dạo mát vào một buổi sáng nắng rực rỡ thật sự cảm thấy yêu thích không khí trong lành nơi đây. Các lối nhỏ dọc ngang cùng những đường nội vi ở trại phong rợp bóng dừa tĩnh lặng, dịu êm trong làn gió biển và tiếng sóng vỗ,... Tổng thể nơi đây không chỉ có khu điều trị dành cho riêng bệnh nhân phong mà còn có một nhà thờ nhỏ, một tu viện, nhà lưu niệm nhà thơ Hàn Màn Tử và nhà của nhiều bệnh nhân phong,...

Phòng lưu niệm nhà thơ Hàn Mạc Tử với nhiều đồ vật, bút tích được lưu giữ vẹn nguyên


Nhiều đồ vật, bút tích được lưu giữ vẹn nguyên
Ký ức xưa ghi lại, trại phong Quy Hòa được thành lập năm 1929 do cha Paul Maheu và bác sĩ Le Moine (là người đứng đầu ngành Y tế Quy Nhơn bấy giờ). Theo nhiều ghi chép, khoảng năm 1920, linh mục Paul Maheu (1869-1931) đã tìm ra vùng đất yên bình, vắng lặng Quy Hòa, cách Quy Nhơn khoảng 5km. Chính không gian tách biệt với thế giới bên ngoài cùng bầu không khí thoáng đãng của vị trí này là lý do để cố linh mục Paul Maheu chọn xây dựng khu điều trị bệnh phong và sau này cũng thành nơi sinh sống của gia đình các bệnh nhân. Trại phong từ năm 1932 bắt đầu được các nữ tu người Pháp quản lý và xây dựng nhiều công trình nhà thờ, nhà ở, đường sá, bệnh viện,… mà đến nay vẫn được sử dụng.
Nếu quan sát kỹ có thể thấy, dường như khi xây dựng, mọi thứ đều được tính toán rất kỹ lưỡng để phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Sàn ở khu điều trị, nhà ở được lát gạch, thang có ít bậc, lối đi rộng rãi và đặc biệt không có hàng rào. Tất cả để hỗ trợ những bệnh nhân nặng với nhiều dị tật cơ thể. Các khu vực chung đều bố trí những hàng ghế, bóng cây và những khu vực như công viên nhỏ để hóng mát vì người sống trong viện chẳng mấy khi bước chân khỏi đây. Người bệnh có thể đi lại dễ dàng và mở cửa ngồi trước phòng, nhìn ra những khoảng sân rộng mát.
Gian phòng nhỏ - nơi lưu niệm thi sĩ tài hoa, bạc mệnh
Giữa làng phong còn có một gian nhà được giữ thành nhà lưu niệm của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Người ta gọi thi sĩ là cư dân danh tiếng ở đây. Căn phòng nhỏ, chỉ khoảng 25m2, chia làm 2 gian chính là nơi thi sĩ đến điều trị vào năm 1940 khi bệnh đã chuyển nặng. Ông mang số bệnh nhân 1.134 và có thời gian ở đây hơn 2 tháng để điều trị, nghỉ dưỡng. Trước căn nhà nhỏ mái ngói đề bảng “Phòng lưu niệm nhà thơ Hàn Mạc Tử” là nơi ông nằm chữa bệnh và mất ngày 11/11/1940. Căn phòng nhỏ này mở cửa tự do cho mọi người tham quan, tìm hiểu và hình dung nơi thi sĩ lưu lại thời gian cuối đời. Bộ bàn gỗ tiếp khách, chiếc giường đơn đặt gần cửa sổ nhìn ra khoảng trời rộng, chiếc tủ gỗ giản đơn,... Tất cả vẫn được giữ nguyên như ngày nào. Bên trong phòng treo rất nhiều khung hình là các bài thơ, hình ảnh, câu nói về thi sĩ. Một số bút tích của nhà thơ vẫn được lưu giữ cẩn thận trong lồng kính, treo trên tường nhà. Trong đó có 4 câu thơ trong bài Lang thang của ông:
Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói?
Gió trăng có sẵn làm sao ăn?
Làm sao giết được người trong mộng?
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng?
Gian phòng nhỏ còn cột tấm bảng gỗ treo ngay trên bức tượng bán thân của ông khắc dòng chữ “Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử” của nhà thơ Chế Lan Viên, trích trong Những kỷ niệm về Hàn Mạc Tử đăng trên Báo Người Mới số 5, phát hành ngày 23/11/1940. Căn phòng chỉ đơn giản thế thôi!

Mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử được cải táng về đồi Thi Nhân vào năm 1959


Mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử được cải táng về đồi Thi Nhân vào năm 1959
Phòng lưu niệm này không nằm gần mộ Hàn Mạc Tử trên đồi Thi Nhân hiện nay nhưng gần với mộ ban đầu của nhà thơ. Mộ cũ của nhà thơ hiện còn trong khuôn viên trại phong, gần khu vườn tượng danh nhân y học. Còn nhớ, trong cuốn Hàn Mạc Tử xuất bản năm 1941, Trần Thanh Mại viết: “Mộ Hàn Mạc Tử chỉ có một chiếc thập tự làm bằng hai que củi đóng một cái đinh ở giữa. Mười tháng sau khi thi sĩ mất, chiếc thánh giá đỡ đầu cho mộ chàng đã sụp đổ...”.
Sau khi an táng ở vị trí này, nhà thơ đã nằm ở đây 19 năm, trước khi được gia đình và người bạn, nhà thơ Quách Tấn cải táng về đồi Thi Nhân vào năm 1959. Trên mộ cũ của ông có dựng đài tưởng niệm hình cây bút, quyển sách để thương tiếc, tưởng nhớ một tài năng bạc mệnh...
Trại phong nằm khá tách biệt như đã nói, tuy nhiên, sự tách biệt này tạo cho nơi đây bầu không khí yên ả đặc biệt. Và chỉ cần đi ngược trở ra qua hai, ba lần cua dốc chừng 4km, tới cổng Khu di tích Ghềnh Ráng, du khách có thể đến đồi Thi Nhân, còn có dốc Mộng Cầm được đặt theo tên một trong những nàng thơ của Hàn Mạc Tử. Nơi đây chính là nơi đặt mộ thi sĩ. Qua dốc Mộng Cầm và đi bộ lên những bậc tam cấp bằng đá, với 2 hàng cau cao phủ bóng mát là gặp mộ Hàn Mạc Tử. Ngôi mộ được thiết kế đơn giản, với những biểu tượng của Công giáo do nhà thơ theo đạo vào năm cuối đời. Dưới chân tượng khắc dòng chữ: “Nơi đây yên nghỉ trong tay mẹ Maria Hàn Mặc Tử tức Phêrôphanxico Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/9/1912 tại Lệ Mỹ, Quảng Bình, tử ngày 11/11/1940 tại Quy Hòa, Quy Nhơn”.
Không gian nơi này rất thoáng đãng, khách du lịch tham quan, thắp nén nhang tưởng nhớ thi sĩ tài hoa, bạc mệnh./.
Thăm dấu xưa thi sĩ Hàn Mạc Tử (https://baolongan.vn/tham-dau-xua-thi-si-han-mac-tu-a166114.html)
 
tôi đã đi QN và ghé thăm đây.
cảnh rất đìu hiu và buồn bã, cái buồn man mát như tâm trạng anh Trí vậy
vì ghé qua nơi đây mà tôi còn định sau này định cư ở QN
aM9xHOy.png
 
HMT và Vũ Trọng Phụng đều tài hoa mệnh yểu, mình tài hoa thì không có nhưng tương lai mệnh cũng yểu.
DR5suvO.gif

"Thiên Không ngộ với Đào Hoa
Cầm kỳ thi họa, tài ba tuyệt vời
Cơ mưu quyền biến hơn người
Ngàn năm bạc phận là đời tài hoa."
 
MẾN CẢNH XUÂN

Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.

Ðọc ngược bài gốc từ dưới lên:
Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.
 
Back
Top